Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

HẺM 210



                                 

N ằm trên con đường Cách Mạng Tháng Tám đối diện xéo xéo với Bộ Tư Lệnh Thành. Ngay đầu hẻm là một tiệm phở sáng nào cũng bốc lên mùi thơm ngào ngạt quyến rũ cho nên quán lúc nào cũng đông.

Cuối năm 1981 tôi thuê một căn phòng trong một ngôi nhà cổ nằm lưng chừng khoảng giữa con hẻm. Cuối con hẻm là lối rẽ vào ga Hòa Hưng. Nói là căn phòng nhưng thực ra đó là khoảng không gian được vây quanh bằng bốn tấm vách nửa gỗ nửa lưới ở phía trên. Trần nhà là những thanh gỗ đen bóng nằm ngang để chịu đựng mái ngói âm dương trên những cây rui xơ xác. Từ xà nhà ông bà chủ treo sẵn một cây quạt trần với một câu viết “cẩn thận coi chừng cánh quạt” bên hông cây xà gỗ. Tội nghiệp ông chủ cũng có lòng, lưu ý cẩn thận nhưng không biết rằng nếu nhìn thấy được dòng chữ trên thì cái đầu của tôi đã văng mất tiêu rồi vì cánh quạt nằm ngang tầm cái cần cổ của tôi.

Trong phòng vừa đủ chứa một đi văng, một giường sắt nhỏ, một khoảng trống sát vách để chiếc xe đạp và một ô vừa đủ cho bà xã tôi để hai ông táo ngay cửa ra sân sau và được chắn lại bằng một tấm gỗ cao khoảng tám tấc vì phía sau ông chủ đang nuôi mấy con heo, mỗi con khoảng mươi mười lăm ký.

Thời đó con hẻm còn rất thấp so với con đường Cách mạng Tháng 8, nên khi đứng trên đây nhìn về con hẻm không khác nào đường xuống Thung lũng Tình Yêu của Đà Lạt, và vì vậy khi có mưa lớn, nước từ đường lớn tràn xuống hẻm gây ngập lụt những căn nhà hai bên. Lúc đó trong phòng tôi hai ông táo được bà xã tôi cho di tản lên giường để nấu nướng.

Cách chỗ tôi ở chừng ba hay bốn căn gì đó, là nhà một anh bạn, một họa sĩ. Hai vợ chồng và đứa con trai chừng 3 tuổi cùng ở trên một căn gác trong nhà ông anh cả. Ông anh cả nghe đâu đã vượt biên sang Mỹ từ những ngày đầu giải phóng, để lại bà vợ và một bầy con 5, 6 đứa. Đứa con gái lớn thì đã có chồng và có một con gái vừa qua thôi nôi, đứa nhỏ nhất của ông anh cả khoảng 12, 13 tuổi. Phân nửa căn gác là nơi làm việc của anh chàng họa sĩ này. Một giá vẽ trên đó một bức tranh đang vẽ dở dang hướng vẽ phía cửa sổ tràn ngập ánh sáng, bên cạnh đó là bộ salon bằng gỗ theo kiểu ghế một đàng bàn một nẻo. Phía bên vách nhà là chiếc giường bằng gỗ tạp dành cho họa sĩ sau khi làm việc mệt, chàng quăng cọ vào khay và chỉ cần hai bước là chàng đã nằm ngay đơ lên giường thư giãn. Trong thời buổi bao cấp lên đến mức cao trào, đời sống khó khăn nhưng anh chàng họa sĩ này chẳng thấy khó khăn gì hết. Tranh vừa vẽ xong là bán được ngay. Không hề có cảnh tranh bị nằm tháng này qua tháng nọ ở ngoài Arcade (*).

Tranh của anh thường là cảnh đồng quê miền Nam với đồng ruộng bao la kéo tận chân trời, trâu nằm nhai cỏ, thôn nữ gánh lúa vv… Những đề tài cũ mèm như vậy nhưng anh kiếm ăn có vẻ thoải mái. Anh bảo “Lúc này Liên Xô mua tranh đồng quê dữ lắm, bức này tao vẽ gần hai chục lần. Vẽ xong treo lên 3 ngày là “rớt, rớt, rớt”. “Rớt” ở đây tức là bán được rồi. Có tiền rủng rỉnh chiều đó thế nào anh cũng “hú” bạn bè về nhà nhậu. Nét nhậu của anh ta cũng rất phong độ và hào phóng. Thời đó chúng tôi chỉ uống mấy thứ rượu Cây Lý, rượu thuốc, Ri-va-lê dỏm. Đây là những loại rượu đáp ứng túi tiền dân chúng vì giá rẻ nhưng chất lượng thì chẳng ai quan tâm, bây giờ nhớ lại mới thấy kinh hoàng. Người ta nói rượu được chế biến bằng cồn công nghiệp pha với nước lạnh, nước vỏ quít, muốn có màu thì nhúng bao nhang vào. Màu bầm bầm tím tím của bao nhang làm cho rượu có màu giống rượu Cây Lý. Thế là bà con cứ bình tĩnh chén chú chén anh cho đến khi say xỉn rồi tan hàng.

Trong đám bạn bè tới nhậu thường có mấy tay họa sĩ cao thủ võ lâm từng xuất thân từ trường Mỹ Thuật Gia Định. Có một chàng họa sĩ kiêm diễn viên điện ảnh, lúc nào cũng ăn diện đúng mốt, quần jeans áo pull, giày adidas, tóc để trước ngắn sau dài. Anh ta cũng có biệt tài hát. Anh hát giống như một ca sĩ. Khi anh hát anh không cần biết tất cả cử tọa có nghe anh hay là họ đang mải mê nói chuyện khác. Anh chỉ cần thấy được một người đang chú ý nghe là được rồi. Anh nói: “Một mình mày nghe là được vì sau lưng mày còn có một ngàn thằng khác sẽ biết tao hát”. Còn một biệt tài nữa là anh dùng lưỡi rung tạo thành tiếng đàn banjo alto trong ban nhạc đồng quê ở Mỹ. Vì nhiều tài, ăn mặc bảnh bao lại là một diễn viên điện ảnh, anh ta bị phát sinh hệ lụy. Một cô gái nào đó đã bỏ nhà theo tiếng gọi của tình yêu và rồi có với chàng một đứa con gái. Anh phải đưa hai mẹ con nay ở chỗ này mai ở chỗ khác, thường xuyên thay đổi nơi ẩn náu sợ địch phát hiện. Địch ở đây là bà vợ chính thức của anh ta với sự trợ thủ đắc lực của đứa con gái lớn vừa đến tuổi trưởng thành cùng đi tìm đến tổ ấm riêng của anh chàng này để đánh ghen. Nhưng cô vợ bé này chưa phải là điểm dừng của anh chàng nghệ sĩ đào hoa. Cứ cách xa năm bảy tháng gặp lại, sau vài câu thăm hỏi thông thường, anh ta lại khoe: “Tao vừa gặp một em này rất dễ thương…”. Chúng tôi biết ngay chàng ta vừa tằng tịu với một cô gái nào khác rồi đó. Để khuyên anh ta chúng tôi chỉ biết nói câu: “Mày quậy cho lắm vào, vợ mày tìm được sẽ cho mày thành hoạn quan trong ba mươi giây”.

Một lần hắn đem công ăn việc làm về cho nhóm họa sĩ đang co ro gầy còm vì thiếu ăn. Đó là lần hắn ta hợp đồng với một công ty xuất nhập khẩu lãnh mành mành tre về vẽ để giao cho công ty xuất khẩu. Kích thước tấm mành mành tre gần bằng tấm lịch tháng treo tường. Đây là sáng kiến của anh chàng họa sĩ kiêm diễn viên này, đó là cho họa sĩ vẽ trực tiếp lên tấm mành mành thay vì kéo lụa và họa sĩ vẽ mỗi tấm mành mành được khoản thù lao là 7 đồng vào thời điểm lúc bấy giờ. Thế là vô mánh và trước khi bắt đầu 5, 6 họa sĩ họp lại để triển khai công tác. Các họa sĩ quyết tâm thực hiện với chỉ tiêu mỗi người 20 tấm mỗi ngày và mỗi tấm phải vẽ xong trong 10 phút. Khí thế làm việc rất sôi nổi. Các họa sĩ bò xuống sàn để vẽ. Có một anh họa sĩ lớn tuổi, tóc bạc phơ, vừa mới bị cụp xương sống cho nên việc quì mọp xuống sàn vẽ đối với anh ta càng dễ như chơi. Hỏi tông tích hóa ra anh chàng này trước 75 cũng từng là diễn viên điện ảnh đóng vai quan trọng trong phim “Hè muộn”. Với mái tóc bạc phơ anh được coi là đối thủ nặng ký của Đoàn Châu Mậu trong ngành điện ảnh lúc đó. Anh có đưa xem hình anh chụp chung với Kiều Chinh và các diễn viên điện ảnh khác. Phải công nhận anh chàng này ngày xưa bảnh bao ra phết và quả thật cũng ngang cơ với với anh chàng diễn viên tóc bạc nỗi tiếng thời đó. Thế mà bây giờ, mới gần mười năm sau giải phóng trông anh như một ông già bẩy mươi, khi đi lưng gẩy cụp song song với mặt đất, mắt hom hem, răng vàng bệch vì thuốc lá, nhưng được cái là khi nói chuyện anh vẫn còn hăng lắm.

Trong lúc vẽ anh thường giải thích cặn kẽ những vấn đề liên quan đến việc thực hiện một cuốn phim làm sao cho đạt yêu cầu. Anh nói trước 75 phim Việt nam không ra làm sao cả. Làm phim để mà làm, không lẽ không có để cho cái nền điện ảnh nó phải đi đời nhà ma. Vốn liếng ít, dàn dựng nghèo nàn, diễn viên diễn xuất như trả bài trong lớp học, chưa hết, lời thoại thì soạn theo giọng văn miền Bắc lại cho mấy anh hoặc mấy em diễn viên Nam kỳ nhập vai nói không khác nào râu ông nọ cắm cằm bà kia. Thôi thì để câu khán giả đạo diễn cứ cho các em diễn viên tắm, hết tắm trong nhà, ra hồ bơi, xuống biển, có khi dưới trời mưa với thân hình lồ lộ trần trụi hoặc dưới lớp áo mỏng te đầy hấp dẫn. Khán giả ra về không cần biết chủ đề phim là gì chỉ biết khen cô nàng diễn viên có bộ ngực như núi lửa. Cũng có người hậm hực: “Xì, hay ho gì, mấy thằng đạo diễn luộc con nhỏ đã đời mới đưa ra cho mọi người coi chút chơi”.

Trong nhóm khách đến đây nhậu còn có một anh chàng không phải là một họa sĩ mà làm nghề bán giỏ nylon. Vào thời điểm đó có phong trào sử dụng loại giỏ được móc crochet bằng chỉ nylon. Chàng bán giỏ này có một nhóm thợ chuyên gia công cung cấp hàng cho anh ta bán. Bà xã tôi cũng tham gia vào công việc kinh doanh này. Mỗi buổi chiều sau giờ làm việc tôi phải chở bà xã bằng xe đạp đến gặp anh ta để nhận chỉ nylon về gia công. Chỉ nhận về là những lọn lớn, người thợ gia công phải tháo ra quấn thành từng ống chỉ trước khi móc crochet. Tôi phải ra tay thợ mộc đóng cho bà ấy một cái guồng để máng lọn chỉ vào sau đó quấn vào từng thoi chỉ nhỏ để móc ra sản phẩm. Hồi ấy bà xã tôi cũng kiếm được lai rai bù đắp vào tiền chợ mỗi ngày. Tối nào hai chúng tôi cũng thức đến khuya, bà xã tôi ngồi móc, còn tôi thì đánh chỉ từ guồng vào thoi trong khi văng vẳng từ cái radio transistor giọng hát Khánh Hà qua bài Gợi giấc mơ xưa trên đài VOA mà ngày đó chúng tôi phải nghe lén nghe lút. Không hiểu sao, trong đêm vắng lặng, bài hát lúc đó hay vô cùng, chúng tôi nghe mà cứ sợ cô ca sĩ sẽ hát hết bài.

Anh chàng bán giỏ có giọng ngâm thơ rất đặc biệt. Sau khi đưa cay chừng một xị rượu Cây Lý, sự hưng phấn làm cho anh chàng cảm thấy thích thú và cất giọng ngâm. Nhưng bao nhiêu lần đến nhậu anh chỉ ngâm mỗi một bài thơ, không hề có bài thứ hai. Đó là bài thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác. Mọi người im phăng phắc, giọng anh sang sảng trong tối vắng lặng vang vọng qua cửa sổ, lướt trên những mái nhà lân cận ngày xưa còn thấp lè tè. Khi lên tới cao trào anh phấn kích nhả chữ: “Hồ Trường, Hồ Trường, ta biết rót về đâu? Rót về Đông phương, nước biển đông chảy xiết sinh cuồng loạn…”. Ai cũng lim dim đôi mắt để hưởng thụ tận cùng cái hào khí ngất trời của bài thơ, rồi tưởng tượng phải chăng một Kiều Phong đang hiển hiện ra đây cùng với mọi người nhâm nhi ly rượu. Người ngâm thơ từ từ xuống giọng để fade out “Hà tất cùng sầu với cỏ cây.” Phải nói bài thơ có sức lôi cuốn lạ lùng. Mọi người làm như có cái gì đó kích động vào cơ thể rồi không ai bảo ai từ từ đưa tay ra nâng ly rượu làm một hớp ngon lành, khi chàng ta ngâm tới câu: “Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, Trời đất mang mang ai người tri kỷ, hãy lại đây cùng ta cạn một hồ trường…”. rồi đến khi anh “hà tất cùng sầu với cỏ cây” lần thứ hai thì mọi người tan hàng ra về vui vẻ.

Thời đó, con hẻm 210 không ồn ào bát nháo như ở một số những con hẻm ở phía Hòa Hưng. Nơi đây về đêm yên tĩnh, thỉnh thoảng có một chiếc ba gác chở hàng từ trong ga chạy ra hướng về Cách mạng Tháng 8 rồi tếch về phía Hòa Hưng là mất dạng. Đó là những chiếc ba gác chở hàng của nhưng tay buôn đường dài từ Hà Nội vào. Họ tìm đường tắt để không phải chung chi cho các ông Cảnh sát kinh tế đứng ở đầu đường Lý Chính Thắng.

Con hẻm ồn ào lên mỗi khi có một đám tang của một gia đình nào đó ở dọc theo con hẻm. Thôi thì bà con được dịp mất ngủ. Kèn trống inh ỏi từ hai cái loa mở hết công suất kéo dài thâu đêm suốt sáng. Có nhà thuê luôn một đội kèn tây vào thổi cho xôm tụ. Dàn kèn tây này biểu diễn theo chủ đề. Nếu người chết là đàn ông lớn tuổi, ban nhạc sẽ chơi bản “Ơn nghĩa sinh thành”, nếu là đàn bà cao tuổi thì ngoài bản “Ơn nghĩa sinh thành” ban nhạc sẽ chơi bản “Lòng mẹ”. Đây cũng là cách tiếp thị để sau này ai có nhu cầu về tang sự biết được ban nhạc này mà gọi.

Trời về khuya, người đến viếng đã hết. Đây là thời điểm của ban nhạc  Pê đê. Ban nhạc đặc biệt này gồm gần mười thành viên có đầy đủ nhạc cụ, ampli, micro. Toàn bộ là nam. Họ bị chứng bệnh đồng tính luyến ái làm cho họ có lối sinh hoạt như những người nữ. Đa số họ có thân hình ẻo lả, mềm mại đặc biệt là cách ăn mặc theo kiểu con gái, kẻ lông mày, gắn lông mi giả. Tuy nhiên cũng có vài anh có vẻ từng luyện tập thể hình, nên nhìn dáng vóc có phần vai u thịt bắp. Mấy chàng này thường nắm vai trò bầu sô hoặc MC dẫn chương trình. Khi được hỏi tên, mấy chàng trả lời ngay là Thu Loan, Hồng Cúc vv… Chương trình cũng xôm tụ lắm. Có đơn ca, hợp ca với kỹ thuật chia bè phái điêu luyện qua phần giới thiệu nửa Nam nửa Bắc của chàng MC: “Thu Loan xin gửi đến quí vị lời chào chanh chọng nhách. Để mở đầu em xin giới thiệu giọng hát của Yến Lan…” Đặc biệt có màn múa đèn thật không khác gì các vũ công thật sự trên sân khấu. Họ uốn éo biểu diễn theo bản nhạc Taboo dưới ánh sáng lung linh của những ngọn nến vàng hắt hiu làm cho họ trở nên huyền ảo hấp dẫn lạ thường. Một điều cần phải suy nghĩ là toàn bộ khán giả không thể tưởng tượng rằng họ là những người đàn ông một trăm phần trăm.

Nhóm “pê đê” này có lần xuất hiện trên sân khấu liên hoan ca nhạc do Phường tổ chức. Vào một ngày lễ lớn Phường cho dựng sân khấu tại khoảng đất trống ngay ngả ba giáp với đường vào nhà ga. Người ta, nhất là thanh niên thiếu nữ, đến xem thật đông, người nọ rủ rê người kia: “Mau ra xem pê đê hát”. Khi mở màn khán giả nhao nhao yêu cầu nồng nhiệt: “Cho pê đê hát trước! Cho pê đê hát trước!”. Ban tổ chức thấy bà con đến đông quá nghĩ rằng đêm văn nghệ sẽ thành công ngoài sức tưởng tượng nên chìu lòng khán giả. Vậy là phần trình diễn của nhóm pê đê bắt đầu trước. Màn hợp ca được ba “cô gái” biểu diễn trong trang phục xoa rê rất đài các.

“Đá đa đà đa đá…” Các cô bước tới bước lui, qua phải qua trái nhịp nhàng đúng bài bản, lôi cuốn. Khán giản chỉ biết ngồi im thin thít như thịt nấu đông để lắng nghe từng câu ca tiếng nhạc.Thật có trời mới biết những ca sĩ biểu diễn kia không phải là liền bà. Rồi sau đó là một màn đơn ca, rồi lại hợp ca và kết thúc chương trình của pê đê bằng một màn múa, cũng lại là múa đèn.

Ngay khi màn múa vừa chấm dứt, khán giả đồng loạt ra về không cần đợi MC lực lưỡng Thu Loan ngỏ lời cảm ơn “ chanh thành nhách ” và giới thiệu tiếp theo là phần văn nghệ của Phường. Bây giờ chỉ còn ngồi lại ở hai dãy ghế đầu là các vị bô lão, các bác hưu trí, thương binh, gia đình chính sách trong Phường.

Mấy con heo của ông bà chủ nhà nuôi đã khá lớn. Tấm ván ngăn dựng ở cửa sau không đủ cao nên mấy anh đệ tử của Thiên Bồng nguyên soái cứ thích chồm lên nhìn vào phòng tôi quan sát không cần biết ngay dưới mõm các chàng là hai ông táo khói lửa nghi ngút. Có lần vợ tôi đang xào một chảo rau muống, đứa con gái lúc đó vừa hơn hai tuổi muốn ngồi “ pô ” . Vợ tôi quay lại lo cho con gái vừa xong nhìn về chảo rau muống thì ô hô chảo rau chỉ còn non một nửa. Các chú Trư bát giới đang bu lại ủn ỉn chén phần rau muống mới được xào dở dang. Vợ tôi nhìn theo chỉ biết ấm ức. Tôi an ủi nàng: “ Thôi em à, tái ông thất mã, biết đâu chiều nay mình trúng số và tôi giải thích tiếp: Này nhé mình sẽ đánh con heo. Heo con là số 7, heo xồn xồn là 47 và heo già là 87. Mình sẽ ghi số 47 vì heo nuôi ở đây chưa gọi là già ” .

Nhưng chiều hôm đó kết quả xổ số không phải là con heo mà là con chó, số 11. Số của con chó là 11, 51, 91. Tôi giật mình mở quyển lịch ra xem thì ra hôm đó nhằm ngày... Bính Tuất.

(*) Tên một phòng tranh trên đường Đồng Khởi




VVM.27.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .