K hông biết những người tu Phật - kể cả những Phật Tử - có bao giờ mơ ước một ngày sẽ "Tới" không? Nếu hoàn toàn không mơ ước, và chúng ta tu hành chịu đựng kham khổ như thế để chẳng cầu được gì thì phải chăng là hơi phi lý, vì có ai đi mà chẳng mong đến? Đọc Pháp Bảo Đàn Kinh có lẽ không ít thì nhiều chúng ta cũng khởi thắc mắc vì sao Lục Tổ Huệ Năng chỉ mới vào Chùa của Ngũ Tổ có 8 tháng, lại không được lên nhà trên nghe giảng pháp, chỉ có giã gạo mà được truyền Y Bát, trong khi đó Sư Thần Tú đã học với Ngũ Tổ nhiều năm, làm đến chức Giáo Thọ hẳn là phải hiểu biết về Phật Pháp nhiều hơn, tại sao lại không được truyền? Do Lục Tổ Huệ Năng là "Người trở lại?" Nhờ Ngài dốt nát? Nhờ lao động miệt mài, hay do Ngũ Tổ ưu ái? Có công bằng hay không trong chuyện này? Vậy thì điều kiện gì để có thể Chứng Đắc? Làm cách nào để phân biệt người thật sự chứng đắc và người chưa chứng đắc? Liệu chúng ta có thể bắt chước Lục Tổ dù không phải là người "trở lại" hay không?
Về việc "trở lại" của Lục Tổ Huệ Năng thì trong "sự tích 33 vị Tổ" ta thấy có ghi lại một vài điểm rất là đặc biệt:
1/- Trước khi có nghén thì Mẹ Ngài chiêm bao thấy bông trắng đầy trước sân nhà, mùi hương bát ngát, lại có 2 con chim bạch hạc bay lượn ở trước nhà.
2/- Mẹ Ngài mang thai Ngài trọn 6 năm dài.
3/- Đêm mùng 8 tháng 2, khi sinh ra Ngài thì hào quang chói sáng cả trên hư không.
4/- Vừa sinh Ngài xong thì rạng sáng có một nhà sư đến xin gặp thân sinh của Ngài để xin đặt tên cho ngài là Huệ Năng. Thân phụ Ngài hỏi vì sao đặt tên đó? Vị sư bảo là: Huệ có nghĩa là lấy ơn pháp mà tế độ chúng sinh; còn Năng có nghĩa là: Có năng lực làm việc Phật.
5/- Từ khi sinh ra thì không phải bú mẹ mà đêm đêm có một thần nhân nhỏ nước cam lộ cho Ngài uống.
Chúng ta không thể biết được đó là sự thật hay là cứ mỗi vị giác ngộ thường được kèm theo một huyền thoại để tăng thêm phần linh thiêng. Dù sao thì những việc nêu trên tin hay không là tùy ở mỗi người. Tuy nhiên, nếu những niềm tin đó làm cho chúng ta nhụt chí, cho rằng chỉ có những người trở lại mới có thể học, hiểu Đạo thì không nên. Điều quan trọng là ta nên xét xem Ngài đã tu học như thế nào để được Đạo, bởi rõ ràng Ngài không thể tự mình giác ngộ, mà phải đến Chùa, gặp Ngũ Tổ để được nhắc nhở thì mới sáng tỏ. Đó mới là điều chúng ta cần tìm hiểu để học hỏi.
Sự "trở lại" của Ngài Huệ Năng được kể rõ: Khi Ngài lên 3 tuổi thì thân phụ qua đời, mẹ ngài nuôi con trong cảnh nghèo nàn, khó khăn. Mỗi ngày, Ngài phải vào rừng đốn củi gánh xuống chợ đổi gạo để mẹ con sống tạm. Một lần nọ đi ngang qua một nhà kia nghe tiếng tụng Kinh đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm", Ngài ghé vô hỏi tụng kinh gì? Người tụng Kinh nói: " Đó là Kinh Kim Cang mà Hoằng Nhẫn Tổ Sư ở chùa Đông Thiền, Huyện Huỳnh Mai thường khuyên các vị tăng, tục, nếu ai trì tụng thì liền Thấy tánh và chắc Thành Phật". Nghe vậy, và nhờ nhân duyên có người giúp cho mười lượng bạc để lo cho mẹ, và khuyên Ngài nên đến gặp Ngũ Tổ. Trong vòng l tháng, thu xếp cho mẹ xong, Ngài đến ra mắt Ngũ Tổ.
Ngay phần đối đáp khi lần đầu tiên gặp Ngũ Tổ cho ta thấy Ngài Huệ Năng quả thật là một căn cơ đặc biệt:
Ngũ Tổ hỏi: "Người là người phương nào đến, muốn cầu việc chi?"
Huệ Năng đáp: Đệ tử là dân Huyện Tân Châu, xứ Lãnh Nam, ở phương xa đến lạy Tổ Sư, chỉ cầu thành Phật chớ chẳng cầu việc chi khác.
Tổ nói: Người là dân xứ Lãnh Nam, lại là giống man rợ, thế nào thành Phật được?
Huệ Năng đáp: "Con người tuy phân có Nam, Bắc chớ Phật Tánh vốn không có Nam Bắc. Cái thân man rợ này đối với Hòa Thượng tuy chẳng giống nhau chớ cái Tánh Phật nào có khác".
Ngũ Tổ còn muốn nói thêm, nhưng thấy các môn đồ kéo đến vây quanh nên bảo Huệ Năng đi làm công việc. Ngài huệ Năng còn hỏi thêm:
"Kính bạch hòa Thượng, tự tâm của đệ tử thường sinh trí huệ, chẳng lìa tự tánh, tức là phước điền, chẳng hay Hòa Thượng còn dạy làm việc chi nữa?"
Tổ bảo: Cái căn tánh của người man rợ này thật là sáng suốt. Thôi chớ nói nữa, hãy đi ra nhà sau.
Khi ra nhà sau rồi thì Ngài Huệ Năng được giao cho bửa củi và giã gạo suốt 8 tháng hơn.
Khi Ngũ Tổ họp tất cả môn nhơn lại, bảo cho biết mỗi người phải lấy trí huệ của mình để làm một bài Kệ trình cho Ngài xem. Nếu thấy hiểu được ý nghĩa của sự sống thác của người đời thì Ngài sẽ truyền pháp cho làm Tổ Thứ Sáu. Lúc đó những nguời trong Chùa đều nghĩ rằng Thần Tú là Giáo Thọ hẳn nhiên Ngài sẽ làm được nên mình khỏi làm. Riêng Thần Tú thì suy nghĩ mãi không biết tính cách nào, sợ trình lên mà bị chê thì mất mặt với tăng chúng nên lén biên bài Kệ lên vách nhà cầu, hy vọng nếu Ngũ Tổ nói là đúng thì sẽ ra nhận là mình làm. Nếu bị chê thì thôi. Bài Kệ đó như sau :
Thân là
Bồ đề thọ,
Tâm như
minh cảnh đài
Giờ giờ
cần quét phủi
Chớ
để vướng trần ai.
Đề tài đã được nói rõ, nhưng bài Kệ của Sư Thần Tú mới chỉ đề cập đến Thiện, Ác, chưa thấy được ý nghĩa của vịệc sống thác. Ngài Huệ Năng thì không biết chữ, lẽ ra thì không thể làm Kệ được. Nhưng nhờ có bài Kệ của Sư Thần Tú, và Ngài biết bài Kệ đó chưa Thấy Tánh, nên chỉ cần sửa đi vài chữ đủ làm thay đổi nghĩa lý toàn bộ, nói lên sự hiểu biết của Ngài:
Bồ
Đề bổn vô thọ
Minh cảnh
cũng không đài
Bổn lai
không một vật
Nào chỗ
vướng trần ai.
Tức là Bồ Đề vốn không có cội, gốc. Tâm cũng không phải đài gương. Trước sau vốn không một vật thì đâu có chỗ để nhuốm được bụi trần?
Muốn hiểu được bài Kệ này, ta phải nương theo giải thích của Đạo Phật.
Theo Đạo Phật, mỗi con người đều có một cái Chân Tánh hay Bổn Tâm. Cái này vô tướng, thường hằng, thanh tịnh, như như, không ô nhiễm, không lớn nhỏ, cao thấp, dài ngắn, không sinh, không tử, không buồn vui, không bị ràng buộc… Nhưng từ khi mang lấy xác thân thì mỗi người đều lầm tưởng cái Thân Tứ Đại giả hợp là mình. Vì thế nên mới có thiện, ác, sinh, tử, lớn, nhỏ, cao thấp, xấu tốt vv... Tức là những đối đãi thuộc về Cái Thân, không dính líu tới cái Chân Tánh đó. Vì vậy, nếu người nào Thấy, Biết được cái Chân Tánh, quay trở về và Trụ được ở đó thì sẽ Thoát được mọi ràng buộc vốn dĩ thuộc về những gì Có Tướng, và bài Kệ của Ngài Huệ Năng mô tả được Cái Chân Tánh đó.
Việc tu hành chính là để "Thoát Sinh Tử", mà Sinh Tử chỉ tác động lên phần Hữu Tướng. Vì thế, người muốn thoát Sinh tử thì phải tìm về cái Chân Tánh. Do đó, trong lần tụ tập môn nhơn để kêu trình Kệ, Ngũ Tổ đã bảo: "Ta nói cho chúng đệ tử, Sự sống thác của người đời là việc lớn. Các ngươi trọn ngày chỉ cầu phước điền chớ chẳng cầu ra khỏi biển khổ sống thác".
Đã không cầu ra khỏi biển Khổ thì mọi công năng đâu có tập trung vào đó? Vì vậy đa số những người ở trong Chùa hầu như chỉ tập trung vào Y Bát. Sư Thần Tú cũng thế, khi trình Kệ chỉ mong được làm Tổ Thứ Sáu, và đám môn nhơn hàng mấy trăm người khi biết được y Bát đã trao cho Ngài Huệ Năng thì rần rần kéo nhau lập tức đuổi theo để tranh đoạt, không cần biết việc trao Y Bát là việc rất linh thiêng từ thời Đức Thích Ca tiếp nối nhau để chứng minh người nhận đủ trình độ thay người thầy cầm nắm giềng mối đạo!
Sự ham muốn làm thầy của Sư thần Tú càng thể hiện rõ ràng hơn: Dù không được truyền Y Bát, tức là Ngũ Tổ chưa xác nhận ông đủ trình độ để giảng pháp cũng tự mở ra giảng dạy! Đó là Vọng Hành, là một lỗi rất lớn của người tu Phật! Lẽ ra, nếu là người thật tâm tu hành và giữ Giới một cách nghiêm minh thì Sư phải đủ can đảm hạ mình tới gặp Lục Tổ để cầu học. Trái lại, Sư chỉ phái đệ tử đi trộm pháp rồi về kể lại cho mình, chứng tỏ cái Ngã Chấp vẫn còn nguyên đó. Đã không có pháp thì làm sao biết cách để hướng dẫn đệ tử. Cho nên chín năm Chí Thành học với Sư Thần Tú không bằng một thời pháp được nghe Lục Tổ khai mở! Đó là sự khác biệt giữa người đắc pháp và người không.
Tu Phật có nghĩa là TU TÂM. Người muốn Tu tâm phải Thấy nó. Vì vậy, khi giảng cho Ngài Huệ Năng, Ngũ Tổ dạy: "Nếu chẳng biết Bổn Tâm thì học pháp vô ích. Nếu biết Bổn Tâm và thấy Bổn Tánh mình, tức gọi là trượng phu, là Phật, thầy cõi trời và cõi người vậy".
Do biết con người nhiều tham lam, mê đắm mà tạo Nghiệp rồi phải đọa, Đức Thích Ca phải bày ra nhiều phương tiện để dẫn dụ. Ngài phương tiện mô tả Tây Phương Cực Lạc có Đức A Di Đà tiếp dẫn với vô số bạc, vàng, châu báu, xa cừ mã não… là những thứ mọi người đều ham thích, để họ vì mong đến được cõi đó mà bớt đi tạo nghiệp trong kiếp sống. Thế là mọi người châm bẩm lo tụng Kinh, niệm Phật, mong được Đức A Di Đà rước về, mà không cần đọc Kinh để thấy Phật giải thích thêm: A DI ĐÀ là "Hào quang soi suốt không ngăn ngại", tức để nói về cõi tâm đã được thanh tịnh, sáng suốt. Không còn ba đường dưới u mê, ám chướng. Nói rằng tu học sẽ được "Làm thầy cõi trời, cõi người", thế là bao nhiêu người cố gắng để mong có ngày được như thế. Rồi thay vì điều phục cái Vọng tâm của mình - tức là làm thầy cõi trời, cõi nguời trong đó - thì lại chạy ra, đi tranh dành Y Bát để được làm thầy của mọi người bên ngoài! Những người cứ Y NGỮ mà hành, theo Kinh Phật, đó là những người Y KINH mà KHÔNG LIỄU NGHĨA!
Khi truyền phép Đốn Giáo và Y Bát cho Ngài Huệ Năng và Ngũ Tổ dặn dò: "Ngươi làm Tổ Thứ Sáu. Hãy giữ gìn và nhớ lấy đạo tâm của mình. Phải quảng độ chúng sinh hữu tình và truyền cái Chánh pháp cho đời sau, đừng để đoạn tuyệt. Và Ngài đọc kệ:
Hữu tình
gieo giống xuống
Nhờ đất trái bèn sanh
Vô tình
không có giống
Vô Tánh
ắt không sanh
Cây, Ngói, Đá là giống vô tình, không có Cái Biết, không có cảm nhận, suy nghĩ nên không thể tiến hóa được. Con người là giống hữu tình, có suy nghĩ, vì thế mới có thể nhận được hạt giống Giải Thoát để ươm mầm trong mảnh đất Tâm mà tu hành được. Trái có nghĩa là Thành Quả Giải Thoát mà người tu sẽ đạt được. Tất cả đều nhờ ở Cái Đạo Tâm. Nên Ngũ Tổ nhắc nhở: "Hãy giữ gìn và nhớ lấy Đạo tâm của mình", cũng như Ngài khẳng định: "Nếu không Thấy Tâm thì học pháp vô ích". Đó là những câu khẩu quyết mà chúng ta cần lưu ý khi đi vào con đường tu hành.
Pháp của Đao Phật không có thiên vị. Nếu xem việc cầm đầu tăng chúng như một thứ danh vị và người Thầy thiên vị hẳn Đức Thích Ca đã truyền Y Bát cho Ngài Anan là em của Ngài, hoặc con ruột của Ngài là La Hầu La, đâu có truyền cho Đức Ca Diếp! Qua thái độ của những người đi tranh Y Bát, ta thấy một số người tu hành nhưng không thật tâm thời đó coi Y Bát quan trọng như thế nào. Cũng giống y như người đời tranh dành nhau ấn tín của vua để lên ngôi trị vì thiên hạ! Như vậy hóa ra mục đích tu hành của họ là để được ăn trên ngồi trước, được làm thầy chớ chẵng phải tu vì sợ sinh Tử! Mục đích đã khác với Đạo Phật thì con đường họ đến làm sao cùng với Đạo Phật? Chính vì vậy mà Ngũ Tổ dặn dò phải dấu Y Bát đi, bởi nếu họ đoạt được Y Bát thì đúng là cái họa của Đạo Phật! Dù vậy, tuy không còn nơi để noi dấu, nhưng Chánh Pháp vẫn có người nắm giữ và âm thầm lưu truyền đâu đó trên thế gian không bao giờ dứt diệt.
Nói về việc "trở lại" thi thật ra đây đâu phải là kiếp đầu tiên ta có mặt trên cuộc đời này? Kinh dạy "Này Thiện Nam! Nếu có người nghe kinh này mà tin tưởng, không nghi ngờ, thì biết đó là người trồng phước huệ không những ở một đời Phật hoặc hai đời Phật, mà người này đã trồng căn lành từ nhiều đời Phật như số cát sông Hằng cho nên nay nghe đến Kinh này mới hay tin thọ". Cho nên, không có gì phải lo ngại khi ta tu hành mà muốn đạt kết quả, vì nối tiếp những gì ta đã từng học hỏi, và nhờ đó khiến ta tinh tấn hơn. Tất nhiên kết quả đó phải phù hợp với mục đích của Đạo Phật, là được Giải Thoát, không phải là để làm thầy, được nhiều người hâm mộ, hay cất được nhiều kiểng chùa to đẹp để đời! Nếu gặp đúng thầy có pháp và thực hành theo những gì được dẫn giải trong Kinh theo đúng Nghĩa thì không có gì là quá khó khăn nhất định phải là người "trở lại" mới hiểu, mới hành được. Chỉ e ta thiếu quyết tâm, vẫn kiên trì đeo bám danh lợi vì chưa hiểu được cái lợi ích của con đường tu hành.
Qua hai tấm gương trong Pháp Bảo Đàn Kinh, ta thấy rằng không cứ tu lâu, nghe giảng nhiều, hiểu nhiều mà đã được Đạo! Cũng không phải do dốt nát, do lao động kiên trì, mà do Tư Duy đúng hướng cộng với quyết tâm nên Lục Tổ Huệ Năng đã Thành Phật như ý Ngài mong mỏi,là "Thành tựu con đường thoát khỏi sự ràng buộc của hữu tướng" tương ưng với câu Kinh Kim Cang: "Ưng Vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm".
Kinh cũng nêu trường hợp không " Điều Tâm" tức là không "vô sở trụ" được, mà trụ ở danh, sắc, sinh ra tội ác của một số người tu thời đó như sau:
Trong khi Lục Tổ còn đang ẩn lánh thì Sư Thần Tú đã mở ra giảng pháp ở Chùa Ngọc Tuyền. Đến khi thấy đủ duyên, Lục Tổ sửa sang Chùa Bửu Lâm để giảng dạy, được 9 tháng thì bọn ác nhơn lại tìm đến, phóng hỏa đốt trụi cỏ cây phía trước Chùa. Lúc đó nhờ Tổ chui vào kẹt đá mới thoát nạn. Tảng đá nơi Ngài ngồi Thiền để lánh nạn còn in lằn vải áo, nên sau đó mọi người gọi là "tỵ nạn thạch".
Tuy hai vị tông chủ không nhơn, ngã, nhưng các môn đồ cùng tăng tử hai phái thường sanh lòng cạnh tranh, yêu ghét nhau. Lúc bấy giờ môn phái Bắc Tông muốn tôn Sư Thần Tú làm Tổ thứ Sáu, nhưng còn hiềm Tổ Huệ Năng được truyền Y Bát mọi người đều biết, nên sai Hạnh Xương (tục danh của thầy tăng CHÍ TRIỆT) đến thích khách Tổ Huệ Năng, nhưng mưu sự không thành. Lục Tổ đã khuyên y trốn đi, sau này trở lại Ngài sẽ thâu nhận làm đồ đệ. Nhưng một số người phía Bắc Tông vẫn tiếp tục cưu mang lòng hận thù, mãi cho đến 16 năm sau, khi Lục Tổ viên tịch, Sư Thần Hội đứng ra chấn hưng pháp môn thì cũng bị họ vu cho vua bắt đày đi!
Qua đó, ta thấy những người tu đó đã không thực hành đúng như ý nghĩa của chiếc áo Cà Sa mà họ đang khoác trên người. Chiếc Y hoại sắc, tượng trưng cho cái thân, tâm không ô nhiễm danh, sắc của trần tục. Thế mà họ lại cử đồng môn đi giết người. Giết không được thì cáo gian để phe đối nghịch bị tù đày, dù cùng là những người tu với nhau, cho ta thấy cái Vọng tâm nó ghê gớm đến mức nào, nếu không chuyển hóa nó thì không biết nó sẽ dắt đi tới đâu!
Mang chuyện xưa hàng mấy trăm năm ra để bàn lại, chúng ta không nhằm mục đích nói chuyện đúng sai của lớp người đi trước. Nhưng vì con đường tu hành, dù Đức Thích Ca đã mở ra hơn hai ngàn năm trăm năm đến nay vẫn không có gì mới lạ. Bài học cũ ngàn đời vẫn áp dụng: vẫn chỉ là Tu, là Sửa cái Tâm, để được Giải Thoát. Trong cái Giải Thoát khỏi Sinh Tử Luân Hồi thì cũng gồm cả phiền não, cao, thấp, hơn thua, đố kỵ, tà tâm, ác tâm... mà người tu cần phải xả bỏ thì mới có được cái Tâm thanh tịnh, mà thanh tịnh chính là Phật Quốc, hay là Tịnh Độ mà nhiều người tu lại hiểu lầm tưởng là cõi đó của Đức Phật nào khác, rồi cố gắng ăn hiền, ở lành, tụng kinh, niệm Phật chờ được rước về sau khi chết! Họ không hiểu Thuyết Nhân Quả của Đạo Phật để biết rằng nếu cứ ăn hiền, ở lành, thì chính là họ đã "Tự Độ", đâu cần phải chờ Phật nào khác độ cho nữa! Những kiến chấp sai lầm như vậy là cũng do lớp người đi trước hiểu sai rồi truyền lại. Vì thế, phân tích ra để chúng ta thấy rằng nếu muốn tu hành thì không cần phải chay lạt, ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật giảng pháp cho hay, lôi kéo được nhiều người quy y theo Đạo Phật, mà quan trọng hơn hết là mỗi người chỉ cần Tìm, cần Thấy cái Vọng Tâm của mình, rồi xả bỏ những thứ chấp lầm để trở về với cái Chân Tâm. Hành động Xả bỏ mới gọi là TU, cũng gọi là " Điều phục chúng sinh" hay là " Độ Sinh" để hoàn thành Phật Quốc cho chính mình. Cứ kiên trì làm như thế thì việc "Tới" hay "Thấy Tánh" cũng chỉ là thời gian thôi. Kinh Viên Giác có KỆ để nói về công việc tu hành, thành Phật:
"NHỮNG
NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG GHÉT
CÙNG VỚI
THAM SÂN SI
CHẲNG CẦN
TU GÌ KHÁC
CŨNG ĐỀU
ĐẶNG THÀNH PHẬT"
Mấy câu ngắn ngủi trên đủ cho ta thấy vì sao nhiều người tu rất lâu, công phu miệt mài ngày đêm mà vẫn không thành tựu được vậy.