Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      
tranh của họa sĩ Văn Thơ


ÔI TRỜI! LÃO NGỌT



     C huyện xảy ra từ dăm ba chục năm rồi. Khu tôi ngày ấy nhà cửa lộn xộn, xôi đỗ, mái ngói chen mái tranh. Lại còn những túp lều lợp lá như tàn dư các cuộc đời nghèo hèn. Cách mạng về với bao nhiêu điều mới lạ, náo nức và hào hứng. Những thứ tốt đẹp lưu cữu vẫn còn giữ được. Bà con cần gì, thiếu gì, gọi với nhau qua rào là có. Năm thì mười họa, làng có người chết là báo nhau, rủ nhau đi cho đông, cho nhà người ta bớt héo. Tình nghĩa xóm làng còn khăng khít chứ chưa tù mù, lỏng lẻo như bây giờ.

Một tối, vừa ăn cơm xong, nghe tiếng gọi, vợ tôi ra mở cổng. Thì ra, cô Thống sang chơi.

Nhà Thống cách nhà tôi quãng trăm mét. Vợ chồng cùng hai đứa con đến xóm độ dăm năm. Họ đang sống đầm ấm yên lành thì tai họa ập tới. Chú Phi - chồng Thống - lái xe đêm ca ba trên tầng do buồn ngủ hay sương mù không nhìn rõ, đưa cả xe lẫn người xuống đầu đường. Khi cẩu được xe ra, thân thể chú nát bấy. Tai họa khiến gia đình công nhân tưởng như trời sập. Người người xót xa trong nghẹn ngào. Thành tích suốt một năm phấn đấu của đơn vị đi tong. Gia đình vợ mất chồng, con mất cha còn ám ảnh mãi. Xí nghiệp cố gắng cung cấp vật chất, anh em hàng xóm giúp đỡ tinh thần cho cả gia đình dật dờ đi qua khó khăn. Từ những việc to nhỏ ấy, bà con khu phố thân thiết thường qua lại thăm hỏi nhau. Bán anh em xa mua láng giềng gần mỗi khi nghe gia cảnh nhà ai gặp điều ấm lạnh.

- Hai bác ăn cơm chưa?

- Xong lâu rồi! Bọn trẻ học xong, chuẩn bị đi ngủ cả!

- Em thông báo với hai bác việc này. Các bác mừng cho em. Mai em dọn nhà sang nơi khác, lấy chỗ các cháu học hành cho tiện!

- Cô nghĩ thế nào chứ? Các cháu còn phải học lên. Trường phổ thông trung học ngay cạnh đây. Cô còn dọn đi đâu?

- Em sang chào hai bác! Em cũng đã nghĩ kỹ. Chuyển xuống khu Bến Gio, nơi mới hẹp nhưng nhà cửa đàng hoàng. Các cháu có điều kiện học tập chu đáo. Phận đàn bà con gái chúng em chỉ cần bền chắc là bảo đảm rồi, hai bác ạ! Chúng em nào có dám mơ ước cao xa gì đâu. Các cháu khỏe mạnh, học hành đầy đủ là may lắm!

Đàn bà sâu sắc như cơi đựng giầu. Nói chuyện một lúc, vợ chồng tôi mới dần vỡ lẽ. Cô Thống chuyển nhà cũng có lí do của nó. Ngôi nhà hai gian ngay sát nhà tên Ngọt. Ngọt là dân làm lò thời thực dân đế quốc. Văn hóa ăn đong, chỉ đủ viết được tên mình. Hắn ăn nói bặm trợn, nhát gừng. Đi làm về chỉ biết ngủ. Đã mấy lần, Thống phát hiện hắn mò ra sát vườn, lấm lét nhìn sang bờ giếng nhà cô. Chả là đi làm về, đầu tắt mặt tối, đến khua mới thu dọn, giặt giũ tắm rửa. Làng thôn vắng, không mấy người qua lại. Giếng đấy, tiện là tắm táp luôn. Phát hiện ra Ngọt, cô sợ run lên, hấp tấp chạy ngược vào nhà đóng chặt cửa mà ngực còn dội trống ầm ầm. Những lần sau, nghe loạt xoạt cứ ngỡ gió cho đến một hôm, lại thấy cái đầu người nhấp nhô trên bờ tường.

- Từ ấy, em cố làm cho xong mọi việc trước khi tối đất. Nếu không xong, em đưa vào trong nhà. Nhưng thằng đểu ấy lấn tới, xấn xổ vào nhà em. Khổ quá hai bác ơi! Sau đó, em mất ngủ hàng tháng trời. Có đêm đang ngủ, giật mình thấy thằng mặt đỏ râu xồm hằm hằm xông tới, lại bật dậy, mồ hôi đầm đìa. Em thì nói làm gì, lấy chồng là xong một kiếp. Nhưng còn hai đứa con. Nó còn nhỏ, ngây thơ trong trắng như hai tờ giấy. Các cháu biết được thì em chỉ còn nước đeo mo vào mặt.

- Lâu chưa? Sao không báo chính quyền? Cho nó bẽ mặt ra!

- Mấy tháng rồi, bác ạ! Báo chính quyền thì làm gì? Bằng chứng đâu? Của mình mình giữ. Không giữ được còn kêu ai. Nó báng bổ nói là mình muốn dậm dật với nó không xong, đặt điều bậy bạ thì ai tin được. Bao nhiêu người đã mất tất cả cửa nhà vì kiện cáo không chứng lý đầy đủ, các cụ dạy rồi. Tha thứ kẻ gian, bắt oan người ngay xưa nay cũng thường. Mình thấp cổ bé miệng, một sự nhịn là chín sự lành. Hai bác ạ! Chuyện xấu hổ ấy càng khới ra càng nhục nhã. Tức quá, em có tát cho hắn một cái. Hắn cũng hãi, bỏ về luôn nhưng ở gần hủi, các bác bảo chả ai nắm tay thâu ngày đến tối mà phòng chống trộm được mãi. Em suy nghĩ lắm đành bán nhà cho chú Kha rồi. Mai chú ấy tới! Chúc các bác ở lại vui khoẻ và hạnh phúc. Hôm nay, em sang từ biệt hai bác!

Từ buổi ấy, tôi bắt đầu chú ý tới lão Ngọt. Lúc bà vợ già mau mồm miệng mất, xóm làng tiễn đưa chu đáo. Sau ngày ấy, cửa nhà đóng im ỉm. Lão vẫn lầm lũi, ù lì, cục mịch, thô thiển trong sinh hoạt, chẳng thân thiết cũng không hờn giận ai. Nhà rộng, Ngọt xây tường. Quan hệ hàng xóm ngăn cách. Ai cần gọi to, đợi mãi, lão mới kệch dệch ra. Hai đứa con trai lớn lên, nối nhau vào công nhân. Chúng cũng bận suốt. Năm sau, đứa lớn lấy vợ.

Hai vợ chồng mới ở với nhau được hơn tháng rồi đi. Nó sang chào tôi trước khi về làm công dân phường khác. Tôi bảo:

- Đất nhà ông rộng! Các cháu xin lấy một miếng, làm nhà riêng cho nó tiện. Một người già bằng ba thằng ở. Sớm hôm tối lửa tắt đèn thăm nom bố có hơn không? Ông ấy cũng có tuổi rồi!

- Chúng cháu đã bàn định. Chỗ ở mới gần nơi làm việc cho tiện sinh hoạt, bác ạ! Còn thằng em cháu nữa! Đất đai dành cho nó.

Vài năm sau, thằng thứ hai lấy vợ. Hai vợ chồng cùng làm công nhân. Nó ở với bố. Đất dần dà có giá. Ngọt cắt đất, bán từng mảnh, từng mảnh cho người cần. Năm trước năm sau, đứa cháu nội ra đời. Lão Ngọt bế cháu nội ra ngõ, gặp tôi, lão còn chào rơi:

- Cụ đi chơi ạ!

Vậy mà nghe đâu, con dâu bố chồng sao đó, không chung bữa chung nhà được. Tiếng bát đũa va chạm đã tăng. Chúng bàn nhau mua đất dựng nhà trên khu Núi Trọc.

Già rồi, thông tin chậm chạp tới, nghe thì nghe không thì thôi. Chuyện đâu bỏ đó. Khi tôi hỏi lão:

- Thằng thứ hai còn ở với ông đấy chứ?

Lão ề à:

- Chúng đòi ra ở riêng rồi, cụ ơi! Trẻ cậy cha mà già không cậy được con. Tôi giờ sống một mình. Chúng nó kéo đi tiệt. Chỉ tội hai đứa cháu! Từ lúc đứa đầu mới mấy tháng. Giờ đứa thứ hai đang học mẫu giáo lớn!

Chuyện đến đó thôi. Nhưng vừa đi mấy bước, đã thấy tiếng bà Khanh nói ngay sau lưng:

- Cụ vừa chuyện trò gì với lão Ngọt dâm đãng vậy?

Tôi trố mắt ngạc nhiên. Thế là có chuyện rồi. Máu nghề nghiệp xưa nổi lên, bám ngay lấy, tôi hỏi:

- Sao lại gọi lão ta dâm đãng?

- Cụ không nghe biết gì sao?

- Già cả chậm chạp lắm, bà ạ! Chuyện xảy ra trước mắt mà mãi cũng chưa thấy. Các cụ cũng hay nói sai. Mắt không hay lấy tay mà sờ. Giờ mắt đã không nhìn, tay lại không thấy nốt.

Bà Khanh không cần nghe tôi nói hết, cứ ồng ộc tuôn ra như rượu thuốc đổ sang bình mới:

- Cụ không biết. Nhà ấy hỏng. Dột từ nóc dột xuống, giòi từ trong xương giòi ra. Đứa con đầu không ở được, phải bỏ đi xa. Ai lại bố chồng cứ thấy con dâu tắm là đi hái chè. Cụ biết rồi. Nhà tắm lúc ấy tuyềnh toàng. Chỉ là một chiếc chiếu quây không kín ba mặt. Bên trên không mái che. Người nhà thấy ngoài giếng có người ôm quần áo còn ý tứ không ra. Cụ không nghe gì thật ạ? Cô con dâu tắm. Bố chồng bắc ghế hái chè trên cao. Lần đầu, con dâu thấy, vội vã cho xong. Lần thứ hai, vừa vào vắt cái khăn lên cọc gỗ đã thấy bố chồng xuất hiện phía cuối vườn. Phụ huynh như thế thì vứt. Chúng bàn nhau ra ở riêng ngay sau đó.

Thằng thứ hai cưới vợ chừng một năm. Cô con dâu đẻ, uể oải ẵm trẻ. Bố chồng thương, vào giắt màn cho. Con dâu đang trật áo cho con bú, nằm dỗ con trên giường, bố chồng vẫn leo lên, thả màn, dặm kỹ càng. Tay chọc chọc vào miệng cháu cho nó cười mà lại chạm vào bầu vú trăng trắng của con dâu. Bụng bố lại nhõng nhẽo quệt vào bụng con sao đó. Cô con dâu hoảng quá, thầm thào thổ lộ với chồng. Thế là đứa thứ hai cũng tếch. Cụ nghe rõ chửa?

Đến nước ấy thì cụ nào chẳng nghe rõ. Nghe rõ mà vẫn không tin vào tai mình, tôi đang tìm cách moi thêm những dữ liệu về tay Ngọt này. Bà Khanh cất lời:

- Chuyện không dưng vỡ lở. Người ta gọi Ngọt là lão dê già, lão dâm dật, dâm đãng gì đó. Cụ ơi! Lão sợ, không mấy khi ra đến ngoài đâu, sợ xóm làng đàm tiếu. Thỉnh thoảng chỉ thấy con trai hoặc cháu về thăm thôi. Cụ thấy có tệ không?

Như làm chứng cho câu chuyện trên, Mô là tay hàng xóm đang đi phía sau vội rướn lên:

- Các cụ đi chơi về ạ! Con sợ rằng cứ lẩn thẩn không ra đến ngoài khi mọi người biết, không khéo ông ta đã chết thối trong nhà rồi.

Tôi về, tự dưng thấy trời quay quay nghiêng nghiêng.




VVM.22.7.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .