A nh trở về phố Núi, tóc đã bạc màu. Thêm một mùa giáng sinh nữa tới. Bất giác anh nhớ lại đêm giáng sinh cuối cùng với Việt, anh nở nụ cười buồn, tiếc nuối một thời thanh xuân đã qua.
Năm ấy, vào đầu năm học đệ Tứ, anh đang thẩn thơ trò chuyện với các bạn trong trường, bỗng có chiếc xe Jeep “ ca pô cao” đậu trươc cổng . Một cô bé đeo kính cận, tóc dài , dáng nhỏ nhắn, bước xuống xe. Anh đoán có lẻ đây là con viên chức có địa vị nên được xe đưa, xe đón. Nhóm con trai buông lời trêu chọc. Cô bé cúi đầu, ôm cặp bước nhanh vào lớp. Thật ngẫu nhiên, cô bé lại hoc chung lớp, ngồi cách anh bằng khoảng phân chia giữa lớp, bên nam bên nữ. Cô bé trong thật hiền dịu, giọng miền Trung nhẹ nhàng, nghe nói cô đang học ở Dalat, chuyển trường theo cha lên công tác ở Pleiku. Khi cô bé không còn là đề tài để anh và bọn con trai “bà tám” nữa., bất ngờ vào một tối có chiếc xe đậu trước nhà anh. Không ai khác, đó là ba mẹ, anh em Việt đến thăm gia đình anh. Hỏi ra mới biết ba của anh và ba Việt là người đồng hương có cùng họ; kết nghĩa anh em từ khi di cư vào Dalat nhưng vì hoàn cảnh, mỗi người một công việc nên chia tay nhau. Ba Việt làm công chức nhà nước nên đi đây, đi đó; còn ba anh làm nghề lái xe, lên cao nguyên lập nghiệp đã lâu. Nay được gặp nhau, họ tay bắt mặt mừng, chuyện trò râm ran. Việt từ đó dạn dĩ hơn khi gặp anh.
Một hôm ba Việt gọi anh tới. Ông nói vì bận nên không thể đưa đón Việt bằng xe nên ông muốn tôi “hộ tống” Việt đi học vì cô nàng này nhỏ bé, rụt rè và rất sợ sự chọc ghẹo của đám đông, nhất là mấy anh con trai. Ông hy vọng có anh kề bên Việt, mọi người sẽ ít bén mảng tới Việt. Anh chần chừ rồi gật đầu đồng ý…
Pleiku ngày ấy khúc cây xăng Caltex là đoạn đường cong ngắn nối liền chợ Mới với chợ Cũ. Nhà anh ở chợ Mới cách cây xăng vài trăm mét, còn nhà Việt từ cây xăng xuống chợ Cũ quẹo qua ngõ ty Bưu điện tới dãy nhà công sở chỉ cách có dăm căn nên việc anh đưa đón cô bé không lấy gì khó khăn, trở ngại. Sớm sớm, chiều chiều đi bên nhau nên họ trở thành đôi bạn thân thiết…
Thắm thoát đến mùa noel. Pleiku tổ chức lễ đón mừng ngày Chúa ra đời khá long trọng nhân dịp khánh thành nhà thờ Hiếu đạo. Đêm ấy, anh xin phép ba mẹ Việt đi chơi giáng sinh. Cả hai đến nhà thờ với nhiều ngạc nhiên, thích thú. Chung quanh giăng đèn, kết hoa rực rỡ. Hang Bê lem dựng lên giữa sân cao lớn, huyền ảo với hàng trăm ánh đèn màu nhấp nháy. Anh chợt để ý hai tấm băng rôn treo trươc bức tường rào nhà thờ dán hai câu thơ của Tản Đà :
“Run như thần tử thấy long nhan
Run như hơi thở chạm chạm tơ vàng”
Cũng vào lúc ấy, anh thấy đôi tay run run của Việt níu áo anh. Có lẻ Việt cảm thấy sợ sệt trước đám đông nên cần người che chở. Anh mỉm cười nắm chặt tay cô bé như muốn nói cô hãy yên tâm. Không khí rộn ràng cả một góc trời. Sau phần đọc kinh làm lễ, ban hợp xướng của nhà thờ cất vang những bài thánh ca trang nghiêm, hào hùng. Nghe được vài bài, muốn tránh xa tiếng ồn của đám đông, anh rủ Việt đi dạo bộ. Cả hai thong thả đi theo con dốc nhỏ dẫn đến các ngôi trường Tuyên đức, trung học Pleiku, thánh Phao lồ…Những ngôi trường và một số ngôi nhà chung quanh đã ngủ yên, chỉ có các nhà theo “đạo” còn sáng đèn , ăn tiệc mừng nửa đêm. Nhưng đặc biệt , trên đầu con dốc, khu vực đồi pháo binh có một vùng sáng như ban ngày nhờ những trái hỏa châu được bắn lên không trung liên tục, một phần bảo đảm an ninh cho thành phố, một phần . như chúc mừng ngày trọng đại – ngày chúa giáng sinh. Khi hai người đi ngang qua khu vườn của Ma soeur, họ nghe tiếng hát cùng tiếng vĩ cầm đệm theo bài Silent night. Anh chợt nhớ cách đó vài năm, cũng vào mùa giáng sinh, tiếng vĩ cầm của thầy Lê văn Lộc (Lê Uyên Phương) vang lên bài hát quen thuộc trong khu vườn thanh vắng này. Anh thấy bồi hồi xao xuyến nhớ lại người thầy dạy anh thời tiểu học. Âm thanh của tiếng đàn, tiếng hát như nhắn nhủ : đêm nay là đêm thiêng liêng, huyền diệu, đêm bình yên dưới sự chở che của Chúa và một đêm không có tiếng đạn pháo rì rầm, vang vọng thâu đêm.
Chợt anh kéo Việt dừng lại, lấy từ trong áo khoát một món quà giáng sinh cho Việt,- một chiếc khăn len màu trắng. Anh quấn lên cổ Việt, không quên đặt cái hôn nhẹ nhàng lên tóc cô với lời chúc phúc tốt đẹp. Việt cũng chuẩn bị quà cho anh,- một cái ví da với tấm ảnh Việt không đeo kính cận,- lồng trong ví. Anh hỏi vui :
- Tại sao Việt chụp hình không có kính?
Việt ngượng ngùng rồi khẻ nói:
- Để khi anh nhớ em , anh có thể hôn lên đó mà không bị vướng víu…
Sợ ba mẹ Việt trông, anh đưa cô bé về nhà. Lúc đi ngang qua khu vưc cây xăng
Họ thấy có một cây gòn, bông từ trái già bung ra bay lửng lơ giữa không trung. Ánh đèn đường soi mờ mờ đám bông bay khiến họ có cảm giác như một đám tuyết nhỏ đang rơi. Cả hai vô cùng thú vị vì trong góc riêng của họ có mùa giáng sinh buốt giá, có hình ảnh tuyết rơi…
Về đến nhà, đồng hồ mới chỉ hơn mười giờ. Ba mẹ Việt bày một tiệc nhỏ cho đám trẻ vui chơi, còn họ lui vào phòng riêng sớm. Chung quanh bàn ăn chỉ còn lại bốn người: Việt, em gái Việt, người bạn cô em và anh.( Việt còn có người anh ở không quân, đêm nay phải bay để thắp sáng bầu trời thành phố ). Đi chơi khuya, mọi người cảm thấy đói, họ tấn công mạnh vào món xôi gà hấp dẫn do mẹ Việt làm, thoáng chốc đã sạch dĩa. Họ quay sang uống nước ngọt, vừa uống vừa hát những bài về noel với phần đệm đờn guitar của anh bạn cô em. Giọng hát của Việt trong trẻo, cao vút làm sâu lắng hồn anh với “ bài thánh ca buồn”
“Bài thánh ca đó còn nhớ không em
Noel năm nào chúng mình có nhau
Long lanh sao trời đẹp thêm đôi mắt
Aó trắng em bay như cánh thiên thần…”
Đó là kỷ niệm mùa giáng sinh đáng nhớ trong đời anh vì sau đó vài ba tháng, Việt phải theo ba mẹ chuyển đi nơi khác. Do hoàn cảnh xã hội nên hai người không thể liên lạc với nhau nhưng cứ mỗi lần mùa giáng sinh về, bao hồi ức trong anh trỗi dậy . Anh thấy nhiều tiếc nuối, bâng khuâng…./.