Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             




NHỮNG NHÀ VĂN LỚN
CỦA VĂN HỌC ĐỨC THẾ KỶ XX

Thomas Mann, Heinrich Mann, Hermann Hesse





* THOMAS MANN *


Thomas Mann sinh ngày 6.6.1875 ở thành phố cảng Lũbeck trong một gia đình quý tộc lâu đời ở thành phố này và mất ngày 12.8.1955 ở Kilchberg vùng Zũrich (Thụy Sĩ). Cha của Thomas Mann là một thương gia ngũ cốc giầu có, đồng thời là một thượng nghị sĩ, ông chết đột ngột vào năm 1891. Mẹ nhà văn là người Bồ Đào Nha. Thomas Mann là em trai nhà văn Heinrich Mann. Từ năm 19 tuổi Thomas Mann đã viết báo. Thái độ lạnh nhạt cùng phong cách sống giới thượng lưu của thành phố cảng tự do phương bắc luôn hiện diện ở nơi ông.

1931-1933 T. Mann sống ở thành phố thủ phủ bang Bayern miền nam nước Đức là Mũnchen bằng nghề viết văn. Năm 1933, để tránh chính quyền Quốc xã, T. Mann sang sống ở Thụy Sĩ và sau đó sang Mỹ và tham gia tích cực vào phong trào chống phát xít Đức.Sách của Thomas Mann bị đốt và bị cấm dưới thời phát xít.

1949, Thomas Mann về dự lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh (1749-1949) của đại văn hào Johann Wolfgang Goethe ở CHDC Đức và CHLB Đức. 1952 ông về sống ở Thụy Sĩ cho đến khi mất vào tháng 8 năm 1955. Tháng 5 năm 1955, ông về dự lễ kỷ niệm 150 năm ngày (1805-1955) mất của đại văn hào Friedrich Schiller ở CHDC Đức và CHLB Đức.

Thomas Mann là nhà văn hiện thực phê phán lớn nhất của văn học Đức ở thế kỷ XX. Ông viết tiểu thuyết, truyện ngắn và luận văn với tư tưởng nhân đạo dân chủ tư sản, chống phát xít, có thiện cảm với chủ nghĩa cộng sản và cách mạng vô sản Nga. Thomas Mann đã kế thừa và phát huy được truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Đức. Khác với Heinrich Mann, Thomas Mann gắn bó với quá khứ lành mạnh của văn hóa giai cấp mình (văn hóa tư sản). Ông đi từ truyền thống của dân tộc Đức đến con đường dân chủ nhằm bảo vệ những giá trị văn hóa tư sản tốt đẹp. Những tác phẩm tiêu biểu của Thomas Mann là:

Tonio Krõger (1903) là tác phẩm giai đọan đầu phản ánh nỗi u hòai về một nền văn hóa lành mạnh, tác giả thấu hiểu sâu sắc nỗi lòng day dứt giữa tình người và hiện tại nghiệt ngã của người nghệ sĩ trong xã hội tư sản. Ông viết trong tác phẩm: " Tôi không bao giờ hiểu được, người ta đã lý tưởng hóa cái trọng đại và cái gian trá như thế nào. Không, không thể được! Cuộc sống luôn đặt trí năng và nghệ thuật đứng đối chất nhau." Núi kỳ diệu (Der Zauberberg,1924) là tiểu thuyết kể về nơi dưỡng bệnh của Hans Castorp ở Davos (Thụy Sĩ) vào những năm 1907-1914 (Castorp bị bệnh nên phải đến đây để dưỡng bệnh, phải ở lại đây đúng bảy năm). Tiểu thuyết như một cuộc đàm đạo về nhân tình thế thái trong bầu không khí nhàn tản. Giới thượng lưu đi dưỡng bệnh và tranh luận, đàm đạo với nhau về mọi vấn đề của xã hội bên ngòai khu dưỡng bệnh: về một châu Âu đang chết. Mario và tên phù thủy (Mario und der Zauberer,1929) là tác phẩm báo trước hiểm họa chủ nghĩa dân tộc của bọn Quốc xã và sự kết thúc của nó. Lotte ở Weimar (Lotte in Weimar, 1939) là tác phẩm lấy Goethe và quan niệm thế giới của Goethe làm gương soi quá khứ và hiện tại : mặt tiến bộ của văn hóa Đức , sự xấu xa của chủ nghĩa phát xít. Bác sĩ Faustus (Doktor Faustus, 1947) là tác phẩm tác giả sáng tác dựa theo cốt truyện dân gian kể về học giả D. Johann Faust-để kể về một nghệ sĩ tư sản - một nhạc sĩ bán linh hồn cho quỷ để đổi lấy một bản nhạc siêu phàm. Những tác phẩm khác của Thomas Mann là Joseph và anh em (Joseph und seine Brũder, 1933-1943), Lời tự thú của tên bịp bợm Felix Krull (Bekenntnisse des Hochstaplers Felix Krull, 1954)


Dòng họ Buddenbrock


Tiểu thuyết * Dòng họ Buddenbrock xuất bản năm 1901 là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Thomas Mann, tiểu thuyết còn có phụ đề Sự suy tàn của một dòng họ. 28 năm sau, năm 1929, tiểu thuyết này mang lại cho Thomas Mann giải thưởng Nobel văn học. Tác phẩm kể về sự suy tàn của hãng xuất nhập khẩu ngũ cốc Johann Buddenbrock, nhưng thực chất là kể về gia đình , tổ tiên của Thomas Mann ở thương cảng nổi tiếng Lũbeck. Bốn thế hệ của dòng họ Buddenbrock - một dòng họ tư sản thương nghiệp giàu có ở Lũbeck- bị suy sụp hòan tòan trong bối cảnh cạnh tranh của tư bản đế quốc chủ nghĩa (trong tiểu thuyết: bắt đầu từ 1835 và kết thúc vào năm 1876) : cứ dần dần lụn bại trên thương trường, suy sụp trong đạo lý và văn hóa. Hãng Johann Buddenbrock do Johann Bố, rồi đến Johann Con, kế đến là Thomas làm chủ hãng. Khi Thomas đột ngột chết do không muốn sống nữa thì công ty Johann Buddenbrock suy sụp. Người em máu nghệ sĩ là Christian không lo nối nghiệp thương gia, mà chỉ phung phí tài sản ( ăn chơi trác táng) mà mình được thừa hưởng và kết thúc cuộc đời ở trong nhà thương điên. Người chắt đích tôn của dòng họ Buddenbrock là Hanno (con út của Thomas). Cậu chắt này chỉ đam mê âm nhạc như mẹ đẻ Gerda Buddenbrock mà chẳng mơ tưởng gì đến việc nối nghiệp thương gia của dòng họ Buddenbrock. Giống như cha, cậu chết vì không thích sống. Người ta thấy rõ chủ nghĩa bi quan trong tiểu thuyết, nhưng cũng chính tiểu thuyết cho ta thấy cảnh buôn bán tấp nập và cảnh suy tàn của thương nghiệp ở thành phố cảng tự do của Đức bên bờ biển Baltic. Với cách hành văn đầy hài hước và trìu mến, Thomas Mann đã vẽ một bức tranh tâm lý xã hội ở thương cảng quê hương mình - một mô hình của quá trình suy sụp trên thương trường- nhìn theo một góc độ nào đó (việc miêu tả sự suy sụp tòan diện) thì tiểu thuyết có những nét của tự nhiên chủ nghĩa. Thomas Mann nhìn sự vật với cái tâm và cái tình của một con người có đạo nghĩa.

* Tiểu thuyết kể về dòng họ là lọai tiểu thuyết rất thịnh hành ở châu Âu trong thế kỷ XIX. Tiểu thuyết đã dịch sang tiếng Việt với tên " Gia đình Bút-đen-bruc , Trương Chính dịch, NXB Lao động, 1979


* HEINRICH MANN *


Heinrich Mann là anh ruột Thomas Mann, ông sinh ngày 27.3.1871 ở Lũbeck và mất ngày 12.3.1950 ở Santa Monica bang Kalifornien (Mỹ). Thưở nhỏ học Trường Katherineum ở Lũbeck. Sau học nghề bán sách ở thành phố Dresden nằm bên bờ sông Elbe. Học xong ông làm ở Nhà xuất bản St. Fischer-Verlag ở Berlin. Rồi ông học đại học ở Berlin và Mũnchen. Ông muốn trở thành họa sĩ, nhưng lại trở thành nhà văn chuyên nghiệp. 1893 ông sang sống ở Paris, rồi ở các thành phố Palestrina và Florenz của nước Ý. 1898 ông cùng với em trai T. Mann trở về Mũnchen. Từ 1925 ông sống ở Berlin. 1931 ông là chủ tịch Viện hàn lâm nghệ thuật Phổ. 1933 ông bị khai trừ khỏi viện hàn lâm, các tác phẩm của ông bị đốt, ông sang Pháp sống và năm 1940 sang sống ở Mỹ.

Trong số các tác phẩm hay đầu tay của H. Mann là tiểu thuyết Ở xứ sở của những kẻ ăn không ngồi rồi ( Im Schlaraffenland, 1900). Tiểu thuyết thuật lại con đường tới danh vọng trong văn chương của chàng sinh viên tỉnh lẻ Andreas Zumsee. Chàng ra sống ở thủ đô, qua chuyện chăn gối, chàng được vợ một chủ ngân hàng hỗ trợ trong việc in, bỗng chốc chàng trở thành một nhà văn "tầm cỡ". Khi bị "bà hòang" bỏ rơi, thì cũng là lúc chàng trai hãnh tiến đóng xong vai trò của mình trong sinh họat văn học của giới tư bản tài phiệt ở Berlin. Tác phẩm cho ta thấy, tiền có thể làm được tất cả và có trong tay tất cả: báo chí, dư luận xã hội, quý tộc cùng các đảng phái chính trị. Lý tưởng cuộc sống trong xã hội tư sản đầu thế kỷ XX là: khung cảnh đầy thơ mộng của nước Ý, cảnh đẹp thiên nhiên đầy quyến rũ của Neapel, cuộc sống thời cổ đại, điều đó biểu hiện rất rõ trong tiểu thuyết ba tập Các nữ thần hay là Ba cuốn tiểu thuyết của nữ công tước Assy (Die Gõttinnen oder Die drei Romane der Herzogin von Assy, 1903). Cuộc săn đuổi tình yêu (Die Jagd nach Liebe,1903) là tiểu thuyết phê phán sự thống trị của đồng tiền trong xã hội tư bản. Gíao sư Unart hay là Ngày tận số của một gã độc tài (Professor Unrat oder Das Ende eines Tyrannen, 1905) là tiểu thuyết phê phán chế độ giáo dục phản động của phong kiến Phổ.

Trong thời gian sống lưu vong ở Pháp, H. Mann muốn thành lập một liên minh chống phát xít nhưng không thành, những suy nghĩ của ông thời gian này biểu hiện trong tác phẩm Thời niên thiếu của vua Henry IV (Die Jugend des Kõnigs Henri Quatre, 1935) và Sự trưởng thành của vua Henri IV (Die Vollendung des Kõnigs Henri Quatre, 1938). Đây là bộ tiểu thuyết lịch sử kể về những gắng công của vua Henri IV thiết lập chế độ phong kiến tập quyền ở Pháp.

Heinrich Mann là nhà văn chống phát xít, ông chiến đấu không biết mệt mỏi cho hòa bình dân chủ. Những suy nghĩ của ông luôn xoay quanh vấn đề trí tuệ và quyền lực.

Tên thuộc cấp

Tên thuộc cấp (Der Untertan, viết trong thời gian 1911-1914, nhưng vì bị kiểm duyệt nên tới năm 1918 mới được xuất bản) là tiểu thuyết hay nhất của Heinrich Mann. Tiểu thuyết còn có phụ đề Câu chuyện tâm lý xã hội dưới thời Wilhelm II- Chuyện quyền lực (Die Geschichte der õffentlichen Seele unter Wilhelm II- die Macht). Câu chuyện xoay quanh việc theo đuổi đường danh vọng của "một người Đức thế hệ mới" là Diederich Hessling, con trai một chủ nhà máy giấy. Khi còn nhỏ, Hessling sống ở tỉnh lẻ, thời sinh viên sống ở Berlin. Sau khi đỗ tiến sĩ và sau khi cha mất, Hessling trở về cai quản nhà máy giấy ở thị xã Netzig. Hessling là kẻ cuồng tín của đế chế Phổ dưới thời Wilhelm, hắn tìm mọi cách kiếm cho được "một chỗ dưới ánh mặt trời". Bằng thủ đọan Hessling đã lấy được một người vợ giầu có và cũng bằng thủ đọan hắn trở thành viên chức cao cấp dưới thời Wilhelm II. Trong lúc Hessling đọc diễn văn ca ngợi khánh thành tượng đài hòang đế Wilhem tại quê hương, bỗng dưng dông tố kéo tới, dân chúng vội chạy tránh dông mưa, chỉ còn lại tên thuộc cấp trung thành kiểu Phổ Hessling đứng cạnh tượng đài. Hình ảnh này như lời cảnh báo sự xụp đổ của đế chế.

Tiểu thuyết cho ta thấy tính lệ thuộc giàng buộc nhau giữa Quyền lực và Thuộc cấp (Macht und Untertan). Hai khái niệm này tạo nên cấu trúc và tâm lý của tòan xã hội (trong quân sự, chính trị, kinh tế v.v.) theo mô hình kim tự tháp (Pyramide) dưới thời *Wilhelm II.

*Wilhelm II (1859-1941) là vua nước Phổ và hòang đế nước Đức thời gian 1888-1918, đồng thời là đời vua cuối cùng của nước Đức.


* HERMANN HESSE *

Hermann Hesse nhà văn hiện thực phê phán lớn của văn học Đức thế kỷ XX. Hermann Hesse sinh ngày 2.7.1877 ở Calw vùng Wũrtemberg (Đức) và mất ngày 9.8.1962 ở Montagnola (Thụy Sĩ). Cha của ông đã sống ba năm ở Ấn Độ với tư cách là nhà truyền giáo, mẹ ông là con gái của nhà truyền giáo, nhà Ấn độ học, tiến sĩ Hermann Gundert- một người có học vấn uyên thâm về Ấn độ và có riêng một thư viện lớn. Cậu bé Hermann đã từng đọc sách trong thư viện này. Cảnh gia đình trí thức ngoan đạo với sự pha trộn của nhiều nền văn hóa khác nhau ảnh hưởng rất sâu đậm trong con người nhà văn Hermann Hesse, tâm hồn ông luôn chuyển động giữa hai cực Đông-Tây để đi tìm một nhân lọai thuần khiết, một nhân lọai sống trong cảnh bình yên. Những kỷ niệm thời thơ ấu của nhà văn ta luôn thấy trong nhiều tác phẩm của ông. 1890 ông học Trường La Tinh. 1891, ông học thần học. Ông bỏ học do thấy mình không thích hợp với nghề làm giáo sĩ, rồi 1892 ông học nghề buôn bán sách. 1899-1904 ông sống ở Basel và mở hiệu sách cũ. Từ 1904 , ông sống ở Gaienhofen ở bên bờ hồ đẹp như mộng là Bodensee (bên này hồ thì thuộc Đức, bên kia hồ thuộc Thụy Sĩ) và chuyển sang viết văn chuyên nghiệp. Cũng năm 1904 ông xuất hiện trên văn đàn với tác phẩm Peter Camenzind. Đây là một Tiểu thuyết giáo dục (Bildungsroman) rất hấp dẫn bạn đọc đương thời. Nó có tính chất tự truyện về một thanh niên sống lang thang, nhưng mang trong mình nhiều hòai bão, nhưng không thích nghi được với đời sống bon chen ở thành phố lớn trong xã hội tư sản, cuối cùng đành phải trở về quê nhà sống an phận là chủ quán. 1911, ngán cảnh náo nhiệt của thời cuộc nên năm 1912, Hermann Hesse sang Thụy Sĩ và nhập quốc tịch nước này.

Hesse là đại diện tiêu biểu cho văn học nhân đạo tư sản Đức. Con đường sáng tác của Hesse đi từ tình cảm cô đơn và nỗi buồn lãng mạn cuối thế kỷ XIX đến tầm nhìn xa trông rộng, có trách nhiệm đối với xã hội ở thế kỷ XX, ông ước mơ và tin chắc vào tương lai tốt đẹp hơn của con người. Ông nhận giải thưởng Nobel văn học năm 1946.

Những tác phẩm tiêu biểu của Hermann Hesse là:

Knulp (1915) là tên nhân vật chính, đồng thời là tên tiểu thuyết. Bản thân cuộc đời lãng tử của Knulp đã là một bài thơ không lời. Cuộc đấu tranh sinh tồn và những gian truân trong cuộc đời của người nghệ sĩ tài hoa - nhạc sĩ, họa sĩ Getrud (1910) được phản ánh trong tiểu thuyết cùng tên. Hermann Hesse xuất bản tác phẩm Demian (1919) với bút danh Emil Sinclair. Tiểu thuyết viết về một thanh niên đi tìm số phận như mình nghĩ cho chính mình (tác giả đã đưa phân tâm học vào trong tiểu thuyết) nhưng không sao đạt được: đó cũng là tình trạng của thanh niên tư sản thời bấy giờ. Herrman Hesse như ở trong trạng thái giữa mộng và hiện thực trong một câu chuyện cổ tích thời Trung cổ Narziss và Goldmund (1930) để hòa giải tư duy và hành động. Tác phẩm lớn cuối cùng của Hermann Hesse là Chơi bằng những viên ngọc thủy tinh (Das Glasperlenspiel, 1943). Chuyện xảy ra vào năm 2000, một nhóm trí thức có lối sống kết hợp tư tưởng Tây và Đông . Ở tuổi chín chắn và như là một nhà thông thái, Hesse viết tiểu thuyết này. Tiểu thuyết mang tính chất giả tưởng và tượng trưng, nói lên khả năng và cần thiết phải hành động vì tương lai tốt đẹp của lòai người.
Mùa hè cuối cùng của Kingsors (Kingsors letzter Sommer, 1920) Siddharta (Siddharta,1922) là những truyện hay của Hermann Hesse. Ngòai viết văn, Hermann Hesse còn viết luận văn. Nhiều luận văn của Hesse viết rất sâu sắc và có tư tưởng nhân đạo

* Sói thảo nguyên

Tiểu thuyết Sói thảo nguyên xuất bản năm 1827. Nhân vật chính trong tác phẩm là Harry Haller, người tự gọi mình là Sói thảo nguyên. Harry Haller là một nhà trí thức có tài và nhạy cảm. Ở tuổi gần năm mươi, nhưng Haller vẫn sống cảnh đơn chiếc, nhà ở thuê. Ông hay phiền muộn, chán đời và thù xã hội. Khi Haller dọn khỏi nơi ở thuê, cháu bà chủ nhà tìm thấy một bản thảo và cho xuất bản. Sách có nhan đề Chỉ dành cho những người điên.

Cuộc sống lang thang vô định làm cho Haller thấm thía nhớ cảnh đầm ấm bình thản ở nhà. Cuộc đời ấy đưa đẩy Haller qua nhiều quán trọ, kết bạn với những kẻ phiêu đãng. Tình cờ- trong lúc ngà say đi ngòai đường- Haller đọc một tấm bảng có hàng chữ Rạp hát thần: Không phải ai cũng vào được, chỉ dành cho người điên. Haller bước vào thì một người đàn ông dúi cho cuốn sách Khái luận về sói thảo nguyên.
Không phổ biến cho tất cả mọi người.
Tập khái luận này kể về chính Haller, một người có cá tính kép: người và sói thảo nguyên (STN có đặc điểm sống riêng khác hẳn so với sói thông thường). Người văn minh và sói thích sống ngòai vòng cương tỏa xã hội. Trong sách có đưa ra một tiên đóan, Haller sẽ " tìm ra được trong một rạp hát thần… thứ mà ông cần để giải thóat cho linh hồn lạc lõng." Trong một lần đi lang thang, Haller được một người chỉ cho chỗ giải trí: quán khiêu vũ Con Ó đen, nhưng đang đi thì Haller lại gặp thầy cũ của mình và tới thăm gia đình thầy. Trong lúc trò chuyện, thầy trò tranh luận gay gắt về bài báo đả kích Hòang đế, quân đội và chế độ quân phiệt ( do chính Haller viết). Haller tiếp tục lang thang ngòai đường và tới nơi khiêu vũ lúc nào không hay. Ông được người đẹp Hermine niềm nở đón tiếp. Mỗi lần gặp Hermine, Haller đều được nàng chỉ dẫn cách sống hưởng lạc, rồi bạn của Hermine là Maria lại dạy cho Haller nghệ thuật yêu đương. Không những thế Haller còn được tay thổi kèn saxophone là Pablo dạy cho về nghệ thuật và cách sống của một tay lõi đời. Cuối cùng thì Haller cũng tới được rạp hát thần. Nơi đây có đủ mọi trò "vui". Trước mỗi cánh cửa có treo bảng đề trò "vui". Haller bước vào cửa cuối cùng thì thấy Pablo và Hermine trần truồng ngủ với nhau. Nhớ tới lời hứa với Hermine, Haller rút dao găm đâm chết Hermine và bị xử tội với hình phạt là phải cười ré lên. Qua đó, Haller tự nhủ:" Một ngày kia ta sẽ là một tay chơi xuất sắc. Một ngày kia, ta sẽ học cười."

Sói thảo nguyên phản ánh cuộc đấu tranh nội tâm của tác giả với thái độ phê phán khía cạnh tha hóa đạo đức của văn minh phương tây. Con người hiểu biết và nhạy cảm Harry Haller sống trong xã hội như một người ngòai cuộc (Aussenseiter) đi tìm cái Tôi đích thực của mình và cái hài hòa trong cuộc sống nội tâm bị giằng xé giữa nhục dục và tâm hồn, giữa cái thôi thúc của bản năng và văn hóa. Xung đột nội tâm trong con người tự cho mình là sói thảo nguyên(thính tai, tinh mắt)-Harry Haller- chia thành hai phía, nhưng thực chất chỉ là xung đột giữa bản tính người và bản tính thú. Tiểu thuyết bộc lộ rõ cái chao đảo khủng khiếp trong tâm hồn Haller, nó chẳng khác gì một bản tiểu sử tâm hồn con người đi tìm sức sống mới lành mạnh hơn hiện trạng xã hội tư bản. Tiểu thuyết gây nhiều tranh luận với những ý kiến trái ngược nhau, nên 1961, Hesse viết thêm phần phụ chú nhằm " phác họa ra một bệnh trạng và khủng hỏang- nhưng không phải dẫn đến cái chết và hủy họai, mà trái lại: dẫn đến chữa trị."

* Tiểu thuyết Steppenwolf đã dịch sang tiếng Việt với tên Sói đồng hoang , Chơn Hạnh và Phùng Thăng dịch theo bản tiếng Pháp, CA DAO xuất bản, 1969.
* Loài sói thảo nguyên thon và nhỏ con, sống đơn lẻ. Nó rất thính tai và phóng mắt nhìn xa tới đường chân trời. Thảo nguyên mênh mông và bằng phẳng với thưa thớt cây, nên những lòai thú dữ sống ở thảo nguyên (trong đó có sói thảo nguyên) không thể rình bắt con mồi , chúng bắt con mồi bằng rượt đuổi.




VVM.23.3.2023
| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .