B uổi trưa, xóm nhỏ đang im lìm, chợt rộn lên bởi tiếng chó sủa loạn. Chắc có người lạ rồi, mẹ sai tôi chạy ra xem sao. Một nhà sư đang khất thực. Tôi trở vào nhà báo tin. Mẹ tôi, đội chiếc khăn lên đầu cho khỏi nắng, xỏ dép rồi lật đật đi ra ngõ. Dáng mẹ tất tả dưới cái nắng như thiêu đốt. Lúc này, đã có nhiều người trong xóm hiếu kì, tụm năm tụm ba ở đằng xa chỉ trỏ. Nhà sư vẫn điềm nhiên bước, đầu hơi cúi xuống, trong tay là chiếc bình bát màu đồng thau. Có ai đó buột miệng, có khi nào sư giả không ta? Tôi liếc mắt về nơi phát ra mấy tiếng ấy. Không một sự phản ứng, chỉ có tiếng cười xôn xao. Một người tỏ vẻ hiểu biết, oang oang, hôm trước xóm dưới có mấy người giả sư đi bán nhang, tối về thì họ ghé quán nhậu nhẹt, uống bia đấy, lạ gì. Mẹ tôi nhìn người vừa nói, đặt vội vào chiếc bình bát mấy quả na chín tới vừa hái trong vườn rồi bảo tôi vào nhà. Tôi nấn ná. Mẹ ngồi ở bậc thềm, thở dài. Mái tóc đã bạc trắng, phơ phất trước trán.Trông mắt mẹ buồn lắm.
Nhà sư vẫn bước dưới cái nắng nóng ban trưa. Mấy con chó vẫn sủa theo. Người ta vẫn còn bàn tán. Tôi đứng dưới bóng râm của tàn cây trứng cá, mãi nhìn theo…
Mẹ bảo, người ta dần mất niềm tin vào cuộc đời, vào con người mất rồi. Cũng phải thôi, xã hội bây giờ lằn ranh giữa tốt xấu, thiện ác quá mỏng manh, khiến sự nghi ngờ càng làm chúng ta thêm cảnh giác. Tháng trước có người ăn xin đói lả, nằm ở vệ đường nhưng vẫn không được đoái thương một gói mỳ, một lưng cơm nguội hay vài đồng bạc lẻ. Ông ta nằm suốt từ xế chiều tới sẫm tối, may sao gặm được mẩu bánh mì thằng bé đi ngang ném bỏ. Tôi nghe mà lòng cuộn lên bao xót xa. Không lẽ người với người mà đành đoạn đối xử như thế sao? Mẹ từ tốn. Điều ấy cũng có lý do cả con à. Có nhà từng bị một kẻ khố rách áo ôm nào đó đột nhập cuỗm mất tiền bạc và quần áo. Rồi có lần ở chợ người ta còn trông thấy một bà già ăn xin móc túi nữa. Tôi chua chát, rồi lại ngậm ngùi. Đành rằng là có nhưng chỉ số ít thôi, chúng ta không thể đánh đồng mà vô tình gạt họ ra khỏi xã hội một cách nhẫn tâm như vậy. Mẹ không nói gì nữa. Tôi biết mẹ cũng nhiều nghĩ suy, trăn trở. Mẹ là người hay lên chùa lễ Phật, mẹ luôn dạy tôi điều hay, hướng thiện khi biết tôi càng ngày chìm sâu trong cõi ta bà của bon chen, giành giật chốn chợ đời.
Ngôi chùa nằm ở lưng chừng núi, mặt hướng về phía cánh đồng, trước chùa là lô xô đá tảng và bụi gai rậm rạp. Nối từ đường cái lớn, ngược dốc là con đường đất đỏ, nhấp nhô đá sỏi và bụi. Mùa mưa con đường bị xói mòn vì nước đổ từ trên cao xuống, đi lại rất khó khăn, mùa nắng thì lại sủi bụi và đá sỏi gồ lên. Điểm thu hút nhất, gần đó, có lẽ là ngôi mộ cổ nằm án ngữ gần ngã ba giữa đường cái lớn và đường lên chùa. Khu mộ chiếm một diện tích khá rộng, vôi vữa đã bong tróc, một màu nâu xỉn, rêu xanh bám đầy. Cạnh ngôi mộ là tán bồ đề xum xuê cành lá, quanh năm che mát ngôi mộ. Trẻ con trong xóm hay tới đó tìm tổ chim, mấy bác nông dân đi làm đồng về cũng ngồi tựa lưng vào gốc cây hóng gió. Ngôi mộ có từ bao giờ không một người làng nào biết. Cả sư trụ trì chùa cũng lắc đầu. Sư ông trụ trì đã ngoài bảy mươi. Mỗi chiều tà, hay đứng trước cổng chùa nhìn xóm làng, nhìn ngôi mộ đang dần chìm vào bóng hoàng hôn, đầy tịch mịch và thâm nghiêm. Từng chiếc lá rơi dần, ngập đầy lối nhỏ và tịnh độ những tiếng chuông ngân.
Ngày tôi còn nhỏ, mẹ hay dẫn tôi lên chùa. Tôi theo mẹ cho vui, vì ngoài việc phải theo mẹ lên chùa thì tôi cũng không biết phải làm gì cả. Thế nên trong lúc mẹ làm lễ, sùy sụp lạy, tôi lại tót ra vườn ngó nghiêng tìm trái chín, hay nhặt sỏi ném chim. Chú tiểu có mái đầu ba miểng vùa hiếu động cũng bỏ chổi đang quét lá, hùa với tôi bày mấy trò nghịch ngợm. Trước cổng chùa thỉnh thoảng xuất hiện vài người ăn xin, trông rách rưới và bẩn thỉu. Mẹ tôi nhẹ nhàng đặt vào chiếc nón trước mặt họ khi thì nắm xôi, khi thì nải chuối và vài đồng bạc lẻ. Tôi theo mẹ, hiếm khi nhìn những người ăn xin, mà vẩn vơ nhìn trời nhìn mây. Mẹ thủ thỉ bên tai tđiều gì đó tôi cũng không hề hay biết. Khi mẹ níu tay bảo về, tôi mới nhìn mẹ.Mẹ có vẻ không hài lòng trước thái độ của tôi lắm. Và hình như mẹ khóc. Tôi hỏi vì sao, mẹ trả lời tại bụi bay vào mắt.
Quán nằm sâu trong con hẻm nhưng đông khách lắm. Tôi cũng thường hay đến quán này dùng bữa. Nhiều món ngon, rẻ lại thêm sự phục vụ chu đáo, lịch sự. Đang loay hoay chọn chỗ, tôi phải ngẩng lên bởi cảm giác ai đó nhìn mình. Một gương mặt trông quen nhưng tôi không tài nào nhớ ra mình gặp ở đâu. Tôi nhíu mày, vắt óc hình dung nhưng chịu. Gương mặt quen ấy đang đi với một cô gái trông sành điệu bởi dáng chuẩn, áo thun bó sát người cùng chiếc quần jean ngắn cũn cỡn. Họ cũng đang đợi món và nói chuyện với nhau, trông tình tứ lắm. Tôi khều tay bạn như cầu cứu, nghĩ rằng biết đâu bạn cũng đã gặp gương mặt quen đó. Nhưng bạn cũng đã lắc đầu.
Tiếng người đuổi, tiếng chân chạy vang lên trước cửa quán. Một thằng bé rách tươm xơ mướp đang giằng vỏ lon bia từ tay một thằng bé cũng rách như nó. Thì ra hai đứa nhặt ve chai tranh nhau. Tôi nhìn chúng, tò mò, xem sự thể như thế nào. Bất ngờ, gương mặt quen từ bàn bên đứng dậy tiến ra dúi vào tay mỗi đứa mấy đồng lẻ. Hai đứa lí nhí cảm ơn rồi vù chạy. Gương mặt quen lắc đầu, nở một nụ cười rất nhẹ.Mãi đến mấy ngày sau, khi trở lại quán, chỉ thấy cô gái hôm nọ đi một mình, tôi mới tò mò hỏi chủ quán, mới nhớ gương mặt quen kia là ai.
Nhưng rồi, công việc kéo tôi đi mãi, việc nói cho mẹ biết về người đàn ông từng về xóm mình, hay lên chùa thắp hương cầu nguyện cũng chưa nói được. Và tôi đã quên như quên một giấc mơ không đầu không cuối, rất mơ hồ. Mẹ tôi gọi điện lên báo, sắp trùng tu chùa, sư trụ trì có nhã ý mời tôi về dự buổi khởi công. Tôi đồng ý cho mẹ vui, dù nay mai tôi phải đi công tác. Thiệt tình, không về được, chỉ gửi ít nhiều về góp cho nhà chùa cũng được nhưng tôi biết, mẹ rất buồn. Tính mẹ xưa nay tôi rành rẽ lắm. Mẹ sống nặng tình cảm, trước sau vẹn toàn. Mẹ từng bảo tôi là con nhà Phật, xưa khó nuôi phải gửi ở nhà chùa một thời gian. Từ nhỏ tôi đã sống trong âm thanh của tiếng mõ, tiếng chuông và những bài kinh. Nghe mẹ nói tôi chỉ biết lắng nghe. Lần nào về thăm mẹ, nếu rảnh rổi tôi lên thăm chùa. Thực ra chỉ dạo quanh sân, ra vườn, ghé vào điện. Ở chùa có những cây cổ thụ xanh um tán lá, dạo dưới bóng cây cảm giác yên bình, thư thới.
Và tôi đã gặp lại gương mặt quen ấy tại ngôi chùa vào một buổi chiều. Trông ông đạo mạo, nghiêm trang trong chiếc áo màu lam. Ông là chủ doanh nghiệp và là phật tử của chùa. Thì ra cái dự án mở khu công nghiệp ở xóm tôi, ông là một trong những chủ đầu tư.
Một vài gói thầu trong dự án rục rịch khởi động, thi công. Người và xe kéo về ùn ùn suốt ngày đêm. Nhiều quán xá tạm bợ, những lán trại tồi tàn, nhếch nhác cũng mọc lên trên những khoảng trống mọc đầy cỏ xanh mà bọn con nít hay chăn thả trâu bò. Con đường chính chạy dọc xóm bị băm nát, đất đá văng tứ tung, bụi đỏ mịt mù. Người dân ngao ngán thở dài. Một sự xáo trộn cuộc sống ghê gớm. Ở đâu, gặp nhau họ cũng nói chuyện về những dự án. Người thức thời hào hứng vì sự thay đổi diện mạo xóm làng khi khu công nghiệp mọc lên. Con em họ sẽ có việc làm ngay tại quê nhà, kinh tế sẽ ổn định. Người chân chất quê mùa, quanh năm lam lũ bên ruộng lúa, vồng khoai thì than thở, mất đất canh tác rồi lấy gì mà ăn, không khéo kéo nhau lên phố kiếm sống. Ối dào, bọn thanh niên thì vô lo, miễn có tiền trong túi tiêu xài, ăn diện là được, lo gì mà lo, tiền đền bù sắm xe chạy mù khói không sướng cái đời hơn sao. Mai nay rồi ai cũng có việc tuốt. Thiệt tình, cả tháng nay, tiền đền bù khiến cho cái xóm nhỏ chuyển mình . Hát hò, nhạc nhẽo xình xịt, quán xá nhấp nháy đèn màu. Lại thêm mấy cô tóc vàng tóc đỏ, mỗi chiều cứ lạng qua lạng về ở mấy lán trại công nhân. Cô gái tôi gặp ở quán ăn dạo nọ thì có vẻ phớt đời, ngồi gác chân ở quán bà Tư béo, châm thuốc hút hoặc giũa móng tay. Thỉnh thoảng lại nghe điện thoại. Nghe xong lại gọi cho ai đó.
Tôi lại gặp gương mặt quen tại chùa. Ông ta đang đàm đạo Phật pháp với sư trụ trì. Nhà sư trẻ khất thực qua xóm cũng ghé đến, rót nước mời khách. Trông sư trẻ có vẻ buồn, cặp mắt như đọng nước. Tôi không quan tâm nhiều về câu chuyện giữa họ, chỉ bâng quơ ngắm từng đám mây trắng bồng bềnh trôi nhẹ qua cổng tam quan. Chú tiểu quét lá ngoài sân cũng ngước cặp mắt thơ ngây, trong sáng về phía những con chim ríu ran trong vòm lá.Nắng và lá rơi nhẹ nhàng trên vai.Chợt, chú tiểu kéo tay tôi. Tôi nhìn theo hướng mắt chú tiểu nhìn. Thì ra ngoài những con người đang ngồi ở bàn đá kia còn có một người nữa, đang lúi húi đằng sau. Một cô gái mặt trang điểm nhẹ, toát lên vẻ sang trọng. Cô theo gương mặt quen lên chùa chăng? Tôi phì cười trước sự lẩn thẩn của mình.
Chiều xuống thật chậm. Ráng mây hồng soi bóng xuống nhân gian những vệt dài, rực rỡ. Tôi đứng nhìn quanh. Cánh đồng phía mé trái chùa đang vào mùa gặt. Khói đốt đồng từng đụn bay lên, bên dưới lửa phầng phật cháy. Mấy đứa trẻ chăn bò đang rảo nhanh chân lùa bò về chuồng, tiếng nói cười vang xa, xôn xao. Từng ngọn gió mơn man, thổi lay lắt khóm lau cạnh bờ mương đầy hoa lục bình. Cảnh quê yên bình quá, liệu khu công nghiệp mọc lên có xâm thực và những hình ảnh này biến mất hay không?
Mẹ bảo tôi ăn tối xong rồi mới về lại phố. Trời sáng trăng, ánh sáng ngập đầy khu vườn nhỏ. Mẹ trải chiếu ngoài hiên, vừa xới cơm vừa trò chuyện. Không ngoài những việc đang từng ngày diễn ra ở quê. Cái dự án công nghiệp hóa này đã làm thay đổi miền quê vốn dĩ yên bình. Rồi đây những nhà máy sẽ mọc lên, hệ thống đường cái, đèn đường, những công trình dân sinh sẽ phục vụ tốt cho người dân. Mẹ bình thản nói nhưng sao tôi nghe giọng đầy uất ức.Tôi lặng im, nuốt từng miếng cơm, nghèn nghẹn. Mẹ còn bảo, hay là con về dưới này làm cũng được, chắc có khối việc. Tôi cười, nhìn mẹ, lòng chợt rưng rung. Mẹ nay đã già lắm rồi. Mấy chị lại có chồng xa, nhà chỉ còn tôi với mẹ. Mấy năm đi học xa, mẹ đã đợi chờ rồi. Ra trường tôi lại lên phố tìm việc, không đỡ đần gì cho mẹ. Thỉnh thoảng, cuối tháng mới về thăm mẹ. Mẹ sợ con trai khổ, thiếu thốn nên ra chợ mua nhiều thức ăn về tẩm bổ. Trong con mắt mẹ, tôi mãi là tuổi thơ.
Có tiếng ai hét lên ngoài đường cái. Rồi liền sau là những bước chân dồn dập, tiếng động cơ xe máy ầm ào, bấm còi inh ỏi. Một vụ án mạng hay vụ tai nạn? Tiếng người xôn xao, bàn tán. Tôi cũng chạy ra nghe ngóng. Một vụ đánh ghen. Rõ khổ, một chị xóm tôi đi bắt ghen chồng. Thằng chồng, từ ngày giao đất nhận tiền đền bù, sinh đổ đốn, rượu chè và ham của lạ. Ngày nào hắn cũng la cà quán xá. Chiều nay, sau chầu nhậu say, hắn ngoắt cô gái hay ngồi lì ở quán bà Tư béo thầm thì điều gì đó rồi chân nam đá chân chiêu, laojng choạng ra phía khu nhà trọ. Chị vợ nghe người ta bảo, vứt nắm bèo đang thái, quần áo xộc xệch, ướt nhẹp đi tìm chồng. Trong tay là con dao. Không có ai thương tích, chỉ chửi bới, to tiếng, xô bàn đá ghế thôi. Thiệt tình, cô gái xấu hổ lủi đâu mất, chỉ còn chị vợ lôi sềnh sệch gã chồng về. Nút áo hắn chưa cài và quần thì mới kéo hờ qua gối. Mọi người chứng kiến, lắc đầu rồi tản đi.
Rồi một chuyện rùng beng khiến dân xóm tôi mất ăn mất ngủ. Tôi nghe được hôm về chùa dự lễ khởi công và cúng dường. Ngôi mộ cổ phải bị di dời mở rộng đường cái. Con đường chạy lên chùa cũng cần nới rộng thêm. Người gương mặt quen giải thích như thế. Bên dưới người dân bàn tán, không đồng tình, rồi họ lục đục kéo về. Bởi theo họ, ngôi mộ cổ là di tích, là hồn vía của xóm làng và rất linh thiêng thì không thể đập phá, di dời được. Sư trụ trì không ý kiến gì cả. Gương mặt đanh lại không còn chút gì là của kẻ tu hành nữa. Người ta bắt đầu nghi ngờ sự liên kết giữa nhà đầu tư, những người đứng đầu xã và nhà chùa.Hôm ấy, nhà sư khấc thực chỉ ngồi ghi chép gì đó. Trông mặt sư lúc nào cũng buồn nẫu.
Coi như mọi chuyện đã xong. Những hạn mục công trình dần hoàn thiện. Ngôi chùa cũng thay đổi diện mạo, sơn quét sạch đẹp hơn. Ngói cũ, mục nát thay bằng thứ ngói mua từ Nam chở về, đỏ au, đứng dưới xóm nhìn lên thấy chói lóa. Chùa trùng tu xong, sư ông ốm, cổng chùa ít khi mở, phật tử ở xóm lác đác vài người đi lễ mỗi tối. Mẹ tôi cũng bỏ thói quen đi chùa, chỉ sắm hương hoa ngày rằm và mùng một, ăn chay bốn ngày trong tháng. Tôi hỏi, mẹ chỉ bảo già rồi, đi đứng không vững, chùa lại xa. Tôi biết mẹ đang có nỗi niềm.
Sư ông viên tịch đúng ngày rằm. Đêm ấy trăng không sáng, dù không một gợn mây. Bầu trời trắng nhờ. Con đường dẫn lên chùa loang lổ, mấp mô sỏi đá vì chưa hoàn thành. Nghe đồn, đêm trước ngày sư về với Phật có tiếng cú kêu thảm trên cây thị cổ thụ mé phải chùa. Tiếng cú nghe như oán, như hờn. Sư trẻ chạy đôn đáo lo hậu sự. Gương mặt quen túc trực bên linh cữu sư ông. Người ta mới vỡ ra một sự thật bấy nay được che giấu. Họ là hai cha con. Một đứa con vô thừa nhận, lưu lạc nhiều năm xứ người. Khi mẹ khuất núi, gương mặt quen trở về tìm cha mới hay ông đã vào chùa quy y.Người ta chỉ biết thế. Còn sư trẻ cũng được hé lộ một phần đời, nói chung cũng đầy hỉ nộ ái ố. Nhìn gương mặt buồn rười rượi, bụi trần chưa phai, kiếp nạn chưa đành của sư trẻ, người ta cũng e dè tìm hiểu. Họ bảo, trông sư trẻ hiền từ, đức độ, mong sư sớm thành chánh quả.
Tôi nay cũng đã chuyển về quê làm việc,sau khi mẹ tôi ốm nặng. Tôi làm tư vấn cho một công ty chuyên sản xuất đồ gia dụng. Công việc ở bàn giấy nhẹ nhàng, thêm nữa tôi nhiều kinh nghiệm nên xử lý dễ dàng, nhanh chóng. Làng xóm tôi đã khoác lên một bộ mặt mới, đáng mừng. Nhưng rơi rớt đâu đó vẫn còn nhiều chuyện không hay xảy ra. Những cô gái tóc xanh tóc vàng ở khu nhà trọ cuối xóm bị công an mời lên làm việc, và không còn lai vãng. Cả cô gái đi cùng gương mặt quen cũng không thấy đâu. Nghe đâu cô chuyển địa bàn,đến những dự án công nghiệp khác.
Tôi đi dọc con đường bê tông về phía trước chùa. Ngôi mộ cổ, cây bồ đề già không còn dấu vết. Ban đêm, đứng gió, làm gì có bụi mà mắt tôi xon xót. Tôi dừng lại nhìn quanh . Cảnh quê thật êm đềm như thể chưa có sự xáo trộn nào đã xảy ra.
Chợt có tiếng người xôn xao rồi tan theo gió đêm. Mấy cô, mấy chị trong xóm khăn áo lên chùa đọc kinh, lễ Phật. Tôi bước theo họ vào chùa. Sư trẻ chỉnh tề cung kính chắp tay lạy, mời đoàn Phật tử vào điện thờ sau khi đã thỉnh một hồi chuông dài, ngân vang.