Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             


14 CẢNH ĐẸP Ở VƯỜN CƠ HẠ

  

PHÚ XUÂN: hai thế kỷ là thủ phủ của Nam Hà thời chúa Nguyễn. Sau năm 1802 trở thành kinh đô của nước Việt Nam thống nhất. Cảnh sắc Xuân thành cực kỳ huy hoàng, tú lệ, Hoàng đế THIỆU TRỊ đã làm thơ ca ngợi, cho họa công vẽ lại các danh lam thắng cảnh của Thần Kinh, trong đó có vườn CƠ HẠ.

Nguyên vườn này dưới thời Gia Long là chỗ học tập của hoàng thái tử Đản. Sau khi nối ngôi, Minh Mạng cho sửa chữa, ban tên là CƠ HẠ ĐƯỜNG, nối tiếp với DOANH CHÂU - HẬU HỒ - CẢNH SƠN. Đời Thiệu Trị, nhớ lại kỷ niệm của tiền nhân, vua cho di chuyển các công trình kiến trúc ở vườn THƯ QUANG đến xây dựng tại đây, tạo thành 14 cảnh đẹp:

1. ĐIỆN KHÂM VĂN: nơi vua và thân vương, đại thần hội họp bàn luận văn chương, chính sự

2. LẦU THƯỜNG THẮNG: nhiều tầng cao để vua ngắm cảnh ban ngày

3. GIÁC QUANG BIỂU: chỗ vua thưởng trăng

4. HỒI LANG TỨ PHƯỢNG NINH MẬT: hành lang có mái cho để vua đi dạo ngắm hoa, cảnh

5. HIÊN NHẬT THẬN: nằm phía Tây của vườn, chỗ ngồi ngắm cảnh trời chiều tìm thi hứng sáng tác

6. THƯ TRAI MINH LÝ: phòng đọc sách nghiên cứu

7. HỒ MINH GIÁM: nơi thả thuyền hóng mát ngắm hoa sen ngày hè

8.NÚI THỌ AN: trồng nhiều tùng bách, ở trên dựng cái đình để ngồi ngắm cảnh

9. CẦU KIM NGHÊ: trên cầu dựng lầu cao, nơi vua ngồi hóng mát ngắm cảnh vào mùa thu

10. THỦY TẠ HÒA PHONG: chỗ hóng mát, ngắm hoa sen vào mùa hè

11. SÔNG TÁI VŨ: nguồn sông từ động Phước Lộc chảy vào Hậu Hồ

12. ĐỘNG PHƯỚC LỘC: xếp đá, trồng hoa cỏ để nuôi thú rừng

13. HỒ KIM THỦY: quanh bờ hồ trồng lê liễu

14. ĐẢO THIÊN HỒ: nằm giữa hồ Kim Thủy, trồng nhiều cổ thụ cành lá rườm rà

Vua THIỆU TRỊ thân viết bài ký về vườn CƠ HẠ, nói rõ tình ý của mình: "Thời MINH MẠNG trước đây, TA vâng lệnh vua cha xây cất ngôi nhà CƠ HẠ ở về mé đông tường Tử Cấm Thành, bên trong Hoàng thành. Đây là nơi để cho thiên tử quang lâm những lúc muôn việc xong xuôi nhàn rỗi. Nay là lúc nước nhà thịnh vượng, trong ngoài yên vui. TA bèn nghĩ đem những điệu vũ còn sót lại của vườn THƯ QUANG, trùng tu, chỉnh lý để dời tới đây xây cất đặt tên là VƯỜN CƠ HẠ. Nhằm tăng thêm vẻ sáng đẹp cho những công đức rực rỡ trước đây đồng thời biểu dương thành quả cai trị và bình định hiện tại.

Chúng ta khác hẳn nhà MINH - THANH (Trung Quốc), họ chọn hình thể núi sông xa xôi hàng trăm dặm để xây cất ly cung, biệt quán nhằm vui chơi cho thỏa thích. Hơn nữa, đối với việc dân việc nước, chúng ta có ai dám riêng hưởng nhàn lạc, làm sao còn có thì giờ mà chú ý đến việc này!

Tuy nhiên, nhớ nước nhà mọi việc đều có quy củ, có mối giềng đâu đó rõ ràng, mỗi khi được rảnh rỗi, TA thấy cần phải thư giãn tinh thần, ngụ ý vào sách vở, điển phần. Những lúc đó, TA cho mời các hoàng thân, đại thần vào để tìm hiểu cách cai trị hoặc để ý chốn cung vi xem xét giới phụ nữ có được thuần thục, hiền lương chăng.

Dù vậy, TA vẫn sợ rằng con cháu vì lâu ngày hòa bình trở nên kiêu sa, tham lam, lại dựa vào nguyên nhân trước để sửa sang, xây dựng cung điện, đam mê chơi bời nơi phong cảnh núi sông. Cho nên TA không thể không đưa ra cái ý để tự răn và để lại lời khuyên cho đời sau. Mong con cháu phải giữ gìn gia pháp lâu bền, luôn luôn lo lắng, siêng năng, không được tự tìm lấy thú vui nhàn hạ, ích kỷ."

Trên đây, tôi căn cứ vào sách "NGỰ ĐỀ DANH THẮNG ĐÔ HỘI THI TẬP" ấn hành vào dịp Đoan Dương năm Giáp Thìn (1844 - Thiệu Trị thứ tư) để giới thiệu vườn cảnh CƠ HẠ. Ngày nay, đến Huế, vào thăm cố cung, du khách chỉ còn biết ngậm ngùi:

Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu,
Đỗ quyên đê đoạn nguyệt âm âm.



trong Di Sản Thế Giới



VVM.12.7.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .