Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             




GIỮ GÌN BẢN SẮC VÀ
TIẾNG NÓI DÂN TỘC

  


Đ ẠI CƯƠNG

Tất cả sanh vật đều có tiếng cả. Đó là sự va chạm của luồng hơi từ trong phổi ra đi ngang qua cổ họng. Cấu trúc trong cổ họng thì mỗi loài mỗi khác nên tiếng của mỗi loài mỗi khác. Cấu trúc trong cổ họng con người gọi là bộ máy phát âm. Tiếng là ký hiệu để gọi nhau, để báo cho nhau những nguy hiểm trên đường đi hay chỉ bảo cho nhau cách kiếm ăn, con người thì gọi là phương cách sống. Tùy theo hoàn cảnh địa lý mỗi địa phương, vùng, miền, con người có cách kiếm sống khác nhau. Miền biển, sông, hồ thì kiếm sống bằng cách săn bắt thủy sản; miền đồng bằng thì trồng trọt; miền rừng núi thì hái lượm, săn bắt thú rừng… Mỗi cách sống đều cần có tổ chức để bảo vệ nhau… Từ đó, nó hình thành những phong tục tập quán riêng cho từng vùng. Lần lần nó khu biệt được dân tộc vùng nầy với vùng khác.

. CON NGƯỜI VỚI BẢN SẮC DÂN TỘC

Nói về con người và bản sắc dân tộc, có lẽ ta cần bàn tại sao có loài người. Tôi cho rằng có loài người là do sự kết hợp của vật chất hữu hình và vật chất vô hình. Vật chất vô hình như bộ máy phát điện đặt vô vật chất hữu hình để nó điều hành hoạt động của tổng thể đó. Có nhà thám hiểm đi vào nơi rừng núi hoang vu sâu thẳm, họ phát hiện có một bộ tộc ở đó. Tôi cho rằng họ là người bản địa chớ không phải từ nơi khác tới vì nếu là từ nơi khác tới, họ phải ở nơi dễ kiếm sống. Do sự biến động của vũ trụ nên từng lúc, sự kết hợp giữa vật chất hữu hình và vô hình tạo thành sanh vật có hình dáng, thể trạng khác nhau trong đó có con người. Trong tập thể con người, sự kết hợp để sanh người theo một khuôn mẫu dễ dàng nên ẩn bức mạnh của vật chất hữu hình và vô hình không còn nữa nên ta thấy người sanh người mà thôi. Riêng con người tôi cho rằng có nhiều ngàn chủng tộc đấy. Một nước nhỏ như Việt Nam ta cũng có hơn năm mươi bộ tộc thiểu số. Mỗi bộ tộc đều có một nếp sống riêng. Bộ tộc nào mở mang trường tồn thì bộ tộc đó khai hóa hơn. Bộ tộc nào khai hóa mà mạnh, lấn lướt được nhiều bộ tộc khác vững vàng chớ không phải nhứt thời thì bộ tộc đó văn minh hơn. Bộ tộc văn minh, lớn mạnh ở một mức độ vừa phải thì tôi gọi là một dân tộc. Do đó, các dân tộc sánh vai nhau cùng tồn tại thì không nên nói dân tộc nầy khôn hơn dân tộc kia. Nó có mặt nầy mặt khác… Như vậy, mỗi dân tộc cần thể hiện rõ nét cái riêng của dân tộc mình. Nếu bắt chước nhau để sống tốt, ta cần phải suy xét thấu đáo sao cho hợp với nếp sống của dân tộc mình trước sau như một, tôi gọi đó là bản sắc dân tộc. Mỗi dân tộc cần giữ bản sắc của dân tộc mình.

. CẦN GIỮ BẢN SẮC CỦA DÂN TỘC MÌNH

Bản sắc của dân tộc Việt ta là gì? Thờ kính tổ tiên, theo tôi, tôi cho là bản sắc dân tộc của ta. Từ thời Hùng Vương tới nay, chiếc bàn thờ gia tiên có lẽ nó hiện diện khắp nơi trong cộng đồng dân Việt. Giữ được một bản sắc xuyên suốt mấy ngàn năm lịch sử là tốt rồi. Ngày nay tôi thấy có gia đình theo đạo Thiên Chúa, ở nhà trên, nơi phòng khách có một kệ chưng hình các cụ đã khuất, chỉ thiếu đốt nhang thôi. Nếu không có sự cố nhà sư Tây Tạng bày ra việc đốt nhang thì có một kệ thờ tức là bàn thờ thể hiện lòng thờ kính tiền nhơn là được rồi.

Ngoài bản sắc cốt lõi đó ra, ta còn gì thể hiện là người Việt nữa? Trước đây ông bà ta thường nói: “Người lịch sự nghiêng mình thi lễ”. Chào nhau chỉ khẽ cúi đầu mà thôi. Ta vẫn trọng ta trước khách. Cách chào nầy ngày nay đã phai mờ nhưng tôi cho là vẫn còn. Thấy bạn ở xa, khách tới nhà… phần lớn chủ nhà khẽ cúi chào rồi mới hỏi. Nếu là thân tộc, là bạn xưa lâu gặp, nay gặp và nhớ ra thì lúc đó mới tay bắt mặt mừng. Nếu bỏ cái chào bắt tay, tôi cho là cúi chào cũng đủ.

Về cách ăn mặc, tôi thấy dù Bắc, Trung hay Nam, chiếc áo dài khăn đống của đàn ông trong thập niên 50 trở về trước của thế kỷ trước còn khá phổ biến. Ngày nay, trong các lễ cúng đình, lăng, miếu… các chức sắc của đình vẫn còn mặc. Đàn bà có mặc váy, mặc áo tứ thân…. Theo tôi, áo tứ thân tiến lên một bước là áo dài vừa tha thướt mà cũng vừa gọn. Ngày nay với trào lưu Âu phục hóa toàn cầu, hình như trong các lễ trang trọng người ta vẫn mặc áo dài trừ chức sắc và các lễ trong chánh trường. Tôi nghe có người nói người Âu Châu khen chiếc áo dài của phái nữ Việt Nam đẹp và tha thướt quá. Chiếc áo dài, theo tôi là cách trang phục truyền thống, nó thể hiện bản sắc dân tộc ta đấy. Tôi thấy rằng có lẽ đó là ba nét chánh của bản sắc dân tộc Việt ta. Về cách ăn mặc, có lẽ không nên nói cách ăn mặc nào tốt hơn. Hình như Ấn Độ, Myamar… chánh khách ra nước ngoài, họ vẫn mặc quấc phục của họ.

Tóm lại, giữ gìn bản sắc dân tộc, ta chỉ giữ những nét căn bản thôi. Ngoài ra thì phiên phiến chớ không cần phải giữ tất cả các phong tục cổ truyền của ta.

. TIẾNG NÓI VÀ GIỮ GÌN TIẾNG NÓI DÂN TỘC

Như trên đã nói, luồng hơi từ phổi ra chạm vào các âm tơ của bộ máy phát âm, nó rung lên thành tiếng. Khi cần báo cho nhau điều gì, người ta uốn éo vận dụng bộ máy phát âm bằng nhiều cách như cho hơi thoát ra hoàn toàn hay dùng mũi, lưỡi, răng, môi cản luồng hơi lại làm cho nó tạo thành những nét âm thanh khác nhau, đó là tiếng nói. Tùy theo thổ nhưỡng, tùy theo địa thế cao thấp… cùng một tiếng nhưng có giọng nặng nhẹ khác nhau. Thí dụ: miền Nam, đồng bằng nói “CÓ”, miền Trung với núi non nhiều họ nói “CỌO” ta nghe như “CỌ”. Ta là người miền Nam, ta nghe giọng nói của người miền Nam nhẹ nhàng, dễ thương. Người miền Trung chắc chắn họ sẽ nói giọng nói của họ đậm đà, gợi cảm hơn. Miền Bắc cũng vậy. Một dân tộc trong một nước đã như vậy thì các dân tộc trên thế giới nầy chắc cũng vậy thôi. Do đó, ta cần giữ tiếng nói truyền thống của dân tộc ta chớ không thể khi bị nước khác cai trị, ta bỏ tiếng ta mà nói tiếng của họ được. Cuối thập niên 40 của thế kỷ trước, lớp hai đã nói câu tiếng Pháp ngắn, lớp ba, làm đơn thi Sơ Đẳng Tiểu học bằng chữ Pháp. Lớp mười, nhiều người cho con qua Pháp học. Khi đỗ đạt về, nói chuyện họ thường pha tiếng Pháp và chê tiếng Việt nghèo nàn. Nhưng khi họ đọc thơ văn Việt Nam rồi thì họ mới nói tiếng Việt ta phong phú.

Một dân tộc đã có bốn ngàn năm văn hiến thì phải nói tiếng nói cũng phong phú lắm. Ta bị Trung Hoa đô hộ cả ngàn năm mà tiếng nói không mất thì phải nói nền văn hóa ta, tiếng nói của ta có một sức sống mãnh liệt nên ta cần giữ, bảo vệ và phát huy để ta ngẩng đầu với nhơn loại.

Có nên dùng quấc tế ngữ không? Có lẽ là không. Đề xuất này đã có từ đầu thế kỷ 20 để sự giao tiếp trên toàn thế giới được dễ dàng. Nhưng việc nầy đã thất bại. Mỗi tiếng nói của mỗi dân tộc đều có sức sống mãnh liệt của nó. Ta, mỗi dân tộc trên thế giới phải có nhiệm vụ giữ tiếng nói của mình và phát huy cho nó trong sáng thêm để tiếng nói của nhơn loại trở nên đa dạng và hay hơn. Tuy nhiên nếu tiếng nói nào có sức sống kém thì tự nó bị đào thải mà thôi.

Khánh Hội - Quận 4 - Sàigòn ngày 18-4-2016




VVM.31.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .