Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


  "TA LẮNG NGHE
MUÔN CUNG ĐÀN…”


                

T ại Việt Nam, mỗi vùng có những thú vui âm nhạc khác nhau. Có thứ âm nhạc dành cho giới trí thức, có thứ cho giới bình dân. Ngoài Bắc thì có ca trù, hát chèo; miền Trung thì có ca Huế và hò Huế; dĩ nhiên Nam Bộ có cải lương. Các loại âm nhạc nầy, ban đầu phổ biến trong giới thượng lưu, trung lưu… dần dần phát triển trong giới bình dân. Ca trù, hát chèo đã vậy, cải lương, ở phía Nam cũng có tính chất chuyển biến như vậy.

Huế thì khác! Ca Huế là thú chơi của giới trung lưu hay vua, quan, còn hò Huế như hò giả gạo, mái nhì, mái đẩy phổ biến trong giới bình dân.

Nói chung, âm thanh Huế có nhiều hình thức đặc biệt khiến người Huế đi xa cũng khó quên.

Tuy nhiên, trước hết, âm thanh quyện lấy tâm hồn người Huế là những tiếng chuông chùa. Người Việt Nam ai chẳng ít nhiều lần nghe tiếng chuông chùa. Làng nào chẳng có chùa. Người Việt Nam khi lập làng là lập chùa nên bên cạnh đình làng có chùa làng. Tiếng chuông chùa làng âm vang mỗi sáng sớm, mỗi chiều hôm, lắng đọng trong tâm hồn người dân làng. Do vậy, trong hành trang tâm hồn viễn xứ của người Việt Nam, bao giờ họ cũng mang theo tiếng chuông chùa.

Ở Huế có nhiều chùa. Phía tây bắc Huế là một vùng đồi núi mênh mông, trãi dài bên bờ hữu sông Hương. Và trên những ngọn đồi đó, trong một khu vườn âm u, là những ngôi chùa vắng lặng bên cạnh lăng tẩm vua chúa và quan lại: Chùa Trà Am bên cạnh lăng cụ Kinh Tế, chùa Tường Vân bên cạnh lăng Tự Đức, v.v... Tiếng chuông chùa không chỉ ru hồn các bậc vua chúa nay còn lẩn khuất đâu đó trong lăng tẩm âm u, trong vườn nhãn sum suê hoa quả. Tiếng chuông chùa cũng đọng lại đó, trong tâm hồn người dân Huế.

Những đêm thanh vắng, trời êm, không gió lộng, không mưa dầm rỉ rả hay mưa dông ầm ì, người dân Huế có thể nghe tiếng chuông chùa Linh Mụ từ trên đồi Hà Khê vọng về. Tiếng chuông ngân dài, tưởng chừng như cái đuôi của âm thanh kéo đi rất xa, tới cuối thiên nhai mù mịt, hay tận đáy tâm hồn của mỗi người.

Tiếng chuông Linh Mụ không chỉ là tiếng nói “sắc không”, mà còn là tiếng gọi của hồn dân tộc. Nếu mai đây có mất đi tiếng chuông chùa Linh Mụ thì chính là mất đi tiếng hồn dân tộc đấy.

Không, tôi không cường điệu khi viết như thế. Câu văn sau đây của linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu xa về một tiếng chuông chùa mang hồn dân tộc:

“Tổ quốc ta, ta phải nghe trong tiếng chuông Linh Mụ”

Đây là câu vỡ lòng cho bọn học sinh khi học những “Bài tập đọc” đầu tiên trong đời.

Cả hàng trăm năm nay, tiếng chuông Linh Mụ vẫn âm vang mỗi sáng mỗi chiều, nhưng ca Huế thì hình như mỗi ngày bị lãng quên, cũng giống như tiếng ca của các cô đầu ở phố Khâm Thiên, Hà Nội.

Một chế độ sụp đổ là kéo theo nhiều cảnh suy vi. Khi vị vua cuối cùng triều Nguyễn đọc chiếu thoái vị là một trang sử mới bắt đầu, với nhiều đau thương và máu lửa. Huế không còn cảnh thanh bình. Tiếng đàn, tiếng hát vang dậy mỗi đêm trên giòng sông Hương không còn nữa. Cảnh đó, người đó, tâm sự đó, có còn chăng cũng chỉ là tiếng than ngậm ngùi trong bài hát “Đêm Tàn Bến Ngự” của Dương Thiệu Tước. Triều đại đó, tiếng ca, tiếng đàn đó, còn lại chăng cũng chỉ trong cảnh “Đêm tàn”.

Có lẽ tư tưởng trong các bài hát chèo, ca trù của Hà Nội, cải lương của Saigon, không sâu sắc lắng đọng trong tâm hồn người nghe bằng những lời ca trong Nam bình, Nam ai, Bình bán, Sa mạc, v.v… của ca Huế. Nó mang mác tính chất vô vi của Lão Trang, sắc không của nhà Phật, và nỗi đoạn trường của Huyền Trân Công Chúa trên bước đường lưu lạc hay trong cảnh lưu đày của vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân…

Nếu Huyền Trân than thở “Cái tình chi đượm mùi son phấn, đền nợ Ô-Ly” thì vua Thành Thái đau lòng khi đặt câu ca Nam bình tả cảnh đi đày “Kéo neo tàu chạy…”

Tàu chạy là tàu ra biển bắc, đưa vị vua bị truất ngôi đày qua châu Phi.

Đó là khúc ca Nam ai, Nam bình sầu than, là tiếng khóc của biết bao nhiêu Thúy Kiều thời đại chỉ thấy “Đời vui chi trong sương gió”, là bến Tiêu Tương ly biệt, hay “Bên Cô Liêu” trên bờ sông Dịch Thủy, là “Tình đã lạt phai” khi đêm tàn, là tâm trạng bơ vơ của những người Việt mất nước, không định hướng, than rằng “Thuyền ơi! Đưa ta tới đâu?”

Người ta hiểu tất cả những lời than của Dương Thiệu Tước viết ra trong bài hát của ông, nhưng tại sao các đấng vua quan trong triều, ngoài tỉnh vẫn nghe, vẫn hát khúc Bạc Tần Hoài mỗi đêm trên giòng sông Hương. Người ta vẫn biết, vẫn hát, vẫn than cho một triều đại suy tàn, cho vận nước điêu linh, cho một trăm năm Pháp đô hộ mà vẫn vô tình như “Thương nữ bất tri vong quốc hận, Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa”.

Ai theo gương Lê Lợi, Quang Trung, ai vẫn mê con hát như vua Trần Hậu Chủ khi giặc đã tới bên lưng, khi giặc đè đầu cưởi cổ dân tộc. “Than ôi! Nhân tâm ly tán, thế sự đảo điên”, người ta không còn “phân biệt đâu là chính, đâu là tà” nữa chăng? Người ta vẫn phê phán vua Trần Hậu Chủ và vẫn cứ mê khúc hát Hậu Đình. Tâm tình người Huế thật phức tạp.

Điều đáng buồn!!! Ca Huế, nhạc cung đình, những âm thanh đặc biệt và đặc sắc của Huế, ngày nay, tại Việt Nam, ngay tại Huế, trở thành một thứ hàng buôn bán, biến thành một thứ vật chất tầm thường, đem rao bán cho kẻ “người trần mắt thịt”, “trưởng giả học làm sang”. Cái được gọi là “cung đình” nay bị đem ra nơi “chợ búa”. Có thể đó là một cuộc “cách mạng văn hóa Huế” hay chăng?

Có hàng trăm năm, Huế là thủ đô chính trị, văn hóa toàn quốc. Do đó, Huế là nơi sinh hoạt của vua, hoàng thân quốc thích và quan quyền các giới. Cũng thời kỳ đó, kinh tế Huế cũng có tính tự túc. Nhu cầu sinh hoạt của vua quan được các làng, xứ chung quanh cung cấp. Sinh hoạt đó thể hiện một cách sơ lược qua vài câu ca dao như “Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu, Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh” hoặc “Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim.” Ngoại trừ chợ Cầu là nơi xa nhứt, thuộc phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, các địa danh khác là những vùng rải rác quanh Huế. Việc chuyên chở hàng hóa đem về bán cho Huế hoặc ngược lại, thường bằng đò dọc. Từ Vĩnh Linh đến cầu Hai, ngang qua Huế hay không cũng được, có thể di chuyển bằng đò trên sông mà không phải ra biển. Thuyền đò chỉ phải qua phá Tam Giang là nơi to rộng nhất và chỉ đôi khi mới có sóng lớn.

Những chiếc đò di chuyển trên sông, trong cảnh chiều hôm man mác, trong sương lam lạnh lùng mờ ảo, trong tâm trạng nhung nhớ những chuyến đi dài ngày, làm cho tâm hồn khách thương hồ ít nhiều xúc cảm. Tức cảnh sinh tình, những người chèo đò cất lên tiếng hò lanh lảnh, ít khi vui tươi và cũng không kém phần buồn bã. Có khi một chiếc thuyền đi trước, một chiếc thuyền đi sau, khoảng cách không quá gần để không thấy nhau rõ ràng, không quá xa để tiếng hò không nghe rõ. Tiếng hò đuổi bắt qua lại, trước sau trên sông tạo nên những niềm hứng khởi, những tình cảm lãng mạn, tha thiết của những nghệ sĩ nam nữ sông nước mênh mông:

“Thuyền ai đi trước,
Cho tôi lướt đến củng
Chiều đã về trời đất mông lung
Phải duyên thì xích lại
Cho đỡ não nùng tiếng sương.

Cách dùng chữ trong các câu hò nhiều khi súc tích, bóng bẩy, không thua kém gì văn chương bác học. “Não nùng tiếng sương”. Não nùng là tiếng thường thấy trong văn chương bác học. “Tiếng sương” cũng như “tiếng nhạn kêu sương” (Con nhạn lạc bầy kêu sương) chưa hẵn trong văn chương bác học đã có. Còn khung cảnh mênh mông sông nước trên sông dài trời rộng là một hình ảnh không kém chất trữ tình.

Tôi từng cố tìm kiếm xem thử trong giới ca sĩ hiện tại có ai có thể thể hiện những câu hò mái nhì mái đẩy tôi đã từng được nghe khi còn trẻ. Người nghệ sĩ thuộc loại nầy cần có hai khả năng đặc biệt: Một là giọng, hai là hơi. Giọng hò thường trong, êm và thánh thót. Hơi phải mạnh khỏe và dài. Tài năng đó, vượt trội khả năng “Thằng mõ” của Lê Thánh Tôn: “Cả tiếng và dài hơi” (Mõ nầy cả tiếng lại dài hơi). Tiếng hay giọng và hơi và hai khả năng căn bản mà một ca sĩ cần có. Cả hai điều nầy, bây giờ, trong giới ca sĩ lại ít thấy!

Phần thứ hai của dân ca Huế là hò giả gạo. Hò giả gạo xuất hiện ở những vùng quanh Huế, gần nhứt là An Cựu hay An Hòa, Bao Vinh, không phải ngay Huế nên xin khỏi bàn.

Tuy phân biệt thành hai thứ âm nhạc cho giới vua quan và hàng dân dã, nhưng không phải không có sự tác động qua lại giữa hai hình thái âm nhạc nầy. Trong những đêm chơi đàn trên sông Hương, các ca kỹ Nam ai, Nam bình, cũng đôi khi cất cao giọng hò mái nhì mái đẩy. Ngược lại, trong giới bình dân, người ta cũng có khi tụ họp chơi đàn bầu, đàn nguyệt, tỳ bà và ca Nam ai, Nam bình, âm nhạc cung đình. Triều đình không độc quyền, không ngăn cấm thú chơi văn nghệ đó trong hàng dân dã.

Bây giờ, xa Huế đã lâu, và tóc cũng đã nhiều sương muối, có lẽ không ít người quên rằng, mình, một thời từng là “khách hàng trung thành” (giống như độc giả trung thành của quí báo) của một chị, một o, một dì bán bún dạo, bán chè hay trứng vịt lộn nào đó.

Các thành phố lớn đều có người đi bán dạo. Do đó, người Saigon khó quên tiếng “xực tắc” của chiếc xe hủ tiếu, và người Huế cũng khó quên tiếng rao “bún bò”, rao “chè đậu xanh đậu ván” hay “trứng lộn đây” (1) của những người bán dạo.

Khi đã là “khách hàng trung thành”, chỉ nghe tiếng rao, người ta có thể hình dung ra gánh bún bò, rổ chén bát và xách chè của người bán, và cả hình ảnh quen thuộc của họ. Hình ảnh ấy, thường là những người đàn bà mặc áo vá vai.

Áo vá vai là một hình ảnh đặc biệt, chỉ ở Quảng Trị, Huế mới có. Tôi đã “thường đi đó đây” trên khắp bốn vùng chiến thuật, không thấy đâu có hình ảnh người đán bà mặc áo vá vai như Trị-Thiên và Huế. Hình ảnh các mẹ, các o, các chị mặc áo vá vai đó gây cho tôi không ít xúc động về “quê hương tôi nghèo lắm ai ơi” nên tôi đã từng viết về chiếc áo vá vai nầy.

Buổi sáng mùa hè, dậy muộn, bụng đói, nhưng chưa chịu ăn sáng, còn chờ tiếng rao “bún bò” của người bán hàng quen thuộc. Hoặc khi học bài thi vào khuya, bụng trống đi đã nhiều, các cô chú học trò còn chờ tiếng rao chè, rao trứng vịt lộn của “người quen.” Người Huế cầu kỳ, phải chờ cho đúng người nấu hợp khẩu vị của mình mới chịu ăn. Ít ai “thực bất tri kỳ vị.”

Trong một khung cảnh sinh hoạt như thế, Huế không thiếu những tiếng rao hàng vào buổi sáng hoặc vào buổi khuya. Có tiếng rao lanh lãnh, từ đầu xóm vang tới cuối xóm. Người rao đang ở bên đường Bộ Thị, khách ở bên đường Bộ Tham hoặc trên “Thượng Thành” nghe vẫn rõ lắm.

Rồi bất chợt, một hôm nào đó, đang ngồi nhớ Huế, kể chuyện Huế, không ít người nhớ lại tiếng rao hàng mình đã nghe mấy chục năm trước. Âm thanh ấy, không phải là bài hát, không phải tiếng hò, không phải tiếng ca mà nghe như tiếng hò, tiếng hát, tiếng ca, “cũng khó mà quên được.”

Tiếng rao phát ra từ miệng, có ai đã từng nghe tiếng rao ấy phát ra từ những sợi giây đồng. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba đứng giữa lớp, đưa cây vĩ cầm lên kẹp vào hàm, đặt archet lên mấy sợi giây đồng. Và tay ông thầy dạy nhạc kéo qua lại một cách nhẹ nhàng, thoải mái. Bỗng cả lớp phì cười vì tiếng đàn phát ra, y hệt như tiếng rao: “chè đậu xanh đậu ván.” Kỷ niệm ấy, dù muốn quên cũng không tài nào quên được.

Bài nầy viết ra, không nhằm mục đích khảo cứu âm nhạc, nhất là ca Huế, nét đặc sắc nhất của âm thanh Huế, nhưng có lẽ người viết cũng không quên thưa với độc giả rằng, ca Huế không phải tự dưng mà có.

Trong hành trang “Về phương nam” của các lưu dân thời chúa Nguyễn, trước hay sau năm 1558, là năm Nguyễn Hoàng mở cuộc Nam tiến vĩ đại của người Đại Việt về phương Nam, không thiếu những nét nhạc của người dân sinh sống lâu đời ở lưu vực sông Nhị. Có người căn cứ vào tên gọi như điệu “Sa Mạc” mà cho rằng ca Huế mang âm hưởng của nhạc Mông Cổ; hoặc căn cứ vào những âm thanh não nuột, rên rỉ, than oán của Nam ai, Nam bình, để cho rằng, nhạc ấy chịu ảnh hưởng thanh âm của một dân tộc, người Chàm, trên đường diệt vong.

Vì vậy, khi nghe ca Huế, ít khi người ta thấy vui. Có phải đó là tiếng than của những người mất nước, là khúc Tây Thiên (2) của người Chiêm Thành, là khúc Hậu Đình (3) của các thương nữ trên sông Hoài, khi vua Trần Hậu Chủ sắp mất ngôi, hay tiếng than của một dân tộc đang bị dày xéo dưới gót chân người Pháp xâm lược, của bốn ông vua chịu kiếp lưu đày (4)

(1) Người Huế gọi “trứng vịt lộn”; người Nam gọi là “hột vịt lộn”
(2) Năm 1044, vua Lý Thái Tông đánh vào kinh đô Phật Thệ, bắt cung nữ Chiêm biết múa hát khúc Tây Thiên đưa về Bắc.
(3) Bạc Tần Hoài
             Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
             Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
             Thương nữ bất tri vương quốc hận
             Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa
              (Đỗ Mục)
             Khói nhòa trên sông lạnh
             Bãi cát phủ trăng vàng
             Tần Hoài thuyền cập bến
             Đêm về quán rượu gần
             Thương nữ nào hay vong quốc hận
             Hậu Đình Hoa khúc cứ ngâm vang
             (THINH QUANG Dịch)
(4) Kể từ Gia Long, triều Nguyễn có 14 đời vua (Kể cả Cường Để). Bốn vua lưu vong là: Hàm Nghi, Thành Thái (cha) Duy Tân (con) và Cường Để.




VVM.29.10.2023-NVA270610.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .