Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

CỔ PHÁP CỐ SỰ



      Cổ Pháp Cố Sự (Bộ sách viết về cội nguồn nhà Lý)
      Nhà văn Nguyễn Khôi quê gốc làng Cổ Pháp, sau đổi là Đình Bảng, đất phát tích Vương triều Lý; từ năm 2002 đã dành thời gian và tâm huyết viết Bộ Sử Làng "Cổ Pháp Cố Sự" 4 tập, dày 970 trang.
      Tập 1+ 2+ 3 đã xuất bản, vừa được Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Thủ Đô 2008 (cùng đợt với tập" Thơ Trần Dần"). Tập 4 đã viết xong (Chuyện làng Đình Bảng từ 1945 đến nay) sẽ xuất bản trong dịp tới.
      Việt Văn Mới Newvietart xin trích đăng lại một số chương của Cổ Pháp Cố Sự để bạn đọc Trong và Ngoài Nước cùng thưởng thức.

3. Sông Tiêu Tương

(Cổ Pháp lâm)


Đ ó là dòng sông cổ tích, dòng sông huyền thoại của :

Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay
Cô Mỵ Nương ở Lầu Tây
Con quan Thừa Tướng ngày ngày cấm cung
Trương Chi chở đò ngoài sông
Cất lên tiếng hát động lòng Mỵ Nương...

Lầu Tây ở trên đồi Hồng Vân (Lim). Để tưởng nhớ mối tình "tiếng hát trái tim" này, hàng năm cứ đến ngày 13 tháng giêng trai gái trong vùng trẩy hội về đây hát giao duyên Quan họ. Với cảm hứng "ai về Kinh Bắc" - nhạc sỹ Văn Cao đã sáng tác bài "Trương Chi" réo rắt bổng trầm bất hủ.Thông Đạt thì cất cao tiếng hát "ai có về bên bến sông Tương, nhắn người em gái tôi thương...".

Với năm tháng thời gian cứ kéo dài như không bao giờ hết...Đến nay còn xao xuyến bao lòng người con Kinh Bắc. Làng Cổ Pháp xưa nằm ngay bên bờ sông Tiêu Tương. Vua Lý từ Thăng Long về bằng thuyền rồng qua nẻo cửa sông Đuống(chỗ Gia Quất - Gia Lâm) rồi vào các con ngòi nhỏ qua vùng Cói, Yên Thường tới Cổ Pháp... Sông Đuống xưa còn nhỏ cỡ con ngòi (sau này được Nguyễn Công Trứ một lần và Nguyễn Tư Giản một lần- là Doanh Điền Sứ đã cho đào to, mở rộng như ngày nay) theo ý một vài vị cố lão thì địa lý cổ sông Đuống là Minh Đường của một tổ nhà Lý" bát diệp liên hoa" (tám cánh hoa sen) ở trong rừng Báng. Tương truyền xưa vua Lý Thánh Tông thường đi thuyền rồng từ quê theo sông Tiêu Tương lên chùa trên núi Phật Tích (Tiên Du) nghỉ mát và đọc kinh vào mùa hè. Những địa danh núi Tiêu, xã Vân Tương, những khúc sông ở Đình Bảng, Nuốn, Phù Lưu sang tới Yên Phong, Quế Dương đổ vào sông Cầu (Nguyệt Đức) là dấu vết của sông Tiêu Tương thơ mộng ngàn xưa. Ngày nay, với ý định khơi lại sông Tiêu Tương từ đầm Phù Lưu qua Đền Đô (Đình Bảng) ra tới Trịnh Xá đổ vào sông Ngũ Huyện Khê... nếu thành hiện thực là ta đã khơi dậy sự trở lại với cội nguồn: lối xưa Vua Lý đi về... để câu Quan họ xanh dòng Tiêu Tương. Từ hồi còn đi học, tôi rất thích chùm thơ"Tiêu Tương bát cảnh" truyền đời của Tiến sỹ Nguyễn Xung Ý người làng Kim Đôi (Quế Võ) một trong nhị thập bát tú "Hội tao đàn" của Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) tuy là mượn thể thơ Tàu, nhưng đó là thơ Quốc Âm, rất Việt Nam:

...Pha khói chim về cây điểm phấn
Quáng dòng cá hớp nước tuôn la
Có người đợi nguyệt trèo khoang gác
Nước Thương Lang một tiếng ca
(Bóng chiều rọi thôn chài)

lại nhớ câu Kiều:

Mành Tương phân phất gió đàn
Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình

thì lại thấy: thời xưa ấy Nguyễn Du đã bao lần lội qua sông Tiêu Tương về thăm quê mẹ ở làng Hoa Thiều (Từ Sơn).
Với chàng Phạm Thái (thời Lê mạt) thì Tiêu Sơn cổ tự soi bóng xuống dòng Tiêu Tương đã cho thi sỹ cất cánh hồn thơ viết những cẫu thơ tình đầu tiên của Việt Nam:

Trăng soi vằng vặc vóc non mờ
Lan thoảng hương đưa
Cúc thoảng hương đưa
Trời in một sắc nước xanh lơ
Oanh nói u ơ
Yến nói u ơ
Cánh buồn chở nguyệt gió lay sơ
Lốm đốm sau thưa
Phấp phới sương thưa
Chinh nhân thổi địch (sáo) ơ hờ
Thiều nhạc không xa
Hoan hội không xa
... Thấp thoáng oanh thoi dệt liễu
Thung thăng phấn bướm dồi mai
...Mai ủ hình thơ
Trúc ủ hình thơ...

Với tôi, sông Tiêu Tương ở ngoài cổng sông Vớt (xóm Bà La- Đình Bảng) vớt xác Trương Chi hay vớt hồn ai là cả tuổi thơ đầy chất quê mơ mộng, diệu huyền. Đó là những chiều hè, tôi cùng lũ bạn nhỏ chăn trâu bơi lội trên sông. Đó là những đêm Trung thu ngồi trên thành cống cổng sông Vớt lắng nghe tiếng sáo diều vi vu lưng trời thả hồn người tới dặm cao xanh. Đó là những đêm chống hạn, tát nước cùng người bạn gái "múc ánh trăng vàng đổ đi..."

Nơi ấy có những con cò lặn lội, những cánh cò bồng bế nhau đi, những đàn chim ngói chở heo may về, những đám lục bình trôi nổi với những chùm hoa tím ngát. Sông là lòng quê, tình quê chở đầy ắp hồn làng... Để ai đó có xa nhau thì có lúc bất chợt nảy trong đầu cái câu:

Sông Tương một dải nông sờ
Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia
Như một lời hẹn ước xa mờ...


...............................(Còn Tiếp)




VVM.13.10.2023 - NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .