Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

tranh của Barry Ciani

NHỮNG MẢNG KÝ ỨC RỜI



             Trong VỀ DƯỚI ÁNH TRĂNG XƯA

V ừa xong thời kinh buổi tối, Tuệ Nguyên pha ly nước ấm, bước ra ngồi trên chiếc ghế dài ngoài hiên, nhìn ra ngõ - trong cái không gian yên vắng, nàng cảm thấy một chút xao xuyến bâng quơ. Ánh trăng mười sáu đã tròn trịa trên trời cao, dịu dàng tỏa sáng một mầu vàng tươi nguyên, rực rỡ, xuống sân vườn, xuống dòng sông mênh mông phía trước nhà, xôn xao gợi nhớ.

Cơn gió nồm từ phía biển thổi lên dìu dịu, mang theo cái mát, cả vị nồng mặn đặc trưng của biển khơi; làm nàng chợt nhớ đến ngọn gió nồm ở quê nhà man mác - nhớ cả cái thời gian, không gian, cả hương vị nồng nàn, cả mầu trăng óng vàng như dải lụa giăng khắp bầu trời, được thấm đượm mát mẻ của biển từ thuở nào xa lắc. Tuệ Nguyên dường như bị chìm đắm trong không gian quyến rũ ấy, lòng chùng xuống, miên man; tất cả như trôi theo trở về quanh nàng.

Tuệ Nguyên vươn vai hít thật sâu không khí tươi mát vào buồng phổi, cảm nhận một chút nồng cay, một chút mặn mà, một chút hanh hao, xao xuyến, như hòa tan mầu nhiệm, khiến nàng say đắm bâng khuâng.

Nàng xôn xao theo dòng ký ức, thoáng nghe cái mùi vừa quen vừa gần gũi, đặc biệt, không diễn đạt bằng lời; nhưng sao thật quyến rũ, thơm nồng, khắng khít, không lẫn vào đâu được; mà dù có đi xa bao lâu, nàng cũng nhận ra được “dáng dấp” thân quen xưa, khi gặp ngọn gió nồm dịu mát.

Tuệ Nguyên nhắm mắt, hít thở đều đều, để “thưởng thức” cảm giác dịu vợi, nhớ thương quý báu ấy. Trong tâm trí nàng bao nhiêu kỷ niệm xưa như trỗi dậy cuồn cuộn. Nàng lắng nghe cơn gió mơn man trên da thịt, rờn rợn, trong tâm hồn; và nàng bỗng cảm nhận được, đó là ngọn gió nồm năm xưa, giữa quê nhà yên vắng. Gió muôn thuở vẫn vậy, chỉ có lòng người trôi nổi, đổi thay mà thôi.

Tuệ Nguyên bưng ly nước hớp từng ngụm nhỏ, nàng cảm thấy những giọt tươi mát như rót nhẹ vào lòng, len khắp cơ thể; như những buồn vui, hạnh phúc, khát khao của một thời tuổi trẻ; những đớn đau, truân chuyên mà nàng đã trải qua. Nhiều lúc nàng nghĩ thầm, sao mình có thể vượt qua được như vậy không biết nữa; nếu như bây giờ mà gặp phải, chắc không thể qua nổi, sẽ ngã quỵ, không đứng lên được mất. Âu cũng là “nghiệp” cả!

Tuệ Nguyên chợt nghe thoảng đâu đây cái mùi thơm nồng của những trái trứng cá chín đỏ ửng, những trái keo ươm nắng hè chín vàng đậm đà vị chát, những trái xoài non sau những cơn gió rơi rụng trong đêm - tất cả như quyện chặt lấy nàng! Và nàng nghĩ, có lẽ những món ăn tuổi thơ ấy, thấm đẫm vị nồng của nắng, của cơn gió quê mát dịu, thấm đẫm vị mặn mơn man của biển khơi; nó như có “chất keo” gắn kết theo nàng, dù lên rừng xuống biển, trôi lăn theo đời sống gian truân, nghèo khó bao năm.

Nhớ lắm những món cá tươi các chị, các cô bán dạo ngày nào - tươi roi rói, nấu món gì cũng ngon. Tuệ Nguyên nhớ nhất là món cá nóc, thường được mua vào buổi xế chiều. Loại cá nóc nầy, nhỏ bằng ngón tay cái, có con lớn hơn một chút, dưới bụng mầu trắng, trên lưng có bông đen, mầu hơi vàng. Bỏ cá nóc vào rổ, thêm ít muối, chà rửa thật sạch, đem kho sả ớt, ăn với bánh tráng nướng, tuyệt làm sao! Nàng cảm nhận cái vị ngọt của cá tươi, vị cay của ớt, thơm thơm mùi sả, còn đậm đà nơi đầu lưỡi, dù đã năm mươi năm - thời gian khá dài, hơn nửa đời người chứ ít gì, mà như còn nồng cay cảm giác!

Tuệ Nguyên nghe cả tiếng kể chuyện đời xưa của bà nội nàng trong những đêm trăng sáng khó ngủ. Giọng bà đều đều như ru ngủ về những tích xưa, đã làm nàng say mê, háo hức. Những đêm trăng sáng ấy, đã rọi soi tâm hồn nàng, theo từng bước truân chuyên, lận đận; đó còn là niềm an ủi, giúp nàng vượt qua, tiếp tục bước đi theo ước mơ như hôm nay - một đời sống ngập tràn tình yêu thương chia sẻ!

Dường như tiếng cười đùa của các bạn học cũ văng vẳng trong ký ức rời rạc của nàng. “Ngôi trường Nắng” của một thời xa lơ như hiển hiện trước mắt. Ánh nắng tươi nguyên, trong trẻo, xôn xao, theo dòng ký ức vọng về; khiến nàng đắm chìm trong quá vãng như ngẩn ngơ. Trong niềm hạnh phúc bàng hoàng, nàng như nghe được tiếng thì thầm của cây lá reo vui xào xạc, theo những bước chân của các cô cậu học trò hồn nhiên áo trắng ngày nào.

Những ký ức cứ rời rạc trở về, làm trái tim vốn “nhạy cảm” của nàng như bối rối, xuyến xao, lâng lâng niềm hạnh phúc không diễn tả được bằng lời. Tuệ Nguyên cảm thấy tâm hồn mình thật lạ lẫm, lúc thì như hớn hở reo vui, mở toạc ra đón nhận niềm hạnh phúc tinh khôi; lúc thì nghẹn ngào, như có ai đó bóp chặt trái tim, khiến nàng như nghẹt thở. Tất cả dìu dặt, khoan thai, nhè nhẹ thấm đẫm trong nàng. Lạ thay!

“Hạnh phúc mịn màng như cát nằm lòng suối - Hạnh phúc long lanh như sỏi mới ngâm mình - Hạnh phúc như nhịp bay cánh én đầu xuân - Hạnh phúc như trái tim lần đầu gặp gỡ!”. Những câu thơ của ai đó, nàng không nhớ rõ, sao mà dễ thương đến xao xuyến nỗi lòng.

Tuệ Nguyên lại miên man về nỗi niềm “Tháng Tư” sâu lắng, buồn thương, như sợi tơ chùng rung lên những cung bậc hạnh phúc, ngậm ngùi, xót xa. Bước ngoặc lớn trong cuộc đời nàng! Bao nhiêu mơ ước đành khép lại, dù ước mơ ấy thật đơn sơ, thật nhỏ nhoi - một cô giáo bên đàn trẻ ngây thơ nơi quê nhà. Từ thuở còn học Tiểu học, nàng đã cố gắng học để thực hiện ước mơ ấy; nhưng oái oăm thay, đâu phải ước mơ bao giờ cũng sẽ trở thành hiện thực trong đời mình? Tương lai không thể “nhìn thấy” được là vậy! Mỗi lần tháng Tư về là nàng nghe tiếng trống trường vang lên trong ký ức, xen lẫn tiếng thở dài trong nàng những lần chạy lên, chạy xuống hết nơi nầy chốn nọ, để hoàn tất bộ hồ sơ cho kịp thi đại học, cao đẳng. Đôi chân nàng rã rời, đôi môi nàng khô khốc nỗi buồn lo; dù vậy, nàng vẫn hy vọng, dù hy vọng ấy mong manh, le lói phía trước chân trời xa.

Nàng nghe tiếng khóc tỉ tê của mẹ chạy tìm kiếm ba khắp nơi mà không thấy, văng vẳng trong ký ức hằng đêm; nghe cả tiếng vỗ về, ru êm của biển an ủi mẹ, khi bà lật từng xác người nằm dọc ngang trên bãi biển năm nào. Rồi nàng sợ, sợ vô cùng, sợ phải nghe tiếng thở dài não nuột của mẹ trong đêm khuya.

Lần dò trong nàng những giọt mồ hôi ướt đẫm trên tóc, nhọc nhằn trên cánh đồng hoang hóa mênh mông, thúc giục theo tiếng “kẻng”, lầm lũi trên cánh đồng hợp tác năm nào. Những gánh lúa nặng trĩu ngượng nghịu, trên đôi vai phồng đỏ rát, để nước mắt nàng lặng lẽ chảy, thương đôi vai bé bỏng, non nớt tội nghiệp khi bước vào đời.

Vang trong nàng còn nỗi cơ cực lẫn tiếng hú của những chuyến tàu trên sân ga, nhộn nhịp. Những chuyến tàu ra vào, vào ra ngày ấy, đã làm chai lì sự ngây thơ, hồn nhiên, trong trái tim yếu mềm của nàng; bởi vất vả và nhọc nhằn cơm áo. Dòng sống ghềnh thác đã làm tàn lụi trong nàng bao khát vọng, lông lốc theo nhịp quay đến trầy trụa xót xa. Tất cả như xa xăm. Tất cả như gần gũi. Tất cả im vắng không lời trong tâm hồn “nhạy cảm” của nàng!

Tuệ Nguyên hít thật sâu làn gió mát của đêm yên tĩnh vào buồng phổi. Nỗi xúc động căng tràn trên gương mặt xanh xao, vốn vì căn bệnh mãn tính lâu nay, (cứ vài tháng phải vào Sài Gòn tái khám), mỗi lúc mỗi dâng cao hơn. Trong cái dáng mảnh mai, gầy guộc kia, là sự kìm nén, nhẫn nại, chịu đựng đến phi thường; đôi khi nàng cảm thấy như muốn nổ tung, mặc những đớn đau tràn chảy cả ra ngoài. Và nước mắt nàng lăn dài trên má, khi nghĩ về hai đứa em trai tội nghiệp, phải chịu đớn đau trong những ngày cuối đời. Nàng thương cái dáng nhỏ nhắn, liêu xiêu, phe phẩy của Mai (em trai kề), và cố giữ hình ảnh ấy trong lòng; sợ nó sẽ tan biến vào hư vô, vào cõi mịt mù nào xa lơ, xa lắc.

Nàng thương những buổi chiều đi dạo cùng Điệu (em trai kề Mai) trong bệnh viện, những ngày cuối đời của em. Những dải nắng cuối ngày vàng vọt rớt trên dãy hành lang buồn bã ấy đã luôn theo nàng những ngày tháng sau đó. Hai chị em nắm tay nhau thong thả dạo bước, dọc theo hành lang bệnh viện; cả hai không ai đả động gì đến căn bệnh mà em mắc phải, không đả động đến sự chia ly sắp tới. Cả hai nói với nhau đủ thứ, không đầu, không cuối, đôi khi là bản nhạc mà nàng cũng như em yêu thích, hay một tác phẩm nào đã được đọc; rồi nhắc kể lại những chuyện của ngày xưa, những lần chui rào nhổ trộm sắn nước, trộm xoài, rồi cười vui, chảy nước mắt, như đang sống lại cái thuở hồn nhiên ấy. Đi đến cuối dãy hành lang, chị em nàng quay trở lại; cứ thế cho đến tối, nàng phải về nhà. Em nàng nhìn theo dặn dò: “Ngày mai có rảnh, chị qua chơi nghen!”. Và rồi, chiều hôm sau chị lại ra thăm em, chị em cùng đi dạo, cùng cười vui, kể chuyện, dọc dãy hành lang bệnh viện buồn hiu hắt ấy.

Những ngày đông về lạnh giá trên giữa đỉnh đèo Cả đã ám ảnh theo bước đường truân chuyên của nàng, nhiều lúc làm nàng ứa nước mắt. Ngồi trong nhà nhìn ra quốc lộ, giăng giăng màn mưa bay lất phất với gió mùa Đông Bắc, khiến mẹ con nàng run cầm cập. Mưa ở núi rừng âm u, quạnh quẽ, càng da diết buồn thương; trông nàng lầm lũi, heo hút, nhớ quê, nhưng đành cam chịu; bởi không thể trở về với đôi bàn tay trắng! Nàng đau đớn nhớ lại, những lúc về thăm mẹ và các em ở quê nhà, nàng lặng lẽ bước thầm trên con đường từ ngã Ba về nhà mẹ, với bao nỗi niềm còn in đậm trong ký ức. Nàng tủi thân xiết bao, khi nhìn ánh điện sáng hắt ra từ những ngôi nhà ven đường, khiến nàng rưng rưng, thắc thỏm. Nàng thèm vô cùng những ngày tháng xa xưa được sống ở đây, đầy đủ điện nước, không như giữa đỉnh đèo heo hút, phải thắp đèn dầu leo lét, phải xuống tận dòng suối sâu thật sâu, mang nước về. Và nàng ao ước được trở về, dù bao khen chê của miệng thế gian; nhưng đâu phải muốn là được, nên đành phải quên những ước muốn, dù nhỏ nhoi, tầm thường nhất. Dù vậy về sau, nàng luôn xem đó là những trải nghiệm cho những trang văn đầy tâm huyết của mình thêm sinh động, hiện thực.

Tuệ Nguyên ngước nhìn bầu trời cao yên tĩnh, ánh trăng vằng vặc sáng rọi xuống dòng sông đêm trông huyền ảo, lung linh trên sóng nước. Nàng nghe rõ tiếng sóng vỗ nhẹ trên bờ kè, êm êm, nhẹ nhàng, như ru con nước ròng mỗi lúc một dâng cao. Ánh trăng uyên nguyên, tươi thắm, làm nàng nhớ vô cùng ánh trăng Nguyên Tiêu trên đỉnh tháp cổ, lần đầu nàng được về dự, qua lời mời của một bạn học cũ. Nàng bước từng bậc cấp leo dần lên Tháp Nhạn, mà lòng hồi hộp, xao xuyến, trong ánh vàng của trăng rằm tươi mát; ngỡ mình bước từng bước vào vùng ánh sáng nhiệm mầu, rực rỡ của ánh trăng trong đang tỏa chiếu từ trên cao xuống ngôi tháp cổ huyền bí.

Ánh trăng vằng vặc, đã làm nàng xao xuyến lạ kỳ. Ngày ấy, mọi người ngồi xếp bằng trên sân gạch trước tháp, để nghe tiếng sáo trúc réo rắc cùng tiếng thơ dìu dặt, trầm bỗng; nghe hơi thở mênh mang của đất trời vào xuân, trong ánh sáng dịu dàng của đêm Trăng xuân đầu tiên đón chào năm mới.

Ánh trăng trên dòng sông Tắc vẫn lồng lộng, soi rọi, như những sợi tơ vàng óng ả của một thời tuổi trẻ - hồn nhiên và thơ mộng! Tuệ Nguyên như nhìn thấy ở mầu trăng ấy, một tình yêu chơn phác, đích thực, nhen nhuốm trong tâm hồn nàng đã bao lần dâu biển. Nàng bâng khuâng, hạnh phúc đắm mình trong trăng, chợt cảm thấy mình như sống lại một thời tuổi trẻ giữa quê nhà thân yêu.

Đầy ắp trong nàng còn có những bài ca, những vần thơ trên chiếc máy cày lạch cạch những chuyến lưu diễn về vùng quê xa xôi, thuở nào. Cả đoàn cùng “lắc lư” trong tiếng nổ lịch bịch, cùng chiếc “rờ mọt” ngập đầy bụi, nắng. Đôi khi nàng tự hỏi, hạnh phúc hay đớn đau trong những tràng vỗ tay vô tư của khán giả? Buồn hay vui mà lang thang một mình trên những con đường làng trống vắng, trải ánh trăng trong sau khi xong phần biểu diễn; để miên man, suy gẫm cuộc đời mình ngày ấy?

Những hoài niệm mỗi lúc một dâng cao trong tâm hồn, khiến nàng bàng hoàng, thương nhớ. Một chút chua xót, một chút buồn thương, một chút xôn xao, gợi nhớ làm nàng bồi hồi; tất cả trộn lẫn làm nàng như rõ hơn về một làng quê nghèo xanh xanh bóng tre. Ở đó có ngôi nhà ngói đỏ ba gian, cùng tuổi thơ nàng lặng lẽ.




VVM.24.4.2023