Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



HOA ĐÀO NĂM NGOÁI



Xin được phép tặng bạn H. ở Stockton như lời cảm ơn.

(Thế Phong)

KHÉP .


S au năm năm sang Huê Kỳ, Thủy trở về thăm chị, cháu còn ở quê nhà; tiện thể ăn một cái Tết quê hương. Buổi sáng ở phi trường Tân Sơn Nhất thật đẹp. Trời không nắng, gió se lạnh, nắng gián đoạn; không khí hơi ẩm thấp như mùa thu Hà Nội (mặc dầu chưa một lần nàng biết Hà Nội, nhưng đọc qua sách vở và nghe chồng kể). Thủy như nhớ lại hết khoảng dĩ vãng dài biến động. Đinh Bù Loong, tên người khách của vũ trường Tự Do; của tay anh dài ôm đầu nàng lọt thỏm qua những đêm lạnh ở Dalat; đến những buổi khiêu vũ cuồng nhiệt ở Night Club, Tulipe. Mỏ vàng ở Phi Nôm cũng chỉ là bọt bèo, và nàng nhớ lại T3 nhìn lán trại trơ khấc đất đỏ ba-dan đào lên như núi, chẳng gặp quý kim - anh ta nói một cách văn chương với Đinh: “Ông ạ, chúng ta là nhân vật truyện của nhà văn Lỗ Mã Ni di cư sang Pháp, học và viết được tiếng Pháp; đi lượm bọt bèo trong tác phẩm Le Pêcheur d'Éponge. Chỉ khác là bọt bèo của chúng ta ở trên đồi Phi Nôm, chứ không ở dưới biển như của tác giả.” Và Thủy đành trở về Sàigòn với đứa con trai mụ mẫm trên tay. Người lên đón nàng là T6 và Tối Văn Sáng. Bây giờ nàng có ba trai một gái với chồng. Bỗng nhiên nàng nhớ lần nàng sinh con gái, khi vợ chồng Tối Văn Sáng vào thăm, anh ta ngượng với Thủy - bởi anh cho rằng không bao giờ T6 có thể tạo cho vợ mình sinh con gái. Sáng còn nói đùa khi bế bé trên tay: “Xem con gái này có giống bố nhiều không nào?”
     Anh ta nói vậy, như là những đám mây trôi, khí huyết lai tạo con gái nàng; cứ như là không phải của T6.

Trong đám người đón lô nhô ở sân bay, có nhiều người cầm một chiếc bảng. Bảng này có hàng chữ Welcome Mrs. T.M Johnson, bảng kia có hàng chữ: Chào đón: Ông Chủ, Houi Sang, nàng chưa thấy bảng nào mang tên Welcome Thủy, như cháu nàng cho biết cứ nhìn thấy tấm bảng này là cháu ra đón dì đây. Dì và cháu chỉ mấy năm thôi, cũng sợ chưa nhận nổi ra nhau.

‘Cô Thủy, cháu đây.’

‘Sao không thấy bảng?’

“Có chứ, cháu úp lại, thử xem cháu và dì có nhận được nhau không?”

“Thế sao tao là dì mày, mày lại gọi là cô?”

“Gọi chung chung ấy mà. Nghe tiếng cô âu yếm hơn, dễ nghe hơn dì ạ.”

Trên đường từ sân bay về nhà, Thủy nghĩ đến T3, gia đình anh còn ở lại đây sau 30 tháng tư. Gia đình anh chắc hẳn vất vả nhiều, nhất là mười lăm năm đầu; sự chịu đựng ở mỗi con người, mỗi gia đình phải tăng lên đến trăm lần chịu khổ mới sống được với thời đại đổi thay. Nhưng là cái số phận chung, nên không ai so bì, tị nạnh. Thủy nghĩ tới Đinh, giờ này anh cũng còn ở lại quê hương, vợ con anh sang Mỹ từ lâu; trước ngày xảy ra biến cố. Thủy nhớ lần gặp Đào ở Cali. Đào đi với con gái thật xinh, gặp Thủy, chào thật cung kính, quí mến; khiến nàng cảm động. Đào hỏi thăm T3, hỏi thăm có gặp lại bố nàng không; nàng vẫn gửi tiếp viện về cho Đinh nhưng không rõ hoàn cảnh sống như thế nào? Thủy lắc đầu, cho biết chỉ gặp T3; cũng rất là đôi khi; hàng năm, vào dịp Tết, T3 chở vợ lên Chợ Ông Tạ mua lá nấu bánh chưng, gửi xe ở quán nhà nàng. Ở lại quê nhà, còn Tối Văn Sáng, Dương Cự luật sư, gọi vậy cho đỡ nhớ, bây giờ Cự sống bằng nghề dạy học cho qua ngày. Vợ Cự đi làm, con cái sống ở Pháp. Cự còn khá giả, sung túc hơn T3, cả gia đình anh chẳng có ai ở nước ngoài để chi viện. Nhớ có lần T1 nói với chồng nàng: “Thằng ấy sống với Việt Cộng là phải. Tài năng của nó được dùng rất đúng chỗ, làm lơ xe cho Ho Chi Minh Bus Company, như một tờ báo lá cải nào ở Pháp loan tin cách đây cả mười mấy năm. Cho thằng T3 sáng mắt, nó khổ tao không xót, chỉ xót cho vợ con nó thôi. Tao nhớ những ngày gần 30 tháng 4, nó sang nhà tao đòi vay năm chục đô la. Nó bảo gia đình hiện chỉ còn năm ba chục ngàn tiền Việt, ra đi dọc đường lấy tiền đâu mua bánh mì cho năm con còn nhỏ. Lúc đầu tao hứa; thật ra tao không ưa nó mấy về sau này – nó không biết điều này; nên ba bốn lần nó đến nhà mượn, tao đều lánh mặt.”
     Thủy biết T1 luật sư rất không ưa T3, nhất là dạo các anh ấy sống ở Vũng Tàu, chồng nàng, rồi nhạc sĩ Dương Hồng Duyệt, Tối Văn Sáng, T1 luật sư, Dương Cự, San trố (mắt trố ốc nhồi), T3 và vợ v.v. sống ở Trung Tâm Xây Dựng Nông Thôn. Nơi này chấp nhận những giảng viên chính trị, dạy khóa sinh áo đen, còn giúp họ thoát được gọi nhập ngũ, động viên. Dương Cự và T3 làm tờ nội san; San trố, T6 phụ tá Huấn Luyện cho Chỉ huy trưởng Lê Xuân Mai, một đại úy Việt Nam Cộng Hòa cai quản các trại Cát Lở, Phù Đổng. Chí Linh. Rồi khi về Sài Gòn, T3 viết một bút ký Tôi Đi Dân Vệ Mỹ, khiến cho Mai và những người bạn cũ ở Trung Tâm bất bình.
     Có lần ở Bolsa, Lê Xuân Mai gặp T6, còn ta thán: “Mấy chục năm tôi cũng không quên được vụ anh giới thiệu thằng cha văn sĩ (tên là gì nhỉ) ra Trung Tâm, rồi về viết sách, còn dịch sang tiếng Anh The ordeal of the American Militiaman, khiến tôi bị loại khỏi CIA. Tôi chẳng giấu anh làm gì, mà bây giờ có giấu cũng vô ích, sách của Neil Sheehan (...) tố giác tôi nhân viên CIA từ thập niên 50. Chung qui cũng chỉ tại thằng bạn ông giới thiệu với tôi quậy nên mới ra nông nỗi này. Hôm gặp luật sư T1, anh ta cũng phàn nàn về văn sĩ ấy, cho biết hiện làm lơ xe đập thùng hẳn hoi; tôi thấy cũng phải, đáng đời hắn. Khi hắn là trung sĩ đồng hóa Không quân lên Pleiku, tôi gặp hắn ta ở sân bay - tôi quay mặt đi như không muốn nhìn thấy bản mặt phản thầy, hại bạn được viết lại trong sách.”
     Lần ấy, Thủy phải đỡ lời bênh cực T3 - nhưng cả chồng nàng và bác Mai đều không đồng tình: “Chỉ tôi là hiểu rõ T3, anh trực tính không dễ dùng tiền bạc, lương hướng, mối lợi đồng tiền làm thay đổi chí hướng của anh. Không phải dễ mua chuộc anh, anh bảo với tôi, nếu quí vị mua tôi, quá muộn – vì trước quí vị có nhiều người mặc cả, tôi bán tôi, làm gì còn cơ hội cho quí vị ra giá mua tôi ở bây giờ. Anh ấy phóng khoáng tài hoa, độc lập, lãng tử đúng như T2 nhận định.”
     T2 hiện nay rất khá giả. Con trai đầu lòng của Thủy, do chồng nàng đặt tên, muốn con mình sau này sẽ sung sướng như Tuân, giáo sư đại học, mã danh T2, do T3 đặt làm nhân vật trong truyện. Anh có gia đình, chủ hiệu sách lớn ở Bolsa, vừa đây cho xuất bản nhạc Cung Tiến, thơ Mai Thảo, và nhiều tác phẩm nổi tiếng của nhiều tác giả khác. Chồng nàng gửi theo ít quà cho T3, chàng bảo vợ: “Em đến gặp anh ấy, chắc vẫn địa chỉ cũ trước khi ta rời nước, một hộp thuốc píp Half and Half to sù, thắt lưng da nhãn hiệu Levi's chính hiệu, một lô bút xanh, đỏ Papermate Huê Kỳ, một hộp Salonpas và cuốn thơ Mai Thảo. Em cũng kể cho bạn ấy nghe, thỉnh thoảng anh có gặp Cao Thế Dung. Anh bạn này Tiến sĩ kinh tế có giá trị thực sự, chứ không phải tiến sĩ giấy, văn bằng mua, kể cả văn bằng Tú tài ngày xưa – như dược sĩ Lê Trọng Văn tả chân dung trong một cuốn sách mang tên Những Con Thò Lò Chính Trị.”
     Thủy còn vặn lại chồng: “Anh bênh anh Dung như với bản thân mình. Vậy không phải anh Dung là cha nuôi con chúng ta, thằng Tam?”
     Chồng nàng đáp:
     “Không hoàn toàn vậy, em có nhớ T3, lúc giận, chỉ vào mặt anh Dung nói như tát nước vào mặt, định dạng cho anh Dung chỉ có thể đóng kịch, nhất là nếu có đóng vai ông Thượng tọa có tên Thích Tâm Châu. Bởi T3 cho anh Dung có khuôn dáng giống Thượng tọa; theo đạo ít, đời chính trị nhiều, khuôn mặt chữ điền nhị bề râu quai nón viền vòng đai. Nhưng em thấy không? T3 nhận định rất sai về anh Dung. Ông bố nuôi thằng Tam không những nhân vật làm chính trị sáng giá, mà còn là nhà văn viết rất nhiều tác phẩm dầy cộm bán đắt tiền, nên có kẻ ghét đã dùng súng ám hại – nhưng anh Dung chỉ bị thương nhẹ ở vai, mất đi mấy cái lông tơ. Nhưng điều mất ở anh Dung, không còn là nhà thơ tác giả Khúc Ca Nhược Tiểu mà T3 in dạo nào. Nước Mỹ, nước thực dụng, giết chết thi ca là rất đúng.”
     Cháu của Thủy gọi bằng dì, hỏi:
     “Dì thấy Sài Gòn bây giờ tráng lệ không? Hơn xưa là chắc, rất nhiều tòa nhà cao tầng chọc trời mấy chục tầng, chẳng kém New York, Washington D.C mấy.
     Khi xe băng qua con đường Lê Văn Sĩ (Trương Minh Ký xưa), Thủy nhìn vào ngõ cũ từng ở vào thời kỳ làm ở vũ trường, Đinh đưa đón, nàng bùi ngùi nhớ lại, tự nhủ mình: “Thế nào cũng phải đi Dalat chơi mấy ngày mới được”.

Thủy quyết định ghi danh vào một tour tổ chức đi Nha Trang - Dalat năm ngày. Như chị nàng giải thích, đi một mình không những tốn tiền khẳm, lại không vui. Việt kiều về đây, ngay cả những người trong thành phố cũng thường đi du lịch ngắn ngày, qua các Tours tổ chức. Họ có xe đưa đón, đăng ký khách sạn, có xe đưa thăm danh lam thắng cảnh, nếu đi Nha Trang lại được thăm đảo Yến, tắm biển rồi lên rừng leo núi, cũng là thử sức khỏe còn dẻo dai, dùng thức ăn đặc sản lạ miệng. Chị Hoa còn cho Thủy biết khi lên Dalat, Thủy cũng có thể báo cho ban điều hành, nàng tách đoàn đi chơi một mình, chiều trở về khách sạn, rất thoải mái. Thủy rất ưng ý, nhưng nàng cũng tiếc là không gặp được T3. Gia đình báo tin, anh đi nằm bệnh viện, từ hai tuần nay, chờ đợi nội soi tuyến tiền liệt. Thủy quyết định trước khi đi Dalat, đến thăm T3. Thủy vẫn thích mặc com-lê đen khi xưa ưa thích, nhưng bây giờ sang Huê Kỳ, ngoài ăn theo thuở, ở theo thì, nàng vận bộ com-lê nhưng màu vẫn là đen. Đẩy cửa ra vào phòng T3 nằm, Thủy chưa kịp hỏi, T3 đã kêu to:

“Bà Thủy, bà mới về sao?”

“Lại thăm ông, đem quà của anh ấy gửi. Biết ông đi nằm bệnh viện tôi đến ngay.”

(Bệnh viện này xưa kia chỉ là một khu đất trống, tôi nhớ người đi mua đất, dựng nền là bác sĩ Phạm Biểu Tâm. Sau 1975, ông còn ở lại quê nhà và tuy là bác sĩ tài danh, nhưng không còn được giao nhiệm vụ. Ốm cũng không thể vào nằm bệnh viện do mình đẻ ra, rồi ít lâu sau ông sang Huê Kỳ. Gặp T6, bác sĩ kể chuyện, Thủy mới biết vậy. Bây giờ bác sĩ quá già, và lẫn, gặp bạn bè chưa dễ nhận ra, trí nhớ thần sầu của một bác sĩ tài danh khi xưa, đã bị tuổi già đào thải)

“Anh ấy không về cùng với bà sao?”

“Anh ấy bận, dầu rằng rất nhớ anh em ở nhà. Có thể sang năm chúng tôi lại về Việt Nam lần nữa. Bệnh tình của ông ra sao?”

“Bí tiểu và chờ nội soi.”

“Tôi có nghe chị nói vậy. Tôi không thể nghĩ gặp anh ở bệnh viện, bởi lẽ...”

“Khỏe như vâm chứ gì? Càng khỏe càng dễ vào gặp thầy thuốc đấy bà ạ.”

“Anh có nhớ cô Đào không?”

“Đào nào?”

“Đào Dalat, con nhà văn Đinh Bù Loong chứ Đào nào?”

“Cũng không dễ quên kỷ niệm đi uống cà phê với cô ấy ở Dalat.”

“Cô ấy đi với con gái, gặp tôi ở Bolsa. Hỏi thăm anh và khách họ Đinh. Và cô ấy cho biết tuy không biết tin tức anh nhưng cô ấy gặp anh trong một cuốn sách mới in ở bển.”

T3 trầm ngâm. Thủy tưởng chừng anh nhớ đến mối tình sớm nở chiều tàn với Đào ở Dalat. Nhưng không, anh nhớ đến bọn lái sách Mỹ gốc Việt ở bên ấy in sách anh vô tội vạ, không trả tiền, không gửi sách tặng mà lại...

“Lại gì?” Thủy gặng hỏi.

“Làm ơn cho tác giả có sách cho họ in ở bên ấy. Ít nhất hai nhà xuất bản lớn ở bên ấy đều tái bản sách của tôi. Một lần ông Khai Trí, nhà xuất bản cũ của Sàigòn như bà biết, sang Huê Kỳ theo diện bảo lãnh, viết thư bảo tôi: ‘Hãy đòi bản quyền nơi in sách’. Tôi nhận ông nói có lý bởi đó là luật bản quyền quốc tế, từng được ký ở Berne, sách in ra trả ít nhất mười phần trăm bản quyền, và tác giả được hưởng tác phẩm của mình tới sau 50 năm qua đời. Chỉ nói đến nhà xuất bản Xuân Thu. Trước hết, ông ta là đệ tử một nhà xuất bản cũ Sàigòn, tên gọi Phạm Quang Khai. (...) Lão đại gia này kinh doanh chiến tranh, dây thép gai, khuân đạn dược cho chiến tranh Mỹ bắn ì xèo trên đất nước Việt. Chẳng biết có phải ông ta mớm cho đệ tử cùng làm nghề này ở bên Mỹ sau này không; nhưng qua những năm in lậu, buôn sách, ông đã sắm được một biệt thự khá đẹp ở Trần Quý Cáp Sài Gòn 3 cũ. Theo tên mới, Võ Văn Tần, Phường 6, Quận 3, nơi biệt thự ông ấy tọa lạc. Ông ta trả lời đầu tiên đối với thân nhân của nhà văn Toan Ánh, bị ông tái bản năm sáu cuốn mà lờ bản quyền. Rằng:

‘Ông là đại diện cho ông Toan Ánh, nhà văn còn ở Việt Nam?’

‘Đúng, vậy ông in sách của ông Toan Ánh là bố tôi, mấy cuốn rồi, xin thanh toán bản quyền theo luật bản quyền quốc tế?’

’Quốc tế nào?’ ‘Quốc tế là bản quyền theo như hiệp ước bản quyền Berne đối với tác giả có sách in phải xin phép và trả bản quyền.’

‘Tác giả còn ở Việt Nam, sao lại được phép sử dụng luật bản quyền quốc tế? Việt Nam có ký luật lệ bản quyền với nước nào đâu mà tôi phải tuân thủ.’

‘Vậy ông in sách, ông không trả bản quyền?’

‘Đúng. Trái lại, tác giả còn ở Việt Nam có bổn phận đổi đô la gửi sang trả chúng tôi. Tên tôi Lâm Lục Tặc, tiếng Mỹ gọi là Tac Luc Lâm, Giám đốc nhà xuất bản lớn nhất nước Mỹ’.

‘Tôi có quốc tịch Mỹ, xin ông ăn nói cẩn thận.

‘Tôi ăn nói rất cẩn thận và chính xác. Bởi tôi cũng là người Mỹ. Về luật, chẳng ai biết Toan Ánh, công dân Việt Cộng ở đâu đâu lại sai người đến nước Mỹ chúng tôi đòi bản quyền. Nay, tôi đòi lại ông ấy phải trả cho chúng tôi, lấy rẻ US 500 một đầu sách in ra, Toan Ánh 6 cuốn, số tiền phải trả 500 x 6 = US 3000. Đó là tiền thường cho nhà xuất bản đã in sách của ông ta, quảng bá cho kiều bào Việt Nam trên nước Mỹ cũng như khắp thế giới có người Việt Nam di tản đọc sách Toan Ánh. Tôi cũng xin nói cho ông nghe một thể, dầu mất ít phút thời gian quý báu của tôi. Con ông Nhất Linh nhà văn, tôi cũng chẳng biết ông này còn hay mất, chúng tôi in sách của ông ta, con ông đến đây đòi, tôi đưa US 50, gọi là tiền xe và đây là lần cuối mà ông ta nhận được số tiền này. Đừng đến đây nữa, nhưng nếu còn thắc mắc, xin cứ kiện ra Tòa Liên Bang’.

Thủy lắc đầu hỏi:

“Còn anh, có đòi được không?”

“Không trả lời thư, và tôi cũng sợ rơi vào trường hợp con ông Nhất Linh và Toan Ánh, nên không dám nghe lời ông Khai Trí, viết thư lần thứ hai. Ông Việt kiều có chỉ cho tôi số nhà và biệt thự của Tac Luc Lam ở Võ Văn Tần. Tôi đi qua, đôi khi thôi, chẳng là đi ăn kem quán cà phê Au Papa; tôi liếc mắt nhìn vào, tự nhủ rằng tôi có một viên gạch góp vào chiếc sân của ông có tên Việt là Lâm Lục Tặc này. Tôi là ân nhân vô danh tình nguyện hiến dâng bóc lột.”

“Ai bảo anh viết sách, lại sách có thể có độc giả, người ta mới in, mới tái bản. Chứ tôi thấy nhiều tựa sách in ở Việt Nam, có nhà xuất bản nào ở Mỹ in lại đâu? Tôi định rủ anh đi Dalat chơi mấy ngày theo Tour Khải Hoàn tổ chức, tiếc là anh còn nằm viện chờ mổ.”

“Nếu tôi nội soi, phát hiện u ác, tôi theo chân Tổng thống Mitterand ung thư tuyến tiền liệt. Nếu chỉ phát hiện là u sơ phát sinh tự nhiên, làm bạn đồng hành với tác giả tập thơ mang tên THƠ VIẾT LÉN ký Karol Wojitila. Bà thấy tôi có cô đơn đâu nào?”

“Anh nói đến Gioan Phao Lồ làm thơ, tôi thật ngạc nhiên. Chính tôi là tín hữu Thiên Chúa giáo, tôi chưa biết điều này. À quên, nói đến thơ, tôi mới nhớ, anh T6 gửi cho anh tập thơ Mai Thảo đấy. Chắc là anh sẽ thích lắm.”

“Cảm ơn thật nhiều phu quân bà gửi Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền do nhà xuất bản T2 in. Tôi đã đọc trước ít câu của cậu ấy. Chẳng hạn như:

Đặt tay vào chỗ không thể đặt
Vậy mà đặt được chẳng làm sao
Mười năm gặp lại trên hè phố
Cười tủm còn thương chỗ đặt nào?

Bốn câu thơ cũng hay! Tự nhiên tôi nghĩ bốn câu này cậu ấy định gửi tặng Cúc, mà cậu ấy chưa biết Cúc hiện làm gì ở đâu? Có nhớ Cúc không, lần ở Đà Lạt bà bảo tôi là sẽ giới thiệu với Cúc, vì nàng muốn sang tay đồ second hand. Lúc trước từ này chưa có, nếu phải dịch cho hay như Dacson N. Eustachon đang dự định cho xuất bản Việt Anh Từ Điển; ông ấy sẽ đưa một thành ngữ Việt quen dùng cũ người mới ta. Tuyệt!”

“Cúc làm gì ở đâu, anh cho tôi biết, tôi đi gặp nó.”

“Số nhà... Nguyễn đình Chiểu (mới), quận 3. Hỏi bà Năm bán cà phê lề đường mỗi sáng. Bà pha cà phê rất tuyệt. Phin của bà loại nhựa cao cấp, Made in Taiwan, dưới có ly nằm trong cốc nhựa. Là phin cà phê nhưng không có nắp thiếc thường thấy, xoáy ốc cho cà phê ép chặt lại sau mới đổ nước sôi. Nghệ thuật pha cà phê như bà Năm diễn giải: Phải dùng một nắp thiếc khác vừa vào phin, khi múc cà phê bột cho vào phin, đậy lại, đè nắp và cho một ít nước thật sôi. Hai phút sau cho nước sôi tiếp, một ly cà phê đen ngon tuyệt, vừa khẩu vị kẻ sành nghiện cà phê. Nếu không làm như vậy, rót nước sôi vào, cà phê chưa kịp nở, nước chảy qua phin lưới như giọt mưa, cà phê loãng nhạt nhẽo, uống chẳng mùi vị. Xin lỗi khách, uống cà phê như vậy, chẳng khác nào ôm bà già trong tay, da thịt bèo nhèo.”

Thủy hỏi thăm Đinh Bù Loong. T3 cho biết lần cuối sau 75, anh nhìn thấy Đinh đi bộ từ Phan đình Phùng, rồi băng qua Nguyễn Bỉnh Khiêm. T3 không thể gọi bạn, bởi anh đang đi trên xe buýt, không phải cương vị khách bảo xe dừng lại. Anh đang hành nghề phụ xe, đúng cửa sau, chuyển hàng, mở cửa, đưa khách lên xuống. Hôm ấy Đinh mặc chiếc áo sơ mi ngắn tay, đầu cúi xuống nhìn chân bước tới, dáng trầm ngâm. Thân hình to lớn, dáng đi nặng nhọc, hai tay chẳng có gì, thong dong như khách nhàn du. Và từ đó, không bao giờ T3 gặp lại Đinh cho đến khi anh nhận được tin một người bạn cùng Trại Cải Tạo về cho hay: Tác giả Bên Kia Bến Hải không còn nữa.

Cúi đầu, Thủy đưa tay lên dụi mắt. T3 biết nàng chiêu niệm Đinh.

Qua phút mặc niệm, T3 tiếp:

“Người báo tin cho tôi biết cũng là một nhà báo. Anh này là con rể Chu Tử, anh em cột chèo với họa sĩ Đằng Giao. Tên anh là Phan Nhự Thức. Tôi chỉ quen sơ giao qua vài lần gặp ở nhà Đằng Giao. Anh từng là nghị viên Hội đồng tỉnh Quảng Ngãi nên được xuất ngũ. Bởi luật pháp Việt Nam Cộng Hòa hồi ấy, quân nhân trúng cử dân biểu, nghị sĩ, Hội đồng tỉnh, thành phố, thị trấn, xã, vv đều được cởi áo lính. Cũng như thời Tổng thống Diệm, đệ nhất Cộng Hòa, hôm nay binh nhì, sĩ quan mua xổ số mười đồng, xổ vào chiều thứ ba, qua giọng hát ngọt ngào khuyến mãi mua vé xổ số của Trần Văn Trạch, chẳng may trúng độc đắc một triệu đồng - ngày mai anh được giải ngũ. Nên người có tên Phan Nhự Thức, cùng trại cải tạo với Đinh Bù Loong, trúng cử Nghị viên, thôi mặc áo lính - sau 30 tháng tư, lên đường trình diện học tập 10 ngày. Năm bẩy năm sau, anh được ra trại, giấy thả tù đem nộp theo đơn xin xuất cảnh, diện H.O. Lòng mừng thầm, ngày mai anh sẽ đến Thế Giới Tự Do, nước Mỹ huy hoàng. Ngày phỏng vấn, gặp phái đoàn Mỹ, nhìn giấy ra trại, người Mỹ hỏi:

‘Ông có phải là quân nhân Việt Nam Cộng Hòa?’

‘Phải.’

‘Cấp bậc?’

‘Trung úy.’

‘Tại sao ông lại được giải ngũ?’

‘Bởi tôi trúng cử Nghị viên Hội đồng tỉnh Quảng Ngãi.’

‘Ông có đi học tập?’

‘Có.’

‘Bao nhiêu năm?’

‘Sáu năm, bảy tháng, hai mươi mốt ngày.’

‘Qua những trại nào?’

‘Từ trong Nam ra đến Bắc.’

‘Trại cuối cùng được tha?’

‘Trại Tân Lập, Vĩnh Phú.’

‘Giấy tờ ra trại này có là thật?’

‘Sao ông hỏi như vậy?’

‘Bởi có điều cần xác minh.’

‘Ông cho biết lý do của xác minh?’

‘Thật dễ trông thấy, ông nhìn ngày tháng xuất trại.’

Bây giờ Phan Nhự Thức mới để ý đến giấy ra trại của mình, ngày 30 tháng 2 năm 199..

Người Mỹ cười tủm hỏi:

‘Ông thấy lý do cần phải xác minh lại rồi chứ? Dưới mắt tôi, giấy này tôi coi như ông đi mua lại.’

‘ Tại sao?’

‘Bởi gần hai mươi thế kỷ sắp trôi qua, chưa có một tháng Hai nào có ngày thứ ba mươi.’
Phan Nhự Thức ra về lòng buồn rười rượi. Phái đoàn Mỹ khước từ cho anh xuất cảnh theo diện H.O. Lý do: giấy tờ giả mạo, như dẫn giải.’”

Thủy hỏi:

“Anh ấy có khiếu nại không?”

“Điều này tôi không biết. Tôi không phải quen anh là bạn, chỉ biết anh qua bạn của tôi, anh Đằng Giao, anh em cột chèo với anh. Nhưng ít lâu sau, tôi nghe tin có người đi đưa tang con rể nhà văn, chủ báo Chu Tử. Là ai? Hỏi tên: Phan Nhự Thức. Tôi vẫn bán tín bán nghi, đến nhà họa sĩ hỏi cả hai vợ chồng Đằng Giao và Chu Vị Thủy. Cả hai xác nhận: Phan Nhự Thức qua đời là sự thật.”

Thủy giã từ T3 với lời cầu chúc:

“Chúc bạn ta nội soi với kết quả u sơ phát sinh tự nhiên. Ngày mai tôi đi Dalat, xin phép bạn ta cho tôi coi như có bạn cùng đi. Để nhớ lại hơn ba mươi năm xưa, tôi và bạn cùng đi – những hai lần đến Dalat, xứ hoa đào.”

Dalat 1964 - Sàigòn, Mùa Giáng sinh 1998





VVM.17.5.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .