Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


BỘ ẤM TRÀ



Mời qúy vị mở nghe Symphony Pastoral của L. Beethoven
nhạc bản mà Hồ Thủy rất yêu chuộng khi còn sinh tiền




C hiều hôm nay mưa lớn quá, cơn mưa đầu mùa ào ào trút xuống một lượng nước mạnh như thác đổ làm ngập con mương nhỏ và tràn cả ra khoảng sân sau nhà, những luống rau cải vú trồng nửa tháng trước đây trong mảnh vườn nhỏ đang nẩy mầm xanh tươi ngon lành, bây giờ ngã rạp xuống nằm dập dềnh run rẩy trong vũng nước có màu vàng đục trông thật thê thảm đến tội nghiệp, Vú xót xa chắc lưởi vừa tiếc rẽ vừa thương cho những mầm nhú nhỏ bé mỏng manh ấy đang bị ngập nước làm cho rủ rượi mặc dù Vú trồng là chờ khi nó lớn Vú sẽ nhổ để ăn.

Tôi ngồi trong hiên nhà nhìn mưa rơi, những giọt nước từ trên cao tuôn xuống đan xiên vào nhau như những sợi chỉ mành, thỉnh thoảng tạt vào nơi tôi ngồi mấy giọt làm ướt một vài chổ trên mặt tạo nên một cảm giác mát lạnh, dể chịu, mái hiên nhà tôi lợp tole nên những giọt mưa rớt mạnh nghe dội lớn ầm ầm. Vú đội cái nón cời xắn ống quần lom khom bước trong mưa ra vườn rau nhỏ của mình, bàn tay gầy gò của vú cầm cây que dài khều khều mấy chiếc lá và vài cọng rác để tạo thành một cái rãnh bé xíu khơi thông dòng chảy, Vú đang muốn cứu mấy luống rau của mình thoát khỏi cảnh ngập nước, nhìn dáng Vú liêu xiêu miệt mài khều khều đẩy đẩy, lòng tôi bồi hồi thương Vú quá. Tôi đưa hai tay lên miệng khum lại làm loa kêu lớn:

- Vú ơi, đừng ở ngoài mưa nữa, vô đây ngồi với con nè.

Vú quay lại nhìn tôi cười, lúc nào Vú cũng có một nụ cười rất đôn hậu, hiền lành để dành riêng cho tôi, lại lom khom kéo cái nón cời xuống sát mặt để tránh những giọt nước mưa, Vú bước vào hiên nhà, lột cái nón ra, giủ giủ hai ống quần ước sũng nước, nói trống không:

- Ai dè mưa đầu mùa mà lớn dử vậy, hèn chi mấy bữa nay trời chuyển nên khí hậu nồng nực, chân tay nhức mỏi quá chừng.

Rồi quay qua hỏi tôi:

- Răng không ở trong nhà mà ra đây chi cho ướt mưa?

Tôi cười với Vú:

- Ra đây nhìn Vú tắm mưa.

Vú cũng cười:

- Tội nghiệp mấy cây rau Vú trồng, bị ngập mưa chắc chết quá.

Tôi kéo tay Vú ngồi xuống bên cạnh, Vú lắc đầu:

- Chờ Vú thay đồ đả, uống trà không để Vú châm? lúc trưa có nấu ấm nước sôi chế vô bình thủy rồi.

Tôi gật đầu, mưa vẩn còn nặng hạt rơi trên mái tole kêu lên những tiếng lộp độp rất đều đặn, dù chiều chưa xuống nhưng vì mưa nên mây trời có màu xám đậm thật buồn, tâm hồn tôi bổng nhiên chơi vơi, lênh đênh như mấy ngọn lá bập bềnh trong vũng nước, tôi rất thích trời mưa nhưng mổi lần nhìn mưa rơi là lòng tôi cứ nao nao buồn, vì vậy tôi luôn muốn có một ai đó ngồi bên cạnh mình mổi lần mưa, nhất là những cơn mưa chiều.

Vú bưng ra cái khay, trên khay có bốn cái tách và một bình trà nóng, vừa đặt xuống cạnh tôi Vú lại quay vào vừa đi vừa nói trống không:

- Quên lấy bịch kẹo gừng.

Những viên kẹo màu nâu pha xám được làm bằng tay, bên ngoài áo nhẹ một lớp bột trắng để cho nó không dính vào nhau, nhìn thì không đẹp mắt cho lắm nhưng khi ngậm vào trong miệng rồi thì lại rất ngon, nó ngọt và thơm mùi gừng, ăn thứ này mà uống với nước trà nóng vào một chiều mưa thì thật là tuyệt. Tôi lật hai cái tách lên, rót nước trà vào tách, Vú đút viên kẹo lọt thỏm vào trong miệng nhai qua nhai lại vài lần rồi hớp một ngụm nước trà, tự nhiên Vú nói với giọng ngậm ngùi:

- Mổi lần uống trà Vú nhớ ông quá.

Ông đây chính là cha tôi, tôi cũng rất nhớ cha, biết đến bao giờ tôi mới gặp lại cha mình khi ông đang ở rất xa: tận nữa vòng trái đất lận, hôm qua tôi nhận được thư của cha, câu cuối cùng cha tôi viết trong lá thư nói lên nổi lòng đầy đau đớn của ông khi nhận được tin mẹ tôi mất:

“ Bao năm chinh chiến ta gần gủi,”

“ Nay đã thanh bình sao biệt ly?”

Trước ngày giải phóng miền Nam cha tôi có vé máy bay đi Mỷ nhưng ông không muốn rời xa quê hương xứ sở, rời xa họ hàng bà con thân thuộc nên đã từ chối không lên máy bay, kết quả là phải đi học tập cải tạo ba năm tám tháng hai mươi ngày, sau đó thì được thả về … cái số phải ra nước ngoài “chạy trời không khỏi nắng”, nên vì quá sợ hải cha tôi đành đi vượt biên. Dù ở nơi đất khách quê người nhưng ông luôn nhớ nhung về quê cha đất tổ, nhớ Sông Hương Núi Ngự nên lá thư nào cũng ngậm ngùi đau đớn, chỉ mong sao có được ngày về thăm quê hương, cha viết “bao giờ hết sợ thì cha mới dám về”

Vú thở dài khá mạnh:

- Mưa hoài, không biết khi mô mới tạnh đây?

Tôi ôm bờ vai gầy của Vú, tóc Vú có mùi thơm của bồ kết rất đặc biệt, dù tôi có mua cho Vú những chai dầu gội đầu thơm phức nhưng không bao giờ Vú đụng tới, với Vú thì “ nấu trái bồ kết với chanh để gội đầu nó sạch và thơm hơn”. Tôi đưa tách trà lên miệng nhắp một ngựm, ngoài trời mưa còn lớn, gió thổi hơi lạnh tạt qua hiên nhà, tách trà nóng làm cho tôi ấm lại, tôi đăm chiêu nhìn bộ ấm trà, nó rất là quen thuộc, vú đã đưa nó đi theo với gia đình tôi từ nơi này đến nơi khác đến nổi nó trở thành thân thiết như một thành viên không thể thiếu trong nhà, nhất là đối với cha tôi, kể cũng lạ khi chỉ có vú là người chu đáo để đưa nó đi theo và chăm sóc nó rất kỷ càng. Tôi nói với Vú:

- Trời mưa không làm gì, Vú kể chuyện cho con nghe đi.

Vú cười:

- Còn phải nấu cơm chiều nữa nì, mà kể chuyện chi bây chừ? Vú biết chuyện chi để kể đây?

- Thì chuyện của Vú, chuyện về cuộc đời Vú đó, vừa uống trà, ăn kẹo gừng vừa nghe kể chuyện thì thích quá vú à.

- Có chi lạ nữa mà kể, Vú kể hoài cho con nghe hết cả rồi mà, từ hồi con còn bé xíu lận, rồi con lớn lên Vú cũng kể, nghe hoài không chán hỉ?

Tôi lấy cây que trên tay Vú rồi khều qua khều lại lên nền gạch tàu của hiên nhà nơi Vú và tôi đang ngồi:

- Không chán, lúc nhỏ con nghe Vú kể chuyện của Vú mà như nghe chuyện cổ tích, lớn hơn chút nữa thì nghe hay như một câu chuyện tiểu thuyết, còn bây giờ con muốn nghe kể một câu chuyện có thật về cuộc đời của một người mà con yêu thương.

Hình như trong hai khóe mắt của Vú có hai giọt nước long lanh, tôi đã chạm đến nổi đau của Vú, của một cuộc đời rất hẩm hiu bi đát, không hề có chút may mắn nào. Vú cúi xuống kéo ống quần lên chặm chặm vào hai khóe mắt rồi cười, một nụ cười rất buồn:

- Đời Vú có nhiều chuyện lắm, toàn là chuyện buồn mà thôi, vú chỉ muốn quên đi, nhắc chi cho đau lòng… con muốn nghe chuyện chi ?

Tôi tựa cằm mình vào đầu gối vú, lay nhè nhẹ:

- Con muốn nghe hết, Vú kể từ đầu đi, từ hồi Vú còn nhỏ ấy.

- Ừ, răng mà đời vú chỉ toàn buồn với khổ…vú kể đây…


… Nhà Vú nghèo lắm không có được mảnh ruộng để trồng lúa, cha mẹ vú có ba người con, vú là con gái lớn, rồi đến hai người em; một gái; một trai, cả nhà chui rúc trong một cái chòi lá, Cha mạ vú đi làm thuê làm mướn quần quất suốt ngày mà không đủ ăn. Năm vú mới sáu tuổi đã phải đi mót lúa ngoài đồng, mười tuổi phải đi chăn vịt cho người ta, đàn vịt lớn quá mình vú coi không xuể phải kêu thêm đứa em trai mới tám tuổi theo phụ, úi chà tới kỳ vịt đẻ phải đi lượm trứng vịt, nhiều khi thèm một cái trứng đem về luộc ăn mà không dám, sợ mang tội ăn cắp. Khổ nhất là mùa mưa, trời lạnh cắt da cắt thịt, vú cứ lom khom trong cái áo tời, cái áo người ta kết bằng lá ấy để đi ra đồng chăn vịt, người thì run lẩy bẩy mà bụng lại đói mờ cả mắt, vú ao ước phải chi mình được ở nhà, ngồi bên bếp lữa mà sưởi ấm và được ăn một chén cơm với cá kho mặn thì thiệt là …như ở trên thiên đàng vậy đó. Ôi, đã nghèo thì cứ nghèo hoài, năm vú mười lăm tuổi thì cha vú chết vì bịnh mà không có tiền uống thuốc, nhà nghèo quá làm chi có tiền ma chay chôn cất nên mạ vú phải đi vay của bà chủ ruộng. Chôn cất cha vú xong…( vú thở dài) mạ vú bịnh liên miên không đi cấy thuê làm mướn được nên không có tiền trả nợ, qua năm sau nhà chủ bắt vú về làm vợ lẻ để trừ nợ, mạ vú tưởng là về làm lẻ chắc cũng đở khổ, vú sẽ được ông chủ thương yêu vì vú đẹp lắm nhưng ai mà ngờ…( vú lại thở dài) bà vợ lớn hung dữ như chằng lữa, bắt vú làm việc cực khổ còn hơn con ở đợ, cứ bốn giờ sáng vú phải thức dậy làm đủ thứ việc: quét dọn nấu nước pha trà rồi ra đồng cấy gặt, xế trưa chạy về nhà nấu nướng cơm nước giặt giũ…ban đêm tới tận 12 giờ, 1 giờ khuya thì mói được chui vô cái ổ rơm của mình để ngủ…mà có được yên thân mô nà, mới nằm xuống thì ông chủ mò vô, bà chủ đứng canh bên ngoài đếm thời gian…khốn khổ thân vú lắm, chịu đựng như một cực hình, vú cứ khóc một mình, làm chi mà được về thăm nhà, nói là nhà chớ mạ và hai em của vú ở trong một cái chòi lá xiêu vẹo trống trải rách nát tứ bề nhưng dù răng thì vẩn sướng hơn, không bị ai hành hạ cã ban ngày lẩn ban đêm.

Rồi vú có thai, vú nhớ cái lần vú bị ói mữa tới mật xanh mật vàng, bà chủ đánh chửi vú dữ dội đến nổi vuốt mặt không kịp, còn ông chủ thì ngồi rung đùi hút thuốc uống nước trà. Không hiểu răng mà từ đó bà lớn bắt vú làm việc nhiều hơn, nhiều khi khổ quá vú muốn trốn đi cho xa, ngặt nổi khi bắt vú về làm lẽ cho ông chủ thì mới chỉ trừ được một phần nợ mà thôi, nếu vú trốn đi chỉ sợ họ lại bắt em gái út của vú thế vô chổ vú thì tội cho nó lắm…


Mưa nhẹ hạt nhưng chưa tạnh hẳn, tiếng mưa rơi tí tách nghe thật buồn, trời hơi hửng sáng khi đám mây xám loãng dần hé ra một tí nắng, vú sụt sùi khóc, hai ống quần của vú trở thành khăn lau nước mắt, tôi úp mặt mình vào vai vú, tôi cùng khóc với niềm đau trong quá khứ của vú…


…Rồi khi vú sanh đứa bé mới được mười ngày thì tới mùa hái ớt, vú lại quần quật từ sáng tinh mơ cho đến khuya lắc khuya lơ, mổi khi ngực căng sữa là vú lật đật chạy về cho con bú rồi lật đật chạy ra đồng, hái ớt xong còn phải phơi ớt nữa chớ, phơi khô xong phải giã cho nó nhừ thành bột, môỉ lần giã ớt hai mắt vú cay xè chảy nước ròng ròng. Khi đứa con vú được 6 tháng thì nó chết, phần nợ của bà chủ cũng vừa trả xong với thời gian vú làm công việc vừa là vợ lẻ vừa ở đợ. Có người trong làng thấy vú cực quá động lòng thương xúi vú bỏ trốn, họ chỉ đường cho vú trốn ra phố chợ, cũng xa lắm. Sáng tinh mơ sau ngày con chết, khi gà vừa gáy canh đầu là vú lật đật bỏ làng ra đi…úi chà, vú ba chân bốn cẳng chạy như ma đuổi, sợ nhà chủ bắt lại làm vợ lẽ tiếp.

Mãi đến trưa khi trời đứng bóng vú tới được chợ phố, mệt với lại khát vú ngồi nghỉ dười một gốc cây bàng, sữa chảy ròng ròng ướt áo, vú nhớ con, thương con chết sớm nên khóc quá trời, có một bà lớn tuổi đi ngang thấy vậy hỏi thăm, vú kể sự tình, bà thương xót đưa vú tới một nhà có tiệm tạp hóa gần chợ xin cho vú vô làm, nhà này có bà chủ vừa sinh con, giàu có lắm nhưng thiếu sữa cho con bú, thấy sữa vú chảy ướt hai vạt áo họ thuê vú vô làm công việc “ ở vú”…

-“ Ở vú” là gỉ hả vú?

Vú cười đẩy mặt tôi ra khỏi vai vú:

- “Ở vú” là họ nuôi vú, cho vú ăn nhiều thứ ngon lắm, đầy chất bổ để vú có nhiều sữa đặng vú cho con họ bú đó mà. Úi chà, khi đó vú được ăn toàn miếng ngon, giò heo hầm với đu đủ, cá tràu kho tiêu, thịt nạc…ôi thôi đủ thứ món mà vú chưa hề được ăn. Vú còn được trả tiền công nữa chớ, một tháng mấy đồng, vú cắt củm để dành đặng sau này đem về cho mạ và hai đứa em.

- Vậy là đời vú lên hương rồi.

Vú nhìn xa xăm như đang cố nhớ lại một điều gì, ánh mắt của vú buồn ghê lắm, vú chắc lưỡi, thở dài:

- Thì cũng tưởng là như rứa, ai mà ngờ. Nhờ được ăn no mà ngon, nên vú càng ngày càng đỏ da thắm thịt và đẹp hẳn lên.

Vú ngừng kể, rót trà ra tách, bỏ một cái kẹo gừng vô miệng, nói khơi khơi không ăn nhập gì với câu chuyện đang kể:

- Ở bên Tây chắc ông thèm uống nước trà ăn kẹo gừng lắm đây, hồi đó vú thường mua từng bịch kẹo như ri để ông ăn rồi uống với nước trà. Bộ ấm trà ni lâu đời lắm đó, nhà có biết bao nhiêu là bộ bình trà người ta tặng, đẹp mà sang trọng nhưng ông không chịu, ông chỉ uống trà khi được châm trong bình ni mà thôi, với lại mấy cái tách trà nhỏ nhỏ như ri nhưng đã quá quen thuộc với ông, mấy chục năm rồi ông đi tới mô là vú cũng mang nó theo tới đó để ông vui lòng vì ông thích đó mà…

Tôi cằn nhằn:

- Vú này, đang kể chuyện đời vú tự nhiên chuyển qua chuyện cha con thích uống trà trong cái bình này, vú lộn xộn quá đi.

- Thì uống trà, thấy cái bình nên nhớ ông, vú nói vậy mà, ừ thôi nghe vú kể tiếp đây…chà…chưa nấu cơm nửa chớ, chiều quá rồi, thôi chờ vú nấu cơm rồi kể cho nghe, còn dài lắm…


Nhan sắc của vú trở nên xinh đẹp mặn mòi, thân thể vú căng tròn nhìn no con mắt thì cuộc đời vú lại bước qua một giai đoạn khác, cũng đau khổ không thua chi hồi xưa. Vú ngậm ngùi kể tiếp sau khi châm thêm nước sôi vào bình trà:

- Này, ông cũng ưa uống nước trà nhảo lắm đó, nước thứ hai đó mà, xin lổi, vú kể tiếp đây… Khi vú trở nên xinh đẹp thì ông chủ tiệm tạp hóa bắt đầu để ý dòm ngó, ông ưa tới gần vú, nhất là mổi khi vú ngồi vạch vú cho con ông bú, ông giả bộ nựng đứa bé nhưng mắt thì cứ liếc nhìn vô ngực vú, vú sợ lắm nên khi cho bé bú là cứ tới ngồi gần bà chủ, ai ngờ một ngày đầu năm bà chủ đi chùa Thiên Mụ ở Huế hai ngày, - à vú quên kể là lúc đó nhà chủ của vú ở Quảng Trị – buổi tối hôm đó ông chủ mò vô giường của vú đang ngủ với đứa bé con ông, ông bồng nó đặt nằm xuống đất rồi ép vú phải làm chuyện đó, ông dặn là không được kể ai nghe rồi còn dọa nếu vú kể cho ai hay chuyện ông làm thì biết tay ông. Khi bà chủ về vú muốn kể cho bà nghe nhưng sợ bị ông tìm cách đánh đòn. Chuyện đó xảy ra hoài cho tới khi vú bị ói mửa, vậy là vú mang thai, bà chủ chưởi mắng ghê lắm rồi bắt vú làm việc mà không trả công cho vú nữa, thiệt tình lúc đó vú muốn bỏ đi, mà đi mô bây chừ khi bụng càng ngày càng lớn, ai mà dám chứa vú đây?...


Vú lại khóc nữa rồi, hai ống quần bây giờ lại đẩm nước mắt của vú còn vai áo vú thì ướt nước mắt của tôi. Mưa đã dứt hạt, nước trong vườn rau nho nhỏ của vú từ từ rút hết để lộ ra phần mặt đất ẩm ướt, mấy luống rau hơi cao cao nằm bẹp dí sát rạt xuống lấm lem bùn đất trông tội nghiệp hết sức. Vú đang hồi tưởng lại cuộc đời mình nên không còn để ý mà xót thương cho mấy luống của vú như lúc đầu trời mới đổ cơn mưa. Bình trà gần cạn và bịch kẹo gừng cũng sắp hết nhưng câu chuyện của vú thì còn dài ghê lắm. Tôi không cảm thấy đói bụng mà chỉ muốn nghe tiếp chuyện đời vú. Kể cũng lạ, tôi từng được nghe vú kể rất nhiều lần câu chuyện này, nhưng mổi lần nghe thì cảm nhận của tôi mổi khác, thủa còn nhỏ đêm đêm tôi thích nằm ngủ chung giường với vú, bắt vú kể chuyện cho tôi nghe, với tôi lúc đó thì chuyện vú kể như là chuyện cổ tích để ru tôi chìm vào giấc ngủ thật dể dàng. Lớn lên tôi lo bận rộn chuyện hóc hành thi cử, chuyện tình cảm riêng tư nên không còn thường xuyên đòi vú kể chuyện đời vú nữa, có chăng là đôi khi chỉ nhắc lại một đoạn nào đó mà vú chợt nhớ và tôi chợt muốn nghe, rồi khi ráp từng phần lại với nhau nó trở thành một câu chuyện tiểu thuyết ướt át đầy nước mắt hoặc như một vở tuồng cải lương bi lụy, những lần gợi lại như thế vú cười vui và nước mắt thì không hề trào ra, nhưng trong chiều mưa hôm nay, chỉ có tôi và vú bên một bình trà với mấy cục kẹo gừng, ngồi uống trà mà gợi nhớ về người cha đang ở tận bên kia trời Tây, tôi lại thèm được nghe kể từng chi tiết của cuộc đời vú để lòng được cảm thương, muốn sẽ chia cùng vú. Và vú thì đang xót xa ngậm ngùi khóc cho chính cuộc đời mình.

Vú ngừng khóc, thở một hơi dài, hớp một ngụm trà mắt nhìn xa vắng hỏi khơi khơi:

- Ở bên Tây trời có mưa như bên mình không hỉ? Khi uống trà chắc ông tự mình châm lấy, còn phải tự nấu nước sôi nữa, tội ông quá, sống lui cui có một mình không ai chăm sóc thì buồn khổ lắm, phải chi ông đừng đi…

- Vú nói làm con nhớ cha con quá, mà thôi vú đi lạc đề xa quá rồi.

- Ừ, thì vú kể tiếp đây…


…Vú sanh được một đứa con trai đẹp lắm, vậy là vú phải cho hai đứa bú sữa: đứa con gái của chủ đã hai tuổi rồi mà còn bú vú, rồi bấy giờ thêm con của vú nữa, thời gian đó vú cực xác nhưng rất vui vì mình có một đứa con, nhưng mà ông bà chủ không cho vú ẳm bồng con của vú, chỉ khi mô nó đói bụng đòi bú thì vú mới được bồng, kể cũng ngộ đời, con họ thì vú phải ẳm bồng còn con của vú thì họ mướn một đứa tớ gái giử, nhiều khi vú thèm bồng con mình quá, cứ chờ khi đứa tớ gái ngủ gật là vú lén tới bồng một chút, hun hít nó một chút mà nước mắt cứ trào ra. Rồi tới khi con vú biết lật, biết bò, biết ngồi, ôi; lòng vú thương con quá, vú cứ mong răng mà trời cứ cho con vú đói bụng đòi bú sữa hoài để vú được bồng nó trên tay lâu lâu một chút. Khi con vú biết nói thì nó được dạy kêu ông bà chủ bằng cha mạ, kêu vú bằng vú nuôi, vú đau đớn quá chừng, đêm nằm là khóc ướt cả gối,. Rồi đến khi con vú biết đi, nó bắt đầu lẩm chẩm theo chân vú, trời ơi nó rất hay cười với vú, mổi lần như rứa là vú vừa sung sướng mà cũng vừa đau đớn trong lòng. Năm con vú lên hai tuổi thì ông bà chủ bắt nó dứt sữa , vú không còn được cho con mình bú nữa, họ cũng không cho vú ở trong nhà làm công chuyện nhà mà đuổi vú đi. Vú ôm gói áo quần ra khỏi nhà, nhìn đứa con trai lẩm đẩm đưa hai cái tay nhỏ xíu ngoắc ngoắc mình, miệng cười toe toét mà vú đau như đứt từng đoạn ruột, vú không biết đi về mô, cứ lủi thủi ra chợ rồi ngồi bên cổng chợ mà khóc vì nhớ con, vì không có chổ trú thân…


Trời sụp tối rất nhanh, mọi thứ đều lờ mờ trong một vùng sáng chập choạng, vú thở dài đứng lên bước lum khum vào nhà trong bật đèn, ngọn đèn néon sáu tấc nhã ra một màu trắng sáng nhờ nhợ, vú hỏi vọng ra với một cái giọng có âm thanh khàn đục:

- Nì, có đói bụng không? Vú dọn cơm ăn nghe.

Giọng tôi cũng khàn khàn như giọng vú nhưng trong trẻo hơn một chút vì tôi còn trẻ:

- Con chưa muốn ăn, vú ra đây ngồi với con, kể tiếp cho con nghe nữa đi.

Vú quay ra ngồi vào chổ củ, tiếng cười của vú ngắn và buồn:

- Bữa ni răng mà ham nghe chuyện dử rứa? Không chán hỉ? Hết nước trà rồi, thôi thì nhịn uống vậy. Vú kể tới mô rồi? Chà hai chân vú còn nhức quá nì…à; kể tới chổ…


…- Vú nhớ lúc đó khoãng giữa trưa, nắng cũng lên tới đỉnh đầu rồi, vú khóc nhiều quá đến nổi no bụng, chẳng thấy đói chi cả nhưng hai con mắt thì sụp xuống buồn ngủ hết sức, đang thiu thiu thì có người lay lay vai vú:

- Ơ nì mụ vú nhà ông Hách, răng mà ngồi đây ngủ gục không chịu về? Trưa rồi đó, ái chà, răng mà đỏ mắt? Khóc hỉ?

Vú giật mình mở mắt ra thấy bà Tự là người hay tới mua đồ ở tiệm chủ của vú, câu hỏi của bà như cây que khều nổi đau trong lòng làm vú khóc nức nở, khóc như mưa, vú kể cho bà Tự nghe hết mọi chuyện và than rằng mình không còn biết đi mô, ở mô bây chừ. Nhưng mà không ngờ vú gặp may, bà Tự thấy vú tội nghiệp quá nên dẩn vú đi tìm việc làm, bà nói là có một người quen của bà đang cần người ở đợ, vú mừng quá đi theo bà, Hương biết là nhà của ai không?

- Làm sao con biết được, vú hỏi lạ chưa kìa.

Vú cười vui:

- Là nhà ông bà Hòa cha mẹ của con đó mà.

Tôi cũng cười:

- Từ đó đời vú hết khổ phải không?

Vú lắc đầu đưa tay dụi mắt; hình như là khóc nửa rồi:

- Vú cũng tưỡng là đời mình yên thân, ở với ông bà thì vú sướng lắm, ông làm quan lớn, nhà có hai người giúp việc nhưng hai đứa nớ nấu ăn dở quá, bà ăn không ngon nên tìm người giỏi việc nấu nướng, nhờ lúc còn “ ở vú” nên cũng biết nấu ăn, hai đứa ở kia chỉ việc giữ em…

- Ai hả vú?

- Là cậu Huy, cậu Hiến, cậu Hoàn với Hương đây nì, lúc vú tới ở đợ nhà con thì con còn nhỏ lắm, mới biết đi chập chững mà thôi, bà thì lại mang thai cậu Hải bây giờ đó. Chà; vú nhớ hồi còn nhỏ con đeo cứng vú, buổi tối đòi ngủ với vú, ông bà dọa ma dọa cỏ đủ thứ mà cũng không chịu lên nhà trên ngủ, cứ xuống nhà dưới với vú không hà…Để vú kể tiếp cho nghe…cứ sáng ra bà phát tiền cho vú đi chợ, muốn mua chi thì mua, nấu chi thì nấu, vú được thảnh thơi nhiều vì ông bà tốt lắm, nhất là ông thì rất đứng đắn đàng hoàng lại biết thương người nghèo khổ. Ông bà nghe chuyện của vú nên thương tình liền cho người hầu tìm về làng quê của vú, nhưng chỉ có hai em vú, còn mạ vú thì chết sau khi vú bỏ trốn được một năm, được gặp lại hai em của mình vú mừng quá nhưng nghe tin mạ chết vú đau lòng lắm, khóc sưng mắt luôn…Rồi thì…ai ngờ vú lại bị lừa, bởi vì mình quá ngu mà tin người.

Vú sụt sùi cúi xuống kéo gấu quần lên chùi nước mắt, tôi xót xa nhìn vú, dù đã già nhưng vẩn còn nét đẹp chân quê, lổ mủi dọc dừa, mắt hai mí buồn buồn với cái miệng mà đôi môi hơi dày có hình trái tim, thế mà lại khổ quá chừng. Vú kể tiếp khi thấy tôi im lặng chờ đợi:

- Ngày mô cũng đi chợ nên có người để ý đến vú, đó là một người đàn ông lớn hơn vú gần mười tuổi, hắn làm thuê làm mướn đủ thứ nghề ngoài chợ, hắn theo làm quen với vú, thấy hắn có bộ mã bên ngoài nên vú cũng thích, thật tình từ nhỏ đến lớn vú chưa hề có lấy một người đàn ông mô theo ve vãn nên chi cũng dễ xiêu lòng, hắn rủ rê hứa hẹn đủ điều làm vú bùi tai, được khoảng chừng một năm thì hắn nói rất cần vốn làm ăn đặng có tiền cưới vú làm vợ rồi cùng nhau đi xa, ấy vậy là vú gom góp hết số tiền mồ hôi nước mắt mấy năm trời đi ở đợ, vét sạch cho tới đồng bạc cuối cùng, vú sợ không đủ cho hắn mần ăn nên mượn trước của bà một năm lương để đưa cho hắn, ngày vú đưa hắn tiền là ngày hắn lấy rồi đi luôn không hề trở lại, cái nhà mà hắn dẩn vú tới chơi một lần cho biết là nhà của chú hắn, vú tới đó hỏi thăm thì mới biết hắn lừa của ông chú một số tiền rồi trốn đi với mụ bán cá ngoài chợ…vú tức quá, lại buồn nữa nên đổ bịnh mấy tháng trời, may mà ông bà tội nghiệp vú, thương xót vú nên cho ở trong nhà, ông còn mua thuốc cho vú uống nữa…từ đó vú thề là không tin người đàn ông mô cả…đàn ông chỉ toàn làm làm cho vú khổ mà thôi…Ông bà tốt quá vậy mà trời cũng để cho ông bà đau khổ, vú tới ở được hai năm thì cậu Huy lúc đó mới mười tuổi, một buổi chiều thứ năm cậu đi nhà thờ, nghe chúng bạn rủ rê bỏ đi tắm sông bị chết đuối, thấy ông chạy quanh chạy quất đi tìm từ làng trên đến xóm dưới, còn bà thì xỉu lên xỉu xuống, vú thương lắm, vú cũng có con bị chết, dù nó còn rất nhỏ nhưng làm mẹ thì không còn nổi đau mô lớn hơn, ba ngày sau xác cậu Huy nổi lên ở cuối khúc sông, người ta gánh xác cậu về, bà vừa chạy tới nhìn mặt thì máu trong miệng cậu trào ra đỏ tươi…

Tôi lay vai vú. Lôi vú về với câu chuyện của đời mình:

- Vú ngộ chưa kìa, đang kể chuyện nọ lại xọ chuyện kia, lúc anh Huy chết con còn nhỏ xíu, thấy nhà ồn ào đông người thì con vui lắm, còn lấy làm lạ không biết sao mẹ con lại khóc khi anh đang nằm ngủ trên giường nữa chứ, thôi, vú kể tiếp đi.

Vú thở dài nhìn vào khoảng tối cuối vườn rồi chợt reo lên:

- A, vú nhớ ra một điều làm vú vui lắm. Lúc ông đổi lên làm quan ở Ban Mê Thuộc,ông đưa cả nhà lên đó, vú cũng đi theo vì đối với vú thì ông bà ở mô vú theo đó. Một buổi chiều nọ có người thanh niên tÌm đến nhà ông bà để thăm vú, xưng là con của vú với ông Hách, làm răng mà con vú biết được điều đó chớ. Thiệt là kỳ lạ, con trai của vú cao to đẹp trai, bận bộ đồ lính oai hết sức. Vú chỉ biết khóc mà thôi, vú cũng không ngờ có ngày mình được gặp con trai của mình, hai mươi mấy năm bỏ xứ mà đi theo ông bà làm răng còn biết được tin tức chi của con mình, có nhớ chăng thì chỉ nhớ loáng thoáng trong trí mà thôi. Sau đó vú mới biết chính ông đã cho người về Quảng Trị, tìm hỏi nhà ông Hách, rồi tìm con trai của vú với ông Hách thì mới biết con vú đã đi lính, ông cho tìm địa chỉ con trai vú, sau đó là con vú tìm thăm vú, ôi chao mừng lắm. Nhưng từ lần thăm đó thì vú không còn có tin tức chi của con mình nữa.Có lẻ con vú đi lính bị chết rồi, đau đớn quá chừng.Cuộc đời của vú răng mà éo le, răng mà chua cay đắng xót rứa không biết…


Có tiếng muổi bay vo ve trên đầu tôi, bây giờ thì trời tối lắm, bóng vú và bóng tôi ngã dài theo ánh đèn néon trong nhà hắt ra, vú thôi không kể chuyện nữa, hình như khi nói đến người con trai có lẽ đả chết của mình thì lòng vú cũng chết theo. Tiếng vú khóc sụt sùi nho nhỏ nghe sao mà đau xót lạ thường, tôi vòng tay ra sau để quàng lên vai vú như quàng vai một người bạn, tôi muốn chia sẽ với vú nổi đau mà tôi chưa từng có trong đời mình nhưng sao chỉ có sự im lặng trong một tiếng thở dài rất sâu mà thôi. Vú chợt lay vai tôi thúc dục:

- Vô nhà ăn cơm thôi con, ở ngoài ni muổi nhiều quá.

Vú bày mâm cơm ra, trên đó có một tô canh rau dền nấu với tôm khô, một dĩa đậu cô ve xào với tóp mở, món mặn là thịt nạc heo kho rim, không hiểu sao ngồi trước mâm cơm với những món tôi thích nhưng tôi chẳng có cảm giác đói hay thèm ăn, tôi nghỉ rằng câu chuyện của vú vẩn còn dài chứ chưa phải là chầm dứt nơi đây, nổi xót xa ngậm ngùi cứ gặm nhắm tâm hồn tôi từng chút, từng chút…

- Không đói bụng à?

Tôi lắc đầu, vú gắp một miếng thịt bỏ vào chén cơm của tôi rồi đưa tay quẹt nước mắt, thì ra vú vẩn còn khóc:

- Ăn cơm rồi còn đi ngủ cho sớm…chà; có tiếng ếch kêu ồm ộp nghe buồn quá.

- Vú ơi, con muốn nghe tiếp chuyện của vú, lúc theo gia đình con lên ở BMT vú hết khổ chứ gì?

Vú thở ra một hơi dài và mạnh:

- Không, tại mình đã ngu thì cứ ngu hoài nên chi khổ tiếp.

- Vú kể cho con nghe, con mới ăn cơm.

Vú cười dịu dàng:

- Răng mà giống hồi còn nhỏ rứa? Làm nũng với vú hoài, ừ, ăn cơm rồi nghe kể tiếp đây nì…

… Nghỉ cũng lạ đời, đã qua ba lần khổ vì đàn ông mà vú cũng còn bị dụ, khoãng thời gian ở Ban mê Thuộc vú cũng còn trẻ nên lòng còn muốn có một người đàn ông riêng của mình, chuyện bị lừa gạt hồi xưa vú từ từ quên, ngày mô cũng đi chợ nên số phận đưa đẩy để vú quen với một anh tài xế chở hàng cho tiệm gạo, hắn làm quen với vú, nói toàn những lời đường mật làm vú bùi tai, hắn dụ vú về làm chung với hắn để được ở gần nhau vì nhà chủ của hắn đang cần người giúp việc, lương cao hơn lương vú lãnh của ông bà Hòa, không biết ma xui quỉ khiến làm răng mà vú nghe theo, bỏ nhà ông bà, gom góp tiền bạc có được nhờ chắc chiu dành dụm mà đi theo hắn, nghe lời hắn vú đưa hết tiền bạc cho hắn cất giử. Nhà của chủ mới là một hãng gạo ở xa chợ, vú làm được mấy tháng, lảnh lương ra là đưa hắn, ai dè nữa năm sau hắn bỏ đi mô không ai biết, ối chà, ở nhà chủ mới này vú cực lắm, hầu hạ nhà chủ phải đúng cách, không đúng thì bị mắng chửi, tới bữa cơm là vú phải đứng bên cạnh quạt hầu ông bà chủ, chờ từng người trong nhà đưa chén để vú bới cơm, ăn thì toàn là cơm thừa canh cặn không hà, áo quần ngày mô cũng đầy thau, giặt xong, phơi khô mà bà chủ thấy còn sót một chút chổ dơ mô là phải giặc lại…vú hối hận lắm, nhớ ông bà chủ, nhớ mấy cậu nhỏ, nhất là nhớ con đây nì, vú khóc rồi tự chửi mình ngu đần ngu độn, phản bội ông bà, rồi vú nghỉ ngợi sâu xa, lo lắng không biết mổi sáng bà có pha trà cho ông uống không? Hay để cho anh lao công làm? Hay tự ông phải pha lấy? vì vú biết ý ông lắm, đong mấy nhúm trà nì, châm nước nóng chừng mô nì…vú ân hận đủ thứ nên một bữa nọ vú lén chủ về thăm, mong ông bà tha thứ, vú cho bà biết nhà vú làm, sau đó thì bà biểu tài xế chở bà tới đón vú về, bà cũng chịu trả số tiền vú mượn của chủ để đưa cho hắn…Từ đó vú nghỉ rằng không nơi mô tốt cho bằng nhà ông bà, vú không còn dám nghe lời dụ dổ ve vãn của đàn ông nữa. Vú theo ở với ông bà luôn cho tới nay. Bà thiệt là người có phước, ông cưng chìu bà ghê lắm, vú chưa thấy có ai thương vợ như ông…nhưng răng mà bà cứ cằn nhằn ông hoài.

Bây giờ thì giọng kể của vú trầm hẳn xuống đầy vẻ ngậm ngùi cho số phận cay đắng của mình. Đêm đã khuya, mâm cơm đã dọn xuống, chén bát đã rửa sạch, vú lại châm thêm một bình trà nóng, ngồi trầm ngâm nhìn bình trà xưa cũ, tôi mon men đến ngồi bên cạnh vú, ánh sáng ngọn đèn sáu tất không đủ sáng làm tôi cảm thấy khó chịu, có lẽ ở nơi thành thị rực sáng ánh đèn muôn màu muôn sắc tôi đã quen rồi nên khi về chốn thôn quê xa xôi này, nhà nào cũng chỉ thắp một ngọn đèn mờ mờ ảo ảo tạo cho tôi một cảm giác bất an. Tiếng ếch, nhái, ểnh ương, tắc kè thi nhau nhã giọng tạo thành một giàn hợp xướng nghe thật lạ tai, hay hay thế nào ấy. Tôi muốn nghe kể thêm về cuộc đời của vú, có gì lạ hơn sau lần cuối cùng bị lường gạt tình và tiền đó, tôi không tin là con tim vú chịu ngủ yên.

- Vú ơi, sau này vú có yêu ai nữa không?

- Yêu ai bây chừ? Mà yêu là răng? Vú có khi mô nghe ai nói yêu vú nên…vú cũng không biết.

- Không biết thì tại sao vú bỏ theo người ta, đem tiền bạc đưa cho người ta?

- Đó là mê trai, vú mê trai chớ vú có biết yêu là chi mô, con nói cho vú biết yêu là răng đi.

- Con nghỉ rằng khi vú luôn nghỉ đến một người, rồi luôn nhớ đến người đó, luôn muốn gặp người đó, ở mải bên cạnh người đó, hy sinh cho họ, cùng vui, buồn, sướng khổ với người đó và sẳn sàng chết vì người đó nữa.

- Làm răng vú nói cho con biết được bây chừ…thôi con đừng hỏi, uống trà đi, ấy nhưng mà khó ngủ lắm đó.

Đôi mắt vú nhìn vào bình trà một cách xa xôi diệu vợi nhưng lại rất đằm thắm như rằng vú thấy một điều gì đó rất thân yêu nơi cái bình trà này. Vú lại chuyển hướng câu chuyện bằng cách hỏi tôi:

- Con về đây thăm vú, bỏ chồng với mấy đứa nhỏ cho ai coi?

- Thì con ở chung với gia đình chồng mà vú, má chồng con tốt lắm, lo hết cho tụi con. À, vú nè, có biết chừng nào vợ chồng em con về không? Hai đứa để vú ở nhà một mình lâu vậy sao?

- Nghe nói đi một tuần lận, hai vợ chồng bồng thằng cu Lâm đi lên Lâm Đồng kiếm chuyện làm ăn chi đó. từ ngày bà mất tới giờ vợ chồng cậu ít có công chuyện làm nên tiền bạc eo hẹp lắm, tội nghiệp.

Tự nhiên vú nhắc tới mẹ tôi làm tim tôi đau nhói khi liên tưỡng đến cha, ở bên trời Tây cha tôi đã ngã bịnh nằm liệt giường suốt một tháng trời khi nghe mẹ tôi mất. Vậy là tuổi già của cha mẹ tôi vừa Sinh Ly lại vừa Tử Biệt. Hôm trước nóng lòng nhớ vú khi hay tin vợ chồng em trai phải đi xa vài ngày, tôi xin phép ba má và chồng về thăm vú. Ai biết được người già ra đi lúc nào? Từ ngày tôi theo chồng về ở nhà cha mẹ anh ấy, hiếm hoi lắm mới được lên thăm vú khi mà tôi cứ phải quay cuồng với con cái, hết sanh đứa này lại có bầu đứa khác…Vú ở với vợ chồng em trai tôi, nay thì vú già lắm rồi, cái lưng của vú còm xuống vì phải gánh vác bao nổi gian truân của đời mình, đôi mắt đã mờ vì biết bao lần phải khóc thương cho chính mình. Vú hớp một ngụm trà, đăm chiêu gợi nhớ:

- Vú nhớ mổi lần ông uống trà, ông không uống cái ực, mà ông ngậm trong miệng một chút rồi mới từ từ nuốt xuống, sau đó ông khà một tiếng, nói thiệt với con, vú thích uống trà là vì mổi lần ngồi bên bình trà ni, thấy khói trong bình bốc lên, mùi trà thơm phức, vú rót hai ly, cứ tưởng như ông đang ngồi trước mặt vú vậy đó, vú không uống một mình mô nà.

Một tia chớp lóe sáng trong đầu tôi, xé rách trí nảo của tôi làm tôi chớt nhớ ra, chợt nhận biết một điều mà bấy lâu nay nó nằm yên im lìm trong tận cùng của tâm trí tôi. Đó là…


… Nha Trang đẹp lắm, tôi chưa từng biết một thành phố nào xinh đẹp như vậy, mặc dù anh em tôi và vú được theo cha mẹ đi hết tỉnh này đến tỉnh khác, sống từ thành phố này đến thành phố nọ: Sài Gòn, Đà Lạt, Pleiku, Ban mê thuộc, Qui Nhơn…nhưng khi đến Nha Trang thì tôi đã bị ngất ngây say đắm bởi biển xanh cát trắng, bởi những con sóng bạc đầu nhấp nhô, bởi hàng dừa lã ngọn, lúc đó tôi vừa đến tuổi mười sáu, cái tuổi đầy mơ mộng, lãng mạn nên thấy đời rất đẹp và mọi thứ chung quanh mình thật tuyệt vời. Vú vẩn thường ngày dậy sớm, quét dọn sân vườn, nhóm lửa nấu nước pha trà, nấu xôi để cả nhà ăn sáng, xong thì đi chợ nấu nướng, vú biết ý từng người trong nhà để lúc nào trên bàn cũng có nhiều món, rồi giặc giũ áo quần… vú làm hết mọi công việc của mình một cách cần mẩn chu đáo mà không hề nghe một lời phàn nàn than thở. các anh trai đi học tận Sài Gòn, mẹ tôi thì rất yêu quí con trai nên thường một mình vào đó thăm các con, cha tôi đi làm từ sáng sớm cho đến xế chiều mới về nhà, mổi bữa cơm chiều khi vú dọn ra và cùng ngồi ăn với cha con tôi, bao giờ tôi cũng thấy trên đôi môi hơi dày của vú có mấy vết son đỏ chót được tô một cách vụng về lam nham bởi bàn tay thô ráp chai sần của vú, nhưng chỉ vào những ngày không có mẹ tôi ở nhà vú mới tô son môi. Vú chu đáo lắm khi rót cho cha tôi một ly nước chè nóng vừa lúc cha tôi buông chén đủa, những áo quần của cha tôi mặc bao giờ vú cũng ủi thẳng hơn của mọi người trong nhà. Tôi ngủ với vú, đó là một thói quen từ lúc còn rất nhỏ, có những đêm vú đau răng, rên hừ hừ và như cố ý chờ đợi cho đến khi nghe tiếng cha tôi từ nhà lớn hỏi vọng xuống:

- Vú đau răng à? Uống thuốc chưa? Nếu chưa thì nhớ uống, ngậm thêm nước muối cho chết vi trùng.

Như chỉ chờ có bấy nhiêu thôi, vú “ dạ” một tiếng và không còn rên rỉ nửa. Trời ơi, bây giờ tôi mới biết tâm hồn của vú có lắm khát khao, vú cũng là phụ nử như bao người phụ nử trên cỏi trần này, vú thèm một chăm sóc dù rất nhỏ nhoi như chỉ bằng một lời nhắc nhở, vú cũng thèm được đẹp lên trong con mắt của người đàn ông, nhưng thật tội nghiệp cho vú biết bao, nổi khát khao thèm muốn âm thầm của vú mãi mãi không ai biết hay không muốn biết, tôi ngây thơ khờ khạo cười vui nhạo báng khi nhìn thấy màu son đỏ tô một cách vụng về lởm chởm trên đôi môi dày của vú, tôi buồn cười khi vú không còn rên la sau câu hỏi, câu dặn dò của cha tôi, còn cha tôi thì vẩn một mực đàng hoàng thánh thiện, biết hay không biết nổi khát khao của một người đàn bà bất hạnh như vú đây? Mẹ tôi thì vẩn vô tư, thích được cha tôi chìu chuộng và muốn người khác phải phục vụ mình và xem đó nhưlà một điều tất yếu, một lẽ đương nhiên mà mẹ cho rằng mình có quyền được hưỡng, còn mọi chuyện khác thì không bao giờ mẹ thèm để ý đến, nhưng mẹ lại rất tốt, rất thương người nghèo khó.

Vú lại thở dài, ngồi bó gối đu đưa nhè nhẹ, thỉnh thoảng sụt sịt rồi hỉ mủi, hai gấu quần của vú luôn là cái khăn để lau mặt sau khi rửa, để chùi khô những giòng nước mắt khi vú khóc, là cái nùi giẻ để hỉ mủi, tôi thương vú chân chất khổ cực nhưng tâm hồn vẩn có lắm khát khao. Đáng lẻ ngày mai tôi phải về vì nhớ mấy đứa con, nhưng câu chuyện của vú kể chiều tối hôm nay đã níu chân tôi lại, tôi không nở nào để vú thui thủi một mình dù vú đã có mảnh vườn con con trồng vài ba thứ rau, vài ba cây ớt để cho qua khoảng thời gian cô quạnh, tôi quyết định chờ vợ chồng em trai về thì mới yên lòng trở lại Sài Gòn. Bình trà cạn khô, tôi giả vờ hỏi:

- Vú ơi, khi nào con về nhà, vú cho con bộ ấm trà này nhé?

Lập tức vú lắc đầu như một phản xạ rất tự nhiên:

- Uí chà, mô có được, vú quí nó lắm, nhờ có nó mà khi uống trà vú mới được thấy ông. Con biết không, ông quen uống cái tách ni, ngón tay cái ông cầm rồi xoa xoa vô đây cho nên chi chổ ni bị lợt màu hơn ba cái kia bây chừ vú bắt chước ông, vú cũng uống cái tách ni.

Tôi cười nói đùa:

- Cha con là cha con, bình trà là bình trà, làm sao mà vú như thấy cha con khi uống trà trong cái bình này? Cho con đi vú, con sẽ tặng vú bộ ấm trà khác đẹp hơn.

Vú nói một câu sâu sắc đến không ngờ:

- Nhưng bình trà mới thì ông chưa hề uống nên vú không quí.

Và thêm một câu như lời trăn trối:

- Nì, khi mô vú chết, nhớ chôn nó chung với vú nghe.


Tôi về lại Sài Gòn, phải ra ngoài đường cái mới đón được xe, vú lum khum đưa tôi ra tận đầu đường chờ đến khi tôi leo lên chiếc xe đò củ kỷ, ngồi vào ghế rồi mà vú vẩn chưa quay về, xe chuyển bánh tôi đã òa khóc khi thấy vú vẩy vẩy tay, miệng cười rất buồn mà nước mắt thì lăn dài trên hai gò má nhăn nheo. Vú cứ đứng đó nhìn mải theo đuôi chiếc xe đò, tôi ngoái ra đằng sau cho đến khi không còn thấy vú, tôi tưỡng tượng ra bóng dáng vú lủi thủi quay về nhà em tôi, bước chân già cổi xiêu vẹo run run mang theo trong tâm hồn một nổi cô đơn quá lớn và sự quạnh hiu cuối đời. Chiếc xe lăn bánh trên con đường gập gềnh, đầu tôi lắc lư theo bánh xe quay,và cuộc đời cay đắng của vú là một nổi ám ảnh mãi trong lòng tôi, theo tôi suốt quảng đường dài.

Tôi lại tất bật với đủ thứ công việc nhà không tên, làm hoài vẩn còn hoài nhưng lòng tôi nặng trỉu mổi khi đêm về, tôi tự trách mình: tại sao bắt vú kể lại chuyện đời vú, khơi lại làm chi một quá khứ đau thương, tôi có chia sẻ được gì không khi mà ngược lại chính tôi luôn nặng lòng nghỉ đến, tôi có ác lắm không khi cứ bắt vú phải gợi nhớ đến bao nổi đắng cay tủi nhục của đời mình, sao tôi không để vú được chôn sâu, vùi lấp trong quên lãng một quá khứ không nên gợi nhớ, sao không để cho vú được vui với bộ ấm trà bên cạnh.?


Vú nhắn tôi phải về để vú gặp mặt, không biết có chuyện gì đây, nghe nói vú khóc nhiều lắm. Tôi xin phép cha mẹ và chồng, rồi gởi con cho ông bà chăm sóc để về thăm vú.

Vú đang ngồi bó gối ở hiên nhà phía trước, hai gấu quần được xử dụng tối đa để lau nước mắt, thấy tôi vú mừng quá vừa cười vừa mếu máo:

- Vú chờ con, ngày mô cũng ngồi đây ngóng con.

Tôi dìu vú đứng lên, cười cho vú vui:

- Đi vô nhà thôi vú, bộ ấm trà đâu, pha cho con uống cùng với vú, con thèm trà vú pha lắm.

Tôi ngạc nhiên khi vú òa khóc nức nở:

- Còn mô nửa mà pha, bể rồi con ơi.

--Tại sao mà bể?

Cô em dâu của tôi từ dưới bếp đi lên chào hỏi tôi xong liền trả lời thay vú:

- Chị, con mèo nhà hàng xóm nhảy lên tủ tìm con chuột, nó quậy tưng làm bể đồ tùm lum, bể luôn bộ ấm trà của vú. Cái hôm bộ ấm trà bị bể vú dẩy dụa khóc la tới giờ luôn, ngày nào vú cũng ủ rủ, vợ chồng em mua lại cho vú bộ ấm trà mới mà sao vú khó quá chị, không chịu uống bình mới, cứ khóc không hà rồi đòi em phải nhắn chị về cho bằng được. Anh Hải nói vú già rồi nên sinh tật chướng kỳ.

Tôi hỏi:

- Hải đi đâu mà chị không thấy? Còn bé Lâm?

- Anh đi làm rẩy trồng bắp với mấy người bạn, còn bé Lâm qua nhà ngoại chơi rồi. Anh Hải bực bội vú lắm, có bộ ấm trà bị bể thôi mà vú cứ vật vã hoài, chịu hết nổi luôn.

Tôi nhìn vú xót xa lòng đầy trắc ẩn, hình như chỉ có mình tôi mới hiểu được lý do tại sao vú lại đau buồn đến như thế, bộ ấm trà là kỷ vật bất ly thân của vú, gắn liền với một khối tình to lớn nhưng luôn câm nín suốt những thàng năm dài theo cha mẹ tôi đi đây đi đó, nào ai hiểu được ngoài tôi ra? vì vậy vú mong chờ tôi đến với vú như một điểm tựa để vú vượt qua được nổi đau mất mát rất là to lớn này đối với vú. Vú vẩn ngồi đó, cái đầu hơi gật gù lúc lắc, tôi đến ngồi bên cạnh ôm đôi vai gầy guộc của vú, xoa xoa bờ vai xương xẩu như một lời an ủi, tôi hỏi:

- Những mảnh vở của nó còn không?

- Uí chà; chị ơi, vú gom lại cất kỷ lắm.

Tôi nói với vú:

- Đưa cho con xem.

Vú lui cui đi vào trong, lát sau cầm ra một gói giấy nhỏ đưa cho tôi:

- Đây nì, vú quét nhà gom hết không còn sót một tí mô cả .

Tôi mở gói giấy ra xem, xoay qua xoay lại, đưa lên đở xuống, ráp lui ráp tới, cũng may là bộ ấm trà không bị bể nát mà nó chỉ vở ra từng mảnh lớn, tôi thở phào vui vẻ nói với vú:

- Không sao đâu, vú đừng buồn nữa con sẽ dán keo làm dính liến lại cho vú.

Cô em dâu của tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên lẩn khó chịu:

- Chị, tại sao chị phải làm như vậy? Em tưởng…

- Tưởng là chị sẽ cằn nhằn vú chứ gì? Em làm sao hiểu được…thôi, không nói nhiều, đi ra tiệm tạp hóa mua cho chị tupe keo con voi, tiền đây, nhanh nhanh dùm chị.


Vú ngồi bên cạnh chăm chú nhìn tôi săm soi lựa chon từng mảnh vở của bộ ấm trà để ráp lại với nhau, khi cô em dâu đem type kéo dán về, tôi hối vú đi nấu cơm cho tôi ăn vì tôi đói lắm rồi, trên khuôn mặt vú hiện lên niềm hy vọng cùng với nổi vui mừng, nhẹ nhỏm.

Tôi không khéo tay như chồng tôi nên phải thật lâu mới dán lại đươc từng mảnh vở của bộ ấm trà, tuy không được hoàn hảo cho lắm nhưng nói chung thì nó cũng được dính liền lại với nhau. Vú cứ than thở tự trách mình:

- Tại bửa tối đó vú không để sát vô trong, thì chiều đó vú cũng pha trà ngồi uống với cậu Hải, tối lại tự nhiên vú bị nhức đầu choáng váng nên để hời hợt ở phía ngoài…chớ lúc mô vú cũng cẩn thận, đi đông đi đoài mà không hề hấn chi bây chừ nằm yên một chổ thì bị bể…vú lo lắm, ông ở bên nớ có bị chi không đây?

Tôi cười cho vú nhẹ lòng:

- Cái số của bộ ấm trà tới lúc nó phải bể nên vú mới hời hợt, còn cha con có can dự chi tới nó, vú đừng lo.

Nhìn bộ ấm trà được dán dính liền lại với nhau vú vui lắm, cứ cười hoài, tôi dặn vú từ nay không được chế nước vô bình, vú chỉ có thể để trước mặt mà nhìn ngắm thôi, còn muốn uống trà thì chịu khó pha trà trong bình mới mà em tôi đã mua cho vú. Vú thở dài nói một câu thật cam lòng:

- Thì đành vậy chớ biết răng chừ, nhưng mà…chắc từ đây vú không uống trà nữa mô, còn ngon chi nữa mà uống.

Vợ chồng em trai tôi không hiểu nổi vì sao tôi có thể từ SG chịu xa chồng con để tất tả lên đây, ngồi tỉ mỉ dán lại bộ ấm trà cho vú, chiều đi rẩy về em tôi cười chê tôi dở hơi, làm chuyện ruồi bu, còn vú thì kỳ cục, nhỏng nhẽo như con nít, tôi chỉ có thể nói với em trai tôi rằng:

- Thôi, vú già rồi như chuối chín cây, so với cái tình cái nghĩa vú chăm sóc thương yêu anh chị em mình, gắn bó với gia đình mình mấy chục năm trời thì cái chuyện chị bỏ công ra ngồi dán lại bộ ấm trà cho vú vui nào có đáng gì đâu, hai đứa đừng làm gì vú, cũng đừng nói chi để vú phải tủi thân mà tội nghiệp vú.

Vú muốn tôi ở lại với vú thêm một ngày nữa nhưng tôi nhớ mấy đứa con nhỏ của mình nên không thể, sáng mai tôi phải về sớm. Bữa cơm tối cũng chỉ canh rau cá kho mặn mà thôi nhưng tôi ăn rất ngon, hai chị em cùng với vú nhắc lại bao nhiêu kỷ niệm xưa của gia đình, em dâu tôi chỉ biết ngồi nghe vì em chưa bao giờ được dự phần vào những tháng ngày đó. Quá khứ của một thời vàng son vang bóng được ôn lại dưới bóng đèn néon sáu tất mờ nhạt, có rất nhiều người trong quá khứ ấy nhưng chỉ còn lại vú, tôi và em tôi, bộ ấm trà được vú cất kỷ trong vali của mình, buổi tối vú nói riêng cho mình tôi nghe:

- Vú cất trong vali cho chắc ăn, khi mô nhớ ông thì đem ra nhìn.

Đêm đã khuya lắm rồi, tiếng con tắc kè trên nóc nhà kêu to làm tôi không ngủ được, cứ trằn trọc, trăn trở mải trên giường, lòng ngậm ngùi, bồi hồi thương vú xót xa.

Gà của em tôi nuôi trong vườn nhà trổ giọng gáy sáng, tôi thức dậy để ra về, không ngờ là vú đã thức trước khi con gà nó gáy, vú nấu một nồi xôi đậu xanh và rang một ít mè. Tôi ngồi ăn với vú, mùi thơm của xôi, của muối mè thoảng lên thật dể chịu. Vợ chồng em trai tôi đang còn say ngủ, vú lại lom khom đưa tiển tôi ra tận đầu đường để đón xe đò về SG. Tôi ứa nước mắt nhìn dáng vú gầy gò cam chịu, tôi hỏi:

- Vú còn buồn nữa không?

Dù nét mặt nhăn nheo

nhưng nụ cười của vú thật rạng rở:

- Vú vui lắm rồi, không có con thì vú biết cầu cứu ai bây giờ, cậu Hải bắt vú phải vứt bỏ mấy mảnh bể của bộ ấm trà, mà…

Tôi cầm tay vú thương cảm:

- Con biết rồi vú ơi, con hiểu lòng vú mà.

Những tia nắng đầu tiên của một ngày chiếu lên mấy ngọn cây cao bên đường, chiếc xe đò trờ tới, đổ xịch lại, tôi leo lên xe ngoái đầu ra cửa kêu vú về đi, vú đứng tần ngần nhìn theo cho đến khi không còn thấy bóng dáng chiếc xe đò chở tôi.


Em trai tôi lên thăm, báo tin là vú muốn được vào chùa ở, em không biết phải làm sao nên hỏi ý kiến của tôi, nghe ý muốn của vú chồng tôi liền lên chùa gần nhà em tôi để gặp và thưa chuyện với nhà sư trụ trì của chùa, và với đôi bàn tay khéo léo của em tôi; thế là vú có được một nếp nhà lá đơn sơ trong đất của nhà chùa, sáng tối nghe gỏ mỏ tụng kinh để xoa dịu tâm hồn đầy những vết thương của vú, nghe từng tiếng chuông chùa gióng lên làm rơi rụng trăm mãnh sầu, ngàn giọt đắng của cuộc đời người đàn bà chưa có được một lần yêu hay một tình yêu riêng của chính mình, có chăng là một khối tình câm lặng chôn sâu tận đáy lòng. Khi đưa vú qua “nhà mới” đồ đạc của vú không có gì nhiều, chỉ là một cái giường tre, bộ bàn ghế nhỏ, một cái tủ con con để đựng vài ba bộ áo quần, vài ba thứ vặt vãnh, em tôi đóng cho vú một cái kệ thấp làm bếp, cột mấy cọng dây kẽm để treo nồi niêu son chảo và một thùng nhỏ đựng chừng chục ký gạo. Tôi thấy vú cẩn thận lôi từ trong vali ra bộ ấm trà vỡ đã được tôi dán lại, nâng niu đặt lên trên đầu tủ, cái tủ được kê sát bức vách kết bằng lá, bửa cơm mừng “ tân gia” chỉ có hai món canh và mặn nhưng vui vẽ, âm cúng lắm, tôi thấy vú cứ đưa mắt nhìn bộ ấm trà, rưng rưng cảm động với một thứ hạnh phúc ngọt ngào mà cuối đời của vú tôi mới nhận ra và vú mới có được.

Đó cũng là lần cuối cùng tôi ở với vú, ăn cơm cùng với vú. Về SG tôi lại lao vào đủ thứ công việc, bị bận rộn suốt ngày nên chỉ nhớ đến vú mổi khi thật là rảnh rổi. Thời gian vùn vụt lao nhanh như tên bay qua cữa sổ, tôi cứ nghỉ rằng bây giờ vú đang có niềm vui và hạnh phúc bí mật của riêng mình trong nếp nhà lá nho nhỏ đơn sơ ấy nên lòng tôi cũng nhẹ được đôi chút, đở đi sự ân hận khi luôn tự trách mình đã năn nỉ vú kể chuyện “đời xưa” mà khơi lại mạch sầu của vú khi vú chỉ muốn chôn sâu xuống tận đáy lòng. Thỉnh thoảng tôi mua đồ và gởi kèm tiền lên cho vú tiêu xài, dặn em tôi thường xuyên vào thăm vú vì nhà em ở cũng gần nhà chùa.


Tin vú qua đời đến với tôi thật bất ngờ vào sáng Chúa Nhật, em trai tôi đi chuyến xe sớm nhất lên báo cho tôi hay. Như thường lệ cứ vào khoãng bốn giờ sáng khi tiếng chuông chùa vừa gióng lên là vú đã thức dậy quét lá ở khoãng sân nhỏ phía bên hông nhà chùa, hình ảnh một cụ bà lom khom cầm chồi quét lá, âm thanh của cây chổi đưa qua đưa lại kêu xèng xẹt, nụ cười hiền lành khi gặp các sư đã trở nên gần gủi và quen thuộc với mọi người trong chùa, nhưng sáng hôm nay không ai nghe tiếng chổi quét xèng xẹt cũng không thấy nụ cười hiền lành nên sinh nghi; lo lắng chạy vào nếp nhà lá của vú, mở đèn lên thì thấy vú nằm ngay ngắn trên giường, mặc bộ đồ mới tôi may cho vú vào tháng trước, hình như vú cảm nhận được cái chết sắp đến với mình nên đã chuẩn bị tinh tươm, nhà chùa liền báo tin cho em tôi và sau đó…

Hình như mọi người cố ý chờ tôi đến mới bắt đầu xúc tiến việc chôn cất, nhìn nét nhẹ nhàng thanh thản đến vô cùng trên khuôn mặt của vú đang nằm đây yên nghỉ khác hẳn với nét khắc khổ u buồn lúc còn sống, tôi chợt nhận ra một điều là vú đã hài lòng với những gì vú có sau khi kể hết cho tôi nghe về nổi khốn khổ của đời mình, và khi biết tôi hiểu được mối tương tư thầm kín của vú thì vú như trút được hết mọi ưu tư khắc khoải luôn đeo bám làm nặng trỉu cỏi lòng vú suốt một quãng đường dài đăng đẵng.

Khi ban đạo tỳ làm công viếc tẩm liệm vú, tôi kính cẩn đặt bộ ấm trà vào trong quan tài, em trai tôi thắc mắc hỏi tại sao tôi lại làm như vậy? Tôi không thể trả lời được khi chỉ một mình vú và tôi biết mà thôi, đó là một bí mật, tôi tôn trọng ước muốn của vú và tôi cũng rất ngưỡng mộ một mối tình câm nín của một người đàn bà luôn chu đáo chăm sóc anh em chúng tôi với tất cả tình thương mà một người mẹ thường dành cho các con của mình, và tôi hiểu tại sao vú lại thương yêu anh em chúng tôi đến như thế.

Đám ma của vú lặng lẽ với rất ít người đưa ra nghĩa trang, có cháu Lâm - con trai của em tôi - cầm di ảnh vú đi trước, tôi và em trai chít khăn trắng trên đầu đi theo sau; cùng với mấy người quen ở gần chùa, có hai sư tụng kinh cho vú, có lẽ vú cũng mãn nguyện lắm khi cùng đi với vú vào cỏi vỉnh hằng là bộ ấm trà mà vú vô cùng yêu dấu. Tôi khóc cho vú- rất nhiều – vú ơi.




VVM.06.5.2023