1. Những bông tuyết rơi thấp thoáng bên thềm thỉnh thoảng đôi bông gặp gió, đẩy đưa, nô rỡn rồi hò nhau đập cánh chan chát lên
khung cửa sổ. Từ đó từng cánh, từng cánh trắng ngần, lăn, rịn, bay lả tả xuống bậu cửa. Lấp lóa trong ánh mai vàng buổi sớm khiến
Đạo nhớ đến những cánh mai ngày Tết.
Đạo xỏ dầy, mặc áo ấm, mở cửa bước ra ngoài. Tuyết đã phủ trắng trên những con đường làng quen thuộc.
Một sự tình cờ đến hữu duyên, anh lại gặp đôi vợ chồng già người hàng xóm.
Nhận ra Đạo từ xa cả hai ông bà đã đon đả chào. Xiết chặt tay Đạo, cụ ông vỗ nhẹ vai anh hỏi:
"Sao rồi anh bạn trẻ, xuân đến có nhớ nhà không?". Bỗng dưng Đạo thấy tim mình thắt lại, khóe mắt,
sống mũi cay sè. Quê hương với anh bao giờ cũng là thế. Càng xa càng nhớ đến ra riết.
Biết Đạo xúc động, cụ bà vỗ vỗ vai anh an ủi, rồi cả hai lại thay nhau xiết chặt tay Đạo một lần nữa,
cùng chúc anh một năm mới tốt lành. Đạo đứng lặng im nhìn theo bước đi thong thả của cặp vợ chồng già
trong lao xao tuyết trắng, bỗng dưng nhớ đến Mẹ. Ừ! Bây giờ mẹ anh đang làm gì nhỉ? Bà sẽ lại cặm cụi
bên chiếc máy khâu cổ lô sĩ để máy nốt số hàng chợ? - Hàng đọng lại năm sau, rông cả mình, rông cả khách
- Mẹ thường bảo vậy! Hay bây giờ bà đang tất tưởi giục thằng út lấy xe đạp, còn ,
tay rổ, tay làn đứng chờ nó đèo bà ra chợ để sắm sửa đồ Tết. Để rồi thằng út vốn tính mải chơi,
nghịch ngợm đã không đủ kiên nhẫn để đứng chờ mẹ trở ra, nó đã vội vàng đạp xe về nhà ngồi tán gẫu cùng
lũ bạn học cho đến khi thấp thoáng bóng mẹ tay xách, nách mang trở về nó mới chịu nhổm dậy, chạy ra,
gãi gãi mang tai, nhe nhởn: "Mẹ để con đỡ cho!". Thằng út nhanh tay đỡ đống đồ chất ngất trên tay mẹ xuống,
còn mẹ giơ tay đấm đấm nhẹ vào hai bảo vai, khẽ trách: "Tiên nhân nhà anh, nhờ anh đem xe chở đồ cho
tôi anh lại về để tán gẫu, bộ anh tính cho bà già này chẹo xương bảo vai chắc". Thằng út tay thoăn thoắt xếp
đồ, miệng vẫn nhe nhởn chống chế: "Tại mẹ mà cả lâu quá". Mẹ mỉm cười hiền hậu mắng: "Mà cả xấu lắm à?
Thời buổi gạo châu củi quế cứ xõng lưng như chị em mày có mà tiền núi không đủ tiêu".
Bà nói đúng. Kể cũng lạ cái chợ quê Đạo nhỏ như lòng bàn tay, thường ngày rau cỏ, tôm cá ế ẩm là thế,
nhiều khi vừa bán vừa cho, ấy vậy mà vào những hôm rằm, ngày Tết chả hiểu sao giá cả cứ tăng lên vùn vụt.
Lạ hơn nữa là chả mặt hàng nào có giá. Thấy Đạo thắc mắc, người anh con ông bác ruột vốn là Sếp một
cửa hàng chuyên sản xuất xe đạp Thống Nhất "đểu", một bữa anh cụng cụng ngón trỏ vào trán Đạo,
lè cái lưỡi vàng ởn, chỉ tay vào đó bảo: "Giá cả ở đây chứ còn ở đâu". Thấy Đạo ngẩn tò te,
người anh lắc đầu tính giải thích nhưng thoáng thấy mấy ông khách ngó nghiêng ngoài cửa liền bỏ
Đạo đứng đó vội vàng chạy ra. Lát sau anh trở lại với một nắm tiền trong tay,
vừa đếm vừa cười phe phé. Trở lại câu chuyện bỏ dở, anh bảo: "Mày thấy không,
xe này đúng giá chỉ khoảng 2000đ một chiếc, nếu mình treo giá tử tế thì hôm nay anh chỉ lời vài trăm bạc,
ngược lại - anh nhìn Đạo cười hì hì - chú thấy đấy, gặp những con ‘ngỗng vàng’ anh mày lời tới những hai
ngàn bạc". Nói xong anh phấn khởi giúi vào tay Đạo tờ năm trăm bảo đi mua một chầu giải khát.
Đạo biết khung xe đạp "đểu" của cửa hàng anh ngoài những đoạn nối được gò bằng tôn 2,5-3mm còn phần lớn
đều được gò lại bằng những loại tôn rẻ tiền 1,5mm, thậm chí hàng chạy, không đủ nguyên liệu đám thợ còn gò
cả tôn 0,5mm làm khung. Vào những ngày phiên chợ hoặc lễ hội anh thường giao xe cho đám thợ mang ra chợ bán,
lời chia nhau, anh chỉ lấy lại tiền vốn. Một bận Đạo ngờ ngẫn tính nhẩy lên xe, đạp ra chợ, không ngờ người
anh họ nhìn thấy, chạy lại vồ lấy ghi đông xe của Đạo hét toáng: "Thằng ranh, muốn lên hiệu trồng răng à?".
Đạo biết mình đoảng vị chứ xe cộ như vậy, người nặng cả 70 ký mà leo lên thì đúng là muốn đi làm răng giả thật.
Thấy Đạo vội vàng nhẩy xuống, người anh họ chạy vòng quanh xe ngắm một lượt rồi lại hét toáng lên:
"Lốp, cái lốp! Trời ơi ông tướng! Đã bảo bao lần rồi - anh nhìn Đạo lắc đầu - bơm vừa đủ hơi thôi,
ông bơm căng thế này thì săm lốp đi tong cả". Lúc này Đạo mới cúi xuống, nhìn thấy hai cái lốp đều chửa tướng,
anh vội vàng xì bớt hơi, thật hú vía. Bữa đó Đạo chỉ mong sao đừng có ai đến hỏi mua xe, nhưng thật khổ,
xe dựng chưa ấm chỗ đã có vài ông "ngỗng vàng" nhao nhao đến trả giá. Đem hàng ra bán, gặp khách không lẽ
lại đùng đùng vác xe về. Thành thử Đạo chọn một con "ngỗng" chịu chơi nhất, giảm cho vài giá, rồi chuồn thẳng.
Bụng bảo dạ cầu cho con "ngỗng" đó đừng có đèo thồ quá tải chứ không hậu quả có giời mà biết... 2. Những lần đi chợ mẹ Đạo ngại nhất là phải mua thịt. Bà bảo: "Nghèo thì đã đành, khổ nỗi nhà mình lại
có tới 3 bà bác họ đều bán thịt". Chợ quê Đạo vốn bé như cái lỗ mũi và lèo tèo vài sạp thịt, trong khi đó 3
bà bác họ đã độc chiếm 3 vị trí trọng điểm: đầu - giữa - cuối. Thành thử mỗi lần mẹ Đạo muốn cải thiện cho
gia đình mặc dù bà đã chờ vào những giờ cao điểm, đông khách nhất nhưng may lắm cũng chỉ lọt được vòng thứ
2 thì đã bị bà cả, ngồi cuối dãy phát hiện. - Kìa! Thím Ba! - bà cả Quất, chị cả của 2 bà bác họ nọ thấy
mẹ Đạo từ xa đã nhổm dậy đon đả miệng mời, tay kéo mẹ Đạo xềnh xệch lại sạp thịt của bà:
"Lại đây thím! - Bà nói làm như tốt bụng và thân thuộc lắm - Này, thím lại đây tôi gói ít thịt về cho
các cháu nó ăn kẻo tội nghiệp". Chẳng để cho mẹ Đạo kịp lên tiếng, tay bà bác họ đã thoăn thoắt nhặt
các đầu thừa đuôi thẹo và những miếng bạc nhạc, cân, gói lại thật chắc, tính tiền.
Nhiều lần mấy bà bạn hàng ngồi cạnh đã nửa đùa nửa thật nói với mẹ Đạo rằng: "Nhất thím Ba nhé!
Chúng tôi chả bao giờ bán được cho thím một cắc bạc". Những lúc ấy mẹ Đạo chỉ còn biết cười trừ cho qua chuyện.
Về nhà, nhìn mẹ thần người, nước mắt vòng quanh nhìn đống thịt hổ lốn - Nào có rẻ gì cho cam! - Mẹ thở dài.
Bỗng dưng Đạo thấy thương mẹ đến nao lòng. Cái ước mơ cho chồng con được ăn bữa thịt ngon lành rốt cuộc cũng
không thành. Ở đời nhiều khi cái lợi trước mắt khiến cho con người ta quên hết cả tình nghĩa. 3. Đạo đi học nước ngoài được vài năm, tình cờ gặp một người bạn cũ, cùng quê, gặp Đạo anh vội khoe chợ
Mới quê mình xây lại rồi, hơi bị đẹp, nhưng mà - anh thở dài - dân tình cũng lại phá bằng tiệt rồi.
Đạo còn nhớ lúc chưa xuất ngoại, vào một buổi trưa hè nắng chang chang, một đoàn người lúc nhúc chạy
theo một ông bụng phệ to tướng, rẽ đám đông đi thẳng vào chợ. Họ bâu lại xung quanh ông bụng phệ nọ, rồi
há hốc mồm nghe ông ta chỉ trỏ, vung tay lắp bắp một hồi rồi lại lũ lượt cắp đít trở ra.
Mọi người kháo nhau ông bụng phệ nọ là "quan" ở Hà nội về đấy, nghe đâu cấp trên cử ông ta về duyệt kế hoạch
xây dựng lại chợ Mới quê Đạo. Họ còn đồn rằng chợ Mới sẽ được xây dựng tới 2-3 tầng,
nội thất bố trí giống hệt như chợ Đồng Xuân, hàng hóa có người canh giữ hẳn hoi chứ không phải sáng kéo đi,
đẩy về nữa. - Sướng nhé - mấy bà có sạp hàng trong chợ thì thào vẻ mãn nguyện lắm. Ông phệ đi rồi, một năm,
hai năm trôi qua cũng chả thấy động tĩnh gì. Dân chợ búa lại được phen bàn tán:
"Đã bảo mà! Chừng nào ánh sáng của đảng mới chịu rọi về chốn khỉ ho cò gáy này! Còn khuya!".
Đùng một cái có lệnh rời chợ đi nơi khác. Rồi xe tải, xe tắc tơ, xe công nông thi nhau chở nào cát vàng,
nào gạch, bê tông cốt thép đến chất lù lù một đống giữa chợ. - Xây thật rồi! Có ai đó reo lên như vậy.
Nguyên liệu đã có, nhưng chờ mãi chẳng thấy ma tây nào rò đến khởi công.
Mấy đống cát vàng ban ngày thì làm chỗ nghịch của lũ trẻ sống gần chợ,
đêm tới trở thành chỗ tụ tập của mèo hoang, nơi chó ỉa. Mấy lô gạch loại hai bị mưa dầm gió bấc giờ tả
ra như bột mầu. Những viên còn lành lạnh đã được dân cư gần đó tranh thủ lượm về xây công trình phụ.
Còn đám bê tông cốt thép vứt chỏng chơ giữa chợ một hôm cũng được mấy chiếc xe tải chở đi nốt.
Họ bảo để viện trợ cho công trình bạn, quan trọng hơn. - Viện cái này này! - Một mụ trong đám phe phẩy
đang túm năm tụm ba nhẩy tấng lên, vỗ phành phạch vào háng - Viện gì chúng nó. Rót về đồng nào là hò nhau
liếm bằng sạch. Chỗ nào cũng thấy "công trình thế kỷ" mà có khác gì chó ỉa vãi đâu.
Chừng như muốn khẳng định lời mình là đúng mụ còn cong cớn: "Không tin à, còn tôi còn trời Phật, các bà
trống mắt ra coi xem tôi nói có đúng không, có mà đến mòng thớt". - Gớm! Khe khẽ cái mồm chứ! -
một mụ đứng cạnh kéo tay, hất hàm về phía mấy gã công an đứng gần đó - tụi nó nghe thấy là tong đời đấy
- Xì! - mụ vừa nãy nhổ toẹt miếng bã trầu xuống đất, vện quần chửi đổng - Xá gì chúng nó, đớp đầy họng rồi
có bố bảo cũng không dám ho he". Đạo xuất ngoại vào lúc câu chuyện chợ Mới dường như chẳng còn ai buồn nghĩ
tới. Cái chợ mới hơn đã được hình thành cách đó chả bao xa. Ngày thường nắng ráo con đường vốn đã hẹp lại
lồng chổng toàn đá củ đậu, đã vậy hai bên hè lại nhô ra đủ thứ hàng quán, thúng mủng, bơm xe, vá lốp, xổ số...
chen hết cả ra lòng đường. Từ đó thôi thì đủ loại rác rưởi, bùn lầy, nước đọng thả sức xả ra đường. Chỉ khổ những ngày mưa gió
có việc đi ngang qua đó, người ngợm chả khác trâu vầy. Nghe bạn khoe chợ Mới đã xây xong, Đạo chưa kịp mừng lại vội vàng thất vọng.
Những con người mới ở quê anh hình như chỉ mang trong mình một trọng trách là phá hoại. Chẳng lẽ như vậy họ mới hả lòng? 4. Như thường lệ, dịp cuối năm Đạo lại nhận được thư gia đình. Trang đầu là của mẹ anh.
Vẫn nét chữ loằng ngoằng rắn lượn của người lâu này không cầm bút, mẹ anh khoe chợ quê mình đã xây dựng lại,
khang trang lắm. Hai chữ "khang trang" bà để trong ngoặc kép. Rồi thư bỏ trống một đoạn.
Đạo hình dung chắc mẹ đang nghĩ ngợi rồi thở dài. Bà viết tiếp: "Nhưng dầu sao cũng còn có cái nền gạch mà
đi con ạ! Người bán, kẻ mua thoát được cảnh rầm chân dưới bùn lầy rác đọng hôi rình để mua bán đồ...".
Thằng em nghịch ngợm của Đạo thì viết thư kể: "Bây giờ gia đình mình không phải ăn món thịt hổ lốn của mấy
bà bác họ tốt bụng nữa. Nó còn khoe bà cả Quất đã ‘đi’ rồi, còn 2 bà em thì cũng sắp sửa chầu ông vải.
Mấy sạp thịt giờ giao cho tụi con cái quản lý. Họ còn trẻ nên làm ăn thoáng lắm,
không còn cảnh chèo kéo như ngày xưa. Cũng là một tín hiệu đáng mừng về lối làm ăn mới.
Riêng thư bố Đạo thì khác hẳn. Chữ ông chân phương nhưng không kém phần bay bướm.
Nhiều người bảo chữ ông lẽ ra phải là nhà giáo. Ông cười. Thư ông không dài, đều đặn hai trang phê đúp,
nhưng ông viết sâu và thấm thía. Ông tâm sự quê mình bây giờ cũng thay đổi nhiều lắm. Người giàu có,
gặp thời bốc nhanh, tiền nhiều đến chóng mặt, nhưng người nghèo, kiếm nhặt từng bữa cơm rau cũng ngày một
thêm nhiều. Đạo biết trong số nghèo đó có cả gia đình anh nhưng trong thư tuyệt nhiên không khi nào bố anh
nhắc tới. Tính ông là vậy. - Tiền tài chỉ là vật ngoài thân con ạ!.
Chia tay Đạo, ông ôm chặt anh vào ngực, chà cái cằm đầy râu đã điểm bạc lên má, lên trán anh căn dặn:
"Sang đó gắng mà học hỏi lấy điều gì, sau này trở về có cơ hội mà giúp mình, giúp đời con ạ!".
Đáng tiếc Đạo đã không được thành tựu như ông tưởng. Gần hai chục tuổi đầu ông đã cùng mẹ Đạo xây
dựng gia đình. - Lẽ ra nhà mình không đến mức tồi tàn thế này! Những ngày buộc bị hồi hưu,
một lần ông buồn buồn than phận như vậy. Đạo hiểu ông đang nhớ lại chuyện xưa. Gia đình đằng nội
nhà Đạo khá giàu có. Ông nội anh là một người buôn bán có tiếng, quen nhiều, hiểu rộng.
Nhờ vậy ông đã cứu được cả họ nội và bố mẹ Đạo thoát khỏi những tai kiếp của cuộc đời.
Cuộc "cải cách ruộng đất" ào đến xóm thôn của mẹ Đạo như một cơn lốc, làm tan nát gia đình đằng ngoại.
Ông ngoại Đạo bỗng nhiên trở thành tên Bá Hộ chuyên bóc lột, tàn bạo và độc ác. Nguyên nhân:
vì ông có hơn hai mẫu ruộng cho người cùng làng cấy thuê, ăn chia công điểm, trả thóc.
Và cũng vì ông còn can tội hành nghề lang, chuyên bốc thuốc trị bệnh miễn phí cho kẻ nghèo.
- Đi đi, ngay đêm nay - Ông nội Đạo giúi hai cái đẫy vào tay bố mẹ Đạo giục:
"Kiếm một nơi nào không ai biết đến mà lập nghiệp, chờ khi mọi việc sáng tỏ hãy tính chuyện trở về,
bằng không chỉ có con đường chết". Ngay đêm đó bố mẹ Đạo gạt nước mắt lén lút ra đi cùng một số
người đồng cảnh. Họ bỏ lên tận một vùng rừng thiêng nước độc thuộc miền Tuyên Quang để khai khẩn.
Lúc ấy mẹ Đạo đang có mang người anh cả. Gần một năm trôi qua, tình cờ bố Đạo nghe được tin ông ngoại
anh cắn lưỡi tự vẫn trong ngục, ông liền đêm hôm, lén lút trở về quê, nhờ người quen lo lót cho gặp bố vợ.
Tiền mất, người thân không được gặp mặt. Ông nuốt hận lủi thủi trở về và ở miết cùng mẹ anh trên đó cho
đến khi hay tin đội "sửa sai" công bố ông ngoại vô tội. Gần hai năm bị cùm ngồi và hang ngày lại bị đám
cai ngục dung báng sung khảo cùm, kèm thêm không người chăm nuôi, nên chân tay, da dẻ ông ngoại Đạo teo tóp,
sưng tấy, lở loét. Hai mông đít thịt và cổ chân đã thối rữa khiến ông ngoại anh phải bò lết từng bước.
Người bạn thân ông ngoại làm trong đội "sửa sai" thấy vậy không kìm được lòng liền chạy tới tính xốc nách
ông ngoại đứng dậy, khóc: "Anh Phan*, tôi về trễ mất rồi, để anh phải chịu khổ". Mẹ Đạo kể: Mặt ông ngoại
tỉnh ráo. Ông đẩy tay người bạn ra bảo: "Anh tội nghiệp tôi làm gì! Cái số tôi nó phải khốn nạn là vậy!".
Trở về nhà thấy cảnh vợ con đang sống nheo nhóc trong một túp lều tranh tàn tạ**,
trống hoác trên một quả đồi lộng gió phía cuối làng và nghe tin người con rể trưởng, họ Chu*** bị
chết bất đắc kỳ tử trên đường công tác, ông ngoại Đạo vì quá phẫn chí đã thắt cổ tự tử ngay hôm đó.
Trời đã không cho ông toại nguyện, mà bắt ông phải sống tiếp để chứng kiến những tháng ngày
cay đắng còn lại... Trở về căn nhà cũ giờ đã bị đập phá tan hoang. Của cải quí giá trong nhà phần lớn
đã bị tịch thu, phần còn lại cũng bị dân trong làng đến hôi và cướp phá. Điều khiến ông ngoại
cảm thấy nhục nhã và phẫn uất hơn cả là chính người con dâu một tay ông nuôi nấng,
rồi xe duyên cho cậu Tư,**** con trai mình lại chính là kẻ đã dẫn đầu đoàn người đến hôi của,
đập phá và cùng gia đình mình nhục mạ, tố khổ bố mẹ chồng nhiều nhất.
- Tôi dập đầu trăm ngàn lạy cụ - Ông thông gia, bố vợ cậu Tư cùng con gái, vợ cậu Tư,
quỳ mọp dưới nền nhà, giọng cầu khẩn, xin tạ lỗi trước mặt ông ngoại Đạo cùng gia đình - Chúng tôi và cháu đã làm những chuyện thiên
chu địa diệt khiến cho cụ và gia đình phải chịu thêm nhiều oan ức... nhưng nay cụ đã được trở về, thôi thì nếu cụ không coi
nó là con dâu trong nhà thì cụ cũng vì tình nghĩa trước đây mà nhận lại nó làm con chó trong nhà... Mẹ Đạo bảo lúc đó ông ngoại mày giận lắm,
đã định bỏ đi nhưng thấy cảnh cha con người ta lê lết dưới đất rồi van xin, khóc lóc thống thiết nên ông mày đã mủi lòng nhận lại đứa
con dâu bất hiếu đó. Mẹ thở dài: "Không ngờ lòng nhân từ của ông đã biến thành một đại bi kịch cho cả họ ngoại sau này mà trong đó cậu
Tư là người phải gánh chịu nhiều hơn cả... ". 5. Những năm đầu thập niên 60 phong trào xây dựng hợp tác xã rộ lên khắp mọi nơi trên miền Bắc .
Bố mẹ Đạo đã bàn nhau dốc hết số của hồi môn của mình để tạo dựng cơ nghiệp. Từ một cái lán tre nhỏ xíu
cùng vài chiếc máy khâu cổ lỗ, nay đây mai đó trong lúc đất nước còn chìm trong khói lửa của chiến tranh.
Cho đến ngày hòa bình lập lại, ông cùng gia đình và cơ nghiệp trăm năm của mình trở về thị xã kiếm đất để
an cư lạc nghiệp. Năm tháng trôi qua cơ nghiệp do ông tạo dựng khởi nguồn từ những hợp tác xé lẻ nay
đã phát triển thành một Liên hiệp hợp tác xã may mặc. Biết bao người một tay ông đào tạo, nuôi dưỡng,
dìu dắt giờ nghiễm nhiên trở thành những ông Bí thư, Trưởng ban quản trị, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm,
kế toán tài vụ... của Liên hiệp. Có lần Đạo thắc mắc về chuyện đó, ông bảo: "Hậu sinh khả úy con ạ!".
Tuy vậy nhưng Đạo thấy ông cũng nhiều đêm trăn trở. Đúng vào cái lúc ông cảm thấy đắc chí nhất thì
Hội đồng quản trị của Liên hiệp đã họp bàn, rồi gọi cả ông lẫn mẹ Đạo lên tuyên bố:
"Hai đồng chí đã thừa thâm niên công tác, ban lãnh đạo xét thấy các đồng chí tuổi đã cao
nên quyết định để các đồng chí được nghỉ hưu không lương". Chưa bao giờ Đạo thấy bố anh khóc,
ngay cả lần bà nội anh đột ngột qua đời, mắt ông cũng chỉ đỏ hoe, quì mọp bên linh cữu bà nội
và nấc khan trong cổ họng. Nhưng bữa từ Liên hiệp trở về, Đạo thấy ông vừa hút thuốc lào vừa khóc.
Thằng em ngỗ nghịch của Đạo đang học ngỡ ông sặc thuốc lào bèn lẳng sách bút đến đấm lưng ông thùm thụp,
khiến ông cũng suýt phì cười. Bỏ dở điếu thuốc lào trong nõ, ngả người vào thành ghế, ông cất giọng chua chát:
"Chúng nó quả là một lũ ăn cháo đá bát. Nhờ ai mà có cơ ngơi ngày hôm nay chứ?".
Hình như thấy mình lỡ lời ông vội dừng lại, châm trà, rót vào chén tính uống nhưng lại ngồi thần ra,
thở dài. Đạo biết việc ông và mẹ anh bị buộc phải nghỉ hưu sẽ khiến cho cuộc sống gia đình thêm phần
cực nhọc, chuyện đó ông cũng không màng, ông bảo: Trời không phụ hảo nhân tâm.
Còn sức, còn đầu óc thì không sợ chết đói con ạ. Nhưng có một điều khiến ông buồn và thất vọng hơn
cả là hơn 40 chục năm ông tận tụy phấn đấu với một ý nghĩ giản đơn là được trở thành một đảng viên cộng sản,
nhưng rốt cuộc ngay cả cái chức "cảm tình viên" cũng chẳng ai thèm đoái hoài.
Về hưu chưa đầy một năm mà tóc bố Đạo đã bạc trắng. Đêm đêm ông thường tỉnh giấc, lọ mọ pha trà,
ngồi hút thuốc lào suông. Mẹ Đạo vốn tính hiền hậu, ít nói nên mọi chuyện bà chỉ biết chôn kín trong lòng.
Ngày ngày bà chỉ biết săn sóc chồng con bằng những bữa cơm rau thanh đạm. Một lần, giữa đêm khua Đạo vô tình
tỉnh giấc và thấy bố anh đang ngồi tư lự uống trà một mình bên bàn.
Thấy Đạo, ông trách sao không ngủ mà thức dậy làm gì. Nói xong ông kéo ghế,
tự rót cho Đạo một chén trà đậm đặc, bảo Đạo uống. Ông cũng nâng chén nhấp một ngụm lớn rồi ấp cái chén
trong tay, hỏi Đạo mà như tự vấn mình: "Ở đời không màng danh lợi không lẽ cũng là một tội lỗi?".
Đạo nhấp liên tiếp mấy ngụm trà để tránh câu trả lời. Bố anh cũng nhấp liền mấy ngụm rồi đặt chén xuống bàn,
ngả người vào thành ghế, mắt nhìn đăm đăm lên những chiếc rui nhà. Một lát ông nhổm lên, giọng tỉnh táo:
"Muôn sự tại nhân, thành sự tại thiên. Bố nghĩ rồi con ạ! Thà thế còn hơn là lúc tuổi già đêm đêm bố phải
thắp hương, cầu nguyện để sám hối". Nói xong ông vỗ vai Đạo, giục đi ngủ. Rốt cuộc ông đã thông suốt.
Sau đêm đó bố Đạo đã trở lại con người của thường ngày, người trụ cột của gia đình và cũng là người
cha mà anh hằng ngưỡng mộ. Ông bàn với mẹ anh quyết định mở một lớp giảng dạy cắt may cao cấp mang tên:
"Nhân Hậu". Ngày khai trương học sinh kéo đến xin học chật kín nhà.
Trong số đó có cả con cái những người đương chức trong Liên hiệp, nhưng ông đã từ chối. Ông bảo:
"Tôi già rồi sợ không đủ sức để gánh vác". Kỳ tình ông biên thư Đạo, tâm sự:
"Bố không muốn có thêm những đứa trò phản phúc". Rồi ông lại tự trách mình:
Làm như vậy có quá lắm không? Đạo biết vì chuyện đó sẽ khiến ông thêm trăn trở.
Bức thư cuối cùng của gia đình Đạo nhận được trước buổi anh bước vào đời tị nạn.
Ngay đầu thư ông đã vui vẻ khoe đầu năm ông sẽ nhận thêm gần 20 học sinh mới vào lớp học trong
đó có cả 2 thằng con trai của ông B. giám đốc Liên hiệp, và cháu Lan, con chú T. trưởng phòng tài vụ...
Ông đã chịu gọi họ theo đúng chức năng chứng tỏ trong ông đã có quá nhiều thay đổi.
Ông tâm sự: "Cháu Lan tốt nghiệp đại học sư phạm, lên giảng dạy ở vùng cao gần 4 năm,
giờ trở về nhà nhưng đang thất nghiệp. Thấy nó thật thà, ngoan và hiếu học nên bố quyết
định nhận nó để truyền nghề". Hy vọng lần này ông không chọn lầm người.
Chót thư ông bảo: "Bố mẹ đang sống những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời,
dẫu chưa làm được điều gì tâm đắc cho con cháu, nhưng những gì bố mẹ có thể làm được ngày
hôm nay là tạo thêm phước đức cho cháu con sau này...". Đọc thư ông, Đạo mừng đến giàn giụa nước mắt.
Vậy là thêm một lần nữa ông lại tha thứ cho đời... 6. Tuyết rơi mỗi lúc một thêm dày. Chí chóe đâu đây tiếng lũ trẻ vốc tuyết ném nhau rồi ré lên cười. Xa xa có mấy bà cụ già rủ nhau ra cạo
tuyết sàn sạt trước cửa nhà. Trên đường dăm ba chiếc xe con chạy qua chạy lại, kéo theo những làn khói xanh lẹt. Đạo vẫn bước một mình, thơ
thẩn trên những con đường làng đang trổ hoa tuyết trắng. Thoang thoảng đâu đây như hương của loài hoa sữa và khúc dạo đầu của một tình khúc
mùa xuân... ./.
Ghi chú:
*/***/****: Tên thật đã được thay đổi.
** Theo lời mẹ Đạo kể: túp lều đó là của một cùng đinh nhất trong làng. Sau khi được bầu làm đội trưởng "cải cách" ông ta đã đuổi gia đình
ông bà ngoại của Đạo lên đó ở. Khi Đội "sửa sai" về, ông ta mất chức, về sống lại trên căn lều cũ, rồi mắc bệnh cùi, không vợ con. Nghe
đâu sau này ông ta bỏ đi biệt xứ, rồi có tin đồn ông đã chết ở một trại cùi nào đó.
*** Ông ngoại của Đạo bị bắt một thời gian thì bác Chu, chồng đầu người bác Cả, trên mẹ Đạo, đã bị phục kích và chết thảm trên đường công tác.
Nghe đâu lúc đó ông đã là đại úy hay thiếu tá công an, nhưng hoạt động bí mật. Họ đồn ông bị Pháp giết hại. Hồi còn nhỏ Đạo thường cùng bác
Cả và gia đình đằng ngoại đến viếng mộ bác Chu. Hòa bình lập lại mộ của ông được đưa vào nghĩa trang liệt sĩ thị xã và ông được truy
phong anh hùng liệt sĩ. Bác Cả bảo: Rốt cuộc ông ấy cũng được nhắm mắt.
VVM.25.12.2023-NVA.