Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

NINH THUẬN NGÀY VỀ



C huyến xe đêm đưa tôi đến bến xe Phan Rang 4 giờ sáng. Vì thật lâu không trở về, đường thì xa nên tôi điện cho người nhà ra đón. Khi đi qua cầu Mống, nhìn dòng nước trôi, những ký ức thời xa xưa bỗng hiện về.

  Tôi, cậu học trò vừa tốt nghiệp cấp 1 ở quê, nhân chuyến về thăm nội, bác dẫn vô nuôi ăn học.Thuở ấy nhà còn ở thị trấn nhỏ, có dòng sông Dinh thơ mộng như dãi lụa mềm uốn quanh. Có Tháp Chàm rêu phong, cổ kính sừng sửng với thời gian cùng mưa nắng. Có sân ga nối hai miền Nam - Bắc và đường sắt răng cưa cùng quốc lộ 27 nối xứ ngàn hoa Đà Lạt, Tôi đứng trên cầu nhìn đôi bờ làng Chăm Phú Nhuận - phường Bảo An với miên man suy nghĩ. Dòng chảy đã thay đổi. Bờ không còn lũy tre xanh bao bọc mà thay vào là con đường bê tông chạy dọc theo sông. Nơi đây không còn lối xuống bãi cát trắng để mỗi buổi chiều anh em chúng tôi đào một cái hố múc từng ca nước đổ vào đôi thùng, kẽo kẹt gánh về.Nhiều khi cái mương Mèo trước nhà cạn kiệt thì đôi vai càng chai sạn hơn.    

Trở lại thành phố Phan Rang - Tháp chàm lần này thay đổi rất nhiều, nhìn thấy choáng ngợp. Tôi phải nhờ thằng bạn hướng dẫn chứ lơ mơ bị lạc. Nhà cũ đã bán, khi bác tôi, nhà giáo về hưu, các anh chị chưa đến tuổi khôn lớn nên dắt dìu về quê ngoại với công việc nhà nông. Hôm nay đi lại đoạn đường với bao ký ức tuổi mới lớn hiện hữu trông tôi . Con đường nho nhỏ dài khoảng 10 cây số, dù đi bộ hay xe đạp đều thích thú vì được tung tăng, vui chơi trong không gian mát mẻ, yên bình. Đến cầu Lầu , bắt qua mương Chăm có dòng nước mát từ đập Nha Trinh cách đó không xa. Chúng tôi vào quán, uống cà phê tạm nghỉ. Chợt nhớ Châu, thường hẹn gặp khi nhà bác có việc. Giờ thì hắn không còn...  

Con đường vào thôn, khi xưa vắng vẻ, không có căn nhà nào. Giờ đây nhộn nhịp, mịt mù bụi khói khi công trình cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đang thi công. Bước vào cổng chào có cái chợ, với nhiều quán cà phê nhạc xập xình dưới những hàng cây muồng vàng nở hoa rực rỡ  

Thôn Phước An hầu hết người dân Bình Định vào lập nghiệp từ khoảng thập niên 40 của thế kỷ trước. Thôn làng được qui hoạch như ô bàn cờ, mỗi nhà nằm trong khu vườn có kích thước như nhau và độ chênh lệch giàu nghèo không lớn. Mỗi con đường ngang dọc có những cây me cổ thụ tỏa bóng mát. Người dân phần đông theo đạo Công giáo, sống chan hòa, chất phát như bản chất người nông dân thuần túy. Ninh Thuận là xứ nắng phan, gió như rang, thôn Phước An nói riêng là huyện miền núi nhưng được hưởng nguồn nước sông Dinh qua các hồ, đập  nên có những cánh đồng lúa tươi tốt, những ruộng thuốc lá mơn mởn, có giàn nho, táo bạt ngàn cho năng suất cao. Đi trên đường liên thôn thấy lúa đang phơi kín cả lối đi, kéo dài vài cây số.  

Trở về giỗ hai bác lần này có thêm vài mộ các anh chị, một cháu nhỏ. Thắp nén nhang tưởng nhớ, cảm thấy chạnh lòng dẫu biết đó là qui luật của tạo hóa. Tuy nhiên niềm vui được nhân lên khi cuộc sống các anh chi khá giả hơn, nhà cửa lụp xụp được sửa chửa, xây cất lại khang trang trong vườn trái cây trĩu quả.Ngoài ra, các hộ đều có trang trại nuôi dê, cừu đang độ tuổi kinh doanh và ruộng đồng càng phát triển. Vui mừng hơn khi các cháu ngày nào nhập học được sự trợ giúp của các chú, bác, các anh chị giò đã ra trường cùng việc làm ổn định.  

Tôi trở về nhà trong chuyến xe đêm, bỏ lại phía sau thành phố tuổi học trò đầy mộng mơ, một miền quê đầy nắng gió nhưng chan chứa niềm yêu thương và những kỷ niệm ngọt ngào, sâu lắng.




VVM.16.8.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .