TRUYỆN KIM DUNG
T
rước năm 1975, sách của Kim Dung đã được in gồm:
1. Thư kiếm ân cừu lục
2. Bích huyết kiếm
3. Xạ điêu anh hùng truyện
4. Thần điêu hiệp lữ
5. Tuyết sơn phi hồ
6. Phi hồ ngoại truyện (Lãnh nguyệt bảo đao)
7. Ỷ thiên Đồ long ký
8. Liên thành quyết (Tố tâm kiếm)
9. Thiên Long bát bộ (Lục mạch thần kiếm truyện)
10. Hiệp khách hành
11. Tiếu ngạo giang hồ
12. Lộc Đỉnh ký
Với 12 Bộ trường thiên tiểu thuyết võ hiệp, ông đã được "Kho văn về các đại sư văn học Trung quốc thế kỷ 20 xếp vào hàng thứ 4 trong số những văn sĩ tầm cỡ của Trung hoa" - và tiểu thuyết của ông trong làn sóng đam mê cuồng nhiệt ở Châu Á với lượng độc giả con số thiên văn, hầu hết đều đã được dựng thành phim ảnh tại Hồng kông và Lục địa, đã làm say mê khán giả ở các lãnh thổ có dân gốc Châu Á sinh sống trên khắp thế giới, kể cả người Việt chúng ta.
"Tính cách hiện đại của chưởng" và mỹ cảm đương đại mang màu bảng lảng phôi pha, với bao "tai bay vạ gió" của địa cầu thiếu bình yên. Ý tưởng xuyên suốt các bộ chưởng của Kim Dung là "Ngoài trời lại có trời" và càng ngày nó càng được nhiều người cho là có lý. Đọc tiểu thuyết võ hiệp cùa ông, độc giả chấp nhận tham dự cuộc chơi của trí tưởng tượng, thỏa thích bay lượn khỏi cuộc sống đời thường. Văn sĩ tạo ra những thế giới phi phàm mà người thường không thể nhận biết, đó là Thế giới giang hồ - Nó thoát ra khỏi cuộc đời quen thuộc đến nhàm chán, bị trói buộc bởi lề thói, luật pháp.
Thế giới kỳ diệu được tác giả khổ công dựng nên gắn với khát vọng giải thoát, phát huy tối đa tiềm năng của con người. Trong tiểu thuyết kiếm hiệp, hiệp khách có 2 mục tiêu lớn: đạt đến tuyệt đỉnh võ học và tuyệt đỉnh nhân sinh. Đã mang tiếng hiệp khách, ít nhiều phải có khả năng, có bản lĩnh phi thường về võ thuật, suốt đời của hiệp khách theo đuổi mục đích đạt tới cảnh giới tối thượng của võ. Với Kim Dung, cảnh giới tuyệt đỉnh chỉ có thể đạt được khi con người bị đẩy đến cảnh khốn cùng bên bờ vực thẳm. Đúng với binh pháp Tôn Tử: "Đặt vào chỗ mất rồi mới còn, hãm vào đất chết mới tìm ra con đường sống". Thạch Phá Thiên (trong bộ Hiệp khách hành), Dương Quá (Thần điêu hiệp lữ)... đều lãnh hội được yếu quyết của võ học khi bị lâm vào cảnh khốn cùng.
Trong thế giới kỳ diệu ấy, năng lực của con người được thể hiện qua những chiêu thức võ thuật siêu quần, bạt chúng. Con đường đến với đỉnh cao, ngoài năng khiếu bẩm sinh và sự gian nan khổ luyện, còn có một yếu tố không thẻ thiếu: cái Tâm. Kim Dung đề cao cái tâm của kẻ đi học. Thư và kiếm - sức mạnh để thực hiện ân cừu - là 2 tuyến chính trong tiểu thuyết võ hiệp. Nhưng thư là sự suy nghĩ vượt lên trên kiếm và trong kiếm bao hàm thư (trong bộ Thư kiếm ân cừu lục). Tâm còn quan trọng hơn cả chiêu. Tham vọng trói buộc làm mờ tâm, "loanh quanh mỏi mệt" bến lú, bến mê. Thiếu nội lực mà ham muốn vượt quá sức mình vốn có, luyện công tinh xảo thì dễ "tẩu hỏa nhập ma". Căn bản võ học của Kim Dung là ở lòng ngưởi. Nhờ tâm sáng, Thạch phá Thiên đọc được bí kíp ẩn sau bài thơ "Hiệp Khách Hành" - khắc trên vách đá. Một Châu Bá Thông hiệu Lão Ngoan Đồng ngây thơ, một Hồng Thất Công ngay thẳng, một Quách Tĩnh thật thà... đều hướng về cái tĩnh, chân nguyên tự nhiên - lòng người - Đạo học.
Thế giới tưởng tượng kỳ ảo và quyến rũ, thực chất là sự phản ánh một cách nghệ thuật hiện thực cuộc sống con người. Đúng như Freud, giấc mơ là sự giải tỏa những ẩn ức, mà nghệ thuật là giấc mơ kỳ diệu nhất. Giấc mộng văn chương sẽ trang trải cho món nợ nhân sinh.
Ước mơ dai dẳng nhất của con người gửi vào văn chương chính là công lý. Dai dẳng, chừng nào đời sống còn những ngang trái, bất công, cái ác lên ngôi, người hiền lương còn phải chịu lắm thiệt thòi.
Thế giới giang hồ rộng lớn là vậy nhưng chung quy vào 2 mặt trận thiện- ác, chính- tà. Với Kim Dung, sự phân biệt thiện- ác, chính- tà không hề đơn giản mà phức tạp như chính cuộc đời vậy. Có người cho rằng, tiểu thuyết võ hiệp của ông "viết về giang hồ mà ý ở giang sơn, vừa biểu hiện tình cừu vừa liên quan đến thời vận". Không ai nghĩ những cuộc đấu tranh giành ngôi bá chủ chỉ là chuyện của giới võ lâm, hay khuôn mặt ngụy quân tử như Nhạc Bất Quần chỉ là nhân vật của truyện kiếm hiệp. Sức hấp dẫn của tiểu thuyết Kim Dung còn ở chỗ truyện đầy những yếu tố bất ngờ như chính cuộc đời. Đọc Kim Dung, người ta hiểu hơn cuộc sống. Nói đến sức hấp dẫn của tiểu thuyết võ hiệp, không thể bỏ qua giai điệu ngọt ngào, cảm động do "Tình bạn" mang lại. Tình bạn không phân biệt chính- tà là một giai điệu đẹp trong bản hòa âm "Tiếu ngạo giang hồ". Đọc "Thiên long bát bộ", độc giả không thể quên tinh bạn hào sảng giữa Kiều Phong, Đoàn Dự và Hư Trúc. Trong tiểu thuyết kiếm hiệp, sự nồng hậu của tình bạn có khi còn hơn cả tinh yêu.
Các bộ phim chuyển thể tử 12 bộ truyện Kim Dung đang làm mưa làm gió tại Châu Á. Với tiểu thuyết của ông, những điều gọi là "phi lý, không khoa học" lại được nữ văn sĩ đại lục Trần Tổ Phấn cho là đã góp phần tạo nên "Đồng thoại cho người lớn" trong thời đại ngày nay trí tưởng tượng cạn dần. Trộn lẫn thực- hư, giả tưởng- hiện thực đan xen, kết hợp hài hòa, cao nhã đại chúng, cái vô hạn trong lòng bàn tay với những kiếm súng - bánh mì - hoa hồng... Đó là ranh giới nghệ thuật và ý tưởng thẩm mỹ tạo nên sức hấp dẫn nghệ thuật bao đời, bao người đeo đuổi. Nhưng hồ dễ mấy ai...
- XÂY DỰNG NHÂN VẬT
Theo Vũ Đức Sao Biển, khuynh hướng của Kim Dung là thường đặt những cuốn tiểu thuyết của mình vào hoàn cảnh cụ thể của Trung quốc. Bộ Thiên Long Bát Bộ được đặt vào khung cảnh lịch sử triều nhà Tống với sự tương tranh, tương giao của 6 thế lực phong kiến: Tống, Đại Lý, Khất Đan (Liêu), Tây Hạ, Thổ Phồn và Yên. Bộ Lộc Đỉnh Ký được đặt vào khung cảnh lịch sử triều Khang Hy nhà Thanh, khi mà các thế lực chống nhà Thanh như hậu duệ của nhà Minh gồm Đường vương, Quế vương, Lỗ vương và Thiên Địa Hội hoạt động mạnh...
Nhân vật của Kim Dung được chia làm 2 tuyến: chính phái (hay bạch đạo) và tà phái (hắc đạo). Tuy nhiên, trong tất cả các tác phẩm, ông không hề rơi vào chủ nghĩa công thức: những kẻ mà ông xếp vào tà thường là chính nhân quân tử, những kẻ mà ông giới thiệu như chính nhân quân tử lại là kẻ chẳng ra gì. Bất kỳ người Trung quốc nào cũng gọi Minh giáo từ Ba tư truyền sang là tà đạo. Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Kim Dung đã chứng minh ngược lại: Minh giáo là một chính giáo, nồng nàn tình yêu nước, xả thân để cứu trăm họ khỏi ách thống trị của Mông cổ. Những Trương Vô Kỵ, Dương Tiêu... là những con người quang minh lỗi lạc, hành sự trong sáng, sống rất người. Và chính nghĩa thuộc về họ chứ không thuộc về nhân vật Chu Nguyên Chương, vốn đầy thủ đoạn chính trị, đã cướp công Minh giáo để lên ngôi mở ra nhà Minh. Có ai đẹp hơn Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần, chưởng môn phái Hoa Sơn trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ? Thế nhưng từ cuốn 9 trở đi, Nhạc Bất Quần dần dần hiện hình là 1 kẻ độc ác; dùng con gái làm bậc thang để leo lên, giết cả rể, lừa vợ, giết học trò, quyết chiếm cho được ngôi minh chủ Ngũ Nhạc phái, tự thiến bộ sinh dục để trở thành kẻ lại cái. Ngụy quân tử vẫn nguy hiểm hơn chân quân tử!
Nhân vật chính của Kim Dung là những con người bao dung, đôn hậu, không hủ nho. câu nệ, không làm bộ làm tịch. Đó là Kiều Phong tự tử ngoài Nhạn Môn Quan để mưu cầu hòa bình cho trăm họ Tống - Liêu. Đó là tiểu anh hùng Hồ Phỉ (Phi hồ ngoại truyện) tìm ra kẻ thù giết cha mà vẫn không xuống tay hạ sát. Đó là Quách Tĩnh (Xạ điêu anh hùng truyện) liều chết để giữ thành Tương Dương, là Thạch phá Thiên (Hiệp Khách Hành) chỉ biết sống thuần phác không hề hại ai... Họ chính là mẫu "người hùng" lý tưởng theo nhận thức đạo đức Trung Quốc.
Kim Dung thường dành tình cảm cho những con người xuất thân rất tầm thường, những đứa bé mồ côi không cha mẹ hoặc không biết ai là cha mẹ. Lệnh hồ Xung, Hồ Phỉ, Thạch Phá Thiên, Trương Vô Kỵ, Dương Quá là những chàng trai, những cậu bé như vậy, Đời dạy họ cách sống và vốn sống. Và họ đã thành người, những con người rất trung thực, đạo đức.
Về những nhân vật nữ trong tác phẩm Kim Dung, tuy mang danh là truyện võ hiệp nhưng tác phẩm Kim Dung thực chất là những tiểu thuyết về Tình yêu đôi lứa. Họ xuất thân trong xã hội phong kiến nhưng sống và yêu rất lãng mạn - tất nhiên trong sự cho phép của lễ giáo Trung Quốc. Đó là những con người biết yêu say đắm và biết xả thân vì người yêu: Nhậm Doanh Doanh đối với Lệnh Hồ Xung (Tiếu ngạo giang hồ), Triệu Mẫn đối với Trương Vô Kỵ (Ỷ thiên Đồ long ký), Viên Tử Y đối với Hồ Phỉ (Lãnh nguyệt bảo đao), A Châu đối với Kiều Phong (Thiên Long Bát Bộ). Tuy nhiên trong mọi tình huống, họ vẫn giữ được tiết sạch giá trong của người phụ nữ phương Đông.
Cũng có thể nói Kim Dung là văn sĩ lớn phương Đông của thế kỷ 20. Về mặt trước tác, tác phẩm của ông đồ sộ hơn bất kỳ một văn sĩ nào. Bút pháp của ông lôi cuốn, hấp dẫn độc giả một cách lạ lùng. Và hệ thống kiến thức của ông từ y học đến địa lý, sử học, võ thuật, tâm lý học, bệnh lý học, tôn giáo học... hoàn chỉnh một cách vô song. Ông xứng danh là văn sĩ bậc thầy trong thế kỷ chúng ta sống.
- VÕ CÔNG TRONG TIỂU THUYẾT CỦA KIM DUNG
Những nhân vật trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung hợp lại thành một giới - giới võ lâm - và đương nhiên, sinh hoạt của họ là sự thể hiện võ công để giết người, mưu đồ địa vị quyền lực; võ công để cứu người, trừ gian diệt bạo. Kim Dung đã cho những nhân vật của mình đắc thủ những loại võ công mà họ cần phải có. Các loại hình võ công bao gồm chưởng pháp (phép đánh bằng tay), quyền pháp (phép đánh bằng nắm tay), chỉ pháp (phép đánh bằng ngón tay), cầm nã thủ pháp (phép đánh bằng câu, bắt, móc, giật), trảo pháp (phép chụp bằng cả 5 ngón tay), cước pháp (phép đá), bộ pháp (phép đi, chạy), khinh công (phép đi nhanh). Nếu các nhân vật của ông chuyên sử dụng vũ khí thì mỗi loại vũ khí được kết hợp với một pháp để hình thành võ công riêng của họ: đao pháp, thương pháp, kiếm pháp, bổng pháp, trượng pháp, côn pháp ...
Kim Dung tạo ra cho nhân vật của mình những hoàn cảnh, tình huống để họ đắc thủ võ công, Có những nhân vật không chịu học võ, suốt ngày chỉ lo học sách thánh hiền, học kinh Phật như vương tử Đại Lý Đoàn Dự hay như nhà sư trẻ Hư Trúc cũng bị đẩy đưa vào hoàn cảnh, phải học võ công để tự cứu lấy mình và cứu người, trở thành bậc thượng thừa. Có kẻ say mê võ công, đi tìm suốt đời mà chẳng thấy. Con đường mà Kim Dung dẫn dắt những nhân vật trung tâm của mình đến với các thứ võ công không khỏi khiến cho độc giả cười thầm.
Nhân vật của Kim Dung thể hiện võ công qua kình lực, ông chia kình lực làm 2 loai: dương cương và âm nhu. Dương cương là loại kình lực mãnh liệt, khi xuất chiêu phát ra tiếng động. Âm nhu là kình lực mềm mại, khi xuất chiêu không phát ra tiếng động. Hai loại kình lực đó loại nào cũng có thể giết người, làm tan bia vỡ đá! Ông lấy nhu chế cương, lấy cương chế nhu. Kẻ thắng cuộc là kẻ có công lực cao hơn...
Kim Dung có 1 bề dày kiến thức về y học cổ Trung quốc. Một số nhân vật của ông thường vừa giỏi võ công, vừa tinh thâm y thuật, phối hợp y thuật với võ công hoặc để cứu người, hoặc để chế ngự người. Trong "Tiếu ngạo giang hồ", ta bắt gặp nhân vật Sát nhân danh y Bình Nhứt Chỉ, cứu người chỉ cần 1 ngón tay và giết người cũng chỉ cần 1 ngón tay. Trong "Ỷ thiên Đồ long ký". ta gặp Điệp cốc y tiên Hồ Thanh Ngưu và sau đó, là Trương Vô Kỵ, giỏi về chữa thương, phục hồi kỳ kinh bát mạch. Thuốc độc và phóng độc cũng là 1 loại võ công. Trong "Tiếu ngạo giang hồ". ta gặp Lam Phượng Hoàng, giáo chủ Ngũ độc giáo Vân Nam. Trong "Phi hồ ngoại truyện", ta gặp Độc thủ dược vương chuyên đánh thuốc độc.
Cũng theo Kim Dung, âm nhạc là 1 dạng võ công có thể chế ngự được địch thủ. Một số nhân vật của ông như Côn Luân tam thánh Hà Thúc Đạo (Ỷ thiên Đồ long ký), Cầm tiên Khang Quảng Lăng (Thiên Long bát bộ), Nhậm Doanh Doanh và Lưu Chính Phong (Tiếu ngạo giang hồ) đã dùng tiếng đàn, tiếng sáo, hoặc để chữa thương, hoặc để khắc chế địch thủ. Đoạn cảm động nhất là đoạn Doanh Doanh đàn khúc Thanh tâm phổ thiện trú để xoa dịu thần kinh cho Lệnh Hồ Xung khi chàng trai này bị trọng thương.
Kim Dung không lạm dụng khuynh hướng đa sát trong tiểu thuyết võ hiệp. Tất cả nỗ lực của ông nhằm minh họa 1 nguyên tắc lớn: Chữ Võ không bằng chữ Hiệp. Các nhân vật chính phái của ông hành hiệp cứu đời, xả thân vì cuộc sống, cứu vớt kẻ trầm luân, đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ hòa bình hạnh phúc cho trăm họ. Họ không mưu cầu lợi danh, địa vị cho riêng mình. Đoạn tiêu biểu nhất cho cái Hiệp trong tác phẩm Kim Dung là đoạn Trương Vô Kỵ, giáo chủ Minh giáo Trung quốc, chỉ huy các lực lượng kháng Nguyên, bị 1 thuộc tướng của mình là Chu Nguyên Chương đánh thuốc độc và bắt giam. Chu Nguyên Chương có tham vọng lên ngôi thống lãnh. Trương Vô Kỵ có thể giết Chu Nguyên Chương chỉ với 1 ngón tay, nhưng đã không làm điều đó. Anh đã lặng lẽ ra đi để được suốt đời ngồi vẽ lông mày cho người yêu Triệu Mẫn. Chu Nguyên Chương kháng chiến chống quân Nguyên thành công lên ngôi cửu ngũ, mở ra nhà Minh, truyền được 263 năm (1380- 1643).
Đó chính là lòng Nhân ái. Lòng Nhân ái đó đặt trên cơ sở của tư tưởng Khổng giáo, Phật giáo, Đạo giáo phương Đông. Trong khi các nhân vật của ông sử dụng võ công để đánh nhau, họ vẫn tôn trọng lòng Nhân ái mà "Hạ thủ lưu tình" (xuống tay vẫn giữ được tình người). Hai kẻ thù đánh nhau, đến khi chia tay vẫn có thể nói được lời từ biệt: "Non xanh trơ đó, nước biếc còn đây, còn ngày gặp gỡ". Võ công làm nên tiểu thuyết võ hiệp nhưng không quyết định nội dung tiểu thuyết võ hiệp. Cái quyết định chính là chữ Hiệp, đứng sau chữ Võ.
- TÌNH YÊU TRONG TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP
Tuy tên gọi là tiểu thuyết võ hiệp nhưng bản chất những tác phẩm của Kim Dung là tình yêu đôi lứa nồng thắm. Chính tình yêu đã làm nên tính cách nhân bản và khiến cho hàng tỉ người say mê tác phẩm của Kim Dung.
Một cách khái quát, Kim Dung đã xây dựng những cặp nhân vật hoặc cụm nhân vật rồi tạo điều kiện cho họ gặp gỡ, hiểu biết và yêu nhau. Ông đã để cho nhân vật chính phái yêu tà phái, bạch đạo yêu hắc đạo để tạo nên những mâu thuẫn chiều sâu trong tâm hồn của nhân vật. Đặc biệt, những nữ nhân vật của ông thường rất đẹp, rất thông minh, xuất thân từ Ma giáo hoặc ít nhất cũng mang "một chút tà khí trong người". Đó là những cặp và cụm nhân vật Lệnh hồ Xung- Nhậm Doanh Doanh (Tiếu ngạo giang hồ); Trương Thúy Sơn- Ân Tố Tố, Trương Vô Kỵ- Triệu Mẫn- Chu Chỉ Nhược- Ân Ly- Tiểu Chiêu (Ỷ thiên Đồ long đao ký); Kiều Phong- A Châu; Đoàn Dự- Vương Ngữ Yến (Thiên Long bát bộ)...
Những mối tình được Kim Dung dựng lên là những mối tình thật trong sáng và do vậy, thật đẹp. Tác phẩm lấy bối cảnh lịch sử từ thời nhà Thanh trở về trước, khi mà tư duy phong kiến và nguyên tắc lễ giáo của đạo Nho đang giữ vai trò độc tôn chi phối toàn bộ sinh hoạt xã hội Trung quốc. Cho nên, những nhân vật của Kim Dung yêu trong sự cho phép của những tư duy và nguyên tắc ấy. Thế nhưng, tính chất lãng mạn thì rất phong phú.
Những nhân vật của Kim Dung đã yêu theo phong cách của hào sĩ giang hồ võ lâm. Trước hết, họ đánh nhau, sau đó mới hiểu nhau rồi mới yêu nhau. Tình yêu mang tính phấn đấu rất cao, các nhân vật vượt lên trên hoàn cảnh, vượt qua những sự chống đối để bảo vệ tình yêu của mình... Tình yêu luôn luôn kinh qua 1 quá trình hy sinh vô tận. Người ta còn tìm thấy những tình yêu ngang trái, rất người, thoát ra khỏi khuôn mẫu cho phép của lễ giáo phong kiến Trung quốc. Đó là Tiểu Long Nữ sư phụ, 1 cô gái trong sáng bị kẻ tà dâm cưỡng bức, yêu say mê đồ đệ Dương Quá... Cũng đặt ra những trường hợp sa đọa tình dục hết sức quái dị. Đó là Kiến Ninh công chúa, em gái vua Khang Hy, đã sa ngã với Vi tiểu Bảo, 1 gã thái giám giả mạo... Khi xây dựng những loại tình yêu này, ông đã nghiên cứu rất kỹ những biểu hiện của tính cuồng dâm và đồng tính luyến ái.
Tác phẩm của Kim Dung có những đoạn nói đến tình yêu thật đẹp. Nhân vật của ông không bao giờ thốt ra miệng chữ yêu nhưng tình yêu của họ nồng nàn và trong ánh mắt, trong hành động và trong tái tim. Đó là A Châu trở về Nhạn Môn Quan chờ Kiều Phong để được suốt đời "theo đại gia cùng đi săn chồn, đuổi thỏ". Đó là Doanh Doanh bắn tin cho giới ma đầu trên giang hồ phải giết ngay Hồ Xung vì "Ta muốn ngươi ở mãi bên ta để ta chở che, bảo vệ". Đó là Triệu Mẫn nói với Vô Kỵ: "Lông mày thiếp đã nhạt màu rồi. Công tử kẻ lại giùm cho thiếp đi". Những lời tỏ tình mang đầy tính chất ẩn dụ và biểu tượng như thế khiến tác phẩm vừa sâu, vừa không dung tục. Vẫn có những tình yêu trá ngụy. Nhạc Linh San bỏ Hồ Xung để làm vợ gã ái nam ái nữ Lâm Bình Chi đặng kiếm cho được pho "Tịch tà kiếm phổ" cho cha là Nhạc Bất Quần. Chu Chỉ Nhược đánh lừa hứa hôn với Vô Kỵ để đánh cắp bộ "Cửu âm chân kinh" theo di huấn của sư phụ là Diệt Tuyệt sư thái. Nhưng tuổi trẻ của Linh San, Chỉ Nhược không nghĩ ra được sự trá ngụy ấy. Phần trá ngụy, âm mưu thuộc về sự xếp đặt của những người lớn, của thầy, của cha.
Đọc tác phẩm Kim Dung, người ta khám phá ra cái đẹp của tình yêu. Thông qua tình yêu, ông giáo dục cho con người mỹ cảm về đạo đức. Nói rằng tác phẩm võ hiệp, thật ra chỉ là 1 cách nói. Chính tình yêu đã làm nên cái hồn, sự sống cho tiểu thuyết võ hiệp. Mỗi tác phẩm của ông ra đời trở thành 1 bức thông điệp ngọt ngào cho tình yêu lứa đôi.
- BỘ THIÊN LONG BÁT BỘ
1/- Kiều Phong
Là người anh hùng của bi kịch, hoàn toàn không giống bất kỳ
người anh hùng nào trong suốt chiều dài lịch sử Trung Hoa. Ông không thuộc giống nòi Đại Hán, lại là người Liêu, bị kết tội khai man lý lich nhằm leo cao thọc sâu, lên làm bang chúa Cái bang Trung Quốc, rồi sau đó sẽ bán đứng Trung Quốc cho rợ Khiết Đan. Ông không hề biết say mê nhan sắc, không thèm nhìn cô hoa khôi vợ của bạn 1 cái đến nỗi cô căm thù, tìm mọi cách để cô công bố cái lý lịch Khiết Đan của ông.
Kiều Phong bỏ ngôi vị ra đi, cứu A Châu rồi yêu thương nàng. Tình yêu đau đớn ấy đẩy lên đến tột đỉnh khi ông ngộ sát A Châu. Ông bỏ Trung Quốc về Khiết Đan, trở thành Nam Viện đại vương, nắm hết binh quyền đất nước này. Hoàng đế ra lệnh cho ông tấn công đánh xuống triều Tống vừa để trả thù nhà, vừa để đền ơn nước. Nhưng ông yêu hòa bình nên không thể để cho trăm họ lầm than vì chiến tranh. Ông đã tự xử lấy mình để giải quyết toàn bộ nghịch lý, mâu thuẫn mà cuộc sống và lịch sử nghiệt ngã đã dành cho ông. Mũi tên chó sói, biểu tượng nguồn sống của người Khiết Đan, trở thành phương tiện giải thoát cho ông. Kiều Phong chọn giải pháp cuối cùng – tự tử - để hoàn thanh khát vọng tự do của mình.
2/- A Châu
Có số phận đau thương, bi kịch nhất trong hàng trăm nhân vật nữ của tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Nàng là con của Đoàn Chính Thuần - 1
người cha cực kỳ vô trách nhiệm…
Kiều Phong đã cứu A Châu trên núi Thiếu Lâm. Gặp lại nhau tại Nhạn Môn Quan, A Châu nhào vào lòng Kiều Phong và khóc lên vì hạnh phúc.
Do một lời vu cáo, Kiều Phong nhận lầm rằng Chính Thuần là người chỉ huy đánh giết cha của mình, nên ông quyết đi trả thù. Đề cứu cha ruột, A Châu hóa trang làm Chính Thuần, đến bên cầu giữa đêm mưa gió, chấp nhận cuộc chiến đấu rửa hờn của Kiều Phong. Ông chỉ đánh 1 chưởng và khám phá ra đó là A Châu đã bị tử thương. Ông tiêu diệt chính tình yêu của ông, cứu cánh hạnh phúc của đời ông.
Bi kịch tình-hiếu đã khiến A Châu tử thương, Kiều Phong đánh lầm làm người yêu ra đi khỏi cuộc đời mình, mang mối ân hận ngàn thu. A Châu trở thành nhân vật mẫu mực, tượng trưng cho lòng hy sinh cao cả của người phụ nữ phương Đông.
- BỘ LỘC ĐỈNH KÝ
1/- Vi tiểu Bảo
Xuất thân từ kỹ viện Lệ Xuân ở thành Dương Châu. Mẹ của hắn bang giao rộng rãi với các anh em Hán, Mông, Tạng, Hồi, Mãn; nên không khẳng định được cha của hắn là ai. Chính Tiểu Bảo đã từng mơ ước một ngày nào có số tiền lớn đến một kỹ viện để ăn xài phung phí cho sướng tay 3 ngày 3 đêm. Nhưng thật ra, kỹ viện không phải chỉ là nơi mại dâm, bọn giang hồ hào sĩ bị bọn quan binh truy nã; người bị thương đều lánh vào kỹ viện dưỡng thương.
Tiểu Bảo, học trò của Trần Cận Nam, là hương chủ Thanh Mộc Đường của Thiên Địa Hội, nằm vùng trong cung triều Thanh, được vua Khang Hy sủng ái. Khi lên ngôi, ông vua nhỏ tuổi này muốn trừ khử Ngao Bái, Tiểu Bảo có công đâm chết Ngao Bái nên được tặng tiểu tì Song Nhi đi theo hầu. Lúc bấy giờ, ở Vân nam, Ngô Tam Quế đang chuẩn bị binh mã khởi loạn chống lại vua Khang Hy. Dùng thủ đoạn, Tiểu Bảo vu cáo để Ngô Chi Vinh bị bắt – để trả thù cho gia đình Song Nhi - sau đó Ngô Tam Quế cũng bị tiêu diệt.
Đọc “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn, người ta cười buồn, xót thương cho số phận con người Trung Quốc, AQ chết trên pháp trường một cách hồ đồ. Đọc “Lộc Đỉnh ký”, người ta cười ha hả: Tiểu Bảo sống nhăn răng với 7 mụ vợ xinh đẹp và một gia tài kếch xù, thế nhưng, người ta không tìm ra được hành tung của hắn dù nơi đâu hắn cũng có mặt.
2/- Song Nhi
Có võ công cao cường, nhân phẩm đoan chính, có học vấn và có tấm lòng trung thành vô hạn đối với chủ. Cô đi theo Tiểu Bảo ăn tuyết nằm sương, nhưng không bán mình cho họ Vi, cô bỏ công ra cả tháng, thức thâu đêm để khâu lại những mảnh vải nhỏ lấy được trong 8 bộ “Tứ thập nhị chương kinh” thành tấm bản đồ lớn mô tả kho châu báu ở Lộc Đỉnh Sơn mà không hé miệng than thở một lời. Tiểu Bảo hay chợt nhả, nhưng cô chẳng bao giờ dễ dãi để hắn ôm hôn. Trong khi đó, với Kiến Ninh công chúa, em vua Khang Hy; với A Kha, con gái Trần Viên Viên; với công chúa Sophia của nước Nga, Tiểu Bảo muốn hôn là hôn, muốn chăn gối là chăn gối…
Điều gì đã khiến nhà văn Kim Dung tôn trọng nhân phẩm của một con hầu, nâng cô lên trên cả các vị công chúa và tiểu thư thiên kim? Đó chính là cái nhìn của ông về bản chất của cái gọi là tầng lớp quý tộc trong chế độ quân chủ Trung Hoa... Song Nhi trở thành 1 trong 7 người vợ của Tiểu Bảo, nhưng cô vẫn giữ được phấm giá chân chính của người phụ nữ.
- BỘ Ỷ THIÊN ĐỒ LONG KÝ
1/- Trương vô Kỵ
Là con trai của Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố, có tấm lòng rất nhân hậu, 15 tuổi đã dám dắt em bé Bất Hối sáu bảy tuổi vượt hàng chục ngàn dặm lên Thiên Sơn tìm cha. Con người trai trẻ ấy may mắn học được Cửu Dương Công, Võ Đang quyền pháp... Mới 20 tuổi đã xả thân cứu quần hào Minh giáo, chịu đem tấm thân cho người ta đánh đập để hóa giải tất cả mọi hận thù. Và cũng con người ấy mới 20 tuổi đã làm giáo chủ một giáo phái yêu nước, lãnh đạo người Trung Quốc đứng lên khởi nghĩa chống quân Nguyên xâm lược. Dù Chu Nguyên Chương phản mình, đem Vô Kỵ và Triệu Mẫn giam vào đại lao, nhưng vì cuộc khởi nghĩa ở Hoài Tứ Chỉ lại cần có Nguyên Chương làm thủ lĩnh, nên Vô Kỵ lặng lẽ mở xiềng khóa, dẫn người tình ra đi để Nguyên Chương tiếp tục lãnh đạo thành công và lập ra triều Minh.
2/- Triệu Mẫn
Là quận chúa Mông Cổ, một cô gái tươi đẹp như hoa nở, không cô gái Trung Hoa nào có thể sánh kịp.
Tham vọng của Triệu Mẫn rất lớn là triệt hạ 6 đại môn phái Trung Hoa đang nuôi mộng chống đối nhà Nguyên. Cô đã bao vây được các thủ lĩnh của Minh giáo và đã nhốt được Vô Kỵ dưới hầm sâu. Nhưng Vô Kỵ vốn là thầy thuốc, võ công lai cao cường, đã khống chế cô bằng cách dồn Cửu Dương Công vào gan bàn chân khiến cô ngứa ngáy và phải thả chàng ra. Chính việc cù chân đó đã làm nảy sinh trong lòng cô mối tình tha thiết với Vô Kỵ.
Lòng hy sinh của Triệu Mẫn thật bao la: bỏ lại tất cả vương tước, cuộc sống cao quý, xa cha, xa anh để được sống bên Vô Kỵ. Tình yêu bao la đó đã được Vô Kỵ đền đáp một cách xứng đáng: chàng nhường ngôi giáo chủ Minh giáo Trung Hoa lại cho Dương Tiêu, cùng Triệu Mẫn dắt tay nhau rong chơi bốn biển năm hồ.
- BỘ TIẾU NGẠO GIANG HỒ
1/- Lệnh Hồ Xung
Làm môn đệ phái Hoa Sơn từ lúc 12 tuổi, tôn sư phụ Nhạc Bất Quần như cha, coi tiểu sư muội Nhạc Linh San như em gái. Bản tính hắn ngay thẳng, chân thực, không nịnh bợ ai, sẵn sàng ra tay viện trợ người khác. Bị Linh San phụ rẫy mối tình đầu để đi theo Lâm Bình Chi, hắn còn mang tiếng xấu là đã ăn trộm Tịch Tà Kiếm Phổ, Nhưng hắn lọt vào mắt xanh thánh nữ- Nhậm Doanh Doanh, tiểu thư của Nhật Nguyệt thần giáo và từ đó, bọn bang môn tả đạo coi hắn là đại anh hùng đại hào kiệt trên đời. Nhưng cuộc sống oái oăm, con người thanh danh tàn tạ như hắn lại trở thành chưởng môn phái Hằng Sơn, cai trị một bầy ni cô và phụ nữ tục gia.
Với đường Độc Cô Cửu Kiếm, hắn nhìn ra toàn bộ sơ hở trong kiếm pháp của thiên hạ, hắn có thể giết được tất cả kẻ thù địch nhưng luôn luôn hắn hạ thủ lưu tình. Hồ Xung là chính nhân quân tử thứ thiệt, miệng hắn bẻo lẻo trơn như mỡ nhưng hành vi rất đoan chính, quang minh, ai cũng yêu mến hắn và căm giận sư phụ hắn là Nhạc Bất Quần tức Quân Tử Kiếm.
2/- Nhậm Doanh Doanh
Là một nữ nhân vật tươi đẹp trong sáng, giỏi âm nhạc, võ công cao cường, mưu trí sâu sắc, cai trị bọn bàng môn tả đạo bằng trái tim thép nhưng rất mẫn cảm với tình yêu và sống với tình yêu bằng trái tim dịu dàng vô kể. Cô gặp Hồ Xung trong khi chàng trai lãng mạn này đã mất hết công lực, bị sư phụ và các đồng môn đạp xuống hố sâu của sự nghi ngờ khinh bỉ... Cô gặp Hồ Xung qua tấm rèm không cho chàng trai thấy mặt, nhận tặng vật của chàng là một bộ nhạc phổ “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và lắng nghe chàng kể lai nỗi đau tình khi bị Linh San phụ bạc để đi theo Bình Chi. Doanh Doanh có nhận định khá lạ lùng về tình yêu: Hễ ai không chung tình với quá khứ thì sẽ không chung tình với hiện tại và tương lai. Cho nên, cô ra đi để bảo vệ Hồ Xung, xoa dịu vết thương thể xác và tâm hồn. Khi chàng kiệt sức, cô đành cõng chàng lên chùa Thiếu Lâm nhờ chữa trị và tự đem thân mình cho phái Thiếu Lâm cầm tù để đổi lấy sinh mạng của người yêu.
Khi lành bệnh, hiểu ra được lòng thương yêu và đức hy sinh vô hạn ấy của Doanh Doanh, Hồ Xung đã thống lĩnh toàn bộ bọn hào sĩ lên chùa Thiếu Lâm đòi thả cô ra. Chính hành động mạnh mẽ ấy của chàng khiến Doanh Doanh biết chàng đã yêu mình. Cuối cùng, cô nhường ngôi giáo chủ lại cho Hướng Vấn Thiên, làm đám cưới với chàng và vợ chồng cùng song tấu khúc “Tiếu Ngạo Giang Hồ”.
- BỘ THẦN ĐIÊU HIỆP LỮ
1/- Dương Quá
Thông minh vô hạn, can đảm tuyệt vời, trung thực mười phần, chàng học được Đả Cẩu Bổng pháp của Cái bang, lại đắc thủ toàn bộ võ công của phái Cổ Mộ do Tiểu Long Nữ sư phụ truyền cho... Cái hơn đời nhất của Dương Quá so với các người anh hùng khác là chàng đã dám yêu sư phụ của mình trong một xã hội phong kiến mà người thầy được xếp cao hơn cả cha mẹ. Dù bị mọi người nguyền rủa, chàng vẫn thừa nhận tình yêu ấy, thừa nhận chỉ yêu Long Nữ và khi nàng ra đi thì chàng cũng đi khắp góc biển chân trời tìm nàng.
Cuộc kháng chiến chống quân Mông cổ có sự góp mặt tích cực cùa Dương Quá- chàng trai yêu nước.
2/- Tiểu Long Nữ
Ngay từ thuở nhỏ, nàng đã được nuôi nấng, học võ công và trưởng thành trong ngôi mộ của phái Cổ Mộ sau núi Chung Nam,
kế tục sự nghiệp cúa sư tổ Lâm Triều Anh. Nàng là một cô gái trong sáng, đắc thủ toàn bộ võ công của phái Cổ Mộ, Long Nữ trưởng thành hồn nhiên như viên ngọc không gợn tì vết, nàng thương yêu người đồ đệ kém mình 2 tuổi và trong đời nàng, chỉ có mối tình ấy, không còn mối tình nào khác.
Nhưng Long Nữ đã bị gã đồ đệ phái Toàn Chân làm thất trinh, chỉ tội nghiệp cho nàng: nàng cứ nghĩ người đó là Dương Quá, nên trong sự bẽ bàng đau đớn còn có niềm hạnh phúc được dâng hiến. Cũng tội nghiệp cho chàng phải chịu cái án oan. Cho đến khi Long Nữ biết ra được rằng Dương Quá đồ đệ của mình vẫn trước sau là một người trong sáng, thì nàng thật sự tuyệt vọng. Nàng lẳng lặng từ bỏ mối tình lớn trong đời để ra đi. Dương Quá cũng từ bỏ tất cả ra đi để tìm sư phụ. Cuộc rượt đuổi đi tìm hạnh phúc, tình yêu đó thật não nùng.
- BÀI HÁT VỀ CÁC NHÂN VẬT CỦA KIM DUNG
Theo nhạc của Bài hát “ London Bridge ” , người viết soạn Bài hát về các Nhân vật của nhà văn Kim Dung sau đây:
Các bộ truyện của Kim Dung :
1) Thiên Long Bát Bộ với Kiều Phong
2) Phi Hồ Ngoại (truyện),
3) Lộc Đỉnh Ký
4) Liên Thành Quyết,
5) Ỷ Thiên Đồ Long (ký)
6) Tiếu Ngạo Giang Hồ!
7) Anh Hùng Xạ Điêu,
8) Bích Huyết Kiếm
9) Thư Kiếm Ân Cừu Lục
10) Thần Điêu Hiệp Lữ,
11) Hiệp Khách Hành
12) Tuyết Sơn Phi Hồ.
- Thiên Long Bát Bộ (tức Lục Mạch Thần Kiếm)
(Thời) Tống - Liêu Kiều Phong yêu A Châu
A Tử, Hư Trúc, Ngân Xuyên (Công chúa Tây Hạ)
(Vương) Ngữ Yến, Uyển Thanh, Đoàn Dự có
Lục Mạch Thần Kiếm!
- Lộc Đỉnh Ký
Lộc Đỉnh Sơn (Vi) Tiểu Bảo thắng Nga (La Sát)
Theo Khang Hy (và) Thiên Địa Hội
Yêu Kiến Ninh, Song Nhi, A Kha
AQ đến Tiểu Bảo!
- Ỷ Thiên Đồ Long Ký
(Trương) Vô Kỵ giúp (Chu) Nguyên Chương lập (triều) Minh
Yêu Triệu Mẫn, (Chu) Chí Nhược, Tiểu Chiêu
Ân Tố (Tố), (Trương) Thúy Sơn, Tạ Tốn giữ
Ỷ Thiên Đồ Long (đao)!
- Tiếu Ngạo Giang Hồ
Quân Tử Kiếm, (Lâm) Bình Chi, (Nhạc) Linh San
Đào Cốc Lục Tiên, Tổ Thiên Thu
Lệnh Hồ Xung, (Nhậm) Doanh Doanh song tấu
Tiếu Ngạo Giang Hồ!
- Thần Điêu Hiệp Lữ
Hoàng Dung, Quách Tỉnh, Quách Tương chống
(Tiểu) Long Nữ sư phụ Cổ Mộ
Yêu đệ tử Dương Quá nổi danh
Thần Điêu Hiệp Lữ!