Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             


ĐI TÌM MỘT NỬA TIÊN RỒNG:
NGUỒN GỐC CHIM TIÊN – LƯỢC SỬ TỘC VIỆT




R ồng và Tiên là hai vật Tổ trong nền văn hóa lưỡng hợp Tiên – Rồng của người Việt, là những loài vật có nguồn gốc từ văn hóa Đông Á cổ. Khi cộng đồng tộc Việt hình thành, thì các hình tượng Rồng và chim Tiên đã được sử dụng làm vật Tổ của chung cộng đồng tộc Việt. Chim Tiên ở đây chính là chim Phượng Hoàng trong văn hóa Á Đông, về lý do tại sao chúng tôi chọn gọi Phượng Hoàng là chim Tiên, chúng tôi sẽ trình bày với bạn đọc ở các phần sau.

Nguồn gốc của chim Tiên chúng ta có thể truy sâu hơn trong các văn hóa cổ trong vùng Đông Á, trong đó bao gồm hai địa bàn chính là vùng đồng bằng sông Dương Tử và đồng bằng sông Hoàng Hà. Chim Tiên có một quá trình phát triển lâu dài và có tính kế thừa, thay đổi qua từng giai đoạn, qua các tài liệu khảo cổ, chúng ta sẽ thấy được sự thay đổi và kế thừa này.

I. Nguồn gốc của chim Tiên:

Chim Phượng Hoàng trong văn hóa Đông Á là một hình tượng rất nổi tiếng, chúng ta đều biết rằng đây là một hình tượng thiên văn không có thực, là loài chim xuất hiện trong trí tưởng tượng của người Đông Á cổ dựa trên những quan sát lâu dài về thiên văn [1]. Vì là hình tượng thiên văn, không có trong thực tế, nên người Đông Á cổ đã dựa vào hình dáng của một số loài chim trong vùng Á Đông để sáng tạo nên loài chim Phượng Hoàng, chính vì vậy, qua từng giai đoạn, chim Phượng Hoàng sẽ có sự thay đổi về hình dáng, chứ không nhất định duy trì một hình dáng qua tất cả các giai đoạn.

Về tên gọi của loài chim này, chúng tôi muốn đề xuất tới bạn đọc về cách gọi chim Tiên, đây là ý tưởng của chúng tôi khi chúng tôi nhận thấy tên gọi Phượng Hoàng xuất hiện khá muộn trong lịch sử, được người Hoa Hạ đặt ra vào thời nhà Hán, với ý tưởng cho rằng loài chim này phân thành hai giới tính là đực và cái. Qua nghiên cứu về nguồn gốc người Việt và nguồn gốc cái tên Phượng Hoàng, chúng tôi cho rằng chim Tổ của người Việt có một tên gọi khác trước đó, chúng tôi dựa vào truyện họ Hồng Bàng và ý thức Tiên – Rồng để gọi nó là chim Tiên.

“Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất” [2]

Từ câu chuyện này, chúng ta thấy được “loài rồng” và “giống tiên” là hai khái niệm tương đương nhau, đều chỉ những loài vật trong huyền thoại, người Việt cũng tự nhận mình là “con Rồng cháu Tiên”, cũng bao hàm hai khái niệm về hai loài vật thần thoại đó. Chúng tôi sẽ trình bày với bạn đọc thêm thông tin về sự hiện diện của văn hóa Rồng Tiên trong văn hóa tộc Việt tại vùng Dương Tử. Chính vì vậy, việc gọi loài chim này là chim Tiên sẽ có sự chính xác và cũng gần gũi hơn với văn hóa của người Việt, hơn là cách gọi Phượng Hoàng.

Chim Tiên là một hình tượng thần thoại, đại diện cho những ý thức văn hóa quan trọng: cùng với Rồng, chim Tiên là sứ giả dẫn linh hồn con người lên thiên đường, là biểu trưng cho cái đẹp và cao quý, chính vì vậy trong văn hóa Đông Á cổ, chim Tiên và Rồng chỉ được sử dụng cho các tầng lớp quý tộc trong xã hội của người Đông Á cổ thời kỳ mới xuất hiện.

II. Hình tượng chim Tiên trong văn hóa Đông Á cổ và văn hóa tộc Việt:

1. Những hình tượng chim Tiên trong văn hóa Đông Á cổ:

Đầu tiên cần nói qua một chút, đó là các văn hóa Đông Á cổ chưa phân dân tộc, nên các văn hóa mà chúng tôi sẽ đề cập để tìm hiểu nguồn gốc chim Tiên, không phải là văn hóa của người Hoa Hạ, người Hoa Hạ có nguồn gốc chính ở văn hóa Ngưỡng Thiều, các văn hóa phía Đông thì cư dân đa phần đã di cư về phía Nam để hình thành cộng đồng tộc Việt, nên những di sản tại văn hóa Hồng Sơn, Đại Vấn Khẩu có thể nói là tiền thân của cộng đồng tộc Việt.

Chim Tiên xuất hiện sớm nhất trong văn hóa Đông Á cổ là từ vùng trung lưu Dương Tử, với văn hóa Cao Miếu (Gaomiao) tại tỉnh Hồ Nam, có niên đại vào khoảng 7400 năm trước, vùng trung lưu Dương Tử chính là trung tâm hình thành tộc Việt nhóm Nam Á. Từ văn hóa này, thì chim Tiên đã lan tỏa sang các vùng khác, trong đó sớm nhất là văn hóa Hà Mẫu Độ, với niên đại muộn hơn khoảng 300 năm so với chim Tiên tìm thấy tại văn hóa Cao Miếu.

Hình tượng Phượng Hoàng trên các đồ gốm của văn hóa Cao Miếu. [3]

W020181018517793962822 (3)

Hình tượng chim Tiên được khắc trên đồ gốm tại văn hóa Cao Miếu, Hồ Nam [Nguồn: Viện khảo cổ học Trung Quốc, dẫn]

Tại văn hóa Hà Mẫu Độ cũng đã tìm thấy di vật bằng gỗ khắc họa các hình tượng chim Tiên chầu Thái cực.

1f8a04c0ecdb11e59ea500163e024754

Hình tượng chim Tiên trên các mảnh gỗ thuộc văn hóa Hà Mẫu Độ. [Nguồn: Bảo tàng Chiết Giang, dẫn]

Tại vùng Đông Bắc Đông Á, với văn hóa Hồng Sơn, cũng đã tìm thấy mảnh ngọc chim Tiên và hiện vật bằng gốm được tạo tác với hình tượng chim Tiên có niên đại vào khoảng 7000 năm trước.

Ngọc chim Tiên văn hóa Hồng Sơn. [Nguồn: dẫn]

Bát gốm với hình Phượng Hoàng tại văn hóa Hồng Sơn. [Nguồn: dẫn]

2. Hình tượng Tiên – Rồng và sự hình thành tộc Việt:

Cộng đồng tộc Việt đã hình thành tại vùng Dương Tử, với sự di cư về phía Nam của cư dân văn hóa Hồng Sơn và Đại Vấn Khẩu, nghiên cứu di truyền học cũng cho chúng ta thấy thành phần gen của người Việt và người Dai, các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt, có thành phần gen của cư dân tại hang Devil’s Gate ở vùng Siberia, nước Nga.

Gen người Việt và người Dai ngày nay có tỉ lệ: 60% gen Dương Tử, 30% gen Bắc Á (Devil’s Gate), và 10% gen Hòa Bình cổ. [4]

Tại vùng Dương Tử, chính là nơi hình thành cộng đồng tộc Việt, với ý thức văn hóa Tiên Rồng, là sự hòa hợp của hai nhóm dân cư phía Bắc Đông Á và vùng Dương Tử. Tên gọi Việt của người Việt có thể nhận diện sự phát triển liên tục từ các văn hóa Đại Vấn Khẩu, Lương Chử tới Thạch Gia Hà và Đông Sơn.

Tên Việt của cộng đồng Việt có nguồn gốc từ hình ảnh chiếc rìu của văn hóa Đại Vấn Khẩu và Lương Chử, sau đó được cư dân văn hóa Thạch Gia Hà kế thừa, phát triển thành hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu, đội mũ lông chim (số 15, hình dưới) trên bình gốm trong ngôi mộ của một thủ lĩnh văn hóa Thạch Gia Hà (hình ảnh này sau đó đã được kế thừa trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn, rất phổ biến hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu tương tự văn hóa Thạch Gia Hà). Chữ Việt được phát triển lên từ hình ảnh đó. Ý nghĩa biểu tượng người cầm rìu ngọc là vượt lên trên (người khác), giống với ý nghĩa chữ Việt (vượt) ngày nay chúng ta đang dùng. Tên “Việt” theo nghĩa thông thường là tộc những người sử dụng rìu lễ khí và biểu thị quyền lực, nghĩa bóng là vượt qua.

Biểu tượng Việt và chữ Việt theo thời gian. 1-2: Biểu tượng Việt (rìu ngọc) ở văn hóa Đại Vấn Khẩu [5]. 3-6: biểu tượng ngôi sao 8 cánh, rìu ngọc, hình chữ nhật có đường chéo, hình mũi tên trên bình gồm của văn hóa Lương Chử [6]. 7-10: chữ Việt (nghĩa là cái rìu, búa) ở dạng giáp cốt văn, kim văn, triện văn, khải thư [7]. 11-14: chữ Việt (vượt qua, nước Việt…) ở dạng kim văn (11-12), triện văn, khải thư [8]. 15: Bình gốm có khắc biểu tượng thủ lĩnh cầm rìu [9]. 16: Hình người cầm rìu trên trống đồng Miếu Môn [10]. [11]

Trong vùng trung lưu Dương Tử, cũng là không gian diễn ra huyền sử Hồng Bàng với sự hợp nhất của hai nhóm dân bắc và nam Đông Á, đã tìm thấy những miếng ngọc Rồng và chim Tiên.

Ngọc chim Tiên (Phượng Hoàng) và Rồng thời văn hóa Thạch Gia Hà. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, dẫn]

Từ đó chúng ta thấy được tiến trình phát triển của chim Tiên trong văn hóa Đông Á cổ, các cư dân văn hóa Đông Á cổ đã sáng tạo nên hình tượng chim Tiên, sau đó tộc Việt đã kế thừa, hình thành tộc Việt với văn hóa lưỡng hợp Tiên – Rồng, là hai loài vật huyền thoại quan trọng nhất của văn hóa Đông Á cổ. Tới thời kỳ đồ đồng, thì người Việt vẫn tiếp tục kế thừa hình tượng chim Tiên sau khi di cư về miền Bắc Việt Nam.

III. Hình tượng chim Tiên trong thời kỳ đồ đồng:

Thông qua các nghiên cứu di truyền, chúng ta đã biết được người Việt có nguồn gốc trực tiếp từ các văn hóa trong vùng Dương Tử [12][13], họ di cư về Việt Nam trong khoảng 4000 năm trước, hình thành văn hóa Phùng Nguyên, sau đó tiếp tục kế thừa, di cư và phát triển lên văn hóa Đông Sơn. Chính vì vậy, chúng ta phải truy nguyên nguồn gốc của các biểu tượng văn hóa trong văn hóa Đông Sơn về các văn hóa trong vùng Dương Tử, xác định tính kế thừa và phát triển từ các văn hóa cổ Đông Á, chứ không phải các văn hóa tại miền Bắc Việt Nam như giả thuyết về nguồn gốc bản địa của các nhà nghiên cứu Việt Nam.

Thời kỳ văn hóa Đông Sơn, có hình tượng rất quen thuộc mà chúng ta vẫn gọi là chim Lạc, được coi là vật Tổ, nhưng có lẽ không ai biết đây là loài chim gì, có nguồn gốc từ đâu? “Chim Lạc” là khái niệm lần đầu tiên được gọi bởi học giả Đào Duy Anh, ông cũng là người đề xuất thuyết chim Lạc và người Lạc Việt, theo đó người Việt có nguồn gốc từ vùng Giang Nam theo gió mùa di cư về Việt Nam, có chim Lạc là vật Tổ [14]. Tuy nhiên giả thuyết này thiếu các cơ sở khoa học để chứng minh, cuộc di cư của người Việt đã diễn ra từ khoảng 4000 năm trước, chứ không phải chỉ ở thời kỳ đồ đồng. Từ các nghiên cứu di truyền về các dòng di cư, nguồn gốc của người Việt, chúng ta có thể xác định về sự kế thừa và phát triển của hình tượng chim Tiên là liên tục, chắc chắn sẽ có sự kế thừa trong văn hóa Đông Sơn, vấn đề chỉ là chúng ta có nhận diện được hình tượng đó trong văn hóa Đông Sơn hay không.

“Chim Lạc” trong văn hóa Đông Sơn được khắc họa rất nhiều trên các trống đồng Đông Sơn, chúng ta có thể bắt gặp hình tượng này trên hầu khắp các mặt trống đồng, hầu như tất cả các trống lớn nhỏ đều có sự xuất hiện của “chim Lạc”. Tại sao chúng lại xuất hiện một tần suất đặc biệt dày như vậy trên trống đồng Đông Sơn, nếu nó không phải là vật Tổ và có ý nghĩa quan trọng đối với người Việt? Với giả thuyết bản địa, phát triển tại chỗ, chúng ta cũng không thể xác định nguồn gốc của “chim Lạc” là từ đâu, có nguyên mẫu là từ loài chim nào, việc truy nguyên nguồn gốc của “chim Lạc” trong các văn hóa tiền sử ở Việt Nam là hầu như vô vọng. Chắc chắn đây không thể là loài chim đơn thuần, được đưa một cách ngẫu nhiên lên trống đồng từ một loài chim ngoài đời thực, bên cạnh đó nó cần có một quá trình dài phát triển trước khi hình thành nên hình tượng ước lệ có tính nghệ thuật cao như vậy trên các trống đồng Đông Sơn. Nếu quan sát kỹ hơn, chúng ta sẽ nhận thấy người Việt luôn luôn vẽ mào cho “chim Lạc”, đây chính là một đặc trưng quan trọng của chim Tiên trong văn hóa Đông Á cổ.

Chim Tiên (Phượng Hoàng) thời văn hóa Đông Sơn được chuyển đổi theo dáng thân dài, mỏ dài, tuy vậy cái mào vẫn rất đặc trưng. [15]

Quan sát trên các trống đồng Đông Sơn, chúng ta thấy được rằng có những trống đồng Đông Sơn chỉ tồn tại duy nhất hình tượng chim Tiên bay quanh Mặt Trời, đây là các trống chiếm đa số trong các trống đồng Đông Sơn được tìm thấy, chứng tỏ chim Tiên và Mặt Trời là hai ý thức văn hóa quan trọng nhất của người Việt.

Rất nhiều trống Đông Sơn chỉ có duy nhất hình ảnh chim Tiên bay quanh mặt trời. Các trống đồng Đông Sơn muộn cũng được trang trí hình ảnh chim Tiên với tần xuất khá dày. [16]

Từ sự kế thừa văn hóa từ các dòng di cư, cùng với đặc trưng rất khó lẫn và sự xuất hiện với tần suất dày và thường xuyên trên trống đồng Đông Sơn, chúng ta có đủ cơ sở để cho rằng hình tượng “chim Lạc” chính là hình tượng chim Tiên, hay hình tượng Phượng Hoàng theo cách gọi của người Hoa Hạ. Bên cạnh đó cũng có nhiều cơ sở hỗ trợ cho giả thuyết này cho chúng tôi.

Thật may mắn, vì chúng tôi đã tìm được sự biến đổi tương tự trong văn hóa Hoa Hạ về hình tượng Phượng Hoàng, Phượng Hoàng của họ tới thời nhà Sở cũng đã biến đổi theo hình dáng thân dài, mỏ dài, chân dài, nhưng vẫn giữ đặc điểm cái mào phía sau đầu quen thuộc, tương tự như sự biến đổi của người Việt trong thời văn hóa Đông Sơn.

Tranh cổ của mộ Sở tại Trường Sa tương ứng với sự hay đổi hình tượng của chim Tiên trong văn hóa Việt. [Nguồn: bảo tàng tỉnh Hồ Nam, dẫn]

Bên cạnh đó, tranh lụa nhà Tây Hán cũng cho thấy hình tượng chim Phượng Hoàng có thân dài, chân dài mỏ dài tương tự như chim Tiên của người Việt.

Chim Phượng Hoàng trên tranh lụa thời Tây Hán. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hà Nam, dẫn]

Trên cổ vật bằng đồng của văn hóa Hoa Hạ thời Tây Hán cũng có khắc họa hình tượng chim Phượng Hoàng tương tự như hình tượng chim Tiên của người Việt, thể hiện sự biến đổi hình dáng theo hướng thân dài, mỏ dài, nhưng có niên đại muộn hơn so với trống đồng Đông Sơn.

Lẫy nỏ đồng thời Tây Hán có khắc họa hình tượng chim Phượng Hoàng thể hiện sự biến đổi hình dáng như trong văn hóa tộc Việt. [Nguồn: Bảo Tàng Nam Kinh, đăng lại trên Chinese Online Museum, dẫn]

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có bằng chứng từ văn hóa Điền Việt, văn hóa ruột thịt của văn hóa Đông Sơn, với trường phái tả thực hình tượng chim Tiên trên trống đồng, cũng hỗ trợ cho quan điểm loài chim được khắc trên trống đồng là chim Tiên, hay chim Phượng Hoàng trong văn hóa Hoa Hạ.

phượng

Chim Tiên hay Phượng Hoàng xuất hiện trên trống đồng Điền Việt. [17]

Từ những cơ sở, bằng chứng và lập luận ở trên, chúng ta có đủ cơ sở để kết luận rằng hình tượng “chim Lạc” xuất hiện trên các trống đồng Đông Sơn chính là hình tượng chim Tiên, có nguồn gốc từ văn hóa Đông Á cổ đại, người Việt đã kế thừa trực tiếp từ các văn hóa trong vùng Dương Tử, vẫn giữ ý thức quan trọng về văn hóa vật Tổ lưỡng hợp Tiên – Rồng. Và trên một số trống đồng và đồ đồng, chúng ta cũng thấy được sự hiện diện của cả chim Tiên và Rồng.

Hình tượng Rồng và chim Tiên được thể hiện trên trống đồng Phú Xuyên. [16]

Chim Tiên và Rồng còn được khắc hoạt một cách cô đọng và đơn giản hóa hơn nữa, với cổ vật mũi lao lễ khí bằng đồng được khắc họa cả chim Tiên lẫn Rồng.

Hình tượng chim Tiên và Rồng kép được thể hiện trên chiếc mũi giáo đồng Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, chụp bởi Thierry Ollivier, dẫn]

Không chỉ như vậy, trên hầu hết các thuyền rồng trên trống và thạp đồng, chúng ta đều thấy sự hiện diện của hình ảnh chim Tiên bay vào đầu thuyền Rồng, là một hình tượng có ý nghĩa văn hóa vô cùng quan trọng đối với người Việt.

IMG.222 (1)

Hình ảnh chim Tiên bay vào đầu Rồng trên các hình họa trống đồng Đông Sơn.

Chúng ta có thể kết luận rằng hình tượng chim Lạc được học giả Đào Duy Anh đề xuất chính là hình tượng chim Tiên, hay chim Phượng Hoàng trong văn hóa Đông Á cổ, không phải là một loài chim bất kỳ nào đó được người xưa đưa lên trống đồng, việc truy nguyên nguồn gốc của chim Tiên cần có sự xác định thông qua nghiên cứu khoa học về di cư và nguồn gốc các văn hóa. Với các nghiên cứu di truyền, chúng ta biết được “chim Lạc” chính là chim Tiên, hay Phượng Hoàng của văn hóa Đông Á cổ đại.

IV. Các hình tượng thực tế của chim Tiên:

Chim Tiên có nguồn gốc từ thiên văn như chúng tôi đã đề cập, vì chúng không có thật, nên người xưa phải dựa vào các loài vật trong đời thật để hình tượng hóa chúng. Hiện tại vẫn có những loài chim có thể là cơ sở để người xưa phác hoạ nên hình dáng của chim Tiên.

Trong giai đoạn đầu, thì có lẽ người Đông Á cổ đã dựa vào hình dáng của loài chim Trĩ, xuất hiện trong vùng Đông Á cổ đại, có một vai trò rất quan trọng trong văn hóa và lịch sử Đông Á. Chim Trĩ xuất hiện trong một địa bàn rất rộng trong vùng bắc Đông Á, vùng Dương Tử và Đông Nam Á.

Chim trĩ vàng tại Trung Quốc. [Nguồn: dẫn]

Tới thời kỳ đồ đồng, thì hình tượng chim Tiên có sự thay đổi khá lớn, khi hình dáng trở nên dài và thon gọn hơn. Hiện tại chúng ta có thể tìm thấy chim Hồng Hoàng có vùng phân bố trong vùng nam Đông Á, Việt Nam và Đông Nam Á có hình dáng tương đồng với chim Tiên được khắc họa trên trống đồng Đông Sơn. Hiện tại vẫn có thể thấy sự hiện diện của loài chim này tại Việt Nam.

Chim Hồng Hoàng tại Việt Nam. [Nguồn: dẫn]

Đây có thể là những hình tượng thực tế gần nhất, là nguồn cảm hứng để người cổ Đông Á và người Việt tạo thành hình tượng chim Tiên trong thời văn hóa Đông Á cổ và văn hóa Đông Sơn.

V. Hình tượng chim Phượng Hoàng trong các văn hóa Hoa Hạ:

Phượng Hoàng của các văn hóa các triều đại Hoa Hạ cũng có sự khác biệt rất cơ bản với văn hóa tộc Việt trong giai đoạn trước khi chúng biến đổi rõ rệt về hình dáng cùng thời điểm trong văn hóa tộc Việt và văn hóa Hoa Hạ.

phượng hoàng chu

Phượng Hoàng nhà Chu. [Bảo tàng tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, dẫn]

VI. Kết luận:

Từ những khảo cứu mà chúng tôi đã tiến hành ở trên, chúng ta đã thấy được nguồn gốc của loài chim Tiên trong văn hóa Đông Á cổ, người Việt thời đồ đồng đã tiếp tục kế thừa hình tượng chim Tiên và biến đổi về hình dáng để trở thành loài chim được gọi là “chim Lạc” quen thuộc với người Việt trong văn hóa Đông Sơn. Cùng với Rồng, chim Tiên là hình tượng rất quan trọng trong văn hóa tộc Việt, là biểu tượng về sự thống nhất văn hóa và dân tộc tính, là những biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức của người Việt, người Việt luôn tự hào mình là “con Rồng cháu Tiên” là một sự kế thừa ký ức về văn hóa cổ xưa của dân tộc.

Xin chân thành càm ơn các tư liệu của tác giả Hoàng Nguyễn đã giúp chúng tôi hoàn thành bài viết này.

Tài liệu tham khảo:

[1] 李宝宗 Li Baozong, 飞龙在天——仰韶文化庙底沟类型“鸟龙”纹彩陶盆的天文考古学解读, Rồng bay trên bầu trời: Diễn giải thiên văn và khảo cổ học về lưu vực gốm vẽ “Chim và Rồng” ở Đền Digou thuộc Văn hóa Ngưỡng Thiều. https://hunan.voc.com.cn/article/202101/202101040943528487.html
[2] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, bản dịch Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí (1960).
[3] Li Zhenhao 李振豪. Nghiên cứu về sự thờ cúng Mặt trời thời đồ đá mới ở vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử 长江中下游新石器时代太阳崇拜研究[D]. Đại học Sư phạm Trùng Khánh 重庆师范大学,2018. 
[4] Zi-Yang Xia, Shi Yan, Chuan-Chao Wang, Hong-Xiang Zheng, et al. (2019) Inland-coastal bifurcation of southern East Asians revealed by Hmong-Mien genomic history
[5] Paola Demattè (2010). The Origins of Chinese Writing: the Neolithic Evidence. Cambridge Archaeological Journal;20(2):211-28.
[6] Chunfeng Zhang (2019). On determining the nature of Liangzhu 良渚 symbols. Journal of Chinese Writing Systems;3(2):121-8.
[7] Richard Sears. Các kiểu chữ Việt 戉. https://hanziyuan.net/#%E6%88%89.
[8] Richard Sears. Các kiểu chữ Việt 越. https://hanziyuan.net/#越.
[9] Đội khảo cổ Thạch Gia Hà 石家河考古队 (1999). Tiêu Gia Ốc Tích 肖家屋脊: Nhà xuất bản Văn Vật 文物出版社.
[10] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.
[11] Hoàng Nguyễn, Văn hóa Thạch Gia Hà và nguồn gốc dân tộc Việt. https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10162414047920526&id=519710525
[12] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution. https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099
[13] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92. https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88
[14] Đào Duy Anh, Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Nhà xuất bản Thế Giới, 1950, tr. 46.
[15] Nguyễn Du Chi, 2003, Hoa Văn Việt Nam, từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến, Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội.
[16] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.
[17] Minghua,, Xiao. “Bronze Cowry-containers of the Dian Culture” Chinese Archaeology, vol. 6, no. 1, 2006, pp. 168-173. https://doi.org/10.1515/CHAR.2006.6.1.168




VVM.05.01.2024 - Lược Sử Tộc Việt . Tôn Bùi minh họa .

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .