C hiếc xe đạp mấy ngày nay quên chấm nhớt vô sợi dây sên và những bộ phận dành cho sự chuyển động nên mỗi lần anh đạp một vòng thì nó phát ra tiếng kêu…kít…kịt…khô khan, nhưng vì đang ở trong đồng nên đành chịu vậy. Anh đang tìm bắt những con chim, nói cho đúng là anh đi bẫy chim.
Tháng bảy mưa ngâu và cũng là tháng “xá tội vong nhân”, nhà anh nghèo lắm, trong một năm chỉ được rằm tháng giêng và nguyên một tháng bảy là anh có việc làm đều đều và kiếm được nhiều tiền, còn những tháng khác thì chỉ nhờ vào ngày mồng một và rằm thì hơi khá một tí, ngoài ra thì lai rai, lúc được lúc thất. Muốn biết anh làm gì ư? Đơn giản lắm: “anh đi bẫy chim theo đơn đặt hàng”, mỗi con chim có giá là mười ngàn, một ngày anh kiếm khoảng năm chục con, vị chi là năm trăm ngàn, nhanh, gọn, lẹ và cũng khá dễ dàng, chỉ tốn chút công ngồi hút thuốc, nhìn mây bay và nghỉ ngợi lung tung trong lúc chờ đợi những con chim sa bẫy.
Tuần trước mấy bà nhà giàu đi lễ chùa, mỗi bà đặt hàng anh - tùy theo mức độ tội lỗi của họ hoặc của chồng mà mua nhiều hay ít – nhiều tội thì thả nhiều chim, ít tội thì thả ít chim, chỉ có mấy đứa bé là không cần phải vô chùa thả chim “xá tội” vì con nít thì làm gì có tội, tụi nó còn bắt chim đem về nhà nuôi và coi chim như bạn, chăm sóc thương yêu hết biết.
Vậy nên ngày nào anh cũng đạp chiếc xe đạp củ mèm trầy trụa tróc sơn để vô sâu trong ruộng mà bẫy chim, ngộ một điều là người ta không thả những loại chim lớn, mà chỉ thả những con chim nhỏ như chim sẽ, chim sâu, chim én… anh cũng không biết lý do tại sao? Để hôm nào có hứng anh sẽ suy ngẫm cho ra điều này.
Bẫy chim tuy dễ nhưng mà mất công, phải có lòng kiên nhẫn mới được; đồ nghề anh đem theo là một tấm lưới sợi ny lông rất mảnh, rất bền, nó được đan từng lổ nhỏ và có màu xanh như màu của cây cỏ. Anh rong ruổi đi tìm mấy đám ruộng đã gặt xong còn trơ gốc rạ, hoặc ruộng mới được cày xới lên, đất còn lục cục lòn hòn…có địa điểm rồi, anh đem trải tấm lưới lên trên ruộng, xong rồi anh rải một nắm lúa đều lên trên, sau đó thì tìm chổ ngồi ở một nơi khuất hoặc dưới một gốc cây nào đó mà chờ đợi. Bầy chim thấy mồi liền kêu nhau sà xuống, những móng chân có vuốt nhọn và cong vô tình bấu vào những sợi dây lưới làm nó bị vướng, không sao thoát ra để bay lên được, càng vùng vẫy càng bị mắc cứng, thế là anh chỉ việc đến thu nhặt “chiến lợi phẩm”.
Anh phải rong ruổi từ đám ruộng này đến đám ruộng khác để giăng bẫy, không có ruộng thì tìm một bãi đất trống…hai chân anh lắm khi mỏi mệt rã rời, chiếc xe đạp nó cũng mỏi mệt theo anh, chỉ sợ tới một lúc nào đó cả hai đều bị mỏi mệt như nhau thì coi như là anh đành phải…về hưu.
Những ngày bẫy được chim xong thì anh chở mấy cái lồng đang nhốt chật cứng những con chim nhỏ bé yếu đuối xác xơ - trên chiếc xe đạp cà tàng của mình - đến đứng trước cồng chùa chờ đợi khách thập phương đi viếng chùa, họ mua và phóng sanh cho những con chim nhỏ. Buồn cười là khi “hút hàng” chính họ lại đặt hàng để anh đi bắt chim đặng họ mua đem thả…Mâu thuẫn quá chừng.
Người đàn bà to béo đẩy đà mặt tô đầy son phấn kỳ kèo trả giá với anh từng đồng cho mỗi con chim sẽ:
- Gì mà mắc quá vậy? Tôi mua nhiều thì phải bớt cho tôi mỗi con hai ngàn nhé.
Anh giữ chặt cữa lồng chim:
- Một ngàn tui cũng không bớt, chim lúc này hiếm, tháng bảy ai cũng thả chim, khó kiếm chim thí mồ.
- Bớt một ngàn nghen, chín ngàn một con…
- Bà không mua thì thôi, tôi chờ bán cho người khác, chút xíu người ta đi chùa không có chim mà bán.
- Thôi thì…tôi lấy năm chục con, bớt tôi hai chục ngàn nghen.
- Không.
Tiền trao chim lấy, bà ta đi vô tuốt trong sân chùa, thắp nhang cúi lạy hết mấy bức tượng Phật, trước mỗi tượng Phật bà lại khấn khấn vái vái, sau đó ra đứng giữa sân chùa, nhẹ nhàng mở cữa lồng rồi đưa lên cao cho bầy chim bay ra, đúng là “như chim sổ lồng”, bầy chim chen chúc nhau để được thoát ra khỏi lồng cho nhanh, con nào còn khỏe thì ráng bay lên cao để đậu trên một cành cây nào đó, còn những con yếu bay lên không nổi thì nằm giẫy giụa đôi cánh trông tội nghiệp hết sức. Khi không còn một con chim nào ở trong lồng, nét mặt của bà ta trông thơ thới hân hoan và nhẹ nhỏm.
Anh không hiểu tại sao mà hầu như những người mua chim họ ưa trả giá từng đồng, cố ý chê ỏng chê eo để làm sao người bán bớt cho cho họ được vài ngàn, anh nghỉ họ kì kèo bớt một thêm hai vì cho rằng anh bán chim mà không cần có vốn, nhưng mấy ai biết rằng cái vốn mà anh phải bỏ ra chính là mồ hôi, là trí tuệ, là những vòng xe đạp nặng nhọc và một nỗi buồn to lớn cho thân phận nghèo hèn phải đi làm cái công việc có vẻ hơi tàn nhẩn này, lắm khi lòng anh cũng cảm thấy xốn xang ray rức và ân hận khi bẫy bắt những con chim bé nhỏ tội nghiệp. Như vậy thì vốn của anh lớn lắm chứ.
Những người nhà giàu ấy có vẻ khinh khi người đàn ông nghèo nàn đứng bán chim trước cổng chùa, vì mỗi khi đến gần để trả giá mua chim, người anh lúc nào cũng có mùi tanh của lông chim bốc lên làm khó chịu lổ mũi của họ, họ quay mặt đi chổ khác mà khịt khịt làm anh vừa tự ái vừa tủi thân nên nhất định không bớt dù chỉ một xu.
Trong bữa cơm chiều nay có món thịt chim cu rô ti do chính tay vợ anh làm thật là ngon, bốn con chim cu này anh bẫy được lúc sáng, chúng nó lạc loài đi kiếm ăn rồi bị dính chùm với bầy chim sẽ. Con người ta cũng có khi bị chết dính chùm một cách không ngờ dù mình không ở trong tầm ngắm của ai đó nhưng cũng bị vướng vào bởi sự lang thang mờ mắt vì đói.
Anh than với vợ:
- Năm nay sao mà người ta mua chim thả quá trời, anh bẫy nhiếu quá chừng mà cũng không đủ giao.
Đứa con gái lớn chỉ cho anh chổ bắt chim:
- Cha cứ vô trong chùa, chờ người ta thả chim xong rồi khi họ về thì mình…bắt lại, lúc mà họ thả chim ấy à, con thấy hình như con chim nào cũng yếu bay lên không nổi, cứ là đà dưới đất, tha hồ để cha bắt.
Vợ anh cười:
-Tại người ta phạm tội nhiều, chim gánh nhiều tội nên bay không nổi.
Anh cũng cười:
- Mỗi năm người ta lại phạm nhiều tội hơn, năm này tội nhiều hơn năm ngoái, rồi sang năm thì họ phạm nhiều tội hơn năm nay…
- Em thấy mấy người đi thả chim hầu như ai cũng giàu có hết sức à nghen, vòng vàng đeo đỏ tay, cổ thì trĩu nặng sợi dây chuyền.
Anh đăm chiêu tư lự:
- Người ta càng phạm tội thì càng giàu hay sao ấy. Thiệt buồn cười khi người ta cứ xoay quanh trong cái vòng luẩn quẩn. Họ mua chim để thả, mình bắt chim để bán cho họ thả, nếu không có người mua chim để đem đi thả thì mấy người như anh đi bắt chim mà làm gì?
Vợ anh cười:
- Thì mấy ông bắt chim đem về để nhậu…nè, thấy chưa, bốn con chim cu trong dĩa nè.
- Vậy là…anh có tội bẫy chim, em có tội mần thịt con chim, cả nhà mình có tội ăn mấy con chim….em này…con người thì to đùng, nặng chịch, phạm tội cũng nhiều mà sao lại để mấy con chim nhỏ xíu vô tội đi gánh tội cho họ…càng có nhiều tội càng giàu, mà càng giàu thì càng có nhiều tội…hay là anh…
Anh nói chưa dứt câu thì vợ anh nạt ngay:
- Anh nói bậy không hà, vậy chứ muốn giàu thì cứ phạm tội hay sao? Thiếu gì người lương thiện mà vẫn giàu. Mình phải sống làm sao cho lương tâm mình thanh thản để được yên vui trong lòng, không phập phồng lo âu sợ hãi, khỏi đi thả chim chi cho mất công…Người ta còn có kiếp sau nữa chứ bộ.
- Nhiều khi anh cảm thấy mình cũng có tội khi cứ đi giăng bẫy đám chim nhỏ bé mà đem bán, tội nghiệp chúng nó ghê.
- Anh đừng buồn, cái tội lớn nhất của người ta là tội đạp lên đồng loại để mà sống, có khi sẵn sàng hủy diệt luôn cả đồng loại nữa kìa…những người đó không biết phải thả bao nhiêu chim mới có thể xóa hết tội của họ.
Như chợt nhớ ra, anh nêu lên thắc mắc của mình:
- Em nè, anh không hiểu sao người ta chỉ mua những con chim nhỏ để thả, còn chim lớn thì khỏi, em biết không vậy?
Vợ anh cười, giải thích một cách tiếu lâm, đơn giản:
- Chim lớn mắc tiền, một con chim lớn giá bằng năm con chim nhỏ. Thả càng nhiều chim càng bớt tội, người ta tính số lượng chim được thả chứ không tính chất lượng to hay nhỏ…chim to để làm mồi nhậu ngon hơn.
- Ừ hen, em nói có lý.
Rồi anh thở dài:
- Thôi, để anh kiếm một việc gì đó bền bền đặng làm kiếm tiền, chứ đi bẫy chim như thế này hoài cũng buồn lắm, ai có tội thì họ phải gánh tội của mình rồi thì phải đền tội, nỡ lòng nào bắt mấy con chim nhỏ xíu gánh tội cho họ, vô lý hết sức. Để mai anh xin theo bác Tám làm phụ hồ, tuy cực thân một tí nhưng mà lòng thanh thản.
Đứa con trai của anh nảy giờ nghe cha mẹ nói chuyện, nó cũng có chuyện để kể:
- Cha ơi, hồi chiều này con vô chùa chơi, thấy mấy chú tiểu đi lượm chim chết, nhiều lắm đó cha, con nào cũng xác xơ, gảy chân gảy cánh, người ta thả nó nhưng nó có bay lên được đâu…con đi theo mấy chú tiểu, lượm dùm cho mấy chú, nhà sư nói tội nghiệp mấy con chim, nó gánh tội cho con người nhiều quá đến nỗi phải chết, năm nào các nhà sư cũng phải đi lượm chim chết trong sân chùa đem chôn đặng hóa kiếp cho sau này nó được đầu thai làm người.
Anh há hốc mồm kinh ngạc về câu chuyện kể của con trai, vợ anh thở dài:
- Vậy chớ mấy chục con chim nhò xíu yếu ớt nằm trong cái lồng cũng nhỏ xíu chật chội, không bị gảy chân xệ cánh mới là lạ à nghen. Ví như mấy chục con người mình bị nhốt chung trong một cái phòng nhỏ, thử coi có chết không cho biết.
Cả hai đứa con của anh cùng nói một lượt:
- Chết chắc luôn.
Anh buồn quá, thấy đắng nghét cả miệng, bao nhiêu năm nay anh đã làm một công việc thiệt ác đức quá trời, tự nhiên anh thấy hai con mắt cay sè, vợ anh chừng như hiểu được nỗi lòng của chồng, chị nói:
- Anh tính cũng đúng, mai qua bác Tám xin đi theo bác để phụ hồ. Rồi chị bàn tính, phân công:
- Còn em…thì em sẽ cố tìm thêm mấy nhà cần người phụ việc theo giờ, buổi chiều làm thêm chừng ba tiếng cũng có mấy chục ngàn, con bé Hai đi học về lo mần công chuyện nhà, nấu cơm nấu nước, thằng cu bi phụ công chuyện với chị bé Ba, chừng cha mẹ về là có cơm ăn đó nghen, cha bây không phải đi bẫy chim mà mang tội.
Bé Ba nói đùa:
- Cha mang tội thì mẹ mua chim đem vô chùa thả…
Bốn người cùng cười to, rất là hạnh phúc vui vẻ.