Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


tranh của hoạ sĩ Quách Đông Phương

NHÂN CÁCH



                         

T ôi không mấy cảm tình với vị chủ tịch xã. Anh ta quá trẻ, tóc rẽ ngôi giữa. Bút máy nắp vàng, đồng hồ vàng, nhẫn vàng, dây đeo chìa khoá mạ vàng, cặp số cũng màu vàng. Tất cả cứ vàng choé lên, Tôi thắc mắc không biết điện thoại trong chiếc bao da kia có phải màu vàng không nữa. Có mỗi việc mời tôi đi ăn sáng, mà cũng nhiêu khê chạy xe máy 5 cây số ra tận thị trấn, vào một nhà hàng lịch sự, Tôi từ chối món điểm tâm kiểu Tây gồm bánh mì gối cắt lát kèm với bơ, trứng ốp lếp và cốc sữa tươi. Không phải không biét dùng, mà cái bụng tôi rất xấu, mấy thứ đó vào rồi không biếtTào Tháp đuổi đến bao giờ. Giá có bánh cuốn chả thì tốt. Tôi mới gợi ý thế, chủ tịch xã rút ngay tờ bạc một trăm đưa cho cô nhân viên chạy bàn. “Em chịu khó chạy sang quán bà Mến, lấy cho anh hai suất bánh cuốn chả. Loại đặc biệt nhé! Tiền thừa không phải đưa lại đâu.

Tôi thích thú thấy cô gái bưng về một mâm ngồn ngộn rau xanh, đậu phụ rán, hai đĩa bánh cuốn tráng mỏng điểm nhân mộc nhĩ và bát nước chấm loãng có vài lát ớt đỏ. Nước bọt tứa ra. Tôi cám ơn rồi vội cầm đũa. Xong bữa, chủ tịch xã rút hai tờ một trăm nữa, trả cho nhà hàng. Tôi thắc mắc mình có ăn bánh, uống sữa đâu? Anh ta cười. “ Đã gọi rồi, cứ mừng tuổi mấy đồng cho các em chóng lớn” Tôi nghĩ vị này chỉ thua công tử Bạc liêu ngày xưa mỗi việc đốt tiền châm thuốc lá nữa thôi .

- Chị từ trên Sở lặn lội về với xã vùng sâu, vùng xa này bọn em quý phục vô cùng. Nói thật với chị, nhân dân cả xã phấp phỏng như trẻ sắp được áo mới, khi biết tin tỉnh đang xét công nhận làng Voi phục là khu di tích lịch sử –văn hoá. Anh chàng vào đề tự nhiên như không. Đây cũng là nhiệm vụ Giám đốc Sở giao cho tôi về tìm hiểu thêm các chứng cứ của làng Voi phục. Sếp còn thắc mắc. Mình ở tỉnh này đã lâu, có nghe nói gì về khu di tích Voi phục đâu nhỉ ?

Tôi đi xe máy mấy chục cây số về làng Voi phục, với nỗi háo hức riêng. Vừa muốn tìm hiểu về một khu di tích lịch sử mới, vừa có cớ để tìm lại một “di tích tình yêu” thời trẻ, anh sĩ quan pháo binh mối tình đầu của tôi đâu cũng người làng này. Nghe tin anh phục viên rồi, không biết cuộc sống bây giờ ra sao? Ngày còn là sinh viên trường văn hoá nghệ thuật tỉnh, tôi đã yêu anh chàng pháo binh đóng quân cạnh trường, nhưng sớm chia tay vì bọn bạn tôi chê anh là chàng lùn “ Tréc nơ mo” trong một bộ phim thần thoại của Nga.

Tôi bảo chủ tịch xã. Sở đã tiếp nhận hồ sơ xin công nhận khu di tích lịch sử –văn hoá của làng Voi phục rồi, nhưng có vài chi tiết cần xác minh lại, thế nên hôm nay tôi mới phải về tận đây. Chao ôi! Lịch sử còn đó chị ơi! Nhân chứng còn sờ sờ ra cả đấy, chị cứ xác minh ạ. Con voi này theo truyền thuyết lịch sử, mấy nghìn năm trước nó đã chịu một nỗi oan khuất đến bây giờ còn khóc dấy chị ạ. Hai mắt voi là hai giếng đá đầy nước mắt đấy, tí nữa em đưa chị lên xem. Năm 1946 quân Pháp nhảy dù xuống đóng đồn trên núi, định lập làng tề. Du kích làng mấy lần phá tan âm mưu của chúng. . Năm 1967 dân quân xã kết hợp với bộ đội tình nguyện Trung Quốc lập trận địa phòng không trên núi Voi, đânh trả bao nhiêu trận không kích của Đế quốc Mĩ, bảo vệ kho xăng dầu. Đêm 16 tháng 7 năm Đinh Mùi, bom Mĩ ném xuống núi Voi làm hi sinh 14 người, trong đó có một tình nguyện quân Trung Quốc, hai đân quân của xã. Máu đân làng Voi phục đã đổ trong đêm ấy, có đáng ghi vào lịch sử không chị? Tôi bật cười. Gớm! Chủ tịch ăn nói còn trôi chảy hơn cả mấy cô thuyết minh ở Bảo tàng tỉnh. Hình như anh hơi ngượng, bèn quay sang đọc thơ. Chị biết không? Sinh thời một nhà thơ dân gian nổi tiếng có làm bài thơ về núi Voi này .

Trông xa thì đúng một con voi
Có đủ đầu đuôi, đủ cả vòi
Tham gia kháng chiến voi sản xuất
Đầu thì trồng sắn, đít trồng khoai.

Nhìn anh ngâm nga, tay khua khắng phụ hoạ, tôi không buồn cười nữa mà nhói trong ngực. Cách đây hai chục năm, anh chàng sĩ quan pháo cũng đọc bài thơ này cho bọn sinh viên nữ chúng tôi nghe, nhưng anh ấy đọc ấp úng chứ không được trôi chảy như chủ tịch xã bây giờ. Hồi ấy, tôi là đứa vô duyên phá lên cười đầu tiên, cười bò ra giường, làm chàng sĩ quan ngượng đỏ chín hai tai. Tôi cắt ngang lời giới thiệu của chủ tịch xã. Làng Voi phục có ai làTrịnh Xuân Điền, bộ đội phục viên không anh? Nụ cười tắt biến. Hai con mắt chủ tịch xã chợt lạnh như mắt rắn. Chị biết cả ông Điền à? Tay ấy lại đơn từ khiếu kiện gì phải không chị? Không! Không! Tôi chỉ hỏi thế thôi. Chị thông cảm. ở địa phương nào cũng có vài tay gàn dở như vậy. Ông Điền này trình độ không có bao nhiêu nhưng ngang ngược lắm. Động một tí là kiện cáo. Đã khổ mà không an phận. Một tay ông ấy làm chết hai bà vợ đấy! Tôi tái mặt. Anh nói sao? Ông ta giết người à? Sao không phải đi tù, mà ở nhà kiện cáo loạn lên? ánh mắt chủ tịch sáng loé trở lại, lẫn vào ánh vàng vung vẩy của đồng hồ và nhẫn .Không phải ông ta giết người! Nếu thế thì dựa cột lâu rồi. Mà ông ấy có tướng sát vợ. Bà vợ cả ở với ông ấy bốn năm, sinh được đứa con gái, buổi trưa đi làm đồng v, bị cảm nắng lăn ra chết. Bà sau cũng sinh được thằng bé rồi ốm liệt giường mấy năm, đi hết bệnh viện tỉnh đến bệnh viện trung ương, tán gia bại sản rồi mới chết. Sau khi vợ chết, ông ấy sinh kiện cáo lung tung, vừa rồi còn xin ra Đảng nữa. Thành phần như thế, có nói gì ai tin hở chị ?

Tôi rùng mình khi nghĩ đến cái chết của hai bà vợ. Nếu hồi ấy tôi đồng ý lấy anh, giờ này còn ngồi đây hay thành hồn ma vất vưởng nơi nào? Khổ thân Điền! Nếu đúng như lời chủ tịch xã nói, chắc anh khốn khổ bệ rạc lắm. Tôi muốn tìm đến ngay, xem cuộc sống mấy bố con anh thế nào. Tôi nhớ hình dáng Điền ngày xưa thấp đậm, ngăm đen, mặt tròn xoe với nụ cười hiền lành. Tháy tôi chê anh, mẹ chửi. Sư cha cô! Con người ta mặt tròn như mâm xôi còn chê nỗi gì? Cành cao lắm không khéo thành bà cô, ở mình. Ngẫm tình cảnh vợ chồng tôi bây giờ, thấy mẹ nói đúng.

Con đường mòn lên núi đầy những bông hoa mua cánh mỏng manh tím biếc. Tôi thích thú nhớ lại thời trẻ con chăn trâu, cắt cỏ. Dọc sườn núi Voi, những hòn đá to nhỏ, nằm ngồi ngổn ngang, lưng chừng núi có một giếng đá nhỏ nước trong vắt. Mắt voi đấy chị ạ! Sườn núi bên kia cũng có một cái giếng như thế này. Chị thấy tuyệt vời không? Phía trước là dải sông xanh xa tít, nơi ấy là đồng bằng Gió phía ấy thổi lên lồng lộng, hất tung mái tóc bồng của chàng trai trẻ. Anh ta thân mật nắm tay tôi. Trăm sự nhờ cả vào chị. Chị nói một tiếng bằng bọn em nói cả năm. Nếu năm nay xong cái quyết định khu di tích lịch sử làng Voi phục, sang năm em làm tiếp hồ sơ đề nghị nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kì chống Pháp và chống Mĩ cho xã. Dân xã em biết ơn chị đấy.

Tôi nói thác ra là phải về cơ quan họp chiều, không dự bữa cơm trưa với xã được. Thực ra tôi muốn một mình đi tìm Điền. Quá khứ và hiện tại làm lòng tôi không yên. Chủ tịch xã nài nỉ mãi không được bèn đưa tôi chiếc phong bì mỏng. Chị không ở lại được, em gửi chị bữa cơm trưa dọc đường. Chị về thế này cánh văn phòng lại chán mà trách em. Tôi đang muốn dứt ra để đi, bèn cám ơn, cho phong bì vào túi xách. Thời của phong bao, chút tiền mọn quan tâm làm gì.

Thì ra tìm vào nhà Điền không khó. Người chỉ đường bảo tôi cứ thấy nhà nào lợp lá cọ là nhà anh Điền. Cả làng còn mỗi anh ấy nhà lá thôi. Ngôi nhà ba gian hai chái nằm lọt giữa bốn bề nhà xây ngói đỏ. Bên ngoài, cánh cổng xộc xệch bằng tre xiêu vẹo. Một thằng bé chừng năm, sáu tuỏi lê la ngồi đào đất bằng con dao găm bộ đội cũ. Mặt mũi, tay chân thằng bé lấm đất . Cái mặt tròn không lẫn đi đâu được. Tôi chạnh lòng nhớ câu ca dao:

…Con mình những trấu cùng tro
Ta đi múc nước rửa cho con mình …

Tôi cũng muốn lôi thằng bé về phía giếng nước nhưng lại sợ nó khóc. Nó mở mắt tròn xoe nhìn tôi một lúc, rồi mới xoa hai tay vào bụng ỏng, đón gói bánh, miệng lí nhí. Cháu xin! Bố đi đâu hở cu? Nó cắm mặt vào gói bánh, chỉ vu vơ phía trong nhà. Bố nấu chơm!

Cả hai chúng tôi đều lúng túng khi gặp nhau. Tôi như cô Tấm từ quả thị bước ra, Điền không ngạc nhiên sao được? Con bé lớn đi học, nên hôm nào tôi cũng phải nấu cơm trưa. Cô vẫn công tác trên Sở văn hoá? Vâng ạ! Anh bảo còn nghề gì nữa mà không ở đấy. Với lại ông xã em làm bên thể thao, ở gần nhau cũng tiện. Điền thu vén mặt bàn bừa bãi bát đũa và vỏ mì ăn liền. Thế là cô sướng hơn tôi nhiều. Đời tôi lận đận lắm. Lời khen chân tình của anh làm tôi buồn. Đã hai tháng nay chồng tôi chưa thèm ghé qua nhà, lấy cớ đội bóng chuyền của cảng phải tập luyện liên tục để kịp dự giải toàn quốc, còn tôi biết anh ta bận hú hí với cô cầu thủ chuyền hai cao như cây sào. Hình như trong đội tuyển bóng chuyền nữ, cô nào cũng có cảm tình với huấn luyện viên trưởng, mà chồng tôi lại có tính cả nể. Chuyện anh ấy nhăng nhít với cô chuyền hai, tôi biết từ lâu nhưng không cấm cản được. Đã hơn một lần tôi bị anh tát ù tai vì nói xa xôi bóng gió. Tôi chấp nhận như một kẻ cam phận .

Khi những câu chuyện kỉ niệm xưa làm chúng tôi thân mật hơn, tôi mới dám hỏi Điền. Tại sao anh xin nghỉ sinh hoạt Đảng! Anh thở hắt ra. Hồi mới về địa phương cũng có tham gia công tác, làm xã đội phó. Sau tình cảnh gia đình bi đát quá, anh xin nghỉ, không tham gia công tác nữa. Vậy thì sinh hoạt Đảng làm gì? Trong mắt anh có điều gì u uẩn mà lời nói không hết được. Chẳng lẽ do hoàn cảnh gia đình mà bỏ Đảng ư anh? Ngày trước phấn đấu mãi mới vào được. Đúng thế! Hồi ở lính tôi phấn đấu trầy vi, tróc vảy mới vào được Đảng đấy cô ạ. Nhưng cô hiểu cho, về nhà vợ yếu, con dại, hai lần chôn vợ, hỏi tôi còn tâm trí đâu mà đi sinh hoạt Đảng? Tôi gạn hỏi còn lí do gì nữ. Anh bảo đừng bắt anh nói ra, cứ thông cảm cho anh là được rồi.

Tôi nhìn quanh ngôi nhà anh, tường trát tôcxi, phía sau, phía trước tróc lở từng mảng, hở ra những nan tre đan khít vào nhau. Mảnh ni lon bạc màu che cửa sổ phành phạch gọi gió. Làng này hộ nào nghèo nhất hở anh? Không phải cô đang nồi trong nhà ấy rồi ư? Thế hộ giàu nhất? Giàu nhất thì chưa có, nhưng ba hộ được coi có máu mặt nhất là ông đại tá về hưu ở đầu làng, ông phó phòng vật tư nhà máy giấy ở cuối làng và cô cave ở giữa làng. Anh biết nói đùa từ khi nào thế? Làm cave mà có máu mặt à? Thế cô chẳng hỏi tôi những hộ giàu nhất còn gì? Cô cave lắm tiền chẳng kém gì ông đại tá và ông phó phòng vật tư, mà còn dễ chịu hơn ấy chứ. Cả nhà sung túc, xe máy đắt tiền, điện thoại dắt túi quần, đi chợ toàn tiêu tiền mới. Thành phần ấy dân làng không tẩy chay à? Có ai nhìn thấy nó làm chuyện ấy đâu? Toàn xe con, xe máy đắt tiền đưa đi, đón về. Nó cũng là cái nghề cô ạ. Có cung có cầu mà. Toàn những ông lắm tiền dửng mỡ, chứ cả như đám dân lao động chúng tôi thì cho không đắt. Nhưng dân làng lại thấy cô cave cư xử tốt hơn hai ông kia mới khổ chứ. Ví như vận động góp tiền làm đường bê tông xóm, mỗi khẩu bốn chục nghìn. Nhà ông phó phòng ở cuối làng lí do bao giờ đường làm đến nơi mới góp đủ tiền, hiện tại ba khẩu mới nộp một trăm nghìn. Vợ chồng ông đại tá nộp tám chục, ủng hộ hai chục là một trăm. Nhà tôi bốn khẩu phải nộp trăm sáu, nhưng mới lo được năm chục. Cô cave, nhà năm khẩu góp hai trăm, ủng hộ năm trăm, lại còn đóng giúp bố con tôi số tiền thiếu. Cô xem đời như thế, muốn trách ai cũng không nỡ trách, muốn khen ai cũng chẳng buồn khen. Tôi động viên anh cố chèo chống cho qua đận này, rồi xem có ai thông cảm với mình thì lấy về mà lo cho hai đứa trẻ. Chứ gà trống nuôi con, cơ cực lắm. Anh nhìn tôi, cười buồn. Cô bảo ai nó dám lấy tôi bây giờ? Nghĩ đến khéo họ còn không dám nữa là về làm vợ ba. Vừa rồi anh đơn từ kiện mấy ông cán bộ xã à? Kiện tụng gì? Tôi chỉ giúp một số bà con kiến nghị lên cấp trên về việc làm không đúng của cán bộ xã thôi. Cánh trẻ bây giờ có học, nhanh nhẹn, tháo vát nhưng hay liều. Cứ xem cái xã này thì biết, một héc ta đất chồng chéo lên bao nhiêu dự án, chưa xong trồng chè đã đến trồng cây ăn quả. Chưa xong lại đến trồng bạch đàn …Chẳng dự án nào thành công cả, chỉ cần tiền phần ttrăm bỏ túi. Rút cuộc quê hương nghèo vẫn hoàn nghèo. Bây giờ lại còn cái trò chạy di tích lịch sử. Khu Voi phục có gốc tích lịch sử gì mà xin công nhận khu nọ, khu kia? Còn là đủ trò, vì có mấy kẻ nhiều tiền đứng đằng sau hỗ trợ cho cán bộ xã chạy thành tích. Xong cái di tích lịch sử, chủ tịch xã cũng có chục triệu bỏ túi, còn cánh kia bỏ vốn xây dựng đền miếu, dựng tượng Phật loè thiên hạ kiếm tiền.

Tôi thực sự hoang mang. Nếu đúng như lời anh Điền nói, thì nội tình xã này cũng phức tạp quá, mà tôi cũng chỉ là chuyên viên văn hoá, không can thiệp vào việc khác được. Chỉ thương Điền, anh không lo làm ăn cho kinh tế gia đình khá lên, cứ lo chuyện bao đồng. Đấy! Trông cánh tay anh run run châm lửa hút thuốc lào, nó đâu còn vạm vỡ rắn chắc như ngày xưa, mà nhăn nheo xám mốc. Tôi xin ra Đảng cũng là bất đắc dĩ thôi cô ạ. Làm cán bộ, đảng viên mà nghèo thì nói được ai? Quần chúng nhìn cả vào Đảng, mà mình thì bệ rạc, đói khổ thế này …Thôi thì ra Đảng cho lòng thanh thản. Tôi bảo anh. Chuyện tình cảm ngày xưa, xin đừng trách em nhé. Không duyên phận với nhau có buộc vào cũng thế thôi. Anh nói, buồn thì có nhưng không trách ai. Nhưng hồi ấy nếu cô chịu lấy tôi, đời tôi biết đâu đã khác. Lúc ra quân tôi đã xin chân bảo vệ ở Sở văn hoá, có vợ cùng cơ quan thì tốt quá, công việc nhàn hạ lại có lương, không phải lo nghĩ nhiều. Tôi quen làm theo mệnh lệnh rồi nên khó tự vận động lắm. Sau vì cô từ chối, tôi chán nản về quê lấy vợ. Mình đã hèn lại gặp hai bà vợ đoản thọ, chưa đi ăn mày còn là may.

Tự nhiên tôi thấy bực bội, coi thường anh. Người sĩ quan pháo binh trong mộng của tôi ngày nào giờ ngồi khắc khổ, rầu rĩ như lão già sáu mươi. Mái tóc rễ tre húi cua khoẻ khoắn xưa giờ lởm chởm như chổi rơm dựng ngược, lốm đốm sợi bạc. Người đàn ông khi bó tay cam phận trông thật chán. Đã thế lại còn xin ra Đảng. Chẳng lẽ chi bộ đảng bỏ chết bố con anh hay sao? Anh xua tay cười mếu. Không đâu! Trước kia chi bộ cũng cũng đỡ đần sửa sang cái nhà, gian bếp hay giúp cho đàn gà, con lợn giống. Lúc các bà vợ ốm đau, qua đời, không có chi bộ và dân làng thì tôi cũng chết theo rồi .Nhưng rồi tôi xin ra Đảng, lại bất mãn với cán bộ xã, mấy lần đầu đơn kiện tụng, thành ra ai cũng ngại gặp gỡ, giúp đỡ, mà mình lại mặc cảm không muốn gần đảng viên trong chi bộ. Tôi đang ngồi trên chậu than hồng. Tôi chán anh đến tận mang tai, dù rất thương cho hoàn cảnh bố con anh. Em buồn vì chuyện anh xin ra Đảng, còn mọi chuyện khác em không được rõ lắm. Em chỉ mong ba bố con dần dần đỡ khổ. Chiều nay họp cơ quan, em phải về. Lần khác ở chơi với mấy bố con lâu hơn. Có chút quà, anh cho em gửi hai cháu nhé. Tôi rút chiếc phong bì ban sáng dúi vào tay anh, rồi bước vội ra hè. Nghe anh kêu lên phía sau. Cô cho nhiều thế này, các cháu không dám nhận đâu! Tôi quay lại, thấy anh cầm trong tay bốn tờ bạc năm trăm nghìn, mặt đỏ bừng. Trời ơi! Những hai triệu cơ à? Tay chủ tịch xã chịu chơi thật! Như người lỡ bước, tôi đi như chạy, lòng thấy tiêng tiếc .

Chưa kịp nổ máy, đã thấy chiếc xe màu én bạc của chủ tịch xã từ trong ngõ lao ra chắn đường. Sao chị vào đây không bảo em đưa đi? Đất không nứt ra dưới chân tôi. Xin lỗi! Tôi muốn tự vào thăm gia đình anh Điền. Một cựu chiến binh có hoàn cảnh như thế, xã nên có biện pháp giúp đỡ, để người ta xin ra Đảng như thế thật đáng tiếc. Chủ tịch xã với sang nắm tay tôi lắc lắc. Chị yên tâm! Chuyện nhỏ ấy mà. Em sẽ chỉ đạo cho chi bộ khu Voi phục giải quyết việc này có tình, có lí. Anh ta tiễn tôi ra tận thị trấn, còn cố nèo tôi vào quán uống nước. Tôi nhìn hắn với ánh mắt mới. Ngại và nể. Người này có bản lĩnh đây. Bằng mọi giá sẽ thực hiện được ý định của mình. Khi chia tay, bàn tay chủ tịch xã như có lửa. Chị nhớ giúp cho địa phương nhé, cả xã em nhớ ơn chị đấy.

Giám đốc Sở gọi tôi lên bàn về việc tổ chức lễ trao quyết định công nhận khu di tích lịch sử văn hoá cho làng Voi phục. Tôi ngạc nhiên định hỏi lại, vì tất cả những gì nghe được ở làng Voi phục tôi đã báo cáo lại rồi cơ mà. Giám đóc giơ tay ngăn câu hỏi của tôi. Xét cho cùng, làng Voi phục cũng có dính dáng đến lịch sử, ta cứ công nhận đồng chí ạ. Đừng nên xuy xét nhiều quá. Đất nước này ở đâu cũng đầy đấu ấn lịch sử, đâu cũng anh hùng, phải không? à! Có thư của chủ tịch xã gửi cô đây. Giám đốc đưa cho tôi chiếc phong bì dày, tôi bực bội nhét vào túi,trở lại phòng làm việc .

Sau khi uống cốc nước lọc cho hạ hoả, tôi tò mò lôi lá thư ra. Toàn những lời lẽ văn hoa, nịnh bợ, nhưng mấy dòng cuối làm tôi chú ý. Báo với chị tin vui, anh Điền bạn của chị đã làm đơn xin phục hồi đảng tịch và được chấp nhận. Nhân dân trong làng còn tín nhiệm bầu anh ấy giữ chức phó khu hành chính. Thế là anh Điền lại làm cán bộ rồi chị ạ.

Tôi không mừng mà thất vọng. Anh có vẻ hèn hèn thế nào ấy. Đã dám xin ra Đảng, lại còn muối mặt xin vào. Hay cũng vì tí chức quyền?

Chiếc phong bì còn cồm cộm, tôi moi ra, hốt hoảng vì trong đó còn một xấp tiền thơm mùi mực in. Thế ra mình cũng chẳng hơn gì nhà anh Điền .

Tháng 3/2006




VVM.22.9.2023.NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .