"Trai tráng sĩ cũng so vai rụt cổ,
Gái thuyền quyên cũng mặt bủng da chì."
T huốc phiện, hồi xưa chỉ có một thứ, màu đen như cao dán, người nghiện lấy một chút, nướng trên "ngọn đèn dầu lạc", rồi bỏ vào tẩu hút, đại khái như thế, tôi không rành vì tôi chưa hút thuốc phiện bao giờ.
Hút thuốc phiện thú lắm, nên trước năm 1945, đám văn nhà veo ngoài Bắc, diễn dịch mấy tiếng "phiện thú lắm" - nghĩa là hút thuốc phiện thú lắm - thành mấy chữ "phi yến thu lâm", con chim yến bay trong rừng thu. Tôi nói cho mẹ tôi nghe chuyện nầy, mẹ tôi bảo: Bày đặt! (1)
Hút thuốc phiện gọi là "đi mây về gió". Mẹ tôi thì thường mai mỉa "trâu bò đút vô ống". Trâu bò, cũng như ruộng vườn, đem bán hết, đút vô ống, tức là đút vô ống tẩu. Người đã mắc vào vòng nghiện hút thì tài sản tiêu tán hết.
Trước 1945, khi tôi mới vô lớp Đồng Ấu, có nghe anh chị tôi học trong sách "Quốc Văn (hay Luân Lý?) Giáo Khoa Thư" câu ca dao:
Trai tráng sĩ cũng so vai rụt cổ,
Gái thuyền quyên cũng mặt bủng da chì.
Ấy là nói về người nghèo mắc vòng thốc phiện, chớ người giàu thì không. Mấy người Tàu ở xứ tôi, buôn bán giàu có, nhiều người hút thuốc phiện, nhưng ăn uống đầy đủ, cao lương mỹ vị, thì so vai rút cổ thế nào được.
Hồi ấy, trong nhà có bàn đèn là "mốt" chơi của người giàu đấy, không những giàu mà còn sang nữa. Ăn uống no say rồi, sang nằm bàn đèn, "kéo" mỗi người vài ba điếu là nhà giàu có sang trọng.
Anh chàng Long, nhân vật chính trong "Giông Tố" của Vũ Trọng Phụng, tự tử bằng thuốc phiện đấy. (2)
Trong "Hồi Ký Phạm Duy", ông ta có nói cậu ông - em của mẹ - là Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc trong nhà có bàn đèn thuốc phiện để hút chơi, hay để chứng tỏ nhà sang trọng. Ông Ngọc thuộc nhóm tác giả sách "Quốc Văn Giáo Khoa Thư và Luân Lý Giáo Khoa Thư" thuộc Nha Học Chánh Đông Pháp của chính phủ Bảo Hộ. Ông Ngọc còn là đồng tác giả "Cổ Học Tinh Hoa" với ông Tử An Trần Lê Nhân nữa đấy. Người nhiện thuốc phiện mà viết sách dạy về luân lý thì có tréo cẳng ngổng không? Có lẽ thời ấy hút thuốc phiện, có bàn đèn trong nhà là người sang.
Mốt chơi nầy là do người Việt ta bắt chước người Tàu. Sa vào con đường nầy thì u mê nghiện ngập luôn. Sa vào một tôn giáo, sa vào một tín ngưỡng, sa vào chủ nghĩa... cũng tương tự như vậy. Những người tin vào chủ nghĩa Mác, sa vào chủ nghĩa Mác đều u mê như nhau, giống như người ta xuống tới âm phủ, Diêm Vương bắt ăn một chén cháo lú thì quên hết quá khứ, quen hết cha mẹ, anh em, tộc họ, tổ quốc, đồng bào. Mê muội một tôn giáo, một học thuyết - như người theo Cộng Sản, cũng là ăn cháo lú vậy.
Ông Trần Đình M,. nhà ở cạnh tôi là một tỉ dụ đau đớn. Đau đớn là do tôi cảm nhận, còn ông ta thì tôi không biết rõ. Ông nội anh ấy là một ông quan lớn cuối đời Tự Đức. Nhà vua nhiều lần giao cho ông ấy nhiều trọng trách khi thương thuyết với Pháp, lúc ấy Pháp đang xâm lăng nước ta. Thân phụ anh M. làm thông ngôn cho công sứ tỉnh "Quảng Trị tui". Anh M. thường khoe với tôi: "Trên là quan công sứ, dưới là quan tuần vũ, giữa là ba tui." Tôi thường có ý tưởng đen tối về chữ "giữa" ấy của anh M., nhưng thực sự thân phụ anh M. là một người quyền lực lớn lắm. Quan tuần vũ không biết tiếng Tây, nên thân phụ anh ta, thông dịch cho Tây như múa gậy vườn hoang. Quan quyền mà lại làm quan cho Tây nên nhà anh M. giàu có lắm. Vì vậy nên anh M. lo chơi hơn lo học, đọc chữ quốc ngữ không thông, không có công ăn việc làm gì cả. Vợ anh buôn bán ở chợ tỉnh, tần tảo nuôi con, nuôi chồng. Chị vốn là "người ở" nhà anh M., anh ấy "vớt" luôn làm vợ. Chị ấy không đồng ý cũng không được vì anh M. là "cậu ấm con nhà quan to nhất tỉnh". Không làm việc gì cả nên anh M. "nhàn cư vi bất thiện". Ban đầu thì chiều chiều anh lên chợ gặp vợ, biểu vợ đưa ít chục để anh đi uống rượu chơi. Ban đầ thì uống ít say ít, "tiến bộ" hơn nữa thì uống nhiều say nhiều. Trước thì uống rượu say rượu, sau thì anh M. đổi món ăn chơi: hút thuốc phiện say thuốc phiện. Thời Ngô Đình Diệm cấm "tứ đổ tường" thì anh M. hút ở tiệm, say ở tiệm. Tới thời Nguyễn Văn Thiệu, không còn thấy cấm "tứ đổ tường" thì anh soạn chỗ hút ở nhà, say ở nhà, có nhiều "hít tô phe" cùng đến với anh. Không chỉ người ta "say thuốc phiện" mà những con thằn lằn trong nhà anh cũng say thuốc phiện luôn. Một hôm về thăm nhà, thằng cháu lớn gọi tôi bằng chú nói với tôi: "Chú ngửi thấy gì không? Bên nhà ông M. đang hút thuốc phiện." Tôi lắng nghe, trong không khí có mùi lạ, thơm." Một lúc, thằng cháu lại nói: "Chú nhìn qua vách nhà ông M. coi, cả chục con thằn lằn nằm im trên vách." Thằn lằn đang say thuốc phiện."
Cách nay lâu lắm, tôi có đọc một póhng sự trên báo Cải Tạo / Hà Nội. Bài báo kể chuyện, - thời Quốc Trưởng, ngay Hà Thành có nhà ông quan cũ, ông con trai thích làm quan huyện ở nhà quê, khoái con gái nhà quê da thịt "săn chắc" - Nông Thị Xuân, con gái miền Sơn Cước, còn "ngon" hơn con gái nhà quê nhiều. "Bác Hồ" cũng có con mắt "tinh đời" khi chọn Nông Thị Xuân đấy. Nhà có con gái út, học hành thì nhác, mà đọc tiểu thuyết, "truyện đường rừng" thì chăm. Có hôm cô đọc một truyện kể có anh đang hút thuốc phiện, có con rắn bò đến bên cạnh, nằm im, để nghe mùi thuốc. Nghe chuyện ấy, ông nội mai mỉa: "Rắn thì ưa thịt tươi máu sốt, ưa gì mùi thuốc phiện, để nó cắn cho một phát là xong đời cho rổi. Truyện mhảm nhí."
Anh M. có hai con trai, giống cha, chẳng học hành gì cả. Đứa lớn tới tuổi nhập ngũ, bị đưa tuốt vô Nam, không biết chữ làm sao viết thư về nhà thăm gia đình, coi như đi mất tiêu. Thằng em, mấy năm lính Mỹ đóng ở Ái Tử, lén bán cần sa, bị bắt đi tù. Hai đứa con gái, con chị có chồng đăng lính tử trận, con em làm gái. Vợ anh M. bỏ nhà đi mất, không ai rảnh hơi đi tìm giùm anh M. Thế là gia đình tan nát, lỗi tại "ả phù dung." Mẹ tôi thường nói câu tục ngữ: "Có ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời." Ông bà thất đức, con cháu gánh hết."
Bày "bàn đèn thuốc phiện" để tỏ sự giàu có là do người Việt học thói người Tàu. Tức là nói người Tầu đông người, người giàu cũng đông, và "bàn đèn" cũng nhiều, "sức mua" (thuốc phiện) cũng mạnh. Người Anh thấy ngon, bèn đi mua thuốc phiện bên Ấn Độ đem bán cho người Tàu, gây nên "Chiến tranh Nha phiến". Sử chép:
Chiến tranh Nha phiến, hay Các cuộc chiến Anh-Trung là hai cuộc chiến xảy ra giữa thế kỷ 19 (1840 – 1843 và 1856 – 1860) gây nên xung đột kéo dài giữa Trung Quốc dưới triều Mãn Thanh và đế quốc Anh. Trong cuộc chiến lần thứ hai, Pháp, Nga và Hoa Kỳ đã liên minh với Anh để tấn công Trung Quốc.
Nguyên do cuộc chiến xung quanh việc chính phủ Anh đòi quyền tự do buôn bán nha phiến từ Ấn Độ thuộc Anh sang Trung Quốc trong khi nhà Mãn Thanh có lệnh nghiêm cấm.
Trung Quốc hoàn toàn thất bại trong hai cuộc chiến với hậu quả phải công nhận thương quyền buôn nha phiến của ngoại quốc. Hơn nữa triều đình Mãn Thanh phải ký các hiệp ước bất bình đẳng, chịu mở nhiều cảng cho các nước ngoài vào thông thương. Hồng Kông thì bị cắt làm nhượng địa cho đế quốc Anh. Nhiều nước đế quốc (Đức, Pháp, Nhật, Nga,...) khác theo chân nước Anh và đã buộc Trung Quốc phải chấp nhận nhiều điều kiện bất bình đẳng ngay trên đất Trung Quốc. Mối nhục này của triều đình Mãn Thanh trước các cường quốc Tây phương là ngòi lửa góp phần cho cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (1850 - 1864), rồi Nghĩa Hòa Đoàn (1899 - 1901) và cuối cùng là Cách mạng Tân Hợi, kết thúc thời đại phong kiến Mãn Thanh (1911).
(trích Wkipedia)
Người Anh khôn?
Người Pháp cũng không dại!
Cậu (cha) tôi không phải là người thích uống rượu nhưng giỗ kỵ thì phải có rượu cúng, đúng như phong tục của người Việt Nam. Nấu rượu không khó nhưng thực dân buộc người dân Việt Nam phải dùng "Rượu Sica". Rượu Sica là "rượu Tây". Rượu Tây nói ở đây không phải thứ rượu sản xuất bên Tây như Champagne, Martell... mà rượu do Tây "quản lý", như Cộng Sản nói "nhà nước quản lý" vậy. Cho ăn mới được ăn, cho uống mới được uống. Người dân muốn uống rượu, nhà nước cho uống mới được uống. Thời Tây muốn uống thì phải mua rượu Sica đem về uống. Rượu Sica là rượu "Nhà nước - Tây - quản lý". Ở thị xã Quảng Trị, trước 1945, người ta mua rượu Sica ở tiệm "Chú Sừng" - Chú Sừng làm đại lý rượu Sica cho Tây. Trên sông Thạch Hãn, kế bên chợ Quảng trị, ngày xưa có một bến sông, người ta thường gọi là "Bến Sica", có lẽ là nơi vận chuyển rượu cho tiệm rượu Sica của Chú Sừng. Chỉ cần nghe người ta gọi "Chú" - (Sừng) - thì biết ngay đó là "Chú Ba Tàu", như "Chú Quánh" tên thiệt là Diệp Khôn, chủ cửa tiệm Diệp Đức Ký - cố nội Tyler Diệp - hay "chú Nàm", "chú Vạn" vậy.
Người ta thấy người Việt mang "một vòng thắt cổ": Uống rượu Tây, mua ở tiệm Tàu" . Người Việt Nam chạy đằng nào cho thoát, nên phải hát như Văn Cao: "Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than", Trịnh Công Sơn thì gọi "Một trăm năm nô lệ giặc Tây."
Ai nấu rượu (lậu), ai uống rượu (lậu), tức là không phải rượu của hãng Sica, thì bị đi tù "mọt gông". Cũng may, thân phụ tôi không phải là người nát rượu, chỉ khi nào cúng quãy, chị cả tôi mới mua chưa tới nửa chai nhỏ đựng rượu đem về cho "cậu" (tức là bố tôi đấy) cúng ông bà.
Nhưng người ta cũng nấu rượu - công khai -, bán rượu cũng công khai. Ai mà ngon vậy? Dân làng Trí Bưu, bên ngoài thành phố Quảng Trị. Làng nầy là "làng đạo" - 99% là dân có đạo, có nhà thờ rất lớn, có ông cha Tây "cai quản họ đạo". Thằng Tây "đoan" (Douanne) nào "gan cùng mình" mới dám vào làng nầy kiểm soát. Ông cha Tây là cái dù của dân làng nấu rượu đấy.
Ngày nay, "Độc lập - Tự Do - Hạnh Phúc" nên mặc sức "Sáng xị, trưa xị, chiều xị", "xỉn" tối ngày. Người dân "đã thiệt".
"Sống đời Nghiêu Thuấn khổ thay,
Giếng đào mà uống, ruộng cày mà ăn.
Sống đời Kiệt Trụ sướng thay,
Có rừng nem béo, có ao rượu đầy."
Món hàng thứ hai bị Tây độc quyền là thuốc phiện. Năm 1950, người bạn học lớp nhì với tôi, con trai một chú ba, nhà có bàn đèn, rủ tôi: "Mày đi với tau, mua cái nầy cho ba tau.". Tôi theo nó vào nhà Douanne, mua một hộp thuốc phiện, hộp nhỏ như hộp dầu Cu-là Mắc xu (Mac-Phsu), bằng thiếc, sơn màu đỏ. Buôn bán thuốc phiện là độc quyền của Nhà Nước Tây, ai buôn lậu, đều bị tù.
Người ta thường cho rằng thuốc phiện là món kích thích trí óc người ta nên các nhà văn, nhà thơ xứ Bắc Kỳ khuyến khích nhau hút thuốc phiện, nằm nghiêng mà ngó "Ngọn đèn dầu lạc". (một tác phẩm của Nguyễn Tuân). TCHYA, Lê Văn Trương, Ngọc Giao, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Trọng Phụng (?) ... là đệ tử của "Nàng Tiên Nâu". Cố vấn Ngô Đình Nhu là một "mưu sĩ" của chế độ nhà Ngô nên cũng có người cho rằng ông thuộc "phe hít-tô". (hít tô phe.)
Cụ Phan Bội Châu, khi bị giam lỏng ở Bến Ngự, gọi ông Ngô Đình Diệm là chí sĩ, nên dân Huế hồi đó gọi ông Diệm là "Chí sĩ Ngô Đình Diệm", gọi chung với cụ Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Tiểu La... là những nhà cách mạng. Ông Ngô Đình Diệm cũng là người đại diện cho Kỳ ngoại hầu Cường Để ở Huế, ông cũng thuộc "dòng Nho Gia" nên sau khi cầm quyền ở miền Nam, ông phát động phong trào "bài trừ tứ đổ tường". "Tứ đổ tường" là bốn thói xấu của xã hội thực dân, phong kiến, đồi trụy... miền Nam VN thời bấy giờ. Đó là: cờ bạc, rượu chè, thuốc xái, đĩ điếm.
Vậy mà một hôm, ông Ngô Đình Nhu, cố vấn tổng thống, với bác sĩ Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ, xin gặp tổng thống để bàn việc cho phép "buôn thuộc phiện".
"Nho sĩ" Ngô Đình Diệm bỗng "đỏ mặt tía tai", giận dữ nhìn hai ông, tưởng như muốn đuổi hai ông ra khỏi phòng. Tuy vậy, hai ông kia cố gắng thuyết phục. Cuối cùng, tổng thống Diệm đồng ý. Có chi lạ không? Không! Chuyện là như thế nầy.
Trước năm 1954, quân Pháp ở Việt Nam, có một đài kiểm thính. Nhiệm vụ của trung tâm nầy là"bắt", là theo dõi, kiểm soát, thu thập, giải đoán các luồng sóng điện của địch, để biết sự di chuyển, hoạt động của địch, để có biện pháp "đáp ứng" thích hợp. Đài kiểm thính đó của Pháp để lại cho Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, vừa cũ vừa lạc hậu. Chính phủ Miềm Nam VN có yêu cầu Mỹ thiết lập cho một đài mới, hiện đại hơn, mạnh hơn, để có thể theo dõi hoạt động của Quân Đội Bắc Việt, đề phòng họ xâm nhập miền Nam, vượt vĩ tuyến 17 hoặc xâm nhập Lào.
Người Mỹ không đồng ý. Họ không muốn chính phủ miền Nam có phương tiện tình báo chiến lược. Họ đã có một đài kiểm thính ở Đài Loan, làn sóng "phủ" toàn bộ vùng Hoa Nam và Bắc Việt. Với lại, quân đội miền Nam chỉ có tình báo chiến thuật, nên Mỹ chỉ đâu thì Việt Nam đánh đó. Mỹ không muốn nước nào "ngang cơ" với họ.
Muốn vượt khỏi vòng kiềm tỏa nầy, chính phủ miền Nam muốn có một "Trung tâm kiểm thính" riêng cho mình, không phụ thuộc vào Mỹ. Tuy nhiên, muốn thiết lập một trung tâm như thế, má móc có thể mua được, hàng của Mỹ, của Nhật, của Đài Loan. Với lại, thuốc phiện là thứ muôn đời, dù cấm cản như thế nào, các chú Ba Chợ Lớn vẫn có thuốc phiện hút đều đều, chi bằng chính phủ "nắm" lấy việc buôn thuốc phiện để dựng đài kiểm thính thì vẫn hơn. Nghe bùi tai, Nho sĩ Ngô Đình Diệm bèn gật đầu cho tiến hành.
"Nguồn" thuốc phiện bán ở miền Nam VN xuất phát từ đâu? "Tam Giác Vàng", thuộc vùng "tam biên": Miến Điện, Thái Lan và Lào, chủ là Khun-Sa, một người Tàu lai Shan (dân tộc thiểu số Miến Điện), được mệnh danh là "Vua thuốc phiện", cung cấp 60% ma túy, xử dụng ở Mỹ. Đối với chế độ anh em nhà họ Ngô, đây là một việc quan trọng, nên tôi có nghe đồn, - chỉ là đồn mà thôi -, ông Ngô Đình Nhu có đi Lào, để gặp một "người bên phía bán thuốc phiện" cho miền Nam. Quả tình tôi tin mấy ông buôn thuốc phiện nầy, dù sao, họ cũng "vì nước" thật lòng.
Sự việc nầy, tôi đọc được khi tôi đọc "Làm thế nào để giết một tổng thống" khoảng trang số 290. Về sau khi cuốn sách nầy tái bản lần thứ hai, thứ ba... ở trong nước cũng như hải ngoại, đoạn nầy bị xóa mất. Có lẽ "Sở Phối Hợp Nghệ Thuật" của TT Thiệu, tái sinh dưới cái áo chùng đen, phùng mang trợn mắt với BS Trần Kim Tuyến và Giáo sư Cao Thế Dung nên hai ông tác giả nầy sợ hay chăng?
Việc buôn bán nầy người ta nói "đụng" với "Xịa". Nó có thể là một trong nhiều nguyên nhân để Ngô triều sụp đổ hay không, tôi không rõ, nhưng về sau, thời ông Thiệu, nó là công việc của ông tướng Đặng Văn Quang, tay chưn ruột của TT Thiệu trong mối lợi nầy.
Chính trường miền Nam có không ít điều kỳ lạ. Việc buôn ma túy của ông Thiệu xảy ra lúc nào, dư luận và báo chí miền Nam bàn tới không nhiều thời kỳ trước Hiệp Định Paris 1973. Sau biến cố đó, tình hình chính trị miền Nam có nhiều xáo trộn: TT Thiệu muốn thông qua "Luật ủy quền" để ông Thiệu ngồi ghế tổng thống lâu hơn, ông Thiệu muốn thành lập "chế độ độc tài", Mỹ muốn "lật ông Thiệu" để việc "giao miền Nam cho Cộng Sản Bắc Việt" suôn sẻ hơn... cho nên mới xảy ra "Phong trào chống tham nhũng" của 301 ông cha, do linh mục Trần Hữu Thanh đứng đầu. Trong việc chống tham nhũng nầy, người ta "moi luôn" việc buôn bán ma túy của ông Thiệu do tướng Đặng Văn Quang phụ trách.
Khoảng giữa năm 1974, tôi từ Hà Tiên về Saigon có công việc, ghé thăm nghị sĩ Hoàng Xuân Tửu, tình đồng hương, chớ không có gì về đồng đảng, nhân tiện dịp nầy, tôi vừa bắt giữ hai tên buôn hơn hai ký thuốc phiện trắng và tôi được Trung Tâm Bài Trừ Ma Túy Trung Ương thưởng hơn một triệu đồng thời ấy. Ông Tửu hỏi tôi về tình hình chống tham nhũng ở dưới đó. Tôi trả lời xứ tôi khỉ ho cò gáy, buôn lậu thì nhiều, tham nhũng thì ít, ông Tửu liền ra xe lấy cho ôi xem một tạp chí nói về việc buôn ma túy của ông Thiệu, cuốn The Politics of Heroin in Southeast Asia của tác giả Alfred McCoy. Độc giả muốn biết rõ tình trạng buôn bán ma túy ở Đông Nam Á thì hãy đọc sách nầy, cũng đọc bài của Nguyễn Mạnh Quang: "VẤN NẠN BUÔN BÁN MA TÚY Ở VIỆT NAM TRƯỚC 30/ 04/ 1975".
Năm 1980, khi tôi đang bị tù cải tạo tạp trại Xuân Lộc, Z30A thì có một số tù cải tạo, khoảng 100 người, từ trại Vườn Đào/ Cai Lậy chuyển lên nhập chung với chúng tôi. Qua chuyện trò với nhau, chúng tôi biết thêm một cách chuyển lậu ma túy dưới thời Tổng Thống Thiệu, do một vài bạn tù nói trên từng phục vụ ở ̉ các "Tiểu khu Bình Long, Phước Long" kể lại.
Như có sắp đặt trước, một vài tuần một lần, một báy bay loại Cessna, từ hướng Lào bay qua, đảo cánh trên một rừng cao su gần tỉnh lỵ, thả xuống một hay hai bao to gần bằng tạ gạo. Tức thì, từ tư dinh tỉnh trưởng, một xe Dodge quân đội, với lính tráng và súng ống đầy đủ, chạy ra nơi có đồ từ máy bay thả xuống, nhặt các bao ấy, đem về dinh tỉnh trưởng. Ngay hôm đó, hoặc vài hôm sau, có trực thăng quân đôi ghé lại, nhận hàng được che dấu trong máy lạnh, hay tủ lạnh, nói là "của ông đại tá" - thường tỉnh trưởng có cấp bậc đại tá -, bị hư, đem về Saigon sửa". Trực thăng đem về trụ sở "Quốc Tế Quân Viện" - hồi đó do ông trung tướng Trần Ngọc Tám làm chỉ huy trưởng - ở đường Trần Quốc Toản - Bây giờ là Ủy ban Nhân dân Quận 10 - Từ chỗ "Quân viện", tủ lạnh, máy lạnh" được chở vô Chợ Lớn cho Ba Tàu. "Ở đâu có người Tàu là có buôn gian bán lận" - người ta nhận xét vậy -. Sự việc nầy, trong sách viện dẫn nói trên, tôi không thấy bàn tới. Tôi không thấy có ai nó tới Kontum, Ban Ma Thuột... cũng là những tỉnh sát biên giới Lào, có cách vận chuyển hàng quốc cấm như vậy không?
Có phải đây là đường giây buôn ma túy của ông trung tướng Đặng Văn Quang?
Sau 1975, việc buôn bán ma túy ở Việt Nam thì sao?
Chúng ta là những người rất dễ bị tuyên truyền, dễ định kiến nên có người nói rằng "Cách mạng cái gì cũng tốt, cũng hay", dưới thời Cộng Sản làm ggỉ có việc buôn bán ma túy.
Lầm to đấy!
Giữa năm 1982, tôi đi tù cải tạo về sống tại Saigon. (Bắc kỳ gọi là "Thành phố Bát" đấy), xem ra mọi chuyện đều tệ hơn xưa. Bấy giờ ma túy có thêm nhiều loại mới, nặng "đô" hơn, dễ dùng hơn, dễ cất dấu hơn. Phổ biến nhất là "chích". Ống chích quăng vất tùm lum ở nhiều ngõ ngách, bãi rác...
Phân tích tình trạng nầy cũng phức tạp, mất thì giờ. Tuy nhiên, nhìn chung, có hai lý do quan trọng: Hòa bình, khuynh hướng hưởng thụ mạnh hơn trong khi đang có chiến tranh. Hai là một số người "mới" giàu có hơn, nhưng văn hóa mỗi người, mỗi gia đình "thấp" hơn. Đó là những người giàu xổi, và các cậu ấm cô chiêu mới, trong từng lớp thống trị mới. Đó là các gia đình cán bộ Việt Cộng.
Việc mua bán và xử dụng ma úy có dính líu gì tới chính quyền Cộng Sản không mà ít nghe nói tới, nhất là trong giới "báo chí cách mạng"?
Bây giờ chuyện buôn bán ma túy, vì "mấy chả chơi nhau", như thiên hạ đồn, đổ bể tùm lum. Người ta "ngụy trang" việc buôn bán nầy qua phái nữ ra vào ngoại quốc dễ dàng, như 5 "tiếp viên hàng không" trên chuyến bay từ Pháp về, cũng như 2 "tiếp viên hàng không" đi Seoul.
Không phải việc "chuyển vận" nầy, lần nầy là lần đầu. Cả chục lần rồi đấy. Bây giờ, tranh nhau cái ghế, chức chưởng, quyền lợi, "chơi" nhau mới bể ra.
Trước đây, có bắt vài vụ buôn thuốc phiện ở Nghệ An, sát biên giới Lào, có dính tới Công An, nhưng đó là chuyện nhỏ, nhằm nhò gì với chuyện bây giờ.
Nói mà nghe... chơi thôi.
"Độc lập, Tự do" rồi, nhưng trong một xã hội dù có hay không có dân chủ, ai có quyền thì hơn, như Voltaire đã nói: "Trong bất cứ một xã hội nào, giai cấp cầm quyền là giai cấp thượng lưu."
Muốn thì làm, ai nói gì được
(1)- Lê Duẫn, con trai "ông thợ Tiềm" - thợ mộc, nhà ờ làng Hậu Kiên, cuối Chợ Sãi. Chợ Sãi nằm trên ngã ba sông Thạch Hãn và sông Vĩnh Định trên đường đi của các chuyến "buôn đò giọc" của tỉnh Quảng Trị/ Thừa THiên, có dịp sẽ kể sau. Bên cạnh tiệm mộc của ông thợ Tiềm là sạp gạo của mẹ "Mụ Xạ Bình". Trong chợ Sãi, có hai anh em gốc "chú Ba", là hai anh em ruột: Ông Xạ Lớn và Ông Xạ Bé. Nhà Ông Xạ Lớn có bàn đèn cho khách. Một hôm, ông Lê Duẫn bị Công An Liên Bang Tây
(2)- "Dấm thanh trộn với thuốc phiện là món "tự tử rất ngọt - dĩ nhiên tôi chỉ nghe nói, chưa dùng bao giờ"