Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

TUỔI THƠ
LẶNG LẼ GIỮA QUÊ NHÀ



             trong VỀ DƯỚI ÁNH TRĂNG XƯA

T uệ Nguyên chơi nhảy lò cò một mình trên sân, dưới ánh trăng rằm sáng vằng vặc, như soi rõ từng khóm hoa dọc bờ sân, soi rõ từng viên sỏi trên ngõ nhỏ chạy vào nhà, trông thật háo hức, vui vẻ. Nhỏ Vân bưng đĩa khoai lang luộc bước vào sân, giọng rổn rảng:

- Mợ ơi! Mẹ con mang cho mợ đĩa khoai nè!

Bà Hai - nội Tuệ Nguyên, từ trong nhà bước ra cười vui vẻ:

- Khoai đâu mà mang cho mợ vậy? - bà bưng đĩa khoai và xoa đầu Vân, thân mật

- Chà con nhỏ nầy mới đó mà lớn nhồng rồi. Nói với mẹ, mợ cảm ơn nghen!

Vân cười khoái chí:

- Dạ mợ!

Bà Hai quay sang Tuệ Nguyên âu yếm:

- Bà để khoai trên kệ đá, cháu chơi một lát rồi ăn đi nghen.

Tuệ Nguyên “dạ”, rồi lò cò nhảy tiếp. Vân nhìn Tuệ Nguyên nhảy một lát rồi bĩu môi:

- Nhảy gì dở ẹc hà! Giờ tao với mày nhảy thi, đứa nào thắng nói gì đứa kia cũng phải nghe. Chơi không?

Tuệ Nguyên cười híp mắt:

- Được thôi. Nếu bà cô thích thì chơi, nhưng hổng có ăn gian à nghen! Bà cô chuyên môn ăn gian tui à!

- Tao mà thèm ăn gian mầy à! Cái con nầy, khéo nói ghê hen! - bỗng lớn giọng, nhảy từ đầu sân đến cuối sân, chơi ba vòng đi nghen! Chịu không?

Tuệ Nguyên cười lớn:

- Đồng ý!

Cả hai chạy lại bìa sân. Vân ra lệnh:

- Một, hai, ba, nhảy!

Hai đứa cong một chân, nhảy thật nhanh. Tuệ Nguyên vừa nhảy đến nửa vòng thứ ba, Vân chậm hơn, mới về vòng hai, đứng lại, hô lớn:

- Tao về đích rồi nghen. Tao thắng!

- Ơ! Bà cô mới nhảy hết vòng hai, còn một vòng nữa mà.

Vân cố cãi:

- Cái con nhỏ nầy! Tao vòng ba rồi, mầy nói gì vậy? Đừng có chơi ăn gian à nghen!

Tuệ Nguyên biết thế nào bà cô cũng ăn gian, lúc nào cũng vậy, nhưng cô bé nhịn, bởi không nhịn là bà cô bỏ về, không chơi nữa; mà không chơi nữa là cô bé buồn lắm, thui thủi một mình. Rõ ràng, cô bé nhảy nhanh hơn, bà cô tụt phía sau, mới hai vòng đã tuyên bố về đích. Cô bé tức tối, cố nuốt vào bụng nhịn, nhảy về cuối sân, ngồi bệch xuống bờ sân, giọng hổn hển:

- Biết trước sau gì cũng ăn gian, vậy mà còn nói mình ăn gian nữa chứ!

Nhỏ Vân giận dỗi:

- Mầy nói tao ăn gian à? Bằng chứng đâu? Tao về trước mầy rõ ràng à nghen!

Tuệ Nguyên vốn hiền lành, nhẫn nhịn, không muốn hơn thua; nghĩ thầm, thôi mình nhịn cho rồi, thua thắng cũng là gì đâu; với lại nếu mình giành chiến thắng, hổng lẽ bắt bà cô nghe theo mình sao? Với lại, mình là phận cháu, bà cô nói gì mình phải nghe là đúng rồi; liền làm hòa:

- Thôi được rồi. Bà cô thắng, được chưa?

Vân cười hích hích:

- Vậy chứ! Bà nội mầy là chị dâu của mẹ tao, vậy mầy là cháu tao rồi, sao thắng tao được chớ, tao lại lớn tuổi hơn mầy nữa đó. Vậy từ nay, tao nói gì mầy phải nghe theo tao đấy nghen. Thôi tao về à!

Bước ra khỏi sân, nhỏ Vân nhìn lên trời cao, thấy ánh trăng sáng vằng vặc trên đầu, bỗng tức giận quay ngoắc trở vô, hét lớn:

- Con Nguyên kia! Ai cho mầy lấy “Trăng” của tao vậy?

Tuệ Nguyên ngơ ngác, không hiểu bà cô nói gì, cô bé nghĩ, mình có lấy gì của bà cô đâu nhỉ? Trăng ở trên trời cao, làm sao trèo lên mà lấy được? Cô bé ngạc nhiên hỏi lại:

- Bà cô nói gì lạ vậy? Sao tui trèo lên trời mà bà cô đổ thừa tui vậy chớ? - cô bé chỉ tay lên ánh trăng trên trời, đấy, còn đấy mà, tui có lấy đâu na?

Vân giận dữ, hét lớn:

- Mầy không lấy sao nó lại ở nhà mầy?. Tao mới thấy nó ở dưới nhà tao kia mà, giờ sao lại ở đây?

Tuệ Nguyên không hiểu hết là vì sao, cô bé nghĩ, chắc cũng thế nào ấy, chớ mình có lấy trộm trăng của bà cô đâu nhỉ!. Chưa bao giờ mình lấy trộm gì của ai cả, bà nội thường dạy mình như thế mà. Cô bé dịu giọng:

- Bà cô coi lại thử đi nghen. Tui không có lấy trăng của bà cô đâu, chắc bà cô lên đây, nó đi theo bà cô thôi; giờ bà về, biểu nó đi theo bà về chứ gì đâu nà! Vân lắc lắc cái đầu, ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi dịu giọng lại:

- Chắc vậy quá! Để tao về nhà thử nó có theo về dưới nhà tao không đã nghen. Nếu nó theo về thì thôi, còn nó không theo về, thì đúng mầy đã lấy trộm trăng của tao rồi đó, phải trả lại cho tao.

Cô bé không biết như thế nào, nhưng cũng chịu cho xong. Vân về tới nhà, nhìn lên trời, thấy ánh trăng vẫn sáng rọi trên cao, liền cười lớn, nói vọng lên:

- Mầy nói hay ghê Nguyên ơi! Nó theo tao về rồi ha ha ha…

Cô bé trả lời vọng xuống:

- Tui đã nói rồi mà, có bao giờ tui lấy gì của ai đâu. Vậy là tui không phải ăn cắp trăng của bà cô đó nghen! Đừng đổ oan cho tui à!

Tuệ Nguyên đi rửa tay, ăn khoai lang luộc. Cô bé nhìn lên trời cao vừa ăn vừa ngẫm nghĩ, cuộc đời nầy hay thiệt, tự nhiên có ánh trăng ở trên trời, sáng rõ mồn một; và cô bé thắc mắc, sao không thấy nó vào ban ngày nhỉ? Ít bữa, nó trốn đâu mất, để ông trời tối thui vậy ta? Ngẫm nghĩ mãi, cô bé cũng không thể hiểu nổi. Cô bé nhìn ánh trăng sáng soi, sao nó trong trẻo, dịu dàng, dễ thương đến vậy? Từ đấy, mỗi độ trăng tròn, cô bé hay ra sân ngồi nhìn ngắm ánh trăng với bao nhiêu sự thán phục, lạ lẫm. Ánh trăng như rót vào lòng cô bé sự mát mẻ, uyên nguyên, để cô bé nhận thấy vầng trăng tinh khôi, huyền diệu, nhiệm mầu, thầm thì cùng trăng những ước mơ thầm kín, như một lời nguyện cầu cho riêng mình.

Tuệ Nguyên luôn muốn được gặp ba mẹ dù là trong giấc mơ ngắn ngủi. Cô bé nghĩ, ánh trăng trên cao sẽ thấu hiểu nỗi lòng của mình, nếu mình thành tâm; nên cô bé luôn nguyện cầu, ao ước. Và mỗi lần được gặp mẹ trong mơ, cô bé vui mừng lắm, kể chuyện trường, chuyện lớp, chuyện bà cô ăn hiếp mình cho mẹ nghe; nhiều khi còn khóc nức nở trong mơ, làm bà Hai phải đập lay cháu dậy.

Ăn khoai lang, uống nước, rửa tay chân rồi cô bé vào nhà lên giường nằm cạnh bà. Trăn qua, trở lại mãi, một lúc rồi cô bé cũng chìm vào giấc ngủ sâu. Bà Hai kéo cái mền đắp ngay ngắn cho cháu. Bà ngắm nhìn Tuệ Nguyên trong giấc ngủ hồn nhiên, thơ trẻ, thấy lòng thương xót cháu lắm. Bà biết cháu bà chịu nhiều thiệt thòi, phải sống xa cha mẹ, nhớ thương chỉ để trong lòng; nhưng bà không biết phải làm sao, khi con trai bà lại làm việc tận trong Sài Gòn; bà chỉ biết bù đắp lại là thương cháu nhiều hơn, lo cho cháu nhiều hơn. Nhiều bữa, Tuệ Nguyên đang ngủ say, nghe tiếng máy bay ầm ì trên trời, và tiếng súng nổ đâu đấy rền vang trong đêm; bà vội ẵm cháu chui xuống chiếc hầm xây sẵn ở góc nhà. Bà ngồi cầm cái quạt phe phẩy mãi cho cháu, trong cái nóng ngột ngạt dưới hầm bốn bức tường kín mít; cho đến khi nghe tiếng máy bay đi xa, không còn súng nổ nữa, bà mới bồng cháu ra khỏi hầm cho cháu ngủ.

Bà Hai nằm ngó lên trần nhà lâm râm cầu nguyện, mong sao không còn nghe tiếng súng và tiếng máy bay đêm đêm nữa, mong an lành cho ngôi làng quê thân thương nầy; cho con trai bà được trở về quê hương làm ăn, không còn lưu lạc nơi xứ người nữa.

Bỗng bà nghe tiếng khóc thút thít gọi mẹ nghẹn ngào của cháu bà trong mơ; bà lắc nhẹ cánh tay của Tuệ Nguyên, gọi khẽ:

- Nguyên! Nguyên! Con sao vậy? Sao vậy?

Tuệ Nguyên giật mình, thức giấc, cô bé như còn thấy rõ ràng chuyến tàu đưa mẹ và hai em trai rời ga Phú Hiệp chiều hôm ấy. Cô bé nghẹn ngào nhìn theo làn khói tàu cuộn tròn dần lên cao, khi tàu chạy ra khỏi sân ga. Tiếng còi tàu như xé tan sự im vắng giữa nắng chiều vàng vọt.

Cô bé thầm thì bên tai bà:

- Con vừa nằm mơ thấy hôm tiễn mẹ và hai em ra ga bữa ấy, đấy nội!

Bà Hai ôm chặt cháu vào lòng, hôn lên trán cháu, vỗ về:

- Cháu bà ngoan! Ít bữa ba mẹ con sẽ đưa hai em về thôi mà. Con ráng học thiệt giỏi, để bà khoe với ba mẹ nghen.

- Dạ nội!

Bà Hai vỗ vỗ cái lưng cháu, âu yếm:

- Con ngủ tiếp đi nha! Mai còn dậy sớm đi học nữa.

Tuệ Nguyên lẩm nhẩm, tính toán một hồi, rồi hỏi nhỏ:

- Mẹ con và hai em đi được mấy năm rồi, hở nội?

Bà Hai suy tính một lúc, rồi lắc lắc cái đầu, tỏ vẻ dứt khoát:

- Tính làm gì cho mất công. Nghỉ hè nội dẫn cháu vào trong đó, lo gì. Tha hồ mà chơi nghen!

Tuệ Nguyện “dạ” rồi nằm im. Cô bé nhớ, buổi chiều hôm đó cả nhà cùng ra ga. Cô bé chạy lúp xúp theo chân mẹ. Nội cõng thằng Mai. Mẹ bồng thằng Điệu. Khi qua hết cầu Bi, phải lội xuống nước một đoạn, do trời mưa nhiều, nước về chảy xiết, lở đường. Cô bé dò chân chậm chạp, lội qua vũng nước chảy mạnh, sợ ơi là sợ. Mới đó mà xa thiệt xa, lâu lắc rồi chứ ít gì, hồi đó mình chưa đi học mà.

Buổi sáng đi học, ngang qua ngã Ba, Tuệ Nguyên thấy bốn người đã chết nằm đắp chiếu ở trước cửa chùa Cảnh Tịnh; ai ngang qua cũng đều liếc nhìn, lắc đầu rồi đi chứ không dám lại gần. Cô bé ngạc nhiên lắm, liền hỏi một chú nông dân vác cuốc đang đi về phía mình để ra ruộng - “Sao người ta nằm chết ở cổng chùa vậy chú?”. Chú nông dân xua tay, nói nhỏ - “Cháu lo đi học đi, biết để làm gì? Mai mốt lớn lên tự khắc sẽ biết”. Tuệ Nguyên thắc mắc lắm, nhưng thấy có mấy người lính đứng canh xác chết, mang súng ống trông sợ quá, liền vội đi lên trường; nhưng mấy cái xác chết ấy, cứ lờn quờn, ám ảnh trong chiếc đầu non nớt của bé.

Trưa đi học về, vừa bước vào nhà, cô bé liền nói cho nội nghe về những thắc mắc của mình. Bà Hai sợ quá, dặn dò - “Mai mốt có thấy nữa, là nhắm mắt chạy đi, không được nhìn đâu đấy, ám ảnh ngủ không được đâu, nghe chưa?”. Cô bé “dạ” nghe lời bà, đi thay quần áo rồi ăn cơm; nhưng bưng chén cơm lên, hình ảnh mấy người chết chập chờn, làm cô bé không thể nào nuốt nổi, cứ trạo trực muốn nôn ra. Bà Hai vội lấy chai dầu song thập, xoa lên trán, lên cổ và hai bên thái dương cho cháu, rồi căn dặn: - “Cháu nhớ nghen. Lần sau nếu có thấy, thì không nhìn, lo lên trường đi, kẻo về ám ảnh, bệnh đó”. Những lần sau, Tuệ Nguyên thấy người chết nằm đó, nhớ lời bà dặn, vội nhắm mắt chạy nhanh qua khỏi khúc cua chùa Cảnh Tịnh rồi đến trường.

Buổi trưa, dù bà Hai dặn dò, bắt buộc cháu đi ngủ, nhưng cô bé không thể nào ngủ được. Nằm im một lát, chờ bà thiu thiu, cô bé rón rén bước xuống giường, trốn bà đi chơi. Niềm vui của cô bé là rong theo bờ tre, hái lá bình bát, bẻ măng dòi và nghe tiếng chim hót. Tuệ Nguyên lang thang một mình, nhớ nghĩ về nhà mình ngày trước; có chị, có em, có cha mẹ, có bà nội, sao mà vui; giờ sao mà buồn, lẻ loi đến vậy?. Hàng tre hai bên đường tỏa bóng mát con đường làng, che cô bé khỏi ánh nắng chang chang giữa trưa nồng oi ả. Có khi cô bé gặp tụi con Thanh, thằng Củn, con Ngân, con Vân cùng nhập bọn, lên tít trên “Lò Rèn” ông Năm hái chiêm chiêm, dú dẻ, hay khều những trái keo ươm nắng vừa chín ngọt chát. Những trái chiêm chiêm chín mọng, ngọt lịm; dú dẻ vàng ươm thơm thơm, thật hấp dẫn; có bữa cả bọn cùng đá kiện, bắt nẻ, chơi ô quan, đánh trổng; cô bé vui mừng lắm, dù ai có hiếp đáp cũng cười khì, xí xóa hết, cho đến chiều tối mới về nhà.

Có hôm chơi cướp cờ, Tuệ Nguyên chạy chân trần dẫm phải cây gai tre, nhưng ham vui, cố lếch chân mà chơi. Đến chiều về nhà, cây gai làm cô bé đau, phải nhảy một chân lò cò mà về. Bà Hai lấy kim lể gai cho cháu, nhưng gai đâm sâu quá, lở mãi mà không lấy ra được, làm cô bé đau, khóc rấm rứt miết. Tuệ Nguyên tủi thân nhìn trước, nhìn sau cũng chỉ mình với nội, càng khóc lớn hơn, gọi ba mẹ thảm thiết; làm bà Hai phải dỗ dành, ngọt ngào để cháu khỏi tủi. Trên gương mặt cô bé lúc nào cũng đượm buồn, hễ ai nhắc tới ba mẹ và hai em là nước mắt chảy ròng trên má. Ai cũng nói “con bé mít ướt”, là vậy!

Tuệ Nguyên rất chăm học, lúc nào bài vở cũng thuộc làu làu mới dám đến lớp; nhưng không hiểu sao, mỗi lần thầy gọi lên bảng trả bài, là cô bé cứ khóc, không đọc bài được. Cô bé cứ thấy tủi thân, nghĩ mình như đứa trẻ mồ côi, không có ba mẹ bên cạnh chăm sóc như các bạn. Mỗi lần nhìn thấy bạn nào được ba hay mẹ đưa đến trường, cô bé thèm được như vậy lắm; và ao ước được một lần có mẹ đưa mình đến trường, để hãnh diện cùng bạn bè, và hãnh diện với chính mình.

Có lần mẹ về thăm nhà vỏn vẹn có ba ngày, mẹ đi có việc ngang qua trường, ghé lại thăm con. Bà đứng ở cổng trường đã đóng kín, gọi con đang giữa giờ ra chơi. Các bạn thấy vậy, chạy vào lớp gọi cô bé:

- Nguyên ơi! Má mầy gọi ở ngoài cổng kìa!

Tuệ Nguyên mừng lắm, vội chạy như bay ra cổng; nhưng gần tới nơi, cô bé thấy mẹ đứng bên ngoài đưa tay vẫy vẫy gọi mình, tự nhiên cảm thấy tủi thân liền dừng lại không đi nữa. Mặc cho mẹ gọi, kêu tên, cô bé đứng khóc ngon lành như có ai bắt nạt. Một đứa bạn chạy lại, ngạc nhiên hỏi “Sao mầy không ra với má mầy mà khóc vậy?”; nhưng cô bé vẫn cứ khóc, nhất định không lại bên mẹ, cho đến khi nghe tiếng trống hết giờ ra chơi, cô bé lủi thủi chạy vào lớp, mặc cho mẹ ngơ ngác, chẳng hiểu vì sao con gái lại khóc.

Trưa về nhà, mẹ ôm cô bé vào lòng, vuốt tóc, giọng âu yếm:

- Sao khi sáng con không ra gặp mẹ?

Tuệ Nguyên rưng rưng nước mắt, chực khóc, mẹ vội ôm chặt cô bé, vỗ về:

- Con nín đi. Mẹ biết rồi. Giờ con ăn cơm rồi mẹ dẫn ra nhà cô Ba mua cà rem ăn!

Và Tuệ Nguyên được ăn cà rem thoải mái trong ba ngày mẹ về thăm, bù cho những ngày không có mẹ bên cạnh.

Những buổi tối rảnh rổi, Tuệ Nguyên thường quỳ bên cạnh bà Hai khi bà đọc kinh cầu nguyện. Nghe bà đọc kinh riết rồi cô bé thấy thích, đọc cùng bà và nguyện cầu theo lời bà chỉ dẫn. Lâu dần, cô bé thuộc cả chú Đại Bi, những bài niệm hương, những câu chú, như nằm lòng. Bà Hai rất vui vì cháu bà là đứa trẻ có duyên với Phật Pháp, mới dễ dàng thuộc kinh nhanh như vậy; cho nên, những ngày rằm, mùng một về chùa, Tuệ Nguyên thường được bà cho đi theo.

Những buổi tối đọc kinh xong, Tuệ Nguyên thấy lòng nhẹ nhõm - một niềm vui mới len nhẹ, làm gương mặt vốn đượm buồn của cô bé như tươi sắc hơn, dù không biết vì sao. Tuệ Nguyên thương vô cùng cái nắng hanh hao, úa vàng rớt trên giàn hoa mướp bên hiên nhà, trên luống rau xanh; thương ngọn gió nồm dịu mát ru cô bé vào cơn buồn ngủ; thương ánh trăng trong trải rộng xuống sân nhà để nghe bà kể chuyện đời xưa. Và ánh trăng uyên nguyên của tuổi thơ, theo Tuệ Nguyên trong suốt những năm tháng về sau.


Tuệ Nguyên cùng nhỏ Vân, nhỏ Thanh cầm mỗi đứa mỗi cái chong chóng thắt bằng lá dứa, chạy ra dốc Dòi. Những chiếc chong chóng ngược gió quay tít mù theo tiếng cười giòn giã của bọn trẻ, trong cái nắng hanh hao xế chiều còn oi bức. Tiếng bước chân chạy, lẫn tiếng cười đùa vui vẻ của lũ trẻ, tiếng rì rào của lũy tre xanh, quyện vào nhau, hòa tan trong không gian im vắng, trong mầu nắng úa vàng; làm xôn xao gợi nhớ trong ký ức nhỏ nhoi của cô bé tám tuổi hồn nhiên mà nhạy cảm. Nó như một bức tranh sống động đầy sắc mầu để cô bé yêu thương, gắn bó với những năm tháng lặng lẽ giữa quê nhà. Trong ánh nhìn, cảm nhận của cô bé, tuy non nớt; nhưng đó là những cảm xúc đầu tiên, để hình thành nhân cách sau nầy của cô bé.

Chong chóng của Tuệ Nguyên quay vù vù, làm cô bé cười tít mắt. Cô bé sung sướng la lớn, khoe với các bạn nhỏ rằng, nhờ có ông thần gió là người bạn thân thiết lớn tuổi, già dặn, giỏi giang của mình giúp đỡ nên mới được như vậy. Nhỏ Thanh bĩu môi, chu cái mỏ dài nhọn hoắt, hứ một cái “cốc”, đanh đá:

- Gớm! Cái mặt mầy làm gì quen được với ông thần gió? Bộ muốn gặp thần thánh là gặp được à? Nói dóc không hà!

Tuệ Nguyên cười giòn giã:

- Thiệt mà! Hôm qua tui nằm mơ thấy ổng ghé thăm tui. Thiệt mà!

Vân cười ré lên:

- Ôi trời ơi! Coi con “mít ướt” tám dóc nè! Vậy mầy giỏi thì biểu ổng làm cho chong chóng hai đứa tao cũng quay vù vù như của mầy đi?

Tuệ Nguyên ngập ngừng giây lát, rồi dõng dạc tuyên bố:

- Để mai đi nghen. Tối tui mới gặp được ổng, ban ngày ổng đi làm mất tiêu rồi.

Thanh chu mỏ:

- Không được thì nói là không được đi, còn bày đặt tối với sáng.

Tuệ Nguyên cố cãi:

- Được mà. Tui nói là ổng giúp liền hà! Ổng thương tui lắm. Có bữa tui còn gặp được cô tiên nữa đó.

Cả Thanh và Vân cười ré lên, nhạo báng:

- Trời! Con mít ướt nầy “xạo” ghê ta! Còn gặp được tiên nữa mới gớm chứ!

- Tui nói thiệt mà. Bà cô không tin thì thôi vậy.

Thanh đỏng đảnh:

- Nè! Vậy mầy nói tụi tao nghe, bà tiên mầy gặp như thế nào? Ông thần gió chắc đen thùi lùi hở?

Vân gạt phăng:

- Thôi. Thôi. Tao nghe mà bắt ớn luôn đó. Mầy nói dóc thuộc tầm cỡ rồi. Tao “ngán” mầy lắm rồi nghen!

Tuệ Nguyên phân bua:

- Ừ! Tui nói thiệt mà không tin thì thôi. Bà tiên thì xinh đẹp lắm, mặt hiền thiệt là hiền, đôi mắt sáng long lanh, môi lúc nào cũng tươi rói à. Còn ông thần gió hổng có đen thui như bạn Thanh nói đâu, ổng trắng trẻo, thanh lịch lắm à nha! Nhưng thương tui, nên xin gì ổng cũng cho hết.

Thanh cười lớn, giọng ngạo nghễ:

- Vậy mầy giỏi thì nói ổng cho mầy gặp ba mẹ và hai thằng em của mầy đi. Đồ nói dóc!

Tuệ Nguyên cố cãi:

- Ừ! Thì tui xin, và ổng có cho tui gặp ba mẹ và hai em tui rồi, nhưng chỉ trong giấc mơ thôi; vì xa quá mà, sao ba mẹ tui bay về đây kịp nà.

- Nói gì trong mơ. Giờ mầy nói thì tụi tao nghe, chớ ai biết mầy có gặp ba mẹ và em mầy trong mơ không? Ai mà biết được?

- Tui gặp thiệt mà. Bữa mẹ tui còn nói, Tết nầy về thăm tui và bà nội nữa đấy.

Vân cười to, nhạo báng:

- Chắc còn được bà tiên cho ăn trái “đào” sống trăm tuổi nữa chớ gì? Ha ha ha…

Thanh tiếp lời:

- Mầy là con mồ côi nói cho rồi, tao có thấy cha mẹ mầy thương mầy đâu, nếu thương thì dẫn mầy đi cùng rồi, phải chưa nè?

Tuệ Nguyên bỗng ngồi bệch xuống đất, khóc nức nở:

- Có thương mà. Mẹ tui ôm hun tui, còn vuốt ve nói tui ráng học, mai mốt mẹ về mà. Sao bạn nói vậy?

Thanh châm biếm:

- Thương, sao không dẫn mầy đi, chỉ dẫn hai thằng em mầy thôi. Mẹ mầy chỉ thương hai thằng em mầy thôi. Mầy mồ côi thiệt rồi! Chắc ba mẹ mầy không về nữa đâu.

Tuệ Nguyên khóc rống lên, rồi liệng chiếc chong chóng xuống đất, chạy như bay về phía cầu Bi, vô cùng tuyệt vọng. Vân thấy vậy, hoảng hốt gọi theo:

- Nguyên! Nguyên! Mầy đứng lại. Chạy đi đâu vậy? Con Thanh nó nói giỡn thôi mà.

Tuệ Nguyên cắm đầu chạy, không ngoái đầu lại, làm Vân sợ quá, vội chạy về nhà mách với bà Hai. Còn Thanh, nhìn theo bóng Tuệ Nguyên lòng đầy hối hận, tự trách mình sao làm nhỏ mít ướt buồn vậy không biết, nó đã có danh mít ướt rồi mà; nhưng cũng tại nó nữa, ai biểu cứ nói dóc gặp ông thần nầy, bà tiên nọ làm gì; nghĩ vậy thôi, rồi thất thểu về nhà.

Tuệ Nguyên chạy trong cơn hoảng loạn, sợ hãi; đôi chân cứ vù vù, không cần biết hoàng hôn sắp buông xuống, chỉ còn vài vệt nắng cuối ngày mong manh, le lói ửng hồng ở phía Tây, cuối chân trời xa. Cô bé sợ, sợ vô cùng, sợ mình trở thành trẻ mồ côi như lời bạn nói; sợ ba mẹ không thương mình, rồi đi luôn, không về nữa. Nỗi sợ hãi cứ lan dần, lan dần trong tâm trí, trong trái tim nhỏ bé, non nớt đầy nhạy cảm. Cô bé chạy một hơi đến rã rời không thể chạy được nữa, liền ngồi bệch xuống vệ cỏ bên chiếc cầu ván nhỏ, nhìn xuống cầu Lưới Gõ ở phía dưới xa xa, nơi có thể nhìn thấy những chuyến tàu ra vào, để nhớ thương. Rồi cô bé ước mơ, được trông thấy chuyến tàu sắt cùng tiếng còi tàu hú vang, đưa ba mẹ và hai thằng em cô bé về. Tuệ Nguyên nhìn dòng nước dưới chân cầu chảy chậm rãi, lờ lững như mang cả ước mong của mình xuống dưới cầu Lưới Gõ kia, và lời nguyện ước nầy lại thành hiện thực; để các bạn của mình, không còn nói mình là trẻ mồ côi nữa.

Tuệ Nguyên lắng nghe âm thanh tiếng nước chảy, tiếng gió lay làm sóng lúa rì rào, trong ánh hoàng hôn tím sẫm. Tiếng côn trùng rỉ rả, làm cô bé cảm thấy càng cô đơn, trơ trọi hơn. Những giọt nước mắt lặng lẽ chảy trên má, trên môi, trái tim cô bé như có ai bóp nghẹt đến nghẹn ngào, đau đớn. Nỗi nhớ thương ba mẹ và các em cứ tuôn trào, theo dòng ký ức xa xôi, cũ càng.




VVM.13.5.2023