Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

tranh của họa sĩ Trịnh Thanh Tùng


VỀ DƯỚI ÁNH TRĂNG XƯA


KHOẢNG CÁCH - CHO MỘT TÌNH YÊU



T uệ Nguyên nhận tập thơ “Cho Nàng Đợi Mong” của Nhơn gởi, nhờ một người quen mang về từ trại cải tạo A30, làm nàng bồi hồi xúc động, lòng cứ lao xao, nghĩ ngợi. Khoảng cách không xa lắm, chỉ ba mươi cây số, mà vời vợi, thăm thẳm, như cách xa muôn trùng. Tập thơ viết tay, thể loại lục bát, chữ viết nắn nót, khổ nhỏ, gọn gàng, xinh xinh; mở đầu là lời giới thiệu: Tình yêu em xui khiến ta say mê thi ca và âm nhạc; ta đã mượn ngôn ngữ của đất trời, ca ngợi nhan sắc và phẩm hạnh của người ta yêu. Em yêu dấu! Nơi quê nhà hãy mở lòng đón nhận chút tình ta gởi gắm!” - ngày… tháng … năm… ngọt ngào, thắm thiết. Nàng nhớ có lần anh nói với nàng rằng, quê hương để nhớ chứ không phải để sống; phải chăng đó là mệnh số cho tình yêu nầy?

Tuệ Nguyên trang trọng mở trang đầu tiên, với sự biết ơn, trân quý. Nàng hít thật sâu, nén xúc động, đón nhận, như lời anh dặn dò ở lời giới thiệu, bằng tất cả sự chân thành rộng mở. Những câu lục bát da diết, thấm đẫm nhớ nhung, làm nàng nghẹn ngào, thương quý anh hơn. Nàng thổn thức theo từng câu chữ…

“Ta nâng một chén rượu này,
Trên cầu sơn cước mà say lịm người
Vật vờ khói thuốc xa môi,
Con giun, con dế cũng lời đau thương.
Mộng lần về giữa cố viên,
Tìm em lạnh, mấy cội nguồn hương xưa.
Hôm qua trời đổ cơn mưa,
Bao nhiêu vết tích cũng vừa bôi tan.
Ôi, ta đứng giữa điêu tàn!
Một trời khổ lụy mà mang mang hồn!…”. (*)

Lần dò trong giấc mộng tìm lại những tháng ngày cũ, nhớ thương, thương nhớ, càng làm tâm hồn người thêm lạnh lẽo, buồn bã. Tuệ Nguyên mường tượng ra nơi anh ở - giữa núi rừng trùng vây, cô độc quạnh quẽ; nhất là những lúc trời mưa, nhớ nghĩ về ngôi nhà có hoa vàng trước ngõ; ở đấy, có ba mẹ, các em, còn có vườn “Nguyệt Xưa” anh đã ươm bao ước mơ, giờ đây đã xưa thiệt xưa, dù mới đấy thôi, khi ngày vừa tắt nắng.

Tuệ Nguyên xao xuyến, bồi hồi với từng lời thơ nhẹ nhàng, đầy rung cảm. Dẫu biết rằng, ra đi là không hẹn ngày về, nhưng sao nàng vẫn muốn được nhìn thấy anh trở về, dù bao lâu, bao xa, nàng vẫn mong chờ. Xuân đến, hạ về, rồi thu sang, bóng nhạn vẫn biền biệt; nàng chợt nghe lòng mình chùng xuống, nhớ thương anh đến tận cùng. Và những hoa mướp vàng đung đưa trong nắng chiều hanh hao, như xao động trong tâm hồn nàng một nỗi buồn thương da diết, khi nghe anh nhắc hỏi. Một điều nhỏ nhặt, bình thường nhất, cũng làm anh gợi nhớ khi nghĩ về nàng; phải chăng, đó là một sự cô độc đến tận cùng, của một con người lao khổ như anh; mà có lần nàng đã nói với anh rằng, nàng yêu cánh hoa giản dị nầy như thế nào?.

“Nguyên ơi! Phú Hiệp chiều nay,
Hàng tre gió thổi còn bay lá vàng?
Hoa còn nở rộ xuân sang,
Thu, em còn mặc áo vàng nữa thôi?
Trưa trong nắng hạ reo cười,
Hàng cau soi bóng giếng ngời long lanh?
Giàn hoa mướp vẫn lên xanh?
Và em, những tối trăng thanh có buồn?
Đêm khuya con nhện còn vương
Tơ giăng mấy sợi trong vườn Nguyệt Xưa?”. (*)

Nàng muốn nói với anh rằng, xuân về hoa luôn nở thắm, khoe sắc cùng nhân gian, cùng trời đất. Thu sang, dù rất muốn mặc một chiếc áo mầu vàng như mầu hoa mướp mà nàng yêu thích, nhưng hợp tác xã chỉ bán những mảnh vải hoa; và dường như mọi người đồng phục mỗi khi ra đường, họp tổ, hay mit - tinh. Nàng còn muốn nói với anh rằng, nàng nhớ đêm trăng kỷ niệm đến vô cùng; và có lẽ, đêm khuya con nhện vẫn không quên công việc của mình, trong ngôi vườn xưa, kỷ niệm.

Những lúc rảnh rổi, nàng thường lấy tập thơ ra đọc, ngâm nga, lâu rồi thuộc hết; đó còn là niềm động lực cho sự chờ đợi, là niềm vui còn lại cho riêng nàng nữa. Nghĩ đến anh, nàng ước muốn có một chuyến đi thăm, để được nhìn thấy nơi anh ở, để được nhìn thấy khoảng trời nơi anh dung thân; để hiểu được phần nào “một trời khổ lụy” mà anh nhắn gởi với nàng.

Bỗng dưng nàng nhớ lại một chuyến thăm nuôi về người cha của mình hiện đang cải tạo tại trại Z30A tận trong Đồng Nai, hôm trước. Một chuyến thăm nuôi mà có lẽ, suốt cuộc đời nầy nàng nhớ mãi. Thường thì hai mẹ con nàng xuống tàu ở ga Long Khánh, rồi đi ngược ra ga Gia Ray, vì tàu không dừng ở ga Gia Ray; sau đó đón xe lam vào trại (khi không còn xe thì đi bộ). Hôm ấy, gần đến ga Gia Ray, tàu chạy chậm và dừng hẳn. Có một hành khách nói với mẹ con nàng rằng, chỉ còn một quãng ngắn nữa là sẽ tới ga Gia Ray, nếu mẹ con nàng xuống đây chịu khó đi bộ một chút, sẽ tiện hơn vào Long Khánh rồi quay trở ra. Thế là hai mẹ con nàng xuống tàu.

Chờ cho tàu chạy, mẹ nàng đội giỏ bánh tráng, còn nàng chất hết chỗ còn lại vào hai chiếc gióng, rồi bắt đầu đi.

Nắng chiều hanh vàng rớt xuống đường tàu hun hút, vắng vẻ, làm nàng thấy lo và sợ hãi. Buổi chiều buồn tênh, không một bóng người, hai bên đường tàu chỉ lau sậy, cây rừng cằn cỗi, không chút nhựa sống. Hai mẹ con nàng biết là mình xuống nơi còn xa lắm, nên lo sợ và cố gắng chạy nhanh, không dám ngơi nghỉ. Tuệ Nguyên không nói lời nào, như sợ có tiếng động làm ông mặt trời bỏ trốn. Nàng vội lặng lẽ gánh chạy trong nỗi lo âu, hoảng loạn.

Tiếng chim rừng kêu não nuột, càng làm cho cái không gian ấy hoang vu, quạnh vắng hơn. Hoàng hôn dường như buông xuống rất nhanh, tím ngắt cả khu rừng, như giục mẹ con nàng chạy nhanh thêm nữa. Mẹ và nàng cắm đầu chạy, như đuổi theo ánh mặt trời còn le lói phía trời xa. Cuối cùng hai mẹ con cũng đến ga Gia Ray, với đôi chân rã rời, khát khô cả cổ.

Lần ấy, mẹ con nàng được phép ở lại trại một đêm. Đêm ấy, được ở cùng ba, được tự do bên nhau, dẫu ít ỏi. Ba nàng rất vui, vì được sống bên gia đình trong căn láng trại, dẫu ông còn sáu đứa con nữa ở nhà đang chờ đợi từng ngày.

Rồi một đêm đã trôi qua. Ngày mới bắt đầu, mang đến sự chia ly cho cả ba người. Tuệ Nguyên nhìn theo bước chân của ba như vướng víu bởi sự tiếc thương và ưu phiền!

Dòng đời như cơn lốc cuốn trôi tất cả, không thể nào cưỡng lại được, xoáy vòng đến tái tê, để tồn tại. Cơn lốc quá mạnh, có thể bị vùi dập như cánh hoa trong mưa bão. Nhỏ Vân nằm trong số những người bị bắn ra khỏi vòng xoay và rơi xuống ở một xứ sở, xa lắc xa lơ, cách nửa vòng trái đất. Nơi ấy, không có một người thân để sưởi ấm khi trời giá rét, cùng hát lời ca hoài hương khi nhớ quê nhà. Dù vậy, Vân luôn chia sẻ những khó khăn, hạnh phúc qua những cánh thư gởi về quê hương cho Tuệ Nguyên, làm nàng ấm lòng lắm. Tuệ Nguyên luôn nhìn thấy cái dáng nhỏ nhắn của Vân - một bà cô, một người bạn dễ thương thời tuổi nhỏ, đưa tay vẫy vẫy trong bộ đồ bông vầng lưỡi liềm hồng nhạt, khi ngang qua nhà, trong buổi chiều cuối ấy.

Tuệ Nguyên quay cuồng trong cái vòng xoáy áo cơm, cơm áo, làm nàng chới với, chao đảo. Nàng đứng trên sân khấu hò hát như con thoi, hết lên lại xuống. Mỗi đêm sau khi diễn xong tiết mục, không lang thang trên đường làng ngắm trăng, thì cũng treo võng nằm đung đưa, suy gẫm về cuộc đời. Nàng tự nhủ: “Cuộc đời nầy, như một tấn tuồng trên sân khấu; rồi sẽ hết vai, màn nhung sẽ hạ xuống; cũng như, cuối cùng cũng về với đất vậy. Thế là hết một kiếp người. Vậy thôi!”, để làm động lực sống.

Sau một thời gian, Tuệ Nguyên được đội trưởng đội văn nghệ cho phép rời khỏi đội; nàng trở về với đồng ruộng, với nhọc nhằn cũ. Hằng ngày, khom người trên cánh đồng, nàng luôn gieo ước mơ vào trong từng cây lúa nàng cấy dặm; và mong ước một ngày, lúa sẽ trổ bông, ươm vàng rực rỡ, tươi đẹp; như tình yêu nàng giành cho anh, chung thủy và đợi chờ.

Một lá thư Nhơn gởi về, anh ví nàng như loài hoa Muống Biển, luôn vươn mình giữa bão cát, nở hoa tím biếc thủy chung; một loài hoa mà anh yêu thích. Từ đó, anh gọi nàng là “Hoa Muống Biển”, chứ không còn là “Nguyệt nữ” như trước nữa.

“Em như loài Muống Biển,
Nở thầm trên cằn khô.
Hoa tím buồn vụng dại,
Man mác trời bơ vơ…”. (*)

Tuệ Nguyên muốn mình mạnh mẽ hơn, như loài hoa tím biếc mà anh đặt tên cho mình, luôn vươn lên giữa mịt mùng gió cát, nở những bông hoa xinh xắn cho đời. Và nàng tự hứa với mình rằng:

Một đời hoa Muống Biển,
Vẫn trổ hoài ước mơ.
Chàng xa xôi có biết,
Rằng nơi đây em chờ!. (*)

Trong một đợt công tác ở Lạc Sanh, nàng gặp một người tù từ A30 đang hái củi ở đây, nàng hỏi thăm, anh nói có biết Nhơn ở đội xây. Anh nói, nếu mọi người có muốn thăm Nhơn, anh sẽ hẹn giúp, ở chỗ nào đó trên đường mình ngang qua, lúc trở về. Vậy là có mấy người trong đội công tác, muốn thăm Nhơn, nhờ anh hẹn với Nhơn giúp, hai ngày nữa, hoàn thành chuyến công tác, mọi người sẽ ghé thăm Nhơn. Nhưng hôm ấy, mọi người không đến được vì có xe đón về luôn rồi; làm anh phải ngồi chờ, nguyên cả buổi, với nỗi buồn mênh mang.

Tuệ Nguyên buồn lắm, cảm thấy mình thật có lỗi, nguyện trong lòng lần sau nhất định sẽ thăm, vì đã lỗi hẹn lần trước, để anh phải chờ đợi. Và lần công tác kế tiếp, nàng được người cậu họ, (là bạn thân của Nhơn) dẫn về nhà anh trai của cậu ấy ở Thạch Thành để sáng hôm sau vào thăm Nhơn.

Tuệ Nguyên bước nhanh theo chân cậu, trên con đường người dân đi rẫy, hái củi, hai bên là sắn, bắp bạt ngàn, trong ánh nắng xế chiều, hiu hắt. Nàng nghĩ rằng, ngày mai mình vào thăm chắc anh bất ngờ và vui lắm; làm nàng lâng lâng, dạt dào, thấy lòng mình tươi vui hơn.

Về đến Thạch Thành thì trời đã nhá nhem tối, hai vợ chồng Viên - anh trai của Viễn, vui vẻ hỏi thăm nàng, khi biết ý định của nàng sẽ thăm Nhơn vào ngày mai. Cậu Viên hứa sẽ dẫn nàng vào thăm Nhơn. Thăm hỏi nhau một lát, cậu Viên giục:

- Cháu xuống tắm rửa nhanh rồi vào ăn cơm. Tối lắm rồi.

Nàng “dạ” rồi vội xuống nhà dưới. Một lát, bước lên, thấy mọi người đã ngồi sẵn bên mâm cơm chờ nàng. Nàng cảm thấy ngại ngùng, giọng xuýt xoa:

- Bắt cậu mợ phải chờ cơm rồi, cháu xin lỗi!

Mợ Viên cười vui vẻ:

- Nguyên vào ăn cơm đi, xin lỗi gì chứ?

- Dạ! Cháu cảm ơn mợ!

Viên liếng thoắng:

- Ăn đi cháu. Ngày mai cậu dẫn đi thăm thằng Nhơn, tao quen với ông trưởng trại mà, lo gì.

Viễn tiếp lời:

- Mai cả nhà mình cùng đi.

- Dạ!

Mợ Viên gắp một miếng cá bỏ vào chén Tuệ Nguyên, cởi mở:

- Ăn đi cháu. Cá ở đây không tươi như dưới đó đâu, nhưng cũng ngon lắm à - chợt ngập ngừng, mà… mà lâu nay, mầy thăm nó lần nào chưa vậy?

Tuệ Nguyên rụt rè:

- Dạ chưa mợ! Đây là lần đầu.

- Vậy sao? Gặp tao, là tao thăm rồi đó. Mầy thiệt là!

Viễn góp lời:

- Con nhỏ nầy nó nhát hồi giờ mà, làm gì cũng rụt rè, sao dám đi thăm thằng Nhơn chớ?

Tuệ Nguyên cười khẽ, có chút ngượng nghịu:

- Đúng rồi. Mẹ cháu mà biết, bả la chết à nghen.

Cậu Viên cười lớn:

- Bữa nào tao về méc chị Ba là mầy đi thăm nó.

- Không được đâu cậu. Đừng có giỡn, nghen cậu?

- Tao giỡn mầy chi. Tao nói thiệt mà. Tao thấy thằng Nhơn hiền lành, lại giỏi nữa, nên tao “kết” nó.

Mợ Viên bỗng cười lớn:

- Trời ơi trời! Lớn tồng ngồng rồi mà còn sợ mẹ dữ vậy hở? Đúng là “con nhà gia giáo”.

Viên phụ họa:

- Không gia giáo sao được? Ba nó đấy hở, tụi nó có lỗi gì, là bắt nằm dài xuống phản, ổng dạy, rồi đập tê đít luôn chớ nói.

Mọi người cùng cười vui vẻ, bữa cơm như thân mật, ấm áp hơn.

Tối hôm đó, nàng thao thức mãi, không thể nào chợp mắt được, cứ nghĩ mênh mang về chuyện ngày mai. Anh đấy, nàng đây, cách nhau chưa đầy một cây số, cùng hít thở chung một bầu không khí, mà sao như cách xa vời vợi.

“Một chặng đường nhưng khoảng cách xa xôi.
Nơi em ở, ngày có mặt trời, đêm có tiếng rì rào sóng bể.
Nơi anh ở, là núi rừng cùng khổ,
Dòng sông khô cạn đục ước mơ đời…”.


Tuệ Nguyên theo chân hai người cậu về phía cổng trại cải tạo A30, lòng hồi hộp, lo lắng bâng quơ. Từ xa, nàng đã trông thấy dãy ngói đỏ thấp thoáng, trong khóm cây xanh, khác biệt với vùng dân cư ở phía ngoài kia; nàng chợt xúc động, khi hiểu rằng, người nàng yêu thương, đang ở đấy, và quan sát kỹ, như muốn lưu dấu nơi nầy vào ký ức. Một cơn gió nhẹ thoảng qua, mang theo cái mát mẻ của buổi sáng sớm, mang theo cả sự tươi vui bắt đầu một ngày mới đang về; làm nàng phấn chấn, tươi tỉnh hẳn lên. Nàng cảm thấy hạnh phúc, dù cái hạnh phúc ấy ngắn ngủi, mênh mang; không phải như một chiếc ghế mà anh đã từng nói. Dù vậy, nàng vẫn cố nắm giữ, không muốn nó vụt bay, tan mất.

Hai người cậu và nàng được trưởng trại tiếp đón vui vẻ, bởi cậu Viên của nàng là một hiệu trưởng trường trung học cơ sở ở đây, có quen biết với trưởng trại. Sau khi chào nhau, cậu Viên trình bầy xin phép gặp Nhơn, được trưởng trại đồng ý, cho người đi gọi anh. Một lát, anh bước vào, mặt hơi tái vì xúc động, khi gặp nàng và hai người bạn cùng xóm. Người trưởng trại nói, giọng thật rõ ràng:

- Anh có người muốn gặp. Mọi người cứ nói chuyện vui vẻ, tôi đi công việc, xong cứ về nhé!

Nói xong, người trưởng trại xin phép ra ngoài.

Nhơn cảm ơn người trưởng trại, rồi nhìn cả ba, ngạc nhiên:

- Chào em! Chào hai bạn! Mình không nghĩ là được gặp Nguyên và hai bạn ở đây. Thật bất ngờ!

Viên cười vui vẻ:

- Bất ngờ quá đi chớ! Tao là tao thương con Nguyên với mầy, nên sắp xếp cho tụi bây gặp nhau một lần, vậy thôi.

Nhơn có phần bối rối, một lát bình tâm lại, cười khẽ:

- Cảm ơn ông nhiều lắm! Lúc nãy gọi lên đây, làm mình hết hồn, tưởng có chuyện gì chớ?

- Chuyện gì là chuyện gì? chuyện gì cũng không bằng chuyện hai đứa bây gặp nhau. Thôi, hai đứa muốn nói gì thì nói đi, kẻo hết giờ. Hai đứa tao ra ngoài chơi.

Cậu Viên nói xong, kéo Viễn ra ngoài, chỉ còn lại anh với nàng. Nhơn cảm thấy thật hạnh phúc được ngồi cùng nàng, muốn nói cùng nàng những yêu thương trong anh; nhưng khát khao ấy, bỗng dưng bay đâu mất hết, khiến anh bối rối, vụng về:

- Sao em không mang giầy cao gót, sao không mặc chiếc áo dài mầu xanh, để anh yêu lá sân trường?

Nàng ngượng ngùng, giọng lí nhí:

- Em đang đi công tác mà. Làm cỏ sắn, anh à!

- Ừ nhỉ! Anh quên - cầm tay nàng, mai nầy, anh sẽ không để đôi tay em sần sùi đâu, em ạ!

Hai người nhìn nhau, nói những câu không đầu không cuối, mà cảm thấy thật hiểu nhau, thật gần nhau. Thời gian chậm chạp trôi qua, mà cả hai cảm thấy sao nhanh quá; nhanh tới mức, như đã thật xa rồi. Anh biết, giây phút hiếm hoi nầy, rất cần thiết cho đời sống, để anh ươm mầm ước mơ, được trở về bên nàng. Còn với nàng, đấy là niềm tin để chờ đợi, hy vọng.

Mới đó mà đã hết giờ, chia tay nhau ai cũng luyến lưu, anh bước đi mà chân cứ ngập ngừng, quay ngoái lại mãi.

Nàng ngạc nhiên, khi nhìn thấy anh quảy đôi thùng gánh nước đứng xa xa phía trước, giơ tay chào nàng. Đi một đỗi nữa, cũng thấy anh quảy đôi thùng trên vai, vẫy vẫy tay đón nàng xa xa ở phía trước. Cứ như vậy, những đến bốn lần được nhìn thấy anh quảy đôi thùng đứng vẫy tay theo chào nàng, cho đến khi không còn theo được nữa.

Ánh trăng óng vàng chiếu rọi vào cửa sổ căn láng trại, khiến Nhơn không thể nào ngủ được. Ánh trăng mỗi lúc một rực rỡ hơn, và tâm hồn anh như hòa vào ánh trăng trong, tươi mát, thao thiết bao kỷ niệm. Đêm trăng kỷ niệm anh đưa nàng về trên chiếc xe đạp cũ kỹ, anh mượn của một người bạn, luôn hiển hiện trong anh; là niềm nhớ, niềm tin, cho anh bước tiếp những tháng ngày lao khổ. Trong ánh trăng uyên nguyên ấy, anh thấy cả mầu áo trắng của nàng lướt ngang qua nhà anh những lúc đến trường, hay những chiều tan học; để anh nhớ thương, bồi hồi, cảm xúc.

“Nhớ xưa em áo trắng,
Ôm sách vở ngoan hiền.
Chói chang ngôi trường nắng,
Ngày hai bận qua hiên.
Dấu xiêm hài lửng thửng,
Bóng mây chiều ráng pha.
Tóc em vàng tỏa mộng
Môi em ngàn cánh hoa…”. (*)

Nhơn hít sâu cái mát mẻ vào buồng phổi, như hít sâu ánh trăng trong vào trái tim mình; và anh thấy một niềm tin yêu mãnh liệt về cuộc sống, để anh mạnh mẽ, hy vọng hơn. Đêm sâu, núi rừng im vắng, anh nghe tiếng kêu não nuột của loài chim ăn đêm, “thương cô, nhớ cậu” da diết quá, càng làm anh nhớ nàng nhiều hơn.

“Núi một đời trầm mặc,
Rừng một đời thâm nghiêm.
Chàng một đời phiêu bạc,
Em một đời ngóng trông!”.

Ánh trăng như vỡ vụn, nhập nhòa trong trái tim cảm xúc của anh.

(*) Thơ – NC




VVM.14.7.2023