X ưa, Bắc Ninh có bà Phạm Thị. Tương truyền, bà Phạm Thị tuổi đôi mươi xinh đẹp, được nhận vào chùa lo các việc sắp lễ. Một đêm khuya sau khi thổi xôi, bà ngủ trên nền chùa, “thần nhân” đi qua, bà “rùng mình”, do đấy có thai. Đêm 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974), bà vừa đến cổng chùa (Tam quan) chùa Cổ Pháp thì bà trở dạ, sinh Lý Công Uẩn. Dân gian lại truyền: Lý Công Uẩn là kết quả thăng hoa của cuộc tình đượm màu huyền thoại giữa Phạm Thị và sư Vạn Hạnh (T.s Lê Văn Yên). Hồi Lý Công Uẩn còn nhỏ, Vạn Hạnh đã nhờ sư Lý Khánh Văn (em ruột của Vạn Hạnh) nuôi dạy. Khi Lý Công Uẩn đã lớn, Vạn Hạnh mới đưa về chùa Tiêu, trực tiếp rèn cặp. Trong triều Tiền Lê, Lý Công Uẩn làm chức Thân vệ tướng quân, Điện tiền chỉ huy sứ. Bấy giờ, lòng người oán giận nhà Tiền Lê. Vua Lê Long Đĩnh mất, đình thần tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua, mở đầu nghiệp nhà Lý 216 năm. Sau, bà Phạm Thị được tôn vinh là Lý Thánh Mẫu Minh Đức Hoàng Thái Hậu. Thánh Mẫu được thờ ở chùa Cổ Pháp và một số chùa khác.
Bà Trần Thị Tần người Hương Mạc- Từ Sơn, sinh ra Nguyễn Du, cũng được tôn vinh vào bậc Thánh Mẫu. Bà Tần xinh đẹp, giỏi chữ nghĩa, lại thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc. Về khoa bảng, tộc Trần ở Kim Thiều- Hương Mạc rất vẻ vang, nhiều người thành đạt: Trần Ngạn Húc đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1538) đời Mạc, làm đến chức Lễ bộ Tả thị lang; Trần Phi Nhỡn (con của ông Húc) đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1589), làm quan đến chức Hộ bộ Thượng thư, sau là Đông các đại học sĩ , Nhập thị Kinh Diên (vào toà Kinh Diên dạy vua học). Phải là một thiếu nữ xuất chúng thế nào, bà Tần mới “lọt mắt xanh” của Nguyễn Nghiễm. Làm quan đến chức Tham tụng, sau Nguyễn Nghiễm được phong Thái tể rồi Đại tư không. Hồi chúa Trịnh Doanh mất, Tham tụng Nguyễn Nghiễm từng dẫn đoàn chính phủ sang vua Lê xin sách phong cho Trịnh Sâm. Trong lễ tấn phong, Nguyễn Nghiễm đọc bản phong sắc của vua, trao kim sách và ấn cho Trịnh Sâm. Lúc nhận sách ấn, Trịnh Sâm đã cảm động “nước mắt lã chã ướt cả hai ống tay áo”. Bà Tần làm thiếp một vị quan trụ cột của triều đình như thế không phải là hoàn toàn hạnh phúc, Nguyễn Nghiễm có 8 bà vợ (21 con), chưa kể thường xuyên trong nhà Tham tụng có ả đào đến ca hát. Đã vậy, ông lại mất vào năm 1775, khi Nguyễn Du mới 10 tuổi. Tham tụng mất, ngôi nhà thuộc các bà vợ có thế lực. Nguyễn Khản là anh ruột Nguyễn Du, đã giữ các chức Đông các đại học sĩ, Nhập thị Bồi tụng. Có thời gian, Nguyễn Du được Nguyễn Khản nuôi, nhưng bản thân Nguyễn Khản cũng mấy phen khốn đốn: Vụ án năm Canh Tý- 1780, Nguyễn Khản suýt bị trảm, lúc Tây Sơn ra Bắc 1784, Nguyễn Khản phải trốn về quê... Sau này lớn lên, Nguyễn Du muốn về quê nội, nhưng Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán (Ở Hồng Lĩnh không có nhà, anh em tan tác), Nguyễn Du thường phải ở Kim Thiều, quê ngoại. Làng Kim Thiều, Hương Mạc thuộc vùng quê quan họ, không chỉ là mảnh đất “màu mỡ” về ca dao, tục ngữ, huyền thoại mà còn là đất học. Khi Nguyễn Du tới thì Hương Mạc đã có Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh và rất nhiều Tiến sĩ: Đàm Thận Huy, Đàm Đình Cừ, Trần Ngạn Húc... Hương Mạc trong vùng đất một đống ông đồ một bồ Tiến sĩ một bị Trạng nguyên... Trở thành Đại thi hào của dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới, Nguyễn Du có một phần nhờ công dưỡng dục của người mẹ và ảnh hưởng quan trọng của miền quê văn hoá Kinh Bắc.
Thời kỳ Cần Vương, bà Nguyễn Thị Điềm, mẹ của Nguyễn Cao cũng là một phụ nữ nổi tiếng. Thuộc dòng tộc Nguyễn Đức, bà Điềm đức hạnh và xinh đẹp. Chồng bà tên là Nguyễn Đức Hanh, người Cách Bi Quế Võ, đỗ cử nhân khoa Tân Mão (1831) làm Tri huyện, bị mất sớm, khi bà mới 27 tuổi. Lúc ấy, nhiều đấng mày râu có chức sắc đã nhòm ngó, định hỏi làm vợ, bà không ưng. Một trưa, đi làm đồng về, bà ra bến sông giặt áo. Có toán lính kéo thuyền đi qua, một tên đã bờm xơm chòng ghẹo rồi chộp vào hoa nhũ của bà. Căm uất, bà đã tát nó. Về nhà, bà buồn lắm, coi như bị thất tiết, bà định quyên sinh, nhưng thương con còn nhỏ. Đến ngày giỗ chồng, bà kể chuyện này cho mọi người trong nhà biết và bảo, sẽ có cách xử lý. Trong lúc mọi người không ai để ý, bà vào trong buồng sắm để sẵn hai nắm cơm hai bát nước cho hai con, rồi bà tự cắt đi hai bầu nhũ... Bà qua đời. Họ hàng làng xóm rồi cả thiên hạ thời ấy, ai cũng kính phục bà, một con người tiết hạnh. Nguyễn Cao, con bà Điềm, thi Hương đậu giải nguyên. Ông từng làm Án sát xứ Nam Định, Bố chánh Thái Nguyên, sau làm Tán lý đạo quân Bắc Ninh, từng phụ trách việc khẩn hoang đồn điền một vùng rộng lớn: từ Phú Bình đến Hiệp Hoà, Yên Thế. Thời ấy, có câu ca ngợi ông: Tặc uý như thần, dân thân như phụ (Giặc sợ như thần, dân kính như cha). Sau ông bị giặc bắt, chúng ra sức dụ dỗ nhưng không được, ông là một sĩ phu tận trung tận hiếu. Ông mất, có nhiều văn , thơ viếng. Trong một bài trướng của các nghĩa dũng có câu: Tưởng thầy lúc tay vung cờ thắm võ công vang dậy sơn hà/ Nay thầy đã khuất, suối vàng chính khí tràn đầy vũ trụ. Nguyễn Cao để lại một số bài thơ, trong đó có bài ca Tự phận, tỏ tấm lòng son cùng đất nước. Sau, anh linh Nguyễn Cao được nhân dân Hà Nội thờ trong Trung Liệt Miếu (gần ấp Thái Hà) cùng với Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu.
Từ ba tấm gương phụ nữ trên đây, câu thành ngữ Hổ phụ sinh hổ tử cũng có thể vận thành Hổ... mẫu sinh hổ tử, Mẹ thần sinh con thánh...