Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




NGƯỜI CỦA PHẬT

             


XI- DƯ BA CỦA ĐẤT


V ùng đồng ruộng chua mặn cửa sông Vân Cừ này, từ ngày trước chưa có ai dám nghĩ đem các loại cây rau xanh, củ quả về trồng. Gieo cấy chủ yếu một vụ mùa với các giống lúa tám đồng, tám xoan, lúa nếp. Còn vụ chiêm chỉ lẹt đẹt cấy được mấy loại lúa chịu chua mặn như: chiêm đá, nếp hom, trồng được ít khoai lang. Lúa chiêm đá cho hạt gạo màu nâu đỏ, khi nấu lên cho cơm cứng nhưng ăn bùi ngọt và no lâu. Gạo “chiêm đá”, vải “rường khau” là những sản phẩm “ăn chắc mặc bền” của cư dân Hà Yên, cùng với chiếc cuốc bàn to bản đẽo bằng gỗ lim, gỗ táu đã bền bỉ chinh phục đất đai chua mặn qua bao đời.

Tháng ba tháng tư, trời hạn hán, đâu đâu ruộng đất cũng khô nẻ nứt toác chân chim. Thượng tổng đến hạ tổng, các cánh đồng mọc toàn cỏ sò. Cỏ sò giống như rau cúc, đắng ngắt, dùng làm rau ăn cho lợn. Suốt mùa hạn, cỏ sò bung đầy hoa, miên man tấm thảm xanh vàng, ngút mắt. Những bầy chim chiền chiện hót trầm bổng trong không gian và tiếng dể gáy reng reng lẫn dưới thảm cỏ sò gió lùa hoang toàng, nghe buồn thê vắng. Các loại rau màu rất hiếm hoi với cư dân nơi đây. Nhà có việc giỗ chạp, tết nhất phải sang chợ Rừng, chợ Rộc mới mua được cái bắp cải, bó củ cải, mớ đậu phụ về dùng. Nhiều người còn chưa biết gì, gọi củ su hào là củ “thò lò”. Củ thò lò thái thanh chì xào với thịt mỡ lợn đã là quý lắm.

Khu đồng xứ Hậu Hương cao không thể cấy được lúa chiêm vì không có nguồn nước sông nào tát lên nổi. HTX bỏ hoang. Cỏ sò mọc suốt từ tháng một chạp đến đầu tháng năm mới tàn, lúc ấy mới cấy được lúa mùa. Tiếc đất, ông Lý Tấn xin nhận khoán bốn sào để làm vụ đông. Về chuyện ông trồng rau màu, trồng cây thuốc lào trên đồng đất chua mặn có thể nói như một huyền thoại. Người ta thấy ông như một người xa lạ ở đâu đó xuất hiện trên xứ sở đồng đất chiêm khê mùa úng này!

Cắt sạch gốc rạ, ông cuốc những hòn đất to như chiếc đấu, lật chổng ngược lên, phơi ải, rồi dùng vồ đập vỡ nhỏ từng hòn. Đất khô, lại xới lên đập lại, bở tơi như cám. Trời mùa đông gió bấc rét căm căm, ông đập đất để chống rét, mồ hôi toát đẫm áo. Thuở trẻ, mải mê dùi mài kinh sách, vướng bận chức sắc, mở hiệu buôn bán, hết Quảng An ra Hòn Gai, lại Hòn Gai về Quảng An, Cống Mang... lúc sa cơ ông vẫn cầm cày theo trâu cắt sá phăng phăng. Những sá cày úp đều vào nhau thẳng tắp. Ông chăng dây đánh luống, nạo sạch từng rãnh và bổ hốc rất đều đặn rồi bốc phân mục bỏ vào bón lót. Hôm sau mới đặt hạt hoặc cây giống. Ai đi qua cũng phải lắc đầu khâm phục về cách làm tỷ mẩn và đức tính kiên trì.

Nguồn hạt giống, ông đến các chợ lần mua, đủ loại su hào, bắp cải Sa Pa, Trung Quốc, cà chua, hành tỏi và cả khoai tây, vừng, lạc... Giống thuốc lào thì qua đò Rừng đi mua tận Vĩnh Bảo, Tiên Lãng. Để có nguồn nước ngọt tưới, ông đào rãnh, tát gàu, dẫn từ dưới mương lên, đào hố sâu chứa tại chỗ. Nguồn phân bón, của nhà không đủ, hằng ngày bà Hai dậy sớm đi dọc các ngõ xóm đường làng nhặt phân chó, phân trâu. Chiều chiều bà xuống chợ Lưu vào các gia đình đặt vại, xin nước giải đem về ngâm ủ lá mắm, lá xoan. Ông chăm bón, tưới tắm cây trồng rất chi cẩn thận. Ruộng bao giờ cũng sạch tươm cỏ dại. Dù ít dù nhiều, vụ nào rau màu cũng xanh tốt, bội thu cho củ mẩy quả sai. Những củ su hào Sa Pa to như cái bát con. Su hào Trung Quốc to bằng chiếc đĩa tây. Những chùm cà chua chín hồng lúc lỉu trĩu cành. Dưa hấu đậu quả nằm lăn lóc như đàn lợn con. Ngô cho bắp bằng chiếc chày giã cua. Lá thuốc lào xanh mướt, dày ắp ruộng...

Khát vọng trồng trọt hấp dẫn như ma lực. Lý Tấn bán cả bộ sập chiếu xếp  gỗ nghiến cho một gia đình làm nghề chã tôm dưới xóm Trại, lấy tiền mua gạch cát xây một dãy chuồng chăn nuôi. Chiếc sập gỗ nghiến này đời ông nội mua lại của một vị quan huyện Vĩnh Bảo. Theo ông quan huyện thì xuất xứ của nó lại từ Thăng Long. Trước đó một vị quan ở Thăng Long mua về từ Hoàng cung Luông Prabăng nước Lào. Mùa hè, nằm trên bộ sập, mát lạnh lưng. Đọc sách, trưa làm một giấc ngủ, dậy thật tỉnh táo, khoan khoái. Những lúc bị cảm mạo, nằm thấy nhẹ người! Khi người ta đến nhà khiêng bộ sập đi, Tầm tiếc lắm, cứ thơ thẩn ra vào, nhìn mãi chỗ kê nó. Thấy vậy, ông bảo:

-Cổ kim vị kiến thiên niên quốc con ạ! Đằng nào nó cũng trong cõi nhân gian, trong cái làng này. Thầy để nó vào nhà khác rồi biết đâu cũng có lúc “Châu về Hợp Phố”, nó lại về nhà ta! Bây giờ cốt có vốn cho chăn nuôi, trồng trọt để lấy cái ăn sống người đã!

Nhiều năm sau, quả như lời ông. Chị Cả Toan đã chuộc được bộ chiếu xếp về. Nhưng trị giá của nó đã khác xa. Lúc ông bán thì xây được dãy nhà chăn nuôi. Khi Cả Toan chuộc về phải bỏ một khoản tiền lớn có thể xây được một tòa nhà tân khoa “một thò hai thụt” hiên hoa máng thượng khang trang! Đủ biết bộ chiếu xếp quí thế nào! Cháu ngoại ông, con lớn Cả Toan hiện giữ bộ sập quý hiếm này. Âu nó cũng nằm trong nội ngoại gia thất nhà ông!


Trong lúc dân làng nuôi gia cầm, gia súc còn sơ sài, thả rông ra vườn, ra ngõ, ra đường; ông Lý Tấn đã sắp đặt khu chuồng trại chăn nuôi rất khoa học, gồm các ô nuôi trâu, nuôi lợn, ô nuôi gà, nuôi ngỗng, ngăn chứa ủ phân, chứa nước thải theo một hệ thống liên hoàn rất sạch sẽ.

Ông còn xây hẳn một “nhà hố xí hai ngăn” ngay đầu ngõ. Đây cũng là hố xí hai ngăn đầu tiên trong làng Lụa. Từ xưa, dân làng chỉ dùng “chuồng khuẩn”, lợp mái gianh trên bốn bức tường chình đất, đào hố bên dưới, bắc thanh ván làm cầu. Ngồi trên cầu mà thải, rồi lấy tro bếp, trấu bủi vùi lên… Không thì chạy ra bờ ruộng, nghêu ngao “Thứ nhất quận công, thứ nhì ỉa đồng”. Hố xí hai ngăn là một sự lạ. Ban đầu thấy thợ xây trát hai cái hộp vuông, người ta tưởng ông xây thêm bể con chứa nước ngoài ngõ! Ấy thế, sau đó một thời gian làng xóm rộ lên phong trào xây hố xí hai ngăn. Đâu đó trên các bức tường đỏ màu khẩu hiệu: “Anh chẳng yêu bạc yêu vàng, bằng yêu hố xí nhà nàng hai ngăn”!!!

Bà Hai thắc mắc: Sao ông không làm hố xí đằng vườn sau cho kín đáo? Ông cười bảo: Đặt hố xí ngoài này mới tiện dụng! Phục vụ bà con lối xóm luôn thể! Nhiều người đến mới có nhiều phân bắc để ủ. Nhiều phân bắc tưới bón, thuốc lào mới hương thơm vị đậm! Ông cười vui vẻ: Coi như mua phân không mất tiền! Trên các nẻo thiên hạ người ta phải đi mua từng gánh phân, từng gánh đất màu về để trồng trọt…

 Cái khó ló cái khôn! Nghĩ cho cùng thì đấy cũng là một cách làm sáng tạo trong lao động của ông trong hoàn cảnh nông nghiệp nông thôn còn nghèo nàn! Vậy mà vẫn có kẻ cố tình phá hoại. Ghen ăn tức ở. Hố xí sử dụng được một năm thì cánh cửa gỗ bị kẻ gian tháo mất, trống hoác, tô hô. Ông lấy tấm chiếu che tạm rồi khẩn trương xẻ bộ câu đối ra lấy gỗ đóng cánh cửa mới, lắp vào. Chưa hết. Thấy vậy, chúng đánh bài không đi ị bên trong, mà đi bừa bãi ngoài cửa, ngoài vạt cỏ trước hố xí. Bà Hai cắn răng dọn hót những bãi phân về ủ. Gà gáy, ông dậy sớm, ngồi lặng lẽ sau bụi rong giềng rình kẻ gian, mặc muỗi táp như trấu. Quả nhiên bắt quả tang. Tưởng ai, hóa ra trưởng thôn Lê Văn Kiết! Hắn không kịp xếch quần. Hai cái mông như hai cái mông trâu ốm. Lúng túng hồi lâu hắn mới thắt được dải rút! Ông không quát chửi nặng nề gì, ngoài một câu chỉ để riêng hắn nghe: Cái mặt anh rõ dày! Chừa đi nhá! Từ sau đêm đó, nhà hố xí trở lại bình thường! Gặp ông, Kiết tránh mặt, rẽ đi lối khác.

Phân bắc phân trâu tại chỗ có vụ không đủ, ông bàn: Bà này! Hay ta sang phố thị mua phân? Bên ấy dân phố người ta đang cần người dọn. Họ sẽ bán rẻ như cho không! Vậy là ông bà qua đó sang Quảng An, vào các ngõ phố mua phân gánh về. Phân tươi trộn với ít bùn non, đựng bằng thúng quét nhựa hắc ín, bịt kín bằng vải mưa để tránh nước sóng sánh, rò rỉ và mùi xú uế xông ra.

Thời điểm này nghề gì cũng hợp tác xã quản lý và thứ gì cũng tập thể phân phối. Bà con nông dân ở các vùng quê đời sống rất kham khổ, sinh hoạt nhu yếu hàng ngày chủ yếu trông vào đội quân buôn bán chạy chợ gọi là dân “phe”, dân buôn lậu cất hàng từ các nơi phố thị chuyển về. Vải vóc, quần áo, sách vở, kẹo bánh, bột mỳ, thóc gạo, hòn than, cân sắt… đều len lút theo đường “bán lậu mua chui” từ Hải Phòng, Hòn Gai… mới đến được mảnh sân, mái rạ dưới lũy tre làng.

Đội thuế vụ huyện có tay Đoàn Chự tính hách dịch và gian xảo. Hắn hay lợi dụng “cấm chợ ngăn sông” để chặn đường bến đò Tranh là con đường độc đạo, giở trò tịch thu hàng buôn bán. Thứ thì hắn nộp công quỹ cho huyện, thứ thì hở cơ mang về dùng hoặc cho người nhà đem bán lại. Chị Gái một người chuyên chạy chợ trong xóm ông Lý Tấn và nhiều người các làng thường bị thu hàng, mất trắng. Mặc dù, đã có lần Gái phải quỳ xuống lễ sống, Đoàn Chự vẫn không buông tha. Tiếc của tiếc công, chả làm gì được hắn, chị ấm ức lắm! Bèn nghĩ ra một mẹo...

Chiều hôm ấy, từ chợ huyện về, trên bến đợi phà, gặp ông bà Lý Tấn gánh bốn thúng phân bịt kín bằng vải mưa và lá chuối, Gái ghé tai ông: Bác để mẹ con con mang hộ! Khổ thân già sáu bảy mươi tuổi còn phải lụ khụ gánh nặng thế này! Ông chưa kịp nói gì, Gái đã bưng một thúng đội lên dầu, còn thúng kia bảo đứa con gái mười sáu tuổi bê giùm ông. Ông đành cầm lại đôi quang gánh. Gái tất tả: Bác để mặc con! Chị ta gân cổ đội như đội một thúng hàng khá nặng. Bộ dạng lấm lét, sợ sệt. Khi đứng dưới phà chị vẫn khư khư hai tay vịn chắc miệng thúng, không dám hạ xuống. Phà cập bến, chị bước lên, thỉnh thoảng lại đảo mắt ngó nghiêng. Tay Chự cán bộ thuế đã nghênh ngang đứng sẵn trên bến, quan sát. Hắn tít còi chặn đường. Gái giả vờ giật bắn mình, cố ý len vào đám đông, thúng hàng chung chiêng muốn đổ. Đang giữa lưng chừng dốc, Chự xộc đến đòi kiểm tra. Gái hốt hoảng: Chú ơi! Không có gì đâu! Buông chị ra!

-Không buông gì hết! Hôm nay lại có thứ gì đây? Gái tỏ vẻ thành khẩn: Vừa rồi Hợp tác kiểm điểm, chị bỏ chợ rồi. Chả biết làm gì để sống, hôm nay tranh thủ sang phố huyện vào các hố xí móc thúng cứt về bán cho ông bà xã viên bón thuốc lào với dưa gang ý mà!

-Chỉ bố láo! Không cứt kiếc gì hết! Tôi còn lạ gì mánh khóe của các mẹ… Tay cán bộ thuế khăng khăng không tin, cho là Gái nói đểu, cứ đòi khám thúng hàng bằng được. Gái giãy nảy: Đừng! Cứt! Cứt thật mà chú!

-Cứt cũng khám!

-Ôi! Không được đâu! Ai lại thế! Cứt! Cứt đấy, toàn cứt với cứt thôi. Không tin… Cáu tiết tôi đổ vào đầu chú đấy…

-Thách ba đời nhà chị… Đồ gái đĩ già mồm!

-Được! Có bà con chứng kiến đây nhá! Ông bắt tôi đổ đấy nhá! Gái bình tĩnh nhìn xung quanh và thẳng vào mắt hắn: Đừng có trách!

-Mặc kệ nhà chị! Đổ ra!

Tay Chự giơ tay, hống hách vít miệng thúng. Chưa dứt lời thì thúng hàng đã ụp xuống đầu hắn: Nài thì đổ! Thúng hàng bật toác miếng áo mưa.

-Đã bảo mà không nghe! Cứ bắt đổ với chả đổ...

Xung quanh sững sờ, dạt ra ngoài. Ai cũng bịt mũi bỏ chạy: Chao ôi! Cứt thật! Khiếp quá! Có phải hàng quốc cấm quốc lủi gì đâu mà khám với xét!

Chự ra sức lắc đầu, vuốt mặt. Toàn cứt là cứt. Cứt người, cứt chó trộn với bùn non tràn đầy mình hắn, thối um cả bến phà. Ba chân bốn cẳng, hắn chạy lao xuống sông. Trên bến dưới phà, người người được bữa reo hò hả hê.

Về đến nhà, Lý Tấn sang mắng chị Gái: Không ai như chị! Làm thế là hỗn, là quá đáng! Đàn bà phải cố nhẫn cháu ạ!

-Nhưng tức lắm bác ạ! Có thế mới đáng đời cái lũ hách dịch tham lam. Nó hành, nó cướp không của mẹ con cháu bao nhiêu năm nay!

-Nhưng dù sao chị cũng phải giữ lấy chữ Đức chữ Hạnh! Chớ hận thù người ta làm gì!

Cũng từ chiều hôm ấy, bến phà vắng hẳn tay cán bộ thuế vụ hay bắt nạt bà con chạy chợ. Còn chị Gái, có cậu con trai học rất giỏi, năm sau đó khi làm hồ sơ thi đại học lại không được xã chứng nhận lý lịch vì tội “Mẹ bỏ Hợp tác xã, không thực hiện tốt chính sách với địa phương, chuyên bỏ ruộng đi buôn lậu…”!

 

Lý Tấn vẫn khôn nguôi nhớ vị khói thuốc lào thời buôn bán ở phố chợ huyện. Khói thuốc lào đã đưa ông vào không gian cánh đồng như vào một cõi mơ. Từng bỏ công đi thăm đất thuốc lào Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, ông cho rằng loại thuốc này sẽ hợp thung thổ chua mặn quê mình. Ông đau đáu muốn có một sản phẩm thuốc lào ngay trên đồng đất bên sông Vân Cừ. Màu rau quả, màu lá thuốc lào đã được ông phết lên bức tranh đơn điệu của cánh đồng làng. Ông trồng cây thuốc công phu lắm. Chọn đất xốp gieo hạt, nâng mầm giống như nấng con thơ. Ruống cây, đánh muội, tỉa lá, ngắt chồi tập trung cho lá cái tích tụ nhiều vị đậm. Ông bảo bà nấu cơm nếp thật dẻo, luyện kỹ cắm đầu que để quệt vào mặt trái lá thuốc đánh muội. Đi học về, anh em Tầm lại chui vào ruộng thuốc lào giúp cha mẹ. Đi dưới những tán xanh hăng hắc mùi lá tươi như đi dưới vòm mây rợp mát.

Một hôm, Tầm thấy cha tháo mấy tấm câu đối treo trên cột xuống. Ánh mắt ông đau đáu nhìn vào từng chữ, từng nét, như muốn bóc chúng khỏi mặt gỗ để nuốt vào lòng. Chọn một bộ treo trở lại, còn hai bộ, ông đem ra sân, sai Tầm gọi thợ mộc đến cưa cắt, bào gọt. Thì ra ông lấy gỗ câu đối đóng ghép hai cánh cửa chuồng trâu để ngăn gió rét cho trâu. Quét gom lại những phoi gỗ lẫn những vẩy sơn then thếp vàng tung tóe trên sân vào sọt rác, ông đọc câu thơ: Cổ kim vị kiến thiên niên quốc! Tầm lấy làm thắc mắc: Sao thầy lại hủy những đôi câu đối này đi? Ông chua xót:

-Hết gạo chạy rông. Nhất nông nhì sĩ con ạ! Khó khăn thế này lấy đâu ra tiền mua gỗ? Thời buổi… không thích hợp nữa thì để cho trâu! Nó có khỏe thì mới có phân bón. Đang cơ đói kém phải trông vào cái đít con trâu mới có kế làm ăn!

Từ đấy, anh em Tầm được thể xé trộm giấy trong những quyển sách nho của cha đem dán những cánh diều. Nhìn thấy, ông chỉ đăm chiêu một lát, rồi quay đi. Diều dán giấy nho rất ăn gió, vừa thả khỏi tay đã bay tít lên cao. Cánh diều mang một giấc mơ khác của đám trẻ, mang những dòng chữ nho đen rậm như những bụi cây lên trời và không biết tan rách vào đâu. Trong lòng ông đang dằn vặt những mâu thuẫn, giữa một đằng muốn giằng kéo, trì giữ như người nuốt lá trúc, một đằng muốn đẩy ra, xóa đi cho thanh nhẹ thần xác. Biết đâu vì chữ nghĩa mà sau này con mình có thể lại không may!...

 Tuổi thơ vô tư và dại dột. Tầm đâu biết mình đã phí hoài, hủy hoại bao nhiêu chữ nghĩa của cha, bao nhiêu vốn văn hóa lâu đời, tinh hoa trí tuệ của nhân gian!


Gà gáy canh hai, bà Hai đã dậy chuẩn bị quang sọt đi nhặt phân chó, phân trâu. Đi sớm mới nhặt được nhiều và ít gặp người làng quở quang. Ông Lý Tấn pha ấm trà Vân xong quay ra hỏi vợ: Sáng nay bà sắp đôi sọt nữa để tôi đi với. Thuốc lào đang vào thì cần tưới nhiều phân. Thấy bà vất vả quá, tôi không đành...

Trời mù sương. Xóm quê yên ả. Đường làng âm ẩm như dòng sông cạn. Tiếng quạt nan những nhà bên đường quạt xua bức, xua muỗi phành phạch, uể oải. Tiếng trẻ khóc u ơ. Tiếng con trâu nhà Lẫm nhai cỏ dệu dạo. Hai bóng người di động theo hai bộ quang sọt cúi xuống, đứng lên. Hai chiếc đèn con le lói trong sương. Từng bãi phân chó phân trâu còn bốc khói. Gặp những bãi phân trâu to, Lý Tấn chụm cà hai bàn tay bốc vào sọt.

-Sao ông không dùng que gắp? Bà Hai định hót cho ông thấy vậy hỏi.

-Hai bàn tay bốc cho nhanh! Xong rồi hẵng rửa. Chả gì sạch bằng nước!

Hai người ngồi nghỉ tạm trên bờ con ngòi ven đường. Đêm chưa rạng. Làng xóm như chìm vào cõi khác. Mặt nước ánh lên mờ mờ, nhưng rõ hai con ngan to nằm dệ cỏ bờ bên kia. Thấy bóng người chúng đảo đầu rối rít, kêu kít kít khàng khạc ra vẻ mừng rỡ. Ngan vịt nhà ai lại lạc ra tận ngoài đồng thế này? Bà Hai ghé sát ông bảo nhỏ: Ông này! Nhà mình hôm nay còn mỗi mớ sắn khô. Ý tôi… Thôi đành đói ăn vụng, túng làm liều… Hay tôi bắt một con… tốt nhất bắt cả, vừa làm thịt vừa nuôi. Ông đứng đây chờ tôi… Chưa dứt câu, bà Hai đã xắn quần lội xuống ngòi, Nhưng không chỉ hai con, mà còn cả một đàn ngan con lít nhít ẩn dưới bụng con ngan cái. Thấy người, hai con ngan to dãn ra. Chúng vỗ cánh như hai đôi cánh quạt nan quạt xóe mặt nước. Đàn ngan con liu riu nhộn nhạo như nồi nước sôi tăm. Lưỡng lự, bà lựa tay bắt lấy con ngan đực. Nó giãy dụa một lát rồi nằm yên. Sang bờ, bà đưa con ngan lên: Làm thịt con này lấy cái ăn đã! Lý Tấn đỡ lấy, ôm nó trên tay, vuốt vuốt: Đầu to mình vuông thế này là tốt giống lắm đây! Cũng được dễ ba ký! Nhưng… nó là của người thì trả về người ta. Đói thì đói thật, nhưng mình không nỡ. Hoài của giống má của người ta!...

-Hay mang về làm giống hở ông?

-Ấy! Chớ có làm bậy! Bà trả nó xuống ngòi. Người ta mất cũng như mình mất. Đói cho sạch rách cho thơm bà ạ. Năm xưa thấy một bị bạc ở chợ bà còn không thiết. Nay con ngan thì nhằm nhò gì? Thả nó xuống bà ơi!

-Trước khác, giờ khác chứ ông!

-Rồi! Con ngan… được một bữa chống đói. Nhưng một bữa đấy bẩy bữa đâu, anh em thằng Tầm nó sẽ nghĩ sao? Thôi bà ạ! Mang tiếng! Hôm nào tìm đến nhà chủ có đám ngan này ta mua vài con về gây giống... Con ngan đực được thả, bơi nhẹ nhàng trên mặt nước về chỗ mẹ con con ngan cái. Chúng rối rít chao đầu ngoẹo cổ quấn quit bên nhau. Đàn ngan con lại liu riu lít rít. Mặt ngòi lại phẳng lặng soi tấm gương trời đang từ từ sáng dần...


Mùa thu hái, lá thuốc sạch như trang giấy vẫy vờn trong gió nắng. Cả nhà lại xúm vào chẻ lạt, rọc lá, chọn lá và cuộn thuốc. Ngôi nhà gỗ mở toang các cánh cửa như một phân xưởng bề bộn công việc. Người ra kẻ vào nhộn nhịp. Mùi thuốc lá tươi tỏa lên cay xè, ứa nước mắt. Những cuộn thuốc to như con trăn màu xanh ngả vàng nằm sóng sả trên hiên chờ đến lượt lên cầu thái. Lắm hôm mọi người chỉ ăn một bữa cơm chiều, rồi lại lao vào việc đến nửa đêm. Ban đầu, Lý Tấn phải thuê thợ bên Cát An, Vĩnh Bảo về thái thuốc. Cơm bưng nước rót. Kính thợ như kính thầy. Gặp lúc lỡ đò, thợ sang muộn, phải thái đến nửa đêm mới xong. Những mẻ thuốc thái sau phải đốt lửa sấy se qua cho sợi khỏi ẩm.

Sớm hôm ấy, cả nhà vừa chuyển xong đám lá thuốc ngoài ruộng về. Che tay nhìn ánh bình minh bắt đầu tỏa chói chang, Lý Tấn bảo bà Hai: Có lẽ tôi phải sang Cát An mời tiếp ông thợ nữa sang thái mới xuể...

Bỗng có một người đàn ông lạ vác một bộ cần thái đứng ló ngó ngoài ngõ nhìn vào. Ông ta mặc bộ quần áo nâu lốm đốm những mảnh mụn vá. Ồ! May quá! Chắc ông thợ nào đến hỏi xin việc đây? Lý Tấn vội ra đón:

-Dạ! Ông từ đâu đến? Mời quí ông vào nhà! Tôi đang cần thợ…

Người đàn ông vác bộ đồ nghề vào sân. Đứng tần ngần hồi lâu, ngắm khắp lượt cảnh ngôi nhà, ông ta hạ bộ đồ nghề xuống và bỏ chiếc nón rách tuột vành ra. Lý Tấn sững người:

-Ôi! Hình như… Ông lý làng Lư An? Đúng rồi!

-Vâng! Tôi đây! Gã lý trưởng làng Lư An đây! Ông ta cười ha hả khoái chí: Tôm vào nhà rồng đây! Có cơm thì xin bát! Lý Tấn vồn vã bắt tay khách:

-Rồng đến nhà tôm chứ ạ! Duyên cớ nào lại thế này?

-Thất cơ lỡ vận! Phượng hoàng đậu chốn cheo leo. Đến khi thất thế phải theo đàn gà! Đơn giản vậy thôi! Chuyện thường ông ạ!...

-Vậy là trời xui đất khiến! Vì cơ duyên mà ta lại gặp nhau!

-Ngửi được mùi thuốc lào của ông đấy!

-“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ…”! Ông ở lại đây với tôi!

Hai người dìu nhau trên mảnh sân lóa nắng. Không ngờ lý trưởng bắt thuyền vải của Lý Tấn ngày ấy lại là một ông thợ thái thuốc lào. Sa cơ, ông lang bạt sang Vĩnh Bảo, Tiên Lãng làm thuê cho các nhà trồng thuốc.

Ông giãi bày:

-Làm quan gì thì quan, không có cái “thón đó” là khổ huynh ạ! Cuối cùng đệ đây cũng học được nghề thái thuốc. Bộ cầu dao này chính là cái “thón đó” cứu tôi! Từ đó, tôi vác bộ đồ nghề đi khắp thiên hạ kiếm sống. Sang đất Quảng An, nghe dân tình nói bên làng Lụa có ông Lý Tấn từng làm Chánh Tổng cũng biết trồng thuốc lào, chắc là cần thợ thái thuốc. Thế là “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”, tôi mò được đến đây! Lý Tấn rót chén rượu nâng lên đặt vào tay bạn:

-Thật đúng là: Nghêu ngao vui thú yên hà, mai là bạn cũ hạc là người quen! Mừng cho anh em ta chén rượu nhạt!

Đêm đó hai ông trò chuyện suốt canh khuya.

Quả thật ông ta là một thợ thái thuốc cự phách. Đặt cuộn thuốc lên cầu, tay ông đưa lưỡi dao nhịp nhàng, thoăn thoắt, êm nhẹ như một sinh đồ mài mực. Sợi thuốc nhỏ biến tràn ra phên liếp, không chê vào đâu được. Lý Tấn mừng lắm. Ông rối rít phụ việc và ngắm nghía ông thợ như ngắm một pho tượng. Nước mắt ứa rơi cả vào phên thuốc. 

Vài ba mùa thuốc, ông thợ lại sang ở dài ngày, hướng dẫn Lý Tấn tỉ mỉ kỹ thuật hái, bảo quản và thái thuốc. Ông khuyên: Hoàn cảnh đường sá, đò giang cách trở, tôi cũng không thể sang đây mãi được… Giờ đệ biếu huynh bộ đồ nghề này! Huynh nên học lấy nghề thái thuốc. Tự sản, tự chế, tự tiêu sẽ tốt hơn…

-Được như vậy thì tuyệt quá! Nhưng… nhưng bạn lấy gì để sống?

-Huynh yên tâm! Đệ còn bộ nữa ở nhà!

-Ôi! Thật là cao cả! Vô cùng biết ơn bạn đã cho tôi thêm chiếc cần câu kiếm cơm! Lý Tấn vui mừng chắp tay cảm tạ.

Nhờ bộ dao cầu của bạn, Lý Tấn tự thái lấy thuốc lào một cách thuần thục. Ông và Ba Xâm vào rừng vác tre nứa về chuốt nan, đan phên phơi thuốc. Những phên thuốc lào rải ran trong vườn, trong sân, ra đầu ngõ xóm. Không ít kẻ qua lại thỉnh thoảng véo trộm một miếng thuốc còn ngai ngái góc phên. Ông chỉ cười thầm. Được nắng, thuốc khô giòn, ông phun nước vỏ đâng lên phên hồ thuốc. Thuốc chuyển màu nâu nhuốm vàng rộm, bắt mắt và thơm ngon. Để giữ thuốc lâu ngày khỏi mốc, ông đem đóng bánh, cuốn bằng lá chuối khô, lấy chăn bông bọc ủ trong chum vại rõ kín. Mỗi khi dỡ ra, mùi thuốc tỏa lựng khắp năm gian ngôi nhà gỗ cổ. Ai đến mua, ông cũng bán rẻ, lấy công làm lãi. Mấy tay cán bộ Ủy ban và Ban quản trị cũng luôn lui tới. Quen mui thấy mùi ăn mãi. Con chó sủa mỏi răng. Tay Phan Văn Chèm phó công an xã rất láu cá, sau tràng rít điếu sòng sọc, vừa vênh mặt lên thả khói vừa hết lời tán tụng:

-Thuốc lào của thầy ngon thơm nhất tổng! Nhả khói đê mê chẳng khác gì được lên tiên! Rồi anh ta giả đò: Hôm qua thầy bán cho con gói thuốc rẻ thật! Nhưng hình như là... loại ba hay sao ấy. Hút cứ gây gây!

Thừa biết Chèm chơi bài khôn vặt muốn gì, ông đáp một cách hóm hỉnh:

-Tại sáng quên súc miệng, nên mồm chú thối! Mồm thối, thuốc không ngon là phải! Đợi đấy, ta bù cho gói khác! Chèm cười tít mắt: Dạ thầy tâm lý quá!

Một đồn ba, ba đồn bẩy. Dân tình đây đó chê bai “chưa ai xưa nay lại trồng su hào bắp cải với thuốc lào ở đồng đất chua mặn”, “ông Tổng lắm sức, phí công”, “Ngu công dời núi”, “dã tràng xe cát biển Đông”... Dần dần, họ kéo đến xem xét, ăn thử, rồi xin, rồi mua. Lý Tấn đã minh chứng cho người làng biết: Đất chẳng phụ người, chỉ có người phụ đất! Dù mặn chua, hoang hóa mấy, khi gia công cải tạo, đất nào cũng cho khả năng trồng trọt!

 Từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, chính ông đã là “nhà nông gia” đầu tiên của vùng đất đồng chua nước mặn này. Chuyện Tổng Tấn cuốc ruộng, đập đất trồng rau, trồng thuốc lào lưu truyền trong dân gian từ đó. Sau này các làng mới xuất hiện ông Quỹ Vĩnh, Vệ Phong, Ký Chường, Thủ Mếch...

Hằng ngày hai buổi sớm chiều, cả nhà ông kìn kìn gánh nước từ dưới mương Lò Gạch, từ hồ Mô Hến, hồ Cổ Thành lên ruộng để tưới cho hoa màu. Thùng hỏng, quang đứt, đòn gánh gẫy. Nhưng ý chí của người thật sắt đá, kiên gan. Đôi vai chai sần, chín rạn vết đòn gánh. Những ngày sang Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, chặng đường đi về hơn một trăm năm mươi cây số, ông đã đi bộ bằng đôi chân đất của một nhà nho, một lão nông! Ông chọn cho mình con đường trồng trọt để thỏa mãn khát vọng đến lúc tuổi già. Nhưng đôi chân ông đã bị tổn thuơng và tưởng chừng ngã gục vì con đường đó!

 

Khuôn viên nhà Lý Tấn lúc này đã như một trang trại: trên chuồng lợn, chuồng trâu, vườn cây, vườn rau xanh mùa nào thức ấy; dưới ao cá, rau muống, rau cần, rau rút bò lan mướt mát. Cái ao như một khoảng không gian kéo mùa hạ, mùa thu xuống đây. Đêm về, đàn đom đóm lập lòe. Sáng ra, ong bay bướm lượn chập chờn. Chiều hôm, cá nổi đớp mồi. Chiếc cần vó vươn dài thả vuông lưới xuống giữa mặt ao. Mỗi lần nhấc lên, cá nhảy lao xao, chập chùng đáy vó. Chiếc thuyền nan nhỏ buộc mé cầu ao, bóng cây sào nghiêng gợn nước lăn tăn. Con chim bói cá đậu vắt vẻo lúc trên ngọn sào, lúc trên đọt măng tre, thỉnh thoảng lại bổ nhào đánh tõm. Những bầy chuồn chuồn chao lượn lập lòe, lấp lánh. Chúng như những sứ giả báo thời tiết cho ông phòng bị: Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm… Cảnh quê kiểng như một bức tranh mang nặng hồn cốt làng Việt ngàn đời treo ở đây.

Các bà hàng rau quả ngồi chợ Lưu Thượng thay nhau đến đặt hàng. Họ coi khu vườn nhà ông là nơi góp phần cung ứng cho họ thêm phát đạt nghề buôn thúng bán mẹt. Cả nhà phải thu hái, gói bọc, làm việc tận khuya để sáng ra có hàng giao cho họ.

Mái tóc ông mỗi ngày một bạc nhanh. Bà Hai tấm lưng thêm còm cõi. Hàng xóm nhiều người tốt, nhưng cũng không ít kẻ nhòm ngó, ghen ăn tức ở. Họ nêu ngoài cuộc họp, nói bóng nói gió “nhà ông ấy bà nọ, kinh tế cá thể chú trọng hơn kinh tế hợp tác, ruộng phần trăm tốt hơn ruộng tập thể... Chân ngoài dài hơn chân trong… Phải cảnh giác với mầm mống tư tưởng giai cấp địa chủ sống lại…”!

Có đêm, bọn trộm chui qua bờ tre, vào vườn ăn trộm cam bưởi. Vết bao tải kéo ra ngoài hằn trên bờ ruộng. Chúng bỏ lại góc vườn chiếc rỉa tre xỉa cá, mũi bịt đồng nhọn hoắt. Cái rỉa ba răng của thằng Hai Mấu! Tầm nhận được ngay. Nhà Hai Mấu cách nhà Tầm chỉ ba nóc nhà. Mẹ chúng nó gọi bà Cả bằng dì. Ông dặn cả nhà: Mất thì thôi! Đừng có chửi bới làm gì. Mình chửi mình nghe!

Tầm thấy cha đem sang nhà đó một rá cam cùng chiếc rỉa. Lúc về, ông tặc miệng: Thôi! Biết làm sao được! Lọt sàng xuống nia. Có thiếu có thèm, nó mới lấy của mình. Ai nỡ mổ mèo…

Sào ruộng phần trăm cấy rau muống ngoài phía nam vườn, bà Hai chăm bón liền tay nên được hái suốt đầu tháng đến cuối tháng. Quay đi quay lại ngày nào cũng có rau ra chợ. Sau mỗi cơn mưa, cộng rau muống xanh nõn, to như ngó sen. Rau muống Hà Yên ngon có tiếng, luộc cho sợi mềm, vị đậm, ăn chấm mắm cáy càng ngon, nên dân phố thị rất chuộng. Rau đi, ngô gạo lại về. Đắp đổi giần sàng sớm chiều qua bữa. Mỗi thứ kiếm thêm một tí cho anh em Tầm ăn học.

Nhà mụ Bỉ Hợi ở cạnh sào rau, nuôi lợn nái, có đàn lợn bột đang rãu ăn. Ngày nào mụ cũng thả lợn ra. Chúng ào xuống ruộng rau muống như lũ vịt chạy đồng. Nhiều ngày như vậy, nhìn ruộng rau muống tan nát từng mảng, bà Hai xót của, liền sang mắng vốn. Không ngờ mụ Bỉ Hợi giở chứng điêu toa: Có của thì giữ! Có nắp thì đạy! Ai dạy được lợn!

Buổi chiều, đàn lợn lại phá. Tức quá, Tầm cầm chiếc đòn gánh quẳng lũ lợn con. Chúng kêu rầm rĩ, nháo nhác. Chưa rõ sấp ngửa gì mụ Bỉ Hợi liền huy động cả thằng chồng và mấy đứa con hùng hổ kéo sang hoạnh họe rồi lao vào đánh Tầm. Đến nước này, Tầm cũng không vừa, chống trả lại quyết liệt. Ông Lý Tấn đứng ngoài cứ thế lễ hai vợ chồng Bỉ Hợi: Thôi thôi! Chú van anh chị, van các cháu. Chú sẽ dạy con chú! Có con nào suy suyển chú đền...

Nhưng đám lợn chả làm sao. Đêm ấy, bà Hai xuýt xoa dịt thuốc các vết thương cho con, nước mắt lưng tròng: Rõ khốn nạn! Rào đổ chó ỉa dập! Ngày nào nó cũng cho con sang xin hái nắm rau, xin múc gánh nước. Vậy mà bỗng dưng giở mặt! Ông thì mắng Tầm: Là người có học sao con không nhẫn một chút cho khỏi sinh sự? Sao cứ phải đánh nhau mới mong yên chuyện? Ra đường gặp kẻ nhổ bọt vào áo, về nhà hãy lau mới là người quân tử! Ông lại kể câu chuyện:

-Ngày xưa bên Tàu, nhà thơ Tô Đông Pha từng làm tể tướng đời Tống. Ông với Thiền sư Phật Ấn là đôi bạn rất thân. Một hôm Tô Đông Pha đi thuyền sang thăm Phật Ấn, nhưng không có thiền sư ở nhà. Tô Đông Pha bèn viết một bài thơ để lại: Đảnh lễ thiên trung thiên. Hào quang chiếu đại thiên. Bát phong tâm bất động. Hoa sen tím ngồi yên. (Bát phong tâm bất động, Tám ngọn gió đó là: Được, Mất, Thắng , Thua, Khen, Chê, Vinh, Nhục). Ý Tô Đông Pha muốn khoe mình cũng tu đạt đến mức “Đối cảnh vô tâm” và ghi thêm một câu có ý bông đùa: “Tô Đông Pha là một Phật Tử vĩ đại dù có tám ngọn gió thổi cũng chẳng động được”. Hôm sau Phật Ấn đi chơi về. Sau khi đọc bài thơ của Tô Đông Pha để lại, thiền sư mỉm cười, phê vào bên dưới: “Nhảm nhí! Những gì mà ông viết chẳng hơn một phát rắm!”. Rồi sai đệ tử đem tờ giấy đó qua trả Tô Đông Pha. Tô Đông Pha cho là Phật Ấn lăng mạ mình, giận lắm, tức tốc sai người chèo thuyền qua sông để hỏi. Khi Tô Đông Pha tới, Phật Ấn liền la lên: “Tô Đông Pha, một phật tử vĩ đại, tám ngọn gió không lay động được, thế mà giờ đây chỉ một phát rắm của ta cũng đủ thổi ông bay qua sông đến tận bờ bên này!”. Tô Đông Pha nghe nói, bất ngờ đứng sững và tỉnh ngộ: Thì ra thiền sư Phật Ấn dùng mưu chước để thức tỉnh ngã mạn của mình…

Lý Tấn kết luận: Như vậy tức là Tô Đông Pha chưa giác ngộ giáo lý, vì nóng vội đã đánh rơi mất chữ Nhẫn! Ngay chuyện cổ và sử nước mình, học mà con không nhớ tích Thạch Sanh dùng tiếng đàn thu phục nhân tâm, Nguyễn Trãi bình tâm trong vụ án Lệ Chi viên. Rồi ông lại điệp khúc: Con ơi chữ Nhẫn là Vàng!

 

Đi các nơi thấy dân tình làm ăn, Lý Tấn rất để ý học hỏi. Không gì học nhanh bằng học trong thiên hạ! Từ chiếc dao quắm phát cỏ, chiếc mai xẻ đất, chiếc xà beng, chiếc cuốc chim đào gốc cây, chiếc thuổng đào lỗ chuột, tấm phên tre phơi thuốc lào… ông cũng tự sắm, tự làm lấy.

Ngày mùa thấy mấy mẹ con cùi cụi gánh rạ ngoài ruộng về chất đống để đun dần, ông nói: Bên Hà Bắc dân người ta dùng xe bò cải tiến chở thóc chở rơm, sao dân Hà Yên mình cứ vai gánh với đòn sóc, cái thúng, đôi quang cho mệt nhọc? Mấy hôm nữa tôi sẽ giải phóng đôi vai cho mẹ con bà!

Nghĩ sao làm vậy, sang xưởng cơ khí bên An Trì mua một chiếc xe bò cải tiến, ông lĩu kĩu kéo chiếc xe về làng trong bao ánh mắt ngạc nhiên. Trẻ con rồng rồng theo sau như xem đám rước múa kỳ lân. Kéo cái xe về đến ngõ, gọi cả nhà ra xem, ông lau mồ hôi nhễ nhại:

-May quá hôm nay gặp cô đò Huân cho nhờ đò dọc, về bến Cổ Thành mới phải kéo! Cô ấy lấy mỗi nửa tiền. Hôm nào cu Tầm đem biếu cô quả bưởi!

Vui chuyện, ông lại kể tích chuyện “quay ngang bà Huân”.

Cô Huân người làng Lưu Thượng chuyên làm nghề đẩy đò dọc trong đồng. Cô thuộc hàng khéo tay đẩy đò, lại vui chuyện suốt chặng hành trình, khiến mọi người bớt sốt ruột. Chỉ dăm ba câu chuyện kẻ ngồi, người nằm cười hả hê hoặc chưa đẫy giấc đã tới nơi. Vậy mà cô từng bị khách ăn quịt tiền đò. Lên đến bến họ mới phủi túi, xin khất nợ. Không ít người mất mặt, lặn tia “con mẹ hàng lươn”. Bực mình lắm. Cô liền nghĩ ra cách: khi đò đi được nửa chừng đến đoạn sông Láng Nứa giữa đồng không mông quạnh, bờ sông đứt quãng từng khúc, cô mới cắm sào dừng đò để thu tiền. Ai không có tiền, ai không trả đủ, cô liền áp mạn cho xuống khỏi đò, đứng bên sông mà đợi đấy… Từ đó mất hẳn tệ quịt tiền đò. Dân gian Hà Yên xuất hiện câu “quay ngang bà Huân” là vì thế! Đang làm việc gì bỗng dưng bỏ dở, như kiểu đi chợ ngã giá rồi không mua hàng nữa, đánh bạc ăn non, hoặc nhà gái đỗi cưới liền bị quở: “Quay ngang bà Huân” đấy phỏng?

Có xe cải tiến, nhà Lý Tấn dùng vào việc chở thóc, chở rơm, chở bùn về nhà, chở phân ra ruộng rất tiện lợi. Dần dần họ hàng, xóm láng đánh tiếng đến mượn. Ông không nỡ từ chối. Thấy vậy, mụ Đĩ Tỏa cũng liều hỏi mượn xe chở gạch. Biết nhà này vốn ăn ở tiền hậu bất nhất, ông vẫn vui vẻ cho mượn. Đám mấy thằng con trai cậy khỏe, cởi trần trùng trục chất gạch đầy ụ xe rồi hùng hục kéo bất kể đường ngõ mấp mô, gập ghềnh. Chắc do quá nặng và không thạo lái hai cái càng, nên nửa buổi xe bị hỏng, văng ổ bi, tuột một bên vành. Khi đem trả, mụ sai con lắp hờ lại, đánh dâm như không có chuyện gì. Hôm sau anh em Tầm vô tình lấy xe đi chở rơm, bất ngờ vành xe bật tung khỏi trục, lăn lông lốc. Bà Hai vội chạy sang hỏi cho ra nhẽ. Mụ Đĩ Tỏa liền hoa chân múa tay, loa lên chối tội: Tôi mượn tôi giả còn nguyên! Lúc ấy có ông ngồi trong nhà nhìn thấy...

Chưa đủ, nhập nhoạng tối mụ còn đến ngõ tốc váy chửi bà Hai như hát. Ông Lý Tấn đặt quyển sách đang đọc xuống tràng kỷ, bước ra can:

-Thôi! Tôi xin nhà chị be bé cái mồm thôi! Để chú chữa lại là xong ngay! Chị cứ về đi! Lần sau lại đến mượn nhá! Rồi ông giục: Bà đi vào cho tôi nhờ!

Bà Hai hậm hực: Cha bố cái loại đàn bà mồm dải diều vô dạng. Đã vô dạng lại sấp mặt!

Đĩ Tỏa là người quá vô tư, thuộc dạng đàn bà chửi càn và chua ngoa nhất làng. Giữa đường giữa chợ, ăn nói cứ bô lô ba la, khoe cả mọi thứ như ở chốn không người. Sáng, mặt trời lên bằng ngọn sào, mụ mới ra đồng, vừa vác cuốc vừa nhai cơm nhổ toèn toẹt vào miệng thằng con ẵm trên tay. Rồi  vạch áo tô hô cho nó bú. Thằng bé gục xuống vít cái vú dài ngoẵng mút chùn chụt. Mặc kệ, gặp mọi người, mụ vẫn chào hỏi, nói cười toang toác. Đĩ Tỏa còn có tài chửi ra gà. Ấy là cái bận mất con gà mái đang đẻ. Mụ bắc ghế đầu ngõ chửi bốn hướng hàng xóm ròng rã ba ngày liền. Rạng đông chửi. Chiều ăn cơm chửi. Tối trước lúc đi ngủ, chửi. Huy động mọi thứ trong thân thể đàn bà ra chửi. Kéo đủ các hàng cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ người ta xuống chửi. Hàng xóm bực mình, điên tiết lắm mà không ai dám lên tiếng. Cuối cùng sang ngày thứ tư, tờ mờ sớm thấy con gà ở đâu chạy về nháo nhác ngay đầu ngõ!

Đĩ Tỏa về khỏi, ông ôn tồn nhắc bà Hai: Chúng nó “quay ngang bà Huân” cũng được! Không sao! Còn bà, bà xem cái loại đàn bà mép loe giải diều thế, không theo kịp mồm nó đâu! Thôi! Chữ Nhẫn là Vàng! Bên mâm cơm đạm bạc, ông lại răn nhủ vợ con: Chữ Nhẫn là vàng! Một câu nhịn chín câu lành!    

…....... CÒN TIẾP




VVM.20.7.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .