T hế là vợ chồng ông bà Thư, Hoan ở khu chợ Xóm Củi này đã chính thức li thân với nhau ở cái tuổi ngoài 60 rồi. Láng giềng xưa nay vẫn âm thầm nói nhỏ với nhau, tai nọ qua tai kia, nhưng Phương cũng ít quan tâm dù nhà ông bà ở ngay đối diện, chỉ hơi lềnh lệch cổng so với cổng nhà Phương. Cô thờ ơ, cứ nghĩ họ đặt điều, làm gì có cái chuyện vợ chồng già sống với nhau đến ngoài 60 lại còn bỏ nhau, nhất là một gia đình trí thức, vốn nổi tiếng trong ấm ngoài êm như nhà ông Hoan bà Thư. Có điều đúng là một vài năm nay, Phương cũng thấy ông Hoan đi ra đi vào ngôi nhà rộng một mình, hỏi bà đâu thì ông vui vẻ kể là bà đi chăm cháu ngoại ở nhà con gái cách đây vài khu phố, nghe xong Phương cũng chỉ tặc lưỡi cho rằng đúng là trái tim đàn bà, thường thương con xót cháu thiên lệch quá mức. Chỉ đến cái Tết năm nay, khi Phương chứng kiến ông Hoan vẫn ăn Tết chỉ có một mình trong ngôi nhà rộng, nhà cửa lạnh tanh không có bàn tay bài trí của phụ nữ, rồi sau Tết mấy tháng, cả xóm thì thầm rằng ông Hoan đã chuyển hẳn vào sống ở viện dưỡng lão, ngôi nhà rộng giờ đem cho người khác thuê, thì cô mới vỡ lẽ ra rằng, quả đúng là vợ chồng bà Thư, ông Hoan đã chính thức li thân nhau ở cái tuổi U70 thật rồi… Chuyện đời quả là kì lạ quá.
Bà Thư ngày xưa là bạn đồng học, sau lại là bạn đồng nghiệp cùng cơ quan với mẹ Phương, do đó, cô cũng được nghe mẹ kể nhiều về gia đình ông Hoan, bà Thư những ngày còn trẻ. Dạo đó, bà Thư là con gái của một gia đình nề nếp, danh giá. Bố bà nghe nói cũng là một cán bộ cấp cao có uy tín, có tài, gia đình vốn gốc gác tư sản, giàu từ trong trứng giàu ra nhưng ăn ở cũng rất thức thời, biết thời cuộc nên cũng rất vững vàng vị thế giữa xã hội thời kì ấy. Bà Thư được ăn học tới nơi tới chốn, học kĩ thuật tại một trường đại học danh tiếng trong thành phố, thuộc dạng cũng thông minh mạnh mẽ hơn người nhưng phải cái tính tình rất khô khan, kém duyên con gái, không thu hút được người khác, nhan sắc lại hạn chế với đôi mắt ti hí, cái mũi tẹt, cằm lẹm, cao nhòng nhưng lại quá gầy, lòng thòng như cái sào, nên suốt 5 năm học chung trường với toàn bọn con trai mà chẳng có lấy một người nào theo đuổi. Về sau, ra trường, nghe nói bà cũng lấy được chồng, bạn bè cũ ai cũng mừng cho bà. Nghe kể là hình như bà cũng biết thân biết phận mình kém nhan sắc, kém duyên, bao nhiêu năm đi học mà chẳng có một ai quan tâm, nên tự lân la vào viện thương binh, chủ động thăm nom một anh thương binh nhà quê, nghèo, hiền lành thật thà, cũng trình độ đại học suốt mấy năm, sau anh này cảm cái nhiệt tình chủ động ấy của bà, lại đến tuổi lấy vợ, mẹ ở quê thúc ép nên mới cưới bà Thư. Người đàn ông ấy chính là ông Hoan bây giờ. Bố mẹ bà Thư cũng tặc lưỡi, thôi, con gái mình nhà thành phố danh giá, nhưng phải cái kém nhan sắc, vô duyên, bao nhiêu năm thấy nó học trường toàn con trai, cứ mong cho nó có cậu này, cậu kia cùng trường đến nhà tán tỉnh ngỏ lời, mà vẫn cứ biền biệt chẳng có lấy một người, gia đình cũng đang lo đứng lo ngồi, sợ con gái mình nó ế, nay nó lấy được chồng, dù nghèo và nhà quê nhưng được cái có học, lại hiền lành thật thà, như thế là cũng quá mừng rồi. “Chim khôn lựa nhánh lựa cành/ Gái khôn lựa chốn trai lành gửi thân”. Nghĩ vậy, gia đình ông bà vỗ tay, cười khanh khách, mừng trước quan viên hai họ. Hai vợ chồng Thư – Hoan vừa có với nhau đứa con trai đầu lòng thì ông Hoan được lệnh chuyển công tác ra Bắc đặc phái mất 5 năm, bà Thư một mình ở nhà nuôi con. Khi đứa con đầu lòng được hai tuổi, ông Hoan về thăm, bà Thư lại có thêm đứa con gái thứ hai. Chồng đi xa, bà một mình nuôi hai con, mọi người cùng cơ quan cũng cảm thông, nhưng ít ai phải ái ngại lo lắng gì cho bà Thư, vì bà là mẫu phụ nữ tính tình mạnh mẽ, cứng cỏi, độc lập đến đàn ông cùng cơ quan cũng phải ngại. Nhờ bà ngoại của hai đứa trẻ phụ giúp hỗ trợ lúc chúng ốm đau, còn lại, chuyện kinh tế, ngay trong thời bao cấp, bà vẫn khôn khéo tìm cách buôn nọ bán kia ngoài đồng lương, xoay xở ra tiền, ra gạo để nuôi con, “thời buổi chế độ mị dân, mình phải tự cứu thân mình, ngu đâu mà cứ theo đúng đường lối giáo điều, có mà mẹ con chết đói”. Sự khôn ngoan thực tế thấm từ trong máu của cái nòi con nhà tư sản đã khiến bà Thư độc lập, vững vàng ngay cả khi ông Hoan sau đó lại tiếp tục được nhà nước cho ra nước ngoài 5 năm để làm nghiên cứu sinh về ngành Hóa học. Mười năm trời vợ chồng xa nhau biền biệt, bà Thư vẫn chèo chống một mình nuôi hai đứa con ổn thỏa. Có lần nhân lúc chị em cùng cơ quan ngồi tâm sự với nhau, mẹ Phương hỏi: “Anh nhà đi xa lâu như vậy, chị có thấy buồn, thấy nhớ lắm không?” Bà Thư khi ấy đã trả lời: “Tôi thấy cũng bình thường, có ông ấy thì mẹ con tôi đỡ vất vả hơn, nhưng lúc ông ấy ở nhà, vợ chồng cũng ít chủ đề trò chuyện chung, tính ông ấy hay yếu mềm cải lương, tôi nói chuyện đôi câu là thấy không hợp cạ nên cũng hay mặc kệ ông ấy, không có ông ấy tôi vẫn lo tốt cho hai con, tôi xoay xở kinh tế là chính, do đó ông ấy đi xa quả thực tôi cũng chẳng thấy nhớ gì, chỉ thương bọn trẻ ít được gặp cha lúc nhỏ, thôi thì ông ấy phấn đấu học cao, sau này vợ con cũng được mát mặt nên thôi mình cũng cố gắng lo lắng cửa nhà”. Mẹ Phương lúc đó vẫn thầm phục rằng bà Thư quả là mẫu đàn bà mạnh mẽ, xốc vác và tinh thần cứng cỏi hiếm có, đàn bà trẻ xa chồng mà lại chẳng nhớ chồng. Chẳng bù cho các chị em khác trong cơ quan, chồng đi vắng có dăm bảy tháng đã khóc thút thít lúc nọ lúc kia, kể lể nỗi nhà vắng vẻ, kể lể nỗi nhớ chồng xót chồng, rồi sợ bóng sợ gió linh tinh lúc trái gió trở trời… Mẹ Phương tặc lưỡi: “Giá mà mình cũng được một phần mạnh mẽ như bà ấy, mình cũng là phụ nữ mà hay đa cảm, chẳng độc lập được bằng, nói theo tử vi thì có lẽ mạng bà ấy là Dương Nữ, còn mình là Âm Nữ thường tình hay sao ấy, cho nên cùng là phụ nữ với nhau mà tính tình thật khác xa nhau”. Sau này, ông Hoa về nước, vợ chồng ông ấy dần dà làm ăn lên như diều gặp gió, xây cửa xây nhà, rồi thời kinh tế mở cửa, nhà ấy buôn bán bất động sản, xây nhà trọ cho thuê, rồi đầu tư đúng hướng chỗ nọ chỗ kia, chẳng mấy chốc mà giàu phất lên, khác hẳn bố mẹ Phương, cứ trí thức trung lưu vừa phải. Mẹ Phương cũng nghe nói, nhà ông bà ấy vẫn một tay bà ấy làm kinh tế là chính, đầu óc bà ấy vẫn mạnh mẽ, thực tế, độc lập như ngày xưa nên suốt ngày lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình ghê gớm. Ngược lại, ông Hoan thì có bằng tiến sỹ Hóa học của nước ngoài nên được phân về một viện nghiên cứu lớn, làm lãnh đạo, đi đó đi đây, rất có tiếng tăm, nhưng tính tình hiền lành giản dị nên chỉ thu nhập theo đồng lương nhà nước, tuy nhiên, có lẽ nếu không có bà Thư mà ông Hoan lấy một người vợ trí thức khác thì với trình độ và vị trí của ông, gia đình ông cũng sẽ sống sung túc ở dạng trung lưu, không giàu mà sang trọng. Sau này, mọi người lại thấy ông tham gia vào Hội nhạc sỹ thành phố, sáng tác những ca khúc mang đậm nét văn hóa quê hương miền tây nam bộ và lúc rảnh rỗi lại lên rừng xuống biển đi sưu tầm các bài hát dân gian, ca dao, tục ngữ, truyện cười… dân gian Việt Nam rồi về in thành sách, có lúc còn được giải thưởng nọ kia cấp quốc gia. Ban đầu, mọi người lấy làm lạ vì tại sao một nhà khoa học như ông lại có thể kiêm thêm “nghề” nghệ sỹ chuyên nghiệp như vậy. Sau mọi người mới biết rằng, xuất thân từ một gia đình nông thôn nghèo Nam bộ, mẹ của ông là một nghệ nhân đờn ca tài tử tài danh ở miền sông nước ấy, bao nhiêu năm sống ở thành phố, ông vẫn không nguôi nỗi nhớ quê, những lời ca tiếng hát quê hương đã thấm sâu vào ông thuở còn tấm bé, nay phát tiết ra thành con người nghệ sỹ bên cạnh con người khoa học trong ông. Xóm giềng vẫn thấy ông những buổi hoàng hôn ôm đàn ra hiên đàn hát một mình, mắt nhìn vời vợ xa xăm, thấy ông nay ôm ba-lô lên đường đi sưu tầm văn hóa dân gian nơi này, mai ôm ba-lô lên đường đi sưu tầm văn hóa nơi nọ, rồi thỉnh thoảng thấy tên ông trên báo, trên tivi với vài giải thưởng khoa học danh giá hoặc một vài giải thưởng sáng tác nghệ thuật nọ kia. Ngược lại với bà Thư, mọi người chỉ thỉnh thoảng thấy bà nói về đề tài giá cả bất động sản, các kênh đầu tư đang rủi ro hoặc đang có lời, giá cả ở chợ búa và úp mở khéo léo hãnh diện khoe về đứa con trai, con gái bà một tay nuôi dạy, huấn luyện, nay có phúc có phần lại khôn khéo chọn được vợ giàu, chồng giàu, nay được nhờ nhà vợ, nhà chồng mà đứa thì được ra nước ngoài gây dựng sự nghiệp, đứa thì thừa hưởng gia sản kếch sù nhà thông gia, nhà cửa có đến vài khu phố. Tất nhiên, bà Thư cũng thường hãnh diện khoe chồng là trí thức có danh, là tiến sỹ cán bộ cấp cao, kiêm nghệ sỹ tài hoa. Mọi người cùng cơ quan ai cũng tấm tắc rằng bà Thư thành đạt, được cả chồng, cả con, cả kinh tế gia đình, mọi điều đều trọn vẹn, sao mà sướng thế, hãnh diện thế. Mọi thứ vẫn tròn trịa mãi như thế cho đến đến khi bà Thư về hưu, mẹ Phương cũng ít tin tức liên hệ gì với bà ta, cho đến khi tình cờ nhà ông Hoan, bà Thư lại trở thành hàng xóm với nhà Phương sau này…
Hàng xóm với nhau nhiều năm nay, Phương thấy ông Hoan là người đàn ông hiền lành, tình cảm, trí thức và rất và coi trọng văn hóa. Có lần sang nhà thăm ông bà thuở còn cả ông lẫn bà, Phương được ông giới thiệu một tủ sách gia đình ngồn ngộn sách như một cái thư viện thu nhỏ, trong đó có đủ thứ sách đông tây kim cổ bằng nhiều ngôn ngữ. Phương được nghe ông Hoan giới thiệu cho một số cuốn sách và trò chuyện về nhiều chủ đề bằng lối nói vừa giản dị lại vừa uyên bác, ý tứ thông minh, tế nhị lại đầy ắp cảm xúc, đầy trải nghiệm phong phú khiến cho Phương cứ ngưỡng mộ rằng cái gia đình ấy cứ như có một cuốn “Bách khoa toàn thư sống” ở trong nhà. Bà Thư thì cô ít có điều kiện trò chuyện cùng bà, có lẽ vì một trí thức như cô cũng ít có chủ đề chung để nói chuyện với một người máu mê làm ăn như bà,vả chăng cũng lệch thế hệ, bà thấy cô đến nhà chơi thì chỉ lo dọn đồ ăn, mời cô vài món ăn mua sẵn ở cửa hàng, nói đi nói lại mãi về chuyện cái món ăn, câu chuyện nhạt nhòa, tẻ nhạt đến nỗi cô cũng chẳng nhớ nỗi là đã nghe bà nói hay nói cùng bà những gì. Chỉ có một ấn tượng về bà mà cô nhớ được, giống hệt như nhận xét của mẹ cô trước đây, đó là: bà Thư quả là một người phụ nữ thiếu nét nữ tính, thiếu một cái gì đó ấm áp của một người phụ nữ thông thường, từ dáng đi, lời nói đến cái nhìn lạnh lùng từ đôi mắt ti hí của bà, bà dường như là một người đàn ông quá mạnh mẽ, xốc vác, độc lập nhưng lại mang giới tính đàn bà ở bên ngoài. Tết năm nào đấy, Phương đưa cả nhà sang chúc tết nhà ông bà, có chụp chung với nhà bà một tấm hình, về rửa hình, Phương nhìn thấy đôi mắt ti hí của bà cụp xuống, không nhìn thẳng vào ống kính, mà khi quan sát nhiều tấm hình của nhà bà treo trong phòng khách gia đình, Phương để ý thấy đúng là bà thường lảng tránh ống kính, mắt thường cụp xuống, ít khi nhìn thẳng vào ống kính hoặc vào người đối diện, nếu có, thì ánh nhìn đó rất khô khan và lạnh lùng, có lúc còn hơi khắc nghiệt. “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, Phương chịu không thể hiểu được tâm hồn của bà ấy là như thế nào sau đôi mắt ấy. Ngược lại, đôi mắt của ông Hoa thì rất buồn, mắt ông ấy nhìn buồn ăm ắp và đầy cảm xúc, có nét già nua, có nét mệt mỏi, chỉ ánh lên khi nói về nghệ thuật, về khoa học, về cảnh sắc thiên nhiên ở nơi nọ nơi kia, còn lại thì đôi mắt của ông ấy có vẻ rất buồn… Nghe mẹ Phương kể lại, thì ngày xưa còn trẻ, ông ấy cũng là một đàn ông rất có duyên, thông minh, có chiều sâu tâm hồn, uyên bác, lại trình độ bằng cấp, học tiến sỹ ở nước ngoài về nên nhiều phụ nữ cũng rất mê, nhưng số phận, duyên nghiệp gì đó đã gắn hai con người đó lại với nhau, dù thiên hạ nhìn vào cũng nhận thấy dường như có sự vênh váo kì lạ trong tính cách giữa hai người. Nhất là những người thuộc giới trí thức thì thường thầm tiếc cho ông, “đàn bầu đem gảy tai trâu”, “rồng vàng tắm nước ao tù”, nhưng thôi cũng an ủi là “thôi thì ông ấy lấy được vợ đảm, mạnh mẽ cứng cỏi hơn người, thuộc hàng dương nữ, cao thủ hơn cả đàn ông”. Cũng có người chép miệng rằng “xưa nay thiên hạ thường nói trai tài, gái sắc chứ có nói trai sắc, gái tài bao giờ, đàn ông đi lấy đàn bà chứ có phải lấy thêm một gã đàn ông khô khan khác trong nhà đâu…”
Dẫu sao đi nữa, thì người ta vẫn nghĩ rằng, đã sống với nhau đến già thì hẳn là nên nghĩa, vợ chồng già ai lại còn xa nhau. Mẹ Phương cứ lấy làm lạ về chuyện bà Thư về già lại dứt tình, dứt nghĩa, bỏ ông Hoan tuổi già một mình trong viện dưỡng lão mà đi sống riêng với con, trong khi thời trẻ thì bà toe tóe hãnh diện mang chồng ra khoe như thế. Mẹ Phương bảo rằng phụ nữ thông thường ai cũng cần có tấm chồng, mẹ còn kể một ông đồng nghiệp hài hước ở cơ quan ngày xưa cứ hát trại lời hát của Trịnh Công Sơn thành: “Sống trong đời sống, cần có một tấm chồng, để làm gì em biết không…? Để chết nó chôn, để chết nó chôn…”. Mẹ bảo, theo thiên tính nữ thông thường, lúc trẻ thì phụ nữ cần một bờ vai mạnh mẽ của đàn ông để mà nương tựa, lúc vui lúc buồn, lúc tâm hồn yếu đuối cần điểm tựa, lúc nhà dột cần người chữa nóc, lúc đèn hỏng cần người thay bóng, lúc sợ hãi lo lắng cần người vững vàng trong nhà. Dù sao, cái nhà mà có bóng đàn ông đi ra đi vào, thiên hạ cũng đỡ bắt nạt. Vợ chồng dù có yêu nhau hay không, thì ở lâu cũng nên nghĩa, nên tình. Lúc trẻ cả hai còn khỏe mạnh thì còn ít phải cần nhau, cần nhau là cần lúc già tuổi sấp bóng, con cái đã trưởng thành, “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Như mẹ bây giờ, con cái đã trưởng thành cả rồi, ba cũng đã già rồi, nhưng cứ phải có ba trong nhà, có bóng đàn ông trong nhà thì mới thấy yên tâm, ngồi uống nước có hai cái ly trà song song, trái gió trở trời có người để mình hỏi han và được hỏi han, cái nghĩa gắn bó với nhau mấy chục năm trời cuộc đời càng về già lại càng gắn bó. Mẹ không thể tưởng tượng được một phụ nữ lại có thể mạnh mẽ đến mức chẳng cần chồng, chẳng cần bạn đời ở tuổi già, và có thể “mạnh mẽ” đến mức lạnh lùng bỏ rơi người bạn đời tuổi già sau bao nhiêu năm chung sống mà chẳng hề có lí do gì chính đáng về phía đạo đức của người kia. Ngày xưa, mẹ từng ao ước được một phần cái sự mạnh mẽ của bà Thư để sống cứng cỏi hơn, để trái tim phụ nữ mềm yếu của mình trở nên vững vàng trước những thử thách của cuộc sống. Giờ đây, mẹ nhận thấy, nếu mạnh mẽ để trở thành một con người lạnh lùng và ích kỉ đến vậy, thì mẹ thà sống với trái tim yếu đuối phụ nữ của mình, vì lúc đó, trái tim của mẹ có thể dành để khóc tu tu mỗi khi ba đau bệnh, để chờ trông mỗi khi ba đi vắng đâu đó trở về, và có thể làm ấm áp cả một gia đình, một mái nhà, để một ngôi nhà có thể trở thành một tổ ấm.
Phương nhận thấy mình cũng có nhiều quan niệm rất giống mẹ mình, dẫu cô vẫn mơ hồ nhận thấy rằng, chuyện đời muôn hình vạn trạng, có biết bao nhiêu điều mà con người không thể lí giải về số phận của bản thân mình và của người khác. Đến phụ nữ với nhau, đôi khi vẫn chẳng thể nào hiểu nhau…