H ết giờ ở xí nghiệp, tôi dắt vội chiếc xe đạp ra cổng. Kê cái bàn tọa ê ẩm lên yên xe sau mấy tiếng ngồi ở văn phòng, lấy đà cho xe chạy, rồi cứ thế cong lưng đạp, luồn lách giữa dòng người đông đen trong giờ cao điểm. Tôi vội về nhà, vì con trai tôi đang hơi hầm hầm sốt mà chẳng gửi ai trông giúp được. Nó mới hơn 4 tuổi, chứ có lớn gì mà bảo tự chơi một mình. Suốt thời gian ngồi ở cơ quan mà lòng luôn thấp thỏm, sợ thằng bé có chuyện gì thì ân hận cả đời. Vừa về đến khu tập thể Liên Cơ, dựa vội xe vào vách; Tôi đảo mắt tìm thằng bé. Gần đây có tiếng trống, tiếng reo hò của đám đông. Tôi đi về phía đó. À! hôm nay chỗ tôi ở có đám rước thuyền trên sông, mọi người rãnh rỗi ra xem. Thằng bé cũng đã lẫn vào đoàn người, nó chỉ mon men gần đấy chứ không ra mép sông như người lớn. Nhưng chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng làm tôi điếng hồn rồi. Vừa thấy nó Tôi rối rít nói: “Mẹ dặn con chơi ở cửa nhà, tại sao lại ra đây, lỡ sảy chân rơi xuống sông thì sao?”. Mặc tôi nói, nó vòi vĩnh: “Mẹ… Mẹ… ẵm con đi”. Nó đòi tôi bế. Hai tay nhấc nó lên khỏi mặt đất, kê cái hông vào đỡ đít nó, thì tôi lại vội đặt nó xuống: “Trời ơi! một “bị” thế này thiệt hết chịu nổi; mùi hôi thúi lan tỏa. Tôi kéo vội thằng bé ra bờ mương, lột quần nó ra, giũ giũ vào dòng nước cho trôi bớt thứ vàng vàng đặc sệt thúi hoắc ấy. Thằng bé chạy trước, tôi nhón hai ngón tay cầm vào chỗ sạch của cái quần đi về nhà. Nước từ cái quần chảy tong tỏng theo bước chân. Trong lúc loay hoay tôi nhìn thấy Lão đứng xớ rớ, giữa đám người lố nhố. Một cơn giận bổng trỗi dậy. Lão hỏi: “Thằng nhỏ đỡ bệnh chưa”? – nhưng tôi giả lơ đi luôn không trả lời. Tôi nghe có tiếng chân bước nặng nề đi theo, bước chân của Lão. Về tới sân khu tập thể. Lão gầm gừ: “Hỏi sao không trả lời, nếu không nuôi nổi nó thì giao lại đây. Thứ mẹ gì con bị bệnh không ở nhà trông mà bỏ đi làm?”. Cơn giận cố kềm giờ nó chuyển thành cơn bão lớn. Tôi quay phắc lại, quắc mắt nhìn Lão như tóe lửa, gằn từng tiềng: “Ông có phải cha nó không mà sao vô tâm như vậy, đâu cứ phải toà phán cho ai là giao khoán cho người đó. Ông nhìn lại ông xem, sao không tự nguyện làm trách nhiệm của mình đi, chỉ được cái đạo đức giả”. Sau câu nói của tôi là một tiếng “ầm” của cánh cửa nhà Lão. Cơn tức đang lên đỉnh điểm, thấy thằng bé, tôi kéo nó lại, đét cho nó một phát vào mông. Thằng bé ré lên, còn tôi thì cũng ngơ ngác: “Á, Á”- Một bàn tay đầy cứt từ đít thằng nhỏ chưa rửa sạch. “Tức cái mình quá đi”- Tôi hét toáng lên. Tiếng cánh cửa đóng mạnh họa thêm tiếng la của chính mình làm tôi choàng tỉnh.- Ui trời! Chỉ là một giấc mơ.
Tôi làm kế toán trong một xí nghiệp may quốc doanh. Xí nghiệp phần lớn toàn đàn bà con gái chứ đàn ông thì ít khi theo nghề may vá tẩn mẩn. Khối văn phòng cũng có mấy ông chẳng ra hồn, còn vài cậu, thì tuổi đáng chú em. Công việc thì tối mắt với những dãy số khổng lồ, cộng thêm thời gian cứ dắt nhau chạy nước rút. Lôi tuốt tuồn tuột mọi thứ kể cả tuổi xuân của tôi, của nhiều cô gái khác trong cái xí nghiệp bé nhỏ này. Chợt nhìn lại mình đã qua tuổi băm… bằm…dai nhách, mà chưa có một mảnh tình vắt vai cho bằng chị bằng em. Thời của tôi gọi đích danh là “Ế”. Nói vậy cũng có vẻ bất công ghê, chứ mấy cha đàn ông: “Bảy mươi ta vẫn còn xoan- ta nay mới ba chục đã toan gái già”. Thảo nào mà mấy cha ấy tự cao tự đại, đầu hai thứ tóc mà cứ tưởng còn trẻ, toàn tán tỉnh mấy con nhóc chân dài. Có dịp tụ năm, tụ bảy là nói khoác, chê hết bà này đến cô nọ. Thế mà chẳng nhận ra mình ở dạng nào. Đích thị mấy cha ấy có bệnh mà không biết, dấu nhẹm đi!
Hơn mười năm về trước, Tôi cũng là cô gái tuy không đẹp, nhưng xinh cũng vào hạng nhất nhì xí nghiệp. Vệ tinh xoay quanh như chong chóng. Tôi cũng yêu một người. Anh ấy là lính pháo binh phục viên. Nói về cơ bản khá tốt như: trình độ kỹ sư vô tuyến điện, cao ráo, tính tình hiền lành. Tôi với anh thật sự yêu nhau và còn dự tính sẽ tổ chức đám cưới. Nhưng – Cái chữ “Nhưng” oan nghiệt lại quàng vào mối tình của chúng tôi. Có hai lý do mà tôi với anh phải gạt nước mắt chia tay. Lý do thứ nhất: Anh là người Bắc. Má Tôi không chịu anh, nên tìm cách đưa ra một lô dài nguyên nhân…
– Má không chê nó ở điểm nào, nhưng nó là người Bắc phong tục tập quán khác xa với gia đình ta; nào là người Bắc sống chuộng hình thức, lễ nghĩa. Con có học được không? Hay lấy nhau được ba bảy hai mốt ngày lại ôm con về, rồi mang cái tiếng bỏ chồng, rồi cha mẹ cũng mang tiếng là không biết dạy con. Hơn nữa người Bắc do nhiều hoàn cảnh không rộng rãi như người Nam, nào là…nào là… Nghe mà nhức buốt cả đầu.
– Má không chịu ảnh nên nói vậy chứ gì. Tôi gân cổ cãi lại – những lý do đó không quan trọng. Đã thương nhau rồi thì có thể dung hòa mọi chuyện. Con thương ảnh, má không chịu con đi tu …
– Ờ đi tu, tu đi! – Má Tôi gầm lên, nói bắc cầu qua Cha tôi. “Đó, ông xem con gái rượu ông đó, nuôi cho nên hình nên dáng rồi không biết nghe lời, muốn tốt cho nó, mà nó lại biến tôi thành bà la sát. Hu…huhu…”- Má vừa nói vừa hỉ mũi cái soẹt. Nước mũi dính ở tay, bà thẩy một cái rõ mạnh làm nó đậu luôn vào má Cha tôi.
- Cái bà này ớn chưa. Thôi! má con bà ra rửa mặt đi cho tỉnh táo, chuyện đâu còn có đó, la lối um xùm hàng xóm nghe cười thúi lỗ tai. Cha tôi nói rồi bỏ ra nhà sau. Tôi với má cũng mỗi người một hướng.
Chuyện chỉ tạm dừng vì cái hỉ mũi của má, chứ cuộc chiến trong gia đình vẫn còn âm ỉ. Hết năn nỉ đến khóc lóc, má tôi nhất định không chịu là không. Tôi kéo luôn Cha, và cậu em vào cuộc. Tôi có hai đồng minh, thế mà vẫn không thắng nổi Má. Tôi bày ra phương án chống đối bằng cách tuyệt thực, mặt khác tôi mè nheo Cha tôi. Ông thương con gái, khuyên má tôi chấp nhận. Má tôi không muốn cãi cọ với Cha, nên cứ thấy Cha con Tôi rù rì nói chuyện, là Má tôi là liếc xéo, hí huýt.
– Đúng là cha nào con nấy. Má tôi nói háy rồi ngúng ngoảy bỏ đi.
– Má, Má à! Cho chị Hai lấy chồng cho rồi, ngăn chi, lỡ Chỉ đi tu thiệt thì sao? Hơn nữa, con gái khôn ba năm dại một giờ, lúc đó Má cũng phải chấp nhận thôi? Hay là má muốn chỉ vác cái bầu về mới chịu – Nó còn hát nhại một câu gì đó mà tôi nghe loáng thoáng là: “Vì tình… đeo ba-lô đằng trước, vì nước… đeo ba-lô đằng sau”. Cậu em tôi thuyết phục, Cha tôi phụ họa thêm:
– Thằng Út nói đúng đó, bà nghĩ lại coi. Con Hai lấy chồng ở đây, chứ có phải nó ra Bắc làm dâu ai đâu mà bà sợ? Thôi em đừng lo, buồn nữa – Cha tôi chuyển tông từ “bà” sang “em” làm má tôi nguôi ngoai. Má không nói gì bỏ về phòng nằm và bỏ luôn cả bữa cơm chiều.
Nhà đã lên đèn mà má không ra ăn cơm. Ba thắp mấy nến nhang cắm trên bàn thờ nội. Mâm cơm dọn ra rồi, cha con ngồi nhìn chẳng ai muốn cầm đũa, không khí như cô đặc lại. Cha tôi nói: “Hai – vào phòng với má con coi, rồi lựa lời mà nói. Má con không muốn con khổ thôi, đi đi!”- Cha tôi giục.
– Dạ – Tôi đáp. Vào phòng, má đang thút thít khóc. Sà vào lòng bà tôi khóc theo. Má ơi! Con xin lỗi, con thật bất hiếu.
- Thôi, hôm nào con nói nó về nhà ăn cơm – Má nói, tay quẹt ngang dòng nước mắt. Má ôm tôi vào lòng vỗ vỗ vào lưng như dỗ dành: “Ráng sống hạnh phúc nha con gái” – Má nói thêm. Dạ – Tôi trả lời rồi vùi đầu vào lòng bà. Một mùi thơm dịu dàng, ấm áp. Giấc ngủ bất chợt chập chờn đến lúc nào không hay.
Chiều hôm sau hết giờ làm, tôi chạy sang bên khu nhà anh ở. Dự tính báo tin vui. Cửa phòng khóa. Sang tiếp bên cơ quan cũng không thấy. Tôi hỏi: có người nói không gặp. Có người nói mới thấy bóng đó nhưng không biết đi đâu. Trong lòng vừa tức vừa lo: Đi đâu vậy cà? – Tôi lầm bầm. Tôi nhớ ra rồi, chỉ có một nơi. Chỗ riêng tư của chúng tôi: Bãi biển.
Chiều nay, bãi biển vắng người hơn thường lệ, có lẽ trời đang muốn mưa. Bầu trời nặng trình trịch như sắp sụp xuống, những cơn gió mạnh cuốn cả vốc cát hắt vào mặt rát rạt. Biển như sôi lên đục ngàu, kèm theo những đợt sóng lớn, đập ầm ầm vào vách đá bọt tung trắng xóa. Tôi liên tưởng nếu trong những con sóng ấy có tôi, với cái thân thể nhỏ bé này sẽ dập nát tan tành. Khuất lẫn trong những đợt sóng còn mấy chiếc tàu đánh cá đang nương theo dòng nước vất vả vào bến. Cuộc mưu sinh sóng nước luôn vật lộn với thiên nhiên.
Người đàn ông ngồi trên một tảng đá lớn. Tư thế thật bất an, với kiểu ngồi bó gối, cái đầu được đỡ bằng hai đầu gối chân co lại. Thêm nữa cái đầu ấy được đôi tay to lớn ôm vòng quanh. Tư thế này chắc chắn người đang gặp phải chuyện đau lòng hay còn hơn thế nữa. Nhưng, đó chính là Khang của tôi.
Tôi không biết chuyện gì xảy ra với anh. Anh ngồi bất động mặc cho bọt nước từ những con sóng hắt lên ướt cả nửa mình. Tảng đá lấn ra biển như một con lươn đen nhẻm, trơn trượt.
– Anh Khang – Tôi gọi. Khang không quay lại hay không nghe tiếng nhỉ?- Tôi nhủ thầm.
– Khang…Khang… Anh…Khang. Tôi bụm tay cố gọi thật to. Chắc chắn tiếng gọi của tôi không đủ lớn so với tiếng sóng, tiếng gió của một chiều biển đang nổi cơn giông. Trời bắt đầu đổ mưa. Tôi quyết định đi xuống biển, không gian chuyển màu xám đặc, sóng liên tiếp dồn vào bờ, mạnh hơn cao hơn. Tôi cảm nhận được vì cát dưới chân mình rút mạnh, giòng nước như vòi bạch tuộc vừa kéo vừa hút ra xa. Tôi mất đà ngã dúi dụi, vội đứng lên để kịp đỡ con sóng mới. Miệng vẫn không ngớt gọi “Khang ơi…ơi…”. Tiếng gọi như rơi vào không trung, tan loãng. Tôi cố lội tới gần, chỉ có một đoạn ngắn mà nước đã ngang bụng. Sóng lớn quá, tôi cố tránh con sóng đổ trực diện nhưng muộn rồi. Một đợt sóng liên tiếp cao hơn đầu người đổ ụp xuống đầu tôi. Tôi chới với, người tôi hoàn toàn đươc nhấc bổng lên, trôi đi. Cố vùng lấy lại thăng bằng, tôi ngoi lên được mặt nước, hai tay giơ lên vẫy vẫy, lấy hơi hét thật lớn: “Anh Khang… cứu …cứu em…”. Sức tôi đuối dần, nước tràn vào miệng mặn chát, tai lùng bùng không còn nghe rõ nữa. Mắt tối lại. Tôi ngất đi không biết gì.
Không biết tôi lịm đi trong bao lâu, song trong tiềm thức mơ hồ như có ai nắm lấy tóc mình kéo mạnh. Người tôi được nhấc lên một cách nhẹ nhàng, Tôi có cảm tưởng như đang bay. Xung quanh tôi là một vườn hoa hồng tuyệt đep, một vài cặp bướm đa tình đang gạ gẫm nhau. Đâu đó có tiếng sáo lẫn trong gió. Tiếng sáo là lời một bản tình ca nghe thật da diết. Lời tỏ tình của chàng trai. Tôi mơ màng nghe có ai gọi tên mình. “Lan ơi! Tỉnh lại đi em. Anh yêu em nhiều lắm”. Tiếp đến, tôi lại thấy mình như đang ngồi trên lưng ngựa, người tôi nảy lên theo bước gõ nhặt khoan lóc cóc…lóc cóc…
Tôi choàng tỉnh, ngạc nhiên nhìn mọi người đang xúm đông xúm đỏ quanh giường.
– Chuyện gì vậy má – Tôi thì thào. Má ôm chầm lấy tôi rối rít – Ôi con tôi con tôi! Cha xoa đầu tôi nói: Con gái ba giỏi lắm. cám ơn trời Phật….!
– Em tỉnh rồi Lan ơi – Tiếng của Khang reo lên.
– Ủa! Sao Khang lại ở đây? – Tôi bàng hoàng hỏi. Anh ngước nhìn cha má tôi, ngập ngừng trả lời:
– Thì em bệnh nên anh ở đây chứ sao?
Tôi nhìn khắp lượt, gương mặt mọi người dãn ra, như vừa giải quyết xong một chuyện gì rất quan trọng. Cha má tôi khoát tay bảo mọi người ra ngoài. Chỉ còn tôi và Khang…
Tôi hoàn toàn khỏe mạnh sau một tuần dưỡng bệnh và đã đi làm trở lại. Tôi đã biết lý do tại sao tôi bệnh. Khang rất ân cần chăm sóc tôi. Nhưng tôi linh cảm thấy có điều gì hệ trọng đang được anh giấu kín. Khang vùi đầu vào các dự án, các bản vẽ vi mạch. Đã thế lại còn nhận đi công tác xa, dài hạn liên tiếp. Thắc mắc hỏi – được Khang cho biết là công ty của anh đang hợp tác với một công ty nước ngoài mở rộng mạng, hơn nữa anh cũng đang cần một khoản tiền để lo cho tương lai. Lý do Khang đưa ra chính đáng, nên tôi không biết nói gì hơn. Tôi thật sự buồn, một nỗi buồn len lỏi vào tận tâm can. Khang đi công tác đợt này lâu quá. Đã mấy tháng mà không có tin tức gì. Tôi nhắn Hải – người bạn thân, nếu Khang không trả lời thì tôi sẽ đi tìm. Mấy ngày sau Hải đưa cho tôi phong thư dày, dán kín. Nội dung chính bức thư cho biết: “Hồi anh còn là lính, trong một trận pháo kích bị thương. Vết thương này sẽ mãi mãi không cho anh được làm cha. Thời gian yêu em, anh đã dấu nỗi đau cho riêng mình. Yêu em nhiều bao nhiêu, anh càng không thể tước đoạt quyền làm mẹ của em bấy nhiêu. Chiều hôm anh ngồi ngoài bãi biển là ngày anh quyết định sẽ nói sự thật…”. Trớ trêu thay đó cũng là ngày tôi suýt bị chết hụt. Anh chăm sóc tôi cho đến khi hoàn toàn bình phục và chọn cách ra đi. Lá thư thay cho lời tạ từ, nó mang đi luôn tình yêu và trái tim tôi.
– Lan ơi! Em nấu cơm chưa? – Chị Mai phòng sát bên chạy sang hỏi.
– Chưa chị – Tôi trả lời.
– Vậy lát nữa em sang chị ăn cơm luôn cho vui – Chị mời.
– Thôi để khi khác đi, em cũng còn đồ ăn – Tôi từ chối.
– Cất đi để bữa khác, hay em ngại thì mang sang luôn, chị em mình cùng nấu nha. Miệng nói tay chị cầm luôn rổ rau củ tôi chuẩn bị cho bữa chiều. Không còn từ chối được nữa tôi đành khóa cửa đi theo. Bữa cơm chiều nay cũng có thêm Huân tham dự. Vậy là có hai kẻ độc thân đi ăn chực – Tôi đùa.
– Có Cô, Chú ăn cùng càng vui. Anh Nghĩa chồng chị Mai đon đả nói và còn cố ý ghép tôi với Huân thành một cặp. Huân làm bên phòng nông nghiệp, lớn hơn tôi khoảng chục tuổi gì đó, độc thân. Bữa cơm vui vẻ qua nhanh. Dọn dẹp xong chúng tôi quây quần bên bàn uống nước. Anh Nghĩa đằng hắng lấy giọng:
– Cô Lan này, anh nói có điều gì không vừa ý thì bỏ qua. Anh thương cô như em gái – anh Nghĩa rào đón.
– Có chuyện gì mà anh làm mặt quan trọng dữ vậy. Em xin nghe – Tôi thấy hơi hồi hộp.
- Chuyện là: Chú Huân có nói với anh chị, Chú ấy để ý đến cô khá lâu, nhưng ngại không biết ý cô thế nào. Theo anh thì cô chú cũng lớn tuổi rồi, suy nghĩ chín chắn hơn, cả hai hoàn toàn độc thân. Cô, chú có thể tạo thành một gia đình. Tình yêu cũng có thể đến sau hôn nhân. Phía chú Huân thì không cần bàn, vì chú Huân đã có tình cảm với cô rồi. Còn Cô thì anh chưa rõ. Anh chị nói vậy, cô Lan xem lại rồi trả lời cho chú Huân hay. Cô Lan cứ suy nghĩ đi. Vậy là tôi đã hiểu lý do những bữa cơm có hai kẻ độc thân ăn ké.
Thế là tôi trở thành vợ của Huân. Năm đầu mọi chuyện trôi đi trong yên ả. Tôi cố quên Khang đi để sống cho hiện tại. Nhưng từ khi có bé An ra đời, mọi chuyện bắt đầu rối lên. Rối đến độ không còn gỡ được nữa. Huân bắt đầu trở tính. Chuyện gì cũng là cái cớ để la rầy tôi: Lúc thì “Nhà cửa bề bộn, phòng ngủ toàn mùi sữa, mùi nước đái nồng nắc. Rồi đến chuyện cơm nước chậm trễ”. Huân dằn hắt đủ chuyện. Tôi đã nhịn cho yên cửa nhà. Có khi tôi cũng cãi lại, chúng tôi cãi nhau to.
– Sao ông vô trách nhiệm thế, con còn nhỏ ông phải phụ một tay chứ, sao cái gì ông cũng đổ lên đầu tôi. Một tay ẵm con, còn tay kia thì lo nấu ăn, trong khi ông đi làm về ngổi ngửa bụng đọc báo, xem tivi là sao? Bảo ông trông con, ông nói không biết giữ trẻ. Con ốm con đau ông vô tư ngủ khò, bỏ mặc mẹ con tôi. Ông có phải là chồng, là cha hay là kẻ đến ngủ nhờ – Tôi điên tiết nói một hơi dài.
– Á, Cô giỏi quá ha! Đẻ được thì nuôi chứ than thở nỗi gì. Uh, Tôi không xứng làm chồng, cô đi tìm thằng bồ cũ mà nhờ. Nó bây giờ ngon lắm – Anh ta móc qua chuyện cũ giọng ghen tuông. Sẵn chân anh ta đá cái bàn đổ cái ầm. Ly tách vỡ loảng xoảng. Đến nước này tôi không còn chịu nổi nữa.
– Ông dọn về phòng của ông đi, chứ sống kiểu này tôi chịu hết nổi rồi. Ông tưởng ông ngon lắm hả. Tôi chấp nhận lấy ông cứ nghĩ rằng ông lớn tuổi sẽ yêu thương gia đình hơn, tâm lý hơn, chín chắn hơn nhưng tôi đã lầm. Ông đi đi cho khỏi vướng bận trách nhiệm làm cha làm chồng, được tự do bay nhảy.
– Đi thì đi – lão nói rồi quay đi bất cần. Hai ngày sau lão dọn về căn hộ độc thân của lão cách đó vài căn. Sáng nay – chủ nhật, trời coi bộ nắng đẹp, gió hiu hiu mát lạnh. Tôi bế bé An ra biển, nắm bàn tay bé nhỏ xinh xinh của nó lòng tôi thật nhẹ nhõm, một cái gì đó thật ấm áp, thật thiêng liêng… Tòa tuyên cuộc hôn nhân của tôi chấm dứt. Tôi được quyền nuôi bé An.
Tôi trở thành bà mẹ đơn thân. Tình yêu không đến sau hôn nhân, và không chung tiếng nói khi trái tim mình đã chết. Có những giấc mơ cứ lặp đi, lặp lại đến ám ảnh như giấc mơ ở trên. Trong tận cùng tâm khảm tôi vẫn luôn hy vọng ngày mai giấc mơ đời sẽ đẹp.