Khi phổ biến lại một tác phẩm của mình xuất bản hơn bốn mươi năm trước (1972- 2014) tôi muốn xác định rằng:
- Thực dân nào cũng là thực dân, thực dân đồng chủng nhiều trường hợp còn tàn ác và vô nhân hơn thực dân dị chủng.
- Thực dân dị chủng không khôn khéo che đậy, không hiểu rõ tính tình của người nô lệ và có hình dáng khác nên dễ bị chống phá, lật ách…
- Chế độ thực dân dị chủng có thể đương nhiên bị giải thực do tình hình ở chánh quốc hay tình hình thế giới, trong khi chế độ thực dân dị chủng thì đưa ra chiêu bài: Chuyện nội bộ của chúng tôi, để tiếp tục thực hiện vai trò thực dân ngược lại với ý nguyện của dân chúng trong nước bị bắt làm nô lệ.
Nguyễn Văn Sâm 2011
Với tấm lòng biết ơn Thầy:
Giáo sư THANH LÃNG
Trường Đại học Văn khoa Saigon
Lời nói đầu
Chương trình Việt Sử Trung học và Đại học đều có đề cập đến cuộc kháng chiến của dân tộc trong việc lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp những năm 1945.
Nước ta thoát được tình trạng ngoại thuộc trực tiếp cũng nhờ cuộc kháng chiến anh dũng đó và hiện tại ở Miền Nam tự do nầy, bản quốc thiều tuy đã được sửa chữa một vài chữ, nhưng nhạc điệu và tinh thần vẫn duy trì nhạc điệu cùng tinh thần của bản nhạc xuất hiện vào thời không khí cách mạng bùng sôi vừa qua.
Thế nhưng, vì hoàn cảnh chánh trị một phần, vì tinh thần hẹp hòi của những người lãnh đạo giáo dục một phần, giai đoạn văn học của Việt Nam từ 1945 về sau vẫn bị gạt ra ngoài chương trình Trung học cũng như ở Đại học ở cả hai miền.
Chúng tôi nghĩ rằng bất cứ thời kỳ nào của văn học Việt Nam phải được coi như là tài sản chung của toàn dân, không một phe phái nào có quyền nhận mình là sở hữu chủ, cũng không có ai có quyền gạt bỏ ra khỏi quá trình của lịch sử văn học.
Việc khai thác, nghiên cứu do đó thuộc về nhiệm vụ của tất cả những người lưu tâm đến và cảm thấy có trách nhiệm đối với văn hoá dân tộc.
Trong những năm làm quen với văn chương Việt Nam, chúng tôi thường thấy lời than vãn của những nhà nghiên cứu khi đối diện với sự thiếu sót trầm trọng tài liệu văn học. Mỗi ngày qua, chúng ta càng khó đi đến sự thật và càng ít điều kiện thu thập được những tác phẩm, chứng tích, tài liệu...
Do đó, mặc dầu hiện tại chưa hoàn toàn thoả mãn với những tài liệu hiện có để tìm hiểu thật cặn kẽ tình hình văn học của Việt Nam nói chung - Miền Nam nói riêng- trong những năm 1945 - 1950 chúng tôi vẫn mạnh dạn cống hiến bạn đọc tác phẩm nầy coi như bước đầu trong việc nghiên cứu giai đoạn văn học thời chống Pháp vừa qua và nghĩ rằng chờ đợi một sự hoàn hảo thời không biết đến bao giờ.
Tiện đây, chúng tôi cũng xin nhắc lại, năm 1969, do nhà xuất bản Kỷ Nguyên, chúng tôi có cho ấn hành quyển ‘VĂN CHƯƠNG TRANH ĐẤU MIỀN NAM’, một tác phẩm nghiên cứu văn học theo đường lối cổ điển: tách rời văn học ra khỏi chánh trị bằng cách chỉ nhìn mỗi nhà văn như một hệ thống tư tưởng khép kín ít dính dáng với thời đại, với tư tưởng của người chung quanh. Mặc dầu quyển nầy đã được sự chào đón nồng nhiệt của độc giả, chúng tôi vẫn chưa vừa ý và cảm thấy còn thiếu sót nên coi quyển ‘VĂN CHƯƠNG NAM BỘ VÀ CUỘC KHÁNG PHÁP 1945 – 1950’ như phần bổ túc, một phần dẫn nhập có tính cách đặt vị trí văn chương Nam Bộ với hoàn cảnh lịch sử của giai đoạn văn học đặc biệt đó.
Viết văn học của một thời dính dáng nhiều đến chính trị, chúng tôi không thể bỏ qua được sự kiện ngoài văn học. Vì vậy độc giả sẽ bắt gặp trong quyển nầy những đoạn đề cập đến hành vi cai trị của người Pháp, đến huyền thoại đô hộ... những vấn đề có vẻ thuộc về chánh trị.
Tuy nhiên vấn đề trở về vấn đề phương pháp.
Người viết có sẵn trong đầu những ý tưởng, đã thấy những ý tưởng, đã thấy những sự kiện thời Pháp thuộc và cố tìm trong tác phẩm của thời đại mình khảo sát những đoạn văn phù hợp để chứng minh hay từ những điều được ghi lại trong tác phẩm xếp lại thành một hệ thống để trình bày bộ mặt văn học của một thời?
Viết theo cách thứ nhất, mặc dầu quyển sách phong phú về nội dung chánh trị nhưng người viết sẽ vấp phải tính cách chủ quan và không thể tránh được việc bóp méo tác phẩm để biện minh cho tư tưởng của mình nên chúng tôi đi theo con đường thứ hai, nghĩa là chỉ trình bày trung thực những điều các tác phẩm giai đoạn 1945 - 1950 nói đến.
Mặc dầu đề tài có tính cách văn học, nhưng nội dung vẫn bao hàm một ý nghĩa chánh trị: ( sự vận động của văn chương Nam Bộ vào cuộc vận động quần chúng trong việc kháng thực 1945 - 1950 ) nên chúng tôi không thể xét về khía cạnh nghệ thuật của những văn thi phẩm, phương cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh... của các tác giả cũng như không thẩm định giá trị tư tưởng, không đề cập đến thái độ chánh trị từng tác giả mà chỉ nhìn tư tưởng của một thế hệ văn học, coi tư tưởng nầy như đại diện cho toàn thể những cảm nghĩ, suy tư của một thời.
Chúng tôi sẽ bổ khuyết những thiếu sót đó để chuộc tội với bạn đọc bằng cách sửa chữa quyển VĂN CHƯƠNG TRANH ĐẤU MIỀN NAM và tái bản dưới một nhan đề mới VĂN CHƯƠNG NAM BỘ trong một ngày gần đây.
SAIGON, tháng 04 – 1972
NGUYỄN VĂN SÂM
PHẦN I
Văn Chương Nam Bộ
và
Ý Hướng Kháng Pháp
CHƯƠNG I
TƯ SỰ ĐẶC BIỆT CỦA NHỮNG NĂM
1945 - 1950
ĐẾN VĂN CHƯƠNG TRANH ĐẤU CỦA NAM BỘ
Tiết 1: Sự đặc biệt của lịch sử năm 1945 hình thành
văn chương tranh đấu của Nam Bộ.
Sau khi làm chủ ba tỉnh miềng Đông rồi ba tỉnh miền Tây... người Pháp lần lần đặt ách thống trị lên toàn lãnh thổ Việt Nam. Sự việc kéo dài đến đêm 08 rạng ngày 09/3/1945, đêm người Nhật đánh úp Pháp ở Đông Dương.
Để trấn an dư luận của các dân tộc ở Đông Dương, người Nhật đưa ra chánh sách Á Châu của người Á Châu, đối với Việt Nam, họ xác nhận đánh Pháp cốt lấy chánh quyền giao trả cho người Việt Nam, nước Việt Nam hoàn toàn độc lập sẽ cùng Nhật lập thành khối Đại Đông Á 1.
Trong chiều hướng đó, người Nhật lo yểm trợ cho một chánh phủ do người Việt Nam cầm quyền, do đó nội các Trần Trọng Kim ra đời. Tuy nhiên, chánh phủ nầy không làm được gì nhiều vì thiếu sự hưởng ứng của nhân dân và lòng thành thật của người Nhật trong việc cộng tác.
Trong lúc đó, tình hình biến chuyển mau lẹ: ngày 14-8-1945, Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh kéo theo sự kiện Việt Minh nắm chánh quyền (ở Hà Nội ngày 19-8-1945, ở Saigon ngày 25-8-1945) và cáo chung chế độ quân chủ.
Với chánh sách cố hữu bấu víu vào thuộc địa, người Pháp nhân lúc nầy cho tướng Leclerc xua quân vào Nam Bộ. Dĩ nhiên, dân tộc Việt Nam không chịu mất đất lần thứ hai, nên cuộc xung đột Việt-Pháp xảy ra tại Miền Nam, bắt đầu từ ngày 23-9-1945.
Từ đây chiến tranh lan tràn một lúc một khốc liệt đến khi Hiệp định Genève ra đời.
Trong khoảng thời gian nầy người Pháp dùng giải pháp chánh trị bằng cách lập nên những chánh phủ dưới quyền điều khiển của Bảo Đại từ cuối tháng 5-1948. Với giải pháp nầy, đất nước Việt Nam bây giờ lâm vào tình trạng đáng buồn vì trên thực tế nước nhà có hai chánh phủ và mỗi bên đều được các quốc gia bạn công nhận.
Ngay từ lúc người Pháp bắt đầu xâm lăng Việt Nam, người Việt đã cố gắng không ngừng để giành độc lập, người Pháp vì vậy phải khổ công đánh dẹp trong suốt thời gian đô hộ của họ (1). Lòng yêu nước của người Việt Nam đã được ghi nhận bởi chính những người Pháp có trách nhiệm bình định Việt Nam: ‘những đảng phái quốc gia chống Pháp, có những khuynh hướng khác nhau, đã có ngay từ lúc đầu cuộc cai trị của chúng ta’ (người Pháp) 2.
Trong các cuộc nổi dậy, tuy giai cấp lãnh đạo có thay đổi nhưng mục đích vẫn chỉ theo một đường duy nhất: đánh đuổi người Pháp. Lịch sử thống trị của Pháp ở Việt Nam cũng là lịch sử của cuộc kháng chiến không ngừng, khi thì bộc lộ, khi thì tiềm ẩn, mỗi giai đoạn một giai cấp xã hội hướng dẫn cuộc chiến, với những phương pháp khác nhau nhưng cùng chung một mục đích 3.
Nhưng những cuộc nổi dậy của người Việt Nam yêu nước thường gặp thất bại và phải chịu cảnh đàn áp dã man của người Pháp. Sự kiện này cũng dễ hiểu vì bọn cai trị thường có kỹ thuật chiến tranh cao trong khi người bị trị tuy có lòng yêu nước nhưng thiếu thốn tất cả mọi phương diện: từ tài chánh, quân sự đến tổ chức, cán bộ. Người Pháp vốn đã có kinh nghiệm từ các cuộc đô hộ khác nên rất khôn khéo, họ áp dụng một cách thần tình những biện pháp đặc biệt để đánh lạc hướng lòng ái quốc của người Việt bằng những thủ đoạn chánh trị, văn hoá, thể thao cũng như đề cao phong trào khoái lạc và chủ nghĩa cá nhân 4.
Nhưng người Việt Nam có dịp trỗi dậy nhừ cơ hội đặc biệt của năm 1945, lúc người Nhật đánh úp chánh quyền Pháp ở Đông Dương. Thật vậy, vì mới bước chân vào Việt Nam, người Nhật chưa có thời giờ đè bẹp các đảng phái cách mạng đã khai sinh từ lâu trên đất nước nầy, nên phải mua chuộc, do đó lực lượng chống đối bọn thực dân có dịp lớn mạnh dần.
Khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, đảng nhanh tay nắm lấy chính quyền trong tình trạng lộn xộn bấy giờ là Mặt Trận Việt Minh và khi người Pháp manh tâm chiếm lại Việt Nam cũng chính lãnh tụ Việt Minh ở Nam Bộ phát động phong trào chống đối rầm rộ nhất.
Diễn văn của Lâm Uỷ Hành chánh Nam Bộ có đoạn rất hùng hồn: Kẻ địch âm mưu gác lại ách nô lệ trên hai mươi lăm triệu đồng bào. Họ nhảy dù, họ đoạt nhà ga, họ toan qua đèo Lao Bảo, họ đã bị đánh lùi nhưng họ chưa chịu đứng yên, chúng tôi đã bắt được bằng cớ chắc chắn rằng họ toan dùng võ lực thình lình lật đổ chánh quyền Cộng hoà để đem lại một vị Toàn quyền như thuở trước.
Đồng bào!
Ở đây có ai thừa nhận một vị Toàn Quyền cai trị xứ ta không?
Không!
Có ai chịu bó tay cho thực dân ra mặt hay dấu mặt trở lại không?
Không!
Thì ta thề bên chánh phủ, cương quyết chống lại mọi sự xâm lăng dầu chết cũng cam lòng 5
Một bên quyết chiếm lại thuộc địa cũ, một bên quyết bảo tồn nền độc lập vừa ló dạng nên chiến tranh phải xảy ra. Sàigòn trở thành chiến trường đầu tiên rồi đến các tỉnh Hậu Giang (23-9-1945) lần lần toàn thể nước Việt Nam đều lâm vào binh lửa, một cuộc binh lửa chống hành động thực dân.
Vấn đề căn bản đặt ra: Trong cuộc chiến Pháp-Việt giai đoạn 1945-1950, người Việt Nam có lợi dụng mọi phương tiện, để tuỳ theo cương vị mình đóng góp vào cuộc chiến giải thực hay không?
Câu hỏi trên ngoài phương diện lịch sử còn giúp chúng ta đặt đúng giá trị của văn chương thời này.
Thật vậy, văn chương Việt Nam giai đoạn 1945-1950 phần lớn đi theo đường lối tranh đấu, người viết như có sẵn một mục tiêu: phải viết thế nào để người đọc cảm thấy yêu quê hương dân tộc, căm giận bọn thực dân thống trị và hăng say trong việc lên đường cứu nước. Tính chất đấu tranh đã có sẵn trong văn học Việt Nam từ thời trước với những bài thơ của Lý Thường Kiệt, bài hịch của Trần Quốc Tuấn, bài cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi, thơ, phú, văn tế của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Xuân Ôn, Kỳ Đồng, Nguyễn Quang Bích... Gần hơn nữa, trong các bài thơ, vè, luận thuyết của những nhân vật trong nhóm Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục...
Tuy nhiên, trước giai đoạn 1945, chúng ta chỉ có những tác phẩm tranh đấu nhưng chưa có một nền văn chương tranh đấu vì thời đó chỉ có một vài nhà văn sáng tác lẻ tẻ khi lòng mình rung động về vấn đề quốc gia, dân tộc; nhà văn chưa đặt vấn đề đường hướng sáng tác để những cây bút đồng thời cùng đánh vào mọt mục tiêu. Ngày xưa Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Mẫn Đạt... lạc loài trước bao nhà văn cùng thời đại. Năm 1945, gần như tất cả văn gia đều hướng về việc tranh đấu, giải thực... Điều nầy, có lẽ do tình trạng đặc biệt của năm 1945, năm mở ra kỷ nguyên độc lập với việc quân Nhật đầu hàng Đồng Minh và cũng là năm nguồn hy vọng loé lên trong lòng dân tộc đã tắt đi với sự kiện trở lại Đông Dương của người Pháp.
* Về chủ nghĩa cá nhân và phong trào khoái lạc, một tác giả giai đoạn, Ông Phan Hữu, trong quyển Việt Nam, một nền kinh tế tương lai, trang 22, có viết: Và mới đây, mới gần đây, dân Việt trải qưa một thời kỳ khủng hoảng tinh thần với chủ nghĩa cá nhân và phong trào khoái lạc mà bọn thực dân reo rắc vào đây để diệt tinh thần chủng tộc. Phong trào đó bành trướng từ 1935 đến 1939, tưởng chừng như đã đưa dân tộc Việt Nam xuống vực thẳm.
Hy vọng vừa bừng nở đã chợt tắt vì ý đồ thực dân của người Pháp trong việc muốn tái lập chế độ đô hộ xưa, dân chúng vì vậy oán hận, căm thù. Thêm vào đó cảnh máu lửa khắp nơi, người chết, nhà cháy, lòng người như một cảm thấy yêu mến quê hương, dân tộc hơn. Họ làm mọi điều hữu ích cho quốc gia không để ý gì đến những hậu quả tai hại cho chính bản thân và gia đình họ: gia nhập bộ đội, xung vào ban cứu thương, sáng tác tuyên truyền lòng ái quốc hay phổ biến những sáng tác đó, muôn người như một, nam cũng như nữ, khoẻ mạnh cũng như tật nguyền 6 .
Văn chương Nam Bộ vì vậy được những người cầm bút lúc đó coi như thể hiện sự đóng góp phần mình vào công cuộc chung của quốc gia.
Tiết 2 : Văn Chương Nam Bộ.
Danh từ Văn chương Nam Bộ chỉ một cách tổng quát các tác phẩm được sáng tác ở miền Nam từ 1945 đến 1950.Theo khía canh đến tay độc giả nhiều hay ít, tạo được dư luận rộng rãi trong quần chúng hay không, chúng ta có thể chia văn chương Nam Bộ ra làm ba phần:
a) Loại xuất hiện ở thành:
Loại nầy phong phú nhất, xuất báo chí cũng như được ấn hành từng tập bằng một kỹ thuật ấn loát cao với số lượng phát hành từ ba đến mười ngàn số một tác phẩm. Tác giả của loại nầy hầu hết ở Sàigòn và sanh trưởng ở miền Nam, hoạt động văn hoá thuần tuý - trừ một vài trường hợp đặc biệt như Hồ Hữu Tường, Bách Việt...
Nơi đây, nói chung, tác giả có thể viếc theo ý mình, không cần theo đường lối, lập trường nào, ngòi bút tương đối được phóng khoáng, tự do. Vấn đề chánh yếu của họ ở chỗ làm thế nào cho tác phẩm qua mắt được bọn kiểm duyệt, không bị nhà nước lúc ấy do người Pháp cầm quyền, tịch thâu.
Tuy nhiên, cũng có một vài tác phẩm bị cơ quan kiểm duyệt cấm xuất bản:
- Ngục tối giữa rừng sâu của Sơn Khanh 7
- Bức xiềng của Thiên Giang.
- Nam Bộ Chiến Sử II 8
hoặc chánh phủ cấm lưu hành, ai tàng trữ sẽ bị tội, có thể bị tù:
- Nửa bồ xương khô của Vũ Anh Khanh - Tân Việt Nam - Saigon, 1049.
- Chiến Sĩ Hành của Vũ Anh Khanh - Tân Việt Nam - Saigon, 1949.
- Nam Bộ Chiến Sử I của Nguyễn Bảo Hoá - Lửa Sống - Saigon, 1949.
Tác phẩm xuất hiện ở thành phố phổ biến rộng rãi, số độc giả đông đảo do đó dư luận quần chúng khá mạnh. Có nhiều tác phẩm trong vòng hai tháng đã tiêu thụ hết 10.000 quyển như Bạc Xiu Lìn của Vũ Anh Khanh - (Tiếng Chuông - Saigon, 1949), hoặc ấn hành trong vòng một tháng đã bán hết, nhà xuất bản cho in lại ngày lần thứ 2 như: Người Yêu Nước của Thẩm Thệ Hà - (in lần thứ I, II đều do nhà Tân Việt Nam - Saigon, 1949). Có những tác phẩm gây phong trào trong quần chúng, nhiều xóm nhỏ
người đọc chuyền tay nhau thảo luận, bàn bạc khiến cho nhà cầm quyền Pháp phải ra lịnh tịch thâu và cấm tàng trữ. Nói chung, tác phẩm ở thành tạo được một ảnh hưởng khá lớn nơi người đọc lúc bấy giờ.
b) Loại xuất biện ở bưng :
Những năm 1947-1950 ở Nam Bộ, bộ đội kháng chiến đang chiếm vài khu ( được gọi bằng các danh từ khu, bưng, bưng biền, chiến khu ). Nơi đây sáng tác phẩm văn nghệ cũng xuất hiện, nhưng ít hơn ở thành. Tác phẩm ra mắt độc giả thường bằng phương tiện báo chí của khu hoặc ấn hành thô sơ bằng thạch bản. Vì thuộc vùng ít độc giả, vì phương tiện xuất bản eo hẹp, sự phổ biến trong quần chúng của các tác phẩm nầy, khá hạn hẹp. Mặt khác, trong khu, ngoài những người ở trong Mặt Trận Việt Minh còn có những người thuộc các đảng phái chánh trị khác như Tân Dân Chủ, Đồng Minh Hội, Quốc Dân Đảng nên vì tình đoàn kết, tác giả không thể viết được theo ý mình, tác phẩm do đó chưa thể bao quát tất cả đề tài và thể văn như những sáng tác ở trong thành.
c) Loại sáng tác chuyền tay:
Loại này cũng xuất hiện ở thành nhưng không đến tay độc giả vì sự cấm đoán của cơ quan kiểm duyệt hoặc vì tác giả chưa có phương tiện xuất bản. Tuy các tác phẩm này chưa được một số độc giả đông đảo nhưng cũng đã ảnh hưởng lên những bạn bè thân hữu của người viết và tạo những tiếng vang trong giới cầm bút lúc bấy giờ. Ta có thể kể:
- Bốn mùa ly loạn, của Thanh Hà (tháng 4-1950) 9
- Nuôi sẹo của Triều Sơn 10.
- Nước độc của Sơn Khanh
- Bứt xiềng của Thiên Giang. -
- Nam Bộ Chiến Sử II của Nguyễn Bảo Hóa 11.
Ảnh hưởng trong quần chúng loại nầy giữ vai trò khiêm nhường nhất. Vì vấn đề tài liệu khó khăn, chúng tôi chỉ có thể đề cập đến các sáng tác ở thành và một vài tác phẩm chuyền tay. Tuỳ theo nội dung, phần nầy có thể xếp thành ba loại:
1) - Tác phẩm lớp dưới:
Loại nầy ít được quần chúng hoan nghênh vì tác giả chỉ khai thác thị dục của người bình dân, dụng ý của người viết chỉ nhằm khêu gợi tính tò mò và dục tính của người xem để kiếm tiền, những vấn đề văn nghệ thuần tuý hay cuộc kháng chiến của toàn dân họ không chú tâm đến, nếu có đề cập đến cũng chỉ vì theo trào lưu, câu khách chớ không phải vì quốc gia, vì quần chúng một cách thật sự . Họ viết theo ý họ: ly kỳ,
dâm dật với một kỹ thuật qua kém: dài dòng, bố cục không hợp lý, tâm lý nhân vật không đúng. Xin đơn cử một vài tác phẩm loại nầy:
- Nguyệt Hồng trên đường xương máu Phú Đức- nhật báo Sài gòn mới-1949.
- Một chiến sĩ của Nguyễn Đạt Thịnh - Tân Việt - Sài gòn, 1949.
- Cửa thiền bên khói lửa của Nguyễn Đạt Thịnh - Tân Việt - Sài gòn, 1949.
- Thau khao của Nguyễn Đạt Thịnh - Tân Việt - Sài gòn, 1949.
- Người chiến binh bạc mệnh của Nguyễn Đạt Thịnh - Tân Việt - Sài gòn, 1949.
2) - Tác phẩm đi ngoài trào lưu:
Loại nầy thiên về mô tả tâm lý, phong tục, đời sống dân quê hay những chuyện nho nhỏ của cuộc đời thường nhật, bất cứ thời nào cũng có. Ở đây tác giả chọn những đề tài có tính cách trường cửu. Họ làm văn nghệ thuần tuý, có hướng đi riêng của mình, không chú ý đến sự kiện nước nhà đang có sự trở mình, ta có thể kể:
- Cánh đồng của Trúc Giang.
- Nhốt gió của Bình Nguyên Lộc,
- Quả đấm thôi sơn của Lê Hương,
và các tác phẩm giai đoạn 1945-1950 của Hồ Biểu Chánh....
3) - Tác phẩm cổ võ, ủng hộ công cuộc kháng chiến:
Dề tài của loại nầy dính dáng đến thời thế, nhà văn làm văn nghệ nhưng chấp nhận sự dấn thân, quan niệm mình không thể tách rời khỏi cuộc đời, khỏi thời đại. Họ cho mình là tai mắt, là lương tâm của thời đại. Tác phẩm dùng chất liệu thực tế để tạo những ảnh hưởng có lợi cho cuộc kháng Pháp 1945-1950.
Để có cái nhìn toàn bộ về những tác phẩm nầy, chúng tôi xin liệt kê những quyển quan trọng theo thể văn:
1. Thi phẩm:
Chúng ta có những tập thơ sau:
- Chiêu hồn của Ngao Châu - Dân Tộc. Saigon, 1949.
- Hồn Việt của Hùng Nguyên - Đuốc Việt - Saigon, 1949.
- Thơ Chim Xanh của Chim Xanh - Dân Tộc, Saigon, 1949.
- Thơ Ý của Hồ Văn Hảo - Tác giả xuất bản- Saigon, 1950.
- Mây Xưa của Mỵ Lan Khanh - Quê Hương - Saigon, 1950.
- Chiến Sĩ Hành của Vũ Anh Khanh - Tân Việt Nam- Saigon, 1949.
- Trên đường của Ái Lan - Dân Tộc - Saigon, 1949.
- Thơ ngụ ngôn của Nghiêm Lang - Việt Nhi, Saigon, 1948.
- Hương lòng của Hoài Sơn - Đuốc Việt - Saigon, 1949.
- Khúc nhạc thành của Hồ Thị - Dân Tộc - Saigon, 1949.
2. Kịch thơ:
Loại nầy quá ít, chúng ta chỉ có những bản sau:
- Giặc cờ đen của Ninh Huy - Dân Tộc - Saigon, 1949
- Tây Thi gái nước Việt của Hoàng Mai - Bách Việt - Saigon, 1949.
- Hận Tây Đô của Quốc Dân - nhật báo Ánh Sáng, tháng 6-1949.
- Trần Bình Trọng của Hồ Thị - Dân Tộc - Saigon, 1949.
3. Truyện ngắn:
Loại nầy khá nhiều, trong giai đoạn văn học dài 5 năm, ta có những tập sau:
- S.O.S. của Quốc Ấn - Tiếng Chuông - Saigon, 1949.
- Vĩ tuyến XI của Quốc Ấn - Nam Việt - Saigon, 1949.
- Đáp lời sông núi của Quốc Ấn - Đại Chúng - Saigon, 1949.
- Trái lựu đạn không kịp nổ của Thiết Can - Nam Việt - Saigon, 1949.
- Một vũ trụ sụp đổ của Dương Tử Giang - Nam Việt - Saigon, 1949.
- Bên kia sông của Vũ Anh Khanh - Tân Việt Nam - Saigon, 1949.
- Sông máu của Vũ Anh Khanh - Tiếng Chuông, Saigon, 1949.
- Chị Dung của Hợp Phố - Nam Việt - Saigon, 1949.
- Lao tù của Thiên Giang - Nam Việt - Saigon, 1949.
- Kòn Trô của Lý Văn Sâm - Tân Việt - Saigon, 1949.
- Ngoài mưa lạnh của Lý Văn Sâm - Tân Việt - Saigon, 1949.
- Sương gió biên thuỳ của Lý Văn Sâm - Tân Việt - Saigon, 1949.
- Kiếp gió sương của Hoài Sơn - Nam Việt - Saigon, 1949.
-Lấp con sông máu của Nguyễn Xuân Mỹ - Tác giả xuất bản - Saigon, 1951.
- Giờ chót một tội ác của Bùi Nam Tử - Bảo Tồn - Sai gon, 1950.
4. Truyện dài:
Loại nầy phong phú nhất:
- Trong mùa chinh chiến của Phạm Thu Cảnh - Bạch Đằng - Saigon, 1949.
- Nguồn lửa hận của Liên Chớp - Bốn Phương - Saigon, 1949.
- Đi tìm lẻ sống của Nguyễn Anh Dũng - Tân Việt - Saigon, 1949.
- Sống của Hải Đường - Đông Dương - Saigon, 1949.
- Tranh đấu của Dương Tử Giang - Nam Việt - Saigon, 1949.
- Vó ngựa cầu thu của Thẩm Thệ Hà - Tân Việt - Saigon, 1949.
- Gió biên thuỳ của Thẩm Thệ Hà - Tân Việt - Saigon, 1949.
- Người yêu nước của Thẩm Thệ Hà- Tân Việt Nam -Saigon, 1949.
- Bộ áo cà sa nhuộm máu của Nguyễn Bảo Hoá- Tấn Phát - Saigon, 1949.
- Đâu? một ngày về của Hoàng Kim - Tân Việt- Saigon, 1949.
- Bên mồ của Hoàng Kim - Tân Việt -- Saigon, 1949.
- Hờn chinh chiến của Việt Quang - Tân Việt- Saigon, 1949.
- Hận người tử sĩ của Hoàng Kim- Tân Việt- Saigon, 1949.
- Cây ná trắc của Vũ Anh Khanh - Tân Việt- Saigon, 1949.
- Nửa bồ xương khô của Vũ Anh Khanh - Tân Việt Nam - Saigon, 1949.
- Bạc xíu lìn của Vũ Anh Khanh - Tiếng Chuông - Saigon, 1949.
- Sinh trong tù của Võ Hoà Khanh - Tân Văn Hoá- Saigon, 1949.
- Những tia nắng mới của Đặng Thị Thanh Phương - Tân Việt- Saigon, 1949.
- Trên đường nhiệm vụ của Đặng Thị Thanh Phương - Tân Việt- Saigon, 1949.
- Sau dẫy Trường Sơn của Lý Văn Sâm - Tân Việt- Saigon, 1949.
- Chiếc vòng ngọc thạch của Lý Văn Sâm, - Tân Việt- Saigon, 1949.
- Nga và Thuần của Lý Văn Sâm- Phạm Văn Sơn - Saigon, 1950.
- Về thành của Hoài Tân - Nam Việt- Saigon, 1949.
- Thu Hương của Hồ Hữu Tường - Sống Chung- Saigon, 1949.
- Chị Tập của Hồ Hữu Tường - Sống Chung- Saigon, 1949.
- Phi Lạc sang Tàu của Hồ Hữu Tường - Sống Chung- Saigon, 1949.
- Người vợ tù mong một ngày về của Bùi Nam Tử - Đại Chúng- Saigon, 1949.
- Trốn tù của Bùi Nam Tử - Đại Chúng- Saigon, 1949.
- Tình quê của Phi Vân - Nam Việt- Saigon, 1949.
- Dân quê của Phi Vân - Nam Việt- Saigon, 1949.
5.- Loại dịch thuật:
Tác phẩm dịch thuật thời này tương đối ít:
- Đường lên cõi Bắc của Ngao Châu, dịch của Richard Wright - Đại Chúng- Saigon, 1949.
- Tia nắng của Thê Húc, tuyển tập truyện ngắn thế giới - Nam Việt - Saigon, 1949.
- Gót sắt của Bùi Nam Tử dịch của Jack London 12 (đăng trên báo Tiếng Chuông, 1949-1950).
- Ngục trung thư của Đào Trinh Nhất, dịch của Phan Bội Châu - Tân Việt- Saigon, 1949.
- Sở tìm việc của Tịch Khách 13 dịch của Panait Istrati (đăng trên tuần báo Việt Báo, 1949).
- Con đường cứu nước của Thẩm Thệ Hà 14 dịch của P.J. Stahl - Nam Việt - Saigon, 1947.
- Tiếng chuông kháng chiến của Quốc Ấn, dịch của Guy de Maupassant - Đại Chúng - Saigon, 1949.
6.- Loại biên khảo nghiên cứu:
Biên khảo thời nay tuy cũng rầm rộ, phong phú về đủ mọi mặt về chánh trị, kinh tế, sử học... nhưng vì tình hình quá sôi động, chúng ta chưa có những tác phẩm đặc sắc mà chỉ được những quyển đặt vấn đề cho người đọc suy nghĩ, chỉ trình bày một vài ý kiến rời rạc chưa có hệ thống, không có giá trị trường cửu.
* Loại chánh trị: nhiều nhất:
- Dân chủ của Văn Lang (bút hiệu của Trần Văn Ân).
- Phong trào thanh niên tiền phong của Mai Văn Nguyễn.
- 83 năm, Việt Nam và Pháp mấy lần ký hiệp ước của Nam Đình - Việt Thanh- Saigon, 1948.
- Saigon, Septembre 1946 của Nam Đình - Việt Thanh - Saigon, 1948.
- Giữa hai cuộc cách mạng của Thiếu Sơn - Tác giả xuất bản - Saigon, 1947.
- Cuộc cách mạng Việt Nam thành công chăng và thành công cách nào? của Tam Ích -Nam Việt- Saigon, 1947.
- Dân chủ và dân chủ của Thiên Giang - Nam Việt - Saigon, 1947.
- Vấn đề Việt Nam trước quốc tế công pháp của Bùi Văn Thinh - ABC- Saigon, 1947.
* Loại danh nhân Việt Nam : các tác phẩm trong tủ sách những mảnh gương của nhà xuất bản Tân Việt - Saigon, 1949.
* Loại Kinh Tế và Sử:
- Việt Nam, một nền kinh tế tương lai của Phan Hữu- Ngày Nay- Saigon, 1947.
- Kế hoạch 5 năm của Liên xô của Phan Hữu - Ngày Nay- Saigon, 1947.
- Yếu luân Kinh tế học của Bách Việt - Nam Việt- Saigon, 1949.
- Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam của Ngọc Dương - Ngày Nay - Saigon, 1949.
- Kinh tế học của Mạc Lý Tử- Kiến Quốc - Gia Định,1947.
* Loại Văn học:
- Văn chương và xã hội của nhóm Chân Trời Mới - Nam Việt- Saigon, 1949.
- Nghệ thuật và nhân sinh của nhóm Chân Trời Mới - Nam Việt- Saigon, 1949.
- Văn nghệ và phê bình của nhóm Chân Trời Mới - Nam Việt- Saigon, 1949.
- Việt Nam văn học sử yếu của Nghiêm Toản - Vĩnh Bảo- Saigon, 1949.
- Việt Nam trên đường cách mạng tân văn hoá của Thẩm Thệ Hà - Tân Việt Nam- Saigon, 1949.
Trong giới hạn của tài liệu và đi theo đề tài của quyển sách nầy, chúng tôi chỉ sẽ nói đến các tác phẩm ở phần a) tuy rằng, nếu có dịp, chúng tôi cũng nói đến một vài tác phẩm chuyền tay. Điều nầy thật ra cũng không sai lắm và ta có thể coi những tác phẩm trong bản lượt kê trên đại diện cho văn chương Nam Bộ vì:
- sự phong phú của tác phẩm.
- ảnh hưởng mạnh mẽ của các tác phẩm nầy lên số đông quần chúng độc giả thời đó.
- tính chất nhất trí của các tư tưởng được trình bày trong các tác phẩm.
Do đó, để dơn giản, chúng tôi tạm gọi bằng danh từ gần đúng: Văn chương Nam Bộ để chỉ các tác phẩm ở phần a)
Nhìn chung, văn chương Nam Bộ góp phần vào việc kháng Pháp trong việc đề cập đến ba chủ điểm sau:
1) Trình bày dã tâm thống trị của người Pháp ở Việt Nam.
Người Pháp khi thi hành công cuộc thực dân đã đưa ra những chiêu bài mở mang, khai phóng cho các dân tộc nhược tiểu, mở mang về kỹ nghệ, y tế, kinh tế...khai phóng về các phương diện văn hoá, giáo dục... Những chiêu bài nầy, thật ra có tác dụng như
một lớp sơn để che dấu thực tâm của họ trong việc khai thác, bóc lột dân bị trị. Văn chương Nam Bộ đã vạch ra cho người đọc thấy những thực chất chánh sách cai trị của người Pháp ở Việt Nam, một thực chất bóc lột được điều hành bằng đường lối vô nhân.
2) Một hình ảnh đau thương của dân tộc dưới chế độ:
Sống trong một nước mất chủ quyền, bị đày ải trong ngục tù của thực dân, người dân Việt đã phải gánh chịu những khổ sở, đớn đau. Về tinh thần, tâm hồn không có lúc nào được thư thả, những nỗi sợ hãi, như không biết lúc nào mình bị bắt, bị đánh đập, bị tù đày luôn luôn bị ám ảnh. Từ tâm trạng sợ sệt đó, họ sống thui thủi, rút mình lại không giao thiệp với ai, bơ vơ ngay chính trên quê hương mình. Về vật chất, họ phải kéo lê quãng đời nghèo đói vì bị ức hiếp, bóc lột, hành hạ...
Người sống trong cảnh tự do đã như vậy, kẻ bị sa vào vòng tù tội - vì bất cứ lý do gì - tình trạng còn bi đát hơn nhiều...
3)Kêu gọi người dân giải quyết vấn đề bằng cách lên đường cứu nước:
Sự khổ sở của dân tộc sinh ra từ dã tâm thống trị của người Pháp, vậy để giải quyết vấn đề phải giải quyết từ căn bản bằng cách xoá chế độ do người Pháp xây dựng để tạo lập một chế độ mới trong đó mọi người đều bình đẳng, không còn sự áp bức, bóc lột...nghĩa là thực hiện sự độc lập cho nước Việt.
Văn chương tranh đấu của Nam Bộ, do đó kêu gọi người dân thực hiện truyền thống hào hùng của dân tộc, vạch ra nhiệm vụ của người dân phải giúp ích nước nhà trong phạm vi của mình...
Ba chủ đề nầy chúng tôi sẽ lần lượt trình bày ở phần II của quyển sách.
GHI CHÚ :
1 Thông cáo của Thống Đốc Nhật Bản ở Đông Dương. Tài liệu của Phan Xuân Hoà - Từ nội các Trần Trọng Kim đến Chính Phủ Bảo Đại - In tại nhà in Hà Nội - 1949, trang 7).
2 Xem Nguyễn Bảo Hoá - Nam Bộ Chiến Sử - Lửa Sống - Saigon - 1949 hoặc bất cứ quyển sử nào nói về thời Pháp thuộc
3 Henri Navarre - Agonie de l'Indochine - Plon-Paris-1955, trang 11.
4 Lê Thành Khôi - Le Việt Nam, histoire et civilisation - Minuit, Paris-1955, trang 380.
5 Diễn văn của Trần văn Giàu, ngày 02-9-45, tài liệu riêng, một tờ giấy bướm. Cách nay hơn 10 năm , khoảng 2001-2004, có gặo và hỏi ông TVG về bài diễn văn của ông ta, được trả lời: Đó là ứng khẩu. Tài liệu bướm ai đó có là những gì làm sau nầy.
* Về văn hoá và chánh trị, xem Nguyễn Văn Trung - Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam - Nam Sơn, Saigon, 1967.
* Về thể thao: những năm 1942-1945, Ducoroy tổ chức các giải thể thao để hướng về phía khác tình tự ái quốc, họ còn chia rẽ dân Việt bằng cách xếp người Nam, Trung, Bắc tranh giải với nhau, coi những người nầy như thuộc các quốc gia khác nhau.
6 Những năm 1946-1950 ở Sàigòn, người mù không đi xin, nhưng lập từng nhóm từ 2 đến 5 người đi rong trong các xóm, thổi kèn, và hát những bài ca ái quốc cho những gia đình nào muốn nghe. Tiền thưởng từ 2 đến 5 đồng. Về cổ nhạc, người mù ngồi một nơi nào đó đông đảo khách qua lại ( góc chợ, nhà ga, rạp hát, ngã tư...) vào lúc chiều xuống, vừa đờn vừa ca, khách thưởng thức tuỳ ý cho tiền.
7 Tác giả đã cho xuất bản (1971) với tựa mới: NƯỚC ĐỘC và lời bạt của Nguyễn Văn Sâm - nhà xuất bản Nam Cường, Saigon.
8 Tác giả mới đây cho đăng hằng ngày trên nhật báo Tiếng nói Dân tộc (1970).
9 Xuất hiện trên nhật báo Tiếng Chuông khoảng 1956 và mới đây trên nhật báo Điện Tín 1971.
10 Trước đây được đăng một vài đoạn trên tạp chí Tin Văn, 1949 và mới xuất hiện trên tạp chí Tình Thương – 1964.
11 Mới xuất hiện một phần trên báo Tiếng Nói Dân Tộc – 1970.
12 Bản dịch dở dang, chưa kết thúc.
13 Tịch Khách là bút hiệu khác của Thê Húc Nguyễn Văn Hạnh.
14 Cùng dịch chung với Hường Hoa.
... CÒN TIẾP