Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

tranh bìa của họa sĩ Ngọc Dũng

HƠI ẤM CHO NGƯỜI



C ô nhỏ nhìn chăm mặt tôi rồi lui lại nói nhỏ với đám em, đám con nít năm đứa, trắng, sạch, chỉ một đứa trai. Cô nhỏ vừa nhờ lại tôi, chắc cô vội nói cho lũ em biết những điều mình biết về người thanh niên lạ: “Anh Nghiêu đó, anh ở học nhà mình, hồi tụi mày nhỏ tí, con này chưa có, ảnh học đằng Võ Tánh”. Dân Võ Tánh là “dân” xếp. Tôi biết ngay cô nhỏ là Ngà, dù cô Ngà này chỉ mang trên mặt rất ít các nét của Ngà tôi quen ngày đó.

Lúc tôi ở, Ngà học lớp nhì, ngủ có tật xoay lộn đầu xuống đuôi giường. Nên, sáng dậy, bao giờ Ngà cũng ngồi bí xị dưới đuôi giường, đối diện với cái gối om nằm xéo trên đầu giường…

Chờ cha nói dứt, Ngà tới bên tôi, mừng:

- Anh Nghiêu! Quỷ thần, ngó mãi mới nhận ra anh, trời đất ơi anh mà…

Ngà vịn thành ghế tôi. Cậu Ngà bóp bóp cái ly.

-Anh lớn dữ, anh Nghiêu. Cha à, chút nữa con đã không biết đây là anh Nghiêu!

Cậu Nga ạ ạ: “Mày dở”. Ngà mặc quần chật, vải vàng mỡ gà, bông trắng nhỏ từng chùm ba bốn cái.

-Ngà cũng lớn dữ lắm, Ngà cao…

Tôi định nói: “Ngà đẹp, trắng lắm, tướng quý phái, tay của Ngà…”. Nhưng nghĩ khen tưới và nịnh đầm với em họ thì chẳng béo bổ gì, vô lối, vô ích nên im. Ngồi với cậu Nga trên một giờ, chuyện nói không dứt, cậu hơi vui, nhưng tôi vẫn thấy mỏi lưng.

-Tự giờ anh ở đâu… Anh khác quá à.

Ngà vui thú thật tình. Tôi không muốn nói lại những điều đã nói cậu Nga nghe. Đi và làm nhiều năm nhưng đem nói lại lâu lắm là hai chục phút. Tôi nói để lát nữa ra ngoài mát tôi sẽ mở hai chục phút ấy ra cho nghe, nôn chi. Cậu Nga nói: “Để anh vào thay đồ, nghỉ”. Cậu nhớm người định đi. Tôi lấy cái gói giấy dầu để dưới đất đưa Ngà. Gói giấy trông như gói cuộn một, hai bộ đồ, đôi dép của các chị đàn bà giận chồng vờ bỏ nhà đi hoang, thường xách theo bên nách. Ngà gỡ mối sợi dây gai tôi cột chặt nhiều gút. “Gì kỹ vậy, anh chu du nước ngoài cõng về hở? Sách hở?”. Trong lớp giấy dầu đen còn lớp giấy báo. Ngà cười nức: “Ơi, chu cha!”. Hai cái máy hình bày lên bàn giữa mắt ngạc nhiên của hai cha con. Tôi nói mau gốc tích của hai cái máy: Cái lớn máy Mỹ, cái nhỏ máy Nhật, cái nhỏ đắt tiền hơn. Vợ tôi đi Pháp chữa bệnh đem về một cái, cái kia của bạn tôi tặng. Tôi muốn nói chính tôi đi Mỹ mang về một cái. Tôi du lịch nước ngoài về, sung sướng, mà người ốm o, đen đủi, buồn như người mất của. “Xin tặng cậu và Ngà”. Ngà ngồi chồm trên hai gót chân, rờ mặt kính cái máy nhỏ. Lũ nhỏ, thiếu thằng bé, chạy tới bu gối cậu Nga.

Năm đó cậu Nga ở trên tỉnh, mợ Nga còn sống. Ba tôi coi sự tôi trọ học nhà cậu là một vinh hạnh, may mắn lớn cho tôi. Làng tôi không ai giàu bằng cậu, và dù đã lâu cậu không về thăm nhưng nói đến cậu là ai cũng nói liền đến một kẻ cao sang, đẹp đẽ, lại vui tính, và khác lạ ghê gớm. Mẹ tôi kể nhiều lần cho các bà cùng xóm nghe về cái nhà bếp “mô-đẹc” hết sức ngon của mợ Nga, cũng cách mợ chỉ vẽ hai con ở nấu nướng làm sao, mợ chẳng đời nào động tay vào cái chảo hòn than. Ba dặn tôi ăn ở sao cho được lòng cậu mợ. “Mình quê nhưng mình phải tỏ ra…cách nào cho coi được”. Và, chỉ có một cách có thể hơn được người ta là học khá, ai cấm lũ nghèo học giỏi hơn kẻ sang. Hình như ba tuần đầu tôi không dám mò ra nhà trước, xem phòng ngủ cậu với phòng khách. Nhưng rồi, không lâu, tôi quen được hết, lại còn đâm ra xem thường nhiều thứ. Trước nhất là nhỏ Ngà – bấy lâu nay Ngà vẫn cười cái quần tôi mặc, da tôi sao sậm quá, còn gọi tôi theo lối trống không, không bằng tên, không anh cũng chẳng thằng. Ngà học sau tôi nhiều, lại học dở, dân trường tư báo hại cha mẹ! Sau nữa, coi ra trong toàn nhà cái vỏ trông dữ nhưng thật thì phần ruột chẳng có gì to tát lắm. Mợ Nga khó tính keo kiết, nhà ít khi được cái vui thông thường như ngoài nhà tôi luôn luôn có. Nếu của được như mợ Nga thì mẹ tôi sống coi lỏng tay biết mấy. Dưới mắt mợ Nga trong mười món đồ mua về có đến tám món phí của, lẽ ra nên thay bằng món khác, rẻ hơn mà xài cũng tốt ớn.

Ngà với tôi được giao công việc đi lượm rau cải hư về heo ăn. Rau chúng tôi đem về, hai giỏ nhỏ, không thấm một góc trong bao tử bốn con heo lớn. Khuya 5 giờ đồng hồ reo, tôi đập Ngà dậy, hai đứa hai giỏ lầm lũi ra chợ. Nhiều lần Ngà vừa đi vừa ngủ tiếp, nói gì nó cũng không ừ. Hàng rau giờ đó thường đã nhộn nhịp, các xe vận tải lớn đậu ngoài đường bỏ rau xuống, người ta gánh những gánh rau đầy ngút đổ tới. Các bà bày hàng ra đệm, xếp thứ tự, rứt bỏ mấy cánh ra sâu, úng vàng, và cà đậu thúi bẹp. Hai đứa tôi lượm các thứ họ rứt bỏ ấy. Một bữa tôi thấy trong rổ rau sạch sắp được mợ Nga bưng lên bàn ăn có hai trái cà chua tôi lượm hồi khuya, cà được rửa thuốc tím, cắt bỏ khoảnh úng. Tôi lên bàn học, ngồi thừ một lúc lâu, thấy khó hiểu, rồi buồn. Được hai tháng, hay gần ba tháng, Ngà phản đối mạnh không chịu vụ đi xin xấu xỉn này, sáng nào tôi lay dậy Ngà cũng kêu đau bụng, chóng mặt nhức đầu. Đến sau cùng tôi cũng được nghỉ. Tôi không đem việc này về nhà nói, vì muốn giữ cho mẹ tôi còn có được một cảnh trí một miền xinh đẹp để mà ngắm và mơ.

-Ngà bấm anh Nghiêu vài cái để bỏ bàn chơi nghe?

-Để kỷ niệm chớ sao để chơi. Cứ bấm.

Ngà chưa chụp ngay. Tôi dạy mấy đứa nhỏ cách bấm.

-Ngủ Ngà có còn quay đầu lộn phèo xuống đuôi giường không.

Ngà ngửng đầu, để máy xuống đùi, im cả phút – như người sững sờ khi bị người khác bảo thẳng cho biết là mình đã phạm tội lớn, xong Ngà cười to:

-Dứt,dứt lâu rồi, lớn ai lại thế. Anh nhớ quá hé.

-Nhớ luôn, vì bây giờ tôi mắc cái tật đó, mấy năm rồi. Ngủ, tôi xoay ngang xoay ngửa, thế nào cho đến khi thức dậy thì đầu nằm kề chân vợ tôi… tài tình là, vợ tôi chỉ biết lúc đã ôm lấy chân tôi mà siết.

Ngà hỏi “Thật sao?” ngạc nhiên lắm. Cậu Nga tưởng tôi đùa, cậu hỏi ngả khác:

-Cháu đã có vợ thật?

-Anh nói nghe sợ quá. Anh lại bị kiểu ngủ kỳ cục ấy hở… anh Nghiêu, Ngà tưởng…

Cậu Nga chặn con:

-Gọi anh là anh tư, đừng gọi anh Nghiêu, anh anh.

Tôi chào xin về. Cậu Nga không kịp có phản ứng vì chắc cậu ngỡ tôi ở đây đến hết buổi. Tới cổng tôi lên xe, chúc cậu câu thông thường. Tôi đi liền. Chẳng hiểu Ngà có nhìn theo chăng. Ngày đó, xách giỏ đi chợ với Ngà lượm cải tôi không biết mình đang được đi bên cạnh một người rất đẹp. Sống nhờ vào ông cậu tôi không thấy trước có ngày mình phát khá ngang ông.

Tôi cho xe chạy vòng vào mấy con đường nhỏ. Đường hai bên trồng bông bụt thẳng hàng, dây bìm leo rậm. Hồi ấy lúc trời mưa mấy ngõ này sình sộp dơ dáy. Con đường chạy ngang trụ sở tôi thấy là dài lắm, chạy một hơi mỏi chân mới qua khỏi. Nay nhìn lại tôi tức cười, nó nhỏ nhắn, dễ thương, đáng gọi một đọan hơn là một con đường. Nhà cô Thượng dưới kia, cuối đoạn đường dễ thương, chếch với nhà “con Tạo cây sung”. Trụ sở làng lớn gấp ba cũ, lại lợp ngói, có một cây gì tàng lá tốt đứng kế chòi mõ. Sân sau, đám ruộng chứa trấu và rác rưởi không còn, giờ thay bằng cái nhà tôn, tường quét vôi trắng ởn, đầu hồi vẽ một chữ thập đỏ thật nổi. Các buổi trưa đặc biệt, đôi khi buổi chiều, ông chức việc ốm lo về thông tin leo lên chòi mõ chỉa loa thiếc về bốn phía la: “Thưa tàn thể đồng bào, nam phụ lão ấu… họp có việc cần tại nhà làng… tới dự cho đông đủ, a lộ a lô!”. Bọn nhỏ chúng tôi ưa nhái lại tiếng a lộ, a lô kéo dài đó Rồi một giờ trước khi họp cũng chính ông có quyền hét la này lên chòi đập mõ rang rang. Trên mười năm rồi tôi chưa nhìn lại cái mõ. Năm một hai lần, tin truyền đi trên tháp mõ đem lại cho dân làng một buổi đợi chờ háo hức, khi thay vì mời họp, lời rao sẽ mới lạ: “Đồng bào đến xem buổi dăng nghệ rất hay do thông tin tỉnh họp cùng học trò quận nhà…”.

Qua nhà bà Mục, ông Hội, cậu Út Khai. Nhà ông Hội có rất nhiều trẻ nhỏ ngồi chơi rước thềm. Vô nhà cô Thượng cái thấy trước nhất là không thấy người. Cô Thượng nằm võng dưới nhà bếp. Cô mừng quá cả lúc lâu không hỏi han gì. Đặt gói giấy lên ghế, cởi áo ngoài cho thoáng, tôi hỏi cô một thôi dài về đủ chuyện. Cô Thượng bệnh hai năm nay, uống thuốc mất hai mẫu đất, lành được vài tháng rồi nặng trở lại, rồi bớt. Cô ốm, tóc ngó dày và dài, mắt to sâu hóm. Cô lặp lại mấy lần: “Tôi đâu ngờ Nghiêu…”, chỉ cái siêu sắc thuốc cô Thượng kể thành tích của bao tử cô: Nó thu nhận vô số thuốc tây, mấy trăm chén thuốc bắc. Tôi chưa bao giờ hớp một ngụm thuốc bắc. Mẹ tôi bảo: “ Mày không phải là người mình”. Ý mẹ tôi là không uống thuốc bắc không phải là người Việt. Tội cô Thượng.

Tôi quét bụi trên bộ ván và bàn tròn. Nhà ít người thấy vắng, buồn như trường học trong các tháng nghỉ hè. Cô Thượng ở với một ông già làm công. Nhờ ông này cô mới chưa chết vì buồn, trước khi kịp chết vì bệnh. Ông già tối ngày ở ngoài ruộng. Trừ ba bữa tết, còn lúc nào cũng tối mịt mới về. Ông lẩn quẩn với vườn với đất như sợ người ta sẽ dứt ông ra, đẩy đi chỗ khác, nếu ông rời ra xa một giờ. Tôi nói hiện tôi sống cũng chẳng vui hơn cô, dù nhà tôi nằm giữa phố. Tôi sẽ cưới vợ, bốn tháng nữa, để xóa cái buồn này.

Tác Nghiêu lẽ ra con đầu lòng phải sáu hay tám tuổi. Các dì, chú có ai nhận ra Nghiêu không.

Tôi tính nay chỉ đi thăm vài người còn để dành cho lần sau. Đi khắp một lượt dám mệt xỉu luôn dọc đường.

Cô lấy cái bánh uống trà.

Tôi mở gói lấy bánh đặt lên bao để cạnh tường. Cái bánh lớn hơn những thứ bánh vẫn thường bán ngoài các chợ, bọc giấy màu vẽ hình mặt trăng, mặt trời, chim, phi đạn, máy bay rất kỳ dị.

-Bánh ngon lắm cô. Ăn chừng nửa cái thì người khỏe hẳn lên như uống thuốc… lạ, nó đánh tan cảm, đau mình, nhức đầu.

Tôi biết cô có thể cô thích tiền, quà quý, nhưng tặng cô cái bánh còn quý hơn tặng năm bảy chục ngàn bạc. Ở đây xách túi bạc đi suốt năm chưa chắc đã tìm được. Cô không tin. Cô là em út ba tôi, mặt cô ít giống ba, nhưng tính thì khá giống, thích kỹ lưỡng, đa nghi. Tôi dặn thêm, đừng nhìn tấm giấy gói bánh nhiều, vì có hại. Chưa ăn đem cất, lúc ăn nên bóc giấy đem đốt ngay, nhìn những hình đạn, máy bay lâu máu trong người tự nhiên mất nhiều, sinh chứng thiếu máu nguy lắm.

Cô cất bánh vào tủ. Ai quen lắm mới cho một miếng.

-Ăn một miếng miệng thơm lạ thường.

-Ngó qua thấy cũng lạ.

-Con không tặng cô ít tiền mua thuốc, mà tặng cái bánh. Ăn thử một miếng, cô. Tôi cầm bánh định lột giấy, cô Thượng ngăn, còn thang thuốc chờ cô uống. Cô không vui bao nhiêu, cô nói dù ăn bánh được mạnh hẳn thì cũng cẳng mừng quá mức. Sự đau bệnh, chạy chữa, nấu thuốc, uống thuốc đã thành những việc quen làm hàng ngày. Như trước kia cô quét nhà, làm vườn, ra chợ mua bán, nấu cơm. Như người ta làm việc buổi sáng, trưa về nghỉ một lát, rồi làm tiếp buổi chiều, tối về ngủ. Quan trọng là có việc để làm luôn. Nay, nằm võng đưa, lắng nghe cái bệnh lăn nhẹ trong người, cô coi cũng là đang làm việc. Tôi kinh ngạc nghe cô nói.

Chiều ghé thăm cậu Hậu, tặng cậu số tiền khá nhiều còn lại, rồi về chợ. Cô Thượng cho biết cậu Hậu nay thuộc hạng nhất nhì nhà như một dinh quan. Chắc cô muốn nói việc biếu tặng nhà này không cần thiết. Tôi lặp lại cô nghe, tôi chỉ nghĩ việc quà cáp nhiều, khi ghé vào nhà giàu. Mấy dì tôi thật cực khổ mai tôi sẽ tới thăm, đi xe hơi, đi tay không và ngủ ở đó.

-Cô Tạo cây sung nay thế nào, cô?

-Vô Cam Lâm với ông chồng thứ ba, nuôi ba con của hai ông trước… Ngày Nghiêu đi nó còn lang thang hả? Tạo là địch thủ nhan sắc của cô ngày đó. Cô từng thắng Tạo một ván lớn, chiếm lấy dượng Thượng: một thanh niên đẹp, một ông chủ vườn đất rộng thênh, heo bò chỉ bệnh dịch mới mong giết hết. Tôi tiếc, mình vừa mất luôn những dịp đi dạo bên người cô đẹp – cô gái đẹp nhất làng.

Cô trả phong bánh, này. Nghiêu lại ở đây một đêm cho vui, nghe.

-Bánh ngon và hay lắm, thật đó cô.

-Cho cô đổi bánh hay lấy một buổi tối khác các buổi tối khác.

Chợt có tiếng xe chạy vào sân, rồi tiếng Ngà gọi lớn cô Thượng. Cô đáp, nhỏ nhẻ như trẻ con. Ngà vào.

-Em biết anh Nghiêu đến đây, đúng thấy chưa. Ba cứ nói anh về rồi… Mạnh chưa chị Thượng.

Cô Thượng ừ hữ cho qua. Ngà cầm tay cô hỏi cô thấy tôi nay khác xưa những gì.

-Ba mời anh tối ở lại nghỉ chơi một hôm. Có chị ba Ngà mới về nữa, anh Nghiêu nhớ chị ba không… Biết anh còn đây chị đã theo Ngà xuống rồi.

Cô Thượng ngó tôi. Ngà quên cứ cầm bóp nhẹ các ngón tay cô, như người ta mân mê các vật dụng nhỏ xinh.

-Ở lại anh nghe?

Tôi nói, điều mà từ sáng tới giờ tôi chưa nghĩ đến:

-Anh ở đây, cô anh bệnh. Mai có thể anh vẫn còn ở chơi. Tối mai anh sẽ lên Ngà thăm chị ba.

Ngà nhìn thẳng mắt tôi, tôi vội ngó lơ. Tôi vẫn nhớ rất rõ những khuya hai đứa đi với nhau, mắt cay, chân bước thấy nhẹ tênh, ngang qua trại lính im lìm, qua dãy bàng rậm ít ánh điện trước ty Thủy Lâm, ra chợ. Đó là những ngày không biết gì, và yên vui.

(Touk Meas)




VVM.12.12.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .