Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      







ÔNG GIÀ GÁC CHIM






Ô ng Hai ngồi chuốt mấy cọng tre làm nan lồng. Cái lồng chim hứa với thằng bé Năm mấy hôm rày mà không có thì giờ làm. Ngồi đong đưa trên võng, tai ông vừa lắng theo tiếng chim hót trên chiếc lồng treo trên đọt ổi gần bên. Chà, con cu “liều” sáng nay coi bộ sung dữ ! Nãy giờ cứ “cúc cu, cúc cu” đều đặn, tiếng nào tiếng nấy cứ chắc nịch, không hụt chút nào. Có lẽ nhờ ăn đậu xanh mấy hôm rày đó. Hôm rồi có tay ở thành phố vô, nài mua, bao nhiêu cũng được, ra vẻ dân biết chơi lắm. Nhưng ông Hai không bán. “không phải chỉ vì con liều rất khó kiếm, mà vì đây là chim tôi tuyển chọn và nuôi từ nhỏ, khôn lắm, mở lồng thả ra chơi biết bay về, không bao giờ lạc đường”. Nhớ đến đây, ông cười tủm tỉm. Cái tay ấy, đã là tay chơi mà còn gạ đổi con “ba cốt” với con “liều” này. Bộ hắn tưởng ông già này là “tay mơ” trong nghề sao vậy ! Cũng chả trách được. Oâng cũng từng mê mẫn như vậy mà, ai thấy chim hiếm chả ham! Như con trao trảo bạc má trên cành bưởi vừa “ríu” một tràng dài như suối chảy róc rách kia kìa, dân trong nghề mà nghe nó hót thật sự là chết mệt liền, trong vắt, lãnh lót hơn cả con chìa vôi bên vách nhà nữa chứ. Đột nhiên ông Hai ngừng tay vót nan, mắt ông nheo nheo như nhìn vào một điểm xa tít mù nào. Ông nhớ thằng bé Năm lẻo đẻo theo ông xin chiếc lồng chim, ông nhớ ánh mắt say mê, cầu khẩn của nó mà như thấy lại chú bé quê mùa nghèo khổ năm xưa. Chú bé chắt chiu từng đồng quà bánh mua từng hạt đậu xanh cho cu cườm, bắt từng con tép chấu cho chìa vôi để nó cất tiếng hót “thật ngọt, thật sung”… Và cái thú chơi chim từ ấy gắn chặt vào người như một cái nghiệp, buồn vui lẫn lộn, may rủi không chừng. Bà vợ ông lúc còn sống thường cằn nhằn “chơi ác vậy mà cứ chơi! Chim trời, cá nước ai bắt bỏ vào lồng nhốt chứ. Chừng ông chết coi chừng chim chóc nó xúm lại rỉa mổ ông cho coi.” Nhớ vợ, ông Hai lại hấp háy đôi mắt. Mấy năm rồi mà hình bóng bà như vẫn còn lẫn quẩn đâu đây. Người phụ nữ chiếm trọn một thời tuổi trẻ của ông, cùng ông trải qua những năm tháng đẹp nhất mà cũng gian khó trùng trùng ấy, làm sao ông quên !
     Con chim cu cườm lại cất tiếng hót trầm trầm “cúc cu, cúc cu…”. Cái nòi cu “liều”là vậy, cứ hót là cả một tràng, thật lâu, nghe cứ buồn não ruột như trở về một thời xưa cũ nào. Ông Hai nhắm mắt, những ngày xa lơ xa lắc lại hiện về, mờ mờ ảo ảo như giấc mơ hằng đêm….
     Thu mình trong cái chòi lá bé tẹo, dựng sơ sài trên một cọc tre già chặt vội trong vườn, chàng trai chăm chắm nhìn ra khoảnh đất rộng gần đó. Tay lưới đã giăng ra, hai cánh lật đều hai bên theo sáu thước chiều dài, con cu đất đang mổ lúa ở giữa rất thản nhiên, trên cây cọc ngắn cột sợi dây lèo chàng trai đang nắm một đầu trong tay đây là con cu chớp đã được may hai mắt, cánh cứ chớp liên hồi bởi chúng đã đựơc cột vào sợi dây gân mảnh đã nhuộm đen để nghi trang, mỗi lần chàng trai giật nhẹ đầu dây bên tay trái là cu chớp cánh. Dĩ nhiên là không thể bay lên được vì đâu có thấy gì . Chưa hết, trên cành cây, trong cái lục (lụp) được che vải kín mít, một con mồi đang cất tiếng gáy đều đều để gọi bạn. Cúc cu, cu ! cúc cu, cu ! Con “một cốt” này mới nuôi mấy tháng nhưng đã dạn dĩ lắm, ra rừng gáy liên hồi, nhờ nó chàng trai đã giật được mấy mẻ lưới đầy rồi. “người tranh danh, chim đua tiếng” mà. Trên vạt ruộng vừa gặt, từng bầy cu hay đáp xuống ăn lúa sót, huống hồ lại nghe tiếng gáy của bạn, lại thấy con cu đất đang bình thản mổ lúa bên dưới, con cu chớp đang chớp cánh như mời mọc.. Thế là, ba bốn con sà xuống, chưa chạm đất, đã “phựt” một tiếng, sợi dây lèo trong tay người giật mạnh, cây cọc giữa ngã xuống, hai tay lưới khép lại, nhanh như một tích tắc. Mấy chú chim đã nằm gọn trong lưới, gả thợ săn chỉ cần mở lưới, bắt từng con bỏ vào lồng…
     Ông Hai mở mắt, cảnh tượng vừa rồi vẫn roi rói trong trí. Vậy mà.. Chàng trai trẻ năm nào đã thành ông già ngoài sáu mươi rồi. Nghĩ đến cái thú chơi công phu từ ngày tuổi trẻ này, đôi lúc ông cũng ray rứt, áy náy. Đúng là ông đã một thời là tay “sát chim” như đám bạn chơi từng gọi. Học gác chim bằng lục với các vị cao tuổi trong nghề, chàng trai mê chơi đã không ngừng tìm tòi, học hỏi từ những tay chơi lão luyện, những tên săn chim để buôn bán nữa. Vì vậy nghề chơi càng lúc càng cao, kinh nghiệm càng dày, riết rồi hể nhắc tới anh Hai, chú Hai Aûnh là dân chơi đều biết. Bạn bè đi dạy cùng trường thường đùa :

Trên đời có bốn thứ ngu
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu

Thằng Hai Ảnh ít gì cũng chiếm được một thứ, mà rất hiển hách nữa chứ! Quả vậy, với tay lưới nghề vừa nói , có lúc một ngày ông giựt được hàng mấy chục con cu cườm, lớp ăn thịt, lớp tuyển lại những con thấy “được được” giữ lại nuôi thành chim bổi, thỉnh thoảng có những con thiệt “chiến” nuôi thành con mồi, đem ra rừng có thể dụ những con khác bay về. Ông Hai chép chép miệng. Nhớ những ngày ấy mà nước miếng bỗng chảy ra. Nghe như cái mùi thơm thơm, cái vị béo ngậy của thịt cu rô ti còn đọng lại trong miệng. Sao mà mấy lúc gần đây những hình ảnh đó hay trở đi trở lại trong đầu ông như vậy. Có lẽ do ông đã trở về mảnh vườn nhà cũ, sống cùng vợ chồng thằng con nên cảnh cũ, vườn xưa nhiều gợi nhớ chăng ?
     Có tiếng thằng con gọi vọng từ trong nhà :
     - Ba ơi, vô ăn cơm !

     Chà, đã trưa rồi sao ? Bận nhớ lại ngày cũ ông Hai dường như quên bẳng giờ giấc. Mà ở miệt vườn, người ta ăn cơm sớm lắm. Mấy ngày mới về lại quê, ông cũng chưa quen, nhưng “Đất lề quê thói” mà. Riết rồi cũng quen lại thôi.
     Bửa cơm thanh đạm, mấy con cá rô phi bắt dưới mương nhà chiên tươi, dầm nước mắm tỏi ớt, dĩa rau lang luộc, ơ thịt ba rọi kho tiêu có lẽ dành riêng cho ông bởi thằng con sợ ba nó quen ăn thịt như khi ở thành phố. Không còn tiếng nói cười của bà vợ, của má thằng Huy, bửa cơm cứ thiếu thiếu, trống vắng thế nào. Cả hai cha con chỉ bàn chuyện dê cúi, chuyện vườn tượt làm ăn, ít có những câu nói đùa, những lời cằn nhằn làm đậm đà không khí gia đình như trước. Cô con dâu cũng cắm cúi ăn rồi lui cui dẹp dọn , chẳng bao giờ tham dự vào câu chuyện giữa hai cha con.
     Đang ăn, thằng Huy bỗng nói :
     - Ba có thiệp mời đi dự họp đó !
     - Hả ?
     - Ba quên rồi sao, 23 Tết năm nào ba chẳng họp lớp.
     À, đúng rồi. Họp mặt đồng môn mà.
     Sau bữa cơm, ông Hai lại ra nằm võng đu đưa. Cả ngày, trừ những lúc mưa dầm hay nắng nóng quá gắt, ông cứ thích ở ngoài này, giăng cái võng dù giữa hai chạc cây toả bóng râm, ông nằm nghe chim hót, nhìn từng chiếc lồng chim treo đầy chung quanh rồi suy nghĩ lan man. Bây giờ cầm tấm thiệp mời trong tay, ông Hai lại nhớ đám bạn cùng lớp, cùng trường Phan Thanh Giản ngày nào, nhớ thời hoa niên của gả trai có cái tên Lê Ảnh một thuở cũng “chọc trời khuấy nước” chứ chẳng chơi. Lại nhớ những ngày lên Sài Gòn ngơ ngơ ngác ngác dưới mái trường sư phạm, bạn bè quen biết khắp nơi, gả trai mất dần mặc cảm “tỉnh lẻ” để hoà nhập vào cuộc sống chững chạc của lớp người lớn làm nghề mô phạm. Những năm tháng yên bình đứng trên bục giảng, truyền thụ kiến thức cho lớp học trò suýt soát tuổi thầy bằng niềm say mê, nhiệt tình của thời mới lớn, hồn lộng gió, mắt sáng trong và đôi tay non nớt cứ như muốn ôm trọn vào lòng mọi thanh sắc cuộc đời. Rồi lệnh tổng động viên như tiếng sét đầu tiên nổ giữa trời quang mây tạnh. Gả trai trẻ không nghĩ mình bị tách rời bục giảng đột ngột đến thế. Hoàn cảnh riêng của gia đình càng khiến gả hụt hẩng hơn. Chẳng phải ba má mong gả vào dạy học để thoát khỏi cảnh “tương tàn” này sao ?
     Má gã thường nói:
     - Cậu Tám mày đã tập kết, dì Bảy cũng vào khu, hai thằng em con dì Bảy lại đang chiến đấu bên kia. Con mà đi lính hoá ra anh em đánh nhau, khổ lắm !
     Mà cũng tại dì Bảy cả thôi. Thằng Trung, thằng Dũng má đã đem về nuôi từ nhỏ, làm khai sanh con má rồi mà dì Bảy còn về bắt đi. Tội nghiệp hai đứa học hành dỡ dang, mới lớp 8, lớp 9 đã vào bộ đội. Bởi vậy gả mất điều kiện con một để được hoãn dịch. Rồi cũng phải đi. Ba năm trời rời bục giảng, làm quen với đời sống xô bồ chốn doanh trại, những cuộc hành quân, cái chết rập rình lơ lửng trên đầu, bia bọt uống tràn chiều, tràn đêm. Đời lính mà, sống chết bất thường, tiền vào đột xuất, có thằng nào tính toán gì, cứ uống say là quên hết. Ấy vậy mà khi được trở về dạy học lại, mừng thì có mừng nhưng mấy ngày đầu cứ vào lớp là mắt nhíp lại, viên phấn cầm trong tay cứ chực rơi xuống đất, phải hàng tháng trời mới quen lại được. Cái mừng nhất sau khi được “biệt phái” về dạy chính là thoát khỏi nỗi thon thót lo sợ có ngày phải anh em đối mặt trên chiến địa .Rồi tin tức đưa về, thằng Trung, đứa em trai kế gả theo khai sinh đã tử trận ở chiến trường miền Đông khốc liệt, cả nhà buồn rũ, má gả đêm đêm lại sụt sùi thương nhớ đứa con trai nuôi từ thuở nằm nôi. Dì Bảy thì đi biệt, chỉ thỉnh thoảng nhắn về cho biết còn sống, thằng Dũng cũng đang chiến đấu chẳng biết ở trận địa nào. Gả cố chui vào cuộc sống gia đình, vợ con để quên cuộc chiến vẫn tiếp diễn . Chút hạnh phúc nhỏ nhoi và đời sống công chức ít nhiều cũng cho cả nhà gả một thoáng bình yên.

     Ông Hai mân mê tấm thiệp, lắc lắc đầu như muốn xua đuổi một thời quá khứ ra khỏi trí nhớ. Nhưng nỗi ray rứt, lo sợ, phập phồng vẫn chưa mất hẳn. Hôm tuần rồi có người bạn đồng nghiệp ghé thăm, chắt lưỡi :
     - Phải hồi đó mày cứ ở lại, giờ nghỉ hưu phải tử tế, đàng hoàng hơn không ? Ai bắt mày phải xin nghỉ nào !

     Ông Hai chỉ cười. Chuyện xưa như trái đất còn nói làm gì. Suy nghĩ, nhận thức của mỗi thời có khác chứ. vả lại, hắn có ở trong hoàn cảnh giống mình đâu mà biết. Ừ, mà mình có “cực đoan” lắm không khi quyết định “nghỉ hưu non” về chăn dê, chăn lợn nuôi con ? Ông nhớ ông đã an ủi vợ :
     - Anh chỉ là thày giáo, lương ba cọc ba đồng thôi mà. Có nghỉ cũng là để xoay sở bên ngoài, cải thiện đời sống gia đình mình tốt hơn. Mình em đi làm được rồi. Cốt là lo được cho con học hành…
     Dĩ nhiên là vợ ông buồn lắm nhưng lý lẽ ông đưa ra đầy sức thuyết phục nên bà cũng thôi. Đôi lúc bà cũng cằn nhằn :
     - Phải lúc mới đi học tập về, anh nói dì Bảy chứng cho cái giấy…Nếu thấy cần làm thì dì Bảy đã làm rồi. Với lại má anh nuôi cháu làm con đâu phải chờ trả ơn.
     Mà quả là dì Bảy không hề ghé lại nhà lần nào nữa trừ cái lần duy nhất sau ngày giải phóng. Dì tạt qua cho hay thằng Dũng cũng đã hi sinh, xác chưa tìm thấy, rồi vội vội vàng vàng đi ngay, từ đó mất biệt đến hằng năm trời, chắc là dì bận bịu công tác dữ lắm. Thật tội nghiệp cho dì, cả hai đứa con đều hi sinh , chắc dì cũng chẳng muốn nhìn mặt thằng cháu còn sống sót sau cuộc chiến, lại thêm nó từng đi lính ngụy nữa. Bản thân gả cháu này cũng không muốn gặp dì, bởi sự mất mát hai thằng em trai bạn dì mà gả vẫn coi như em ruột lớn quá, đau đớn quá, đến nỗi dẫu trong trí biết nó chết vì nước mà gả vẫn thấy hụt hẩng, thấy tận thâm tâm như có chút giận ghét, trách móc đối với mẹ chúng, người đã bứt rời hai đứa em ra khỏi gia đình mình.
     Có tiếng chìa vôi hót lảnh lót trên cao, ông Hai đưa mình ra khỏi hồi ức, ngước nhìn lên. Buổi trưa, trời xanh thật xanh, mây trắng quến thành từng đám hứa hẹn một ngày nắng suốt. Con mương nhỏ mùa này nước cạn gần tới đáy, mấy con cá rô phi nuôi thả bơi lờ đờ, con nào cũng đang sức lớn. Hôm ông ra thành phố, nhậu vài ly đế với tên bạn đồng nghiệp cũ mới nghỉ hưu, hắn khoe :
     - Lương hưu lúc này cũng đỡ lắm, một mình tự sống được, nhờ đủ thâm niên mà!
     Câu nói vô tâm thôi mà sao ông thấy hơi chạnh lòng. Bạn ông không có lỗi gì, chỉ tại ông Hai nhớ về những gương mặt cũ, về thế thái nhân tình trong một thời “thay đổi sơn hà” ấy thôi. Điều buồn cười và khó hiểu là sau thời gian gần 6 tháng ông học tập cải tạo trở về, được lưu dụng rồi đi dạy lại, nhiều người quen cũ bỗng trở nên lạ hoắc. Có người mới cùng giảng dạy với ông dưới một mái trường đột nhiên là dân “hoạt động nội thành”, có người là “cơ sở cách mạng”, là thành viên ban “trí vận” hay “dân vận” gì đó . Thậm chí có những người vừa ngồi quán cà phê tán dóc với ông đủ mọi chuyện trên trời dưới đất cũng có lý lịch kháng chiến (?). Dường như có người quên bẳng mình từng quen biết ông nên trong câu chuyện, cứ khoe về những công tác bí mật, những việc làm nguy hiểm của chính họ trong thời gian vừa qua… Đáp lại những câu chuyện rôm rả trên, lúc đó ông Hai chỉ cười cười, không tỏ thái độ gì. Thực thì lòng gả thày giáo trẻ kia đang nơm nớp lo sợ. Biết khi nào mình bị sa thải, bị buộc thôi việc vì “lý lịch” đây ? Ngày ngày đứng lớp nhìn đám học trò bên dưới, gả cũng thấy như mình đang giảng bài lần cuối. Ngày ngày, gả nhìn bảng đen, nhìn bàn ghế trong lớp học mà lưu luyến bịn rịn nghĩ đến lúc phải rời xa..
     Vậy mà, cuối cùng người thày giáo cũng phải giã từ bục giảng, giã từ bảng đen phấn trắng. Không phải bị sa thải vì “lý lịch” mà vì những thứ vụn vặt đời thường. Bây giờ nghĩ lại ông Hai vẫn nao nao buồn. Những năm tháng ấy mới khó khăn làm sao ! Túng ngặt về vật chất đã đành, khó khăn chung mà, mọi người như nhau thì chịu đựng cũng được thôi. Nhưng cái khó , cái hẹp của lòng người lại càng đè nặng tâm hồn hơn. Sau một thời gian dài, hình như hơn mười năm thì phải, lần tranh cãi với vị thủ trưởng về phương thức làm việc đã như giọt nước cuối cùng làm tràn ly, ông Hai đành xin nghỉ hưu, lý do sức khoẻ yếu, không đủ sức giảng dạy. Và nguyện vọng ấy được chấp thuận nhanh chóng , ông được lãnh một số tiền trọn gói đủ làm vốn nuôi mấy con dê sữa trước nhà. Cả nhà đều tin rằng ông xin ra ngoài để giải quyết cái thắt ngặt của cơm áo. Vợ ông rất buồn nhưng dần dần cũng nguôi ngoai bởi kinh tế gia đình có khấm khá hơn nhờ những xị sữa dê bỏ mối hằng ngày. Hai đứa con cũng đỡ nơm nớp khi đến ngày đóng tiền học thêm… Có lẽ chỉ có ông, người trong cuộc mới cảm nhận được nỗi khổ tâm nén chặt trong lòng mình. Chỉ có ông mới biết đêm dài lê thê thế nào qua những vòng khói thuốc quyện tròn bay lên từng đêm, từng đêm. Gần ba mươi năm, viên phấn trong tay, học trò trước mặt, những đôi mắt lấp lánh, tròn xoe ngước lên tin cậy, yêu thương, làm sao quên ! Bao nhiêu lời tự an ủi, tự huyễn hoặc mình cũng không sao xoá được nổi đau của người thày giáo vốn coi ngôi trường là mái nhà thứ hai của mình. Nhưng cuộc sống đâu chỉ là lớp học, là bục giảng, là chuyện thày trò ! Còn hằng hà sa số thứ khác, nó chẳng dính gì vào chuyện dạy chữ, dạy người mà vẫn làm nghiêng ngửa lòng người, làm lao đao từng số phận con người…

     Bây giờ thì ông Hai đã gần như quên lãng chuyện xưa rồi. Gần hai mươi năm trời còn gì. Chỉ thỉnh thoảng những lúc như hôm nay, kỷ niệm mới trở về làm rối lòng ông một chút vậy thôi. Dù sao trong lòng ông càng về lâu về dài càng cảm thấy an tâm. Cuộc sống tuy vẫn còn thanh bạch, không nhà lầu xe hơi như những ai kia nhưng ông vẫn còn được an ủi rằng năm xưa mình đã không phải “dựa dẫm” vào ai để sống còn, để nuôi con ăn học thành người. Đứa con gái lớn ra trường đi dạy trong thành phố, cũng giỏi giang, cũng “đứng” vững trong nghề, cũng hết lòng gắn bó với trường lớp. Thằng con trai có vẻ rắc rối hơn, sau thời gian ngắn làm việc ở một công ty tư đã xin nghỉ, về chăm lo mảnh vườn nhà, phát triển chăn nuôi như cha nó. Thằng nhỏ rất dứt khoát :
     - Giờ cách sống khác rồi. Ba đừng băn khoăn, lo nghĩ gì. Không chỉ có đi làm công mới sống được đâu. Con có đôi tay , có cái đầu, cứ để con tự làm chủ lấy mình xem !
     Và mấy năm nay dường như nó cũng đã chứng tỏ được mình. Công việc vườn tược, chăn nuôi của nó bắt đầu có thành tựu chút ít, may ra rồi cũng nuôi sống được vợ con. Đôi lúc nghĩ về thằng con mà ông đặt nhiều hi vọng, ông cứ thấy buồn buồn, như có vết dằm nằm trong tim, không lấy ra được. Có lẽ từ cuộc đời “Bất đắc chí” của ông mà nó suy nghĩ vậy chăng ? Hay thực sự là quan điểm sống ngày nay đã thay đổi như lời thằng Huy, con ông từng nói. Thời kinh tế thị trường mà, cơ hội chỉ đến cho những người dám nghĩ, dám làm, tự tìm tòi vươn lên chứ không theo những nẻo mòn , những đường cũ nữa đâu. Mong sao thằng con ông nói đúng để ông đỡ ray rứt hơn. Đọc báo, xem đài ông cũng thấy nơi này nơi khác có những lớp trẻ nông thôn đã biết vận dụng trí tuệ, óc sáng tạo để “ăn nên làm ra”, có khi làm thay đổi diện mạo, đời sống cả một vùng đất. Có cả những “làng triệu phú trẻ” ngay trong quê nhà nữa ấy chứ. Chao ôi, có phải mình lạc hậu lắm rồi sao ? Những định kiến bảo thủ khiến mình không hiểu được cả ước muốn của đứa con vẫn lẻo đẻo theo cha suốt thời niên thiếu đó ư ? Thằng con ông rồi sẽ đạt được gì với niềm tin của nó, “cái đầu hiểu biết của người nông dân sẽ giúp họ vượt khỏi những lề thói cũ, vượt khỏi lũy tre làng để vươn lên trong xu thế đất nước” được không ?


Buổi sáng sớm, ánh nắng vừa nghiêng nghiêng trên cành bưởi trong vườn, ông Hai đã ra chái lá sau vườn, nơi treo gần chục chiếc lồng chim lủ khủ. Nhẹ tay lấy xuống từng lồng, ông nhìn ngắm thật kỹ từng con,rồi cũng nhẹ nhàng như thế, ông mở cửa lồng, tung lên trời từng con chim cu cườm, chim chìa vôi, trao trảo.
     Bay đi con, bay về khoảng trời tự do của bọn mày đi. Tiếng hót không còn bị nhốt trong lồng chắc sẽ thanh thao hơn, lảnh lót hơn. Bay đi, bay cho đúng đường nhé. Đừng để bọn thợ săn nó tìm thấy, nó bắn chết chứ không đem về nuôi như tao đâu. Bay đi !
     Mấy con chim mới ra khỏi chuồng ngơ ngác, đậu lại cành cây gần đó như thăm dò, một lát, một con bay lên, rồi hai con, ba con…những đôi cánh mới đầu còn chấp chới, rồi nhịp nhàng, nhịp nhàng cất lên, hạ xuống. Thoáng cái, chỉ còn lại hai con cu cườm đứng “bo” liên tục trên nhánh ổi. Đó là mấy con mồi cũ, vẫn bay ra bay vào lồng, chúng như những đứa con cưng của “ông già gác chim”, biết bay chơi quanh vườn, nghe huýt gió là bay về. Ông Hai nhìn theo từng cánh chim bay xa dần, xa dần, lòng nhẹ nhỏm. Thôi từ đây không còn”ông già gác chim” nữa, ông chỉ bầu bạn với hai con chim cưng và tiếng hót của các lòai chim thôi. Những tiếng hót ngoài lồng, những cánh chim muôn phương ghé lại thả xuống từng giọt thanh âm trong vắt làm ấm lòng ông già một đời say đắm với chim chóc, một đời tội nợ với thú chơi.
     Hình như phải đến gần ba mươi năm, ông Hai mới nhận rõ chính mình, nhận ra con đường phải đi, phải sống của người trí thức như ông. Không giống như kẻ Sĩ ngày xưa “xuất xử thường hai lối” * trong khuôn khổ Nho giáo, ông đã một đời lấn cấn giữa hai lối sống, nửa muốn “nhập cuộc”, nửa lại sợ hãi, hoài nghi, để rồi đành chọn cách rút lui như chọn thái độ “minh triết bảo thân” mà không biết rằng mình đang sống thời hiện đại. Sau hơn ba mươi năm, hình như ông như mới hiểu được bản thân tới tận ngóc ngách tâm hồn. Và hình như nhờ vậy những gút mắc trong lòng được cởi bỏ , những nghi ngại cũng tan dần. Từ sự chọn lựa cách sống của thằng con trai, ông Hai dần dần ra khỏi con đường mòn hiu quạnh của mình . Giống như những con chim ông vừa thả sáng nay, chúng đang tự do bay lượn, dâng tiếng hót du dương trầm bổng cho đời, trong lòng ông hiện giờ cũng tràn ngập những nốt nhạc vui, dù hình ảnh “ông già gác chim” từ nay sẽ mờ dần, mờ dần…
     Ông Hai lại nhìn lên trời. Hình như xa tít chân trời, vẫn thấp thoáng một vài cánh chim nhịp nhàng đập cánh . Hay đó chỉ là do ông tưởng tượng ra ?
     Bay đi! Cứ bay đi các con. Cứ soãi hết cánh mà bay. Trời mênh mông vô tận, cứ thoải mái mà bay , thỏa mái mà hót !

     Trên nhánh ổi, hai con cu mồi chợt cất tiếng hót một tràng, giòn giã , xốn xang : Cúc cu, cu! Cúc cu, cu!…

* Xuất, Xử : Theo quan điểm Nho giáo “xuất “ tức ra đời hành động ; “xử” là trở về sống nhàn . Kẻ sĩ ngày xưa cho rằng nếu không giúp đời được thì lui về sống nhàn, coi đó là thái độ “Minh triết bảo thân” .




VVM.31.5.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .