N ơi đây đang là mùa hoa dã quỳ, một loài hoa hoang dã với sắc vàng rực rỡ đã bao lần làm xuyến xao hồn lữ khách. Hoa từ trên cao nương theo những triền đồi đổ tràn xuống thung lũng như một dòng thác rồi men theo khắp các nẻo đường nên có người đã từng gọi dã quỳ là "vệ đường hoa"!
Mùa này đi trên những con đường trong thị trấn dễ tưởng mình lạc vào "động hoa vàng"(*) vì bốn bề hoa nở vàng bát ngát. Trong thoáng chốc, ta như quên đi sự tồn tại của chính mình vì đang choáng ngợp giữa một cõi dã quỳ- tại thời điểm hiến dâng cao nhất, trọn vẹn nhất vẻ đẹp lộng lẫy của một mùa hoa.
Mai vàng, cúc vàng, phượng vàng, dã quỳ cũng vàng, sắc hoa vàng thoạt đầu in vào mắt một phương vàng thắm thiết- nhưng nhìn sâu vào từng loại lại có sự khác biệt tinh tế. Có lẽ do hương sắc của từng mùa, do cảnh vật chung quanh, do tâm tư mỗi người khi đối diện với hoa- cảm xúc tương ngộ, kỷ niệm khó phai hay nỗi niềm riêng tư bí ẩn nào đó...
Mùa Xuân, vàng mai dịu dàng thanh khiết, mượt mà ánh lên niềm vui yên ả thanh bình.
Mùa Hạ, vàng phượng rưng rưng từng cụm hoa đong đầy tiếc nhớ.
Mùa Thu, vàng cúc nồng nàn đằm sâu, vấn vương chút trầm tư của màu lá úa.
Mùa Đông, vàng dã quỳ vô tư phóng khoáng, ngả sâu vào lòng gió say đắm trong vũ điệu hoàng hoa.
Có lẽ khi nói đến vũ điệu hoàng hoa hay vũ khúc sơn quỳ(**) như một bạn thơ đã gọi, cũng nên nói đôi điều về những ngọn gió mùa đông bắc đang thổi qua đây. "Ngọn bắc phong vi vút"(***) thổi cuồng loạn từ tháng mười một cho đến tháng tư năm sau, hình thành những cơn "bão khô" có thể làm tốc mái nhà và gãy đổ cây xanh. Sức gió mãnh liệt mang hơi thở của đại ngàn từ lồng ngực thắm màu đất đỏ bazan, quét dài lê thê cho đến hết mùa khô, có khi còn kéo dài thêm nữa.
Trong gió cuốn bạo liệt có những cánh quạ bay thảng thốt, tiếng kêu não nùng của chúng vang tận lưng trời. Đôi khi lũ quạ dừng lại khá lâu trên những nhánh thông hay trên tàn cây long não đang nhún nhẩy đong đưa cành lá, những đôi cánh ô thước chấp chới nửa như muốn tiếp tục cuộc hành trình, nửa như muốn ngơi nghỉ. Chúng cũng nghiêng ngả chênh chao vì gió, giống những bụi hoa vàng đang tựa vào nhau rập rờn như dải lụa phủ khắp một phương trời.
Phải thấy hoa trao mình cho gió mới hiểu thế nào là tận cùng của sự tin cậy và cho đi trong một lần tái sinh, một lần nở hoa, một lần dâng hiến- cũng như biết thế nào là cuồng nộ, đam mê và chiếm hữu- trong kỳ diệu của thiên nhiên.
Những vàng hoa cứ miên man nối tiếp suốt mùa đời, từ lập xuân cho đến đại hàn, từ ban mai cho đến hoàng hôn.
Rồi khi dừng lại tại nơi này, ngay lúc này:
Em bỗng sợ hết mùa hoa phố núi
Khi mặt trời chết đuối giữa hoàng hôn
Xin giữ lại sắc hoa vàng tha thiết
Vẫn còn nguyên rung động buổi đầu tiên
Rất tiếc vì dã quỳ không có hương thơm, nếu không thì phố núi chắc đã thành phố hương từ lâu lắm.
Nhớ mùa hoa năm cũ, một nhà sư khoác choàng y màu hoàng thổ có việc dừng chân ghé chốn quê xưa đã từng nói: "Do con người không có duyên cảm thấu được mùi hương của những loài hoa không hương- đó là hương của chân không, của ký ức trong suốt và hoài niệm vô hình. Hương không là hương nên là hương của hư vô- mà hư vô là một cảnh giới, không phải là một thứ có thể tìm thấy hay nắm bắt".
Lúc đó, áo thiền bỗng vàng đẫm màu hoa cố quận. Và loài hương bí ẩn kia từ đó mở ra một miền đi hoang của thi tứ- không phải ngẩn ngơ kiếm tìm hay bâng khuâng khắc khoải cũng thấy cả một mùa nhan sắc và hiến dâng.
Mùa khô ở Tây Nguyên cho một cảm nhận rất lạ lùng- có gió lạnh tái tê của mùa đông, có nắng cháy rát da của mùa hạ. Mà dường như cũng có cả mùa xuân khi cây cỏ giờ đây bỗng mướt rượt xanh tươi tự bao giờ, lũ côn trùng đồng loạt rủ nhau đi mất sau một mùa phá hoại chán chê! Tất cả những thứ đó không hòa trộn một cách hỗn mang mà kề cận tương giao. Khi gió thổi vừa cho la đà cành lá hay tung hoành bất kể mái đổ tường xiêu thì nắng vẫn cứ mềm mại và nóng bỏng thả xuống từ trên cao. Mây trời có sa xuống thấp đến xám đục không gian thì nắng cũng sẽ bất chợt tìm về, cái lạnh vì gió phần nào giảm bớt trong ấm nồng của nắng.
Cho đến tháng năm thì nắng mới thật sự là nắng! Nắng lấp lánh, nắng rực rỡ, nắng nồng nàn, nắng thiêu đốt. Ta sẽ vội uống hớp sương còn lại của đêm qua và héo quắt trong suốt mùa nắng lửa.
Gió đông vẫn còn đang vi vút, xa xa vang lên tiếng lục lạc leng keng từ những đàn bò được dắt đi săn cỏ. Những con bò trên mình bám đầy bụi đỏ chậm rãi băng qua đồi nương, lang thang trên những cung đường im lìm trong phố xá hay dọc theo những công viên vắng vẻ. Người chăn bò với chiếc gùi mang trên lưng, gương mặt sạm nâu, mắt nhìn u uẩn, có lẽ đã im lặng suốt cuộc hành trình.
Khi tình cờ gặp trên dốc cao của đường đèo trưa nắng hay chiều hôm sẫm tối cứ ngỡ ngàn xưa chưa khuất dấu.
Cứ ngỡ nắng và gió chưa bao giờ ngưng nghỉ trên những lưng áo bạc màu hay dưới gót chân trần nứt nẻ. Họ đi giữa ngàn hoa và gió lộng với bao ấm lạnh đời thường còn ta thì đã lạc vào cổ tích hay huyền thoại mất rồi!
Kể lể thì rất hay dông dài, nên thôi, xin dừng lại ở đây! Cũng có thể vì sự gắng gượng đã vượt quá khả năng- khi cố lan man bao chuyện không hề liên quan gì đến những điều mất mát to lớn xảy ra đã mấy ngày nay. Bóng hình của một bậc chân tu đã tan vào sương khói. Một sự trống rỗng, chông chênh từ giây phút đó bỗng tràn ngập cõi lòng.
"Ta về một cõi tâm không
.............
Mưa lạnh đèo cao không cõi người…"
Đó là câu đầu và câu cuối trong tập thơ Thiên lý độc hành của Thầy Tuệ Sỹ. Khoảng cách giữa hai chữ "không" này- trên trang giấy hay
trong cõi đời, với một kẻ còn đứng ngơ ngẩn trước thiền môn- như từ vũng lầy u mê đến bến bờ vi diệu, xa thẳm ngàn trùng ./.
(*) Chữ trong thơ Phạm thiên Thư.
(**) Hoa dã quỳ còn có tên khác là cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại hay hướng dương dại.
(***) Chữ trong thơ Nguyễn bá Trác.
Bắc Tây Nguyên, 11/2023