T ôi vốn thích cảnh chiều mưa nhẹ tại một nơi thanh vắng, nhất là một nơi như tôi đang ở trong một mái nhà sàn mà có mưa nên thật hay. Quả thật, trời đã biết điều này ở trong tôi. Như hôm nay một chiều sau giờ cơm, lúc đó trời đã tối, lại có mưa, không nặng lắm, nhưng cũng đủ tạo nên những giọt mưa làm mái tranh ướt sũng, gây thêm hơi lạnh theo gió lùa vào căn nhà sàn một mình tôi, thôi thúc tôi ra ngoài ngồi ở cái bàn hình vuông để ở bên ngoài phòng ngủ.
Tôi nhìn ra những con đường thẳng, đường vòng trước mặt, chạy thật dài, thật xa, lặng lẽ, heo hút, đi tới những căn nhà sàn khác, nhạt nhòe bóng nước. Giờ này, Trung tâm không một người ra ngoài. Tất cả đã lên nhà sàn. Có nhà còn để đèn, ánh đèn mờ ảo như rất xa, ẩn hiện như tại một khu rừng của người thiểu số trên cao nguyên, có nhà bóng tối đã phủ xuống.
Đêm hôm ấy, tôi vào phòng ngủ rất khuya, không phải vì buồn ngủ, mà vì tôi không dám tự đặt mình mãi vào một trạng thái, nếu cứ để cái hồn mình tách ra khỏi cái thân xác như không có này, để theo những giọt mưa trên mái tranh, trên những cành lá, lóng lánh như hạt ngọc, thì có lẽ tôi không biết khoảnh khắc ấy, tôi sẽ là người như thế nào. Chỉ biết, đây là lần đầu tôi ở trong trạng thái ấy. Có lúc tôi lại muốn rời căn nhà sàn, đi trên những con đường ướt át, hai bên là cỏ cây, không biết nó dẫn tôi tới đâu trong đêm vắng này. Cái trạng thái thân xác và linh hồn tôi lúc ấy, có lúc thì bồng bềnh, lại có lúc như chìm sâu vào tận đáy lòng.
Trước đây, tôi không ở vào một tâm cảnh như lúc này tại Trung tâm Rêbêca Á châu Kampot (Campuchia), vì có lẽ tôi còn trẻ, việc đời còn bề bộn. Tuy nhiên, tôi vẫn thích và nhớ những chiều mưa tại thành phố Cao Nguyên như thời gian tôi ở Ban Mê Thuột, từ năm 1957-1960, đã đưa tôi đến nhà thờ Ba Ngọn hoặc vào một tiệm cà phê, trước khi trở về nhà trọ.Còn lần này, tôi đã già, nên có lúc tôi đã phải tự cứu lấy mình, đưa mình ra khỏi cái tâm cảnh có nguy cơ hồn thoát khỏi xác lặng lẽ đi vào khung trời trước mặt, đầy mây đầy gió.
Tôi không sợ cái tĩnh lặng và lạnh lẽo của một phần mộ, mà chỉ nghĩ rằng tôi chưa thể chạm đến cõi sâu thẳm huyền nhiệm bên trong mình, tức là tôi chưa trở về với cái tôi đích thật, nên tỉnh ra và trở về thực cảnh. Có phải do sinh mệnh của tôi không?!
Đã có lúc tôi tự hỏi:
Bao giờ tôi lại gặp tôi
Như không như có, mặc đời bon chen
Sân trường in dấu chân êm
Hắt hiu lời gió…bên thềm lá rơi
Bâng khuâng tôi lại tìm tôi
Hôm nay mà lại nhớ người hôm qua.
(Bài Một thoáng, trong tập Vượt Qua)
Một nữ nhà giáo sau khi xem bài thơ, có nói với chồng là chỗ quen biết với tôi. Bà nói: Có vợ rồi còn nhớ người cũ! Lời trách nhẹ nhàng và cũng rất thân tình. Nhưng, ở đây là tôi nhớ tôi, nhớ tôi ở cái thời tôi “như không như có”, hay như câu trên, tôi đã viết, “bâng khuâng tôi lại tìm tôi”. Câu cuối cùng cũng có thể bảo tôi nhớ người muôn năm cũ, gần gũi là tổ tiên, cha mẹ tôi đã khuất. Ý tưởng này trở lại với tôi trong bài thơ dưới đây, chỉ bao quát hơn thôi:
Bao giờ tôi lại gặp tôi
Như không như có mặc đời thị phi
Tấm thân là tấm thân gì?
Nổi trôi mệnh nước, còn gì nữa đây?
Nước non là nước non này
Lòng đau con quốc, đọa đày nhân sinh
Thế gian là chốn luyện hình
Xem trong lá rụng, sấp mình ăn năn.
(Bài Thân, trong tập Vượt Qua)