T rong bài thơ Ngập Ngừng của nhà thơ Hồ Dzếnh, in trong thi phẩm Quê Ngoại năm 1943, đến nay đã tròn 80 năm. Trong đó có mấy câu, nhiều người đã nhớ:
“Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở
… Cho nghìn sau... lơ lửng với nghìn xưa”.
Tập thơ nầy đã tái bản ở Sài Gòn năm 1969, và bài thơ được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ nhạc thành ca khúc Chuyện Hẹn Hò, nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành bài hát Anh Cứ Hẹn… Ngoài ra, vài bài thơ của ông đã phổ nhạc: Hoa Mẫu Đơn (Anh Bằng) “Ước chi sống lại thời xưa ấy. Để ta trẻ mãi, để hẹn nhau”, Chiều (Dương Thiệu Tước) “Nhớ nhà châm điếu thuốc. Khói huyền bay lên cây”.
Trong ca khúc Khi Đã Yêu của nhạc sĩ Phượng Linh (Nguyễn Văn Đông) có câu: “Bao ước mơ còn trong đợi chờ. Cho nghìn sau nối lại nghìn xưa”. Từ xưa đến nay và Đông, Tây có nhiều tác phẩm đề cập đến tình yêu ngang trái (diabolik lovers), đó cũng là lẽ thường tình trong cuộc sống. Trong các bộ tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung trong chốn võ lâm, thu hút độc giả không chỉ chuyện đấu chưởng, kiếm pháp, bí kiếp độc tôn thiên hạ… mà những mối tình ngang trái. Không có mối tình nào ngang trái trong đời sống đầy oan nghiệt như trong truyện kiếm hiệp. Nào là cuộc tình xảy ta giữa hai phái hắc/bạch, thù hận không đợi trời chung giữa các môn phái, hận thù chủng tộc, hiềm khích bởi là con, đệ tử của kẻ thù, cuộc tình tay ba ôm hận trong lòng… (Hai thập niên trước, tôi có viết về Những Mối Tình Ngang Tái Trong Tác Phẩm Kim Dung). Chính những cuộc tình ngang trái oái ăm nầy đã lôi cuốn độc giả từ chương nầy đến chương khác.
Ngày 16/12/1970, phim Love Story (Chuyện Tình) với nhạc phẩm chủ đề của Francis Lai được trình chiếu đầu tiên ở Hoa Kỳ thu hút khán giả trong 4 tuần liên tục. Nhiều nhà phê bình cho rằng của Love Story là bản nhạc xuất sắc, xứng đáng được liệt vào hàng kiệt tác. Theo bình chọn của American Film Institute, nhạc phẩm Love Story của Francis Lai, nằm trong 100 bản nhạc phim hay nhất mọi thời đại. Nhạc phim Love Story đứng hạng thứ 9, chỉ thua các nhạc phim kinh điển như Casablanca, Cuốn Theo Chiều Gió, West Side Story, Bác Sĩ Zhivago… nhưng lại vượt qua mặt My Fair.
Phim Love Story lần đầu tiên được chiếu tại rạp Rex ở Sài Gòn vào tháng 3/1971, khán giả đông nghẹt suốt 6 tuần lễ, hầu hết ở giới trẻ… tuy thời kỳ chinh chiến nhưng trào lưu lãng mạn từ phương Tây dã ảnh hưởng đến miền Nam VN vào thập niên 1960s.
Tác phẩm Love Story, tiểu thuyết lãng mạn của nhà văn người Mỹ Erich Segal, nhà xuất bản Harper & Row, ra mắt đúng ngày Lễ Tình Yêu, 14 tháng 2 năm 1970. Tác phẩm gồm 22 chương, vừa ấn hành đã thuộc loại best seller, bán chạy nhất trong năm 1970 tại Mỹ và được dịch ra hơn 25 ngôn ngữ (Chuyện Tình qua bản dịch của Phan Lệ Thanh).
Thông thường thì đạo diễn dựa vào tác phẩm ăn khách để dựng thành phim nhưng kịch bản của Erich Segal viết cho hãng phim Paramount Pictures về cuộc tình lãng mạn và bi thương giữa đôi tình nhân trẻ Oliver (tài tử Ryan O’Neal) và Jenny (minh tinh Ali MacGraw) thời còn sinh viên. Sau đó, hãng Paramount Pictures và đạo diễn Arthur Hiller đã yêu cầu Erich Segal viết thành tiểu thuyết để giới thiệu với độc giả, vì vậy tác phẩm xuất hiện cùng năm 1970, trước khi phim ra mắt. Nhạc sĩ người Pháp Francis Lai (1932-2010) theo học tại đại học Harvard, Yale ở Hoa Kỳ, giáo sư văn học ở đại học Princeton, Dartmouth… đại học Oxford ở Anh, đại học Munich ở Đức. Nhưng tên tuổi ông lừng lẫy với nhạc sĩ sáng tác, khoảng 600 nhạc phẩm và hơn 100 ca khúc cho phim.
Phim Love Story được đề cử 7 giải Oscar năm 1970 nhưng chỉ đoạt được 1 giải cho nhạc phim. Lúc đó, nhạc phim không có lời, khi phim được trình chiếu, lời của Carl Sigman (dựa theo tình tiết trong phim để viết thành ca khúc) với tiếng hát của danh ca Andy Williams trở thành tình khúc bất hủ.
Tại giải Trái Cầu Vàng 1971, phim Love Story được đề cử 7 giải (phim hay nhất, đạo diễn, kịch bản, nam nữ diễn viên vai chính, nam diễn viên vai phụ, nhạc phim) và đoạt 5 giải (phim hay nhất, đạo diễn, kịch bản, nữ diễn viên vai chính, và nhạc phim).
Trong khi đó tác phẩm Love Story, chỉ là truyện vừa vì khoảng 130 trang, được bán chạy nhất ở Hoa Kỳ và qua các bản dịch cũng thuộc loại best seller nhưng không có nhà phê bình văn học nào ca ngợi đến nó.
Điều trùng hợp giữa nhạc sĩ Francis Lai và nhà văn Erich Segal đều mất cùng năm 2010.
Theo lời kể của nhạc sĩ Francis Lai, nguồn cảm hứng của ông tìm được khúc nhạc Love Story vào lúc nửa khuya. Ca khúc Love Story với giai điệu và tiết tấu nhẹ nhàng, khoan thai, lâm ly, réo rắt… hình dung được nỗi buồn man mác.
Nhạc phẩm Love Story của Farncis Lai được Phạm Duy chuyển sang ca khúc Chuyện Tình, ấn hành trước năm 1975, in cả 3 tiếng Việt, Pháp và Anh.
“PK: Biết dùng lời rất khó, để mà nói rõ
Ôi biết nói gì, cuộc tình lớn quá
Chuyện tình đáng nhớ, tuy cũ như là biển già trắng xoá
Cuộc tình quý giá như những ngọc ngà nàng dành cho ta
Ôi biết nói gì ?
Với một lời quý mến, mà nàng nói đến
Khi bước chân vào cuộc đời vắng ngắt
Cuộc tình thứ nhất, muôn kiếp muôn đời là tình vĩnh viễn
Vì nàng đã hiến đôi cánh tay mềm nghìn đời quyến luyến
ĐK: Lòng ta đầy kín, lòng ta đầy kín
Là muôn nghìn chuyện yêu đương, câu hát thần tiên
Và những mộng huyền mênh mang, đầy kín hồn hoang
Man mác tình duyên
Thôi hết cuộc đời im tiếng
Ðời lẻ loi đã tan, ta đã được nàng
Làm gì còn tiếng than, nắm đôi tay thiên thần
Ði suốt mùa Xuân...
PK: Sẽ còn được biết mấy? Một đời luyến ái
Yêu sẽ lâu dài hoặc là quá ngắn? Thật là khó đoán
Nhưng vẫn cho rằng cuộc đời có hết, loài người có chết
Sao sáng trên trời ngày nào sẽ tắt
Em vẫn gần ta!”
Với cuộc tình bi thương muôn thuở, tác phẩm Love Story của Erich Segal cũng na ná như những tác phẩm cổ điển với cuộc tình thơ mộng của giới trẻ nhưng gặp ngang trái bởi gia đình còn quan niệm lạc hậu “môn đăng hộ đối” (Oliver, con nhà quý tộc, Jenny giai cấp bình dân, gốc Italy, thân phụ là tù binh Italy, được đưa sang Mỹ và sau đó xin lưu trú) nhưng với sức mạnh của tình yêu đã vượt qua vòng cương tỏa đó. Cuối cùng khi Jenny sang Paris, tiếp tục theo học cao học về âm nhạc nhưng không may bị bệnh hoại huyết (leukemia) không có tiền chữa trị. Oliver ở Hoa Kỳ linh cảm điều gì không may xảy ra cho người yêu nên sang Paris, nhưng Jenny từ chối việc nhờ vả bên gia đình chồng và chỉ cần được sống những ngày cuối đời bên nhau.
Khi ông Barett, cha của Ollier biết được hoàn cảnh bệnh tình của Jenny và con trai xin tiền chữa trị cho vợ, ông mang theo số tiền lớn cho con, nhưng đã muộn. Tại bệnh viện, Oliver gặp cha, cho biết “Jenny chết rồi!”. Ông Barett tỏ lời ân hận, nhưng đã muộn!. Bóng tối phủ kín!. (Nếu) Jenny được cứu sống thì không có 3 tác phẩm (truyện, phim và ca khúc) để lại cho đời. Trước đó chuyện tình Lan & Điệp trong tác phẩm Tắt Lửa Lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan (1933), với ca khúc của các nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng. Và, tuồng cải lương làm đẫm lệ. Hay chuyện tình Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài vào thế kỷ thứ tư đời Đông Tấn với tuồng cải lương buồn da diết.
Thấm thoát đã gần sáu thập niên, lúc đó ở phố cổ Hội An, người bạn thân với tôi đang có mối tình rất đẹp với cô nữ sinh học dưới hai lớp, khi anh khoác áo chiến y thì gia đình ngăn cấm không muốn con gái sớm chít khăn tang, cuộc tình tan vỡ! Anh tình nguyện phục vụ trong đơn vị tác chiến ở núi rừng Tây nguyên, nơi đó sống chết với đồng đội cho bớt cô đơn “Nhưng không chết người trai khói lửa. Mà chết người em nhỏ hậu phương” (Chuyện Hoa Sim - Anh Bằng). Thời gian trôi qua với bao thăng trầm nhưng “cái thuở ban đầu” đó vẫn “Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên” (Thế Lữ). “Aimer c'est mourir un peu!.. C’est la vie”.
Nay quý cụ, tuổi già thường mất ngủ, trằn trọc làm gì cho khổ tâm, lấy iPhone, vào YouTube, hoài cố nhân với Love Story “Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa” (Hoài Cảm - Cung Tiến) và cho giấc mơ “lơ lửng với nghìn xưa”.
Little Saigon Aug 2023
* Nghe nhạc phẩm Love Story với tiếng violin & Piano tại :
https://www.youtube.com/watch?v=mZapeCW_QPY