Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             




NHÀ NGUYỄN
VỚI 9 CHÚA VÀ 13 VUA

  


T heo lịch sử, triều Nguyễn có 9 đời chúa và 13 đời vua. Khởi nghiệp Chúa là Nguyễn Hoàng (1524-1613) tục gọi là Chúa Tiên, người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông là con thứ 2 của An Thành Hầu Nguyễn Kim, bậc công thần đã giúp nhà Lê Trung Hưng(1). Khi Nguyễn Kim bị một hàng tướng của nhà Mạc(2) đánh thuốc độc chết, rồi anh là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm là anh rể ám hại vì sợ họ Nguyễn tranh quyền, Nguyễn Hoàng lo ngại mới cho người ra Hải Dương hỏi ý kiến Trạng Trình(3) và được chỉ bảo bằng lời nói ngụ ý xa xôi: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân". Nguyễn Hoàng hiểu ý mới nói với chị là Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm được vào trấn phía Nam. Trong thâm ý, người anh rể cũng là người lúc bấy giờ rất có quyền lực đối với triều đình muốn cho Nguyễn Hoàng đi xa, không gây ảnh hưởng đối với vua Lê, nên theo lời đề bạt của họ Trịnh, Nguyễn Hoàng được cử vào trấn đất Thuận Hóa vào năm 1558. Khi đi, Nguyễn Hoàng đem theo tất cả những người họ hàng ở huyện Tống Sơn, lại có những quân lính ở Thanh, Nghệ tình nguyện đem cả vợ con theo ông. Thoạt tiên, ông vào đóng ở xã Ái Tử thuộc huyện Đăng Xương tỉnh Quảng Trị. Vốn là người khôn ngoan, lại có lòng nhân đức nên ông được dân chúng hết sức mến phục. Để yên lòng Trịnh Kiểm, vào năm Kỷ Tỵ (1569), ông ra chầu vua Lê ở An Tường, tiếp đó ông được giao cho việc trấn thủ luôn cả đất Thuận Hóa và đất Quảng Nam. Nhân cuộc di dân này, họ Nguyễn đã gầy dựng được thế lực, mở mang mọi mặt, xây dựng vùng đất mới, nới rộng xuống phía Nam, đặc biệt chú ý đến tôn giáo, chùa Thiên Mụ trên bờ sông Hương đã được xây dựng trong dịp này. Cùng lúc dân chúng miền Bắc gặp nhiều thiên tai, mất mùa, đói kém, chạy vào Nam khá đông nên họ Nguyễn đã được khối lượng hậu thuẫn dân chúng đáng kể. Từ đó mưu đồ xây dựng cho mình một giang sơn riêng. Ban đầu họ Nguyễn còn hàng năm đem lễ vật ra tuế cống vua Lê nhưng từ khi Trịnh Tùng kéo quân vào đánh Chúa Nguyễn ở Thuận Hóa (1619), họ Nguyễn đã chấm dứt việc tuế cống. Và cũng bắt đầu từ đây, họ Nguyễn mang quốc tịch Nguyễn Phúc kế truyền cho đến 9 đời kể ra như sau:

    Nguyễn Hoàng (1600-1613)

    Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635)

    Nguyễn Phúc Lan (1635-1648)

    Nguyễn Phúc Tấn (1648-1687)

    Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691)

    Nguyễn Phúc Chu (1691-1725)

    Nguyễn Phúc Chú (1725-1738)

    Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765)

    Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777).

Vị Chúa nối nghiệp Nguyễn Phúc Thuần tức Nguyễn Phúc Ánh mới 17 tuổi được chúng tướng tôn lên làm Nhiếp Quốc Chính để chống lại Tây Sơn lúc bấy giờ đã khởi nghĩa ở miền Nam (1773). Thế rồi suốt 24 năm trời, nhờ lòng kiên nhẫn lớn lao, chịu đựng bao nhiêu gian khổ, bôn tẩu nhiều phen, cuối cùng Nguyễn Phúc Ánh cũng dứt được nhà Tây Sơn vào năm 1802, thống nhất giang sơn, lên ngôi xưng đế hiệu là Gia Long và đặt tên nước là Việt Nam, đóng đô ở Phú Xuân (tức Huế bây giờ) và lo sửa sang chỉnh đốn mọi việc, tổ chức chính quyền địa phương, ban hành luật lệ. Bộ Luật Gia Long hay Hoàng Việt luật lệ do Nguyễn Văn Thành soạn lục ra đời từ đây. Ở ngôi được 18 năm, đến năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long mất. Các vị vua kế truyền kể được 13 đời như sau:

    Gia Long (1802-1819)

    Minh Mạng (1820-1840)

    Thiệu Trị (1841-1847)

    Tự Đức (1848-1883)

    Dục Đức (làm vua 3 ngày thì bị phế)

    Hiệp Hòa (6/1883-11/1883)

    Kiến Phúc (1883-1884)

    Hàm Nghi(4) (1884-1885)

    Đồng Khánh (1885-1888)

    Thành Thái (1889-1907)

    Duy Tân (1907-1916)

    Khải Định (1916-1925, lễ tang từ cuối năm 1925 đến đầu năm 1926)

    Bảo Đại(5) (1926-1945).

Vua Minh Mạng lên ngôi đã tìm ra cách đặt họ cho hoàng phái riêng biệt, khá chặt chẽ với 20 đời con cháu trực hệ của mình, dùng toàn những danh từ nghe rất mỹ miều đặt thành đế hệ thi ngũ ngôn tứ tuyệt như sau:

    Miên, Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh

    Bảo, Quý, Định, Long, Trường

    Hiền, Năng, Khảm, Kế, Thuật

    Thế, Thoại, Quốc, Gia, Xương

Còn những bà con thì mang họ Tôn Thất, nhưng rồi thời cuộc đổi thay, đến năm 1945, chế độ quân chủ không còn nữa, thay vào bằng thể chế dân chủ, lúc bấy giờ nhằm vào thời vua Bảo Đại (tức Vĩnh Thụy) thuộc đời thứ năm trong đế hệ. Việc này đã tạo nên sự rắc rối cho vấn đề hộ tịch vì xưa nay theo truyền thống dân gian, con phải mang họ của cha nhưng theo đế hệ thì người cha với con khác họ (thí dụ cha họ Bửu thì con khai sanh phải là Vĩnh) và cứ nối tiếp cho đến hết 20 chữ trong đế hệ thị. Rốt cuộc hoàng phái phải chấp nhận mang một họ chung là Nguyễn Phúc, chữ của đế hệ tiếp sau là chữ lót để phân biệt thế hệ rồi mới đến tên. Tại Huế, các đời chúa được thờ ở Thế Miếu, có một số lăng tẩm các vua được xây chung quanh gần kinh thành và vùng phụ cận. Trong suốt 13 vua, chỉ có 7 vua xây lăng, đó là: Lăng Gia Long (hay còn gọi là Thiên Thọ Lăng), Lăng Minh Mạng (hay còn gọi là Hiếu Lăng), Lăng Thiệu Trị (hay còn gọi là Xương Lăng), Lăng Tự Đức (hay còn gọi là Khiêm Lăng), Lăng Dục Đức (hay còn gọi là An Lăng), Lăng Đồng Khánh (hay còn gọi là Tư Lăng), Lăng Khải Định (hay còn gọi là Ứng Lăng).

Các vị vua như Thành Thái, sau khi qua đời tại Sài Gòn và vua Duy Tân sau khi bốc mộ từ Trung Phi đã được đưa về táng tại khuôn viên An Lăng.

Ngày nay lăng tẩm các vua triều Nguyễn ở Huế là điểm đến của khách du lịch trong nước cũng như ngoài nước. Họ đến đây để tham quan một quần thể di tích mà nét kiến trúc mỗi nơi một vẻ khác nhau, nhưng nơi nào cũng thấy phảng phất vẻ uy nghiêm và quyền lực trong một không gian tĩnh mịch và địa thế như đã chọn lựa theo phong thủy Á-Đông của một vương triều thời xa xưa./.
____________________________________________________
(1) Nhà Lê Trung Hưng: đời Lê Trang Tôn (1533) cũng gọi là Hậu Lê
(2) Hàng tướng nhà Mạc: tên là Dương Chấp Nhất
(3) Trạng Trình: tức Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau khi làm quan cho nhà Mạc, đã về tri sĩ (1542)
(4) Vua Hàm Nghi qua đời tại Alge1rie năm 1947 là nơi nhà vua đã bị nhà cầm quyền Pháp tại Việt Nam lưu đày năm 1888.
Bảo Đại: vị vua cuối cùng Triều Nguyễn, đã qua đời tại Pháp ngày 31-7-1997 thọ 83 tuổi và an táng tại nghĩa trang Passy, thuộc quận 16 Paris.




VVM.12.4.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .