Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             




ĐỀN VÀ
“ĐOÀI PHƯƠNG TĨNH NHẤT KHU”

  


Đ ền Và còn có tên gọi khác là Đông cung - là một trong hệ thống Tứ cung nổi tiếng của xứ Đoài. Theo đó, Bắc cung thuộc làng Thư Xá, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Yên (nay thuộc xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc); Nam cung thuộc làng Yên Cư, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây); Tây cung thuộc làng Thủ Pháp, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây) và Đông cung - đền Và, thuộc thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây). Là nơi thờ Tam vị đức thánh Tản, sắc phong Tam vị Quốc chúa thượng đẳng thần là Đệ nhất phúc thần Tản Viên, hay còn gọi là Nam thiên thần tổ - vị tổ của bách thần ở phương Nam - cũng là vị thần đứng đầu Tứ bất tử (tức Sơn Tinh, tức Tản Viên Sơn thánh) và hai người em thúc bá là Cao Sơn (Sùng công) và Quý Minh (Hiển công). Trong tâm thức người Việt (nói chung) và người xứ Đoài (nói riêng), tam vị đức thánh Tản là biểu tượng tối cao của ba đỉnh non Tản; Là những vị thần bảo trợ cho nông nghiệp và nghề đánh bắt thuỷ sản, những anh hùng trị thuỷ, biểu tượng của khối đoàn kết bộ tộc và tinh thần chống giặc ngoại xâm trong cuộc chiến tranh Hùng- Thục.

Tọa lạc trên một quả đồi rộng và thấp, thâm u bóng lim cổ thụ, bao quanh là những bức tường xây bằng đá o­ng, đền Và có tổng diện tích khoảng trên dưới 2.000m2. Theo thuyết phong thuỷ, đồi có thế đất hình con rùa (Kim Quy) đang bơi về phía mặt trời mọc. Nổi lên giữa cánh đồng có tên là đồng Khói Nhang , đền được xây dựng trên lưng rùa, hướng về phía đầu rùa, nhìn ra con đầm có tên là đầm Vân Mộng. Khu vực bên ngoài là dinh thờ Ngũ hổ, động Sơn Trang thờ Mẫu Thượng Ngàn và giếng Cô Tiên. Tam quan (hay còn gọi là Nghi môn) đền nổi lên bên tán đại già có đến vài trăm năm tuổi, hướng về phía núi Tản Viên. Qua Tam quan, vào khu vực Ngoại cung là một khoảng sân rộng, lát gạch, bên trái có gác chiêng, bên phải có gác trống, được kiến trúc theo kiểu chồng diêm tám mái. Kế đến là nhà tiền tế (được gọi là đền Hạ) với hai dãy tả, hữu mạc hai bên, thuộc khu vực Nội cung. Theo nội dung tấm bia Vân Già đông trấn cung ký dựng ở đầu hồi nhà tiền tế năm Tự Đức thứ 36- năm tổ chức đợt trùng tu đền lớn nhất với tiền cung tiến của dân sở tại, các quan chức hàng huyện, hàng tỉnh, các nhà buôn và khách thập phương- thì đền Và đã có từ thời nước ta còn bị nhà Đường đô hộ nhưng quy mô nhỏ và do sự khắc nghiệt của mưa nắng cũng như thời gian, đền đã qua tu tạo, sửa chữa nhiều lần. Hiện nay, nhà tiền tế có kiến trúc hình chữ nhất (-). Đó là một ngôi nhà năm gian, để trống bốn bề, treo rất nhiều hoành phi, câu đối, trong đó đáng chú ý có bức hoành phi bằng đá với bốn chữ: Sơn dữ thiên tề (núi cao ngang trời). Thông với nhà tiền tế (đền Hạ) là gian ngoài của hậu cung (đền Trung). Tại đây, có hai pho tượng: Một văn, một võ (văn võ lưỡng ban) trong tư thế ngồi, quay mặt vào nhau và bốn pho tượng Tứ trấn kích cỡ tương đương người thật, mỗi bên hai vị, đứng đối diện nhau, mặc áo bào đỏ, tay cầm vũ khí - là bốn vị trấn ở bốn cung của Tam vị đức thánh Tản. Qua đền Trung đến gian trong của hậu cung (đền Thượng). Ngay ở vị trí trang trọng của thượng cung là bức đại tự với dòng chữ: Thượng đẳng tối linh có niên đại cùng với niên đại của tấm bia dựng ở đầu hồi nhà tiền tế, đồng thời cũng là năm đền được trùng tu với quy mô lớn nhất là năm Tự Đức - Quý Mùi (1883). Phía trong cùng của hậu cung- theo thứ tự từ trong ra- là một chiếc khám lớn sơn son thếp vàng, cao trên ba mét, trong đặt bài vị đức Quốc mẫu là bà Đinh Thị Điên (tục gọi là bà Đen), mẹ của đức thánh Tản. Phía trước bài vị đức Quốc mẫu là bài vị Tam vị đức thánh Tản: Ở bên tả và ở vị trí cao nhất là Tản Viên, kế đến Cao Sơn (còn gọi là Sùng Công) và cuối cùng là Quý Minh (Hiển Công). Trước khám thờ là hương án, trên có ba cỗ long ngai của Tam vị đức thánh Tản. Khác với cách sắp xếp bài vị, ở đây cỗ long ngai của Tản Viên ở giữa.

Nhân đây, cũng cần nói thêm về dòng chữ Khải Định Kỷ Mùi khắc ở một cột cái của hậu cung và dòng chữ Duy Tân cửu niên khắc ở hai cột con (bên trái) của hậu cung. Căn cứ vào đó, có ý kiến cho rằng phần hậu cung hiện nay được làm vào năm 1915 (Duy Tân cửu niên) đến năm 1919 (Khải Định Kỷ Mùi)- 5 năm. Song chúng tôi ngờ rằng đó là năm những chiếc cột trên được thay thế, bởi năm khởi công và năm hoàn thành một hạng mục quan trọng như hậu cung, không lẽ chỉ đơn giản là những dòng chữ trên được khắc vào cột (?!)

Hiện ở đền Và còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Sắc phong của các triều đại, các đồ tế tự (trong đó có hai cây đèn đá thời Lê) và đặc biệt là những tấm ván gỗ khắc văn thơ của các danh sĩ như: Nguyễn Khản, Nguyễn Thiện Kế, Trần Lê Nhân... khiến cho không gian linh thiêng và không gian văn hóa ở đây hòa quyện vào nhau, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Đoài.

Xuân Thu nhị kỳ, lễ hội đền Và được tổ chức một năm hai lần vào các ngày từ 13 đến 15 tháng Giêng và từ 14 đến 15 tháng Chín (âm lịch). Lại định ba năm một lần, vào các năm: Tí, Ngọ, Mão, Dậu, tổ chức đại hội.

Lễ hội Rằm tháng Giêng ở đền Và là lễ hội của một vùng. Những năm đại hội có sự tham gia của tám làng thuộc ba huyện của hai tỉnh là các làng: Vân Gia, Thanh Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Đạm Trai (thuộc xã Trung Hưng huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây; nay thuộc thị xã Sơn Tây, tình Hà Tây), Phù Sa, Phú Nhi (trước kia là Bần Nhi, thuộc tổng Cam Giá Thịnh, huyện Phúc Lộc, tỉnh Sơn Tây; nay thuộc xã Viên Sơn, thị sã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây) và Di Bình (thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).

Bắt đầu từ sáng ngày 13 tháng Giêng, mọi công việc chuẩn bị cho lễ hội như trang hoàng, bày biện ở trong và quanh khu vực đền đã được làng Vân Gia sở tại hoàn tất. Buổi chiều, các thôn cho người rước kiệu và lễ vật của thôn mình về tập trung trước sân đền. Sang giờ Tí ngày 14, tám thôn tổ chức tế phụng nghênh. Đội hình ban tế gồm 16 cụ: Một chủ tế, 2 bồi tế, 1 đông xướng, 1 tây xướng, 1 cờ, 1 trống khẩu, 1 dẫn chúc, 1 đọc chúc và 7 người tiến lễ do các thôn cử ra; song theo quy định, ghế chủ tế phải thuộc về Vân Gia; 2 bồi tế thì một là Phù Sa, một là Di Bình. Sở dĩ có sự đặc cách ấy (và những quyền lợi khác, đặc biệt là với 2 thôn Vân Gia và Phù Sa, sẽ nói sau) theo các cụ ở đây là bởi những lý do sau:

Đền nằm trên đất Vân Gia. Là dân sở tại, thôn Vân Gia phải có trách nhiệm lo cắt cử người trông nom, quét dọn và đèn hương hàng ngày ở đền cũng như trong những dịp lễ hội, nên việc dành cho Vân Gia một số quyền lợi là lẽ đương nhiên. Sau đó là Phù Sa, vì thôn này có công lớn trong việc công đức làm nhà tiền tế và là thôn có phần đất mà muốn sang đền Dội (ở thôn Di Bình bên kia sông) bắt buộc đoàn rước phải đi qua. Kém Vân Gia và Phù Sa nhưng hơn các thôn khác là cũng được hưởng ít nhiều quyền lợi là Di Bình: Thứ nhất, đền Dội thuộc địa phận Di Bình; thứ hai, Di Bình là thôn đảm nhận việc ra sông Hồng lấy nước về bao sái tượng thánh hàng năm. Những năm đại hội rước về nhà Dội; những năm không phải đại hội, rước sang đền Và.

Sau tuần tế phụng nghênh, long ngai bài vị của tam vị đức thánh Tản được phù giá ra kiệu chính để rước sang đền Dội, bên kia sông. Dân đinh làng Phú Nhi dẫn đầu có nhiệm vụ dẹp đám (không tham gia cầm các đồ tế tự). Tiếp đến là các chân cờ ngũ phương. Rồi hiệu chiêng, hiệu trống; nhóm vác đồ lỗ bộ; các chân cờ hội, cờ hàng giáp; phường bát âm; đội múa bồng; kiệu long đình (rước đồ lễ); ban nhạc sênh tiền; nhóm vác biển: Tĩnh túc- Hồi tị; nhóm vác đồ chấp kích; đội nhạc lễ với kèn, sáo, thanh la, trống bản, nạo, bạt. Kế đến là kiệu chính (rước long ngai bài vị) do 24 trai đinh của làng Vân Gia và 8 trai đinh của làng Phù Sa đảm nhiệm (16 người khiêng, 16 người hộ giá thay đổi. Dân Vân Gia được ba góc: 24 người, dân Phù Sa được một góc: 8 người); ngoài ra, còn có 4 đô tì vác quạt che trước sau hai bên kiệu và hai đô tì cầm tàn. Sau kiệu chính đến kiệu rước văn (trong để văn tế và thần tích) do dân làng Vân Gia phù giá và kiệu lòng mũ của các thánh do dân làng Phù Sa đảm nhiệm, mỗi kiệu 16 người (8 người khiêng, 8 người hộ giá thay đổi). Theo sau kiệu lòng mũ là ban tế, kiệu lễ của các thôn và cuối cùng là quan khách, các vị chức sắc, dân làng và khách hành hương về dự hội.

Xuất phát từ đền Và vào khoảng 2- 3 giờ sáng, dưới ánh sáng của những cây đình liệu và những bó thông hồng, đám rước đi qua cầu Cộng vào thị xã Sơn Tây. Những gia đình trên đường đám rước đi qua đều mang lễ vật bày trước cửa nhà, dọc theo hai bên đường để cầu phúc, gọi là lễ cung đốn. Đến cổng thành Sơn Tây, các cỗ kiệu quay một vòng rồi rước qua làng Phù Sa, Phú Nhi ra bến sông.

Tại đây, những chiếc thuyền đinh đã được dân vạn chài là làng Phú Nhi dùng xích sắt ghép lại với nhau, trên lát ván gỗ, hoặc bương, vầu phẳng phiu thành một chiếc phao lớn. Khi đám rước qua sông, thuyền bè từ các nơi kéo về phù giá, giúp chuyên chở người hành lễ và khách thập phương đông như mắc cửi. Tiếng mái chèo khua nước, tiếng reo hò, hoà với tiếng trống, tiếng chiêng,... náo động cả một vùng sông nước. Đặc biệt ngày này, những người chở đò đưa khách thập phương qua sông là để làm phúc chứ không lấy tiền, bởi theo quan niệm của họ, làm được nhiều điều phúc trong ngày này sẽ được tam vị đức thánh Tản ban lộc cho cả năm. Sang đến bờ bên kia, đám rước tiếp tục cử hành đến trước cửa đền Dội (hay nhà Dội, nôm na là nơi để đức thánh đến tắm) thì dừng lại. Trước đó, dân làng Di Bình đã tổ chức cho người ra sông Hồng để rước nước về. Long ngai bài vị của tam vị đức thánh Tản được rước vào đền để làm lễ bao sái, sau đó là lễ yên vị và tế. Sau ba tuần tế, mọi người vui chơi tại đây cho đến khi thấy trời đổi gió Bắc, đuôi lá cờ đại phất về phía Nam (bên kia bờ) mới tổ chức tế triệu hồi, rước kiệu thánh trở lại đền Và. Cũng như lúc đi, dân hai bên đường nơi đám rước đi qua lại mang lễ vật bày biện trước cửa nhà để mừng đón đức thánh du xuân trở về...

Nếu như hai ngày 13 và 14, về nghi thức chủ yếu là dành cho lễ, thì ngày 15, ngoài việc đón khách thập phương đến lễ, còn lại chủ yếu là dành cho hội. Ngày này, trong số các trò chơi dân gian được tổ chức, đáng chú ý có trò vật chầu bóng thánh và sau đó là vật giải để cho các đô vật xứ Đoài- nơi nổi tiếng là có nhiều lò vật nhất trong cả nước- đua tài, đua sức và thể hiện tinh thần thượng võ của mình.

Khác với lễ hội Rằm tháng Giêng, lễ hội Rằm tháng Chín ở đền Và chỉ có năm thôn của xã Trung Hưng là: Vân Gia, Nghĩa Phủ, Thanh Trì, Mai Trai và Đạm Trai tham gia. Từ ngày 14, dân các thôn trên mang theo những dụng cụ đánh bắt cá ra sông Tích, đoạn từ cầu Vang (thuộc xã Đường Lâm) đến Mả Mang (thuộc xã Trung Hưng), tổ chức đánh bắt cá tập thể để làm tiệc tế thánh. Quy định: Đánh được cá trắng và là cá to thì nộp cho làng, còn cá đen hoặc cá nhỏ thì lấy. Lại quy định số cá làm tiệc tế thánh phải đủ 99 con; vì vậy, thời gian không kể lâu mau, khi nào đủ số, cuộc đánh bắt mới dừng lại. Theo quan niệm của người dân ở đây, những ai có cá trong số 99 con được chọn để tế thánh là người trong năm làm ăn sẽ gặp nhiều may mắn. Do đó ai cũng mong có cá để góp cho làng và lễ hội Rằm tháng Chín còn được gọi là lễ hội Đả ngư.

Tiệc cá để tế thánh bao gồm các món: Luộc, nướng, nham, gỏi và được bày làm mười mâm, một mâm cúng ông Táo, còn chín mâm chia làm ba, bày trước ba ngai Tam vị đức thánh Tản. Một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần, sau khi tế xong, mọi người lại cùng nhau vui vẻ thụ lộc. Đặc biệt, trong ngày này cỗ cúng ở đây không có muối và sau khi thụ lộc xong, có tục ăn trầu không có vôi, nên mới có câu: Hội đền Và trầu không vôi, xôi không muối.

Như vậy, có thể thấy sự thờ phụng ở đền Và cũng như các nghi thức trong lễ hội của nó là sự ảnh xạ đậm đặc đời sống sinh hoạt của người Việt cổ. Nếu như tục trầu ăn không có vôi đã chứng tỏ từ rất sớm việc ăn trầu đã được người Việt biết đến như là một bài thuốc giúp tăng sự đề kháng cơ thể, nhất là trong khi đời sống còn lạc hậu và thấp, thì tục làm cỗ nhạt (không có muối) có nguồn gốc từ tục cúng thổ thần ngay nơi săn hoặc bẫy được con mồi. Rồi tục thờ đá (tam vị đức thánh Tản vốn là những thần Núi được nhân hoá), chế độ mẫu quyền trong việc thờ mẹ (bà Đen) mà không thờ cha (ông Hành); quan hệ sản xuất nguyên thủy (cùng làm, cùng hưởng) ở lễ hội Đả ngư; rồi việc sử dụng gừng, nghệ, vừng, hoa chuối, chanh quả, mật mía vào các món luộc, nướng, nham, gỏi trong tiệc cá tế thánh; việc thờ cúng những công cụ sản xuất phục vụ cho nông nghiệp ở đền Dội; Rồi việc đoán biết được hướng gió như là một quy luật trong ngày lễ rước nước... đã khiến đền Và được coi như là một “bảo tồn, bảo tàng” sống về khảo cổ học, xã hội học và dân tộc học của xứ Đoài. Do đó, không phải ngẫu nhiên đền Và còn được gắn với danh hiệu mà người xứ Đoài rất tự hào mỗi khi nhắc đến, đó là: “Đoài phương tĩnh nhất khu” ./.




VVM.28.9.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .