NGUYỄN DU
VỚI LUẬN ĐỀ NHÂN VĂN
“NỖI ĐAU NHÂN PHẨM”
T rong cả cuộc đời mình, nhất là khi Nguyễn Ánh lên làm vua và triệu ông ra làm quan, Nguyễn Du mang một tâm sự u uất và một nỗi bất đắc chí nặng nề. Thơ văn chữ Hán và chữ Nôm của ông phản ánh rõ sự thật ấy. Việc ông tâm đắc và chọn “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Hoa) làm sườn để chế tác, sáng tạo ra Truyện Kiều, chứng tỏ ông đã ngẫu nhiên phát hiện sự tương đồng sâu sắc giữa nội dung của cuốn truyện này với những tâm sự của ông.
Trước và sau ông, hầu hết các nhà văn chỉ làm cái công việc “phản ánh hiện thực” của xã hội và con người để hoặc là ngợi ca, hoặc là oán thán. Rất hiếm người làm được như ông: vừa nêu lên vừa giải quyết một luận đề nhân văn có ý nghĩa trọng đại đối với toàn thể loài người, thông qua cách xử thế của bản thân và sự nghiệp văn chương để lại cho đời.
Truyện Kiều là diễn đàn để ông nêu lên luận đề này: “Một con người dù có phẩm chất rất cao quý, khi bị rơi vào nghịch cảnh khiến nhân phẩm của hắn bị điếm nhục, thì theo quy luật khách quan, hắn vẫn phải chấp nhận để tồn tại và để đấu tranh giải quyết cái số phận ấy của mình”.
Luận đề đó bác bỏ những ý tưởng sách vở của những đạo đức gia rằng “sống nhục thì thà chết còn hơn”. Với cốt cách của một thiên tài như Nguyễn Du, sống để rửa nhục quan trọng và đúng đắn hơn là đầu hàng hoặc lẩn trốn bằng cái chết.
Nàng Kiều cũng như ông, đã sống và xử thế theo phương châm đó. Vì chữ “hiếu”, Kiều đã phải bán mình, làm gái thanh lâu suốt 15 năm trời (trừ hai giai đoạn ngắn sống với Thúc Sinh và Từ Hải); Nguyễn Du cũng vì chữ “hiếu”, vì sự sống còn của cả dòng họ Nguyễn Tiên Điền mà phải “bán mình” làm “điếm quan” cho Gia Long gần 20 năm cho đến tận lúc chết.
Là con em của một dòng họ nổi tiếng với những nhân vật (Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản) từng làm tể tướng trong triều Lê – Trịnh, đối thủ truyền kiếp của họ Nguyễn Gia Long, ông thừa biết rằng nếu cưỡng lệnh Gia Long thì sấm sét búa rìu chắc chắn sẽ giáng xuống đầu ông và dòng họ ông. Gia Long ép ông làm quan cho mình để tỏ với thiên hạ rằng mình là người biết chiêu hiền đãi sĩ, đồng thời để làm phai nhạt tinh thần chống Nguyễn của rất nhiều sĩ phu từng tôn phò vua Lê, chúa Trịnh hoặc Tây Sơn.
Từ trong tâm khảm, Nguyễn Du không hề muốn làm quan cho Gia Long, bởi đó là một ông vua tàn ác, đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa nhân đạo vốn là máu tuỷ của ông mà ông ấp ủ suốt đời. Phải làm tôi mọi cho Gia Long, đối với ông là một nỗi điếm nhục tột bực. Vì thế ông đã ba lần xin từ chức nhưng cả ba lần ông đều bị Gia Long gọi ra bắt làm quan tiếp! Ông chán ngán đến nỗi khi mắc bệnh đã không chịu uống thuốc để được chết và thoát khỏi “bàn tay sắt” của Gia Long, thoát khỏi cuộc đời đã ê chề đau đớn. Thuý Kiều và ông đều vì đức hạnh cao quý mà phải hi sinh nhân phẩm của mình (xét theo quan điểm thời thượng thông thường). Những ai cho rằng hai con người đó nên tự tử chết đi còn hơn là sống nhục nhã như thế, người đó chưa thể dự bàn chuyện nhân tình thế thái.
Sự trác việt của Nguyễn Du và Thuý Kiều trụ ở bản chất cao cường, ở sức mạnh nội tại đáng khâm phục của họ. Trong hoàn cảnh bất khả kháng, họ đã buộc phải chọn một phương sách “độc chiêu”: chỉ “bán” cái “mình” bằng xác thịt mà đạo Phật gọi là “xác tạm”, chứ tuyệt nhiên không bán linh hồn cao quý của mình. Nguyễn Du đã khẳng định một chân lí lớn: “Bụi nào cho đục được mình ấy vay?”. Nghịch cảnh muốn làm hoen ố nhân phẩm con người nhưng thực chất, nó đã không thể làm hoen ố nổi: đó là nhận định nhân văn vĩ đại của bậc đại thi hào.
Ở Kiều và Nguyễn Du tồn tại hàng loạt nghịch lí: thấp hèn mà cao quý, đục mà trong, nhục mà vinh, nhỏ bé mà lớn lao, mỏng manh mà trường cửu… Kiều tuy phải làm điếm nhưng trọn vẹn nàng vẫn là một con người đức hạnh, cao quý, được người yêu của mình là Kim Trọng trọng thị, khâm phục, tôn thờ, được Nguyễn Du và ức triệu người ở Việt Nam thuộc bao thế hệ cũng như bao người trên khắp thế giới yêu quý, bênh vực, xót thương. Nguyễn Du, trong khi đành phải làm tôi mọi cho Gia Long, ông đã đồng thời dốc cạn tâm huyết của mình để sáng tạo nên cả một lâu đài văn chương kì vĩ, trác tuyệt, làm nức lòng toàn thể dân tộc ta và để lại tiếng thơm muôn thuở với những áng thơ chữ Hán bất hủ và kiệt tác Truyện Kiều. Và rồi, theo chân lí “Cái gì của César phải trả về cho César”, đến thế kỷ XX, toàn thể nhân loại đã nghiêng mình kính cẩn tôn vinh ông là “danh nhân văn hoá thế giới”.
Đưa
ra được một luận đề nhân văn vô cùng sâu sắc (nhân
phẩm có thể bị điếm nhục như
một tất yếu bất khả kháng), đồng thời lại vạch
ra cách giải quyết vấn nạn của nhân phẩm (nhân phẩm
tồn tại trong tủi nhục nhưng không ngừng
đấu tranh vượt lên trên tủi nhục
để cuối cùng đạt tới vinh dự): nhận thức và kiến
giải ấy đã làm giàu thêm cho kho tàng tư tưởng của nhân
loại, và đó là kì tích của Nguyễn Du.
(Viết trên cơ sở bài
“Hiện thực về nỗi đau nhân phẩm trong truyện Kiều
của Nguyễn Du”, sách “Những gương mặt tiêu biểu
thi ca việt nam”,
tác giả Kiều Văn, NXB Văn học, 2006)