Ô
ng Lâm máng chiếc manteau lên móc áo, ngồi xuống bàn ăn, thở dồn, mệt mỏi.
Đứng chờ xe bus trước cửa nhà hơn 20 phút, không có chiếc nào đi ngang, ông bồn chồn, nghĩ chắc mình xem lộn giờ.
Nhà ở ngoại ô thường có những điều bất tiện như thế. Ngoài những giờ cao điểm như buổi sáng đi làm hay lúc tan sở, mỗi nửa giờ mới có một
chuyến xe bus đi ngang nhà ông.
Còn trong tháng chạp, hôm nay có một chút nắng và tuyết lất phất, nhưng trời vẫn lạnh lắm.
Mặc dầu đã cẩn thận mặc đủ áo quần ấm, ông vẫn thấy lạnh ớn cổ. Ông đành bỏ ý định xuống phố.
Sáng nay ông muốn đem ít trà sen lên cúng thầy trụ trì, và thăm bà Lâm luôn thể.
Bà Lâm mới mất có mấy tháng mà sao ông thấy mỗi ngày trôi qua thật dài lê thê...
Từ hôm đám bà đến giờ, ông bận biu với chùa chiền, tuần 49, rồi tuần trăm ngày, ông đi về kinh kệ, quên cả giờ giấc.
Tro của bà thì đã gởi vô chùa. Con cái trở lại làm việc. Mấy đứa cháu nội đi học suốt ngày. Ông lủi thủi ở nhà một mình.
Con dâu lo nấu nướng thức ăn, để sẵn trong tủ lạnh. Buổi trưa ông chỉ việc lấy ra, hâm nóng rồi ăn.
Nhưng sao ông buồn quá, không muốn ăn. Hình như ông có sụt mất vài kílô.
Bà có đau yếu gì đâu, mới đầu năm nay còn qua Mỹ thăm vợ chồng đứa con gái, và ở chơi, nuôi cháu ngoại mới sanh.....
Vậy mà bà đã bỏ ông đi, bà ra đi nhanh quá.
Buổi chiều sau khi đi picnic với hội Tuổi Vàng về, bà phàn nàn với ông, sao thấy nhức đầu, chắc bị say nắng.
Thế rồi trong lúc ông đang ở trong nhà tắm, bà ra sửa soạn bữa cơm chiều. Chợt ông nghe một tiếng động lớn. Ông chạy ra, đã thấy bà nằm dài, sóng soãi bên chân bàn ăn. Lò nấu vẫn còn đỏ lửa. Lay bà dậy, nhưng bà đã hôn mê. Cũng may con cái đang ở trên lầu, ông réo chúng nó gọi xe cứu thương đưa bà vào cấp cứu... Nằm bệnh viện hai tuần thì bà ra đi vĩnh viễn.
Kể ra cuộc đời của hai ông bà cũng may mắn lắm rồi. Ông bà chỉ có hai đứa con, một trai, một gái. Qua đây ông bà được ở chung nhà với gia đình con trai cho đến hôm nay.
Tội nghiệp bà, suốt một đời buôn bán tảo tần, lo cho chồng rồi đến nuôi con ăn học. Thật ra lúc còn ở quê nhà, với đồng lương khiêm nhường của chức thư ký toà án, gia đình ông làm sao sống sung túc được nếu không có gian hàng bán trái cây trong chợ Bến Thành của bà.
Thằng Tín học hành, đỗ đạt nên người. Con Hà thì thi xong trung học, ở nhà phụ mẹ bán buôn.
Nhớ lại những ngày suy sụp sau tháng tư đen, nhiều người quen của ông bà đổ xô tìm đường vượt biên, bà cũng khuyên ông nên kiếm mấy chủ ghe để đăng ký. Bà lể mể ôm ra một gói lớn và nặng nữa. Mở hộp ra, ông thấy vàng lá nhiều quá, hoa cả mắt. Dễ thời đến ba bốn chục lượng là ít. Giựt mình !
Cười cười, dí tay vào trán ông, bà nói :
- Em phải dấu mình để cất, phòng khi hoạn nạn; biết có tiền, mình xài phí lung tung, gái nó lại bu vào thì khổ mẹ con em.
Ông háy bà một cái,
- Mình ghen hơn cả Hoạn Thư, anh ớn mình hơn việt cộng đó, mình biết không ?
Bà hứ lại ông :
- Chỉ nói nhảm! Mình nè, em tính thế này có được không? Mình lo đường vượt biên với thằng Tín, em và con Hà ở lại buôn bán tiếp.
Nếu sang đó ổn định rồi, mình tính chuyện đoàn tụ sau.
Ông suy nghĩ, rồi chậm rãi trả lời bà :
- Mình à, anh nghĩ, cho hai con đi trước; chúng nó trẻ, tương lai còn dài. Hai vợ chồng mình gần 50 rồi, tiếng tây tiếng u không biết rành rẽ,
mà qua đó còn phải lao động thì chi bằng mình ở đây, ôm cái gian hàng bán trái cây này mà sinh sống, sẽ không đến nỗi nào đâu.
Hơn nữa, xa mình, lỡ có mệnh hệ nào, anh sẽ ân hận lắm.
Bà gật gù đồng ý với chồng.
Thế rồi hai con định cư ở một xứ xa xôi mà bà chưa hề nghe đến tên. Cái vùng gì mà một năm tuyết phủ hết bốn tháng.
Mấy người bạn cũ của bà đi được, nghe đâu đều tụ tập ở Hoa Kỳ. Cả mười năm sau, ông bà mới được đoàn tụ với con cái.
Bây giờ không còn là gia đình bốn người nữa mà cả một tiểu đội.
Thằng Tín qua đến Quebec, ban ngày đi làm, học thêm ban đêm. Rồi cũng có được mảnh bằng chuyên viên điện toán.
Hai vợ chồng nó làm cùng ngành. Đứa con dâu của ông bà thiệt là hiền lành và tốt bụng.
Chiều ý chồng, nó rước hai ông bà về ở chung nhà.
Kể ra vợ chồng nó đi làm túi bụi, có ông bà nội ở nhà lo cơm nước và đón đưa các cháu đi học về cũng rất tiện. Vấn đề chủ yếu là
mỗi người phải cố gắng để không làm phiền người khác, và cho đời sống chung được thoải mái. Cho đến ngày nay, ông bà rất vui với
gia đình của con trai.
Con Hà thì khác hẳn, qua đây chân ướt chân ráo có mấy ngày, đã kiếm được một chân bán hàng trong tiệm chạp phô của một gia đình
Hoa kiều từ Chợ Lớn, định cư trong phố Tàu. Mặc dù nhỏ hơn anh gần 5 tuổi, nhưng tánh tình dạn dĩ hơn anh nó nhiều.
Nó nhanh tay lẹ mồm, nên đi đến đâu cũng được việc.
Lúc ông bà còn ở quê nhà, thư từ con cái gởi về, ồng bà chỉ biết lỏm bõm chúng nó có công ăn việc làm vững chắc. Mỗi tháng,
hai anh em đều đặn gửi tiền về, ông bà cứ vậy mà yên tâm, con mình thành công tại xứ người.
Rồi thằng anh lập gia đình trước. Vài năm sau, nghe con gái muốn lấy chồng, ông bà mừng lắm.
Nhận được thư và ảnh của thằng rể tương lai, bà Lâm lại buồn mất mấy ngày. Thằng Liêm, vừa đen, vừa xấu trai. Mặt mũi trông
khắc khổ như người quá tứ tuần.
Bà Lâm còn ngờ rằng, con gái mình lấy chồng già nhưng sợ ba mẹ buồn nên nói bớt tuổi. Ông an ủi bà,
nói miễn sao con cái hạnh phúc là tốt rồi.
Trời thương, hai vợ chồng nó hạp mạng hạp tuổi làm sao. Từ ngày lập gia đình, chúng nó phát lớn, làm ăn buôn bán gì cũng thành công.
Coi bộ còn khá giả hơn vợ chồng thằng cả. Mấy năm sau này, nó dọn nhà qua Cali chung hùn với người bà con bên chồng, mở siêu thị.
Con Hà bận rộn hơn nhưng tiền vô như nước. Bởi vậy, hơn 30 tuổi rồi mà chưa chịu có con. Ông bà cứ khuyên rày khuyên mai mãi,
nó mới chịu sanh cho chồng một đứa.
Cái số con nhỏ thiệt tốt. Được chồng cưng chồng quý còn hơn ngọc ngà châu báu. Chắc là nhờ nó học được cái tánh chìu chồng của bà Lâm. Ông nghĩ lẩn thẩn... Ông lại nhớ bà quay quắt...
Rót ly nước lọc, ông trở lại bàn, ngồi xuống. Ông quan sát bức hình bà Lâm trên bàn thờ. Có phải lúc chụp hình, bà đang cười với
ông đó không? Đâu có ! Ông nhớ rằng hình này bà chụp hôm đầy tháng đứa cháu ngoại, bà đang nhìn hai mẹ con nó đứng cúng Bà Mụ ...
Lần đầu du lịch thăm cháu ngoại, bà Lâm vui vô cùng. Bà bớt lo sợ hơn chuyến đi đoàn tụ.
Sau lần qua Cali về, bà còn bàn với ông sẽ làm một chuyến về Việt Nam thăm lại nhà cũ. Cũng gần 7 năm rồi còn gì. Ông bà đã trở thành
công dân Gia Nã Đại, đi đến chân trời góc biển nào mà chẳng được.
Ông Lâm cũng muốn về thăm quê hương một chuyến. Nhưng tự mình, biết không đủ khả năng tài chánh. Nếu có đi, con cái phải
đóng góp một phần, đó là điều ông do dự, không muốn làm phiền các con. Hơn nữa, tuổi tác đã cao, đi đường xa cũng sợ.
Mới năm trước, người bạn già của ông về Việt Nam, ăn uống gì không biết mà đổ bệnh, rồi bỏ mạng bên đó. Con cái phải bay về,
lo đám tang, tốn bộn tiền. Sao mà rắc rối.
.....-Bà ơi, thôi thì bây giờ bà đã cỡi hạc về trời, mặc sức mà lướt mây lướt gió. Chắc bà đã về tới Việt Nam rồi chứ gì.
Nhưng mình ơi, đi về VN mà không có tôi bên cạnh mình có buồn không?
Ông nhìn lên tấm ảnh, chăm chú hơn, có phải bà đang mấp máy môi, muốn nói gì đó với ông .
- Mình nói mình chờ tôi về cùng , phải không? Tôi nghe không rỏ.
Ông Lâm đứng lên, lại gần bàn thờ. Ông thấy, hình như bà bước xuống, đưa tay ra và nắm lấy tay ông.
Rồi hai ông bà dìu nhau đến chiếc ghế dài trong phòng khách. Ông dịu dàng nói với bà:
-Nằm xuống bên tôi nghe mình. Lâu rồi không ôm mình, tôi nhớ lắm.
Quàng tay cho đầu bà ghé xuống vai ông.... Và nắm bàn tay bà để lên ngực mình, ông hít vào một hơi dài, rồi thở hắt ra...
Miệng ông mỉm cười mãn nguyện.
Ông thầm thì:
- Rốt cuộc, mình cũng chờ tôi đi cùng...