Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

"SA HÀNH ĐOẢN CA":
MỘT BÀI CA PHẢN KHÁNG








C ao Bá Quát là một nhà thơ lớn của dân tộc. Ông từng được mệnh danh là "Thánh Quát". Thơ chữ Nôm của ông đã hay, thơ chữ Hán của ông càng hay hơn.

"Sa hành đoản ca"(Bài ca ngắn đi trên cát) của Cao Bá Quát là một bài thơ chữ Hán độc đáo, kín đáo, nhiều tầng nhiều lớp nghĩa, hiện thực mà tượng trưng, tượng trưng mà hiện thực. Bài thơ biểu hiện một tinh thần phản kháng, một tư tưởng phủ định, một sự thức tỉnh của người trí thức trước thời cuộc.

Nguyên Tác :

沙 行 短 歌

長 沙 復 長 沙
一 步 一 回 卻
日 入 行 未 已
客 子 淚 交 落.
君 不 學 仙 家 美 睡 翁
登 山 涉 水 怨 何 窮
古 來 名 利 人
奔 走 路 途 中

風 前 酒 店有 美 酒,
醒 者 常少 醉 者 同.
長 沙 長 沙 奈 渠 何
坦 路 茫 茫 畏 路 多.
聽 我 一 倡 窮 途 歌
北 山 之 北 山 萬 疊,
南 山 之 南 波 萬 級.
君 胡 為 乎 沙 上 立

Phiên âm :

SA HÀNH ĐOẢN CA

Trường sa phục trường sa,
Nhất bộ nhất hồi khước.
Nhật nhập hành vị dĩ,
Khách tử lệ giao lạc.
Quân bất học tiên gia mĩ thụy ông,
Đăng sơn thiệp thuỷ oán hà cùng!
Cổ lai danh lợi nhân,
Bôn tẩu lộ đồ trung.
Phong tiền tửu điếm hữu mĩ tửu,
Tỉnh giả thường thiểu tuý giả đồng.
Trường sa, trường sa nại cừ hà?
Thản lộ mang mang uý lộ đa.
Thính ngã nhất xướng cùng đồ ca,
Bắc sơn chi bắc sơn vạn điệp,
Nam sơn chi nam ba vạn cấp.
Quân hồ vi hồ sa thượng lập?


Cao Bá Quát

Dịch thơ :

BÀI CA NGẮN ĐI TRÊN CÁT

Cát dài lại cát dài,
Bước tới lại bước lùi.
Tối mịt vẫn chưa nghỉ,
Lữ khách rơi nước mắt.
Anh chẳng có tài ngủ như ông tiên,
Trèo non lội nước oán vô cùng!
Xưa nay kẻ danh lợi,
Ngược xuôi trên đường đời.
Trước gió quán rượu có rượu ngon,
Người tỉnh thường ít kẻ say nhiều.
Cát dài cát dài tính sao đây?
Đường bằng chẳng thấy, đường hiểm lắm.
Nghe ta hát khúc ca bí lối,
Phía bắc núi Bắc núi vạn tầng,
Phía nam núi Nam sóng vạn lớp.
Cớ sao anh vẫn trơ trên cát?


(Phan Thành Khương dịch).

"Sa hành đoản ca" đã được đưa vào chương trình Ngữ - Văn lớp 11 từ năm học 2007- 2008. Nhiều thầy cô giáo không khỏi cảm thấy bỡ ngỡ trước một tác phẩm lạ. Để chiếm lĩnh bài thơ, ta phải thấy rằng bài thơ có nhiều tầng nghĩa, nhiều lớp hình tượng.

Trước hết, ta thấy tác giả đã thiết lập sự đối sánh ngầm giữa hình tượng người lữ hành đi trên cát với hình tượng người trí thức trên đường mưu cầu danh lợi. Bài thơ là một ẩn dụ. Ta nhận ra điều đó, nhận ra sự đối sánh ngầm toàn cục đó, qua mấy câu thơ :

Cổ lai danh lợi nhân,
Bôn tẩu lộ đồ trung.
Phong tiền tửu điếm hữu mĩ tửu,
Tỉnh giả thường thiểu túy giả đồng.

(Xưa nay kẻ danh lợi,
Ngược xuôi trên đường đời.
Trước gió quán rượu có rượu ngon,
Người tỉnh thường ít kẻ say nhiều.)

Ở mấy câu thơ trên, ta lại thấy có một sự đối sánh cục bộ : rượu và danh lợi. Cả hai đều làm cho người ta say, làm cho người ta mất trí.

Như đã nói ở trên, toàn bộ bài thơ là một sự đối sánh ngầm - đối sánh toàn cục- giữa hình tượng người lữ hành đi trên cát và hình tượng người trí thức trên đường mưu cầu danh lợi nên từng câu thơ vừa có nghĩa hiện thực vừa có nghĩa tượng trưng. Nghĩa hiện thực là nghĩa đen của từng câu thơ, nó nhằm biểu hiện hình tượng người lữ hành đi trên cát. Nghĩa tượng trưng là nghĩa được suy ra từ nghĩa đen của từng câu thơ, nó nhằm biểu hiện hình tượng người trí thức trên đường mưu cầu danh lợi. Sau đây, ta sẽ xem xét nghĩa hiện thực và nghĩa tượng trưng của một đoạn thơ :

Nghĩa hiện thực biểu hiện hình tượng người lữ hành di trên cát:

"Cát dài lại cát dài,
Bước tới lại bước lùi.
Tối mịt vẫn chưa nghỉ,
Lữ khách rơi nước mắt.
Anh chẳng có tài ngủ như ông tiên,
Trèo non lội nước oán vô cùng!" ….

Nghĩa tượng trưng biểu hiện hình tượng người trí thức trên đường mưu cầu danh lợi :

Trở ngại lại trở ngại,
Không tiến lên được.
Mất ăn mất ngủ vì danh lợi
Khốn khổ cũng vì danh lợi
Anh chẳng có phép mầu nào
Theo đuổi danh lợi thật khổ sở! …

Rõ ràng Cao Bá Quát đã mượn chuyện đi trên cát để nói về chuyện mưu cầu danh lợi của người trí thức và qua đó kín đáo bộc lộ thái độ oán hận, chán ghét của mình. Nhịp thơ trúc trắc trong toàn bộ bài thơ đã góp phần biểu hiện tâm trạng, thái độ đó của nhà thơ. Ta hãy đọc lại một đoạn :

"Trường sa/ phục trường sa,/
Nhất bộ/ nhất hồi khước./
Nhật nhập/ hành vị dĩ,/
Khách tử/ lệ giao lạc."/

Bài thơ kết thúc bằng một câu nghi vấn : "Quân hồ vi hồ sa thượng lập?"

(“Cớ sao anh vẫn trơ trên cát?"-"Cớ sao anh vẫn trơ trên con đường mưu cầu danh lợi?").

Hỏi tức là đã trả lời, đã thức tỉnh, đã thấy hết cái phi lí của xã hội, của cuộc đời.

"Sa hành đoản ca" là một bài ca phản kháng, thể hiện một tư tưởng phản kháng, phản kháng lại cái xã hội trì trệ, đầy dẫy bất công, thối nát đương thời, cái xã hội mà ở đó người có tài đức thật sự bị gạt ra ngoài lề, bọn xu nịnh, dốt nát, lũ lưu manh được trọng dụng và việc Cao Bá Quát đã tham gia lực lượng đối kháng với triều đình nhà Nguyễn là một điều không mấy khó hiểu.

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 30.11.2007




VVM.01.6.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .