B à Thạo có ba người chồng kế tiếp nhau. Đúng là số lận đận cô đơn khốn khổ. Có ai biết bà đã từng lặng lẽ khóc chồng mà mắt bị mờ đi, đóng mọng. Giọng nói yếu ớt khàn khàn run run, thỉnh thoảng lại bị đứt quãng, bị hụt hơi. Ba đứa con trai, mỗi thằng một bố. Kiếp nạn sát chồng, người ta bảo thế nên bà xuôi tay, bỏ tuột không ít cơ hội hiếm gặp vì nhiều người còn nhòm ngó, thậm chí kiếm chác trông mong, tin cậy. Người phụ nữ bình thường đưa tang chồng một lần cũng đã đau khổ, cô đơn và trống trải rồi. Ba lần như thế với người một nắng hai sương thì khốn khó tận cùng. Nhưng trời không khiến ai khổ, ai sướng đến trọn đời nên thường dành cho họ mỗi người một phần nhiều ít. Tự dặn mình tránh xa những cuộc vui, những lời đàm tiếu, bà âm thầm nuôi ba đứa lớn lên, cho chúng học hành đến nơi đến chốn. Nói đến nơi đến chốn là không để chúng thiệt thòi với những đứa trẻ cùng lứa xung quanh. Các con bà trở thành công nhân lần lượt cưới vợ. Bà gắng hoàn thành trách nhiệm của người mẹ, lo cho mỗi đứa một cơ ngơi. Không bằng ai nhưng có chỗ vợ chồng con cháu chui vào chui ra. Thế là ổn.
- Sống về mồ mả, không ai sống vì cả bát cơm. Sau này tao chết, chúng mày cứ cho tao nằm ở góc nghĩa trang thị xã là đủ. Không đòi hỏi gì thêm. Đứa nào nhớ thắp cho nén hương, tao phù hộ cho. Thế thôi!
Bà ở một mình trên khu đồi vắng. Vườn nhiều cây trái. Các cháu thường lên, nô nghịch, ăn rồi chạy nhảy, phá phách. Bà còn sức, thấy chúng nghịch ngợm quá cũng phiền lòng nhưng nín nhịn. Trẻ con ấy mà, chúng sẽ lớn sẽ khôn. Trời sinh voi, trời sinh cỏ, bà không phàn nàn gì, một mình lui cui dọn dẹp khi bọn trẻ về hết.
Vài năm như thế, cuộc đời lại không xuôi chèo mát mái, thích rũ tung lên. Bắt đầu là thằng con út. Nó được nuông chiều nhất nên hư đốn, theo kẻ xấu cá cược đá bóng, nợ đầm đìa.
Buổi đầu tiên là hai thằng vào gặp Hào. Hào rụt rè, lẳng lặng đứng ra chào chúng, đón tai họa. Cô vợ nhìn bộ dạng đoán là chuyện chẳng lành, kéo đứa con cùng vào một góc giường. Thằng nhỏ người hỏi nhẹ nhàng: - Bao giờ thì có? - Các anh thư thư cho mấy hôm! - Mấy hôm? - Dạ! Để em thu xếp! - Tao hỏi, mấy hôm? - Dạ! Không dạ vâng gì! Ba hôm nữa, nhớ lấy! Nó hất mặt ra hiệu, thằng cao lớn hơn không nói năng gì, cùng quay ra.
Biết chúng đã đi, vợ Hào mới ra hỏi chồng. Biết không giấu được, Hào kể lại mọi sự. Sau tiếng kêu giời của vợ, Hào chứng kiến bão táp dội xuống đầu mình. Mụ vợ kêu gào, lăn lóc, rủa xả từng hồi từng chập. Tai họa khủng khiếp xảy ra. Hào nợ tới hai tỷ. Bọn chúng kéo đến nhà, quát tháo, đe dọa, đòi bắt con, chặt chân, bẻ tay chúng. Mụ vợ sợ run, kêu gào ầm ĩ. Kẻ xấu có sợ gì, dăm ba ngày lại tới, căng hơn những lần trước. Mụ giọng lạc đi, tất tả kéo con về tựa nương bên ngoại.
Nhà Hào kể từ đó, kẻ đòi nợ ùa tới rầm rập, nhâng nhâng nháo nháo. Sáng hỏi chiều gọi, chúng rải chiếu đánh bài ngay trên sân ngày đêm, kiểm soát người ra vào, chờ trả nợ. Đâu chỉ có thế, chúng mở thùng vét gạo, nấu cơm ăn, không còn coi Hào ra gì! Chúng tìm vào nhà vệ sinh xả nước giặt giũ, rửa ráy, tắm táp cứ tự nhiên như ở nhà mình. Quả thật chúng cũng sắp xếp, thu dọn, gọn ghẽ nhưng làm sao mà yên dạ được. Nhà chỉ còn Hào, đói khát, nhếch nhác, ủ rũ.
Đang đêm, Hào bật cửa trốn lên nhà mẹ. Bà Thạo thương con lắm nhưng biết làm thế nào. Có năm trăm ngàn định để mua gạo hàng tháng, còn thức ăn quanh quẩn nhặt nhạnh trong vườn, sàng bữa sáng sảy bữa tối. Có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít, bà cũng nhẫn nại, cắn răng dúi cho con. Nó cầm đi, hai ngày sau lại trở lại. Trông bộ dạng bơ phờ, bà biết ngay rồi. Chửi bời mắng nhiếc cũng thế thôi, nước dội đầu vịt. Nhưng nào có yên. Hôm sau, cả một bọn nhâng nhâng nháo nháo kéo tới. Bà nặng nhẹ kêu gào, la lối cũng chẳng lại.
- Báo công an ư? Mẹ xem chúng con có tội gì? Chúng con đòi nợ thôi. Chả gây khó khăn, cản trở gì mẹ.
- Chúng con không phá phách, trộm cướp gì của mẹ, chỉ đòi tiền em thôi. Đồng tiền kiếm ra khó nhọc, mẹ cũng biết. em nó vay, chúng con có giấy tờ, chứng từ, ký cốp đàng hoàng. Không có thì chúng con xử em. Ngoài đời đầy! Có kẻ lấy thân mà đền nợ đấy, mẹ ạ! Em nợ chúng con thì con đòi, đòi đến bao giờ trả được thì chúng con phắn.
Thằng Hào thì cứ đứng, thần mặt ra như kẻ chết rồi.
Anh em quyến giả nhất phận, chả giúp được gì. Anh cả con ông thứ nhất một vợ một con. Vợ không dữ nhưng ki bo, nắm toàn quyền chi thu trong nhà, rán sành ra mỡ. Ngay cả cô con gái học lớp mười rồi mà còn phải xin mẹ gần chục lần mới có tiền mua đôi áo lót. Nhà cửa rộng rãi cũng đủ ăn đủ tiêu nhưng không dư dật. Anh thứ hai làm xếp ngành vật tư gặp lúc trời đi vắng, của tiền như nước đổ vào nhà cũng không nhờ được vì mọi thứ vợ quản chặt cứng, giữ của như hổ giữ thức ăn. Chồng không dám ho he.
Chúng đòi rát quá, Hào rộc đi như người quanh năm đói khát. Nhà vợ giúp cho chút ít như muối bỏ bể. Hào bàn với mẹ, bán nhà đi. Nước cùng rồi, anh đã giao nhà riêng của mình cho chủ nợ. Chúng kèm anh đến không thể trốn chạy. Còn hơn một tỷ nữa, trong lúc cửa nhà không có, chạy vạy đâu ra. Anh quỳ xuống xin mẹ bán căn nhà của mẹ:
- Đời này, con gây họa cho mẹ rồi. Mẹ thương chúng con, thương các cháu!
Thở một hơi dài bằng cả cuộc đời gian lao vất vả của mình, bà không biết làm thế nào tìm ra cách khác. Thôi thì, gia sản của người có bao nhiêu tiền đã được ông giời sắp đặt; người có nhà cửa, ruộng nương, chức vụ và quyền hạn thế nào cũng được định sẵn. Một người có phúc phận thế nào sẽ được hưởng như thế, không khác được. Nước mắt chảy xuôi, bà lại bán ngôi nhà cả đời gắn bó mà không dám nói cho hai đứa lớn biết.
Nhà bà bán được tỷ rưỡi. Không cho gia đình mấy đứa lớn biết, bà giao hẹn với chủ mới, bà nhận tỷ tư và ở lại nhà cũ sau ba năm nữa. Cũng là cách nghĩ quẩn. Bà yếu rồi, làm sao mà sống được thêm ba năm. Nhà chủ kinh doanh đất, không cần bán vội, đồng ý ngay. Nhận đủ tiền, bà chuyển cho con. Thằng con kéo vợ con đi xây dựng kinh tế tại Gia Lai.
Thời gian qua nhanh như gió lốc. Ba năm trôi veo veo. Bấy giờ hai gia đình đứa con lớn mới biết mẹ đã bán nhà, đến hạn người ta đuổi. Bà Thạo không biết nương tựa vào đâu.
Anh Thà bàn với vợ:
- Nhà mình rộng, có phòng riêng cho con gái khi nó lấy chồng làm của hồi môn. Nay đưa bà về ở. Bà cũng chỉ sống được vài năm nữa. Con mình sau này lấy chồng, nó không ở, bán đi cũng được.
Bà vợ hỏi lại:
- Bà không phải không có nhà. Khi bán đi, chả đứa cháu nào nhận được cái kẹo. Giờ thì đừng nói gì nữa. Tôi không có nhà rỗi cho ở đâu. Nhà của con tôi, anh định để bà bí mật bán đi hay sao?
Anh Thà còn cố nhắc lại cuộc đời sóng gió của mẹ mong sự cảm thông, để vợ bố trí chỗ ở cho mẹ thì vợ gắt ầm lên:
- Bà ấy mà về đây thì tôi với ông mỗi người một phương đấy, Ông hãy cân nhắc cho kỹ! Đừng nói gì thêm với tôi nữa!
Anh Thà bàn bạc với chú em. Chưa nghe xong, Hạ đã giãy lên:
- Chết! Mẹ ở với vợ chồng em sao được. Vợ em kỹ tính lắm! Chúng em ở với nhau còn khó đây! Ra đụng vào chạm, bao nhiêu trở ngại nảy sinh. Khổ mẹ, rồi anh em mình mang tiếng chết!
- Chú có tiền! Không nhiều nhưng cũng rủng rỉnh hơn anh chị. Chú mua gọi là tặng mẹ một căn nhà. Vài năm sau, mẹ mất thì nhà vẫn là của chú. Mình được tiếng mà chả mất gì, mẹ cũng đỡ khổ!
- Ôi! Chịu thôi! Bác biết rồi đấy! Con sư tử Hà Đông nhà em nó biết thì chết! Chúng em làm sao sống nổi. Thôi! Cứ để mẹ thuê nhà. Anh em mình thay nhau tháng tháng đưa tiền trả nhà trọ cho đỡ mang tiếng. Em nghĩ cũng chỉ còn cách đó thôi!
Bà mẹ tìm nhà thuê. Được dăm tháng. Hai thằng con lớn tranh nhau trả tiền trọ. Đến tháng thứ tám, thứ chín bắt đầu xảy chuyện. Hết tháng chẳng đứa nào đóng góp nữa. Chủ trọ nhắn tin, trực tiếp gặp gỡ, trao đổi. Anh em đổ dừa cho nhau. Cả xóm thợ mới biết chuyện, nhốn nháo, xôn xao lên.
Thằng Hào trở về giỗ bố, tiện thể xem mẹ sinh sống khỏe yếu thế nào. Sau khi thoát nợ, vợ chồng chúng đi xây dựng kinh tế tại Gia Lai. Bờ Ngoong là một xã thuộc huyện Chư Sê dân cư còn thưa vắng. Hai vợ chồng tích cực, bán mặt cho đất núi, bán lưng cho trời cao nguyên. Đêm ngày quần quật, họ bảo ban nhau trồng cây gây rừng, đào ao thả cá. Không có vốn để đầu tư Một tháng một đàn vịt, hai tháng một đàn gà, ba tháng một đàn lợn như các hộ kinh doanh được bảo trợ khác. Sẵn có nhân lực, vợ chồng con cái chăn nuôi trồng trọt căn cơ theo lối xưa cải tiến. Cứ chân chỉ hạt bột, làm gì cũng phải ngó ngược ngó xuôi nuôi lấy gốc. Hàng hóa chưa kịp xuất, thương lái đã đến tận nơi. Đầu xuôi đuôi lọt, của cải vào ào ào như được trời phù. Mới hơn dăm năm. Cây rừng đã cao tới ba bốn mét, dăng dài suốt một dải đồi. Cá đặc dày cả hệ thống ao chừng chục cân mỗi con. Mấy thằng con sau giờ học hành lại cùng bố mẹ đổ mồ hôi vào đất. Đất không phụ công người nên gia đình cũng ấm áo no com. Hào về thăm mẹ. Anh không ngờ mẹ khổ thế. Chả kịp bàn định gì với hai anh, Hào đưa ngay mẹ về Gia Lai:
- Con gây khổ cho mẹ nhiều quá! Cuộc đời người chẳng mấy thảnh thơi đâu. Sông có khúc người có lúc. Giờ mẹ về với vợ chồng con, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo.
Đưa mẹ về Bờ Ngoong xong, Hào mới thọai, báo cho hai anh, đưa hai anh vào thế đã rồi. Thà đau xót lắm, anh tâm sự với con gái:
- Bố không giữ vai trò chính trong gia đình, không quyết được. Là anh cả mà để mẹ vất vả, lay lắt nơi này nơi khác, bố thấy xót xa, tội lỗi quá, con ơi!
Nhìn ra sân, lá vàng lả tả, thu đã về rồi, anh khóc nấc lên thành tiếng:
- Trời lạnh thế này, mẹ ơi! Mẹ nằm đâu? Có đủ ấm không?
Hạ thì bận việc cơ quan tối ngày. Chả biết anh có nghĩ ngợi sâu xa gì về việc ấy. Là sếp nhớn của một doanh nghiệp nhà nước. Tiền chất đống trong nhà nhưng không quyết được. Ở ngoài thét ra lửa nhưng trước mặt vợ lại im một phép. Việc quán xuyến gia đình trông cả vào tay bà ấy nhà tôi.
Được thêm dăm năm, Hào nhắn tin ra là mẹ mệt nặng. Các bác về chịu tang chứ em chắc mẹ không qua khỏi.
Nghe tin, cô con dâu thứ hai xăm xắn về trước:
- Khi nào em thoại là nguy cấp, anh chị phải về ngay. Nhà em thì bận công tác, cố gắng lắm, không biết có về kịp không?
Đám tang bà mẹ diễn ra theo phong tục địa phương. Ai cũng khen bà cụ phúc hậu, con cháu đi đưa chen đường chật lối.
Chỉ Thà cay đắng nhận ra. Cô em dâu xấn xả về sớm để chồng thông tin cho bạn bè quen biết. Đến khi mẹ mất, người xe nườm nượp, kéo đến đông nghịt nhưng phần lớn là bạn đồng nghiệp, là cấp dưới của Hạ. Sau ngày tính toán, trừ chi phí tang ma xong, tất cả tiền điếu phúng của ai người ấy giữ để trả nợ dần cho người ta. Cầm chặt phần tiền phúng viếng lớn nhất rồi, hai vợ chồng báo công việc không thể ở lâu được, cùng con cái ra trước. Cô dâu đầu cùng con ra theo.
Anh Thà ở lại nửa tuần với vợ chồng chú út. Chả biết họ tâm sự với nhau những gì.