Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      
tranh Nghiêu Đề


NGƯỜI ĐÀN BÀ LẠ LÙNG



T hế là tôi ra đi.
     Một đi không trở lại.
    Mà trở lại để làm gì nhỉ? Khi chủ nhà là trạm dừng còn người share phòng là chiếc xe buýt. Chiếc xe buýt cứ đi hoài đi mãi, thỉnh thoảng dừng ở trạm này vài phút rồi dừng ở trạm tiếp theo vài phút, chứ có dừng lại muôn đời muôn kiếp đâu? Cái duyên gặp gỡ như sợi dây tơ buộc hai người không quen biết vào nhau trong một thời gian ngắn rồi sợi dây tơ đứt. Thế là hết duyên.


1. Lần đầu tiên tôi đến xem phòng, chị đang ngồi xẹp trên sàn nhà trang điểm. Chị đon đả nói với tôi “cứ tự nhiên vào trong xem phòng đi em, có sẵn giường cho em đó”. Tôi bước vào trong, nhìn quanh nhìn quẩn nhưng đầu óc không hề có một ý niệm gì, vì đối với tôi, ở đâu cũng được, miễn sao có một chỗ ổn định để tôi yên thân làm việc là quý rồi. Khi tôi bước ra khỏi phòng, chị ngưng tay vẽ mắt và nói tiếp “em cứ ngủ thoải mái trên cái giường đó, đầu tháng sau con gái chị mới chở cái giường đi lận, nhưng em đừng lo, chị sẽ cho em mượn một tấm nệm của chị”.

Tôi gật đầu, ngồi xếp bằng trước mặt chị để xem chị tiếp tục vẽ mắt. Chị trợn hai tròng trắng lên để trau chuốt từng nét chì đen trên hàng lông mi thưa thớt đang rụng dần vì tuổi tác. Sau đó chị buông cây bút chì ra, chớp chớp mắt mấy cái rồi nhìn vào gương với vẻ hài lòng như một họa sĩ chiêm ngưỡng tuyệt tác do chính bàn tay ông tạo nên.

Những ngày mới đến ở chung với chị, hầu như sáng nào tôi cũng phải ngồi xếp bằng để xem chị trang điểm. Chị muốn vậy. Chị nói chị đi làm nails suốt ngày, đến tối mịt mới về bởi vậy chị muốn trò chuyện với tôi vài phút trước khi chị lái xe ra đi. Nhưng cũng tội nghiệp cho cái thân tôi, bởi vì “vài phút” của chị chính xác là bảy mươi lăm phút!

Nhưng cũng nhờ vậy mà dần dần tôi biết rõ lai lịch của chị, cũng một thời oanh oanh liệt liệt, từng là nhân tình của một vị trung tướng rất nổi tiếng, từng là vợ bé của một ông trung tá, từng yêu say đắm hàng chục vị sĩ quan chỉ huy cấp liên đoàn, từng qua đêm với hàng chục lão “đại gia” có máu mặt ở quận Cam và hiện nay đang cặp bồ với ba, bốn gã đàn ông cùng một lúc! Tôi vừa lắng nghe chị kể, vừa quan sát lớp phấn dày cộp được đắp trên lớp da có khá nhiều nếp nhăn của chị. Từ tận đáy lòng tôi dâng lên một nỗi thương xót chị, đúng vậy, thương xót chứ không khinh miệt, bởi vì tôi thấy chị có điều gì đó đáng thương hơn là đáng khinh.


2. Chị không cho tôi nấu ăn nhưng tôi cũng chẳng cần đụng tới bếp núc của chị vì chiều tối nào tôi cũng chạy về nhà Má ăn ké và sau khi đầy bụng rồi thì Má bới cho tôi một tô cơm đầy để tôi mang về nhà ăn cho tới trưa hôm sau. Bởi vậy dù đồng lương ít ỏi, tôi vẫn sống đủ và sống khỏe. Tôi luôn tâm niệm câu “tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc?” mà không mở miệng than thở lấy một lời. Cũng có những lúc buồn bã quá, tủi thân quá, tôi chỉ nằm khóc thầm, khóc trong im lặng, mặc cho nước mắt nóng hổi cứ giọt giọt tuôn rơi. Chị thì khác. Chị mở miệng than thở không dứt, hễ chị đi thì thôi mà về tới nhà là bắt đầu mở băng tần than thở, nào là chị mệt quá em ơi, tiệm chị hôm nay ế quá em ơi, con gái của chị nó làm chị bực mình quá khiến suốt đêm qua chị không ngủ được, phải mở phim xem tới hai giờ sáng… Tôi cố gắng chịu đựng chị vì tôi luôn thông cảm hoàn cảnh cô đơn của một phụ nữ ở lứa tuổi về chiều, trong đó có tôi, vì tôi thương xót cho thân phận của một người từng là “bà mệnh phụ” đang ngày càng xuống dốc!

Trong thời gian sống trong nhà chị, người đàn ông của chị mà tôi gặp mặt nhiều nhất là anh Chính. Anh là con trai của một ông đô đốc rất có tên tuổi, rất “hách xì xằng”, hiện nay anh đang sống ở một thành phố cách chỗ tôi đang ở chừng nửa tiếng đồng hồ lái xe. Anh Chính sáu mươi sáu tuổi, dáng người thấp đậm, bụng hơi bự và có thói quen thường khạc, nhổ mỗi khi đến nhà chơi với chị. Bù lại anh hiền lành, tốt bụng và rất lo lắng cho chị. Cứ hai ba tối, anh lại đến chơi một lần, mang cho chị một tô cháo cá nóng hổi rồi ở lại với chị đến khoảng hai giờ sáng mới ra về.

Tôi nói:
    -Tính tình anh Chính được đó chị. Chị quyết định chọn anh ấy đi, cho yên thân, cho có người lo lắng lúc tuổi già.

Chị lắc đầu:
     -Hổng được đâư em ơi, mang tiếng là con trai ông đô đốc nhưng đẳng cấp của ảnh vẫn không bằng chị. Chị muốn bồ của chị phải cao ráo và đẹp trai, có học thức và có tiền. Anh Chính bình dân lắm.

Tôi ngạc nhiên nhìn chị:
     -Bình dân?
     -Ừ. Chị không thể chịu nổi cái chuyện ảnh bước vào nhà chị khạc nhổ ồn ào như vậy, biết rằng khạc xong thì ảnh cũng dội nước nhưng mà chị vẫn cảm thấy nó gớm gớm làm sao á.
     -Vậy là chị không thương anh Chính rồi.
     -Sao em nghĩ vậy?
     -Khi chị thương một người nào đó, chị thương luôn tính xấu của người ta. Tính xấu đó có thể là ngáy to, là khạc nhổ, là ngoáy mũi, là đánh rấm, là ăn uống nhồm nhoàm…

Chị ngưng tay vẽ mắt ra, nhìn vào trong gương rồi thở ra nhè nhẹ:
     -Mấy cái tính xấu mà em mới nêu ra đó, chị không chịu đựng nổi đâu. Đàn ông thời nay có đẳng cấp thấp quá. So với anh Lê cách đây mười năm của chị thì không ai bằng được. Bởi vậy mà chị cứ thương anh Lê hoài, cho dù ảnh đối xử tàn nhẫn với chị, chị vẫn không quên.


3. Người đàn ông có tên Lê khoảng bảy mươi mốt tuổi và đang sống ở đâu đó tại một thành phố cách xa chỗ tôi ba múi giờ. Nghĩa là khi tôi 9 giờ tối thì chỗ ông ấy là 12 giờ đêm. Ông Lê đã có vợ nhưng thỉnh thoảng vẫn tìm kiếm các nàng nhân tình trẻ và ngụy biện rằng “tuổi trẻ gợi cảm hứng cho sáng tạo”. Trong số các ả choai choai đó, chị thuộc loại “đại đại sư tỷ”, nhưng nhờ gốc gác “mệnh phụ” nên chị được ông Lê đoái hoài hơn, trân trọng hơn, và mối tình của họ kéo dài đến gần mười năm cho đến khi ông Lê mượn của chị hai mươi ngàn đôla rồi “dông” mất. Vì điều đó mà chị hận ông, chị thù ông, nhưng chị vẫn thương ông.

Tôi nói:
     -Ổng không xứng đáng với sự chung thủy của chị đâu.
     -Chị biết. Nhưng ổng đẹp trai và sạch sẽ lắm. Để bữa nào chị đi tìm tấm hình của ổng cho em coi, em sẽ thấy đàn ông thời nay chẳng có ông nào so sánh được với ông Lê hết.

“Bữa nào” của chị là năm phút sau đó, chị đưa tôi xem hai tấm hình của ông Lê. Một của mười năm trước và một của mười tháng trước.

Tôi xem hai tấm hình trong im lặng. Im lặng - không phải vì tôi không có ý kiến gì - mà vì tôi không muốn bật ra tiếng kêu: “Chết tui rồi! Coi chừng đêm nay tui nằm mơ thấy… ma cây!”.

Trong tấm hình thứ hai, người đàn ông đẹp trai và sạch sẽ của chị chỉ là một ông già có mái tóc bạc gần như trắng xóa, mặt mũi thường thường bậc trung, mặc bộ com-plê đen đang ngồi cười ha hả tại một bàn tiệc. Tôi cố gắng tìm kiếm một điểm gì đó để có thể khen ngợi ông theo phép lịch sự, nhưng không có. Không hề có một điểm nào để tôi có thể khen cho chị vui lòng.

Tôi trả hai tấm hình cho chị, giọng nói bình thản:
    -Ổng già quá hả chị. Chắc bây giờ ổng còn già hơn nữa.

Chị cầm hai tấm hình, ánh mắt mơ màng:
    -Ở bên này, đàn ông 71 tuổi còn phong độ lắm em ơi.

Tôi nghĩ bụng, “phong độ với chị thôi, chứ chị mà đem ổng quăng cho em, em chạy không kịp mang dép”.

Chị đã trang điểm hoàn hảo và chuẩn bị mở cửa đi làm thì điện thoại di động reng lên. Chị càu nhàu vài tiếng nhưng rồi cũng mở điện thoại ra lắng nghe.
    -Dạ, em sắp đi làm rồi anh. Em đang ra khỏi nhà. Em nghỉ ngày thứ Hai, anh không nhớ sao? Dạ, em khỏe. Anh thì sao? Trời bắt đầu lạnh hả anh? Tối ngủ anh nhớ đắp ấm nghen. Hai đứa con em cũng bình thường. Dạ, lúc này tình hình ế ẩm lắm anh, tuần vừa rồi em được chia chỉ có hai trăm mấy. Dạ, kiểu này kéo dài chắc em đói quá anh ơi. Dạ, thôi em đi làm. Dạ, thì tiệm nails của em cũng xa nhà, em phải lái xe khoảng hai mươi phút mới tới. Anh cũng phải giữ gìn sức khỏe đó. Bai anh. Love you too. Bai anh.

Chị cúp điện thoại, vừa sãi chân bước ra cửa vừa nói:
-Anh Thành, người yêu cũ của chị, ảnh đang sống ở Texas.


4. Té ra anh Thành là một nhà thơ có tiếng ở Texas (nhưng hỏi quanh thì chẳng ai biết tiếng tăm của anh Thành cả). Anh đang hưởng tiền già và công việc của anh - ngoài chuyện làm thơ - là làm chân tài xế cho vợ đi chợ và làm chân sai vặt mỗi khi vợ nấu ăn. Nhưng anh vẫn tìm ra được những khoảng trống để gọi điện thoại cho chị, nói những lời thương yêu trìu mến.

Tôi hỏi:
    -Vậy đây là chuyện tình qua điện thoại hả chị?

Chị không rời mắt khỏi tấm gương, nhẹ nhàng trả lời:
    -Kệ, cho vui… Nhưng mà tính tình ảnh cũng được lắm đó em, không keo kiết quá, thỉnh thoảng ảnh gởi cho chị vài trăm xài đỡ.

Để chứng tỏ là chị không hề nói xạo với tôi, vài ngày sau, chị dặn tôi trước khi đi làm là chịu khó canh me ông đưa thư, vì trong xấp mail thể nào cũng có tấm chi phiếu của anh Thành gởi chị.

Tôi tròn mắt ngạc nhiên:
    -Anh Thành gởi chi phiếu cho chị thiệt hả?
    -Ừ. Hôm trước chị than thở với ảnh, nào là công việc làm nails ở đây ế quá, tuần rồi chị được chia chỉ có hai trăm mấy, nào là chị mệt trong người mà không dám ăn uống tẩm bổ để lấy lại sức khỏe, nào là đứa cháu ngoại bị bịnh mà không có tiền đổ xăng để đi thăm nó… Ảnh nói để ảnh gởi cho chị một ít tiền để chị xoay sở. Ảnh tốt với chị lắm đó em.

Trưa hôm đó trong xấp thư quảng cáo có một lá thư của anh Thành Trần ở Texas và tối hôm đó, chị vừa mở lá thư ra tìm tấm chi phiếu vừa nói to bằng giọng mừng rỡ:
    -Em biết anh Thành gởi cho chị bao nhiêu không? Một ngàn đồng!

Trong đầu tôi hiện ra một bài tính nhân nhanh như cái máy, hơn hai mươi mốt triệu! Món quà của người tình qua điện thoại trị giá hơn hai mươi mốt triệu! Hèn chi mà hai người cứ bám víu vào nhau để sống cho qua ngày, “chàng” muốn níu kéo một thời oanh oanh liệt liệt của vài năm trước, còn “nàng” muốn có tấm chi phiếu sau vài tháng nói chuyện gần rã cuống họng qua điện thoại. Hai bên cùng có lời và chẳng ai bị thiệt hại gì.

Thứ Hai tuần sau là ngày nghỉ làm của chị, chị lái xe đi đâu đó một thoáng rồi quay trở về với một chiếc xe tải nhỏ rề rề chạy theo sau. Thì ra đó là xe giao hàng của Home Depot, và họ chở tới cho chị một cái bàn ăn tuyệt đẹp bằng gỗ, sơn màu nâu, có bốn cái ghế, với giá ghi trên hóa đơn là 680 đồng. Chị cười hể hả:
    -Nhờ anh Thành gởi cho chị một ngàn mà chị mới có tiền mua cái bàn ăn này. Em thấy nó đẹp không? Cùng tông với màu sàn gỗ và màu của bộ sa-lông. Khách khứa tới chơi ai cũng nói “gu” của chị rất sang.

Tôi đứng há hốc mồm nhìn cái bàn. Đột nhiên tôi thấy tội nghiệp cho anh Thành. Nếu tiền già của anh khoảng tám trăm một tháng thì không biết ảnh phải chắc bóp trong bao nhiêu tháng mới có được tờ chi phiếu một ngàn đồng để gởi cho chị, mà ngay sau đó chị dùng số tiền chắc bóp của ảnh để mua cái bàn ăn bằng gỗ với giá sáu trăm tám mươi đồng.

Giọng nói của chị cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:
    -Em ơi, cho chị mượn 5 đồng để chị gởi tiền típ cho anh tài xế.

Trời ạ, chị dám tiêu xài hàng đống tiền cho cái bàn gỗ nhưng lại không có nổi 5 đồng cho anh tài xế, và từ đó cho tới nay, tôi vẫn chưa có có dịp nhìn thấy lại tờ giấy 5 đồng của tôi.


5. Không đầy nửa tháng sau, một buổi tối nọ, chị thông báo với tôi là chị có ông bạn trai mới và chị mời ông về nhà chơi để tôi biết mặt. Tôi không tò mò, nhưng vẫn muốn biết đàn ông Việt Nam (Việt kiều ngoài bảy mươi tuổi) sống trên đất Hoa Kỳ có khác gì mấy ông già lọm khọm trong xóm của tôi ngày trước không. Và câu trả lời của tôi là: Giống! Giống quá xá, giống không khác chút nào, cũng mái đầu bạc trắng, cũng khuôn mặt nhô xương, cũng hai bàn tay gầy guộc và nhăn nheo, cũng kiểu ăn nói phô trương tài sản “mua nhà mấy căn, mua xe mấy cái”.

Chị gọi tôi ra phòng khách để chào hỏi ông bạn trai mới của chị, rồi nhờ tôi xắt cam, bưng lên cho khách. Chà, cam Texas của tôi mới mua hồi chiều mà, thôi cũng đành hào phóng cắt hai trái cho vào dĩa rồi bưng tới chỗ hai người đang trò chuyện âu yếm với nhau. Lòng tôi thật sự cầu mong lần này chị gặp đúng người, đúng đẳng cấp, để chị có được người đàn ông bên cạnh trong lúc “tối lửa tắt đèn” có nhau. Ắt chị cũng hiểu khi tuổi già xồng xộc kéo tới thì nhan sắc cũng ngậm ngùi xách gói ra đi. Dù có giải phẫu thẩm mỹ chăng nữa, cũng chỉ là “giả tạo” mà thôi!

Chị lịch sự giới thiệu tôi với khách:
    -Anh Giang! Cô này mới đến share phòng trong nhà em đó.

Ông già tóc bạc ngước mặt lên, miệng lúng búng chào tôi. Ông già có giọng nói thều thào thật khó nghe của một người vừa được nạo hết phần xương hàm dưới vì ung thư. Tôi cúi đầu thật thấp như để tỏ lòng kính trọng một người lớn tuổi rồi lập tức chui vào phòng, đóng kín cửa lại để khỏi nghe những âm thanh (mà tôi không muốn nghe) từ bên ngoài vọng vào.

Dù sao tôi cũng đoán được kết cục tình cảm giữa chị và ông bạn trai mới này. Hơn mười ngày sau, khi chị ngồi chăm chú soi gương, chị vừa trề môi để thoa son vừa ngọng nghịu nói chuyện với tôi:
    -Không được rồi em ơi.
    -Không được sao hả chị?
    -Đẳng cấp của ổng thua xa anh Chính thì làm sao chị chịu nổi? Đã vậy lại còn bị khuyết một bên mặt. Chị không chê người bị bịnh, chị biết ổng mới bị khoét xương hàm dưới vì ung thư, nhưng nó làm chị ngường ngượng mỗi khi chị đi chơi với ổng.
    -Dạ, nếu vậy thì thôi phức đi chị. Đừng để ổng hy vọng nữa.
    -Cách đây hai ngày, chị mới thử lòng ổng…
    -Chị thử sao?
    -Tại ổng cứ khoe “nhà mấy căn, xe mấy chiếc”, rồi ổng cứ biểu chị cần gì cứ nói, ổng sẵn sàng giúp nên chị thử coi ổng nói đúng không, hay ổng chỉ muốn nổ trước mặt chị. Cách đây hai ngày, chị mượn ổng hai ngàn. Chị nói “em kẹt quá, công việc làm ăn không được, nhiều ngày chẳng có khách, tiền típ chỉ chia được vài chục đồng, anh làm ơn giúp cho em hai ngàn để em tính cách khác chứ em không làm nails nữa”.

Tôi không rời ánh mắt khỏi đôi môi chị:
    -Rồi ổng trả lời sao?
    -Ổng nói ổng không có tiền sẵn trong túi, để ổng về nhà viết chi phiếu, nhưng rồi ổng im lặng và biến mất luôn cho tới giờ này.

Tôi không biết nói gì. Chị cũng không kể thêm. Sau đó chị dọn một bộ mặt vui vẻ, mỉm cười trước gương, bàn tay run run vuốt ve mái tóc rồi nói:
    -Bây giờ chị phải lo đi làm kiếm tiền nuôi thân chứ cũng chẳng cần “thằng cha” nào nữa. Đàn ông bây giờ không ai có đẳng cấp bằng chị hết. Những người có đẳng cấp như anh Lê của chị chết hết rồi. Nghĩ cũng buồn ghê. Thôi chị đi làm đây.
    -Dạ, chị đi làm. Để em mang ly cà-phê ra ngoài xe cho chị.
    -Chị cảm ơn em.


6. Cuối tháng đó tôi dọn sang một chỗ khác gần nơi làm việc hơn, thậm chí nếu tôi muốn cuốc bộ đến chỗ làm cũng chỉ mất hai mươi phút là cùng. Coi như tập thể dục hàng ngày vậy. Trước khi tôi lái xe ra đi, chị có vẻ bịn rịn lắm, chị nói:
    -Chị chúc em may mắn và sớm tìm được một người đàn ông để có nơi nương tựa. Chỗ làm của em có nhiều người Mỹ, ráng kiếm một ông già Mỹ giới thiệu cho chị nhé cưng. Tuổi chừng bảy mươi hoặc bảy hai là được rồi. Chị biết đàn ông Mỹ ở tuổi đó vẫn còn ga-lăng với phụ nữ lắm.
    -Dạ. Chị ở lại mạnh giỏi nghen.

Thế là tôi ra đi.
    Một đi không trở lại.
    Mà trở lại để làm gì nhỉ? Khi chủ nhà là trạm dừng còn người share phòng là chiếc xe buýt. Chiếc xe buýt cứ đi hoài đi mãi, thỉnh thoảng dừng ở trạm này vài phút rồi dừng ở trạm tiếp theo vài phút, chứ có dừng lại muôn đời muôn kiếp đâu? Cái duyên gặp gỡ như sợi dây tơ buộc hai người không quen biết vào nhau trong một thời gian ngắn rồi sợi dây tơ đứt. Thế là hết duyên.

Đã hơn năm năm trôi qua tôi không liên lạc với chị, giờ đây không biết chị ra sao. Có lẽ giờ này chị cũng già nua và yếu sức lắm rồi, không còn làm nails được nữa đâu. Vì nếu tôi nhớ không sai thì cái năm mà tôi còn share phòng trong nhà chị, chị sắp ăn mừng sinh nhật bảy mươi tuổi!

(Westminster, CA)




VVM.14.12.2023-NVA