Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




        

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM



THAY LỜI DẪN

Lược Sử Văn Nghệ Việt Nam của nhà văn Thế Phong gồm 4 tập, đã được in 2 tập: Tập 1 NHÀ VĂN TIỀN CHIẾN 1930-1945, bản in ronéo đầu tiên ở Sài Gòn gồm 100 cuốn vào năm 1959. Bản tái bàn cuả NXB Vàng Son in 3000 cuốn ở SàiGòn vào năm 1974. Bià cuả họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi được chụp in lại trên đây , do một trong những NXB vô danh ở Mỹ in lậu ở California sau 1975 và Tập 4 : Tổng Luận đã chuyển ngữ A BRIEF GLIMPSE AT THE VIETNAMESE SCENE (from 1900 to 1956) và 2 tập 2 & 3 nói về văn nghệ kháng chiến, nhà văn hậu chiến 1900 - 1956 (văn nghệ quốc gia hay văn nghệ của VNCH) chưa bao giờ công bố trên văn đàn, mặc dù đã được lưu trữ tại một số thư viện TRONG NƯỚC (Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. HCM, Thư viện Khoa học Xã hội Tp.HCM) và NGOÀI NƯỚC như ở Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Boston, Ithaca-New York, SIU, IOWA vv..hoặc ở Pháp, Đức, Úc..

Newvietart xin đăng tải lại một vài nhận định báo chí, văn giới về Lược Sử Văn Nghệ khi xuất bản lần đầu vào 1959 :

     a) Tạp chí Bách Khoa:" ..Ông TPhong vừa cho ra một loạt phê bình văn học. Đó là ai nấy đều mong đợi, bởi vì sau một thời gian khá lâu chưa ai tiếp tay Vũ Ngọc Phan, chốc đà mười mấy năm trời' đúng một thời gian luân lạc cuả cô Kiều...."(số 56, năm 1959, TRIỀU ĐẨU)
     b) Ông TP một văn nghệ sĩ thủ đô vừa viết xong và cho phát hành cuốn" Lược sử Văn Nghệ VN", trong đó tác giả phân tích các tác phẩm của văn nghệ sĩ ra đời từ 1930 đến 1945. Cuốn này được quay ronéo có bầy bán tại các hiệu sách. Sách này tác giả đã tốn nhiều công phu và sưu tầm khá nhiều tài liệu để biên soạn (nhật báo Ngôn Luận ngày 8/9/1959- Saigon).
     c) ..." Điều thứ ba, sự phán đoán của anh hợp với ý tôi, phần nhiều các tác phẩm anh khen, thì tôi cũng nhận là có giá trị; những tác phẩm anh chê, thì tôi cũng không thích. các nhận xét cuả anh về Triều Sơn, Hoàng Thu Đông đều đúng cả. Đó là nhận xét của tôi; tôi phải phục sức đọc, sức viết, sức nhớ cuả anh. Cảm ơn anh một lần nữa.." (Nguyễn Hiến Lê, 12/3c Kỳ Đồng, Saigon 3- ngày 17/4/1959)
     d) Nguyệt san Sinh Lực (1959, Chủ nhiệm: Võ văn Trưng- Saigon) :"...Hôm nay Thế Phong còn có thể ít nhiều nhầm lẫn-nhưng với khả năng rạt rào của tuổi trẻ, với lòng yêu văn nghệ đến đam mê, anh còn nhiều bước đi ngạc nhiên trên lãnh vực nà để đào xới lại mảnh đất hoang phê bình cảo luận bị bỏ quên trong nhiều năm. Sự cố gắng của Thế Phong là sự cố gắng hoàn toàn văn nghệ, cuả một người văn nghệ biết mỉm cười trong sự nghèo túng bản thân mình để hiến chiều dài cho văn học sử. Cũng có đôi khi ta thấy Thê Phong phê phán có vẻ độc tài và tàn nhẫn nữa; nhưng ta vẫn thấy rằng: đó là sự độc tài và tàn nhẫn không có tính cách tự cao, tự đại; hoặc dao to búa lớn; (trái lại) nhiều tinh thần thẩm mỹ, dĩ nhiên là có chủ quan. Ta quí sự nhận thức ấy- vì anh dám nói- cũng như người khác có dám cãi lại hay không là quyền của họ.." (Lê Công Tâm - Thanh Hữu, nhà văn).
     e) Le Journal d'Extrême Orient (Saigon, 3 Décembre 1959)" Lược sử văn nghệ Việt nam-Hisotire de la littérature vietnamienne". Histoire sommaire de la littérature vietnamienne, òu l'auteur passe en revue les écrivains d'avant guerre 1930-1945. Cette oeuvre est tirée sur ronéo avec une tirage limitée. Fruit de minuitieuses recherches et d'une riche documentation donnée une vue d'ensemble des diverses époques et tendances des écrivains, des poètes du Vietnam, de leurs oeuvres, d'une littérature riche de plusieurs millénaires suivant le cours de l'Histoire. C'est une synthèse remarquablement coordonné annotée parle critique éminent qu'est ThếPhong qui l'achevée dans les derniers jours de Juin 1956 (đã in ở cuối sách "LSVNVN-Nhà văn tiền chiến 1930-1945 của ThếPhong, NXB Vàng Son Saigon 1974)...

     Từ Vũ và Việt Văn Mới Newvietart chân thành cảm tạ nhà văn Thế Phong đã cho phép đăng tải toàn bộ tập Lược Sử Văn Nghệ, tài liệu không thể thiếu cho những người yêu chuộng văn chương nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt cho những người muốn khách quan sưu tra sử liệu .

KỲ THỨ 26

CHƯƠNG BA
CÁC NHÀ VĂN ĐIỂN HÌNH



Tiết 1 . – KHÁI QUÁT VỀ CÁC NHÀ VĂN ĐIỂN HÌNH

Tiết 2 . – HOÀNG CÔNG KHANH.

Tiết 3 . – SAO MAI

Tiết 4 . – NGUYỄN MINH LANG

Tiết 5 . – VĂN AN

Tiết 6 . – THANH HỮU

Tiết 7 . – HUY SƠN


***

Tiết 1 : KHÁI QUÁT VỀ CÁC NHÀ VĂN ĐIỂN HÌNH.

Trong số các nhà văn như Thanh Nam, Huy Quang, Nguyễn Thiệu Giang... với chọn lựa chủ quan, nói đến Nguyễn Minh Lang, như là cách nói một chef de fil (trưởng nhóm) làm điển hình. Như vậy, cũng có ý kiến không đồng tình, trong số những nhà văn trên, tại sao không chọn Thanh Nam thay cho Nguyễn Minh Lang chẳng hạn vậy. Gọi chủ quan, theo ý người viết, nếu chủ quan thô thiển có nghĩa Thanh Nam nổi trội hơn Nguyễn Minh Lang – mà người viết tồi không nhận ra được. Hoặc trong nhà văn như: Hiệp Nhân, Mai Anh, Nguyễn Ái Lữ, Kỳ Văn Nguyên..., chủ quan lấy Huy Sơn làm điển hình, đánh giá kỹ càng hơn, được đưa riêng vào một tiết. Riêng Vũ Khắc Khoan, kịch tác gia, còn viết văn đưa vào Phần thứ ba: miền Nam: 1954–1956.

Khi tập 3 (Nhà Văn Hậu Chiến 1950 – 1956 (Lược Sử Văn Nghệ Việt Nam) ra mắt trong Loại sách Đại Nam văn hiến của NXB Huyền Trân, Sài Gòn), bản đầu tiên in ronéotypé vào 1959, là đầu trong bộ sách được in ra trước tiên thì các tiết 2, 3, 4 (Chương ba) Nha Thông Tin Nam Việt kiểm duyệt bỏ trọn ba tiết bàn về Hoàng Công Khanh, Sao Mai, và Nguyễn Minh Lang. Đến năm 1973, in lại đầy đủ ba tiết trên – đến nay chưa tìm được Nhà Văn Hậu Chiến nên không thể in trọn ba tiết về ba nhà văn điển hình. Thiếu sót này ngoài ý muốn người viết, ý định viết lại nhưng đành bất khả kháng. Khi viết ở tuổi 27, sau 40 năm không thể viết lại như lần đầu. Đành xin lỗi để trống và chỉ in bổ túc khi Nhà Văn Hậu Chiến (bìa nâu) (17) tìm được. Tuy nhiên trong tập Tổng Luận, chúng tôi đã đánh giá về các nhà văn này rồi. Bản mới nhất này có sửa chữa đôi chút, nhưng nội dung vẫn triệt để tôn trọng ấn bản đầu xuất bản năm 1959.


Tiết 2 - HOÀNG CÔNG KHANH

Tiểu sử.

Tên thật Đoàn Xuân Kiểu. Sinh 1923. Tác phẩm xuất bản: Về Hồ (công diễn 1945 hay 1946, do Lê Văn Vũ Bắc Tiến đạo diễn), Bến Nước Ngũ Bồ (kịch, 5 màn, Sông Hồng Kịch xã diễn ở Hải Phòng 1953, NXB Kuy Sơn Hà Nội in thành sách 1952?), Cung Phi Điểm Bích, kịch, 3 canh, 1989)... nhiều tiểu thuyết như: Mẹ tối sớm biệt một chiều thu, Trại Tân Bồi (truyện) Chỉ Một Lần (truyện)... Kuy Sơn, Hà Nội trước 1954), Nhạn Lai Hồng (truyện, Hà Nội 1992). Tác phẩm của ông xuất bản 10 cuốn (cho đến năm 1956).


Tiết 3 - SAO MAI

Tiểu sử.

Tên thật Tần Khải Minh. Sinh 15–2–1929. Nguyên quán tỉnh Quảng Đông (Trung Hoa). Hoạt động văn nghệ từ trong kháng chiến, biên tập các báo Nam Định (kháng chiến), báo Thủ Đô, công tác văn nghệ ở Liên Khu 3... Về Thành vào khoảng năm 1950, ở Hải Phòng. Tác phẩm: Uất (truyện, 1947), Nhìn Xuống (tiểu thuyết, Hà Nội 1953), Tìm Đất (ký sự, 1966), Làng Cao tiểu thuyết, 1973), Sông Rừng (tiểu thuyết, 1977), Tiếng Gọi Rừng Xa 1990), Mắt Chim Le (tiểu thuyết, 1990)... Sau năm 1955, ở lại Hà Nội, cho xuất bản cuốn ký sự Trại Pa Gô Đốt Hải Phòng (nội dung chống lại cuộc di cư đồng bào miền Bắc vào Nam năm 1954).


Tiết 4 - NGUYỄN MINH LANG.

Tiểu sử.

Tên thật Nguyễn Như Thiện. Sinh 1928 ở Hà Nội. Qua đời năm 2000 ở Hà Nội. Tác phẩm: Hoàng Tử Của Lòng Em (Hà Nội, 1951), Trăng Đồng Quê (tập truyện, Hà Nội 1951), Hoa Dại (tiểu thuyết, Hà Nội 1951), Gái Hà Nội (tiểu thuyết, Hà Nội, 1953) Cánh Hoa Trước Gió (2 tập – tiểu thuyết, Hà Nội 1954), Ánh Sáng Hòa Bình (tập truyện, Hà Nội 1955)...


Tiết 5 - VĂN AN.

Tiểu sử

Tên thật Nguyễn Văn An. Sống ở Hải Phòng, công chức trông coi thư viện. Sinh năm 1931 bạn văn cùng thời với nhà thơ Văn Thế Bảo, Vương Đàm... Tác phẩm: Cô Gái Sông Thao (tiểu thuyết, đăng trọn trên tuần báo Cải Tạo, Hà Nội – Cn: Phạm Văn Thụ, vào năm 1951–52), Điệu Đàn Muôn Thuở (tập truyện, (Nắng Mới Hải Phòng 1953), đa số truyện ngắn đã đăng tải trên các báo ở Hà Nội: Cải Tạo, Giác Ngộ, Thanh Niên. Năm 1954, hiệp định Genève Văn An ở lại miền Bắc.

Phân tích tác phẩm chính.

Giữa truyện dài, truyện ngắn, chúng tôi nhận thấy truyện ngắn Văn An viết hay lên tay hơn. Điệu Đàn Muôn Thuở gồm năm truyện: Lỗi Hẹn, Điệu Đàn Muôn Thuở, Làm Đĩ, Phũ Phàng, Bến Cũ, truyện đặc sắc là Phũ Phàng và Bến Cũ.

Tả đời nghệ sĩ với cây đàn lang thang khắp phố, ngõ cùng, với ngón đàn hay, cộng dĩ vãng thương đau – nội dung cũ, hình tượng sống vẫn không có gì mới, Điệu Đàn Muôn Thuở như truyện đầu được đưa lên làm tựa sách. Phũ Phàng, nội dung tách hẳn văn phong cũ, nói về thân phận hẩm hiu sống trong xã hội kẻ ăn không hết, người lần không ra. Nhân vật chính là Hoàng, dạy học tư tư thục. Yến vợ nhân vật, thêm cậu bé Tân, chị của Tân là Hằng. Thường ngày Hoàng đi dạy ở tiểu học tư thục, bữa nay là chót Tân phải nộp học phí. Không tiền, tất nhiên bị đuổi học. Hoàng gọi Tân lên, hỏi cho biết lý do, Tân thành thật khai cha mẹ chết, sống với chị, chị đau ốm từ mấy tháng nay không có tiền đóng học phí. Mủi lòng Hoàng, không nỡ đốc thúc, nhưng nhớ tới lời dặn Hiệu trưởng, học trò không nộp học phí phải đuổi. Hơn nữa, hoàn cảnh Hoàng còn không thể bao bọc cho gia đình, vợ đau ốm, thiếu tiền thuốc thang, nên không còn cách gì có thể bao che Tân. Sau giờ tan học, Linh chưa muốn về nhà, lang thang qua phố tình cờ gặp Linh, bạn Hoàng. Linh rủ Hoàng đến nhà chứa, cô gái làm tiền tiếp Hoàng chính là Hằng, chị của Tân. Thân hình tiều tụy, nàng lâm vào hoàn cảnh ngặt nghèo, Hoàng không nỡ ép Hằng làm tình – Nhưng còn Linh, bạn Hoàng lại không vậy, lên tiếng mai mỉa. Dưới đây trích đoạn, tả Tân khất nợ học phí:

“... Tân ấp úng:

– Dạ... con đã nói rồi.

Qua cặp kính trắng, đôi mắt quắc lên:

– Thế thầy mẹ anh định thế nào?

Mặt cúi gầm xuống, trái tim thơ thổn thức:

– Thưa thầy, bố mẹ con chết cả rồi. Con ở với chị con. Mấy tháng nay chị con ốm không đi làm được nên chưa có tiền trả thầy...”

Chị của Tân làm nghề điếm mạt hạng, để nuôi thân còn em dại đi học, nhưng đau ốm vẫn phải lê thân xác hành nghề. Tả đoạn này thật xúc động, Tân trả lời Linh, bạn của Hoàng cật vấn:

“... Dạ thưa thầy chị con ốm.

Mặt Linh xịu xuống:

– Ốm nằm ở đâu? Hay bận khách khác, nói dối?

– Thưa thầy ốm thật... Chị con vào nhà thương làm phúc nằm đến nửa tháng nay rồi.

Hoàng không thể đang tâm hành hạ một em bé qua lời cật vấn của Linh, và đây là lời Hoàng nói với bạn mình:

“... – Anh tàn nhẫn lắm! Có lẽ sung sướng quen nên không thông cảm được với sự đau khổ của người khác. Như với một người con gái giang hồ hy sinh đời mình để gây hạnh phúc cho em, nay đau ốm đã không được ai đoái hoài đến phải vào ở nhà thương thí mà anh còn nỡ mỉa mai họ thế?...

Thầy dạy tư như Hoàng, hoàn cảnh chua xót không kém gái giang hồ là bao. Vợ Hoàng qua đời cũng vì thiếu tiền mua thuốc. Một phần hiệu trưởng tư thục tiểu học không cho Hoàng vay tiền mua thuốc thang cho vợ. Và tác giả lên án xã hội thời được gọi Chính Phủ Quốc Gia cai trị.

Bến Cũ tả chàng thanh niên qua đò sang sông gặp cô lái xinh xắn, xảy ra tình nở vội. Khách lên đường làm cô lái chở khách qua sông nhưng chỉ nhớ một người. Phút lơ đễnh đò đắm, người cứu vớt là thầy phù thủy. Để đền ơn cứu mạng, cô chấp nhận làm vợ thầy. Gã chồng này là tên chơi bời lêu lỏng làm khổ đời cô lái. Ba năm sau, khách một chiến sĩ quen cô lái năm xưa, qua đò không gặp nàng, hỏi mới biết chuyện. Như lời kể, cô lái yêu khách qua sông, yêu mê mệt, vẫn không thấy khách trở lại, hóa điên dại, lơ đễnh để đò đắm, sau đó được thầy phù thủy cứu... Khách cúi đầu nhớ lại. Giọng văn Văn An thật ngọt ngào, mê đắm người đọc:

“... Minh ngồi xích lại.

– Thế thí dụ có một khách qua đây yêu Thơm, muốn hỏi Thơm làm vợ, Thơm nghĩ sao?

– Em không biết.

Nàng ngồi xa ra. Tim đập mạnh, Minh liều lĩnh nắm lấy tay nàng. Toàn thân người thiếu nữ run bắn. Nàng rút tay về. Giữa lúc ấy bên kia sông văng vẳng tiếng gọi đò. Được dịp cô gái vùng dậy chạy ra ngoài.

– Chết em phải ra chở đò. Mà trời cũng ngớt mưa rồi ông ạ. Minh bàng hoàng đứng lên đi theo. Gió lạnh nhả vào người làm chàng tỉnh táo. Minh hối hận nghĩ đến cử chỉ suồng sã của mình. Mầu đen đã quang. Bầu trời trở lại sáng sửa. Mưa thưa thớt. Chiếc xe đạp ướt đẫm đổ nghiêng bên liếp. Minh bước ra dựng xe lại. Chàng quay nhìn về phía bến. Bóng cô lái nổi bật trên giòng sông trắng xóa. Qua mấy phút lưỡng lự giơ mũ vẫy tay chào cô lái rồi dong xe lên đường. Chàng đi vội vàng dẫm bừa lên cả những vũng nước. Minh muốn đi chóng khuất cái quán, nơi chàng suýt gây ra tội lỗi trong lúc quá bồng bột...”.

Văn An xây dựng tâm lý nhân vật rất khéo, diễn tả tự nhiên hợp tình, hợp lý. Từ cử chỉ e thẹn, cô lái rất yêu, song ngập ngừng: “... Mà trời cũng ngớt mưa rồi ông ạ...”. Thật tuyệt vời! Ông nhận xét thật tỉ mỉ, nắm vững tâm lý nhân vật, thám hiểm nội tâm sâu sắc, như André Gide gọi là aventurier intérieur. Ngọn gió mát lùa qua mặt, đủ cảnh tỉnh giấc mộng dẫn tới hối hận, một tíc tắc làm hại đời cô lái đò. Nhìn ra, mây đen đã trôi đi, mưa ngớt hạt, bầu trời sáng. Minh hấp tấp dắt xe đạp lên đường, không ngoái cổ lại nhìn cô gái đang nổi bật trên dòng sông trắng xóa. Sau đây là hình ảnh ba năm sau, khách chiến sĩ trở lại, không còn tìm thấy cô lái năm xưa. Văn An kết cấu truyện sâu sắc, trong khi chiến sĩ bạn vui vẻ, chỉ Minh âm thầm:

“... Khác với anh em. Minh ngồi yên lặng, tư lự ngắm cây đa cổ thụ trên bến. Con thuyền gỗ cột dưới gốc tre già cằn cổi như nhắc nhở chàng, gợi cho Minh nhớ đến hình ảnh cũ. Chiếc thuyền nan nhỏ bé với bóng dáng cô lái xinh xắn hiện ra trong óc chàng. Lòng rộn ràng những kỷ niệm êm đềm, chàng nhỏm dậy đến ngồi cạnh ông lái...”

Nhân vật Đại Triều Đẩu trong Ảnh và Hưởng chỉ khen cô lái cổ cao ba ngấn gánh nước, câu khen bâng quơ –cô lái cảm động chẻ ống để dành tiền sắm sửa trưng diện, quyết định gánh hoài, gánh mãi, cho đến khi nào cạn cả Hồ Tây, để nhìn thấy chàng học sinh khen mình... thì đây chỉ câu nói bâng quơ, một cái nắm tay liều lĩnh, cô lái đò điên dại làm uổng phí cuộc đời. Sau này nhân vật nam hối hận cũng quá muộn. Văn An như Triều Đẩu cảnh giác tình yêu không thể đùa, yêu chân thành dẫn đến thảm khốc. Văn An cho độc giả thưởng thức đoạn văn hay cách mượt mà:

“... Phải đấy. Trước kia bến này vẫn chỉ chở bằng thuyền nan. Nhưng từ dạo cái Thơm làm đắm thuyền, rồi có thầy phù thủy qua đấy cho biết rõ con thủy quái lạc về nhũng nhiễu. Làng sợ xảy ra tai nạn đắm, nên phải sắm thuyền gỗ chắc chắn.

Minh sửng sốt vội hỏi:

– Cô Thơm làm đắm thuyền?

Ông lái chép miệng:

– Chính nó làm đắm thuyền. Con bé ấy có tiếng là ngoan ngoãn và đẹp nhất làng đấy ông ạ. Không hiểu sao, sau cái hôm mưa to gió lớn, nó tự dưng sinh ra ngẩn ngơ như người mất hồn, chẳng chịu làm ăn gì cả, cứ nằng nặc xin ra chở thuyền thay ông bác. Chiều chiều, người ta thường bắt gặp nó đứng thẫn thờ nhìn về phía xa như ngóng đợi cái gì. Mặt nó lúc nào cũng rầu rĩ. Nhiều lúc nó ngồi ôm mặt khóc một mình. Bố mẹ, anh em hỏi nó duyên cớ làm sao, nó nhất định không nói. Rồi một đêm đang ngủ, nó vùng dậy lén ra đây rồi con thuyền lật úp. May có thầy phù thủy đi qua, nhảy xuống sông cứu được. Ông ta bảo con quái vật ở sông này làm đấy. Sau phải lập đền khử trà ma. Bố mẹ nó mới ép nó lấy ông ta để đền ơn...”

Nào ai biết được tình cô lái, nếu không là Minh và Thơm. Tình yêu cô lái, chỉ Minh biết. Tác giả dẫn câu chuyện ra làm ẩn dụ nhắc nhở: Rượu ái tình ngọt mà chua, tuy chua chẳng dễ tránh nổi! Tình yêu được diễn tả qua nhiều hình tượng khác nhau, ở đây Bến Cũ của Văn An là truyện đặc sắc hiếm thấy!

Kết luận

Là nhà văn cùng thời với Văn Thế Bảo, Vương Đàm, như trên đã nhắc. Truyện ngắn Văn An qua Điệu Đàn Muôn Thuở, chủ quan nhận định của chúng tôi, ông có địa vị là nhà văn hàng đầu. Dư luận phê bình tác phẩm hay trên lại chỉ qua bài điểm sách công kênh tài năng, nên Văn An bị chìm vào lãng quên. Xưa kia nền văn học Nga (thời Nga Hoàng) F. Dostoievskï không được số nhà phê bình công tâm bàn tới, như Biélinsky chẳng hạn, chắc chắn tài năng bất tử của Dostoievskï chưa chắc gì được truyền tụng đến bây giờ.


Tiết 6 - THANH HỮU (1928–1994)

Tiểu sử.

Tên thật Lê Trung Hậu. Sinh 1928 ở Hà Nội, qua đời ở Sài Gòn năm 1994. Trong giấy tờ tùy thân, năm sinh đề 1933. Bắt đầu viết văn từ khi kháng chiến bùng nổ. Tác giả Vác Bom Ba Càng (trong Tập Văn Cách Mạng và Kháng chiến 1947). Về Thành 1952, viết phóng sự về đời sống kháng chiến dưới bút danh Dân Tâm, và truyện ngắn đăng tải trên các nhật báo Tia Sáng, Liên Hiệp, Nhân Quyền... ký Thanh Hữu. Năm 1954 di cư vào Nam, làm chủ bút nhật báo Thời Đại (Cn: Nguyễn Thành Danh), biên tập viên tuần báo Việt Chính (Cn: Hồ Hán Sơn), và bài vở đăng trên các tạp chí Sinh Lực, Văn Nghệ Tập San, Cải Tiến, Tạp chí Sống của Ngô Trọng Hiếu...

2. Tác phẩm

Chuyện Tình Người Sinh Viên (Tia Sáng, Hà Nội 1952), Đợi Anh Về (truyện dài đăng tải trên Tia Sáng, sau Hiến Nam xb, Hà Nội 1953)... Chồng Tôi Muốn Sống (Yên Sơn, Hà Nội 1954). Một số truyện dài khác đăng tải trên Tia Sáng đặc san (Cn: Ngô Vân), như Miếng Cơm Manh Áo, đăng trên nhật báo Thời Đại; Chuyện chân thật trên Sinh Lực. Truyện sau cùng này vẫn tiếp tục đăng, khi chúng tôi viết về ông. Thanh Hữu viết rất nhiều truyện ngắn như Âm Nhạc. Truyện một Tâm Hồn, Hoa Hướng Dương, Cô Mịch, Một Chân Tình...

Phân tích tác phẩm chính:

Hầu hết những truyện của Thanh Hữu thiên về tâm tình xã hội. Tác phẩm mang chủ đề xã hội thật sâu sắc, như tả trong Miếng Cơm Manh Áo (báo bị đình bản ngưng nửa chừng). Ông châm biếm sự lố lắng đàn bà Việt Nam ở thành thị chịu ảnh hưởng Tây Phương trong truyện ngắn Cô Mịch. Truyện tâm lý xã hội có hình tượng mới, không sao chép theo khuôn sáo cũ như đa số tiểu thuyết thể hiện theo phong cách cảm nghĩ nhân vật tiền chiến. Truyện dài Đợi Anh Về, thể hiện xu hướng tâm tình xã hội có hình tượng mới thời đại. Trong Đợi Anh Về, tả một văn nghệ sĩ về Cổ Nghĩa thăm gia đình, rồi gặp Khánh, em họ của Phụng. Khánh và Thanh quen nhau, rồi họ thân thiết càng hơn. Họ lấy nhau, chẳng được lâu, bởi bà Thoại âm mưu chia rẽ. Tung tin Thanh qua đời ở mặt trận, khiến Khánh lo lắng đến trụy thai. Rồi Thanh và Phụng gặp lại nhau, sau cả hai dinh tê về Hà Nội, rồi gặp Chí làm công chức ở Phủ Thủ hiến. Thanh buồn bã nghe tin Khánh lấy chồng, và chính Thanh bắt gặp Khánh cùng chồng dạo ngoài phố. Thanh cặp với vũ nữ tên Kim, nhưng biết Thanh không thương mình, còn chuyện tình cũ, sau Khánh bỏ đi, thì Thanh lại theo đuổi Khánh, kết thúc hai người gặp lại sắp hòa hợp, một tin sét xảy đến, Khánh qua đời.

Mục đích, tác giả lên án xã hội Chính phủ Quốc Gia bù nhìn; thân phận người dân lao đao, bị vây bủa. Nhân vật chán kháng chiến về Thành, về rồi chẳng khá hơn, chẳng còn mục đích sống. Nhân vật Thanh là chất liệu sống chính tác giả đưa vào truyện, một protagoniste trong truyện Đợi Anh Về. Đời sống dân trong kháng chiến và trong Thành; được tác giả tả lại thật sinh động, nhiều kinh nghiệm sống được phơi bầy qua cảm xúc, hình tượng mới. Tả Khánh sau khi được Thanh cứu thoát qua tai nạn máy bay bỏ bom. Khánh thổ lộ tình yêu:

“... Có lẽ hiểu rõ cô rõ rệt không ai bằng anh, ra ngoài này anh nói chuyện.

Phụng nói rồi đứng dậy, Khánh đi theo. Cả hai rẽ vào phòng trà Đống Đa, Phụng gọi:

– Cho chúng tôi hai tách cà phê nhỏ.

Phụng rút bao thuốc lá nội hóa hút một hơi. Xong phút im lặng, giọng anh nhỏ dần bảo Khánh:

– Cô đừng dấu anh. Đứng bên ngoài anh biết lắm. Cô đã cảm Thanh.

Như một người sắp chết đuối với được mảnh ván, Khánh gục mặt xuống bàn:

– Thưa Anh, thưa anh...

– Đừng dấu anh làm gì, cô không giấu nổi anh đâu?

– Thưa anh vâng...

Tình cảm dân kháng chiến đối với lính thật thấm thiết, Thanh Hữu ghi chân tình; hình tượng phong thái mới của một thời đoạn sống:

“... Rồi nàng sốc nách cho Thanh đứng lên. Anh loạng choạng bước theo Khánh, người nóng như lửa đốt. Hơi nóng ấy truyền sang da thịt Khánh làm người nàng chín rừ. Bà hàng nước ái ngại, vội đưa ra chiếc gậy: – ủng hộ ông chiếc gậy nữa mà đi cho vững này. Rõ trời đất làm cơ khổ...”.

Về xung đột quan điểm hôn nhân giữa già, trẻ:

“... Phụng bực quá. Anh đưa thẳng đôi mắt sáng nhìn khiến bà Thoại phải cúi đầu. Nói là anh đập mới đúng:

– Cụ bảo cơ nghiệp? Thế nào là cơ nghiệp? Thế nào là bấu víu? Nói cụ tha lỗi cho chứ như ý kiến nông nổi của chúng con, chỉ những hạng đàn bà bẻm mép mới nói đến bấu víu, mới nói đến cơ nghiệp. Còn em Khánh con chắc không đời nào?

Bà Nam Sinh không biết nói sao dàn xếp ý kiến giữa bà bạn và một ông cháu...”

Quan niệm luyến ái trên, Thanh Hữu ghi lại cảm nghĩ mới của thời sống mới. Ý kiến cá nhân lớp trẻ thoáng, tiến bộ hơn bảo thủ. Quan niệm lấy chồng bám víu vào, không tự lập, tạo cho bản thân một tư thế độc lập; như bảo thủ quan niệm, ăn sâu vào đầu óc; được tác giả lồng vào nhân vật. Bây giờ đến lúc cô gái rượu được mời lên hỏi ý kiến:

“... Thưa mợ con có tìm ra một tính xấu nào của anh ấy để từ chối nhưng không tìm nổi. Anh ấy giản dị, quý mọi người và được lòng tin tất cả bạn bè. Nên thưa mợ, con bằng lòng...”

Nói về tuần trăng mật một thời đoạn kháng chiến của đôi vợ chồng mới:

“... Trong khi đó, Thanh thuê một chiếc thuyền nhỏ đưa Khánh đi ngắm trăng lên giòng sông Vân Đình. Cặp vợ chồng trẻ nhìn trăng: trăng trải xuống cả một dòng nước mênh mông và gợn lên mấy viền mây trên nền trời Khánh sung sướng ngả đầu vào vai chồng, nũng nịu:

– Em chỉ biết nói là em sung sướng. Ban nãy nếu anh không bảo em đóng kịch thế là còn lúng túng to với các anh ấy...

Thanh cúi xuống hôn trán vợ. Anh nhìn vầng trăng, rồi nhìn dòng nước hỏi:

– Có nghĩ gì không em?

– Em đã bảo em chỉ biết nói là em sung sướng mà. Thế, anh đang nghĩ gì thế?

Thanh trầm ngâm:

– Anh nghĩ rằng anh sẽ viết vào nhật ký tả đêm hạnh phúc đầu tiên của chúng mình rất văn nghệ, rằng: Dòng nước đêm nay lóng lánh những ngấn bạc làm dáng cho bờ tre phải thì thào yêu vụng dấu thầm...”

Giai đoạn hồi cư của Khánh, tác giả tả lại thật linh động. Này nhé, cô em họ nhìn bà chị còn trẻ măng đã có chồng một lần; khi chiến tranh từng giây phút làm người ta lo âu, đáng lý phải già đi hàng chục tuổi; Như Hữu Loan chẳng từng nói lên: ... Lấy chồng đời chiến chinh / Mấy người đi trở lại?. Và nghe Thanh Hữu kể:

“... Khánh tát yêu vào má em:

– Cô mong cho chị chóng chết ư? Thế nào cô em gái của tôi bao giờ cho chị đi xe hoa đấy?

Liên vô tình lườm chị:

– Còn chị đấy! Bao giờ chị đi lấy chồng thì em cũng đi lấy chồng.

Khánh chợt buồn:

– Liên ạ, em có bao giờ nghĩ rằng chị góa chồng rồi không?

Liên sửng sốt hỏi Khánh:

– Ờ, thế mà em không biết ?

Khánh cười cay đắng:

– Chị lấy một chàng văn sĩ hậu phương. Anh ta bị chết bom ở Chợ Chu Thái Nguyên...

Vợ chồng Khánh Chí vào quán cà phê gần rạp xi nê Ciro’s, để người chồng cũ bắt gặp Khánh. Cùng đi với có Phụng. (trang 109). Song đến tiết 5 (trang 112), Thanh Hữu lại mô tả cảnh hậu phương; mà lúc trước không giới thiệu cho độc giả biết Thanh và Phụng đã hồi cư. Nếu tác giả đưa tiết 5 lên trên (trang 112 trước trang 109) độc giả dễ nhận ra không bị ngỡ ngàng. Hình như cũng tự nhận được điều này, nên ở trang 120; tác giả nhắc lại đoạn Thanh và Phụng đã trở về Hà Nội:

“...Trời, anh Thanh.

Vì rõ ràng Thanh còn sống. Anh cũng uống cà phê, nhưng mắt lơ đảng để tận đâu đâu? Mắt Phụng quay lại. Anh cũng trông thấy Khánh rồi...

Ở tiết 5, bắt đầu:

“... Khóa họp có ba tháng thì bế mạc. Trên đường về, đầu tiên là gặp Phụng để hỏi thăm tin tức Khánh...”

Lột tả chân rất đạt, thái độ ti tiện, rắp tâm bắt chồng cũ vào tù, để rảnh rang cướp đoạt vợ người:

“... Dạo này Chí có vẻ nghĩ ngợi lắm và đi vắng luôn. Ngày hai buổi phóng xe mô tô lên Phủ Thủ hiến làm việc, có khi anh đi biệt cả buổi trưa không về...

Và âm mưu của rể mới đối với mẹ vợ:

“... Bà Nam Sinh cười lấy lòng con rể:

– Vì anh yêu nó chứ còn vì gì? Anh này đến lôi thôi.

Nhưng Chí không cười. Anh nói thẳng một hơi làm cho bà choáng người:

– Không mợ ạ. Nó hư hỏng, chứ nào có trinh tuyết (sic) (19) gì cho cam. Này nhé, con nói thật, có phải nhà con đã lấy thằng văn sĩ ở hậu phương?

– Phải

– Thế mà thằng Thanh còn sống, mợ lại nói dối con là chết rồi. Chẳng cần phải dài dòng văn tự gì, con đã đến lúc nói thẳng: chính là vì cái nhà. Bà Nam Sinh giận run lên, nhỏ toạt bãi cốt trầu xuống sân đá hoa mịn màng:

– Đồ đào mỏ.

Chí vẫn cười châm chọc:

– Ồ đào mỏ là một tính tốt chứ sao? Mợ đã biết tin thằng văn sĩ Thanh “ấy đang ngồi sám hối trong Nhà Hỏa Lò Hà Nội”. Chính không phải vì ghen, vì yêu nhà con mà con để nó vào. Chính vì muốn bảo vệ cái nhà này khỏi sang tay người khác nên con phải cho nó vào tù để khuất mắt. Nhưng nhà sắp bán, tình của chúng con hết rồi.

Bà cụ Nam Sinh tái sắc, nói gần như rít lên:

– Anh khốn nạn. Tôi không ngờ anh đểu giả đến thế?

Chí hừm một tiếng khinh bỉ:

– Thế nào là đểu giả? Mợ nhầm, vì tính chuyện buôn vợ chồng này, mợ và nhà con được lãi mới đểu giả chứ!...”

Tác giả xếp đặt nhân vật Thanh về Tề đột ngột, khiến độc giả không biết; lại tới đoạn cho Khánh ly dị với Chí cũng lại đột ngột. Này, Khánh đến thăm Thanh, có một đứa bé đến nhà này cũng đột ngột nữa, vì đứa bé ấy lại nhận được tấm ảnh của Khánh treo trên tường là mợ (mẹ). Người đọc có cảm tưởng, khi tác giả viết đến đây, muốn tạo cho độc giả ngạc nhiên, kiểu cú đột biến của màn kịch đang diễn ra. Nhưng chính vậy, lại không là nghệ thuật cao trong tiểu thuyết được dàn dựng:

“... Cậu cháu bảo cháu có mợ. Mợ cháu đấy. cậu cháu bảo mợ cháu ở Phố Hàng Cót, nhưng quên cậu cháu rồi. Mợ cháu đi lấy chồng nên cậu cháu giận lắm...”.

Đoạn tả Khánh và Thanh gặp lại nhau, tác giả dường như muốn trả thù cho nhân vật bị thiệt thòi trong đường tình ái, ông viết với giọng văn thật nghiệt ngã. Nhà văn bị vợ bỏ, đi lấy chồng mới, hồi sau hối hận, biết chồng cũ chưa qua đời, ly dị chồng mới, trở về tái hợp. Hãy thưởng thức đoạn văn hay của tác giả.

“... – Kìa bà lại đội khăn tang. Chúng tôi được anh Phụng cho biết quá muộn nên không kịp đến đưa đám cụ. Kìa, bà ngạc nhiên sao? – Không, không có gì hết. Ở đây, chúng tôi bao giờ cũng chỉ có sự thủy chung và phải sống bằng nó. Tôi và anh Phụng có đến hỏi thăm, nhưng không may chỉ có cô Liên ở nhà. Cô ấy lại bảo bà xuống chơi nên vội về ngay để tiếp. Sao bà lại khóc? Ờ cụ mất đi chỉ là số mệnh như chúng ta xa cách nhau chỉ vì số mệnh. Tôi và anh Phụng đã biết. Nhưng thưa bà không phải chỉ bây giờ mới biết mà thôi đâu. Tôi còn biết sớm hơn kìa, biết từ ngày gặp lại nhau ở quán cà phê Ciro’s. Bà vẫn khóc, ô hay...”

Nhân vật Thanh trong Đợi Anh Về chính là tác giả, một văn nghệ sĩ từ hậu phương trở về hồi cư, là một protagoniste (chính mình đóng vai chính) diễn tả rất sinh động, phong phú. Rất dễ giận, lại dễ làm lành khi tự ái được ve vuốt. Thanh giận vợ cũ lấy chồng, gặp nhau xưng hô bằng bà. Rồi vợ cũ năn nỉ, van xin “trước khi quên em đi, anh hãy gọi em bằng em một lần cuối cùng” (trang 215), Thanh mủi lòng ngay, không còn gọi bằng bà nữa mà: “Khánh ơi! Em tủi và giận anh thật sao?...” (trang 216).

So sánh nhân vật Hồng trong Chồng Tôi Muốn Sống, cũng là văn nghệ sĩ từ hậu phương về sống ở Hà Nội (cũng là phân thân tác giả, đóng vai chính) nhân vật là chàng văn sĩ cũng dễ mủi lòng khi tự ái được vuốt ve. Đây là đoạn văn trong vai phân thân:

“... Vừa nói Hồng vừa gỡ tay Hoài. Nhưng quá tuyệt vọng Hoài níu chặt tay một lấy chân Hồng. Không cho anh đi một bước. Nước mắt Hoài tầm tã, ướt cả quần Hồng. Đời em chỉ chịu quỳ dưới chân anh Hải của em. Em không giữ nổi nữa em không tự dối lòng nữa. Em đã quá yêu rồi...

Trở lại với Đợi Anh Về, tác giả nhấn mạnh không nên đợi anh về, vì thời chiến, “dễ mấy người trở lại”, như câu thơ nào đó ở kháng chiến, nhắc các nàng phải biết đợi chờ. Tác giả tạo lý do chờ đợi:

“... – Không em đừng nên nghĩ vì một lý do gì cả. Nếu em nghĩ rằng đời trai thời loạn, sự sống, chết chỉ là hai chữ đứng bên nhau thì em ơi: Em đừng đợi anh về nữa. Em có thể đi lấy chồng được rồi, nhưng dù sao, cứ nên tâm niệm rằng trên đời này còn có một kẻ tha thiết yêu em...”

Nhà văn là kẻ nhiều tình cảm hơn ai hết với tình yêu vẫn thích được đau khổ, và trong đau khổ cam chịu được kia, có niềm sung sướng âm thầm. Khánh ly dị chồng mới, chờ chồng cũ yêu lại, với Thanh cần phải chờ năm ngày nữa mới trả lời được. Trong năm hôm chờ đợi ấy, tác giả kết thúc bằng lá thư bi đát, báo tin Khánh chết đột ngột.

“... Mùa xuân năm sau, Phụng lại gặp Thanh ở Hải Phòng. Đôi bạn dắt díu nhau vào một bàn khuất tịch. Bé Thảo không líu lo như trước nữa mà im lặng như một cái máy. Phụng nhìn đứa bé chợt hỏi, thì: –Đầu tiên tớ phải báo cho cậu biết tin buồn cô Khánh đã chết...” (...) Thì Thanh đáp: Cậu này, bình tĩnh nghe tớ kể. Mà thôi kể làm gì khi sự đã rồi. Con rắn ấy mà chưa tuyệt nọc thế nào cũng còn nhiều người khổ vì hắn. Hắn (Chí) ra Thành từ sớm hơn ai hết, dùng đồng tiền điều khiển chân tay xưa của hắn lại bắt tớ. Lá thư ở trong tù có nghĩa gì khác là việc âm mưu bắt người trong cảnh phải nại ra lá thư của mình...”

Kết luận đỡ tàn nhẫn, Thanh nại cớ bị Chí bắt bỏ tù lần hai; Rồi Thanh được kiện, thì Chí lại bị tù. Sau khi ra tù, Thanh không hề đến tìm Khánh, Phụng để biết tin về Khánh. Một năm sau vô tình Thanh, Phụng gặp lại ở Hải Phòng, nên Thanh mới trả lời vậy. Thanh vào tù lần đầu, có người săn sóc, lần này giả dụ Thanh có vào tù nữa, hoặc đi Sài Gòn (theo một thư khác gửi cho Khánh) mà chẳng lẽ không ai biết? Thì đó là sự cố ý kết luận: “... ái tình đến với Thanh, Thanh từ chối, ái tình mất là Thanh đuổi theo”. Tác giả quan niệm rằng đời này đầy bỉ ổi, lọc lừa – một khi hối hận chỉ có chết mới đền bù lại phần nào lầm lỗi. Trong Chồng Tôi Muốn Sống Thanh Hữu phân thân nói về đời sống nhà văn ở Hà Nội đau khổ tình yêu hạnh phúc cũng như tình bạn như thế nào? Song chỉ khác một điều, nhân vật Hồng (nữ) thật chung thủy không như Khánh trong Đợi Anh Về. Rồi Hồng lại chết trả nợ đời, bởi nhân vật không phân biệt được chung thủy của Hoài đối với nàng, lối sống vắt tim óc của chồng làm đẹp cuộc đời mà cuộc đời lại quên lãng!

Kết luận.

Tiểu thuyết tâm lý xã hội tiến bộ của Thanh Hữu, qua hai cuốn nói về cuộc sống nhà văn thời kháng chiến, điển hình cho một hình tượng mới được viết về thân phận nhà văn thời loạn. Khác hẳn truyện nhà văn tiền chiến viết về đời họ, cũng lấy nhân vật đời mình làm động lực chính cấu kết thành tác phẩm; nhưng Thanh Hữu làm mới lại trong văn chương tự sự kể, về cái mới đã sống trong kháng chiến, hậu chiến. Nghệ thuật viết Thanh Hữu là của nhà văn giầu lòng nhân ái, văn chương nhân bản trong một bút pháp tài hoa.


Tiết 7 - HUY SƠN

Tiểu sử.

Tên thật Dương Quang Thuận. Sinh 1936 ở Hà Nội. Trên ghế trường trung học tư thục Nguyễn Huệ ở Hà Nội; ông đã viết văn đăng trên các báo Giác Ngộ, Quê Hương, Tia Sáng... Bạn văn đồng lứa là Huyền Giang, Băng Sơn, Vân Long, Song Nhất Nữ, Hồ Nam... Năm 1955 vào Nam - ông viết cho các báo Thời Đại, Việt Chính, Chiến Hữu (Quân đội), thư ký tòa soạn tạp chí Văn Nghệ Tập San (Cn: Nguyễn Đăng Thục), Phụng Sự (Quân đội), Lý Tưởng (tạp chí Không quân)...

Tác phẩm.

Trước Mồ Trinh Nữ (truyện dài, Chính Ký Hà Nội 1954), Anh Đi Ngày Duyên Thắm (Hiến Nam, Hà Nội 1954) (truyện này ký chung với Hoàng Vinh), Thương Em Lạc Hướng Đời (truyện dài, Người Bốn Phương, Sài gòn 1955), Trường Ca (truyện dài, Sài gòn 1956)...

Phân tích.

Viết văn theo xu hướng roman rose, (tiểu thuyết khuê phòng) với mục đích câu khách nữ bậc trung lưu, ở đây được xếp vào tiểu thuyết tâm lý buông lỏng. Trước Mồ Trinh Nữ, loại hình truyện tài hoa son trẻ, tình tiết éo le, ly kỳ, gút mắc; thêm số sáo ngữ lãng mạn xây dựng cốt truyện, như là chuyện tình cấp thấp ăn khách kiểu bình dân. Nếu đem Trước Mồ Trinh Nữ, so với thời gian, thì nhân vật lùi lại ba bốn chục năm, chẳng ai thấy khác. Tất nhiên so sánh vậy, không có nghĩa đem Trước Mồ Trinh Nữ văn chương và nội dung với các tiểu thuyết tình cảm giá trị của tiền chiến. Ba truyện tiếp theo Trước Mồ Trinh Nữ cùng chung duộc (Trường Ca) trừ cuốn sau có chuyển biến đôi chút khác hơn.

Huy Sơn chuyển hướng lối viết cách nhìn ở Trường Ca như thế nào? Khi bắt đầu viết, dự định cho một tựa đề Em ơi thuyền đã sang rồi, chỉ cần tựa đề sách; người đọc viết được tác giả muốn nói gì; kém nội dung nghèo văn chương, so với cuốn truyện của nhà văn trường giang (viết tiểu thuyết dài tràng giang đại hải) Lê Văn Trương trong Ngựa đã thuần rồi, mời Ngài lên yên? Dẫu sao đi nữa, đối với Huy Sơn, sự cố gắng làm mới nội dung văn phong của ông trong Trường Ca cũng là điều khích lệ đáng ghi nhận.

Không phải chỉ có nhiều đoạn văn tả tình tâm lý ba xu, cũng có đoạn văn tâm tình lãng mạn đẹp, mượt mà; có hình tượng mới trong Trường Ca. Nhưng tổng quát mà xét, bố cục truyện, trùng lắp; sao chép nhiều hơn sáng tạo. Hoài Thu, một thanh niên theo kháng chiến, sau bỏ về Thành. Rồi quen Khanh yêu nhau. Chẳng biết lý do nào, Hoài Thu bị Pháp cầm tù; rồi chẳng hiểu sao lại được trả tự do? Hoài Thu thất nghiệp, lang thang tình cờ lại gặp Khanh. Lúc này, Khanh là phu nhân một luật sư. Mặc dầu vậy Khanh vẫn cứ lãng mạn can đảm, bất chấp dư luận đón Hoài Thu về ở nhà chung. Năm 1954, hội nghị Genève dẫn tới cắt đôi đất nước, Thu vào Nam. Gia đình tan tác, chồng Khanh là Hoàng bị bắn chết, Hoài Thu và Khanh lại tự do sống chung như vợ chồng. Có một lần, Hoài Thu đi họp văn nghệ về khuya không còn gặp Khanh, nàng bỏ nhà ra đi. Lá tâm thư để lại cho biết Khanh trở ra Hà Nội lại (khoảng đầu năm 1955, trở về Hà Nội còn được phép như trong hiệp ước Genève qui định).

Huy Sơn chuyển lối viết cũ, bước sang đề tài mới mẻ, như ông tự cho là tiểu thuyết luận đề qua Trường Ca; nhưng không phải loại này ai viết cũng hay được. Như Victor Serge, André Malraux, đến Panaðt Istrati, không phải là nhà văn viết tiểu thuyết luận đề, mà trước đó chính cuộc đời nhà văn đã là một luận đề sống trải. Một nhà văn bình thường không thể là tác giả của tác phẩm luận đề thuộc phạm vi tư tưởng; còn xây dựng tác phẩm có bối cảnh trên, đem vào đó công thức chính trị qua nhân vật nói ra (không là ý nghĩa, hành động, lối sống); hẳn đem sự rỗng tuếch nhàm chán đưa vào tiểu thuyết được gọi là luận đề.

Dưới đây đoạn văn tiểu thuyết luận đề của Huy Sơn trong Trường Ca:

“... Bây giờ, Thu chỉ mong có một chính phủ Quốc gia cương quyết về phương diện giao hiếu với Pháp, cương quyết cải thiện bộ máy chính quyền và gột sạch tệ đoan xã hội mới có thể hoạt động kết quả được...”

Rất nhiều đoạn tương tự, đích thực không thể là văn chương; càng không thể là văn nghị luận chính trị; chỉ là tạp–pí–lù của văn chương tranh đấu mà thôi.

Kết thúc truyện dài Trường Ca, tác giả chưa cho nhân vật Khanh về Hà Nội để làm gì và tại sao lại trở về? Về Hà Nội có phải là cách giải quyết những tình tiết ở trên mà tác giả đặt ra? Có thể, tác giả chỉ đưa ra lối giải quyết cách tình cờ; cả tác giả nhân vật hiểu sao phải kết thúc giải quyết vậy? Có thể, cho Khanh đi biệt tích để câu chuyện được kết thúc lâm ly chăng?

Huy Sơn thường đưa nhân vật luật sư vào tác phẩm, không phải để phân tích, mô tả hình tượng sống, cảm nghĩ, nếp suy tư; mà chỉ để tác phẩm có trí thức hơn làm cho truyện của ông được sáng giá hơn? Nếu có, nhân vật luật sư rất trí thức ấy chỉ có danh xưng.

Kết luận.

Về tiểu thuyết luận đề Huy Sơn, khá xác đáng của Hồ Nam phê bình Trường Ca (19), vừa khích lệ bạn văn còn nói lên cách dựng truyện, xây dựng nhân vật lỏng lẻo, thất bại nhiều hơn thành công của Huy Sơn: “... Trường Ca đang dâng, thế hệ Trường Ca đã dựng lên bao công trình vĩ đại đến nỗi tác giả không làm sao dựng nổi được nữa. Do đó, nhân vật chính của Trường Ca biến thành những người hùng. Không nên nói nữa, vì đến đây nhiều khía cạnh xấu phô bầy, mà là chiến hữu, tôi sợ vạch áo cho người xem lưng...”. Qua truyện ngắn khác của Huy Sơn, vào thời kỳ chuyển biến viết truyện luận để, Đèn Dầu (20) là truyện ngắn hay, đặc sắc, tâm lý nhân vật ăn ý, cảm xúc hình tượng mới, đủ làm xúc động người đọc.


CÒN TIẾP ...



VVM.30.7.2023 - NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .