Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


ĐỨA CON CHỒNG



     S áng nào, bà già ăn xin ấy cũng ngồi ngay trước cửa hàng của Nhiên, nép sang một bên, dưới chân cột điện.

Ngày đầu tiên, Nhiên khó chịu đã định xua đi nhưng rồi cảm thấy có chút bất nhẫn, lại thôi. Chẳng hiểu có phải vì bà già này có nhiều điểm không giống những người ăn xin khác? Quần áo bà đang mặc cũng bạc phếch, vá nhiều mảnh nhưng không để lộ thịt da một cách lộ liễu, cố tình tăng vẻ tang thương.

Bà già ngồi im lìm với cái nón lá cũ kỹ đặt ngửa trước mặt. Mỗi lần có ai thả xuống đó tờ giấy bạc, bà cúi đầu rất thấp gần chạm tới vành nón, tỏ lòng cảm ơn. Chưa lần nào bà cất tiếng van xin một ai, làm Nhiên tưởng bà bị câm. Đến một lần, khi Nhiên bước lại gần, bà nhỏ nhẹ chào trước, chị mới biết mình lầm.

Dần dần, Nhiên sinh thiện cảm với bà: ít ra thì bà cũng tự trọng nên không giống những người ăn xin khác: thường cố tình đau khổ, rách rưới, bệnh hoạn… cốt kêu gọi lòng thương hại của thiên hạ.

Nhà Nhiên ở ngay con đường dẫn vào chợ. Gian ngoài, chị dọn hàng vải bán, còn bên trong là chỗ cả nhà ở. Hàng vải chẳng mấy khi đông khách nên Nhiên thường có nhiều giờ trống ngồi ngắm người xe qua lại rộn ràng.

Nhiên để ý thấy rất ít người dừng lại cho tiền bà già ăn xin, hẳn mỗi ngày bà kiếm chẳng được bao nhiêu. Nghĩ thế nên Nhiên hay giúp đỡ. Nếu nhà có tiệc, thế nào chị cũng nhớ để phần cho bà gói xôi to kèm khoanh gà tươm mỡ vàng ươm.

Một lần, Kha vô ý buột miệng nhận xét vợ:

-Em quan tâm người ngoài nhiều hơn với người trong nhà…

Chợt nhớ lỡ lời, anh ngưng bặt. Thế là đủ cho Nhiên sa sầm mặt xuống, mắt long lên, biết chồng phê phán thái độ chị đối với đứa con riêng của anh.

Nhiên thừa nhận chị căm ghét con Thảo, rất căm ghét. Nhưng chị có hà khắc với nó -đôi khi vượt quá giới hạn lương tâm một người tử tế- cũng chỉ vì… ghen.

Lòng Nhiên chưa nguôi oán hận mẹ nó -người tình nhiều năm trong bóng tối của Kha- dù cô ta đã vĩnh viễn rời xa thế gian này từ lâu.

Với Kha, Nhiên khôn ngoan luôn tỏ ra rộng lượng, như đã quên hết lỗi lầm của chồng, không hề khơi gợi lại. Bởi chị thừa thông minh để hiểu: chẳng dại gì cứ nhắc cho chồng nhớ mãi một hình bóng xa xăm. Nhưng cứ nhìn con Thảo là lòng Nhiên sục sôi, trái tim như bị một vòng gai vô hình thắt siết lại. Chị không tài nào quên được chuyện mẹ nó đã dan díu với Kha để lưu lại nó làm dấu tích tình yêu.

Thảo vốn hiền lành, ít nói, hiếm khi cười, đôi mắt lúc nào cũng long lanh như chực chờ tuôn ra những giọt lệ tủi buồn.

Ngoài giờ đến trường, con bé thui thủi vào ra, lặng lẽ và cắm cúi luôn tay với bao việc linh tinh trong nhà. Mới hơn mười tuổi, nó đã biết thu vén đảm đang, còn biết giúp Nhiên đo, cắt vải hoặc tính tiền cho khách.

Công tâm mà nói, Nhiên rất hài lòng. Con bé đỡ tay cho mẹ con chị bao nhiêu việc không tên rất mất thời giờ và tốn hao sức lực. Có nó, chị không cần thuê người giúp việc nữa.


Kha quen người phụ nữ ấy trong trường hợp nào và đã bao lâu, Nhiên không biết. Chị cũng chưa lần can đảm hỏi rõ ngọn ngành bởi không muốn tự tay đào một cái hố thật sâu cho chính mình rơi xuống,. Ích gì hay chỉ làm thương tích của chị trầm trọng hơn?

Một ngày kia, Kha về tìm vợ trong tâm trạng rất bấn loạn. Anh nài xin Nhiên đến gặp một người hấp hối, đang khao khát chờ đợi chị.

Thương cảm thì ít mà tò mò thì nhiều, Nhiên đã đến.

Người ấy giờ là bộ da bọc xương dán mình trên chiếu, bên cạnh đứa bé gái hơn một tuổi.

Với tất cả sức lực sót lại, cô thều thào mấy lời đứt quãng gửi gắm đứa con cho chị. Cô tha thiết cầu xin chị rộng lòng đón nhận, chăm sóc và thương yêu nó. Hẳn trong tính toán của cô, giải pháp tốt nhất cho con bé là nó luôn được sống cạnh cha.

Tuy miễn cưỡng, cuối cùng Nhiên cũng chấp nhận đưa con Thảo về, mặc nhiên coi nó là em con Kiều, thằng Khiết.

Làm được việc ấy, Nhiên đã rất kiêu hãnh vì có tấm lòng… Bồ Tát! Chị tự xem mình là vị ân nhân vĩ đại của Kha, của con Thảo, của cả dòng họ nhà chồng nữa.

Với Kha, mặc cảm tội lỗi biến anh thành kẻ thụ động, đôi khi đến bạc nhược. Kha im lìm trong mọi quyết định và giả tảng làm ngơ trước những hành động thái quá của vợ. Với các con, anh không đủ can đảm dạy dỗ, răn đe gì, thì làm sao dám ra mặt bênh vực con Thảo? Chỉ một lần duy nhất Kha dám chống lại Nhiên: đòi vợ phải cho Thảo đến trường học đúng tuổi như bao trẻ khác.

Nhiên không đánh đập con Thảo, nhưng mỗi khi không hài lòng, chị có thói quen nắm tóc con bé xoắn tròn lại. Nó đau, trợn ngược hai mắt, há hốc miệng mà không dám kêu ra tiếng. Mỗi lần chứng kiến như thế, lòng Kha như xát muối.

Quần áo con Thảo mặc trong nhà toàn là đồ cũ của Nhiên và con Kiều thải ra, sửa qua quýt lại nên chẳng cái nào vừa vặn -không rộng thùng thình cũng ngắn cũn cỡn- rất buồn cười. Một người lạ thấy vậy cũng dễ dàng đoán ra thân phận con bé trong nhà này.

Nhiên thì mỗi lần nhìn Thảo lại nhớ ngay… mẹ nó. Cơn ghen dày vò làm chị chỉ muốn rủa xả, cào xé kẻ vô hình ấy. Cô ta chết từ lâu vậy mà vẫn để lại sức tàn phá ghê gớm, hủy diệt niềm vui và tình yêu của Nhiên. Để đóng tròn vai người vợ “cao thượng” và khôn khéo biết cách gìn giữ hạnh phúc gia đình, Nhiên không dằn vặt Kha nhưng lòng chị hoàn toàn nguội tắt tình yêu với chồng. Mà chính điều này mới là nguyên nhân gây cho chị nỗi đau ngấm ngầm, sâu nặng nhất.


Sáng sớm, chợ họp như thường ngày. Bà già ăn xin đã ngồi thu lu bên chân cột điện với cái nón lá đặt ngửa trước mặt.

Người đi chợ còn lác đác, chưa đông. Chỉ có từng đoàn xe ba bánh chở đầy sọt hàng di chuyển làm tắc nghẽn các khúc đường dẫn vào chợ.

Đột ngột, trời tối sầm. Mây đen vần vũ. Rồi lộp độp mưa.

Nhiên vội vã chạy ra kéo tay bà già ăn xin vào nhà, lấy ghế mời ngồi.

Mưa rất to, ào ào như trút nước. Chợ bỗng chốc vắng tanh, bao nhiêu con người đã nhanh chóng biến đi đâu hết.

Nền trời nặng trĩu, đùng đục màu xám ngắt hứa hẹn trận mưa lớn còn dai dẳng. Cống rút không kịp nên nước dâng đã mấp mé thềm nhà.

Nhiên gào lên, gọi Thảo chạy ra dời những cây vải lên cao, phòng nước tràn vào làm ướt. Những xúc vải to và nặng vừa bày ra lúc sáng sớm, giờ Thảo lại phải gom thành đống, chồng chất lên nhau. Một mình con bé không thể di chuyển nhanh được. Nó ì ạch vừa khuân vừa thở. Lúng túng thế nào, nó xoạc chân ngã đập mặt xuống, cây vải tuột khỏi hai tay bật văng ra tới cửa.

Nhiên rít lên:

-Ướt hết rồi!… Đồ ăn hại!...

Thảo lồm cồm bò dậy. Theo phản xạ tự nhiên, nó đưa tay quẹt mũi, một vệt đỏ loang ướt ngón tay.

Con bé không dám chậm trễ, xăm xăm định đến ôm cây vải rơi lên thì bà già ăn xin ngồi ngay đấy đã kịp giữ nó lại:

-Cháu chảy máu cam rồi kìa. Vào rửa mặt đi. Để bà giúp cho.

Và bà xốc cây vải đem đến góc nhà hộ nó.

Thảo vẫn đứng tại chỗ, liếc trộm Nhiên như chờ lệnh. Máu từ mũi nó rỉ ra rơi đỏ ngực áo.

Nhiên quát lên:

-Cút vào, còn nhìn gì?... Đồ báo đời!

Nhìn theo con bé lầm lũi đi vào, bà già bỗng buông tiếng thở dài, khiến Nhiên tự dưng nóng ran mặt. Chị kiếm chuyện hỏi lảng đi, che lấp ngượng ngập:

-Nhà bà chắc ở gần đây, phải không?

Câu trả lời lễ phép và nhỏ nhẹ:

-Dạ không, cô ạ. Tôi ở khá xa...

Nhiên liếm môi, khó nhọc hỏi tiếp:

-Thế… Bà có… một mình thôi sao?

Thinh lặng vài phút như đắn đo, bà già lí nhí đáp:

-Tôi đang ở với con trai… là con riêng của chồng tôi…

Nhìn mặt Nhiên đầy sửng sốt, bà già hướng đôi mắt đục ra ngoài màn mưa, giọng mệt mỏi:

-Mẹ nó chết ngay khi sinh ra nó… nên tôi đem về nuôi… Hơn hai chục năm rồi…

Hoàn cảnh trùng hợp vô tình trở thành sự đồng cảm sâu sắc, Nhiên thấy gần gũi người đàn bà này. Chị khép bớt cánh cửa, kéo ghế xích lại bên bà, chăm chú nghe.


Cũng như Nhiên, bà Trân đón nhận đứa con riêng của chồng như đón một tai ương. Đứa bé sơ sinh non nớt còn đỏ hỏn mà có sức hủy hoại tàn khốc. Tâm hồn bà Trân đã vô cùng đớn đau, vật vã, quay quắt. Nỗi đau chỉ dịu xuống phần nào khi bà lóe ra phương cách trả thù, êm thắm, ngọt ngào mà thâm hiểm nhất.

Không ai thấy bà Trân khó tính với thằng Đính bao giờ, nói chi tệ bạc hay cay nghiệt? Người ta công nhận lúc nào bà cũng thương yêu, nâng niu nó. Thằng bé càng lớn càng được mẹ chăm chút, chiều chuộng hết lòng. Có thể nói mà không sợ sai lầm: thằng Đính là ông vua con, còn bà là một a hoàn chỉ biết cúc cung vâng phục mọi lệnh truyền.

Bà Trân vui vẻ đáp ứng các đòi hỏi -dù dại dột, ngông cuồng, hay vô lý- của Đính; Bà bao che khi Đính lười học, trốn học rồi bỏ học; Bà dung túng cho Đính đàn đúm với bạn xấu: hút thuốc, uống rượu, đánh bạc, trộm cắp.

Ôi, quả là một bà mẹ hồn nhiên, dễ dãi, hiếm có trên đời!

Nên chưa mười tám tuổi, thằng Đính đã nổi tiếng sa đọa, trác táng nhất vùng. Suốt ngày, nó cắm đầu vào sòng bài, quán nhậu. Thâu đêm, nó vùi mặt trên ngực gái mãi dâm.

Đến khi thằng Đính trở thành ma cô chính hiệu rồi thì bà Trân mới vật vã kết tội chồng bỏ bê, không giáo dục con. Bà đay nghiến ông là người cha vô tình, vô tâm, vô trách nhiệm. Bà khóc lóc xót thương thằng bé ra cơ sự này chỉ vì “vô phúc mồ côi mẹ sớm quá”…

Người chung quanh nghe chuyện được dịp xì xầm bàn tán mãi. Họ ta thán tiếc cho thằng Đính non nớt, dại dột lỡ bước sa chân. Họ kết tội người cha bạc bẽo. Họ hết lời ca tụng người mẹ là mẫu gương nhân đức hiếm hoi còn sót lại trên cõi trần ai nhỏ nhen, ti tiện này.


Nhiên sững sờ với những gì bà Trân kể.

Nhìn người đàn bà già nua khắc khổ trước mặt, chị không thể tưởng tượng bà có thể vạch ra cả một kế hoạch trả thù kiên trì và thâm độc như thế.

-Nhưng cô ơi, trả thù thành công rồi thì lòng tôi càng đau đớn gấp trăm lần hơn trước. Thằng Đính giờ xơ xác thảm hại, sống dở chết dở, vào tù ra khám, lương tâm tôi cắn rứt... Tôi ân hận, nguyền rủa mình. Chính tôi đã khai tử một cuộc đời thanh xuân, đã bóp chết tức tưởi một sinh linh bé bỏng, bơ vơ... Bao ngày đêm, tôi khóc lóc ăn năn... Ước gì tôi có thể làm lại từ đầu…

Sống lưng lành lạnh, Nhiên rùng mình, lắp bắp:

-Nhưng… nhưng... mà…

Bà Trân như không chú ý thái độ của Nhiên, chỉ thở dài não nuột:

-Cô thấy bà già tóc bạc ngu ngốc này có đáng thương không? Ghen với một hồn ma rồi trút hết căm thù vào đứa bé vô tội. Giành giật, níu kéo chồng ở lại với mình rồi ngấm ngầm hành hạ cho ông ấy phải khổ sở từng ngày từng giờ... Giá chia tay vĩnh viễn còn tốt hơn…

Bàn tay lạnh ngắt của Nhiên siết chặt bàn tay gầy guộc run rẩy của bà Trân, biểu lộ một đồng cảm, sẻ chia.

Giọng bà già vẫn đều đều:

-Hơn nữa, trên đời này có hành động sai trái nào mà không phải trả giá đâu, cô? Chỉ là sớm hay muộn thôi... Tôi đã gieo hạt giống độc nên dĩ nhiên thu hái về quả độc. Chẳng mấy chốc, bao nhiêu tài sản đều bị thằng Đính phá tan hoang, nợ giăng tứ phía. Ông nhà tôi buồn rầu xấu hổ vì nó sinh bệnh mà chết. Còn thân tôi thì…

Nhiên run giọng:

-Vậy… còn… nó?

-Nó nhiễm HIV từ lâu, giai đoạn cuối rồi, chẳng còn được bao ngày nữa... Cuối cùng ngẫm lại, tôi mất tất cả. Chỉ còn tội lỗi luôn bám theo tôi suốt cuộc đời thôi, cô ơi…

Lúc này cơn mưa bên ngoài đã tạnh, nền trời dần sáng lên.

Tự bao giờ, trên mặt Nhiên cũng ướt sũng.

Không dằn được cảm xúc mà cũng không cần che đậy, chị gục đầu xuống cánh tay, nức nở.

Bây giờ trước mắt Nhiên, con Thảo hiện nguyên hình một đứa bé vô tội, yếu đuối, bơ vơ. Thảo như chiếc lá cọng cỏ gặp chị là cơn giông bão phũ phàng. Nó là nạn nhân đáng thương đã bị chị nhận lầm thành thủ phạm. Nếu được quyền chọn gia đình để sinh ra, chắc chắn nó không bao giờ chọn hoàn cảnh hiện tại đâu.

Nhiên tự vấn: chị cũng đang gieo vào đời hạt giống nào để hòng thu hái quả ngọt mai sau?

Hơn bao giờ hết, Nhiên hối hận, vô cùng hối hận. Với con Thảo, với Kha.

Lỗi lầm của Kha bao năm qua, chị khư khư ôm chặt, để che lấp tất cả, phủ nhận bao điều tốt đẹp khác nơi anh.

Trong đầu Nhiên lúc này đột ngột nhớ lại bài thơ Kha sáng tác tặng chị ngày mới cưới. Bài thơ dài, có hai câu mở đầu chị rất thích: “Em vẫn dịu dàng, mắt long lanh / Vẫn nụ cười tươi mát đời anh”... Nhiên để rơi lạc nơi nào rồi cái dịu dàng lẫn nụ cười từng làm tươi mát cuộc đời Kha?

Và Nhiên bừng hiểu: khi chị hể hả tưởng mình cao thượng thì lại là lúc chị thấp hèn nhất. Mỗi khi chị hành hạ Kha và con Thảo chính là lúc chị đang nhận cho mình nhát dao trí mạng.

Như bầu trời rực sáng sau cơn mưa, những giọt nước mắt của Nhiên lúc này đã gột rửa mọi tối tăm, u ám trong từng ngõ ngách tâm hồn chị. Chị vô cùng ngạc nhiên nhận thấy lòng mình càng lúc càng quang ra, mềm đi và nhẹ thênh thênh. Chị biết mình đã thay đổi. Mặt đất khô hạn nứt nẻ vừa được cơn mưa hồi sinh.

Nhiên khóc. Khóc mãi. Tay áo chị ướt đẫm.

Đến khi bình tâm lại thì Nhiên không thấy bà Trân đâu nữa. Buổi chợ sau cơn mưa lớn thưa khách nên có lẽ bà ấy đã về rồi.

Nhiên cũng chẳng còn tâm trạng buôn bán. Chị đóng cửa hàng lại, nhẹ nhàng đi xuống nhà bếp.

Lúc ấy con Thảo đang lúi húi xếp chồng chén vừa rửa xong vào chạn. Một bên lỗ mũi nó còn nhét nguyên cục bông gòn trắng xóa.

Có lẽ sự xuất hiện của Nhiên bất ngờ quá làm con bé hốt hoảng rúm người lại, hai mắt thảng thốt mở to. Trước phản xạ tự nhiên của nó, lòng Nhiên đau nhói. Tự bao giờ và vì đâu chị biến thành hung thần khiến kẻ khác khiếp sợ đến thế?

Nước mắt Nhiên lại ứa ra, cổ họng nghẹn tắc, muốn nói câu gì đó nhưng không biết mở lời ra sao.

Thấy Nhiên chầm chậm tiến lại gần, con Thảo tái mét mặt, hai tay lẩy bẩy đưa lên đầu như sẵn sàng che chắn. Hằn nó đinh ninh chị sắp xoắn tóc nó mà vặn như mọi lần.

Đến khi thấy Nhiên chỉ nhẹ nhàng rút miếng bông gòn bỏ đi, nó càng kinh ngạc hơn. Nó ngây mặt, tròn miệng, nhìn trừng trừng vào đôi mắt đỏ au còn nhòe ướt của chị.

Nỗi sửng sốt ngây thơ rất trẻ con của con Thảo càng như thanh nứa sắc cứa vào vết thương đang lở loét trong lòng Nhiên.

Chị lóng ngóng đặt bàn tay run rẩy lên vai con bé, bờ vai mảnh dẻ có những mẩu xương gầy guộc nhô cao dưới làn áo mỏng, đang rung mạnh vì chấn động.

Nhiên mấp máy môi, kêu thầm:

-Khổ thân!… Con tôi!


Sau buổi sáng có cơn mưa trái mùa ấy, Nhiên không còn gặp lại bà Trân lần nào nữa. Chẳng rõ bà đi đâu và vì sao? Đau ốm? Gặp tai nạn? Đổi nghề? Hay bận ở nhà chăm sóc thằng Đính đang hấp hối?

Cả chợ chẳng ai còn gặp lại mà cũng không người nào -ngoài Nhiên- băn khoăn vì sự biến mất đột ngột của bà già ăn xin ấy.

Không hiểu sao, Nhiên thấy lòng buồn bã và trống trải quá. Chị còn rất nhiều điều muốn hỏi, muốn tâm sự, muốn được giãi bày với bà Trân. Chị mơ hồ cảm nhận còn nhiều bí ẩn trong câu chuyện bà đã kể, nhưng chị không biết tìm bà ở đâu.

Mấy năm sau, khi sự việc đã dần chìm vào quên lãng thì Nhiên tình cờ làm quen với một người họ hàng gần của bà Trân.

Và chị vô cùng sửng sốt khi biết ra rằng: suốt cuộc đời, người đàn bà ấy chưa bao giờ có chồng cả.




VVM.10.11.2023-

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .