Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         

Angkor Thom


XỨ SỞ THẦN GIÁO CAMBODIA




S áng lạ trên cao, lướt trên cánh bay tới Sài gòn, hối thúc đến nhanh với vùng đất còn nhiều dấu ấn Thần đạo Hindu.

Eo ngang qua biên giới cách 70 cây số đến Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài một buổi sáng nắng đẹp, khoe những đường cong mái hướng về phía mặt trời phương Đông. Bóng đổ dài ra sau, nắng đến nheo cả mắt người.

Cửa khẩu Mộc bài Việt nam
Khoe mái cong trong nắng sớm.

Cửa khẩu Campu Chia
Khoe nét mái nhiều tầng.

Xứ sở của Quốc vương CamPu Chia mở ra rộng và thấp trong những khoảng cây xanh lẫn tràn vào làng mạc, ruộng lúa. Qua Svey Riêng đi hướng Bắc chếch Tây một chút về Kompong Chàm hướng đến Siem Reap, cây đang cao lên giữa trời nhẹ nắng, túm tụm thành từng vùng mát xanh cùng trong gió sớm.
Kia rồi Thốt nốt chỉ có ở xứ sở này, sống cùng một đời người trăm năm, Thốt nốt mọc quanh những căn nhà một tầng trên cột như nhà sàn nhỏ dọc bên đường, mọc tràn ra ruộng lúa, bãi bồi.

Thốt nốt những cây đực cho đường từ những giọt nước ngọt tràn ra từ vết cứa sâu trên cuống cành hoa. Đường ngọt hay để làm quà, chứ không như đường mía bởi hương thơm nhẹ nhàng. Thốt nốt, cây cái cho quả to gần bằng quả dừa lửa, nhưng vỏ ngoài mầu nâu sậm. Sơ vỏ có bột màu vàng lại và thơm mùi mít chín lọc ra làm bánh bò, ngon mà khác với ở nhà ta.

Ước gì mang một vài cây về trồng trước cửa khách sạn năm sao, cho đỡ cái cảnh nhà lầu xe hơi buồn tẻ, nhưng chắc là không được. Thốt nốt chỉ sống với miền đất Campu Chia, quen thân với người Campu Chia.

Qua những thị trấn, làng mạc có đông người hơn. Thấy nói : “Campu Chia sạch từ trong ra ngoài”, không biết có liệu có phải thêm từ làng mạc hay đường phố vào không? Nhưng đúng là thấy sạch thật. Chứ người Campu Chia thì chân tay thấy đen đen như có vẻ không sạch lắm.

Rồi rốc một chuyến thẳng Tây bắc về Kompong Thom theo đường 71, dọc bên trên Biển hồ Tonle Sap, phía Nam. Lòng náo nức đến với Siem Reap tít tận gần phía đằng cùng Tây bắc của Biển hồ, mệt với chặng đường ôtô 570 km.
Dừng một vài tiếng thủ xem ẩm thực Campu Chia. Không biết có phải mình nói tiếng Việt mà người ta mang ra toàn món hợp với khẩu vị không. Khác chăng là các loại rau ăn kèm, tuy không có gì độc đáo, nhưng thịt gà luộc ngon quá vì là gà nuôi thả bừa. Thịt bò ăn dai hơn nhưng có lẽ do nấu chín kỹ quá. Thấy mấy người xúm đông vào dãy hàng quán trước khách sạn, chạy ra. “Một đô bốn con!”, mua ăn thử thì ra là con Cà cuống tẩm ướp thế nào không biết, rán hay quay gì ấy thấy dinh dính. Ăn bốc tại chỗ, thơm cay, ngòn ngọt, hay. Thấy hàng bên bán dế mèn gọi là dế cơm, thò tay bốc luôn bán cả một nắm, rẻ ấy mà. Bỏ vào túi ny lông đem vào khách sạn làm món ăn thêm, không thấy nhân viên họ nói gì, có lẽ họ quen như thế rồi.

Dọc ven đường, chỗ nhà dân thấy đầy bên đường những tấm ny lông trong trong, khổ to hơn tấm vải, treo trên cây sào buộc ngang trên hai cột nhỏ, dưới có cái máng nước. Thì ra là bẫy dế cơm. Ban đêm mấy chú dế kiểu của Tô Hoài là hay đi du lịch lắm, thấy ánh đèn nhảy vào, đập phải màn ny lông rơi xuống máng nước muối, đờ ra. Bắt xong để nguyên chân càng không biết có rửa qua không, đem rang mỡ thêm chút muối đường, bán khắp chỗ. Tự nhiên thấy cái bụng ấm ách tức tối, tưởng Dế mèn đang phiêu lưu ký bên trong.

Muốn dừng chân, rồi sau chỉ tạt qua, ngắm nghía. Tonle Sap rộng lớn được bao quanh bằng cả một thứ mênh mông nơi giữa nơi rừng đại ngàn nguyên sinh Siem Reap. Biển hồ có bán đủ thứ khô tôm cá. Nghèo, nhưng rộng đẹp.

Tonle Sáp có 4000 hộ dân Việt sinh sống trong thu nhập thấp.

Ở Cămpu Chia cái gì cũng lạ, ngay cả cái cây! Thấy mấy người Tây tóc râu ngô cứ úp mặt vào, dang tay ôm lấy cái thân cây chụp ảnh. Cây to quá ôm không được, y như bị đóng đinh ngược. Mãi mới đến lượt, hoá ra cái sẹo trên thân cây đẹp. Bị lộ sáng, đỏ hồng góc dưới, mất hay, cứ như cố tình.

Kia rồi xứ sở của những ngọn tháp thờ thần giáo Hindu. Khu đền Angkor bình yên và kiêu hãnh trong độc đáo từ đá Sa thạch làm nên kỳ quan thế giới đã có tuổi nghìn năm tại thủ đô của Đế quốc Khmer.

Truyện lịch sử xưa kể rằng: Kỷ nguyên Đế quốc Khmer, được cho là khởi đầu từ năm 802 sau Công nguyên, tồn tại từ thế kỷ IX đến thế kỷ XV. Đế quốc Khmer là một đế quốc rộng lớn nhất Đông Nam Á, với diện tích lên đến 1,2 triệu km2, Kinh đô Angkor được thiết lập, đặt nền móng từ thế kỷ thứ IX, trải dài đến 15 km về phía Tây bắc thuộc Campu Chia ngày nay.

Thế kỷ thứ X, Khơ me nồi da nấu thịt bởi các Quân vương, đất khi Khơ me dần tách ra thành Lào và Thái Lan do mâu thuẫn đạo giáo, còn lại Campu Chia. Khi đó Việt Nam cũng có tới mười hai tiểu vương quốc, đang cát cứ trước khi có Đinh Tiên Hoàng đế. Phía Nam Việt Nam ngày ấy chưa được khai khẩn đất đai, chỉ có bộ lạc Cau và bộ lạc Dừa theo tín ngưỡng Chămpa, chưa tập quyền, luôn bị Khơ me chèn ép, cho đến khi Đế quốc Khmer đánh bại Champa vào năm 1203 và xâm chiếm phần lớn lãnh thổ của Chăm Pa ở vùng Tây nguyên.

Theo tiếng Khmer, Angkor là Kinh đô, Wat là đền thờ, Angkor được xây dựng dưới thời vua Surja-Warman II (1113-1150). Angkor Thom là "Thành phố vĩ đại". Người Khmer không phân biệt rõ ràng giữa Angkor Thom và thủ đô Yashodharapura. Yashodharapura ở gần đó về phía Tây Bắc, các công trình được xây dựng bằng các vật liệu dễ hỏng đã không tồn tại được đến ngày nay. Angkor Thom trùm lên một phần của Yashodharapura.

Angkor Thom ngày nay hay gọi cho tòa tháp đại diện còn lại là Bayon, với các tháp mang hình khuôn mặt người, mỗi tháp cao hàng chục mét được chạm khắc bằng đá.

Angkor Wat ngày nay cứ gọi quen cho ngôi đền ở trung tâm có năm ngọn tháp, được xây ở Phnom Bakheng, trên một ngọn đồi cao 60m giữa đồng bằng trong khu vực Angkor. Angkor Wat có năm ngọn tháp (không kể hai ngọn hai bên đã bị mất phần đỉnh), nếu nhìn từ chính diện chỉ còn ba. Nay trên cờ Campu Chia có ba ngọn tháp để không lặp lại cờ thời PonPot năm ngọn.

Angkor Wat, Angkor Thom, được xây dựng theo phong cách Bayon, sử dụng rộng rãi đá ong làm vật liệu xây dựng lõi đặc, có khi để tôn nền cao đến hàng hai chục mét như ở Angkor Wat, bên ngoài là đá Sa thạch. Tự nhiên nghi ngờ, không biết có phải là Kim tự tháp không? Biết đâu bên trong còn một đống vàng hay chí ít cũng vài cái xác ướp kiểu Ai cập.

Các tháp mặt người Angkor Thom tại các lối vào thành phố có hình tượng Naga tại mỗi tháp.

Thành tháp được xây bằng đá Sa thạch rất dày có lõi bằng đá ong, khoảng trống bên trong nhỏ và cao, kiểu Tháp Chàm người Chămpa .

Đứng nhìn bên ngoài sau chui cả vào kẽ nứt nẻ, thấy cả bàn tay lao động của người tin theo đạo pháp là ghê thật, bởi niềm tin ở sự công hiến ấy sẽ được ghi nhận ở kiếp sau, được tăng lên một phân cấp hệ người bên trên.

Tín ngưỡng là thần pháp dùng bùa, ngải chữa trị. Sử lý tội phạm bằng bắt thề trước các thày bùa, sau đó đem cho rắn hổ mang cắn, nếu không chết sẽ là vô tội. Không biết có như bây giờ để đút lót thày bùa được không, để thày bùa cho rắn cắn vào cái gì trước cho hết nọc độc đi đã, nếu không thì cũng lộn sòng với kẻ có tội thôi.

Angkor Wat mới đầu để thờ thần Visnu của Ấn Độ giáo. Về sau, thế kỉ 15 khi kinh đô của đế quốc Khmer bị người Xiêm-Thái lan tàn phá, các nhà vua Khmer chuyển về Phnom Penh. Khi các vương triều về sau theo Phật giáo, Angkor pha trộn vào với Phật giáo, Angkor Wat biểu tượng thờ Đế Thiên, Angkor Thom thờ Đế Thích.

Đền Angkor Thom thờ các thần tượng trưng cho 54 tỉnh miền, nên có 54 ngọn tháp nhỏ (Cămpu Chia hiện còn 24 tỉnh thành). Các mặt người mang lại khuôn mặt Quan thế âm bồ tát.
Sau thế kỷ XV, khu đền Angkor rơi vào quên lãng, bị rừng già vây phủ, chỉ được khám phá lại vào năm 1860 bởi Herri Mouhot.

Cuộc chiến dữ dội hao người, tốn sức với đạo Phật, không phân thắng bại, tách Khơ me thành Thái lan gọi là Xiêm la và Lào thành Ailao, để lại nhiều vết tích tàn phá trên thân thể Angko. Thủ phủ Yashodharapura ở Siem Reap trở thành cố đô. Ngày nay còn nhiều dấu tích, còn có cả một cây cổ thụ lớn lắm, nằm giữa lòng đường mới mở, không di chuyển hay chặt đi được, vì cứ chặt vào cây là có máu chảy ra. Ai cũng biết, mà chưa dám đến gần thử chặt một cái, xem ra máu gì?

Cuộc chiến cuối cùng cũng đã làm thức tỉnh nhà vua để thừa nhận sự tồn tại chung Thần giáo và Phật giáo. Phật giáo được truyền lưu trong cuộc sống những người lam lũ đến nay, dần được tôn trọng đến mức như trường học cho trẻ trước khi vào đời và ngày càng lan sâu vào giới chức Campuchia.

Từ đó Angko là biểu tượng còn lại cho một nền văn hoá rực rỡ từ thế kỷ thứ XII.

Câu chuyện về về cây Sala mà tín đồ Hindu giáo Ấn Độ ở Campu Chia thường được trồng nơi đền thờ thần Shiva, thật sự đã xem cây Sala là thiêng liêng lẫn cùng với Phật giáo. Cây Vô ưu cũng vốn được Thần giáo tôn trọng cũng được đạo Phật rất trân trọng, cho thấy sự giao nhập hai tôn giáo ở Cămpu Chia. Cũng có truyền thuyết cho rằng đức Phật sinh ra dưới gốc cây Vô ưu chứ không phải sinh ra dưới gốc cây Sala.

Cây Vô ưu đối với tín đồ Ấn Độ giáo rất quý trọng, là biểu tượng cho Tình yêu, là cây dùng dâng tặng riêng cho Nữ Thần Tình yêu Kama Deva, tuy giống nhưng không phải là hoa Mẫu đơn-một mẹ nhiều con, hay Tú túc cầu ở Việt, hoa nở ở ngang thân cành. Người Ấn Độ còn gọi cây Vô ưu là Anganapriya là “Thân thiết của phụ nữ”, nhất là giúp phụ nữ duy trì hạnh phúc và tôn tạo sắc đẹp. Ngược lại, khi cây được người phụ nữ chạm đến sẽ mau nở và nở nhiều hoa.

Ngày nay phụ nữ Bengali thường ăn nụ hoa, và phụ nữ Hindi uống nước có ngâm hoa Vô ưu với niềm tin, họ sẽ xinh đẹp, bảo vệ được tình yêu và con cái. Hội xuân Ashoka-pushpa Prachaayika là dịp các thiếu nữ hái hoa Ashoka để cài trên mái tóc. Những phụ nữ xinh đẹp trang điểm rực rỡ được mời đến, chạm nhẹ vào cây Vô ưu bằng chân trái, tay vuốt ve cành lá để giúp cây mau trổ hoa. Ashoka, nghĩa là không còn ưu phiền.

Về thủ đô Phnom Penh, định rẽ vòng lối bên kia phía Nam Biển hồ qua Battambang theo đường số 5, nhưng ngại phải qua Sisopon đường xấu, lộn lại đến tận Phumi Tnaốt Chum mới rẽ ngã đường 6A. Có vẻ khác bởi miền đất thưa người này, chưa có thuỷ lợi mương máng nội đồng, nên một năm trồng lúa chỉ có từ một đến hai vụ khi có mưa. Nhớ một bóng tre xanh, nhớ một cánh cò.

Thẳng xuống hướng Nam sau 314 km, qua cầu ở nhánh sông từ nơi Biển hồ đổ về Phnom Penh, dừng ở quán ăn bên sông, ngắm mặt nước trôi, thấy hồng mà gần giống như sông Hồng nhà mình.

Đến thăm Chùa Vàng khi trời đã về chiều. Phật giáo ở Căm pu chia ngày nay là quốc đạo, Chùa Vàng là nơi nhà Vua thờ Phật ở trong khuôn viên Hoàng cung vua Norodom Sihamoni. Nhà Vua bận tiếp khách, mãi gần 4 giờ mới được vào thăm.

Nền chùa lát bằng gạch bạc hình vuông cạnh cỡ hơn một gang tay, mái ngói dốc 70o ba lớp ở giữa chồng nhau điển hình cho xứ chùa tháp, thấy rõ hơn sự sùng đạo Phật của giới chính khách. Tượng vàng cùng đá ngọc thạch trưng bày khắp cả. Các pho tượng Phật bằng vàng 92 đến 93 % không thấy bằng vàng 99,99%. Một pho tượng Phật của tương lai năm 5000 theo Phật lịch, bằng vàng khối nặng 90 kg ở chính giữa, nhưng không bài trí như chùa mà đặt trong tủ. Đức Phật năm 5000 tái sinh, khi đó sẽ là đấng cứu thế được sinh ra để giúp nhân gian vượt qua khổ nạn trái đất ngày tận thế, theo quan niệm của người Campu Chia.

Bên ngoài Hoàng cung có trồng cây Sala và cây Bồ đề. Tín đồ theo đạo Phật rất quý trọng cây Sa la và cây Bồ đề. Theo kinh Phật, thái tử Siddhattha, tiền thân đức Phật Thích Ca Màu Ni được đản sinh (sinh ra) ở gốc cây Vô ưu trong vườn Lumbini, ngày nay nằm bên trong lãnh thổ Nepal cách biên giới Ấn Độ khoảng vài cây số. Về sau, lúc tu hành đức Phật thành chính quả dưới gốc cây Bồ đề . Ở Campu Chia có người gọi cây Vô ưu là cây Sa la, chẳng hiểu thế nào!

Tương truyền thái tử ngồi thiền định dưới một gốc cây Bồ đề 49 ngày đạt đến giác ngộ, trở thành Phật. Vì thế Bồ đề có nghĩa là Giác ngộ. Ai muốn chiêm ngưỡng một cây Bồ đề rất lớn xin mời đến Ấn Độ thăm tại chùa Đại Bồ đề Mahabodhi thuộc bang Bihar, là thế hệ thứ sáu của Bồ đề cụ tổ trong truyền thuyết, cách đây 2.500 năm, nơi Đức Phật đã hóa thân dưới bóng cây này. Gần đây cây liên tục rụng lá non một cách bí ẩn đang dấy lên sự lo sợ trong giói Phật tử bốn phương. Tuy nhiên có kẻ bán một chiếc lá nhặt được tới 5 bảng Anh cho tín đồ đạo Phật ở xa về.

Lúc nhập Niết bàn (nhập diệt) lúc đức Phật ở giữa hai cây Sala tại Kusinara. Nghe kể khi đức Phật nằm xuống thì hai cây Sala bỗng nhiên nở hoa, mặc dù lúc đó không phải là mùa hoa. Những đóa hoa tươi thắm làm thành một vùng những vòng hoa thơm mát, tiễn đưa đức Phật về với tiên giới vô thường. Nét hoa nở rộ, thường đuợc chạm trổ trong hầu hết những bức phù điêu về Sleeping Buddha và là biểu tượng của lòng nhân đức, bao dung và sự thông thái.

Cây Sala lạ bởi lá và hoa, không có ở cây loài thân gỗ nào. Thân cây mọc ra những cành hoa, dài dần theo năm tháng, thả những chùm hoa chạm tới mặt ngườì. Sala không ngừng ra hoa ở phần đoạn cuối cành. Bông hoa nhỏ cỡ chén trà, cánh ngoài lưng vàng bên trong đỏ, cánh trong màu đỏ hồng như màu hoa sen, nhưng hơi dày hơn. Ở Căm pu Chia còn gọi là cây Tha la. Hoa Sala Campu Chia có mầu nhạt hơn hoa Sala Miến Điện.

Ngắm nghía hoa Sala, cánh hoa mở ra, nhị toả mùi thơm dịu, ngọt ngào, còn nhụy lại cho một mùi hương nồng nàn, sang trọng trả vào sớm mai sinh khí cho nhịp sống luân hồi. Càng về trưa, màu sắc hoa càng đậm đà rực rỡ hơn lên.
Còn có hình tượng thường thấy mô tả ở nghệ thuật điêu khắc cổ, trong Sala với nữ Dạ xoa Yashi, với thân thể mang vẻ đẹp đầy gợi cảm, đứng dưới bóng cây Sala khi bàn tay phải với lấy cành cây.

Như cây Bồ Đề trong Phật Giáo, Sala thường trồng trong các sân chùa ở Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào và một số chùa Khmer Nam Bộ. Tại thành phố Hồ Chí Minh cũng có trồng tại Thảo Cầm Viên và các chùa Kỳ Quang, Vĩnh Nghiêm, Tịnh Xá.

Trong các phù điêu nghệ thuật Phật giáo hoa Sala mọc từng chùm trực tiếp từ thân cây, không như những loài hoa khác, biểu tượng cho Đức Phật được sinh ra từ cạnh sườn của Hoàng Hậu Maya.

Ấy thế mà không ít thanh niên Campuchia bây giờ mới lớn, chỉ biết những chuyện đại loại như thế, qua những lời do người lớn kể lại, kể cả chuyện về Bảo tàng Toul Sleng, Cánh đồng chết Killing Field ngay gần đấy.
Đến thăm xong về nhà có người ốm hẳn, không ăn uống đựợc gì mấy ngày liền, nhưng khi về đến biên giới, lúc qua cửa khẩu Mộc Bái thấy có cảnh sát ra kiểm tra về y tế sợ mang bệnh tật gì về, lại thấy khỏi ngoe, chạy nhảy liền à.

Bảo tàng Toul Sleng, theo từ điển tiếng Khmer thì Toul Sleng có nghĩa là một ngọn Đồi Độc Dược, vốn là một trường trung học tên là Ponhea Yat, thuộc quận Tuol Sleng ở Phnom Penh. Khmer Đỏ gọi là “Nhà tù an ninh S21”, nằm khuất trong khu phố nhỏ Toul Svay Prey ở phía Nam Phnom Penh. Toul Sleng lạc lõng với cảnh quan xung quanh bởi cái cũ kỹ, sập sệ sau hàng rào thép gai do Khmer Đỏ dựng bao quanh. Trại Tuol Sleng nơi giam giữ 17.000 người dân, đủ cả trí thức, bà già, phụ nữ, trẻ em, sau bị đập chết chỉ con 14 người. Bảo tàng Toul Sleng trưng bày những hình ảnh nạn nhân và tư liệu về tội ác của Khmer Đỏ khiến người xem phải rùng mình, biết cũng không nên kể lại cho trẻ con. Thương cho loài người thật!

Từ tư tưởng và những cực đoan, là xây dựng một xã hội mới, hiện đại hóa Campuchia bằng cách xóa bỏ tất cả những cái cũ, nên không cần không tôn giáo, không sở hữu tư nhân, không tiền tệ, cả không trường học. Trên toàn quốc, hệ thống bưu chính viễn thông bị cấm sử dụng, hệ thống y tế không sử dụng Tây y, vì là biểu hiện của chủ nghĩa tư bản.

Tầng lớp trí thức và con em họ tại các thành phố được đưa thẳng về nông thôn lao động để phát triển nông nghiệp, tăng sản lượng lương thực lên gấp 3 lần lúc đó là 3 tấn thóc trên ha. Đất nước Campuchia biến thành những trại lao động cưỡng bức khổng lồ tại các "hợp tác xã", để còn định tiến lên “Công xã”.

Khmer Đỏ không còn, Thủ tướng Pol Pot chết 1998, vợ chồng Son Sen - Yun Yat chết năm 1997, Ke Pauk chết 2002 trước khi bị bắt và Ta Mok chết trong tù 2006. Số còn lại ngoài xã hội và bị bắt gần đây như Ieng Sary, Nuon Chea, Khieu Samphan, Ieng Thirith và trưởng trại tù Duch 65 tuổi, Căm pu Chia vừa mới xử tù 35 năm.

Cha trưởng trại tù, Kaing Guek Eav, dưới thời Khmer Đỏ được gọi là Duch, ít người ngờ được là một giáo viên, bề ngoài tốt bụng nhưng tính tình đôi khi rất hung bạo. Kaing sinh năm 1942 tại Kongpong Chàm trong một gia đình người Khmer gốc Hoa. Kaing gia nhập Đảng Cộng sản Campuchia CPK năm 1967, nhiều lần sang Trung Quốc học tập.

6.000 tấm ảnh tù nhân, 4.000 bản thú tội, 200.000 biên bản đánh máy ghi lời khai và viết tay tự khai, minh chứng thành tích đứng đầu thế giới của Duch về các biện pháp thẩm vấn, và cách tàn sát đồng loại. Tù nhân hầu như ai bị thẩm vấn đều có thú nhận là hoạt động chống Khmer Đỏ, bị "tùng xẻo bò", bị chụp bao ni lông vào đầu và thắt chặt cho đến khi lồi mắt ra, để lấy lời khai. Với những trường hợp tù nhân thuộc loại rắn mặt thì ban giám thị trại để họ nhịn đói đến khi ngắc ngoải mới lấy lời khai.
Trong những văn bản có bút tích phê duyệt của Duch, những danh sách tù nhân bị tử hình, những mệnh lệnh, chỉ thị đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Duch; còn có một văn bản của Duch về việc thủ tiêu 17 trẻ em có cha mẹ bị kết tội là gián điệp, là những điều làm nổi cả da gà sống choai, khi đọc lướt qua trong phòng trưng bày.

Ra ngoại ô thăm Cánh đồng Chết Killing Field, nơi tù nhân chống Khmer Đỏ bị đưa đến khu Choeung Ek cách Phnom Penh khoảng 15 km và bị thi hành án xử tử, đập đầu bằng gậy sắt hoặc xẻng, cuốc, dao vì chủ trương của Khmer đỏ là tiết kiệm đạn.

Cánh đồng nơi tàn sát, chôn người của trại tù Tuol Sleng của Khmer Đỏ trong cuộc nội chiến giữa hai đảng Cộng sản của Pon Pot và Đảng Nhân dân Campuchia của Hun Sen, các đầu lâu cái nào cũng thủng lỗ có lỗ hình dài hay tròn, có lỗ bằng cả nửa bàn tay chỗ xương hàm má, cũng có cái có lỗ thủng tròn vết đạn, nhưng đa phần thủng trên đỉnh, vết của cuốc đất, cuốc chim.

Nơi nhà mộ toàn là đầu lâu phía trong lớp kính. 800 bộ xương sọ, để trên 10 tầng, chỉ làm ra vẻn vẹn có trong thời gian Khmer Đỏ của Pon Pot cầm quyền 3 năm, 8 tháng và 20 ngày. Kinh!

Khuôn viên rộng chừng 4 ha phía sau là 84 hố chôn tập thể . Nghe kể, trẻ em cầm hai chân đập mạnh đầu vào gốc Thốt lốt đứng gần. Oéc một cái. Im, quẳng, tóm tiếp đứa khác. Hỏi : “Sao họ không thấy đấy là người à? Họ không kinh khi đập chết đồng loại à? – “À, nếu không đập thì lại bị đập chết luôn như thế!”
Nhìn cây Thốt lốt, rơi cả miếng đường đang ngậm trong mồm ra. Không hỏi gì nữa. Về.

May vẫn không sao, chỉ một cô gái Việt đến thăm quan một lúc, khi lên xe về Phnom Penh cách đấy 7 km cứ từ từ lịm dần. Lúc vào khách sạn ăn bữa tối xỉu liền, mọi người ở đâu mang đến toàn thứ dầu gió ở Việt, đánh gió đỏ cả má, cả môi lên, không khỏi. Còn phải đi một chặng 260 km mới về Sài gòn, thấy cũng lo.

Thăm nhà mộ đầu lâu, rồi sẽ về qua thăm đài Độc lập và tượng đài Hữu nghị Việt Nam Cămpu Chia mới xây xong, thấy nao lòng quá. Về đến đài tưởng niệm các chiến sỹ tình nguyện Việt Nam, thấy Campu Chia lập dựng trên quảng trường lớn, cũng thấy an an lòng.

Hai chiến binh một Căm pu Chia một Việt Nam đứng sau bảo vệ người mẹ trẻ bế con. Vui lên một tý, yêu Căm pu Chia lên một tý nữa.

Tưởng nhớ chiến sỹ quân tình nguyện Việt nam năm 1979 khi sang giúp giải phóng toàn bộ Campu chia, đã ngã xuống đất nước đầy máu và nước mắt này. Campu Chia ra khỏi sự diệt chủng của Ponpot chỉ có trong hai tuần. Suýt nữa vị đại tướng bốn sao chỉ huy chiến dịch lúc đó còn đuổi tiếp nện Pon Pot tới sang giải phóng Thái Lan luôn. Ngay sau đó cũng năm 1979 lại phải đổ máu tiếp ở biên giới phía Bắc, nhưng người Việt chết được di dời về đầy đủ, không mất công tìm. Bây giờ khi thỉnh thoảng lại thấy hài cốt chiến sĩ mới đào được, phủ cờ Việt đem về, không biết có người mất tích nhà mình không?

Hối ấy gặp mấy người đội mũ lưỡi trai ở biên giới về nói tiếng Kinh ngọng ngọng bán thứ “cao Bành trướng” mùi thum thủm, bị lính biên phòng đuổi nên chỉ mới nấu tới mức sột sệt, còn bảo tốt hơn cao hổ cốt. May mà không mua thử, biết đâu uống vào bị đồng hoá thành thứ nửa người nửa ma.

Rồi cũng không nhiều thời gian dành cho ngắm ngôi nhà của Thủ tướng Hun Sen ngay bên đường, bởi kiến trúc chỉ thấy dinh thự to, mới ngay góc ngã ba gần đài Độc lập nhưng gần đường, cứ như nhà mặt đường Hàng Bông. Thật bất tiện cho Thủ tướng ăn ở quá.

Thủ đô Phnom Penh con gái giống con gái Việt Sài gòn, con trai đen hơn. Còn ở nơi khác, hơi đen hơn nữa. Lúc đang hồn nhiên cười, cầm phải tay mà vẫn cứ thấy cứng cứng như tay con trai, chỗ lại rắn như đất nung. Nhưng đúng là con gái Campu Chia gọn gàng, đặc biết không vứt rác ra đường. Cầm mẩu cuối điếu thuốc lá, quẳng xuống đường thấy ngại quá.

Nghĩ người Cămpu Chia có phần hiền lành, không hiểu được sao lại có lúc đặt cả sinh mạng chính trị vào tay người khác. Có lúc họ đã không còn là họ, lại còn có thể đập chết người cùng cảnh như ngoé.

Muốn đi dạo vòng vòng quanh Phnom Penh, gặp người Cămpu Chia lái Túc Túc ở cửa Khách sạn, nhờ chở đi 1giờ hết 5 đô. Túc Túc là một kiểu như xe lôi ở Việt, tức là lắp vào sau xe máy một cái thùng chở được 4 người, kéo đằng trước.

Ngôn ngữ bất đồng, cứ chào bừa bằng tiếng Anh, không ngờ bị giã ngược một trận, mỏi mồm. Về sau hoá ra còn biết tiếng Việt lõm bõm. Nói đúng ra ở Campu chia cái thứ tiếng Anh là thứ khó nghe nhất. Thế mà vui. Kể nhiều chuyện, đóng vai hướng dẫn viên du lịch giới thiệu linh tinh, cái gì cũng sai với lịch sử cả. Còn cả chuyện đã đi đây đi đó sang Việt để trốn Pon Pot, cả chuyện xem phim heo chỉ có phụ đề tiếng Anh, vừa xem, vừa đoán. Thấy hỏi một câu giống như chuyện của ông Nguyễn Quang Lập ở Việt khi học thứ ngoại ngữ không có trong sách dạy. Y trang hỏi liền: “Take off là gì?” Bảo: “Là cởi quần ra”. Lại còn hỏi: “Make love?” – “Là làm cái việc sau khi đã take off”. Khoái quá, cười! Sáng sau một cô Tây đi xe Túc Túc về nhà trọ, xách hộ va ly vào. Vừa đến cửa, cô này chỉ vào quần (chắc là vào giầy) nói : “Take off”. Ngạc nhiên quá, đàn bà Tây ghê thật, mình vừa đến cửa nó đã bắt mình cởi quần. He he!

Trẻ em chạy theo ở khu du lịch bán đồ lưu niệm rẻ, nói hẳn tiếng Việt, nào cắt móng tay có kèm mở bia có hình tượng thiếu nữ trong điệu múa Apsara, nào là ảnh du lịch lịch các kiểu. Lúc đầu nói: “Một đô hai cái”, một lúc lại “Một đô ba cái”, lúc sau “ Một đô bốn cái”, bán liền. Mua một đống móc khóa treo chìa khoá có đủ các hình tượng vũ nữ Campu Chia về tặng ai cung khen đẹp, mà đẹp thật. Trong bụng nghĩ, không biết rẻ thế thì cắt móng tay dùng được mấy lần, sợ mang tiếng.

Đến với Market Central , sạch sẽ tinh tươm, người đến chợ mua bán tấp nập nhưng không tiếng ồn, không hò hét, đi chợ như là đi xem triển lãm vậy.

Đang đi chợt một người nói: “Về Sài gòn phải làm bữa thịt chó mới được. Ở đây họ không ăn. Nhớ quá”. Bảo: “ Thôi được để về đến Hà Nội, có kiểu nấu riềng mẻ, mắm tôm mới hay”. Nhớ lần đi Seoul, thấy ở Hàn quốc họ ăn thịt chó còn ghê hơn mình, nuôi chó như nuôi lợn công nghiệp trong chuồng, thịt chó thì nấu nhừ, đóng trong túi giấy to bằng hai hộp sữa tươi có lẫn một chút nước sền sệt, vừa đi đường vừa ăn, vừa mút. Cái thứ ấy mà không có mẻ thì thật chẳng ra gì, bằng mình sao được. Cái thứ mà chẳng khách sạn nào phục vụ bởi ăn phải ra ăn, phải ăn hùng hục, uống rượu, húp súm sụp nó mới khoái. Campu Chia không có được thứ đó thì phải về làm bữa cái đã.


Ang kor.

Lặng im giữa chốn người
Thời gian ngàn năm thành đá
Khắc nét rạn, hằn trên khuôn mặt Angkor.
Vẫn thì thào câu thần chú.
Tận tụy thủa xưa, vào gió.

Cơn gió đen Tuol Sleng thổi cơn mưa suốt
Qua Cánh đồng Chết, xương trắng vương mặt đất
Không có tâm linh
Đảo lộn cuộc đời bằng thứ cuồng điên nhất.
Hủy diệt con người, lập triều đại mới đầu tiên.
Người hóa ma giữa chốn thiên đường.

Những sọ đau lỗ thủng đỉnh đầu.
Đã tan hết chỉ còn những hốc.
Dưới hố mồ chồng chất, ngước nhìn nhau.

Không diệt nổi em, em đã về đây
Dù đã quá nhiều cay đắng.
Em đối diện với đời trong Apsara đắm say.
Em bước ra, hóa thân Siem Reap
Trong điệu múa vẫn thơ ngây.
Em cong người theo nhạc Ramayana
Vòng eo tròn quyến rũ.
Mắt ngợp sử thi, trái ngực căng đầy
Lộng lẫy Chan Tha, và nước mắt.
Sợ rồi, lại chẳng thể quên.

Chỉ còn nét cười buồn, xin lỗi.
Chỉ lạt phai chút làn da em.
Đá Ang ko vật vã, quyền năng đã mất.
Cười hị hị đêm Phnom Penh.




VVM.22.9.2023.NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .