Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

CÚNG ÔNG



                                 

H ồng hứa hẹn sẽ rủ Hùng đi xem hát bội vào dịp cúng lệ dinh Ông vào tháng Bảy, cứ hai năm tổ chức một lần. Cô liến thoắng kể kỷ niệm cùng các bạn vui chơi trong mấy ngày hội làng vào các năm trước.

Tháng Bảy âm lịch mưa dầm dề cũng là tháng vào mùa rộ cá nục. Cứ hai năm một lần, lệ cúng ông Nam Hải của dân làng diễn ra trong ba ngày, từ 20 tháng 7 ở dinh Ông, nơi vạn chài thờ cá Ông tức cá voi, theo tín ngưỡng của ngư dân là ông Nam Hải, vị thần hộ mạng của người đánh cá trên biển khơi.

Dinh Ông của làng có từ vài trăm năm trước, đã vài lần tu bổ nên không còn giữ được nét cổ kính. Người ta ước năm tháng xây cất dinh dựa vào thời gian khắc dấu trên thân cây bàng cổ thụ sần sùi oằn mình gội nắng mưa. Cây bàng cổ thụ trồng bên hông dinh, vươn cành về phía biển như muốn dùng thân mình che chắn gió bão cho nơi thờ tự vị thần hộ mạng của người đi biển và những linh hồn tử nạn trong những cơn cuồng nộ của đại dương.

Bao giờ lệ cúng ông Nam Hải cũng có hát bội. Xế chiều, khi tiếng trống chầu dồn dập trong dinh Ông vang vọng cả làng thì ngoài cửa biển, các ghe chở khẳm cá nục cũng nối nhau vào bờ. Người làng biển tin rằng lòng thành kính của họ đối với ân nhân đã được đáp trả bằng những khoang cá đầy. Nhiều chuyện kể từ đời ông cha truyền đến đời cháu chắt là ông Nam Hải từng cứu mạng nhiều dân làng đánh cá lúc bão tố, vì ông đã dùng thân mình đội ghe đánh cá vượt lên sóng dữ đưa bạn chài vào cửa biển an toàn.

Mỗi mùa mưa bão, khi có Ông lụy nghĩa là Ông chết dập dềnh ngoài cửa biển, cả vạn chài lo làm đám cho Ông trọng thể lắm. Người phát hiện xác Ông đầu tiên phải áo quần tang chế, khăn xô, chống gậy đi ngay sau xác Ông. Làng có một nghĩa trang dành riêng cho Ông trên động cát gần dinh. Có năm bão lớn, Ông lụy dài cả chục mét, nặng vài tấn, thế mà dân làng vẫn đưa được xác Ông đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Đó là ba ngày hội của cả dân làng. Người già thành kính thắp hương bái vọng ân nhân cầu mưa thuận gió hòa, đánh bắt được nhiều tôm cá, bình an giữa chốn gió dông. Người trẻ áo quần xênh xang có dịp vui chơi, gặp gỡ bạn bè vì không chỉ người làng mà người các làng lân cận cũng đến chung vui. Đám trẻ nhỏ được ba mẹ cho tiền ăn quà bánh của hàng quán dựng lều bán xung quanh dinh. Nếu ngày Tết mọi người còn ngược xuôi thăm bà con thì ba ngày hát bội cúng Ông, mọi người tập trung về dinh nên đường làng đông nghịt, không khí rộn ràng khắp xóm trên xóm dưới. Ngoài hàng quán, đám đông cũng không bỏ qua các chiếu xóc đĩa hay các bàn bầu cua, tài xỉu mà nhân lễ hội, những người máu mê cờ bạc đã bày chơi công khai. Ba ngày lệ cúng Ông còn là dịp để các đôi trai gái hẹn hò.

Gánh hát bội của bầu Bóng được mấy cụ trong ban tế lễ dinh Ông tín nhiệm, thường được mời hát. Mỗi lần được mời, bầu Bóng phải quy tụ đào kép vì họ làm đủ thứ nghề, sống ở nhiều nơi. Họ không phải tập dượt trước giờ biểu diễn vì tuồng tích đã ăn sâu trong máu thịt họ, thường là những vở tuồng xưa tích cũ.

Lúc nhỏ, Hùng từng nghe nhiều đồn đãi về bầu Bóng nên rất tò mò, mỗi lần đến lệ hát bội, Hùng thường quẩn quanh sau hậu trường để nhìn mặt người bầu này. Lời đồn đãi là bầu Bóng không phải là đàn ông hay đàn bà mà nửa đàn ông nửa đàn bà, dân làng gọi nôm na là lại cái. Bầu Bóng có vóc dáng của người đàn ông to con, thấp người nhưng có cử chỉ ẻo lả, giọng nói nhão nhoét. Hùng chỉ có nhận xét như thế, còn cái chỗ lại cái kia thế nào thì Hùng không nhìn thấy, nhưng mấy anh lớn tuổi hơn Hùng quả quyết họ đã rình coi bầu Bóng đái, thấy rành rành là con chim của bầu Bóng chỉ bằng quả ớt hiểm.

Sân khấu để đào kép diễn tuồng tích xây giữa dinh, gọi là võ ca, phía trước những bàn thờ Ông và các vị thần. Dân làng xem hát vây nhiều lớp quanh võ ca, người già và trẻ em được ngồi trước, người lớn đứng phía sau, đám thanh niên bắc ghế đứng sau cùng. Hùng không mê xem hát bội; anh chỉ thích nghe tiếng trống chầu. Tiếng trống dập dồn thôi thúc những chiếc ghe đánh cá vượt sóng như đàn tuấn mã rầm rập băng qua thảo nguyên, chở khẳm lé đé trên mặt nước những khoang đầy cá nục.

Đêm cuối lễ hội bao giờ cũng có cúng xô giàn. Ban tế lễ cho dựng một giàn gỗ cao trên khoảnh sân trống trước dinh để đặt cộ bánh. Vào buổi chiều, lễ rước cộ bánh với cờ xí, chiêng trống rộn ràng kéo đến từng nhà những người cúng cộ bánh. Đoàn rước cứ dài ra, càng nhiều gia đình cúng cộ bánh thì đoàn rước càng dài, càng đông người khiêng cộ bánh đi diễu quanh làng rồi mới về dinh. Những cộ bánh ít, bánh cấp, bánh cúng, bánh bò... được bao trong giấy kiếng bóng nhiều màu sắc đặt trên giàn cao, phía trên cao hơn là lá phướn bay phất phới. Đến giờ, sau khi các ông sư tụng niệm cúng kính xong, từng cộ bánh sẽ được xô xuống cho đám đông đứng xung quanh bên dưới, thường là cánh thanh niên, chen lấn để lấy bánh. Ngoài bánh, lá phướn cũng là mục tiêu của những thanh niên khỏe mạnh, họ giành giật lá phướn với niềm tin ai có được sẽ hưởng nhiều may mắn cả năm.

Sau lễ xô giàn ban chiều, đêm đó gánh hát bội diễn tuồng cuối, rồi mãn lệ cúng Ông. Mờ sáng ngày sau, gánh bầu Bóng khăn gói lên đường: những vua chúa, tướng trung tướng nịnh, công chúa, mỹ nhân trở thành ngư dân, người bán cá, kẻ đánh xe ngựa, thợ cấy thợ cày... Hẹn tròn hai năm sau lại mang hia đội mão xênh xang.

Và người dân làng sau dịp vui chơi lại lao vào cuộc mưu sinh.

Bao giờ các ngày lệ cúng Ông cũng là dịp hẹn hò của các đôi trai gái. Hùng và Hồng không phải ngoại lệ. Chỗ hẹn hò của hai người ở lưng chừng đồi cát thấp cách dinh Ông không xa. Từ đây, hai người bạn nhìn về vầng sáng khu dinh Ông, mường tượng cảnh náo nhiệt của đám đông với âm thanh ngân nga của đào kép, của đàn sáo và nhất là tiếng trống chầu vang vọng đến chỗ hai người.

Gia đình Hồng có ghe nghề vây rút chì dùng ánh sáng đèn dụ đàn cá vây quanh để bổ lưới vây bắt. Cô nhìn hướng khơi xa.

-Vái Ông cho ghe nhà em ngày mai vô đầy khoang cá.

Bao giờ trong và sau mấy ngày lệ cúng Ông, ghe thuyền cả vạn chài đều đánh bắt được nhiều cá nục. Mọi người vui mừng và tin tưởng lệnh ông Nam Hải đã dồn các đàn cá vào lưới ghe thuyền của dân làng.

Quê hương, mỗi người gắn bó với nơi sinh ra, lớn lên của mình cách khác nhau. Với Hùng, quê hương thân thương của anh là cặp mắt mũi ghe sơn hai màu đen trắng lé đé trên mặt nước nhồi sóng khi ghe về cửa biển với khoang đầy cá nục. Quê hương với Hùng là những con cá nục nung núc tươi rói cong mình tưởng tiếc biển khơi vừa rời xa, những con cá nục béo ngậy trong chiếc trã đất thơm lừng trên lò than lửa liu riu với nồi cơm lúa mới chiều mưa rả rích mà má vừa nấu chín cho cả nhà. Bữa cơm dọn trên bộ ván trong góc nhà bếp, cả nhà quây quần dưới ánh sáng ngọn đèn dầu vặn cao bấc trong khi ngoài trời thỉnh thoảng vọng lại tiếng sấm và ánh chớp rạch bén ngót màn mưa tháng Bảy rả rích.

Đêm nay, hai người bạn ngồi bên nhau nơi chỗ hẹn hò của mình nhìn về vầng sáng dinh Ông với những câu chuyện không đầu đuôi của tình yêu chớm nở. Họ không cầm tay nhau và cũng không có nụ hôn trên má rám nắng lúm đồng tiền duyên dáng của cô gái, dù tiếng trống chầu văng vẳng thôi thúc và rạo rực. Họ mơ mộng về buổi sáng đám rước dâu có những đứa trẻ tóc cháy nắng vì cả ngày dầm mình trong nước biển chạy theo hò reo, về đổi thay của đời mình và của quê nhà. Quê nhà họ không từng bước đổi thay đó sao? Từ con đò chèo đến những chiếc ghe nặng nề với cánh buồm đệm rủ xuống sau mưa, rồi cánh buồm vải nhẹ tênh bọc gió căng phồng cho đàn hải âu lượn quanh cột buồm… Rồi thuyền máy nhỏ… Rồi thuyền máy lớn... Và hôm nay là tàu thuyền đánh bắt khơi xa với trang thiết bị phục vụ đánh bắt hải sản hiện đại.

Những hẹn hò vào đêm trăng bao giờ cũng lãng mạn và thơ mộng nhất. Từ nơi hẹn hò trên đồi cát của mình, tầm mắt hai người bao quát cả xóm làng bên dưới, thấy cả con sông uốn cong quyến luyến bãi bờ trước khi ra biển.

Khi ánh trăng vừa ló lên từ vạt rừng thưa phía xa, nhuộm ánh vàng lên triền cát thoai thoải, đổ dài theo những đường cong mềm mại của đồi cát, làm sáng lên những mái ngói mái tôn chen chúc bên dưới chân đồi. Một đám mây vắt ngang làm màu trăng ngừng trôi rồi đột nhiên ánh sáng bừng lên, soi rõ trên sông một con đò nhỏ lửng lờ, trên con đò nhỏ mờ ảo bóng một người cầm chèo và một người vãi lưới chụp ánh trăng.

Bao giờ nhìn cảnh vật từ đồi trăng, hai người cũng lâng lâng với đầy ắp tình cảm yêu thương quê hương của mình.




VVM.27.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .