Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


CƠN HẤP HỐI



     Ô ng già vẫn hoi hóp thở, sau một ngày một đêm được đưa từ bệnh viện về nhà.

Nghĩa là sai khá xa điều bác sĩ tiên lượng cũng như dự đoán của mọi người: số giờ sống của ông già chỉ còn đếm bằng từng ngón trên một bàn tay!

Cũng có nghĩa những lo liệu hậu sự hết sức chu đáo của cả một gia đình tận tụy vẫn tạm thời gác lại, chưa có cơ hội sử dụng đến.

Cây kim dài nhất trên mặt chiếc đồng hồ treo tường không ngừng miệt mài nhảy nhót. Như đùa nghịch, như trêu ngươi!

Ngoài sân, bóng nắng xế dần… Rồi nhập nhoạng tối… Rồi màn đêm buông… Rồi một bình minh mới vươn vai nhỏm dậy…

Ông già vẫn nằm bất động, y như lúc được khiêng từ xe cứu thương đặt vào giường. Không mở mắt. Không rên rỉ. Không nhúc nhích ngón tay hay ngón chân. Cũng không cần ăn uống. Chỉ hoi hóp thở.

Ôi chao, sốt ruột quá!

Gia đình sốt ruột, mặt mày phờ phạc vì canh thức suốt đêm đã “oải chè đậu” lắm rồi.

Cậu nhân viên thay mặt cơ sở mai táng túc trực ở đây từ sáng qua, rất sốt ruột, bồn chồn ngồi đứng không yên. Người ta thấy chốc chốc cậu lại từ quán cà phê đầu ngõ chạy vào ghé đầu quan sát tình hình rồi mặt mũi ỉu xìu, uể oải quay lại quán tiếp tục điệp khúc… chờ. Chẳng cần hỏi, cậu cũng biết ông chủ trại hòm ở nhà còn sốt ruột hơn cậu khi chiếc quan tài đắt tiền nhất đã được lệnh khiêng sẵn lên xe, đang đợi cú điện thoại của cậu là tài xế mau chóng xuất phát.

Thầy Tư Tô lại càng sốt ruột, vì ê a cạn chồng sách kinh rồi mà tình hình chẳng mấy… khả quan!

Thầy đã tuyên bố chắc nịch: theo số tử vi thì tuổi ông già “đi” ngay tuần này rất tốt, vợ con ông sẽ phất hơn diều no gió, phát lộc kiết tường. Tuyệt đối không để leo sang tháng sau, lại hóa… đại hung!

Ông già có biết điều đó chăng mà chưa chịu chết ngay cho vợ con nhờ?

Không lẽ những hứa hẹn hấp dẫn của miền “thiên đàng, cực lạc” trong lời kinh thầy Tư đọc ra rả chưa đủ sức dụ dỗ ông?

Hay đúng như lời xì xầm của kẻ nhiễu sự nào đó, rằng thầy Tư Tô là “thầy dỏm” nên Ơn Trên chẳng “chứng” cho?

Vì theo lời kẻ nhiễu sự ấy, trước kia vợ chồng con cái thầy Tư kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo. Sáng sớm là cả nhà tản ra, mỗi người rẽ một hướng với xấp vé dày cộm, rong ruổi miệt mài đến chiều tối.

Sau này già rồi, lưng đau chân yếu không lội bộ được nữa, thầy Tư ngồi nhà, treo ngoài cánh cửa cái bảng con con “CHUYÊN XEM TỬ VI, NGÀY GIỜ TỐT XẤU”.

Người xung quanh chưa có một ai điên đem tiền cống nạp cho thầy, nhưng nhờ mấy đứa con thầy tích cực quảng cáo và cò mồi trên Facebook - Zalo nên cũng có không ít khách nơi xa tìm đến.

Chị con gái lớn của ông già là một người khách như thế. Chị rước thầy Tư về nhà “làm lễ” cho bố chị sớm “thăng thiên” đúng thời điểm… đại cát.


Thêm ba ngày nữa, ông già vẫn hoi hóp thở.

Ôi chao, sốt ruột quá!

Dù vẫn được gia chủ kính trọng, tin tưởng lắm lắm, thầy Tư Tô cảm thấy mất mặt quá xá.

Để vớt vát cái uy tín phần nào sứt mẻ, thầy cố tìm cho ra nguyên nhân lý giải: chắc chắn ông già đang “ĐỢI”… ai. Một khi người ta còn đang nắm níu điều gì đó, làm sao có thể dễ dàng rũ áo thẳng đường mà đi cơ chứ?

Cả nhà nhìn nhau. Ừ nhỉ, cũng có lý!

Nhưng điểm lại thì vợ, con, dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại đều tụ họp về cả rồi. Mấy ngày nay nghe tin xấu, họ hàng hai bên cũng lần lượt ghé thăm ông già, chí ít người nào có ở xa hay sức khỏe quá yếu không đích thân đến được thì cũng gọi điện hỏi han.

Vậy ông già còn “đợi” ai?

Bà già hết sụt sịt khóc lại sườn sượt thở dài.

Nhìn cây kim ngắn nhất trên mặt đồng hồ chỉ uể oải nhích từng li cũng đã xoay tròn được rất nhiều vòng, bà già càng thêm nóng ruột, chốc chốc lại ghé tai ông, nhắc mãi một câu:

-Thôi ông ạ, ai thương tiếc ông cũng đều đến nhìn mặt ông lần cuối cả rồi. Còn đứa nào quên, ông chờ thứ bạc bẽo ấy làm chi? Ông cứ yên lòng đi đi kẻo lỡ mất ngày… linh!

Có lẽ đã yếu sức quá nên ông già không còn nghe được, hoặc là có nghe loáng thoáng đấy mà không hiểu hết ý tứ. Chứ nếu nghe ra, hẳn ông đã răm rắp tuân theo ngay, như thông lệ xưa nay một khi lệnh bà đã ban, có bao giờ ông to gan dám cãi?


Ông già vẫn hoi hóp thở.

Ôi chao, sốt ruột quá!

-A, đúng rồi!

Bà già đột ngột đập mạnh tay xuống đùi, kêu lên như thế khi vừa chợt nghĩ ra:

-Chúng mày ạ! Mẹ rối quá, quên mất… Phải cúng kem!

Cả nhà thuỗn mặt ra, ngơ ngáo vì lần đầu được nghe một từ… lạ.

Ai không hiểu “cúng kem” là gì thì hãy nghe bà già giảng giải:

Thí dụ, có lần, ông già đến chơi nhà một ai đó (lối xóm hoặc bạn bè… -bất kỳ!) vào đúng lúc nhà đó đang ăn (ăn cơm hoặc ăn quà vặt… -bất kỳ!). Lịch sự và hiếu khách, chủ nhà vồn vã mời ông cùng vào bàn. Ông già (ngại ngùng hoặc không thích món đó… -bất kỳ!) từ chối bằng lời nói dối:

-Cám ơn nhé! Nhưng tôi vừa ăn (tên một món bất chợt nghĩ ra… -bất kỳ!) xong, đang còn no anh ách đây.

Ông già đâu biết lời nói dối cho qua đó vô tình biến thành khối nợ dai dẳng đeo vào cổ. Nếu sau đó trong đời, ông vẫn chưa có dịp thưởng thức món ăn tưởng tượng ấy thì đến giờ chết, “nó” sẽ đòi ông thực hiện bằng được!

Giải thích xong, bà già chốt hạ:

-Bây giờ phải tìm mua đúng món đó về để thầy Tư cúng “giải nguyền”. Người ta gọi thế là “cúng kem”.

Con cháu càng ngơ ngáo hơn:

-Biết món gì mà mua?

Ôi, cái bọn “người to, óc bằng trái nho” này tối dạ quá! Biết rồi còn gì để nói? Không biết thì thấy món gì cũng mua ráo. Trước cúng sau ăn có mất đi đâu? Đằng nào đến bữa chẳng phải ăn, bộ cả nhà nhịn đói được chắc? Nếu may mắn mua đúng ngay món cần tìm thì hay quá! Thôi nào, ù té lên, kẻo trễ!

Thế là cả con gái lẫn con dâu nháo nhào… chạy.

Món ăn lần lượt được đem về, chất đầy mấy chiếc bàn lớn quanh giường ông già. Bò, heo, gà, vịt, tôm, cá, cua, ốc… với đủ kiểu chiên, nướng, quay, xào, hấp, luộc, tái, chín… tỏa mùi thơm nức, rất ngon!

Bà già bảo “trước cúng sau ăn” nhưng cả nhà chẳng thể nào ăn hết ê hề món thế kia. Tiết trời đang nắng nóng gay gắt, nóng đến muốn cháy da người. Dưới những cây quạt máy phành phạch mở hết công suất, thức ăn chỉ vài giờ sau dần dần đổi màu tái, thâm, khô cứng. Lũ ruồi háu đói còn chê, vo vo lượn qua cũng chẳng thèm hạ cánh.

Thầy Tư Tô cúng “giải nguyền” kỹ lưỡng từng chi tiết xong gần nửa ngày rồi. Vậy mà…

Thầy tiu nghỉu, lắc đầu phán:

-Chưa đúng món cần mua!

Thế này thì còn hơn đánh đố, tài thánh cũng chẳng ai đoán ra thứ quái chiêu bí hiểm nào! Biết đâu là “đặc sản” chế biến từ gián, giun, bọ xít, sâu róm, lăng quăng… chăng?

Chịu! Họa may có Trời biết!


Buổi sáng ngày cuối cùng của tháng, ông già vẫn hoi hóp thở.

Ôi chao, sốt ruột quá!

-A, đúng rồi! Mẹ rối quá, quên mất…

Bà già lại đột ngột đập mạnh tay xuống đùi và kêu lên. Bà vừa nhớ ra: ông già chưa “đi” được nhất định chỉ vì đang còn chất chứa đầy ứ trong ngực nỗi giận… lũ con dâu đấy thôi!

Chứ gì nữa? Làm sao ông già hài lòng với ba đứa con dâu hậu đậu, vô tích sự, nhìn hết bề dọc sang bề ngang chỉ thấy đầy nết hư tật xấu kia? Từ ngày về làm dâu, chúng gây ra hằng hà lỗi lầm, lấy thúng lấy nong đựng cũng chẳng chứa hết! Ấy thế mà lúc nào chúng cũng nhơn nhơn, như ngây thơ vô tội lắm, chưa một lần biết nói nửa câu sám hối. Bảo sao ông già không ấm ức quá mà chẳng thể… chết được?

Thế là bà già gọi các con dâu phải lập tức đến xin lỗi ông già.

Lần lượt, ba nàng dâu đến quỳ bên giường, ghé tai ông già thì thào… thì thào… -như hối nhân xưng tội với linh mục-, nhìn bộ dạng rất thành tâm. Nhưng có phải là lời xin lỗi chân thật không thì chẳng ai bảo đảm. Nghi lắm!


Con dâu nghiêm túc thú tội xong đã khá lâu. Ông già vẫn hoi hóp thở.

Ôi chao, sốt ruột quá!

-A, đúng rồi! Mẹ rối quá, quên mất…

Bà già lại đột ngột đập mạnh tay xuống đùi và kêu lên thêm lần nữa.

Khổ thân bà già! Vì xót xa cho ông già mà bà rối quá, cứ quên trước quên sau mãi, nhỉ?

Lần này, bà làm hai chàng rể giật thót, mặt biến sắc. Hai chàng lấm lét liếc trộm mẹ vợ, đinh ninh đến lượt mình sắp được xướng tên lên bảng… Phong thần!

Nhưng, may quá, chỉ là bà già đột nhiên nghĩ ra: chắc ông già còn thiếu nợ ai hoặc có ai đang quỵt tiền ông, nên ông mãi… lấn cấn!

Nghe thế, chẳng những hai chàng rể mà hai cô con gái cùng đồng loạt… thở phào! Hú vía! Cứ tưởng…

Ừ, phải rồi, hai gã con trai gan dạ cùng mình -vào một ngày đen đủi nào đó- đã bốc đồng xung phong nhào vô tình nguyện “rinh” hộ ông già hai hũ mắm treo lửng lơ chẳng biết sắp rơi tuột xuống vỡ toang lúc nào. Ông già hàm ân hai kẻ liều mạng này không hết, chẳng cám ơn con rể thì thôi, còn hờn giận nỗi gì?

Nhưng có liên quan đến chuyện nợ nần thật không? Nợ ai? Ai nợ? Cả nhà thừ mặt ra, cảm thấy có gì đó khó xử. Dính đến tiền bạc là lôi thôi rắc rối lắm, chẳng đùa đâu.

Hai cô con gái chụm đầu thì thầm phân tích tình hình: Chuyện ông già thiếu nợ, không có gì chắc chắn! Nhưng khả năng ai đó đang nợ tiền ông thì tin được! Vì xưa nay tính ông vừa thật thà vừa hay thương người. Mà trong số ông quen biết có nhiều người túng bấn hơn ông. Ngay cả không túng bấn đi nữa, nếu có thể lợi dụng ông được, họ cũng chẳng dại gì bỏ qua cơ hội bòn rút. Chẳng thế, sao người ta vẫn nhắc nhở nhau: đời nay “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều”…?

Rồi hai cô chép miệng ước: phải chi bây giờ đột nhiên ông già tỉnh táo dậy, dăm ba phút thôi cũng được, đủ kịp nói ra tên con nợ nào đó của ông, thì may mắn quá.

Nhưng anh trai trưởng khôn ngoan hơn, nghĩ ngược lại: ông già cứ nằm im lìm bất động thế kia càng may mắn hơn. Chứ lỡ ra, tỉnh lại, ông thú nhận đang thiếu ai dăm cây vàng chẳng hạn, thì đứa con nào sẽ lãnh trả thay ông đây? Lại đổ hết lên đầu trưởng nam đấy hả?

Đừng hòng, nhé!


Đêm về. Chỉ dăm phút phù du nữa là bước sang tháng mới rồi. Cả nhà nhìn nhau, lo sốt vó. Lo ghê lắm.

Vì ông già vẫn hoi hóp thở.




VVM.04.12.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .