C ô Hai Sâm có dáng người dong dỏng cao, vẻ mặt thông minh, phúc hậu. Đôi mắt đen láy, tinh anh nổi bật trên khuôn mặt có làn da trắng hồng. Tôi nhìn cô đúng mẫu vẻ đẹp của người phụ nữ “mày ngài mắt phượng”. Cô lấy chồng cùng chí hướng, cùng làm việc bên nhau rất gian khó nhưng hạnh phúc. Năm 23 tuổi cô đám cưới, 24 tuổi chồng chết, cô sinh con một mình. Cô ở vậy, làm mẹ đơn thân không bước thêm bước nữa vì sợ con khổ.
Đôi mắt xa xăm đượm buồn, cô ngược thời gian đưa tôi về những năm tháng xa xưa của tuổi thơ cô. Cô sinh ra trong một gia đình khá giả của vùng Bình Lợi, Gia Định xưa. Nhà cô cũng có vài căn với ruộng đồng vài mảnh. Cha cô theo Việt Minh bị Tây bắt tra tấn và bị giết. Mẹ cô ở nhà với hai đứa con còn thơ dại. Hai Sâm mới lên 6 tuổi và em gái 4 tuổi. Nhà cửa cũng bị tịch thu luôn, ba mẹ con rất bơ vơ. Cuối cùng bà đi bước nữa để có chỗ nương tựa cho ba mẹ con trong buổi loạn ly -Thời Pháp thuộc. Ba mẹ con về sống cùng gia đình người chồng sau của mẹ cô mà hai chị em cô gọi là cha dượng. Những tưởng sẽ bớt bơ vơ trong mái ấm gia đình. Nhưng không phải vậy, cuộc đời ba mẹ con rẽ sang một khúc ngoặt mới, đầy sóng gió hơn. Những trận đòn cha dượng trút xuống thì ôi thôi! Mỗi lần cô bị đánh thì phải 3 tháng sau mới lành. Tôi xót lòng hỏi cô:
-Thế mẹ cô không bảo vệ được con mình trước những đánh đập vô cớ dành cho con trẻ sao cô?
Cô bảo:
-Mẹ cô cũng bị ổng đánh mà.
Thế rồi cha dượng và mẹ cô bàn nhau đưa cô đi ở đợ, gặp chủ lấy tiền trước mỗi một năm. Vậy là cô ra khỏi nhà, tới nhà người dưng kẻ lạ làm thân phận tôi tớ khi tuổi đời lẽ ra còn tuổi học, tuổi ăn, tuổi chơi.
Cuộc đời của người đi ở đợ cơ cực như vậy nên khi lớn lên một chút khoảng 15- 17 tuổi cô đi làm biệt động thành.
Như vậy ngày xưa những cán bộ nằm vùng họ cũng tìm đến những cảnh đời cần lao, cơ nhỡ khổ ải để giác ngộ cách mạng. Ở tuổi cô, mà lại ít được học hành, chưa chắc cô đã hiểu lý tưởng là gì. Nhưng cứ đi làm việc, ít ra cũng thoát được cảnh cực khổ, bó buộc hiện tại. Phần nữa đi tham gia đánh Tây trả thù cho cha và tất nhiên vẫn ước mơ đổi đời. Kháng chiến thành công, đời cô sẽ khác dĩ nhiên cô đã được các cấp chỉ huy của cô hứa hẹn vậy.
Trong đội biệt động thường xuyên hoạt động trong thành phố, cô gặp một đồng đội, hợp tính hợp tình cô chú đi đến kết hôn năm cô bước vào tuổi 23. Chưa đầy một năm, chú bị bắt và giết chết. Cô hàng ngày vẫn bồng đứa con đi làm việc, bồng con nhỏ trên tay, đi lại trong thành phố, cảnh sát quốc gia không để ý. Nhưng có lần cô tải thương về chăm sóc trong nhà 17 người bị thương. Bị lộ, cô bị bắt.
Cảnh sát quốc gia hỏi:
-Chồng làm gì?
- Chồng đi lính biệt kích, chết rồi!
-Sao không đi bước nữa mà nuôi con?
-Bộ ở vậy không nuôi được con sao mà phải đi bước nữa?
Thế rồi có lẽ vì lý do có con nhỏ nên được thả tự do sớm hơn.
Từ đó cô về sống kín đáo hơn nhưng vẫn hoạt động bí mật. Thấy “gái một con”xinh đẹp vậy, đàn ông xung quanh luôn tìm mọi cách tán tỉnh.
Nhưng không! Cô vẫn kiên trinh ở vậy một mình nuôi con. Cô rút kinh nghiệm đời mình khổ rồi, không thể dẫm lên vết xe đổ của mẹ mình. Ở vậy làm mẹ đơn thân để dành trọn tình thương cho con. Hơn nữa cũng vì những trận đòn roi của cha dượng vẫn chưa bao giờ thôi nhức nhối trong tâm thức của cô. Cho đến hôm nay, khi ngồi kể cho tôi nghe khi cô đã thuộc hàng bát thập nhưng kỷ niệm buồn của tuổi thơ cô vẫn không nguôi ám ảnh và mỗi lần nhớ lại vẫn là nỗi sợ hãi và khiếp đảm khi sống chung mái nhà với người cha ghẻ. Bởi vậy mới nói: Người đến sau có thể yêu thương mình chứ không yêu con mình, hiếm có người thương con riêng của vợ hoặc chồng như chính con ruột mình. Có thể có chứ không phải là không. Nhưng thật sự quá hiếm trong cuộc đời này. Ngay cả bản thân tôi sống hơn nửa thế kỷ rồi vẫn thấy từ sự thật hiển hiện ra trước mắt, trong cuộc sống xung quanh hay trong sách vở người xưa đúc kết lại thì thì khó tin để phó thác con mình vào tay kẻ khác.
Sau 1975, cô được vào làm trong ngành lương thực, đi về tỉnh gom lúa gạo về bán phân phối, đôi khi gặp những cảnh đời cơ cực cô cũng làm việc nghĩa, thiện nguyện cứu giúp người ta. Mặc dù cuộc sống của hai mẹ con cô cũng chật vật. Cô nghèo, nhưng vẫn cố cho đứa con trai duy nhất ăn học. Trong xóm người ta cứ nói ra, nói vào: “mẹ mày nghèo vậy mà học hành gì cho lắm chữ!”. Nói riết rồi anh con trai cũng nản nên bảo mẹ là:
- Thôi! Để con nghỉ học kiếm việc làm phụ mẹ.
-Ai nói gì kệ người ta, con cứ lo học cho mẹ.
Thế rồi học xong 12, anh thi đại học, hồi đó ai thi cao điểm thì được cho đi du học không tốn phí. Anh được đi nước ngoài du học 7 năm.
Trở về anh vào làm việc trong ngành thương mại. Từ đây cuộc đời hai mẹ con đã có cuộc sống khác, thoải mái, dễ chịu hơn!
Lại nói về anh con trai, lúc học phổ thông có quen cô bạn học cùng xóm, cùng trường. Một hôm ảnh dắt cổ về nói với mẹ là nhà nhỏ này nghèo lắm! Hoàn cảnh nó cha mẹ sao đó cũng khó khăn, hình như cũng cha ghẻ, mẹ ghẻ gì đó nên nhiều khi không cho nó ăn cơm.
Thế là cô Hai Sâm bảo “con đi học về, hết cơm thì qua đây ăn cơm với bác”. Cô bé không có áo dài trắng mặc đi học, cô Hai Sâm cũng may cho. Anh con trai dặn cô bé là: “Tui đi học 7 năm, ở nhà mà chờ được thì tui về sẽ về cưới”. Ở nhà cổ cứ chạy qua, chạy lại nhà cô hai Sâm, cô cho ăn uống như con cái trong nhà.
Cô Hai Sâm kể là thời cô 18-20 tuổi nghèo, nên khi người cậu bà con mời đi đám cưới mà cậu còn lo ngại là: “Không biết mình mời vậy mà nó có áo quần đẹp mà mặc đi dự cưới không?”
Nào ngờ khi thấy Hai Sâm xuất hiện với bộ áo dài gấm vàng rất đẹp, cổ tay đeo vòng vàng, ông cậu và người nhà há hốc, tròn mắt lên ngạc nhiên hết cỡ. Lễ ăn hỏi, rước dâu, nạp lễ ,..cô diện 3 áo dài lụa mỗi ngày mỗi màu. Hồi bao cấp để mua được một tấm vải đâu dễ gì. Hóa ra cô tiết kiệm dành dụm mà có! Cô tích cóp để dành, tiền ăn sáng cô không ăn, chắt chiu sắm sửa cho mình 3 bộ đồ dài, sắm vòng vàng, túi xách xịn để khi lễ lược có cái mà dùng cho người ta khỏi khinh mình. Dù sinh trưởng trong hoàn cảnh không mấy thuận lợi, nhưng cô đã vượt qua. Mấy mươi năm trôi qua, vận nước thăng trầm đã đi vào lịch sử, chuyện ngày hôm qua đã trở thành chuyện kể. Cô Hai Ngồi ôn lại một thời để nhớ vì bây giờ đã trở thành chuyện cũ. Số phận con người cũng nổi trôi theo vận nước. Và mỗi người đều có cách chọn hướng đi cho mình. Nhưng điều tôi cảm phục nhất là phẩm hạnh kiên trinh, trước biết bao ong bướm vờn quanh khi tuổi đời còn quá trẻ.Thời gian khi đứa con còn nằm trong bụng, hay khi đứa con ra đời còn đỏ hỏn cũng không ít người muốn kê vai vào gánh vác và hứa hẹn đủ điều. Nhưng cô Hai Sâm không xiêu lòng. Vì cô đã trải nghiệm làm con trong trường hợp ấy rồi nên không dễ gì tin lời hứa hẹn của đàn ông. Tấm lòng người mẹ dành cho con đã chiến thắng mọi cám dỗ. Cả tấm lòng thiện lương hay giúp người của cô cũng đáng được nhắc tới. Trong hoàn cảnh mẹ góa con côi, là phụ nữ của gia đình, người mẹ có con, cô biết vén khéo chi tiêu trong gia đình để con vẫn được học hành tới nơi, tới chốn. Hết thời gian du học anh trở về nước làm đám cưới với cô bé ấy, nay đã có một cháu trai. Gia đình sống đầm ấm, hạnh phúc.
Giờ đây đã đến tuổi an hưởng tuổi già, nhìn con cháu sum vầy vậy cũng vui cho một tấm lòng người mẹ đã được đền đáp xứng đáng.
Cầu chúc cô Hai Sâm luôn mạnh giỏi để sống vui bên con chaú. Con cái cũng có cơ hội báo hiếu, bù đắp cho quãng thời gian cô cực nhọc nuôi con.
Sài Gòn ngày 3/6/2023
*(Tên nhân vật đã được thay đổi.)