Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         

tranh của họa sĩ Văn Thơ



MƯA VỀ
CHO CÕI NGƯỜI VUI







K hông hiểu sao người lại ra đi trong một chiều ráng gà.

Người ra đi chẳng nói chẳng rằng. Người ở lại cũng không muốn níu kéo. Họ biết rằng chuyện tình yêu dù cố gắng cũng không thể thành, nếu kéo dài cũng chỉ mất thời gian. Tình trong cảnh ấy chưa đủ để người đi kẻ ở làm nên một bài thơ đượm vị chia phôi. Mà người đời cũng đang túi bụi lo cơm áo gạo tiền mấy ai rảnh rỗi mà đọc thơ với thẩn, có chăng may mắn thì được mấy cô bạn làm cộng tác viên ở đài truyền hình cho lên đọc trên “Câu lạc bộ thơ”. Chưa kể nếu thời lượng phát sóng lặp đi lặp lại để nhằm “phục vụ bà con đã không có thời gian để xem” thì đương nhiên may mắn lại tăng lên gấp bội. Hóa ra trong cái rủi lại có cái may, may cho cả hai bên.

Tạm gọi người ra đi là chàng, người ở lại là nàng để cho tiện kể lại diễn biến câu chuyện.Vì thật ra người kể chuyện cũng vô tình đi ngang qua xóm bên và nghe hai cô hàng xóm, một tóc xoăn, một tóc kiểu ma-nơ-canh túm tụm xì xào về chuyện của kẻ ở - người đi chứ thực hư thế nào cũng chẳng rõ. Nàng là cựu hoa khôi của trường Trung cấp du lịch. Nếu không nhầm thì tháng vừa rồi trường đó mới đề nghị được nâng bậc lên thành cao đẳng mà có khi vài ba năm nữa không bằng lòng lại tiếp tục đề nghị cấp trên nâng thành bậc đại học ấy chứ với lí do khó chối từ “cho tiện khâu đào tạo” . Ừ! Muốn nâng cấp thì dễ chứ có sao đâu, miễn là đủ cơ sở vật chất để đào tạo và đủ cơ sở vật chất bồi dưỡng cho cấp trên. Giáo viên muốn giữ chỗ đứng chân ở lại trường thì nộp đơn xin đi học nâng cao trình độ. Cũng phải chuẩn bị kha khá tiền gọi là đi đến thăm các vị giáo sư đầu hói vì nếu có lỡ chểnh mảng làm bài điều kiện được zê - rô thì nguy cơ học lại như chơi, thế thì ê chề lắm! Thôi, đành chắt chiu mấy đồng lương còm cõi ngậm đắng nuốt bồ hòn vậy. Rồi cũng đâu vào đấy cả mà. Giáo viên thi nhau đi học nên cũng ít có thời gian quan tâm đến sinh viên của mình. Thôi cả thầy và trò cùng cố gắng chứ biết làm sao.

Thời gian cùng cố gắng ấy, nàng và chàng đã có dịp tương phùng rồi yêu nhau và chia tay nhau trong vòng hai năm tròn đúng ngày Cá tháng tư.

Cha mẹ nàng cai quản một cơ ngơi kha khá do thực hiện tốt mô hình VACR trong nông nghiệp. Nàng nhớ có lần vừa mới sáng sớm tinh mơ có ba người vào thẳng nhà. Thì ra họ là người ở đài phát thanh truyền hình huyện. Nàng nhận ra vì cô gái đi đầu mắt ốc nhồi to vẫn thường xuất hiện trên tivi trong mỗi chương trình của huyện để tập đánh vần văn bản đúng hơn là phát thanh viên truyền hình. Nghe đâu cô ta là cháu của phó chủ tịch huyện. Cái Tèo, cu Tẹo nhà bên nếu mà khóc cha mẹ chúng chỉ cần bảo “Cô ốc nhồi kìa!” thì y như rằng chúng đều im thin thít. May mà hôm ấy cô ta đến nhà nàng vào sáng sớm nên lũ trẻ không có dịp được gặp vì chúng đều đi học, chứ nếu không chắc chúng cũng chẳng còn hồn vía mà bén mảng sang nàng để câu chuồn chuồn kim, chuồn chuồn cồ như mọi ngày nữa. Cô ốc nhồi líu lo một câu dài không một dấu chấm “Chúng tôi hân hạnh được biết gia đình bác làm kinh tế theo mô hình VACR rất hiệu quả nên muốn đến phỏng vấn kinh nghiệm để phổ biến cho mọi người và nêu gương cho tất thảy nông dân huyện ta học tập trong chương trình “Ơn đảng trong cuộc sống hôm nay”được không ạ” . Cha nàng bảo “Ừ! Cũng chẳng sao” . Nàng để ý trong suốt buổi phỏng vấn mẹ nàng vẫn lặng thinh và từ chối nói chuyện với lí do bị viêm họng mãn tính. Tối. Ở sau giếng băm củ chuối cho lợn, chợt nàng thấy mẹ khóc. Nàng không hiểu vì sao bởi mẹ nàng vốn ít nói. Nàng chỉ biết đến gần và ôm mẹ, mẹ cười xòa mà rằng “Tủi lắm con à” . Nàng vốn thông minh và cũng thừa sáng dạ để hiểu lời mẹ nói. Lúc sáng, khi cô ốc nhồi nhắc nhủ cha “…khi phát biểu nhờ chú thêm cho cháu câu “Nhờ ơn đảng và chính phủ đã…” thì nàng đã dự cảm một nỗi buồn rồi. Kể từ lúc ấy mẹ hơi khang khác. Mẹ nàng quê gốc xứ Thanh. Mẹ kể ngày xưa khi mẹ bằng tuổi nàng, mấy chị em đã phải tự lo bươn chải kiếm ăn. Có hôm đến bữa chẳng có gì ăn ngoài mấy cọng rau má luộc chấm muối. Mùa hè đã đành chứ mùa đông chẳng có quần áo nên mới chập tối mấy chị em phải lấy rơm vào chất đống lại và chui vào đó ngủ. Bác cả là người vốn cẩn thận và sạch sẽ nên lấy dăm ba tàu lá chuối khô để lên thân người trước khi phủ rơm. Rồi chiến tranh, cậu út đi B ở mặt trận phía Nam và hi sinh. Đến bây giờ mấy chị em đi tìm và liên lạc để tìm hài cốt cậu về chu toàn việc thờ cúng cho người đã khuất nhưng mãi vẫn chưa tìm được. Và ngày cậu nhập ngũ được lấy làm ngày giỗ. Dì ba thì phiêu dạt lên tận Mù Căng Chải. Còn mẹ thì theo một người bạn trong làng vào vùng kinh tế mới trên huyện miền núi phía Tây Nghệ An. Chỉ có bác cả cố gắng bám trụ ở lại để còn chăm lo phần hương hỏa cho ông bà ngoại. Nàng cũng không thể hình dung ông bà ngoại như thế nào rồi hết lời năn nỉ để mẹ kể. Nhưng mẹ chỉ khóc và nói rằng ông bà đã mất khi mẹ mới lên tám tuổi trong vụ đấu tố ruộng đất. Im lặng một lúc, nàng hỏi mẹ “đấu tố ruộng đất là gì hả mẹ?” , mẹ chỉ lắc đầu và bảo rằng “Sau này lớn con sẽ hiểu. Ông bà rất tốt con à! Các nhà cầm quyền đã phạm sai lầm, họ đã xin lỗi, nhưng...” . Nàng càng băn khoăn không hiều. Khi nàng hiểu được thì nỗi đau lại âm ỉ. Nàng thương mẹ. Vết thương đó lại tái phát khi sáng nay cô mắt ốc nhồi gượng ép cha phát ngôn “Nhờ ơn…” . Nhà nàng đủ cái ăn no, mặc ấm như bây giờ cha mẹ và anh chị nàng đã phải nai lưng ra làm, sáng thức dậy khi mặt trời chưa tỏ, tối lụi cụi về mặt trời ngủ lúc nào cũng chẳng hay. Thế thì ơn ai chứ? Có ơn thì ơn con trâu cái cày còn phải nhẽ. “con trâu là đầu cơ nghiệp” ông cố nội ngày xưa nói thế. Hôm nọ con trâu đực đen trướng bụng, cả nhà lo lắng, cha chạy khắp nơi tìm tổ kiến càng về đốt xông cho nó. Cũng may là nó khỏi chứ mất nó là mất một nhân lực quan trọng trong việc đồng áng gia đình. Nàng là con thứ tư trong gia đình, sinh ra vốn bé tẹo lại suốt ngày đau ốm nên hầu như mọi việc lớn nhỏ trong nhà, ai cũng không cho nàng nhúng tay vào. Và thế là nàng lao đầu vào học và học. Nói chung kết quả cũng là học sinh khá. Có lẽ vì tư duy tầm tầm bậc trung nên dù đã cố ra mồ hôi hột cũng thế cả. Rồi củ khoai, hạt mít cũng nuôi nàng vào được Cao đẳng du lịch theo nguyện vọng 2 – nàng cũng chẳng hay cái trường này nó thế nào? Chỉ biết đứa bạn nó rủ làm thì làm theo chứ lúc ấy nàng cũng đang chán. Trượt vỏ chuối nguyện vọng 1 vào Đại học Luật, ước mơ tan biến như đám khói anh đốt sau chuồng bò. Nàng luôn hi vọng sau này thành một luật sư giỏi để hiểu thấu đáo cái sự vì sao người dân quê nàng hàng ngày vẫn vác đơn đi kiện. Đi đâu cũng chẳng hay. Chỉ biết khi về thì chậc lưỡi ngậm ngùi “Con kiến đi kiện củ khoai” . Con số 0,5 điểm đã ám ảnh nàng đến nỗi ngủ nàng cũng mơ thấy nó. Chính nó đã giết chết ước vọng của nàng. Nỗi buồn chồng chất nỗi buồn. Nó chỉ tạm thời chấm một dấu tròn trịa khi nàng gặp chàng vào một buổi tối sinh nhật không nến, không hoa, không quà của cô bạn cùng quê. Chàng con cầu tự của một gia đình có bố làm phó chủ tịch xã Châu Phong, mẹ làm trưởng chi hội phụ nữ xóm. Nói chung tài chính đủ để lo cho chàng một suất vào Trung cấp cảnh sát mà không phải thi. Mà họ biết chắc nếu có thi thì e rằng cũng chẳng đậu nên đành đi tắt cửa sau vậy. Cửa nào mà chẳng là cửa chỉ có điều cửa chính hay cửa phụ mà thôi. Những ngày yêu nhau, mặc bức tường bờ rào Trường trung cấp cảnh sát cao và nhiều dằm chai thủy tinh dắt nhọn bên trên nhưng thỉnh thoảng chàng vẫn trèo ra ngoài, thuê xe đạp phi thẳng đến thăm người yêu. Tấm chân tình của chàng được nàng đón nhận bằng nụ hôn đượm hương vị the mát của Lip- ice chanh. Tình yêu với nàng như một bó hoa nhiều sắc màu, cũng có cánh gãy nát nhưng nhìn chung là đẹp. Nhiều đứa cùng phòng kí túc còn tị nạnh vì những bông hồng to ú ụ không đỏ thì vàng hoặc trắng bạch chàng lạch bạch mang đến dắt lên giá sách. Nói chung chàng hội tụ mọi phẩm chất lãng mạn đến 180 độ, ga lăng hơn cả công tử Bạc Liêu, tâm lý thì không ai bằng…

Tháng trước nghe đâu chàng bảo phải về nhà kê khai lí lịch gia đình để kết nạp Đảng. Đang học mà được đề nghị kết nạp Đảng là một vinh dự lắm chứ. Vinh dự cho cả một họ trừ bố chàng ra chưa ai được kết nạp. Nàng đã làm chàng thay đổi nhanh hơn cả tằm lột kén thành bướm. Kết quả là điểm ba kỳ tung đều trên trung bình. Suất kết nạp Đảng chàng đã ẵm về một cách dễ dàng thêm một chút lộ phí của bố mẹ hằng năm vẫn đến tỏ cái sự tình quý mến thầy cô nhân một dịp nào đó có thể như Tết thiếu nhi chẳng hạn . Nhưng lạ. Từ hôm từ quê xuống, thái độ của chàng với nàng đã khác. Nụ hôn không còn ngọt ngào, say đắm mà nhạt như nước ốc bà Hai móm sau kí túc, lạnh hơn bộ mặt kẻ qua đường. Chàng hỏi “Hình như anh nhớ không nhầm có lần em kể ông bà ngoại ngày xưa bị đấu tố à?” . Nàng gật đầu ngậm ngùi. Chàng bảo “Có lẽ sau này mình khó đến được với nhau em à! Anh là công an mà. Anh bạn cùng phòng với anh yêu một cô gái cùng lớp cấp ba hơn 5 năm nhưng lại phải chia tay vì gia đình cô người yêu theo Đạo Thiên Chúa. Và anh…” Vế tiếp theo của câu nói lấp la lấp lửng là gì nàng thừa đoán ra. Cũng lạ. Nàng không buồn cũng chẳng khóc khi chàng nói thế . Hầu như đàn ông nào chẳng lo sự nghiệp là trên hết. Họ thà bỏ vợ chứ không vì vợ bỏ việc. Điều đó nàng vẫn đọc trên các tạp chí cũ bán nhan nhản ngoài đường. Âu cũng là có duyên nhưng không có phận. Và nàng lại tiếp tục nỗi đau nén lặng như mẹ ngày nào.

Lúc nhập nhoạng tối qua trời mưa to, người kể chuyện vô tình gặp nàng đầu ngõ, đi vào cùng đường vì nàng có hai cô bạn trong lớp là hàng xóm với người kể chuyện. Nàng bẽn lẽn chào, đôi mắt u uất nỗi buồn. Người kể cũng chẳng kịp hỏi thăm tên nàng là gì để viết câu chuyện cho ra đầu ra đuôi,vì thế câu chuyện chưa thể đảm bảo yêu cầu “điển hình hóa” được. Nói gì thì nói nhìn nàng buồn mà thờ ơ cũng không đành. Người kể chuyện nhớ trong sách “Sáng thế kỷ” (Kinh Thánh) kể rằng chúa trời quyết định xóa bỏ loài người vì những tội lỗi họ gây ra bằng một trận đại hồng thủy nhưng lại muốn cứu ông Noal vì ông có đạo đức nên Chúa đã dạy cho ông đóng một con thuyền để tự cứu mình. Trong một truyền thuyết khác của nền văn minh Lưỡng Hà cũng kể rằng vị thần Enki đã cảnh báo vua Ziusudra thành Shuruppak (một triều đại cách đây 5.000-6.000 năm, nay thuộc lãnh thổ Iraq) rằng Thượng đế sẽ tiêu diệt loài người bằng một trận lụt ghê gớm. Thần Enki đã mách cho vua Ziusudra cách đóng một con thuyền lớn, vì thế mà Ziusudra đã thoát nạn sau trận đại hồng thủy kéo dài 7 ngày đêm. Người kể chuyện ước gì có thể gọi thấu trời cho mưa to, mưa thật to để gột rửa bao nỗi buồn uẩn sâu trong đôi mắt đẹp mê hồn ấy. Cũng có thể người kể chuyện sẽ tự tay đóng thuyền cho nàng vượt qua cơn đại hồng thủy nếu có diễm phúc được làm hùng cứu mỹ nhân. Một hình ảnh đẹp đấy chứ? Suốt 54 năm mẹ nàng đã nén lặng nỗi buồn niềm đau và giờ đến lượt nàng. Thử hỏi cõi trần, ai nào có hay? Mưa ơi! Hãy về …cho cõi người vui “Ai đi qua xa vắng để chiều ru một mình – Mười hai năm tỉnh giấc trắng đôi bờ tóc đen?...Ngày mai ta bỏ đi trần gian. Xin trả lại đá tảng nào vô tri chết một đời rêu xanh?”




VVM.06.6.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .