Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             
Frédéric Chopin (1810-1849)
tranh của danh họa E. Delacroix


FRÉDÉRIC CHOPIN , TÀI HOA BẠC MỆNH

  


I- GIA ĐÌNH CHOPIN

Gia đình Chopin gốc người vùng Lorraine và Dauphiné (Pháp). François Chopin và người vợ tên Marguerite Deflin, ông bà nội của Frédéric Chopin định cư tại Marainville sur Madon vùng Vosges. Vào thời kỳ đó, vua Leszcynski, cha vợ của Louis XV, nằm quyền trên hai lãnh địa Lorraine và Barrois. Ông François Chopin là chủ nhận môt vườn nho và một cơ sở đóng xe. Ông cũng là một vị đại diện dân chúng trong vùng . Với chức danh này ông đã có rất nhiều quan hệ với bá tước, người nước Lít-va tên là Michael Pac, chủ nhân lâu đài Marainville và nhất là với vị quản gia của ông ta, Adam Weydlich . Nhờ vậy nên ông bà François Chopin đã có đủ điều kiện để cậu con trai họ, Nicolas Chopin, sinh ngày 15 tháng 4 năm 1771, theo đuổi việc học vấn một cách rất kỹ lưỡng.

Năm 1787 bá tước Michael Pac bán lâu đài Marainville , Adam Weydlich đề nghị với ông bà François Chopin cho cậu con trai của họ , Nicolas Chopin, năm này mới được 16 tuổi, tháp tùng ông ta đi sang Ba Lan.

Tại Varsovie, thủ đô nước Ba Lan, trong khoảng hai năm trời, Nicolas Chopin đảm trách kế toán cho một cơ sở sản xuất thuốc lá cho tới khi cơ sở này bị ngưng hoạt động thì Nicolas trở thành một người gia sư cho Jan Dekert, giám đốc nhà máy thuốc lá sau đó là một người thầy dạy học cho các gia đình qúy phái tại vùng Kalisz rồi quay trở lại Varsovie vào tháng 4 năm 1794, ngay thời kỳ Kościsko cầm đầu cuộc nổi dạy của dân Ba Lan phản kháng sự phân chia lãnh thổ Ba Lan cho đế quốc Áo. Nicolas Chopin tham dự vào cuộc nổi dạy này trong hàng ngũ vệ quốc đoàn. Ngày 10 tháng 10 năm 1794 Kościsko bị bắt và cuộc nổi dạy bị tan vỡ.

Ông Nicolas Chopin trở thành gia sư cho gia đình Maciej Łączyński, thống đốc Gostyński và được phong hầu tại vùng Kiermozia cách Varsovie khoảng 70 cây số . Năm 1802, Nicolas là gia sư dạy 4 người con của nữ công tước Ludwika Skarbek tại Żelazowa Wola. Tại đây, Nicolas gặp cô Justyna Kryżanowska xuất thân từ một gia đình qúy phái Ba Lan. Hai người yêu nhau và thành hôn vào ngày 02 tháng 6 năm 1806.


Nicolas et Justyna Chopin

Ngôi nhà của gia đình ông bà Nicolas Chopin tại Żelazowa Wola

Ông bà Nicolas Chopin có 4 người con : Con gái lớn Louis (Ludwika), sinh ngày 6 tháng 4 năm 1807 . Cậu bé thứ hai là Frédéric Chopin sinh ngày 6 tháng 4 năm 1810 tại Zelazowa-Wola và tiếp đó là 2 người con gái - Isabella sinh ngày 9 tháng 7 năm 1811 và Émilia sinh ngày 20 tháng 10 năm 1812.


Từ mùa thu năm 1810, vào thời kỳ mà ông Nicolas Chopin được chỉ định là Giáo sư Pháp ngữ tại Lycée de Varsovie thì cả gia đình dời về định cư tại thủ đô Varsovie, vào thơì kỳ đó thủ đô Ba Lan gồm khoảng hơn 100.000 cư dân

Trên phương diện lịch sử và chính trị thì những năm 1812-1813 là màn cuối cùng của chiến tranh Napoléon trên đất Ba Lan. Tháng 2 năm 1913 lực lượng của Nga hoàng tiến vào Varsovie. Biến động này đã đưa tới việc gia đình Chopin dời về vùng ngoại ô Cracovie và đã biến ngôi tư gia của họ thành một ký túc xá thượng hạng dành cho con em của những gia đình qúy tộc Ba Lan ở xa Varsovie theo học vì phải nói rằng Pháp ngữ là ngôn ngữ của tầng lớp tinh hoa của xã hội Ba Lan vào thời kỳ này. Cậu bé Frédéric tự nhiên trở thành người bạn của lớp trẻ được gởi ở ký túc xá của cha mẹ cậu.

Thường ngày, những người trong gia đình Chopin xử dụng tiếng Ba Lan mặc dù tiếng Pháp và Đức là ngôn ngữ giảng dạy trong ký túc xá.

Chính ông Nicolas Chopin đã dạy cho cậu con về các ngôn ngữ cổ điển cũng như các sinh ngữ khác và khai tâm cho cậu bé Frédéric về âm nhạc vì chính ông cũng biết chơi vĩ cầm và sáo. Những bài học dương cầm đầu tiên mà Chopin nhận được là do chính bà mẹ , Justyna Chopin, dạy cho cậu. Vào lúc mới chỉ được 3 tuổi Frédéric đã biết chơi dương cầm thành thạo và tự ứng tác một vài bài ngắn ngắn.


II- NHỮNG BƯỚC ĐẦU TIÊN


Năm 1816, cha mẹ cậu gởi cậu theo học dương cầm với Wojciech Żywny.
Cậu bé Fredéric đã được thầy chỉ dạy về nhạc của Bach, Mozart và của nhiều nhà soạn nhạc đang nổi tiếng tại Ba Lan vào lúc đó như Michał-Kleofas Ogiński (1765-1833) và Karol Kurpiński (1785-1857).

Chỉ mới 7 tuổi, cậu bé Frédéric đã làm cho giới qúy tộc hâm mộ âm nhạc tại Varsovie phải sửng sốt vì cậu thường được đến trình tấu cho Công tước tối cao Constantin ; âm nhạc mà Fédéric Chopin trình tấu đã có khả năng làm dịu cơn giận dữ khủng khiếp của bậc vương giả này, nên cậu đã được đón vào cung mỗi khi công tước nỗi cơn thịnh nộ.

Năm 1817, ông Nicolas đã cho khắc lại tác phẩm đầu tiên của cậu con trai với tựa đề "Polonoise pour le pianoforte dédiée à Son Excellence Mademoiselle le Comtesse Victoire Skarbek, faite par Frédéric Chopin" .

Lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng của cậu bé Frédéric Chopin diễn ra vào ngày 24 tháng 2 năm 1818 trong một buổi hoà nhạc làm việc nghĩa do công chuá Zofia Zamoyska tổ chức.

Cậu bé Chopin được cha mẹ gởi đến Lycée de Varsovie để theo đuổi học vấn nhưng mỗi mùa hè đều về nghỉ ở thôn quê nơi gia đình bạn bè , như tại nhà gia đình Radziwiłł hoặc trong cư xá của giới qúy tộc. Cậu rất thích tham dự vào các lễ hội và âm nhạc đại chúng.

Tháng 6 năm 1825, nhà xuất bản Brzezina ấn hành Rondo en ut mineur , tác phẩm thứ hai của Fredéric Chopin được ra mắt quần chúng yêu chuộng âm nhạc.
Cũng vào cuối năm này Frédéric Chopin từ chối tham dự vào cuộc thi tốt nghiệp Trung học ở Lycée de Varsovie .

Năm 1826, cậu ghi tên học tại trường cao đẳng âm nhạc - Szkoła Główna muzyki - điều hành bởi Józef Elsner và cùng lúc ghi tên tại đại học Varsovie trong những buổi nói chuyện về văn chương của K.Brodziński và Ludwik Osinski. Trong thời kỳ này Federic Chopin kết bạn với những người đại diện cho trường phái lãng mạn (yêu nước) Ba Lan như Maurycy Mochnacki (1803-1834), Dominik Magnuszewski (1810-1845), Bohdan Zaleski (1802-1886), Stefan Witwicki (1801-1847).
Những người bạn của Frédéric đã thúc đẩy cậu sáng tác nhạc để phục vụ cho phong trào yêu nước và chính vị giáo sư Elsner hối thúc Chopin soạn những bản nhạc kịch Ba Lan và rất có thể vì vậy mà Frédéric Chopin đã theo học vài khoá học tiếng Ý .

Ngày 10 tháng 4 năm 1827, em gái thứ tư của Frédéric, Émilia, từ trần vì bệnh phổi.
Sau khi Émilia qua đời khi mới chỉ được 14 tuổi, gia đình Chopin dời chổ ở và đóng cửa ký túc xá mà họ đã điều hành trong suốt 17 năm trời.
Một thời gian sau, Frédéric kết bạn với Hummel và khởi sự một vòng trình diễn tại Varsovie.
Tháng 9 năm 1828 Frédéric Chopin, tháp tùng một bạn của thân phụ, ông Feliks Jarocki một nhà động vật học đến Berlin. Tại thủ đô nước Đức, Chopin tham dự những buổi trình tấu âm nhạc, viếng thăm những cơ sở sản xuất dương cầm, nhà xuất bản nhạc của Schlessinger. Trong lúc đó tại Bá Linh có sự hiện diện của Spontini, Zelter và Mendelssohn tuy nhiên Frédéric Chopin không tiếp xúc với họ.
Trở về Varsovie Frédéric Chopin theo đuổi bộ môn kịch nghệ tài tử kết giao với giới trẻ chống đối sự xâm chiếm Ba Lan của lực lượng Nga hoàng và sáng tác những giai điệu đầu tiên, chủ yếu trên những bài thơ của Witwicki. Frédéric hâm mộ nữ ca sĩ Konstancja Gladowska (1810-1889) người, theo thư từ liên lạc với bạn mình, Tytus Woyciechowski, đã là nguồn cảm hứng trong một số sáng tác của Chopin .

Năm 1829, dự trù cho những chuyến đi tới các thủ đô của những quốc gia Âu châu, Frédéric Chopin theo học Anh ngữ. Một học bổng để đài thọ cho chuyến đi của Chopin đã bị giới hữu trách từ chối. Ngày 20 tháng 7 cùng năm, Frédéric Chopin lấy bằng sáng tác âm nhạc.
Ngay sau đó, Frédéric Chopin cùng với một nhóm người trẻ làm một vòng du lịch. Sau Cracovie, Fédéric tới Vienne - thủ đô nước Áo - tại đây nhờ vào sự giao thiệp của chính mình, Frédéric thực hiện buổi trình diễn đầu tiên tại Kärtntnertortheater - nhà kịch nghệ hoàng gia cửa Carinthie - vào ngày 11 tháng 8. Cuộc trình diễn thành công và những người tổ chức quyết định cho tái diễn vào ngày 18 cùng tháng. Lại thêm một lần thành công. Sau Vienne, Chopin tới Prague rồi Dresde.
Trở về Varsovie, Frédéric Chopin trình tấu trước công chúng tại Théâtre National, những ngày 17 và 22 mars 1830. Cũng trong năm này tại Varsovie , Frederic làm quen với một nữ ca sĩ đang được mọi người ca tụng, Henriette Sontag.


III- GIÃ TỪ BA LAN

Sau một buổi trình diễn từ giã, Chopin rời Varsovie ngày 02 tháng 11 năm 1830 cùng với bạn, Tytus Woyciechowski. Cả hai vượt biên giới Ba Lan vào ngày 05 tháng 11 để rồi từ đó không bao giờ Frédéric Chopin còn được nhìn lại nơi mình chôn nhau cắt rốn nữa .
Hai người dừng lại một thời gian ngắn tại Wroclaw (Breslau - tên Đức) rồi tới Dresde (Đức) . Tại đây Chopin thường xuyên lui tới giao lưu với giới trường giả thượng lưu của cộng đồng người Ba Lan. Rời Dresde, sau khi ghé qua Prague (thủ đô Tiệp Khắc), Fédéric cùng Tytus Woyciechowski tới Vienne ngày 23 tháng 11. Sau những bước vận động đầu tiên mà kết quả không được tốt đẹp cho lắm, nhất là cùng lúc đó tại Ba Lan cuộc nổi dạy đánh đuổi lực lượng chiếm đóng Nga bùng nổ ngày 29 cùng tháng, đã tạo nên một sự thiếu thiện cảm nào đó của người Vienne đối với người Ba Lan . Tytus quay về Ba Lan để tham gia vào hàng ngũ những người yêu nước và Chopin quyết định ở lại Vienne một mình.
Chopin rất vui mừng khi gặp lại Hummel ở Vienne và làm quen với Sigismond Thalberg tuy nhiên mặc dù ngưỡng mộ sự điêu luyện của Thalberg nhưng không ưa bản tánh của người nhạc sĩ dương cầm này. Chopin kết bạn với một dương cầm thủ khác, Joseph Slavik (1806-1833).

Ngày 11 tháng 6 năm 1831, Chopin lại có cơ hội , y hệt như 3 năm về trước, ra mắt khán thính giả yêu chuộng âm nhạc tại Kärtntnertortheater - Vienne (Áo).

Ngày 20 tháng 7, Chopin lên đường tới Munich (Đức) và lưu lại đây 1 tháng. Ngày 28 tháng 8 cùng năm, Frédéric Chopin đã ra mắt khán thính giả thành phố này trong một buổi hoà nhạc dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Joseph-Hermann Stuntz (1793-1850).

Ngày 11 tháng 6 năm 1831, Chopin lại có cơ hội , y hệt như 3 năm về trước, ra mắt khán thính giả yêu chuộng âm nhạc tại Kärtntnertortheater - Théâtre de la Porte de Carinthie ở Vienne (Áo). Ngày 20 tháng 7, Chopin lên đường tới Munich (Đức) và lưu lại đây hơn 1 tháng. Ngày 28 tháng 8 cùng năm, Fédéric Chopin đã ra mắt khán thính giả thành phố này trong một buổi hoà nhạc dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Joseph-Hermann Stuntz (1793-1850)
Vào đầu tháng 9 năm 1831, Frédéric Chopin tới Stuttagrt (Đức) ngay lúc cuộc nổi dạy của người Ba Lan bị lực lượng chiếm đóng Nga dập nát. Sự kiện này đã làm Chopin cực kỳ bối rối vì không biết được gia đình mình có còn sống sót sau những cuộc đàn áp của quân đội chiêm đóng hay không. Chính vào thời điểm này mà Chopin đã viết những tác phẩm đen tối nhất của mình như các bản L'Etude "Révolutionnaire" , Scherzo op.20, 2è và 24è Préludes ... đầy đau thương và cũng đầy ước muốn được trả hận, những kiệt tác đầu tiên của Chopin. Thân phận Chopin như đã bị định đoạt : kể từ lúc đó Chopin trở thành một kẻ suốt đời lưu vong với sự đau khổ phần thì hướng về đồng bào mình, phần khác lại quay cuồng trong nỗi hoài hương và sự phẫn nộ hiếu chiến.
Sau khi nhận được những tin tức tốt đẹp về gia đình và bè bạn mình, Frédéric Chopin quyết định đến Paris - Pháp, thành phố mà ông ước mơ được tới từ bao nhiêu năm qua.


IV- CHOPIN TẠI PARIS

Tại Vienne Chopin xin được một giấy thông hành để đi London (Anh), trên tờ thông hành này có ghi rõ rệt hàng chữ "passant par Paris" nghĩa là Chopin chỉ đi qua Paris trên đường tới London và điều này cũng chứng tỏ rằng Chopin không có ý định cư tại Pháp vì Chopin tức giận vưa nước Pháp Louis Philippe 1er đã không trợ giúp quân sự cho người Ba Lan trong cuộc vùng dạy chống lại sự đô hộ của lực lượng Nga hoàng .

Tuy nhiên Paris lúc này lại là thủ đô của Âm Nhạc.

Vào mùa thu 1831, Chopin cư trú tại số 27, đại lộ Poissonnière. Và Chopin đã bị Paris chinh phục . Trong những lá thư Chopin viết gởi Titus: "thành phố Paris đẹp nhất thế giới" hoặc "Paris đáp ứng lại được tất cả sự mong ước "...

Nhờ những lá thư giới thiệu của Elsner, Chopin liên lạc được với những người trong giới âm nhạc ở Paris và được giới hữu trách cấp giấy cư trú .

Chopin được làm quen với Rossini, Chérubini, và Kalkebrenner , một nhạc sĩ dương cầm 46 tuổi người Đức và là nhạc sĩ dương cầm tài ba nhất nhì thế giới và cũng là một nhà soạn nhạc.

Trái với những ý kiến của Elsner và những người bạn mới gặp ở Paris : Hiller, Liszt, Mendelssohn, Berlioz, Chopin làm việc với Kalkbrenner (1785-1849) và quan hệ với nhà sản xuất đàn dương cầm Camille Pleyel mà Kalkbrenner đã cộng tác từ những năm 1824 để từ ngày đó Chopin là một người bảo đảm cho hiệu đàn Pleyel và xử dụng hiệu đàn này cho tới ngày Chopin trút hơi thở cuối cùng .


Tại phòng trình diễn của cơ sở sản xuất đàn dương cầm Pleyel, Chopin ra mắt giới hâm mộ dương cầm tại Paris lần đầu tiên vào ngày 26 tháng 2 năm 1832 : một thành công rực rỡ.

Suốt mùa hè năm đó, cơn dịch tả đã lan tràn ở Paris và Chopin nghĩ tới việc ra đi. Cũng thời kỳ này, Chopin được nam tước James de Rothschild mời đến biểu diễn tại tư gia . Tại đây Chopin đã làm giới hâm mộ âm nhạc cực kỳ thích thú. Nữ nam tước đã yêu cầu Chopin dạy dương cầm cho bà tại biệt thự của gia đình Rothschild mỗi ngày 4 giờ.Ngoài ra là những buổi trình tấu tại những nơi khác, suốt 18 năm ở tại Paris, Chopin chỉ xuất hiện trong 19 buổi hoà nhạc trong đó vỏn vẹn 4 lần độc tấu trước cử toạ, với sự sợ sệt trước đám đông như trong thư viết cho Titus, bạn thân của ông : " thật là một sự khổ ải vô cùng cho tôi, suốt trong ba ngày, trước khi trình diễn trước công chúng", dù vậy, Chopin cũng không vì những thành qủa đạt được mà quên không hoàn tất 12 bản Études op 10 dành tặng Liszt và 6 bản Nocturnes Opus từ số 9 tới số 15. Những tác phẩm của Chopin đã được phổ biến rất nhanh chóng tại các quốc gia khác. Liszt, Clara Wieck (vợ của nhạc sĩ Schumann) đã góp phần không nhỏ vào công việc này.

Bảy tập sáng tác của Chopin xuất hiện giữa những năm 1832 và 1835.

Những người học trò của Chopin đều là thành phần những gia đình trưởng giả giầu có nên Chopin dời về cư ngụ ở một căn appartement tiện nghi hơn tại số 4 Cité Bergère ngay từ năm 1832 . Khả năng tài chánh càng lúc càng dồi dào với những sáng tác được xuất bản nên sau đó Chopin dời về cư ngụ tại số 5 rue de la Chaussée d'Antin, trong một căn appartement rộng rãi xinh xắn hơn với một chiếc xe độc mã nhẹ, cà vạt bằng tơ tầm, những người giúp việc ...và căn appartement của Chopin đã trở thành một địa điểm quy tụ những nhạc sĩ, văn sĩ... trong số đó có Heinrich Heine .

Kể từ năm 1832, sau khi ký kết hợp đồng với Haslinger , tất cả các tác phẩm của Chopin đều được giới phê bình âm nhạc vào thời đó ở khắp Âu châu đề cập đến. Lẽ cố nhiên, có những người chỉ trích triệt để như Rellstab, nhà phê bình lừng danh ở Berlin hoặc Robert Schumann, người cực lực bênh vực .

Tháng 11 năm 1832, Chopin gặp lại Hector Berlioz , Auguste Franchomme .

Muà hè năm 1833, Chopin cùng với nhạc sĩ chơi đàn hạc François-Joseph Dizi (1780-1840) đến Bruxelles (Bỉ). Tại đây ông không xuất hiện trong một buổi trình tấu nào nhưng chỉ biểu diễn trong một buổi độc tấu tư nhân trên chiếc đàn Pleyel mà Kalkbrenner đặc biệt gởi từ Paris tới trong dịp này. Sau đó trở lại Pháp, Chopin cùng với Franchomme, Chopin đến nghỉ ngơi tại nhà những người bạn của nhạc sĩ vĩ cầm này tại Azay-sur-Cher trong vùng Tourraine (Indre-Loire- Pháp)

Ngày 15 tháng 12 năm 1833 tại viện quốc gia âm nhạc Paris, Chopin trình diễn Concerto en Ré dành cho 3 claviers của Bach cùng với Liszt và Hiller.

Năm 1834, Liszt và Hiller tháp tùng tới nhà Berlioz tại Montmarne và ở đây Chopin gặp gỡ thi sĩ Alfred de Vigny.

Tháng 5 năm 1834, Chopin cùng với Hiller tới Aix-la-Chapelle (Aachen) để tham dự đại hội âm nhạc vùng Basse-Rhénanie, tại đây cả hai gặp lại nhạc sĩ Mendelssohn, sau đó ba người cùng đi Düssendorf (Đức).

Trở lại Paris, Chopin bắt buộc phải chọn lựa quy chế chính trị của ông : Hoặc tiếp tục là một kiều dân lánh nạn chính trị hay là tới trình diện tại đại sứ quán Nga ở Paris để trở thành một công dân của Nga hoàng (nước Ba Lan là một lãnh thổ của Nga hoàng - Tsar ).

Mặc dù những lời khuyên nhủ của thân phụ mình nhưng Frédéric Chopin từ chối không tới trình diện tại đại sứ quán Nga.

Quyết định này đã làm Chopin trở thành một kiều dân tỵ nạn BaLan tại Pháp và vĩnh viễn Frédéric Chopin bị cấm chỉ không được trở về Ba Lan nữa.

Ngày 5 tháng 4 năm 1835, Chopin cùng với Liszt, Hiller, Nourrit và nhạc trưởng Habeneck tham dự vào một buổi hoà nhạc cống hiến cho những kiều dân tỵ nạn Ba Lan.

Tháng 8 năm 1835 Chopin đến nghỉ 3 tuần lễ hè tắm nước khoáng nóng tại Enghien theo lời khuyên của một người bạn, Matuszinski. Tại đây Chopin tạm ngụ ở một nhà trọ gần bờ hồ và gặp gỡ rất nhiều đồng hương Ba Lan trong số đó có Delphine Potocka.

Trong thời gian nghỉ tại Enghien, Frédéric Chopin nhận được tin cha mẹ ông có ý đến nghỉ tại Carlsbad cũng trong tháng 8 năm đó. Vì lẽ đã từ chối đến toà đại sứ Nga để làm lại passeport của mình nên Frédéric không thể trở về Varsovie gặp gỡ cha mẹ được nên ông đã quyết định dành cho họ một sự ngạc nhiên thích thú bằng cách là sẽ tới Carlsbad tháp tùng cha mẹ ông vì đây là một dịp may mà Frédéric không thể bỏ qua được.

Tại Carlsbad "nỗi mừng vui của chúng tôi thật khó lòng tả nổi" Chopin đã viết trong một lá thư gởi chị cả Ludwika và người em gái Isabella cả hai đều vắng mặt trong dịp này.
     Cũng tại Carlsbad , Frédéric Chopin được bá tước Thun-Hohenstein mời tới lâu đài của ông này tại Děčín.

Ngày 14 tháng 9 cha mẹ Frédéric Chopin lên đường quay về Varsovie. Kể từ đó, Frédéric Chopin không bao giờ còn có dịp gặp lại được cha mẹ của mình nữa.


V- "MOIA BIÉDA" - NIỀM ĐAU KHỔ CỦA TÔI

Ngày 19 tháng 9 năm 1935 Frédéric Chopin rời Děčín cùng với Frédéric de Thun tới thành phố Dresde theo lời mời của bá tước Wodziński .

Frédéric quen biết gia đình bá tước Wodziński ngay từ khi còn nhỏ vì con cái của vị bá tước này đã là những học trò nội trú tại ký túc xá của cha mẹ Frédéric Chopin, Frédéric Chopin và các anh em Wodziński đã là những người bạn thân trong tất cả những sinh hoạt ở ký túc xá này . Bá tước Wodziński là một gia đình qúy tộc giầu có và có rất nhiều nhà đất. Vào thơì kỳ dân chúng Ba Lan vùng dạy chống lực lượng đô hộ Nga, hai người con trai lớn của gia đình Wodziński tình nguyện đầu quân trong lực lượng kháng chiến Ba Lan. Sau đó, cả gia đình rời Ba Lan, lưu vong tới định cư tại Genève (Thụy Sĩ). Trong những căn phòng tiếp tân của gia đình này nổi tiếng một cách thật nhanh chóng vì những người khách lui tới là những nhân vật quan trọng trong lãnh vực chính trị và nghệ thuật. Maria, con gái út của gia đình bá tước Wodziński lúc này đã được 19 tuổi. Mái tóc nâu, sống động với đôi mắt to màu đen, một nữ dương cầm thủ, ca sĩ ... Frédéric Chopin yêu thương Maria và tìm cách quyến rũ cô. Một tháng trôi qua dưới mắt khoan dung của mẹ cô gái và vẻ bài kích của người chú cô ta.

Đã tới lúc lại phải ra đi.

Ngày 26 tháng 9, Frédéric rời Dresde. Trước khi rời khỏi nơi này, Chopin, từ giả bằng bản độc tấu dương cầm, tặng Maria, theo điệu valse mà sau này Maria đặt tên là "La valse de l' Adieu" - bài này không bao giờ được Chopin cho xuất bản rất có thể vì ngượng ngùng - và Maria trao tặng Chopin một bông hồng.

Trên đường trở lại Paris, Chopin dừng chân ở Leipzig để gặp Mendelssohn, lúc này vừa được đề cử chỉ huy « Gewenhaus », dàn nhạc lừng danh nhất tại Đức và Chopin tới nhà gia đình Wieck (gia đình của Clara Schumann) để gặp Robert Schumann.

Rời Leipzig tới Heidelberg và được nữ nam tước Dille tiếp đón nhưng Frédéric Chopin ngả bịnh bắt buộc phải nàm dài trên giường . Sau khi khỏi bịnh Chopin về tới Paris giữa tháng 10 năm 1835.

Về tới Paris, Chopin viết thư gởi cho Maria, vào chính lúc này, Chopin đã sáng tác bản Ballade en Sol mineur, một công trình thực sự đầy tình yêu của Chopin.

Trong suốt mùa đông năm 1835-1836 Chopin ngả bịnh. Trầm uất, ảnh hưởng cái chết của Vincenzo Bellini (1801-1835) để lại, Chopin bị khạc ra máu . Báo động đầu tiên về sức khoẻ của Fédéric Chopin.

Đầu năm 1836, Fédéric Chopin gặp và kết bạn với Astolphe de Custine và nữ ca sĩ Delfina Potocka (Delfiny Potockiej, 1805-1877) người đã được Chopin đề tặng bản Concero thứ hai (opus 21) xuất bản tại Leipzig vào tháng 4 năn 1836.

Mùa hè năm 1836, lần thứ hai Chopin lại được gia đình Wodzinski mời đến với họ tại Marienbad và Fédéric Chopin cảm thấy một cách rõ rệt về sự chống đối của ông chú Maria tuy nhiên Chopin vẫn ngỏ lời cầu hôn và được Maria chấp nhận. Mọi người trong gia đình Wodzińska đều đề cập tới cuộc hôn nhân của Fédéric và Maria một cách chính thức nhưng chính bà Wodzińska, mẹ cúa Maria lại muốn làm chậm lại việc thực hiện dự tính hôn nhân này lấy cớ vì tình trạng sức khoẻ của Fédéric tuy nhiên bà quyết định đợi tới mùa hè năm sau mới cho tổ chức lễ đính hôn.

Trên đường trở về Paris, Chopin ghé lại nhà gia đình Schuman ở Leipzig vào ngày 10 tháng 9 .

Sau đó thì chuyện hôn nhân diễn ra như một tiểu thuyết bằng những lá thư.

Rồi, trong một lá thư viết vào tháng 6 năm 1837, Maria Wodzińska ngỏ cho Fédéric Chopin biết rằng sẽ không có chuyện hôn nhân nữa. Hình như thân phụ cô ta phản đối vì hai gai đình không có chung giai cấp xã hội, cũng hình như vì lý do chính trị vì gia đình Wodzinski có ý quay trở về Ba Lan cư ngụ và lấy lại tài sản của họ mà một người con rể như Fédéric Chopin là một chướng ngại quan trọng .

Chopin im lặng chấp nhận sự đổ vỡ tình cảm này mà chỉ viết trên những tấm thiệp của Maria vỏn vẹn hai chữ bằng tiếng Ba Lan "moia biéda" - niềm đau khổ của tôi.

Rất có thể vết thương lòng của Fédéric Chopin không bao giờ khép lại được. Người ta đã tìm lại một gói nhỏ sau khi Chopin qua đời, được buộc lại một cách cẩn thận trong đó có bông hoa hồng của Maria trao tặng ngày nào ở Dresde .

Từ ngày 10 cho tới ngày 28 tháng 7 năm 1837, Chopin đến London (Anh). Thủ đô Anh quốc không có gì để Chopin lưu tâm nên ông không liên lạc gì với những người trong giới âm nhạc tại đây và hình như chỉ cùng với Pleyel, người đồng hành , tới những nơi vui chơi khác thay vì dành thời giờ để phát triển sự nghiệp của mình tại Anh .


VI- LÃNG MẠN LƯU VONG

Năm 1838 Heinrich Heine đã viết, một bài vẫn luôn có giá trị cho tới ngày nay, ca tụng tài nghệ Chopin trong sự góp phần không nhỏ của ông cho trường phái lãng mạn trong âm nhạc bên cạnh những Beethoven, Berlioz, Mendelssohn, Schuman, Liszt, Schumann, Schubert ... .
     Trong bài báo, Heinrich Heine nhấn mạnh rằng người nhạc sĩ này là một người đã cống hiến hoàn toàn đời mình cho nghệ thuật .... Nhạc sĩ đã làm nổi bật lên sự hào hiệp và nỗi thống khổ Ba Lan, vẻ thanh lịch Pháp và giấc mơ sâu thẳm Đức.

Ngày 16 tháng 2 năm 1838, Chopin trình diễn tại lâu đài Tuileries trước gia đình hoàng gia Pháp và được tặng thưởng một bộ bát đĩa quý giá với dấu ấn của hoàng gia .

Ngày 03 tháng 3 trong Salons de Pape, Chopin tham dự vào cuộc biểu diễn 8 bàn tay phần Andante và Finale (kết) bản 7e Symphonie của Beethoven cùng với những học trò của ông : Gutmann, Zimmermann và Alkan, tác giả của bài chuyển biên

Ngày 12 tháng 3 , Chopin tới thành phố Rouen theo lời mời của một người bạn học cũ tại Trường Âm Nhạc ở Varsovie, Antoni Orlowski, người điều khiển dàn nhạc thính phòng Rouen. Orlowski là bạn đối ẩm của nhà văn Gustave Flaubert và cũng là giáo sư âm nhạc cho Caroline, em gái nhà văn này .


V- CHUYỆN TÌNH CỦA FRÉDÉRIC CHOPIN và GEORGE SAND

Vết thương lòng của Chopin vẫn chưa khép kín vì vừa mới thất bại trong cuộc hôn nhân với Marie Wodzińska (i), Chopin tiếp đón Liszt và Marie d'Agoult. George Sand (*) cũng đến chung với hai người này. Cuộc gặp gỡ giữa Chopin và George Sand không phải là một tiếng sét ái tình ngay lần đầu tiên vì lẽ sau khi tất cả ba người khách ra về Chopin nói : "Cô ta đáng ghét ! Đó là một người đàn bà ư ? Tôi hơi nghi ngờ !." Và Chopin không tỏ một hành động gì để tiến gần lại với George Sand. George Sand nhận xét là Chopin có vẻ như một thiếu nữ hơn là một người đàn ông.

Lúc này thì George Sand sống cùng lúc tại hai nơi : Ở Nohant và Paris.

Không một ai có thể xác định được một cách rõ rệt chuyện tình của Chopin và George Sand bắt đầu từ lúc nào .

Ngày 05 tháng 12 năm 1836, Chopin đã chính thức mời George đến nhà chơi cùng với sự hiện diện Liszt và Marie D'agoult, Custine, Pixis, Schoelcher, Nourrit, Berryer, Jóseph Brzowski.

Lúc này thì Chopin đã có một cuộc sống sang trọng với rất nhiều giờ dạy âm nhạc, được tiếp đãi, tới lui những nhà hàng nổi tiếng ở Paris... tới độ những nhà xuất bản và những bằng hữu của ông như nhạc sĩ Schumann đã nghĩ rằng cuộc sống ồn ào vội vã như vậy sẽ làm cho Chopin mất rất nhiều thời giờ vô ích.

Vào mùa đông năm 1837, tình trạng sức khoẻ của Chopin càng sa sút hơn vì bệnh cảm cúm, với những cơn ho không ngớt nhưng Chopin cũng vẫn không thay đổi cách sống của ông . Chopin cũng xuất hiện nhiều lần trong những buổi trình diễn trước công chúng hoặc tư nhân.

Tháng hai năm 1838 Frédéric biểu diễn trước gia đình hoàng gia Pháp. Ông đã trình tấu nhiều nhạc phẩm do chính ông sáng tác, vua Louis-Philippe rất hài lòng tặng Chopin một bộ ly tách uống trà bằng kim khí mạ vàng.

Mùa xuân 1838, George Sand từ biệt thự ở Nohant tới Paris rất nhiều lần và gặp lại Chopin. Hai người cũng đã chịu đau thương trên đường tình nên chắc cũng dè dặt không hăm hở lao mình vào một cuộc phiêu lưu mới . Chopin chịu đựng bằng sự im lặng nhưng âm nhạc cũng đã cho chúng ta biết được một phần nào nỗi lòng thầm kín của Chopin qua những bản 12 Études op 25, l'Impromptu op 29, 4 bản Mazurkas op 30.....

Về phần George Sand, tâm sự về niềm đam mê mới của người nữ văn sĩ này được bộc lộ trong một lá thư gởi cho một người bạn gái, sau đó một lá khác cho một người bạn trai rất thân của Chopin .

"Câu hỏi lớn lao về tình yêu như vậy lại một lần nữa nổi dậy trong tôi... "

Câu này lấy ra từ một lá thư dài 8 trang. Sand nói với bá tước Grzimala người nhận lá thư rằng ông ta phải để ra ít nhất là 6 tuần lễ để có thể đoán nổi.

Sand viết tiếp :

"với tôi là được nâng niu trìu mến hoặc chết "..." đó là quyết định tối hậu của tôi "...

Rồi George Sand kết luận : "phần anh chàng nhỏ bé Chopin đó, anh ấy tới lúc nào anh ta muốn " ...

Vào tháng 4 năm 1838 George Sand quyết định chinh phục Chopin.

Chẳng cần phải màu mè gì. Hành động đầu tiên của Sand là gởi cho Chopin một dòng chữ ngắn ngủi nhưng thật rõ rệt :

"người ta" tôn thờ anh đấy , George!"

Tấm thiếp này hẳn đã là cho Chopin phải rất vui vì lẽ sau khi đọc Chopin đã xếp cẩn thận vào trong tập album riêng mà ông giữ từ khi còn nhỏ . Tuy vậy câu chuyện cũng chưa hẳn đã diễn tiến một cách bình thường vì lẽ chính George Sand cũng vẫn còn phải trăn trở tự hỏi mình về sự quan hệ của hai người (...)

Ngày 17 tháng 4 năm 1838, George Sand về cư ngụ tại Paris nhân vụ ra tòa tranh tụng về việc ly dị với Casimir Dudevant (cha ruột của Maurice và Solange - đọc phần dưới)) và tạm cư tại nhà vợ chồng vị lãnh sự Emmanuel Marliani và Charlotte, vợ của ông này là nữ chủ nhân một salon thời trang tại đường Grange Batelière. Tại đây, Chopin và George Sand gặp gỡ nhau thường xuyên hơn.

Chopin cũng không lộ vẻ gì rõ rệt để tiến tới gần George Sand . Mùa hè thì George Sand vẫn quay về Nohant .

Cách xử sự như một bà mẹ và tính khí của Sand đối với Chopin làm nhiều người phải sửng sốt . Người ta có cảm nhận rằng George Sand muốn rằng trước hết cô phải là một người mẹ và người bảo bọc che chở và sau đó mới là một tình nhân.

Câu chuyện yêu đương của họ kéo dài suốt 9 năm nhưng chắc hẳn mật thiết tình yêu thực sự chỉ có khoảng được vài tháng ngắn gủi.

Phong cách của George Sand cũng không có gì để phải ngạc nhiên vì vài năm trước đó, Alfred de Musset đã viết cho Sand vào lúc Musset và George chia tay :

"Em tự tin rằng em là tình nhân của tôi, nhưng em lại chỉ là mẹ tôi..."

Và George trả lời trong quyển nhật ký riêng của mình :

"Ôi ! người đàn ông tội nghiệp anh là một người điên !
     Hỡi những đứa con của mẹ ơi, mẹ của các con thật đau khổ !"

Sand còn nói tiếp :

"Tôi cần phải đau lòng vì một người nào đó, tôi cần nuôi dưỡng một sự ân cần đầy tình mẹ, đã quen với việc chăm lo cho một kẻ đang đau khổ và mệt mỏi. "

Chopin, tính nết khá rụt rè, uớc mơ có một tình yêu thanh xuân đầy hoa bướm nhưng người đàn bà mà ông gặp lại lớn hơn ông tới 6 tuổi và đã có nhiều kinh nghiệm trong tình trường .

Sự liên lạc tình cảm giữa hai người gây nhiều tai tiếng, đối với George Sand thì chuyện tai tiếng không quan trọng nhưng cũng tạo một vài sự bực dọc, sức khoẻ yếu kém của Chopin, và của chính Maurice con trai của George Sand tất cả những điều này đã đưa họ tới quyết định xuống miền Nam nước Pháp để nghỉ ngơi mùa đông :

Sand đi trước mấy ngày, trên đường đi bà dừng lại nhiều chặng để gặp gỡ bạn bè .

Phần Chopin, rời Paris ngày 27 tháng 10 năm 1838 với năm ngàn quan Pháp (vào thời đó) trong tuí, số tiền mà ông bán cho Pleyel những bản Préludes của mình. Suốt 4 ngày 4 đêm, Chopin đi thẳng một mạch xuống Perpignan để gặp George Sand .

Tại Perpignan tất cả 5 người - Chopin, George Sand, 2 con của George (Maurice 15 tuổi và Solange 10 tuổi) cùng Amélie, một cô giúp việc, xuống tầu "le Phénicien" tới Barcelone vào ngày 02 tháng 11 rồi sau đó lấy tầu "El Mallorquin" để tới Palma vào ngày 07.11 .

Ngày 15 tháng 11, về Establiments, nơi đây sau một cuộc dạo bộ dưới mưa, gió Chopin ngả bịnh và ho rất nhiều. Tin tức đồn đại khắp vùng. Ba vị bác sĩ được gọi tới .

Về chuyện này, Chopin kể với Fontana, một người bạn ở Paris :

"Bác sĩ thứ nhất bảo là tôi sẽ chết, người thứ hai bảo tôi đang chết và người thứ ba bảo là tôi đã chết..."

Bắt buộc phải trả lại ngôi biệt thự và trả tiền phí tổn tất cả đồ đạc bị đốt để tẩy trùng tránh bị dịch , Chopin tới cư trú tại chủng viện dòng Thánh Bru-nô ở Valdemosa, Majorque vào ngày 15 tháng 12.

"Căn phòng của tôi có hình dạng một chiếc quan tài lớn" Chopin đã viết : "Người ta có thể kêu rống lên...mà vẫn chẳng ai nghe được ".

Chỉ vừa mới khoẻ một chút là Chopin bắt tay vào việc sáng tác. Khung cảnh đáng sợ ở chủng viện này đã ảnh hưởng rất nhiều tới tinh thần của Chopin.

"Chopin không tài nào chế ngự được sự lo âu với sư tưởng tượng của mình" George Sand đã kể lại về sau này trong "Histoire de ma vie" - Cuộc đời tôi . Tu viện đối với anh ấy thực khủng khiếp và đầy ma quái. Sand cũng xác nhận là rất nhiều bản Préludes đã phát sinh từ những lo sợ này. Trong số đó có 1 bản "tới với Chopin trong một tối mưa " theo lời George Sand. Đó là bản Prélude N° 6 hay gọi giản dị là "những giọt mưa - Raindrop" (một số người khác thì cho là bản prélude N° 15).

Chopin không bình phục lại được, trong người Chopin như thiếu thốn cách sống nhộn nhàng ở Paris. Mưa tiếp tục rơi không ngừng. Tiền bạc bắt đầu thiếu. Những người dân ở đây tỏ vẻ thù nghịch những người ngoại quốc này vì biết được rằng Chopin và George không phải là vợ chồng, cả hai lại không bao giờ tới lễ ở nhà thờ, người đàn ông thì tối ngày chơi đàn còn người đàn bà thì hút hết điếu thuốc này sang điếu thuốc khác. Dù vậy Chopin cũng hoàn tất được bản Ballade en Fa Majeur, hai bản Polonaises và 1 Sonate en Si bémol và bắt đầu 3è Scherzo.

Một ngày đó George và cậu con trai lớn Maurice đi Palma, mưa tầm tã. Cả hai phải mất sáu tiếng đồng hồ để trở lại chủng viện. Lúc George gặp lại Chopin xanh tái như một người chết với đôi mắt thất thần. Chopin hốt nhiên đứng phắt dạy la lớn :" A! tôi biết mà mấy người đã chết rồi ".

Cuộc sống ở chủng viện không thể chịu đựng nỗi được nữa. Cô người làm cũng bỏ đi và bảo là họ đã bị mắc bệnh dịch hạch. Chopin viết thư về Paris để thu xếp công việc và đổi chỗ ở rồi sửa soạn hành trang trở về Pháp vì không một ai bằng lòng hầu hạ "kẻ bị bệnh lao" nữa .

Ngày 13 tháng 2 năm 1839, Chopin, George rời chủng viện để về Palma. Sau ba tiếng đồng hồ vất vả vừa vì mưa lại vừa vì đường qúa xấu , ngay khi tới Palma Chopin bắt đầu khạc ra máu nhưng vẫn buộc phải xuống một chiếc tầu chở heo để về Barcelone. Ngày hôm sau Chopin lại ho ra máu một lần nữa. Trăng mật của Chopin và George Sand chấm dứt bằng một sự thất bại đáng sợ. Chopin được bác sĩ điều trị và trị dứt chứng ho ra máu . Nghỉ ngơi hơn 10 ngày tại Barcelone và tất cả lại xuống tầu để về Marseilles.

George viết một lá thư cho bà Marliani thuật lại :

"Chỉ ở lại thêm một tháng nữa là chúng tôi sẽ chết tất cả tại Tây Ban Nha, Chopin và tôi; anh ấy thì vì u sần và chán ngán, còn tôi thì vì tức bực và giận dữ... "

"Nếu tôi có viết về họ thì sẽ với sự hằn học chua cay..."

Tới Marseille vào ngày 24 tháng 2 , Chopin và George lấy lại được tinh thần. Cả hai quyết định nghĩ đợi mùa hè ở đây để lấy lại sức. Vài ngày sau đó Chopin đi lại và nói chuyện được.

Ngày 13 tháng 3, Chopin và George Sand nhận được tin buồn về việc ca sĩ Adolphe Nourrit, bạn của họ, vừa tự tử tại Naples (Ý). Tin này do chính vợ của người ca sĩ xấu số này trên đường tháp tùng thi thể của chồng, đi qua Marseille, về an táng ở Paris . Ngày 24 tháng 4, trong một buổi tang lễ Chopin biểu diễn đàn orgue tại nhà thờ Notre-Dame-du-Mont, Marseille cho người bạn của ông, người đã đóng góp trong việc quảng bá tại Pháp những bản Lieder của Schubert, Chopin đã trình tấu nhạc bản "Les Astres". Theo lời thuật lại của George Sand thì trong dịp này đông đảo người hâm một tài nghệ của Chopin đến nghe, có nhiều người phải mất 50 centimes một chỗ ngồi.

Tháng 5, Chopin và Goerge Sand đi chơi ở Gênes (Ý). Bốn năm trước đó , Sand cũng đã đến đây với Alfred de Musset nhưng Chopin không biết được việc này. Có thể đó là thời gian mà Chopin và Goerge Sand thực sự có hạnh phúc .

Ngày 22 tháng 5, Chopin và George rời Marseille trở về Nohant.

Trong ngôi biệt thự (lâu đài nhỏ) của George nằm giữa vùng đồng quê yên tĩnh ở Bercy này Chopin đã tìm lại được sức khỏe và làm việc hăng hái trở lại .

George Sand đã tạo ngạc nhiên thích thú cho Chopin khi mua một cây dương cầm hiệu Pleyel để tặng Frédéric sau nhiều tháng Chopin chỉ xử dụng những cây đàn dương cầm thẳng (piano droit) tầm thường. Ở Nohant, Chopin như tìm được một điều thiếu thốn từ khi rời Varsovie -Ba Lan : một mái ấm gia đình.

Kể từ đó, nơi đây Chopin sáng tác và nghỉ ngơi vào những ngày mùa hè dù rằng Chopin không thích đồng quê .

Bác sĩ cũng tới để khám lại sức khoẻ cho Chopin và khuyên ông nên tịnh dưỡng ở nơi đây lâu hơn.

Bạn bè cũng lần lượt tới Nohant ở lại ăn tối với Chopin và George. Chopin hoàn tất 2è Sonate và La Marche Funèbre. Tối nào Chopin cũng dành một giờ hương dẫn âm nhạc cho George.

Đối với Sand thì sự đam mê của tình yêu đã qua. George sống với Chopin và quan sát. George ghi chép những nhận xét của mình trong một cuốn vở trong lúc Chopin chăm chú trên những nốt nhạc của chiếc dương cầm.

Cuối hè 1839 hai người trở về Paris. Mỗi người một căn chung cư riêng rẽ nhưng không xa cho lắm. Sau khi tìm được chỗ ở, Chopin lo nghĩ tới chuyện quần áo trang phục . Hình như sau những thử thách đã trải qua Chopin lấy lại được tinh thần và yêu thích lại những thứ phù phiếm xa hoa . Tháng 10 năm 1839, Chopin và George mỗi người đều có một căn chúng cư riêng. Mỗi buổi chiều cả hai đều tận tình với công việc nghệ thuật của mình. Chopin hoàn chỉnh những tác phẩm mà ý tưởng thường chỉ đến với ông trong mùa hè.

Ngày 29 tháng 10 năm 1839, vua Louis-Philippe mời Chopin đến trình tấu dương cầm cho nhà vua nghe. Chopin đã gây khích động cho cử tọa và được nhà vua khen ngợi. Trong dịp này , Chopin gặp và kết bạn với Moschelès. Mochelès đã lưu lại những lời nói rất tế nhị và cảm động về sự quan hệ của hai nguời.

Năm 1839 là năm của Chopin với những bản Préludes, những tuyệt phẩm của Chopin. Chopin và Sand kết bạn với Pauline Viardot, một ngôi sao đang lên của sân khấu nhạc kịch . George Sand và Marie D'agoult bất hoà nhau.

Vở kịch của George Sand, Cosima là một thất bại cho nhà hát Comédie française. Vì những lý do tài chánh nên suốt mùa hè năm 1840, Chopin và Sand ở lại Paris. Giai đoạn này Chopin kết bạn với Balzac và Mickiewick còn George Sand kết bạn với Joseph Dessauer và Delacroix.

Năm 1840 và 1841, Chopin sáng tác rất ít, chỉ một vài bản Valses và Fantaisie en Fa Mineur.

Ngày 26 tháng 4 năm 1841 , sau 8 năm vắng mặt , Chopin nhận lời trình diễn trước công chúng tại phòng Pleyel. Chính Franz Liszt đã tường thuật lại trong tờ báo âm nhạc :

"Không phải là một nhạc sĩ điêu luyện mà người ta chờ đợi, người ta ước ao được nhìn thấy, cũng không phải là một dương cầm thủ lão luyện trong nghệ thuật gõ ngón trên phím đàn, mà đấy chính là Chopin."

Hè 1841, hai người lại rời Paris quay về Nohant .

Tháng 9 năm 1841 , Chopin bỏ căn nhà ở đường Tronchet để tới thuê lại gian thứ hai nhà thuê của George Sand ở đường Pigalle.


Mùa đông 1841, Chopin xuất hiện trong hai buổi hoà nhạc, một tại điện Tuileries và một tại phòng triển lãm của Pleyel vào tháng hai năm 1842 với thành quả thật lớn lao cả về phương diện tài chánh.

Ngày 20 tháng Tư 1842 , người bạn thời thơ ấu, người thuê chung nhà với Chopin ở Chaussée d'Antin, bác sĩ Jan Matuszynski qua đời vì bệnh ho lao. Để quên nỗi buồn của mình, Chopin và Sand trở lại Nohant ngay đầu tháng năm năm đó.

Tháng sáu, cả hai tiếp đón Delacroix tới chơi. Cuối tháng bảy cả hai lại trở về Paris để tìm một nơi ở khác. Họ muớn hai căn hộ tại Square d'Orléans, nơi đây là một nơi có rất nhiều nghệ sĩ cư ngụ : Alkan, Joseph d'Ortigue, nhà nghiên cứu nhạc và giám đốc một tờ báo về âm nhạc, Zimmermann giáo sư của Alkan tại viện quốc gia âm nhạc, Marmontel người kế tiếp của Zimmermann tại đây, Kalkbrenner. Gần nơi ở này còn có họa sĩ Eugène Delacroix, Franchomme. Người ta đã đặt tên cho khu vực này cái tên là "Athènes mới". Mỗi buổi tối mọi nghệ sĩ tụ tập lại ở căn số 7, nhà gia đình Marliani.

Ngày 05 tháng 5 năm 1842, Chopin và Sand lại rời Paris trở về Nohant. Dần dà theo ngày tháng, với hai bản tính khác nhau, Chopin và Sand chỉ còn dính líu với nhau qua những chi tiết nho nhỏ trong đời sống. Chopin thì rất tế nhị, không chịu đựng được những cuộc ăn nhậu và những tràng cười rộn rã thô tục của đám bè bạn của Sand nên chỉ thích bầu bạn với họa sĩ Eugène Delacroix, Chopin và Delacroix rất hợp và qúy mến nhau còn Sand lại cho rằng Chopin hơi điên khùng , bệnh hoạn trong lối xử sự này. Chopin giận , đóng cửa ở trong phòng mình và chỉ ra khỏi phòng vào những bữa ăn mà thôi.

Lần này thì tình yêu như biến mất trong quan hệ của hai người. Sand đã viết :

"Tình bạn của Chopin.. " hay "câu chuyện của chúng tôi, chẳng có gì như trong một tiểu thuyết ".

Tuy vậy Sand vẫn e ngại cho sức khoẻ của Chopin, sự e ngại của một người mẹ.

Và giờ thì Chopin, "cậu bé ốm yếu của tôi ", "cái thi thể yêu qúy của em" - những tiếng mà Sand thường dùng để gọi Chopin như một người mẹ gọi con - cảm thấy mình thật cô đơn.

Năm 1843, mùa đông vô cùng lạnh lẽo, Chopin ngả bệnh nhiều lần.

Ngày 03 tháng Năm 1844, ông Nicolas Chopin từ trần tại Varsovie. Suốt mấy tuần lễ Chopin chán ngán tuyệt vọng . George Sand viết một lá thư mời chị của Chopin tới Nohant. Ludwika, chị cả của Chopin đến Paris, rồi xuống tận Nohant. Niềm vui được gặp lại người thân đã mang lại sức sống Chopin.

Trong suốt mùa hè 1845, Chopin sáng tác 3 bản Mazurka mới và phác thảo Barcarolle.

Mùa hè năm 1846 là những ngày cuối cùng mà Chopin có mặt tại Nohant.

Đây là giai đoạn khó khăn nhất trong mối liên hệ giữa Chopin và George Sand.

Chopin thì gần gũi và hay bênh vực Solange, con gái của George Sand còn Sand lại gần guĩ với cậu con trai Maurice hơn . Maurice bây giờ đã thành người lớn và thường xuyên hục hặc, cãi cọ với Chopin. Phần Solange , một thiếu nữ lạ lùng, nhanh nhẹn, linh hoạt tuy nhiên giả dối, đóng kịch. Đã từ lâu Chopin hình như bị thu hút bởi vẻ bí mật của Solange còn Solange thì muốn quyến rũ Chopin với những cái liếc mắt có hậu ý bén như dao nhưng làm như vô tội...

Tất cả đã làm Chopin càng thêm khổ tâm hơn. Tình trạng kích thích và sự bất hoà càng lúc càng tăng giữa Chopin và Sand.

Cuối mùa hè năm 1846 , George Sand nghĩ tới chuyện cho Solanage đi lấy chồng. Rồi tiếp đến là một trận cãi nhau dữ dội lại đã xảy ra giữa Chopin và Maurice. Maurice dọa mẹ sẽ bỏ nhà ra đi, George Sand bênh con và người ra đi sẽ phải là ... Chopin.

Không một ai muốn níu chân Chopin lại.


Tháng 11 trời lạnh lẽo, Chopin cuộn mình trong tấm mền leo lên xe ngựa, làm dấu tay giã từ . Không một ai hiểu được ý nghĩa của cái làm dấu tay này chính ngay cả Chopin !.


VI - ĐI VÀO CÕI CHẾT

Chopin từ giã Nohant và không bao giờ còn trở lại nơi này nữa.

Cuộc hôn nhân của Solange vẫn được dự định và một người có cái tên là Clésinger, một điêu khắc gia trẻ , được đề cập tới. Chopin không ưa người mà ông gọi là " thợ đục đá " này cho lắm , tuy nhiên ông cũng không bộc lộ gì. Giờ thì Chopin có mặt ở Paris và chờ đợi niềm tin trở lại với ông. Solange đang yêu Clésinger, dù rằng mẹ cô do dự. Solange quyết định tổ chức đám cưới với người điêu khác gia đó . Goerge Sand phải gọi cầu cứu với cậu con trai Maurice lúc này đang ở tại Hoà Lan , và cũng nhấn mạnh rằng đừng hé lộ điều gì với Chopin.

"Việc này không dính dáng gì với ông ta cả" Sand đã viết trong thư gởi cho cậu con trai.

Cuộc hôn nhân của Solange diễn ra vào ngày 06 tháng 5 năm 1847. Tiếp sau là một trận cãi vã dữ dội giữa Sand và con gái, khi Chopin biết được tin thì ông cũng nhận ra rằng ông đã bị George loại ra khỏi vòng gia đình mà ông tưởng là đã có tuy vậy Chopin cũng vẫn đứng về phía Solange.

Sự can thiệp của Chopin xảy ra vào thàng 8 năm 1947 và đây cũng là điễn biến cuối cùng đánh dấu cho sự tan vỡ của Chopin và Sand. Lá thư đoạn tuyệt của Sand viết gởi Chopin thật tàn nhẫn. Chopin đã đọc cho Delacroix nghe. " Người đàn bà tội nợ " Chopin đã gọi Sand như vậy, và nói tiếp :

" Quá đủ cho tám năm của một cuộc sống nề nếp "

Một trang tình sử đã lật qua nhưng vẫn ghi dấu trong tâm hồn người nhạc sĩ tài hoa .

Chopin trình tấu lần cuối cùng tại Paris ngày 16 tháng 2 năm 1848 tại các phòng khách của cơ sở sản xuất dương cầm Pleyel . Tất cả mọi vé đều bán hết sạch hệt như có phép lạ tới nỗi phải tổ chức lại một buồi thứ hai vào ngày 10 tháng 3 để đáp lại yêu cầu của người thưởng mộ.

Tất cả mọi người yêu chuộng âm nhạc nghệ thuật ở Paris đều có mặt. Gia đình hoàng gia Pháp ngay hàng danh dự, giới thượng lưu bao quanh và bạn bè của Chopin không thiếu một người nào.

" Tôi cảm thấy hệt như tôi đang ở nhà tôi và mắt tôi được gặp mọi khuôn mặt của bè bạn thân quen "

Trong buổi hoà nhạc Chopin đã trình diễn một Trio của Mozart .

Tám ngày sau đó, vua Louis-Philippe (Pháp) bị lật đổ.

Cũng như rất nhiều nghệ sĩ, Chopin rời thủ đô Pháp sang Luân Đôn (Anh), một phần để lánh sự biến động xã hội và một phần lớn để trốn tránh những kỷ niệm đầy ắp trong ông. Năm 1848 là năm báo hiệu những khó khăn cho giới nghệ sĩ nhất là cho Chopin, kẻ sống với một vết thương lớn trong tim và chứng lao phổi mà ông cũng không còn để tâm đối kháng nữa.

Cuộc ra đi tới Luân Đôn đánh dấu một khởi đầu cho sự khước từ của Chopin. Ông được bà Stirling, một trong số những học trò của ông mời, trong một vòng trình diễn do chính bà tổ chức. Được giới qúy tộc Anh chào đón nồng nhiệt, Chopin trình tấu trước nữ hoàng Victoria và vua Albert, gặp gỡ nhà văn Dickens. Ông bắt buộc phải trình diễn trong những buổi hoà nhạc tư nhân cũng như trước công chúng .

" Chính tôi cũng phải ngạc nhiên với một sự vội vã như thế bởi lẽ tôi chơi kém hơn trườc rất nhiều ", Chopin đã viết.

Ngày 9 tháng 8, Chopin rời Anh quốc đi Ecosse. Ông cư trú tại nhà gia đình Stirling tại Édimbourg rồi quay trở lại Luân Đôn vào đầu tháng mười.

"Người ta quấy rầy tôi với một sự ân cần vô ích của họ. Tôi cảm thấy cô đơn, cô đơn, cô đơn, dù rằng có rất nhiều người bao quanh ".

Thêm một lần nữa Chopin lại bị mệt mỏi đè nặng. Thở dốc, nhức đầu, viêm phế quản, cảm cúm, tất cả những điềm báo như đã xảy ra.

Chopin được một thầy thuốc chữa trị nhưng không ngớt nhớ về Paris .

"Người Anh khác người Pháp, những người mà tôi gắn bó như những thân nhân của tôi."

Vị y sĩ của nữ hoàng Anh khuyên Chopin nên rời Luân Đôn.

" Nếu còn ở lại đây thêm một ngày nữa thì dù rằng tôi không chết nhưng cũng sẽ thành người điên ".

Ngày 24 tháng 11 năm 1848 Chopin trở về Paris.

Quãng trường Orléans không còn giống như ngày trước nữa. Đối với Chopin chỉ còn lại kỷ niệm một thời hạnh phúc đã qua, bao bọc quanh ông là bạn bè mà ông yêu qúy và một gia đình mà ông đã tự cho là của ông.

Goerge đã ra đi, Charlotte Marliani cũng thế, chỉ còn duy nhất Akan một người đồng nghiệp.

Người bác sĩ thực thụ chữa trị cho Chopin cũng đã qua đời. "Chỉ duy nhất ông ấy mới chữa được cho tôi ", Chopin nói.
Chopin chỉ sáng tác được duy nhất 2 bản Mazurkas, đấy là hai tác phẩm cuối cùng của Chopin. những chi tiết này được trích từ nhật ký của hoạ sĩ Delacroix.

Để tránh bệnh dịch tả đang hoành hành ở Paris, người ta đưa Chopin vào nằm tại Chaillot. Tại đây, cuộc sống thường nhật của ông là đi dạo và liên tục tiếp những người hâm mộ nữ phái tới thăm ông.

Tháng năm, Chopin đốt tất cả những bản thảo của ông. Ông cũng thử định viết soạn một phương pháp về dương cầm nhưng chắc vì biết rằng mình không thể đủ thời gian để hoàn chỉnh nên ông đã từ bỏ ý định vì chỉ cần nghĩ tới việc làm không hoàn toàn là ông đã không thể chịu đựng nổi được.

Chopin chỉ còn hai tháng rưỡi nữa để sống.

Vào khoảng cuối tháng 6, Chopin nhất định phải gặp lại những người thân của ông, hình như tự biết rằng ngày từ giã cõi đời của ông không còn xa. Chopin quyết định mời người chị cả và bỏ ra hai ngày để viết cho bà chị một lá thư. Đấy không phải là lá thư của một người đang đi vào cõi chết.

"Những cây bách có những ý thích thất thường của chúng , sự thất thường của em là muốn được có chị ở nhà em,...Em đang ngồi ở phòng khách nởi, qua năm cái cửa sổ em nhìn được toàn cảnh Paris ".

Như đã nói ở trên, lá thư Chopin viết gởi người chị không phải là một lá thư của một người sắp chết viết vì Chopion vẫn còn hy vọng hay cũng rất có thể là không biết được bệnh trạng của mình vì ông viết :

" Nếu có túng thiếu tiền bạc, chị cứ đi mượn, khi nào em khoẻ khoắn lại, em sẽ làm ra tiền rất dễ dàng rồi mình trả lại cho người mà chị mượn..."

Cũng trong lá thư, Chopin viết về bệnh tình của mình, nhưng không một chút gì lo sợ ông báo tin :

" Trong bệnh hoạn của em có một cái gì đó vượt hẳn khoa học "

" Em không bị cái loại nóng sốt làm cho vị bác sĩ bình thường phải bó tay "

Cuối thư Chopin viết :

"Em thân qúy, nhưng rất yếu đuối của chị. Ch "

Nhận được thư em, người chị lập tức, cùng chồng, con gái và Titus, một người bạn thời thơ ấu của Chopin, rời Varsovie lên đường đi Paris.

Louise (Ludwika) , chị cả của Chopin tới Paris ngày 08 tháng 8 năm 1849. Tất cả đều tới cư ngụ tại nhà Chopin. Ông tỏ ra vô cùng sung sướng khi gặp lại chị và người anh rể .

Ba tuần lễ sau, chồng Louise trở về Varsovie còn Louise ở lại săn sóc em.

Biết tin chị Chopin tới Paris, George viết gởi Louise một lá thư có vẻ kỳ cục. Nội dung không có gì là lạ nhưng là những nguyên cớ thúc đẩy George viết gởi .

George Sand hình như có ý muốn biện bạch cho sự gián đoạn với Chopin và sự vắng mặt của mình .

" Người này thì nói với tôi rằng anh ấy bệnh nặng hơn trước, kẻ khác lại kể rằng anh ấy yếu đau như tôi đã biết ..."

Sự hiện diện của người chị làm cho Chopin phấn khởi trở lại và ông dự tính với những người thân là sẽ xuống Nice nơi có khí hậu tốt để dưỡng sức vào mùa đông năm này.

Tuy nhiên tình trạng sức khoẻ của Chopin ngày càng suy thoái hơn . Ba vị bác sĩ tái khám một lần nữa cho Chopin , cả ba đều đi tới kết luận rằng việc Chopin xuống miền nam cũng không thể thay đổi gì được, tốt hơn hết là đưa Chopin về cư trú tại một căn hộ thật ấm áp hơn.

Căn hộ được tìm ra tại số 12 Place Vendôme. Tại đó hàng ngày, một người em của một trong số những học trò của ông đọc sách cho ông nghe, nhất là đọc Voltaire, một tác giả mà Chopin rất yêu chuộng từ hình thức tới nội dung.

Nhưng, cực kỳ nhanh, bệnh tình của Chopin trở nên vô cùng trầm trọng tuy nhiên vào lúc này gần như ông cũng chẳng còn để tâm tới chuyện sống, chết gì nữa.

Đầu tháng mười Chopin không thể ngồi được và thường xuyên bị ngộp thở. Bạn bè và thân nhân luôn hiện diện quanh ông.

Tu sĩ Jelowicki, một người bạn lúc còn trẻ của Chopin mà cả hai từ lâu đã giận hờn không còn muốn gặp nhau, đã tìm tới khi biết tin về bệnh tình của bạn. Sau ba lần bị ngăn trở không cho vào nhưng cuối cùng khi biết tin bạn mình đến, Chopin đã lập tức cho người mời vào ngay. Kể từ đó, mỗi ngày tu sĩ Jelowicki tới một lần và Chopin rất hoan hỉ đón tiếp bạn.

Ngày 13 tháng 10, tu sĩ Jelowicki còn tìm được một cơ hội hay hơn nữa, ông ta nói với bạn :

" Bạn của tôi ơi, hôm nay là ngày giỗ anh tôi, anh phải tặng tôi một cái gì chứ .

- Tặng anh cái gì bây giờ ?

- Linh hồn anh .

- A, tôi hiểu, tôi hiểu, Chopin đáp lại, cứ lấy đi ".

Sau khi nghe Chopin trả lời, vị tu sĩ qùy gối, đưa cây thánh giá về phía Chopin rồi nức nở khóc.

Chopin đã xưng tội, chịu lễ ban thánh thể và nhận lễ xức dầu cuối cùng. Sau đó Chopin cảm ơn bạn mình , nói đùa :

"Nhờ có anh mà tôi không chết giống như một con heo ".

Ngay sau đó thì những cơn nghẹt thở trở lại một cách dữ dội làm cho ông hoàn toàn kiệt quệ. Một chập lâu sau, phục hồi trở lại được, Chopin nói :

" Giờ thì tôi đi vào cơn hấp hối" .

Ngày 15 tháng 10, một người bạn gái, nữ danh ca Delphine Potocka, từ Nice lên gặp. Khi biết tin Chopin thì thào :

" Chắc là vậy mà Thượng đế đã chưa gọi tôi ngay, Người còn muốn tôi được thỏa lòng khi gặp lại cô bạn này. "

Nữ danh ca Delphine Potocka vừa hát cho Chopin nghe vừa khóc trong lúc nữ vương tước Marcellina Czartoryska chơi bản Sonate en sol mineur của ông.

Ngày 16 tháng 10, Chopin bất tỉnh suốt mấy tiếng đồng hồ, khi tỉnh lại được ông ra dấu muốn viết :

" Vì mặt đất này đã bóp nghẹt tôi, tôi xin các người hãy cho mở thân thể tôi để tôi khỏi phải bị chôn sống ".

Ông yêu cầu đốt tất cả những sáng tác còn dở dang mà ông đã viết :

" Tôi không muốn dưới trách nhiệm tên tuổi tôi, những tác phẩm không xứng đáng với quần chúng sẽ được phổ biến ra ".

Sau khi đã nói vài ước muốn cuối cùng, Chopin ra dấu vĩnh biệt mọi người.

Ngay sau đó bác sĩ hỏi rằng ông có đau đớn gì không :

" Không còn nữa !" Chopin đáp lại.

Đó là câu cuối cùng của Chopin. Vài phút sau người nhạc gia tài hoa từ gĩa cõi đời hưởng dương 39 tuổi.

Đó là ngày 17 tháng 10 năm 1849 vào lúc 2 giờ sáng.

Sáng tinh sương hôm đó, rất nhiều vòng hoa tang được đem tới. Auguste Clésinger, chồng của Solange đã lấy khuôn mặt và tay của Chopin, như thông lệ vào thời đó, và người ta cũng đã họa lại rất nhiều bản vẽ về Chopin trên giuờng vào lúc chết.

Sau đó thi thể Chopin được giải phẫu lấy trái tim ra trước khi tẩm liệm và quàn tạm tại hầm mộ ở nhà thờ Madeleine suốt hai tuần lễ trước khi an táng.

Trái tim của Chopin được người chị cả đem về Varsosvie (Ba Lan) để trong một chiếc hòm nhỏ đóng si đặt dưới một trụ cột của ngôi giáo đường Sainte Croix tại Krakowskie Pszredmiescie.

Ngày 30 tháng 10 năm 1849, từ lúc 11 giờ , hơn 3000 người tham dự buổi lễ an táng người nhạc gia tài hoa nhưng xấu số này . Dàn nhạc trình tấu bản Marche Funèbre của chính Chopin trong lúc thi thể đã được tẩm liệm của ông được đưa từ nhà mồ lên . Rồi những cây đàn ống cùng lúc rung lên bản Prélude en mi mineur và si mineur của người nhạc sĩ qúa cố tiếp đó là bản Requiem của Mozart do dàn nhạc và ban hợp xướng của Société des concerts du Conservatoire trình diễn với sự độc diễn của nữ danh ca Pauline Viardot (1821-1910) .

Thi thể Chopin được đưa từ Madeleine tới nghĩa trang Père Lachaise do vương tước Adam Czartoryski và nhà soạn nhạc Giacomo Meyerbeer mở đường, tiếp theo sau là những bạn bè nổi tiếng của Chopin như : hoạ sĩ Delacroix, nhà sản xuất dương cầm Pleyel, Franchomme; vương tước Alexandre Czartoryski ...
Sau đó, thi thể Chopin yên nghĩ dưới lăng mộ , một tác phẩm của điêu khắc gia Clésinger, được khánh thành ngày 17 tháng 10 năm 1850 nhân dịp lễ tưởng niệm lần thứ nhất ngày nhạc gia qua đời.




VII - TÁC PHẨM CỦA CHOPIN :

1817, Polonaise en si bémol majeur 1817, Polonaise en sol mineur 1821, Polonaise la bémol majeur 1822-1824, Polonaise en sol dièse mineur 1824, Variations en mi majeur, sur «Steh' auf, steh' auf o du Schweitzer Bub» (chanson traditionnelle allemande) 1824-1832 : Mazurkas Op. 7 : Mazurka op. 7 n° 1 en si bémol majeur — Mazurka opus 7 n° 2 en la mineur — n° 3 en fa mineur — n° 4 en la bémol majeur — Mazurka op. 7 n° 5 en do majeur 1825, Rondo en do mineur, Op. 1 1826, Mazurka en si bémol majeur 1826, Mazurka en sol majeur 1826, Polonaise en si bémol mineur 1826, Rondo à la Mazur en fa majeur, Op. 5 1826, Variations en ré majeur, sur un thème de Thomas Moore (chant irlandais) pour piano à quatre mains 1826-1829, marche funèbre en do mineur, Op. 72 n° 2 1826-1830, Ecossaises Op. 72 : n° 3, en ré majeur — n° 4, en sol majeur — n° 5 en ré bémol majeur 1827, Nocturne en mi mineur, Op. 72 n° 1 1827, Variations en si bémol majeur, Op. 2, sur « La ci darem la mano » (Mozart, Don Giovanni), piano et orchestre 1827-1829, Polonaises Op. 71 : n° 1, en ré mineur — n° 2, en si bémol majeur — n° 3 en fa mineur 1827-1841, Fugue en la mineur 1827-1849, Mazurkas Op. 68 : n° 1 en do majeur — n° 2 en la mineur — n° 3 en fa majeur — n° 4 en fa mineur 1828, Fantaisie sur des airs polonais en la majeur pour piano et orchestre Op. 13 [ piano ] 1828, Rondo à la Krakoviak en fa majeur, Op. 14, Piano et orchestre 1828, Rondo en do majeur, Op. 73, pour 2 pianos 1828, Sonate en do mineur, Op. 4 1829, Concerto, en fa mineur, Op. 21 [ piano ] 1829, Mazur en sol majeur (Album de Vaclav Hanka) 1829, Polonaise en sol bémol majeur 1829, Souvenir de Paganini, en la majeur 1829, Trio, en sol mineur, Op. 8, Piano, violon, violoncelle 1829-1830, Polonaise en do majeur Op. 3, piano et violoncelle 1829-1830, Valse en mi majeur 1829-1832, Valses [Op. 70] : Valse en sol bémol majeur op. 70 n° 1 (1832) — Valse en fa mineur op 70 n° 2 (1842) — Valse en ré bémol majeur op. 70 n° 3 (1829] 1829-1833 : Études Op. 10 : n° 1, en do majeur — n° 2, en la mineur — n° 3 en mi majeur — n° 4, en do dièse mineur — n° 5, en sol bémol majeur — n° 6 en mi bémol mineur — no 7 en do majeur — n° 8 en fa majeur — no 9 en fa mineur — n° 10 en la bémol majeur — n° 11 en mi bémol majeur — n° 12 en do mineur 1829-1835, Valses [Op. 69] : Valse en la bémol majeur op. 69 n° 1 (1835) — Valse en si mineur op. 69 n° 2 (1829) 1829-Romances Op. 74, pour voix et piano n° 1 Zyczenie (Le Voeu) en sol majeur, 1829 (texte de Stefan Witwicki) — n° 2 Wiosna (Printemps) en sol mineur, 1838 (texte de Stefan Witwicki) — n° 3 Smutna rzeka (Triste rivière) en fa dièse mineur, 1831 (texte de Stefan S.Witwicki) — n° 4 Hulanka (Réjouissances) en do majeur, 1830 (texte de StefanWitwicki) — n° 5 Gdzie lubi (Ce qu'elle aime) en la majeur, 1829 (texte de Stefan Witwicki) — n° 6 Precz z moich oczu (Loin des yeux) en fa mineur, 1827(texte d'Adam Mickiewicz) — n° 7 Posel (La messagère) en ré majeur, 1831 (texte de Stefan Witwicki) — n° 8 Sliczny chlopiec (Beau garçon) en ré majeur, 1841 (texte de Bohdan Zaleski) — n° 9 Melodia (Mélodie) en sol majeur, 1847 (texte de Zygmunt Krasinski) — n° 10 Wojak (Le Combattant) la bémol majeur, 1831 (texte de Stefan Witwicki) — n° 11 Dwojaki koniec (La double fin) en ré mineur, 1845 (texte de Bohdan Zaleski) — n° 12 Moja pieszczotka (Ma chérie) en sol bémol majeur, 1837 (texte d'Adam Mickiewicz) — n° 13 Nie ma czego trzeba (Je n'ai pas ce qu'il me faut) en la mineur, 1845 (texte de Bohdan Zaleski) — n° 14 Pierscien (L'Anneau) en mi bémol majeur , 1836 (texte de Stefan Witwicki) — n° 15 Narzeczony (Le fiancé) en do mineur, 1831 (texte de Stefan Witwicki) — n° 16 Piosnka litewska (Chanson lituanienne) en fa majeur, 1831 (texte de Ludwik.Osinski) — n° 17 Leci liscie z drzewa (Les feuilles tombent (chant de la tombe) en mi bémol mineur , 1836 (texte de Wincenty Pol) 1830, Concerto, en mi mineur, Op. 11 [ version piano ] 1830, Czary (Magie) pour voix et piano, en ré mineur (texte de Stefan Witwicki) 1830, Nocturne en do dièse mineur 1830, Valse en mi mineur 1830, Valse la bémol majeur 1830-1835, Polonaise en mi bémol majeur, Op. 22, piano et orchestre 1831, Duo Concertant pour piano et violoncelle en mi majeur, sur un thème de «Robert le Diable» de Meyerbeer 1832, Mazurka en si bémol majeur 1832, Mazurkas Op. 6 : n° 1 en fa dièse mineur — n° 2, en do dièse mineur — n° 3 en mi majeur — n° 4 en mi bémol mineur — n° 5 en do majeur, 1832, Nocturnes Op. 9 : n° 1, en si bémol mineur — n° 2, en mi bémol majeur — n° 3 en si majeur 1833, Ballade, en sol mineur, Op. 23 1833, Boléro, en do majeur, Op. 19 1833, Mazurkas Op. 17 : n° 1 en si bémol majeur — n° 2, en mi mineur — n° 3 la bémol majeur — n° 4 en la mineur 1833, Mazurkas Op. 24 : Mazurka op. 24 n° 1 en sol mineur — n° 2 en do majeur — n° 3 la bémol majeur — n° 4 en si bémol mineur 1833, Nocturnes Op. 15 : n° 1, en fa majeur — n° 2, en fa dièse majeur — n° 3 en sol mineur 1833, Rondo en mi bémol majeur , Op. 16 1833, Scherzo en si mineur, Op. 20 1833, Grande Valse Brillante en mi bémol, op. 18 1833, Variations brillantes en si bémol majeur, Op. 12, sur «Je vends des Scapulaires» (Harold et Halévy, Ludovic) 1834, Cantabile, en si bémol majeur, 1834 1834, Impromptu-Fantasie, en do dièse mineur, Op. 66 1834, Mazurka la bémol majeur 1834, Prélude la bémol majeur 1835, Nocturnes Op. 27: n° 1, en do dièse mineur — n° 2 en ré bémol majeur 1835, Polonaises Op. 26 : n° 1, en do dièse mineur — n° 2, en mi bémol mineur 1835-1837, Études Op. 25, n° 1en la bémol majeur — n° 2, en fa mineur — n° 3 en fa majeur — n° 4 en la mineur — n° 5 en mi mineur — n° 6 en sol dièse mineur — no 7 en do dièse mineur — n° 8 ré bémol majeur — no 9 en sol bémol majeur — n° 10 en si mineur — n° 11 en la mineur — n° 12 en do mineur 1835-1838, Valses Op. 34 : Valse en la bémol majeur op. 34 n° 1 — Valse brillante en la mineur op. 34 n° 2 — Valse brillante en fa majeur op. 34 n° 3 1835-1849, Mazurkas Op. 67 : n° 1 en sol majeur — n° 2 en sol mineur — n ° 3 en do majeur — n° 4 en la mineur 1836-1837, Mazurkas Op. 30 : n° 1 en do mineur — n° 2 en si mineur — n° 3 ré bémol majeur — n° 4 en do dièse mineur 1837, Impromptu en la bémol majeur, Op. 29 1837, Nocturnes Op. 32 : n° 1 en si majeur — n° 2, la bémol majeur 1837, Scherzo en si bémol mineur, Op. 31 1837, Variation en mi majeur, «Hexamerons», sur un thème de Bellini, la marche des puritain (I Puritani) 1837-1838, Mazurkas Op. 33 : n° 1 en sol dièse mineur — n° 2, en do majeur — n° 3 en ré majeur — n° 4 en si mineur 1837-1839, Sonate en si bémol mineur, Op. 35 (marche funèbre) 1838-1839, Mazurkas Op. 41 : n° 1 en mi mineur — n° 2, en si majeur — n° 3 la bémol majeur — n° 4 en do dièse mineur 1838-1839, Nocturnes Op. 37 : n° 1, en sol mineur — n° 2, en sol majeur, 1838 1838-1839, Polonaises Op. 40 : n° 1, en la majeur — n° 2, en do mineur 1838-1839, Préludes Op. 28 : n° 1 en do majeur — n° 2, en la mineur — n° 3 en sol majeur — Prélude op. 28, n° 4 en mi mineur, transcrit par Magnus Lewis-Smith d'après l'édition Peter pour le projet Mutopia fichier midi ; Autre édition — n° 5 en ré majeur — Prélude op. 28 n° 6 en si mineurr — Prélude op. 28 n° 7 en la majeur — n° 8 en fa dièse mineur — n° 9 en mi majeur — n° 10 en do dièse mineur — n° 11 en si majeur — n° 12 sol dièse mineur — n° 13 en fa dièse majeur — n° 14 en mi bémol mineur — Prélude op. 28 n° 15 en ré bémol majeur — n° 16 en si bémol mineur — n° 17 en la bémol majeur — n° 18 en fa mineur — n° 19 en mi bémol majeur — Prélude op. 28 n° 20, en do mineur, transcrit par Magnus Lewis-Smith d'après l'édition Peter pour le projet Mutopia et fichier midi — n° 21 en si bémol majeur — n° 22 en sol mineur — n° 23 en fa majeur — n° 24 en ré mineur 1839, Ballade, en fa majeur, Op. 38 1839, Impromptu en fa dièse majeur, Op. 36 1839, Scherzo en do dièse mineur 1839-1840, Études de la Méthode des Méthodes (3 nouvelles études) : n° 1 en fa mineur — n° 2 en la bémol majeur — n° 3 en ré bémol majeur 1840, Mazurka en la mineur 1840, Valse en la bémol majeur, Op. 42 1840, Valse en mi bémol majeur 1841, Allegro de Concert, en la majeur, Op. 46 1841, Ballade, la bémol majeur, Op. 47 1841, Fantaisie, en fa mineur, Op. 49 1841, Mazurka en la mineur (Notre Temps) 1841, Nocturnes Op. 48 : n° 1, en do mineur — n° 2, en fa dièse mineur 1841, Polonaise en fa dièse mineur, Op. 44 1841, Prélude en do dièse mineur, Op. 45, 1841 1841, Tarantelle en la bémol majeur, Op. 43 1842, Impromptu en sol bémol majeur, Op. 51 1842, Mazurkas Op. 50 : n° 1 en sol majeur — n° 2 en la bémol majeur — n° 3 en do dièse mineur 1842-1844, Nocturnes Op. 55 : n° 1, en fa mineur — n° 2, en mi bémol majeur 1843, Ballade, en fa mineur, Op. 52 1843, Barcarolle, en fa dièse majeur, Op. 60 1843, Moderato en mi majeur (Feuille d'Album) 1843, Polonaise la bémol majeur, Op. 53 1843, Scherzo en mi majeur, Op. 54 1843-1844, Mazurkas Op. 56 : n° 1 en si majeur — n° 2 en do majeur, 1842 n° 3 en do mineur 1844, Berceuse, en ré bémol majeur, Op. 57 1844, Sonate en si mineur, Op. 58 1845, Mazurkas Op. 59 : n° 1 en la mineur — n° 2, la bémol majeur — n° 3 en fa dièse mineur 1846, Nocturnes Op. 62 : n° 1, en si majeur — n° 2, en mi majeur 1846, Polonaise-fantaisie en la bémol majeur, Op. 61 1846, Sonate en sol mineur, Op. 65, piano et violoncelle 1846, Mazurkas Op. 63 : n° 1 en si majeur — n° 2 en fa mineur — n° 3 en do dièse mineur 1847, Largo en mi bémol majeur 1847, Nocturne en do mineur 1847, Valse en la mineur 1847, Valses Op. 64 : Valse en ré bémol majeur op. 64, n° 1 ( Valse minute ) transcrite par Magnus Lewis-Smith d'après l'édition Peter pour le projet Mutopia fichier midi ; Autre édition — Valse en do dièse mineur op. 64 n° 2 — Valse en la bémol majeur op 64 n° 3 sd. Dumka (Romance) pour voix et piano en la mineur, (texte de Bodhan Zaleski)

Ghi Chú:   (*) George Sand (1804-1876), nữ văn sĩ nổi tiếng Pháp tác giả của những tác phẩm như : Les ailes du courage , J'aime donc je suis , Antonia , Ces beaux messieurs du Bois-Doré , Consuelo , Elle et Lui , Lélia , Mademoiselle Merquem , Les Maîtres Sonneurs , Le Marquis de Villemer , La Marquise , La petite Fadette , Le roman de Venise , Teverino , La Ville noire, La Mare au diable , François le Champi , La Petite Fadette , Les Maîtres sonneurs ,Histoire de ma vie, Voyage en Espagne, Mon Grand-oncle, Voyage en Auvergne, La Blonde Phoebé, Nuit d'hiver, Voyage chez M. Blaise, Les Couperies, Sketches and Hints, Lettres d'un voyageur, Journal intime, Entretiens journaliers avec le docteur Piffoël, Fragment d'une lettre écrite de Fontainebleau, Un hiver à Majorque, Souvenirs de Mars-Avril, Journal de Novembre-Décembre , Après la mort de Jeanne Clésinger, Le théâtre et l'acteur, Le théâtre de marionnettes de Nohant.....




VVM.14.7.2023- newvietart.com.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .