Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



TRƯỜNG PHÁI LÃNG MẠN

CHỦ NGHĨA HAY TRƯỜNG PHÁI
‘VĂN HỌC LÃNG MẠN’


      

"L ãng Mạn" có nghĩa tuôn tràn ra như sóng. ‘Tuôn tràn’ gì ? Thường chúng ta hiểu là để tình cảm, để cái ‘Tôi’ nơi mình tuôn tràn tự do, không cản ngăn, không e ngại, không tìm cách giới hạn mọi cảm xúc, cảm hứng. Hiểu chung chung như thế, có thể chưa hẳn đúng với chủ trương của Chủ nghĩa hay Trường phái Văn học Lãng mạn (romantisme). Cái ‘Tôi’ nơi chủ nghĩa hay trường phái lãng mạn không hẳn là ‘cái tôi cá nhân, cái tôi ích kỷ, cái tôi bé bỏng’ (le moi individuel, le moi égoiste, le petit-moi) mà nên hiểu dấy là ‘cái tôi tha ngã, cái tôi hợp ngã, cái ngã-vô-ngã’ (le moi-toi, le moi-nous, le moi-non-moi), cái ‘Tôi’ mở phơi, giải tỏa, cái ‘Tôi’ hoà đồng với tha nhân, với xã hội, với vũ trụ, với ‘đức tin’ vào một ý nghĩa cuối cùng của vạn hữu, đặc biệt của cuộc sống con người.

Cái ‘Tôi’ nơi thơ văn lãng mạn không là ‘cái tôi trưởng giả, cái tôi vô sản’ (le moi-bourgeois, le moi-prolétarien) khuôn biệt nơi một vị thế nào đó mà là một ‘tổng hòa’ của ba cái Tôi nơi con người : cái Tôi chủ thể, cái Tôi khách thể và cái Tôi thăng hoa’ (le Moi sujet, le Moi objet, le Moi transcendantal) (1). ‘Lãng mạn’ trên ngữ nghĩa là ‘tuôn trào ra như sóng’. ‘Tuôn trào’ nơi đây, người viết hiểu, là bộc lộ, mở phơi, san sẻ, gởi trao, trang trải’, tìm về thông giao, kết hợp, hòa đồng. Và vì ‘bộc lộ, mở phơi, san sẻ khi không được đón nhận, thông cảm, thông giao nên càng lãng mạn càng dễ rơi vào cô đơn ; để rồi giải tỏa, vượt thoát cô đơn bằng ngôn ngữ, hành động bung phá, nổi loạn hoặc gập mình đau thương, hay liều lĩnh dấn thân vào hiểm họa, dìm mình vào tận cùng của đau thương, dằn vật hoặc phiêu lưu, phóng dật, thờ ơ, lãnh đạm với sự đời’ (2) Vì ‘Sống là sống với, sống giữa, sống cùng’ với thiên nhiên, vạn vật, với xã hội, với thời đại - ‘Không ai trong chúng ta có diễm phúc sống cuộc sống chỉ riêng của mình’ (aucun de nous n’a l’honneur d’avoir une vie qui soit à lui – Victor Hugo)- nên ‘lãng mạn’ là một tính chất bản nhiên của ‘hữu thể người’. Victor Hugo, trong Lời Tựa tập thơ ‘Voix intérieures‘ đã viết : « ..có một lúc nào đó trong cuộc sống, chân trời rộng mở không ngừng, một người cảm thấy quá bé bỏng để tiếp tục lên lời nhân danh riêng mình. Lúc bấy giờ, nó tạo ra thi sĩ, triết gia hay tư tưởng gia, một khuôn diện mới trong đó nó hiện thân và hóa thân. Cũng lại là con người nhưng không còn là cái tôi » (3). Người lãng mạn luôn bức rức, băn khoăn, buồn đau, rẫy rụa trước cuộc sống, trước cảnh đời, trước những lố lăng, nhầy nhụa, trái ngang của thời đại nên luôn mơ về một ‘thực tại’ nào khác, một ‘thực tại’ ‘chân cứng đá mềm, trời êm bể lặng mới yên tấm lòng’. Jouffroy cho rằng ‘Tâm lý học là khoa học về cái Tôi’ (science du Moi), đã viết : ‘’Con người là gì nếu không là cái mà mỗi người gọi là Tôi’’ (4). Nỗi ‘Buồn đau thế kỷ’ (le Mal du siècle) hay đúng hơn ‘niềm đau thế sự’, ‘nỗi buồn hiện hữu’ trong cái ‘đế quốc của người ta’ (l’empire de l’On) - cái đế quốc của uy quyền, bạo lực, của chiếm hữu giành giật hơn thua, hận thù, man trá, giả hình, lừa bịp, tỵ hiềm, đố kỵ, đọa dày, bóc lột, trấn áp lẫn nhau- đã khiến nhà thơ, nhà văn lãng mạn chìm đắm trong trạng thái tâm hồn luôn luôn khắc khoải một ‘đổi mới’ nào đó để nhìn ra cái ‘đinh mệnh vô hạn’ của con người trong vận hành lịch sử nhân sinh. ‘’Trong đáy thẳm con người, có cái gì hơn con người’’ (5). Nhà thơ, nhà văn lãng mạn là kẻ ‘đơn diễn’ (soliste) chủ quan, cô đơn, hiu quạnh, luôn gởi gắm lòng mình đến tha nhân, đến vũ trụ những tình tự xuất thần, nhập hóa, hướng đến, một lý tưởng thánh thiện, thiêng liêng. ‘’Bên trong những giới hạn của cái Tôi, người lãng mạn không nản lòng siêu việt mọi giới hạn’’. Cái Tôi nơi họ là cái Tôi tìm về hài hòa, về nhất thống, về kết hợp mọi dạng tồn sinh (vạn hữu, con người), kết hợp người chết và người sống, hiện tại và quá khứ, ký ức và tưởng tượng, nỗi đau riêng và nỗi đau chung của kiếp người.

Cái cảm thức tham dự vào vận hành của lịch sử chung của chủng loại và vũ trụ khiến nhà văn, nhà thơ lãng mạn gánh chịu mọi ‘khổ nạn’ của cuộc đời chung với mọi kẻ nhưng đồng thời hướng về một ‘vương quốc của hồn người’ (royaume de l’âme - Từ ‘tâm hồn’ hay ‘hồn’ luôn được dùng trong thơ văn lãng mạn). « Luôn quay về Cội nguồn, luôn hướng về chân trời viễn mộng, người lãng mạn không bao giờ tách biệt tương đối với tuyệt đối, cái quán sở và cái cộng đồng » (6), có nghĩa luôn luôn kết hợp hữu hạn và vô hạn, cái riêng và cái chung, cái cá biệt và cái tổng thể, cái cá nhân và cái chủng loại. « Bỡi vì, với chủ nghĩa lãng mạn, cuộc sống hữu cơ, dân tộc, quốc gia, xã hội, ‘vũ trụ vật chất’ không phải thuộc về phạm trù vật thể mà thuộc phạm trù ‘chủ thể’, nhìn nhận một luân lưu phổ biến của sinh lực và của thần tính » (7). Do đó, theo người viết, vừa có tính cách thực tiễn vừa có tính cách siêu hình ; nó đi tìm cái ‘Ðẹp’ của cuộc sống bằng cách phối kết cái ‘Mỹ’ với cái ‘Chân’ để dẫn về cái ‘Thiện’ qua thi văn, nghệ thuật. Thi văn lãng mạn chống lại thứ Lý trí cứng ngắt, chống lại những Ý thức hệ độc đoán, một chiều, chống lại bạo quyền, bạo lực, chống lại những trói buộc ngăn cản sự phát triển phẩm cách con người. Thi văn lãng mạn ca tụng Cách Mạng, Tự do, Dân chủ, Tình người, tố cáo những thói thời thượng, trưởng giả, những nhân danh ‘tín điều’ tôn giáo, đạo đức, chính trị ngăn chặn mọi tự do của con người. Cái ‘Tôi’ của họ là ở đấy, cái ‘tuôn tràn’ của họ là ở đấy. Vì thề, những nhà văn, nhà thơ nào chỉ thiết tha phô bày cái ‘Tôi’ chủ quan, bé bỏng của riêng mình, dù hay đến mấy, mà không hòa đồng vào ‘Ðại ngã’ thì không là nhà văn, nhà thơ lãng mạn đúng nghĩa, theo người viết nghĩ.

. Xin trình bày một cách ‘giáo khoa’ hơn về trường phái nầy theo lịch sử Văn học Pháp.

Chủ nghĩa Lãng mạn là trào lưu văn học xuất hiện ở Âu Châu vào cuối thế kỷ XVIII, trước tiên ở Ðức, Anh và Ý, biểu hiện nơi yêu cầu đòi hỏi tự do cho Nghệ thuật cùng sự nẩy sinh một ‘cảm tính mới’ (sesibilité nouvelle) nơi các nhà nghệ sĩ. Ở Pháp có chậm hơn vì chủ nghĩa ‘Cổ Ðiển’ (classicisme) còn đang sung sức ngự trị. Tính từ ‘lãng mạn’ (romantique) , vào cuối thế kỷ XVII đồng nghĩa với ‘mơ mộng viễn vông’ (romanesque để nói về một phụ nữ quá nhiều tình cảm chẳng hạn). Vào thế kỷ XVIII, do từ ‘romantic’ tiếng Anh, có nghĩa xinh đẹp, gợi cảm’ (pittoresque) . Từ 1810, Bà Stael, trong tác phẩm ‘Nói về nước Ðức’ (De l’Allemagne), do từ ‘romantisch’ tiếng Ðức, đã dùng từ ‘romantique’ trong tiếng Pháp. Tuy nhiên khuynh hướng lãng mạn đã có trước đấy với J.J.Rousseau, Bernardin de St Pierre, rồi bà Stael, Chateaubriand, Benjamin Constant,…Chủ nghĩa Lãng mạn tại Pháp thực sự khởi từ 1820 với Lamartine, Victor Hugo, Alfred de Vigny, Mérimée, Balzac (người sáng lập chủ nghĩa Hiện thực dù rất ảnh hưởng Lãng mạn), Stendhal, Sainte Beuve, Michelet, Alexandre Dumas, Théophile Gautier, Alfred de Musset, Georges Sand, Gérard de Nerval (dù sau nầy phần nào thuộc trường phái Tượng trưng) ,…Về sau, từ 1843, trường phái lãng mạn không còn là trường phái nữa do các trường phái mới ra đời như Siêu Thực, Tượng Trưng, rồi những dòng Văn học, Nghệ thuật được gọi là Hiện Ðại, Hậu Hiện Ðại (thế kỷ XX), tuy nhiên, ảnh hưởng và khuynh hướng lãng mạn vẫn còn tồn tại dây dưa (8).

. Những đặc điểm của Trường phái Lãng Mạn :

I) Chối bỏ chủ trương Duy lý và Chủ nghĩa Cổ Ðiển (le Classicisme) : Chống chủ trương tư duy chủ quan, khép kín trong những khuôn mẫu nhất định, chú trọng cái ‘tổng quan, toàn thể’ mà bỏ qua cái ‘riêng tư, cá biệt’. Nếu « trường phái cổ điển đưa đến tính cách ‘trừu tượng hóa’ và ‘nhất luật hóa’ thì chủ nghĩa Lãng mạn phản ứng lại bằng nêu bật ‘tính cách đa tạp, cụ thể và cá biệt’ của mọi sự, mọi vật » … ». Nhà văn lãng mạn, như lời Davis Sauvageot, đã đi từ cái tổng quát rơi vào cái riêng biệt, cái cụ thể, cái riêng tư » (9).

2) ‘Cái Tôi’ hay một ‘Cảm Tính mới’ trong Văn học Nghệ thuật :

‘Cái Tôi’ như đã nói ở trên, nơi trường hái Lãng mạn chính là cái ‘Tự ngã tính’ (égotisme, xin đừng hiểu là tự tôn, tự cao, tự đại) tức cái ‘Tôi Chủ thể’ (le Moi sujet) nơi con người. Nếu trường phái Cổ Ðiển thiên về Lý trí, coi nhẹ cái ‘cụ thể và cá biệt’ thì trường phái lãng mạn lại đề cao cái ‘Tôi’, luôn đặt cái ‘Tôi’ đối diện với thế giới, với xã hội, với cuộc đời để luôn ray rứt, bất an về thân phận con người trong dòng lịch sử sinh hóa của nhân sinh. Họ ‘ném’ cái ‘Tôi’ của mình vào cái thế giới đa đoan, quay cuồng, nhiễu loạn, sống với nó, với tất cả đam mê, cuồng nhiệt để từ nó hướng đến một thứ gì cao xa, diệu vợi, nâng con người và cuộc sống lên cao. Nghệ thuật bắt nguồn từ đó. ‘’Nghệ thuật là cơ phận và trí tuệ của đời sống’’ (10). Con người phải sống toàn bộ mình trong cái toàn bộ của thế giới. Cảm tính và lý tính tức tình cảm và lý trí không là những lý luận biện bác chủ quan, võ đoán mà là một thứ ‘lý trí được ca hát’ và ‘ ’thi ca sẽ là lý trí được ca hát’’ (11). Cái ‘Tôi’ nơi người nghệ sĩ lãng mạn là nguồn suối của thi ca, nghệ thuật, cái ‘Tôi’ trao gởi, gọi mời dẫn về một đồng hành, hảo hợp.

3) Năng khiếu linh thị (don visionnaire) .

Từ cái ‘Tôi’, từ sống thực với cái ‘thân phận làm người’ trong cái ‘đế quốc của người ta’ (l’empire de l’On) , trường phái lãng mạn, qua thi ca, hướng về một chân lý nào đích thực của cuộc sống, một ý nghĩa đúng đắn, cao xa, cuối cùng (sens dernier) của kiếp người. Do đó, luôn hướng về Thượng Ðế, không phải một Thượng Ðế xưa cũ mà là một ‘Thượng Ðế mới’ trong lòng vị Thượng Ðế lâu nay (12). Nổi bật nhất là Victor Hugo, trong ‘Lời Tựa’ tập ‘Les Voix intérieures’ đã so sánh ‘thi sĩ với Thượng Ðế’, một Thượng Ðế phần nào được ‘trần tục hóa’, sống cùng con người, cùng cảnh thế, cùng gánh chịu hết mọi trầm luân, oan khổ của nhân gian : « Thi ca giống như Thượng Ðế : duy nhất và vô tận. Nếu con người có tiếng lời của nó, nếu thiên nhiên cũng có tiếng lời, mọi hiện tượng cũng thế. Tác giả luôn nghĩ rằng sứ mạng của nhà thơ là đúc kết trong một nhóm thi khúc cả ba tiếng lời đó vốn cùng là ba lời dạy, vì tiếng lời thứ nhất ngõ thẳng với con tim, tiếng lời thứ hai với tâm hồn và cái thứ ba với trí tuệ » (13) :

-Trong ngày tháng vô luân, nghịch bướng
Thi nhân sửa soạn những ngày đẹp sáng
Gã là người sống trong hoang tưởng
Chân nơi đây, cặp mắt ở nơi kia
Như những tiên tri trong mọi thời linh đoán.

(Le poète en des jours impies
Vient préparer des jours meilleurs
Il est l’homme des utopies
Les pieds ici, les yeux ailleurs
En tout temps, pareil aux prophètes)

Victor Hugo
(Fonction du poète, 1840)

Và Lamartine : « Ðịa hạt của thi ca không giới hạn. Dưới cái thế giới hiện thực, có một thế giới lý tưởng vô cùng rạng rỡ nơi cặp mắt những ai nhiều trầm tưởng sâu xa quen thấy mọi sự vật có những gì hơn là sự vật » (14).

Trong khuynh hướng đó, văn thơ lãng mạn kết hợp cùng lúc ‘Thi nhân và Tiên tri’ (poète-prophète) trong một thứ đức tin vô hạn vào tương lai, xem như cơ sở giải quyết mọi vấn đề đương tại. Họ không thành công cũng như trường phái Siêu Thực không thành công trong một ‘Cách mạng Siêu thực đổi đời’ (révolution surréaliste) . Cũng như Tôn giáo, Triết học, Chính trị, Kinh tế, cả Khoa học kỹ thuật không hay chưa thể thành công. Vì sao ? Vì rằng cuộc tiến hóa của nhân sinh và vạn hữu phải trải qua nhiều giai kỳ hay kỷ nguyên ; mỗi giai kỳ thêm nhiều tiến bộ cùng nhiều đổ vỡ mới mới có thể dẫn về cái Chung Cục, cái Ý nghĩa cuối cùng mà Thi ca, Nghệ thuật mong muốn. Nhưng cái hướng vọng đó là một tính chất bản nhiên, một khuynh hướng muôn đời của con người dù thuộc lãnh vực nào.

4) Yêu chuộng Thiên nhiên, Xã hội, Cách Mạng, Tự do, Chân lý :

Do sống với cái ‘Tôi’ hòa đồng với tát cả, do cảm thức linh thị hướng đến cái ‘ý nghĩa cuối cùng’ của mọi sự mọi vật, trường phái lãng mạn đưa cái ‘Tôi’ của mình hòa nhập vào mọi trạng thái của Thiên nhiên, xã hội, đòi hỏi ‘Tự do cho Nghệ thuật’ (la liberté en art) , chủ trương hòa hợp Nghệ thuật với Ðời sống (concilier l’art et la vie). Thiên nhiên được mô tả qua thơ văn lãng mạn vô cùng quyến rủ dù là thiên nhiên sáng tươi hay buồn thảm. Nhà văn, nhà thơ lãng mạn luôn hướng đến một ‘hòa điệu’ (harmonie) giữa cảnh thanh bình của thiên nhiên với sự êm ả bên trong tâm hồn (người buồn cảnh có vui đâu bao giờ - Nguyễn Du).. Họ tìm nơi thiên nhiên chất liệu cho sáng tác và đem cái ‘Tôi’ của mình phổ vào cho Thiên nhiên để cả hai được sống trong một tương thuận tròn dầy. Hiện thực xã hội cũng là ‘lương thực’ cho họ. Bà Stael đã nói : ‘ ’Văn chương phải là phát biểu của xã hội’’ (la littérature doit être l’expression de la société). Thi nhân không thể tách rời thiên nhiên vì thiên nhiên tiềm tàng mang chở những gì cụ thể, vĩ đại ; thi nhân không thể ‘ly dị’ với xã hội vì hiện thực xã hội là nguồn cảm hứng khơi dậy cái ‘Tôi’ mạnh mẽ trong đau thương hay trong hoan lạc. Do dó, thơ văn lãng mạn chú trọng tìm đề tài và chất liệu ngay nơi truyền thống văn hóa của dân tộc, quốc gia, xứ sở mình. Ðấy là một trong những nguyên nhân khiến Trường phái Lãng mạn chống lại khuynh hướng Trường phái Cổ Ðiển mà cuộc tranh chấp giữa ‘Cũ - Mới’ (bataille des Anciens et Modernes) từ sau vụ trình diễn vở kịch Hernani của Victor Hugo đã đem lại thắng lợi cho trường phái lãng mạn tuy rằng các nhà thơ văn lãng mạn vẫn công nhận những gương nổi bật như Racine, Corneille, Voltaire, La Fontaine, Molière,…của Thế kỷ Ánh sáng (siècle des lumières) tức Thế kỷ XVII ở Pháp. Guttinguer đã bảo : ‘’Lãng mạn là ca ngợi xứ sở mình, những tình cảm, những phong tục và vị Thượng Ðế quê hương mình’’ (15). Do cái ‘năng khiếu linh thị’, do sự gắn chặt cái ‘Tôi’ của mình với cuộc sống, cuộc đời, các nhà thơ văn lãng mạn thiết tha với ‘đổi mới’, với ‘tiến bộ’ của xã hội, từ đó, họ ca tụng Cách mạng, kêu gào Tự do không cho riêng Nghệ thuật mà cho con người, cho xã hội nhân loại. Họ đem cái ‘Ðẹp’ của văn chương, nghệ thuật phụng sự chân lý vì ‘’chân lý, theo họ, là cái gì ‘cũng là’ và ‘đồng thời là’ thi ca và thẫm mỹ’’ (16).

5) Kết hợp mọi thể loại :

Văn chương lãng mạn không phân biệt mức độ ‘thấp, cao, trung bình’ trong mọi thể loại như Trường phái Cổ điển. Họ vượt qua mọi qui tắc, trộn lộn cả ngôn ngữ thanh cao, trang nhã với ngôn ngữ giản dị, bình dân của đại chúng, không loại trừ thổ ngữ, thổ âm, tiếng địa phương từng vùng. ; tìm đến văn chương dân gian, tìm cảm hứng nơi những ‘tục dao khúc’ (ballades) ; về thơ, họ không quá câu nệ về vần điệu, không mấy chú trọng vào tính cách cân đối của thể thơ ’12 tiếng’ (alexandrins) thông dụng từ thế kỷ XVI., không ngại ngùng trong việc ‘ngắt câu, bắc cầu, phá thể’ và cũng từ trường phái lãng mạn mà xuất hiện Thơ tự do, thơ văn xuôi. Về kịch nghệ, họ hủy bỏ ‘qui tắc tam nhất’ (règle des trois unités) của phái Cổ Ðiển, không phân chia hài kịch với bi kịch, chủ trương ‘cả hai là một, đối tượng của của nó là chân lý’ (le théâtre est un, son objet est la vérité) , ‘một thứ kịch nghệ bi thảm, trữ tình, hùng tráng, luân lý, lịch sử với tất cả phương cách của thi ca’ (17) Tiểu thuyết lãng mạn khai thác tất cả mọi khía cạnh đối kháng, mâu thuẫn, mọi vẻ tốt xấu, mọi ẩn ức, mọi tính cách đa tạp của sự vật, của đời sống, khai thác mọi nguồn thi hứng, cảm xúc của dân tộc, của đại chúng nên không chỉ hiện thực, trữ tình mà còn tính cách lịch sử, luân lý.

Tóm lại, chủ trương của Trường phái Lãng mạn là thể hiện hòa điệu giữa mọi khác biệt, đối kháng : cái đẹp, cái xấu, tiếng cười và giọt lệ, cái riêng và cái chung, cái thanh cao và cái tục lụy, cái tráng lệ và cái thô sơ, nõi dam mê cuồng nhiệt cùng những mộng ước bình thường,… ; tất cả nhằm làm sáng hiện cái Ðẹp qua thi ca để từ cái Mỹ dẫn về cái Chân, cái Thiện. Nghệ thuật, theo trường phái nầy được giao phó một nhiệm vụ lớn lao, cao cả : « Nó là ‘thuật sĩ’ hướng dẫn quần chúng đến tiến bộ » (18).

Qua những dòng trên, ta thấy chủ trương của Chủ nghĩa hay Trường phái Lãng Mạn quả vô cùng cao đẹp. Nhưng ‘Bài ra thế ấy vịnh vào thế kia’ (Nguyễn Du), cuộc đời hầu như không thuận thảo đồng hành với ý muốn, mộng ước của con người. Ðã nhiều ‘đánh giá’ vềThi ca, văn nghệ lãng mạn : chủ quan, cá nhân, thiên về cảm tính, ướt át, ủy mị, yếu đuối, bạc nhược, ru ngủ, làm cạn tắt ý chí, nghị lực con người, và từ ‘lãng mạn’ được hiểu là ‘phóng túng, trác táng’, thiên về dục tính, dục tình,…./.
_______________________________________
Chú thích :
1) Xem ‘Hành trình vào Nhất Thể’ của NT và Trần Minh Xuân, nxb Mékong Tỵ nạn, CA, 2003
Z) Xem ‘Ðoạn Trường Tân Thanh : Tiếng Vui trong Lời Buồn’ của NT và TMX, nxb Mékong Tỵ Nạn, San Jposé , CA 1993
3) ‘Il vient une certaine heure de la vie, où l’horizon s’agrandissant sans cesse, un homme se sent trop petit pour continuer de parler en son nom. Il crée alors poète, philosophe ou penseur, une figure dans laquelle il se personnifie et s’incarne. C’est encore l’homme, mais ce n’est plus le moi’ – V. Hugo, trích dẫn bỡi Léon Paul Lafargue trong ‘Lời Tựa’ thi tập Contemplations, nrf, Gall/Poèmes, Paris 2002.
4) ‘Qu’est-ce que l’homme sinon ce que chacun appelle ‘Moi’ – Dict. encyclopédique de la Littérature Francaise – édt. Robert Laffont, Paris 1997, trang 917.
5) ‘.Au fond de l’homme, il y a plus que l’homme’- Dict. ency. De la Litt. Francaise, đd trên, trang 917.
6) ‘..également tourné vers le début et l’horizon, le romantisme ne sépare jamais l’absolu du relatif, le local de l’universel’ – Dict. ency., đã dẫn trên, trang 917.
7) ‘Parce que, pour lui, la vie organique, le peuple, la nation, la société, la nature ‘matérielle’ ne sont pas de l’ordre de l’objet, mais du sujet, qu’il admet une circulation universelle de la vitalité et de la spiritualité’ – Dict ency., đã dẫn, trang 917
8) Xem Dict. de Critique Littéraire của Joelle Gardes-Tamine & Marie-Claude Hubert, édt. Armand Colin, Paris 2002, tranng 187, 189
9) ‘Les simplifications classiques ont conduit à l’abstraction, à l’uniformité. Le romantisme réagit par la diversité, l’expression du concret et de l’individuel’ – Histoire de la Poésie francaise của Robert Sabatier, édt A. Colin, Paris 1997, trang 60
10) ‘L’art est l’organe et l’intelligence de la vie’ – Dict. ency., đã dẫn, trang 917
11) ‘La poésie sera, dit Lamartine, ‘la raison chantée’ – Dict. ency. Litt., dã dẫn, trang 917
12) ‘Un Dieu nouveau au sein du Dieu antique’ – Introduction à la Poésie moderne et contenporaine của Daniel Leuwers, Dunod, Paris 1998, trang 37
13) ‘La poésie est comme Dieu, une et inépuisable. Si l’homme a sa voix, si la nature a la sienne, les événements ont aussi la leur. L’auteur a toujours pensé que la mission du poète était de fondre dans un même groupe de chants cette triple parole qui renferme un triple renseignement, car la première s’adrêse plus particulièrement au cœur, la seconde à l’âme, la troisième à l’esprit’ – V. Hugo – Introduction à la Poésis, đã dẫn nơi chú thích 12, trang 35
14) ‘Le domaine de la poèsie est illimitée. Sous le monde réel, il existe un monde idéal qui se montre resplendissant à l’œil de ce que les méditations graves ont accoutumé à voir les choses plus que les choses – Lamartine – Intro à la poésis, đd trên, trang 34
15) ‘Être romantique, c’est chanter son pays, ses affections, ses meurs et son Dieu’ – His. De la poésis frs, đd trên, trang 60
16) ‘Le romantisme considère comme vérité ce qui est aussi et en même temps poésie et beauté’ – Dict. ency. Litt., đd , trang 917
17) ‘Le nouveau théâtre, dramatique, lyrique, épique, moral, historique, utilise toutes les ressources de la poésie, il sera un théâtre complet – Hist. Litt. Frs., trang 65
18) ‘Il est le mage qui guide le peuple vers le progrès’ – Dict. Critique Litt., , đd, trang 188




VVM.05.11.2023.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .