Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



ĐẤT ĐAI MỒ MẢ



     K hông biết bạn có tin về những việc phức tạp, liên quan đến mồ mả đất cát không. Ngay khu tôi ở đã gần thế kỷ, xảy ra một chuyện thật khó lí giải.

Ngày ấy, tôi còn bé cũng biết khu đất hoang phía rìa làng chỉ để cỏ mọc hay chó quần. Thỉnh thoảng, người ta xua trâu, thả cho nó đủng đỉnh nhai cỏ chờ vài ba tiếng sau, dắt về. Đôi khi, cần châu chấu làm mồi câu cá rô, chúng tôi mới ào ào kéo nhau ra, vồ bắt một lúc. Cỏ ngập đầu gối. Nước lúc nào cũng xâm xấp, ươn ướt.

Khi lớn lên, vào công nhân bận bịu túi bụi, tôi không để ý nữa. Đất ấy vô chủ suốt mấy chục năm. Người ta từ đâu đến, quây lấy, dựng nhà. Khi ngôi nhà đầu tiên cất lên, lợp bằng rạ cắt ngoài đồng. Chả mấy ngạc nhiên vì trong chiến tranh, bom đạn ầm ầm, ai nghĩ an toàn chỗ nào thì đào hố xây hầm tránh núp. Căn hầm mới quan trọng vì nó gìn giữ tính mạng mình. Chủ nhà ở đấy dăm ba năm. Đất nước thống nhất, ông ta vừa bán vừa cho người mới đến. Chú Dưng dân quê ra mỏ làm thợ ở khu tập thể, chuẩn bị lấy vợ. Được người quen biết giới thiệu, cả hai bên mua bán chóng vánh xong xuôi như người ta nói thời gian vừa đủ giập miếng trầu.

Hôm sau, chú nghỉ phép, sửa sang nhà cửa. Nước nôi lênh láng suốt. Tiếng cãi nhau, tiếng gắt gỏng nhặng xị. Sau nửa tháng, ngôi nhà mới, mái lợp gianh tre. Tường quét vôi trắng toát. Chúng tôi thường qua lại, tiện thì nhìn nhưng chưa từng vào quan sát kỹ càng ngôi nhà ấy.

Hai vợ chồng mới ở cùng nhau được hơn năm. Đã thấy những chiếc tã trắng tã xanh phấp phới trên dây phơi. Bà tôi qua lại luôn luôn, làm giúp những việc của phụ nữ. Chú Dưng ít tuổi, coi nhà tôi là thân tình. Chỗ quen biết xóm láng, cậy nhờ lẫn nhau là chuyện thường. Tình nghĩa cũng đậm đà thắm thiết.

Chú quê Ninh Bình, làm thợ gò đã ba năm. Trong nhà, bất cứ vật dụng gì dùng để đựng cũng được chú dùng tôn gò lấy. Cái hòm đựng quần áo, cái tủ đựng sổ sách, cái xô chứa nước, cái chậu rửa bát, cái chậu giặt, cái ca, cái cốc… đều từ tay chú và vật liệu công trường mà ra. Vợ chú tên Toàn, chỉ làm hợp tác xã muối. Muối làm ra nộp vào nhà nước, rẻ như cho, hai ba tháng chưa thấy thanh toán. Vợ chồng đều chăm chỉ nhưng tiền thiếu, thêm cặp vụn vặt mới tạm đủ chi dùng. Mọi thứ trông vào cái chuồng gà gần chục con. Họ dự tính đến Tết sẽ mang ra chợ, bán lấy tiền sắm sửa.

Buổi sáng hôm ấy, Toàn mở cửa chuồng không thấy gà bay ra. Cô đưa tay vào khoắng khoắng rồi ngã ra khi vừa kịp kêu một tiếng. Mọi người chạy đến, đưa lên viện cấp cứu nhưng không qua được. Chắc khi khùa tay vào chuồng gà, cô bị con rắn hổ mang chúa dài khoảng ba mét bất ngờ cắn một phát vào cườm tay. Mọi người vội vàng lăng xăng hò hét trong lúc con rắn từ từ trườn xuống khe suối mất.

Bà tôi lại giúp đỡ chú trông giữ đứa con gái mồ côi mẹ ấy. Cơm ngoặm cơm nguội dần dà nuôi nó sống qua ngày. Khi nó được ba tuổi nghe bà tôi giục giã, chú Dưng lấy người vợ kế. Cô Thao vừa làm vợ vừa nuôi con chồng qua nỗi ngặt nghèo. Cuộc sống khó khăn, không làm mỏ nhưng đầu mom cuối bãi chỗ nào cũng có dấu chân cô. Khi con gái đầu lên mười, cô gái thứ hai lên sáu, Thao lại đang chửa đứa sau. Do làm lụng vất vả, ăn uống thất thường, đội mặc phong phanh trong giá rét, cô bị cảm lạnh, ngất đi. Vào viện, đứa con trong thai mất. Thao mang di chứng hen suyễn. Mỗi khi tái phát là bao nhiêu tiền đi theo. Sau này nhờ người mách bảo, cô mang trồng quanh rào loại cà độc dược. Hoa nở trắng như những cái kèn bọn trẻ con chơi. Cô mang phơi khô những bông hoa ấy cất vào một chỗ. Khi cơn hen dội lên không thở được, Thao ngậm một đầu, đầu kia châm lửa bập bập hút vài hơi, nhả khói chờ cơ thể bình thường trở lại. Do bệnh tật thế, việc làm lụng bãi bờ, vũng mom không còn xông pha được như trước. Thu nhập trong nhà bập bềnh, chủ yếu trông vào Dưng. Anh là thợ giỏi. Giỏi trong công việc và giỏi thu vén nhà cửa. Làm ăn chân chỉ, thỉnh thoảng nhặt mảnh tôn, miếng sắt về nhà gò đập thì dù cố thế nào cũng khó nuôi tươm tất cả bốn miệng ăn. Chú vẫn cặm cụi, mơ tưởng đến ngày huy hoàng vu vơ nào đó.

Sáng hôm ấy, sau đêm mưa rét, Thao thấy người khó thở. Cô cầm nón ra hiên nhà rút chỗ bông cà phơi khô vắt trên cái đinh đóng ngoài bờ tường xuống. Khi đứa con gái thứ học lớp hai thức dậy chạy ra, đã thấy mẹ nằm úp mặt vào vũng nước mưa đêm.

Người ta khó mà khổ đau đến chết được. Dưng lấy tiếp cô vợ mới. Cô này ngày bé đi nhặt bông le cỏ chít sao đó, bị lăn xuống hố thăm dò địa chất. Khi người ta gọi tìm, thắp cả đuốc soi đêm mới thấy, cứu lên. Cô thành ngơ ngơ ngác ngác, sống với vợ chồng anh trai. Người anh trai làm cùng với Dưng. Thấy hoàn cảnh ấy, anh vun đắp Dưng với em gái mình. Thôi thì nồi nào vung nấy. Lấy Dưng biết là vất vả, Làn, em gái mình dù sao cũng có tấm chồng. Một người sống vô vàn khó khăn cần sự giúp đỡ gặp ngay người đang cần đũa có đôi. Họ đồng ý ở với nhau ngay sau vài lần gặp gỡ.

Làn về nhà chồng cũng không vất vả nhưng bận lắm. Cơm nước, giặt giũ cho chồng con. Đứa con gái lớn đã vào Trung học Phổ thông. Nó bận học, bận chơi, đàn đúm tối ngày. Đứa thứ hai đã hết cấp Tiểu học. Làn phải làm việc luôn tay nhưng công việc đã quen, chỉ không ra tiền. Tất cả đều trông vào tiền lương bậc bảy của Dưng. Năm trước năm sau, đứa con gái thứ ba ra đời. Cuộc đời quẩn quanh với những lo toan vụn vặt mà hở ra là tai ách, dồn dập ập xuống.

Đến khi về hưu, mảnh đất của vợ chồng Dưng người ta quy hoạch gần một nửa. Số tiền đền bù cộng với tiền tích cóp được, họ xây ngôi nhà hai tầng

Vừa xây xong tầng thứ nhất chờ lên tầng thứ hai, một tay kỹ thuật đến xem độ cứng của bê tông, đi đứng thế nào lộn xuống. Cấp cứu sau ba ngày mới chết. Dưng mặt méo như như bị rách. Tiền chắt chiu mấy mươi năm đổ ra ồng ộc. Ngôi nhà bị bỏ dở không biết đến đời kiếp nào mới xây tiếp được.

Đứa con đầu lấy chồng. Chồng nó làm địa chất nay đây mai đó. Nghe đâu, chúng kéo nhau về Do Nhân - Tân Lạc nơi chó ăn đá gà ăn sỏi thuộc tỉnh Hòa Bình. Ba năm sau, đứa thứ hai lại lấy một tay cửu vạn quê mãi tận Nghệ An. Chúng ở cùng nhà bố có một đêm rồi đi mải miết. Không rõ vợ chồng con cái khó khăn ra sao, năm năm rồi chưa thấy quay trở lại.

Dưng cũng là tay chịu khó và chí thú. Hắn coi chỗ tôi là nơi thân thiết như ruột thịt mới kể:

- Bác ơi! Khốn cùng như em là tận chứ gì? Ba đời vợ, ba đứa con, tưởng nương nhờ chúng mà trời đọa đày khổ sở. Người ta nói có số. Bác không tin thì tùy nhưng em thấy đúng. Quê em có ông thày bói mù. Cải cách ruộng đất, ông bị bắt cùm trói ngoài cửa đình. Chả ai cơm nước cho ông, kẻ đã gieo rắc mê tín dị đoan, lừa làng dối xã kiếm ăn trên mồ hôi nước mắt người dân khốn khó. Ông gục lả đi, không biết gì. Một bà cụ già trong làng thương xót, cầm miếng cháy bé bằng ba ngón tay đem đưa cho ông. Ông ăn xong, nói bà ngồi đây, tôi bói cho một quẻ. Bà cụ sợ chạy mất. May đấy chứ không bị coi là dung túng thương xót bọn bóc lột còn bị khổ, dây dưa đến cả người thân.

Bà ấy là thím em. Hồi còn bé, em sống ở nhà bà. Bà nghe ông ta nói, đứa bé này, nhân từ đức độ đấy nhưng kiếp trước nó nghịch ác, hàng chục năm đạp lên ruộng mạ, chạy trên đống ngói chuẩn bị đưa vào lò, phá hoại công sức người ta. Kiếp này nó khổ, suốt đời va vấp vạ vật. Tương lai thì mù mịt, không có gì đâu. Bà không nói, giữ trong dạ. Mãi tới ngày dân chúng đều coi bói toán là nhảm nhí và em xa nhà đi làm công nhân, bà thím mang ra, kể như kể một câu chuyện vui. Chuyện vui chả ai nhớ nhưng lưu dấu ấn trong em. Càng ngẫm càng thấy… Những cái qua thời gian đập phá, đẽo gọt vẫn còn, phải có lí do gì để nó tồn tại chứ. Đúng không bác!

- Em khổ lắm chứ bác tưởng. Làm lụng, chắt bóp đến lòi tù và ra. Ngày tết, mọi người nổ pháo vang trời, điện thắp sáng hơn ban ngày. Em tắt đèn cho đỡ tốn, đưa mấy đứa con gái lên nóc tầng một, chỉ cho con xem những vệt pháo mới bắn. Vợ chồng cùng con hò reo, chỉ cho nhau như phát hiện ra những khối pháo nở bung. Em cười mà ruột gan như muối xát. Làm bố mà không lo nổi cho các con để chúng thiếu thốn đủ thứ.

Khi nhà nước cấm đốt pháo, em mừng như hóa rồ, như người bỗng dưng được thưởng lớn vì con cái không thắc thỏm, không ngại vì nhà người ta pháo nổ vang lừng còn nhà mình như chùa bà Đanh.

Tết nhất, nhà nhà chung quanh thức ăn bừa bộn, người ra vào nhộn nhịp. Nhà cửa mình vắng tanh. Em sợ lắm. Lo được năm tấm bánh chưng, hai cái đưa lên ban thờ, ba cái giành cho ba bữa: Sáng chiều mồng một, mồng hai. Một nồi thịt đông. Chiều mồng hai hóa vàng có thêm con gà là qua tết. Người nhà quê ra chơi, em sợ như bị mất cắp. Bà thím từ quê, lặn lội ra thăm có một lần. Chiều tới, sáng hôm sau về. Bác nghĩ có tội không? Anh em làng xóm sướng lên, kéo nhau đi ăn sáng. Bác rủ em, em không dám đi. Nói vừa uống thuốc hoặc bị đau nơi này nơi khác mà thực ra đau tiền. Mình ăn nay, ăn mai nhưng làm sao, có đâu mà ăn mãi. Miếng ăn quá khẩu thành tàn. Bụng đói ngậm cái tăm ra ngõ, ai biết mình chưa ăn? Nói thật, em cũng tằn tiện, gửi ngân hàng được trăm rồi. Sắp tới, sửa sang lại nhà cho đỡ tủi. Ăn dụm để dành rồi có ngày cũng phải khá chứ bác?

Đứa con gái thứ ba bắt đầu vào lớp bốn. Dưng chưa biết đi xe đạp nhưng mua cái xe đạp mới, tạo điều kiện cho con gái học hành. Bạn bè được mười, con mình cũng phải được một. Dưng mua tôn gò thùng, gò chậu nhưng không am hiểu, nắm bắt thị trường. Đồ của Dưng làm ra tuy bền nhưng không đẹp lại nặng. Cầm đồ ngoài chợ vừa rẻ vừa nhẹ vừa đẹp lại vừa nhanh. Họ vẫn mua của Dưng nhưng vì thương xót. Chú lại khái tính, không mấy người biết hoàn cảnh của Dưng.


Làm lụng như thế, đôi khi đứng lên loạng choạng mãi mới bước được đi. Rồi ngực đau, chân tay rời rã. Người sút cân nhanh chóng. Từ bảy mươi cân sau một tháng còn sáu ba. Nhiều người khuyên Dưng đi khám. Nấn ná hơn tháng, cân lại, Dưng còn năm tám cân. Không đừng được nữa, Làn đưa chồng lên bệnh viện thị xã. Bệnh viện thị xã khám xét qua quýt rồi giữ bệnh nhân, không chuyển lên tuyến trên. Kiên nhẫn đòi hỏi mãi, hai tuần sau, Dưng được chuyển lên Bệnh viện tỉnh. Lại đấu tranh mãi, Làn mới đưa được chồng lên bệnh viện K. Hà Nội.

Qua bao nhiêu cửa là bấy nhiêu tiền mà cửa nào cũng dăng dày khẩu hiệu kiên quyết không nhận tiền bệnh nhân trái quy định. Lấy kết quả xét nghiệm, Dương suy sụp hẳn. Anh Làn lên thăm, khuyên em rể cố gắng, yên tâm điều trị và cho em ba chục triệu. Thuê nhà tươm tươm để ở cũng ngót ba trăm ngàn một ngày chứ ung thư phổi không thể chen chúc ngột ngạt được. Mấy người cùng bệnh, đùm bọc lấy nhau, ở chung. Giá vẫn còn trăm ngàn một người.

Làn không thể ở cùng trong phòng ấy. Ba người bệnh nằm. Một người lành luân phiên trông cả, có gì thì gọi nhau. Những người khác tản mát quanh đấy trong lo toan thường trực. Làn thiểu não ngồi bệt bên gốc cây cạnh quán nước. Một người khách đứng dậy trả tiền cho chủ hàng, trố mắt nhìn chị một thoáng rồi vẫy tay:

- Này! Tôi bảo thật. Thấy chị thì tôi mau mồm nói thôi. Chị đang ở trên đất nghịch. Khoảng mươi mười năm là mất một người. Muốn thoát phải cầu cúng. Thuê thày chỉ tốn kém không làm nổi đâu. Sư thì may ra. Chị cũng đang khó khăn. Tôi bảo thật, nhờ sư cầu cho, may ra phúc phận thế nào mới thoát nổi!

Nói rồi, người ấy rảo chân đi luôn. Quá bất ngờ, Làn nhìn theo rồi mới ớ ra. Hai ngày sau, bệnh viện cho Dưng ra, kết thúc một đợt điều trị. Vợ dìu chồng về nhà. Làn bỗng nhiên tỉnh táo hẳn. Cô tất tả sang ngay nhà tôi:

- Chuyện như vậy, anh bảo em phải làm sao? Bây giờ, nhờ sư lập ba đàn cũng hết hai mươi lăm triệu. Nhà em nằm viện, số tiền dành dụm để làm nhà sắp hết rồi!

Tôi nói với Làn mà thấy như nói với khoảng không vô vọng:

- Kinh tế thì như thế! Anh chỉ sợ cúng xong vẫn không khỏi thì làm thế nào?


Mưa phùn rơi rao rao như tưới. Trời bắt đầu sang hè. Ở vùng than quê tôi, mưa phùn báo cho các cụ già rằng mùa giá rét, mùa chết sắp qua rồi. Nắng sẽ bật vàng trên những chồi biếc đồng loạt căng lên kia.




VVM.19.5.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .