Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

LỐI ĐI



                                 

H ọ chăm chăm nhìn nhau, cố tìm những đường nét, tính cách ngày xưa của nhau. Vẻ thơ ngây của những cô học trò hoàn toàn biến mất. Thay vào đó là bước -chân -thời -gian –đời- người đã in đậm dấu trên mỗi khuôn mặt: Hạnh phúc và khổ đau, ngọt ngào và chua chát, cay đắng và mặn nồng, vinh quang, thất bại, hi vọng, chán chường, mỏi mệt, muộn phiền…

Phải đến chừng tiếng đồng hồ sau, từ trong cái hang quá khứ sâu hun hút, những kỉ niệm ngày xửa ngày xưa mới được kéo ra, rôm rả muốn bể tung căn nhà của Thụy, hình ảnh mỗi đứa mới tái hiện, rõ dần trong mắt nhau. Năm người đàn bà cỡ tuổi ngũ tuần bỗng trẻ lại… Bé thơ… Bây giờ thì đứa nào cũng mặc áo dài trắng lóa, tóc thề e ấp bờ vai. Đứa nào cũng mắt sáng long lanh, nụ cười rạng rỡ dệt mộng.

_Mấy thằng kia chưa tới. Tụi mình tha hồ thoải mái.

_ Những thằng nào vậy?

_Thằng Việt, thằng Xuân, thằng Võ. À, thằng Việt  mới lên chức ông nội, cùng lúc với chức hiệu trưởng một trường học khá bề thế!

_ Tao không hình dung nổi tụi nó bây giờ ra sao!

_ Ê, bọn bây còn nhớ lần tập kịch ở nhà con Liên, thằng Xuân đóng vai Từ Hải chết đứng giữa trận tiền. Đang chết nhưng thằng Xuân quất  hết trơn nải chuối treo toòng teng ngay trên đầu  mà con Liên vẫn chưa chịu chạy ra quỳ phục khóc than cho nó ngã xuống. Nó đứng than trời vì chẳng còn cái gì để ăn.

Năm cô học trò trung học bò lăn ra cười,  âm thanh của những cái thùng loa được vặn hết cỡ!

Sang chuyện gia đình của mỗi người đàn bà. Chồng làm gì, con cái học hành ra sao.  Bốn người đàn bà hình như rất hài lòng với các đấng phu quân của mình, không biết đó là sự thật, hay mảng tình bạn học trò ngây thơ của ngày xưa và cuộc gặp lại trong chóng vánh phút giây sau những tháng năm dài, chưa đủ để họ thấu hiểu, tin cậy nhau mà trang trải nổi lòng? Thu ngồi im, cô chẳng hứng thú gì với đề tài mà cô chỉ là người ngoại cuộc. Thậm chí  cảm thấy hơi khó chịu.

Bỗng có khoảng lặng. Những người đàn bà hiện tại chợt nhìn nhau. Ngỡ ngàng và ngậm ngùi. Biết bao đổi thay, biến cố đã đi qua mỗi cuộc đời!

Nhan nhai rau ráu ngon lành, cắt ngang dòng hồi tưởng của mọi người, giọng đãi ra dài thoòng:

_ Chèng ơi, cà na ngon hết biết!

Trên bàn la liệt những dĩa trái cây, mứt …Chưa dĩa nào vơi. Ngày xưa, chỉ cần mười lăm phút, các món  thức ăn hấp dẫn nầy đã hết veo, chui ngay vào nằm gọn trong bao tử các cô học trò. Thu phát hiện điều đó. Thế là chuyển qua đề tài ăn uống. Hương thơm của những món ăn trong hoài niệm dường phảng phất đâu đây, mê ly: Tô don nóng hổi cay xè ăn với bánh tráng nướng vàng giòn rụm, bánh xèo, chè thập cẩm, ô mai …Hồi xưa ăn cái gì cũng thấy ngon, ăn đến nứt bụng cũng còn thèm.

Kim chép miệng:

_ Hồi đó vô tư  ăn  uống, giờ ăn gì cũng sợ. Sợ mập, sợ tiểu đường, sợ bệnh tim mạch…

Thúy xen vào ngay:

_ Mình bị đường trong máu…

Nhan  rầu rĩ kể :

_ Tao cứ bị bốc hỏa…

Thu:

_ Còn mình đang bị chứng rối loạn tiền đình hành hạ…

Năm bà già sôi nổi đua nhau khai bệnh. Mỗi bà ít ra cũng có được vài ba bệnh để khoe. Xa lắc xa lơ thời túm tụm lại thì thầm chuyện khó nói của con gái, rỉ tai nhau những cảm xúc xôn xao nhẹ nhàng đầu đời, rúc rích cười những lời tỏ tình ngây ngô vụng dại, tò mò tọc mạch mấy cái đuôi lúc tan trường.

Tiếng xe trước cửa ngắt chuyện của các bà. Năm cô bé nhìn ra. Thụy thì thầm:

_  Thằng Việt!

Kim đề nghị, ê, tụi mình một hai ba chào ông nội nghen.

Việt vào, được các cô học trò cùng lớp long trọng đứng dậy, đồng thanh hô to:

_ Chúng cháu kính chào ông nội ạ!

Ông nội ngồi xuống, thong thả thay cặp kính mát bằng cặp kính viễn. Những người đàn bà chăm chăm tìm hình ảnh thằng Việt qua ông nội, ngài hiệu trưởng lạ huơ lạ hoắc đang ngồi trước mặt. Ông ta cao lớn, da hơi ngăm, phong cách lịch duyệt. Cũng còn may, giọng ông nội không thay đổi mấy, vẫn ấm nồng, âm vực vẫn rộng như xưa.

Lâu lắm, cố gắng lắm, chật vật lắm, thằng học trò Việt mới lò dò bước ra. Nó mặc đồng phục quần xanh áo sơ mi trắng đóng thùng, cao cao ôm ốm, trắng trẻo, hiền lành, trời mưa đi dù đen, trời nắng che đầu bằng mấy cuốn tập. Một chiều đông, bầu trời thấp nặng xám xịt, hai hàng liễu trong sân trường nhòa nhạt trong màn mưa, cuối giờ học Anh văn của cô Minh, chàng Việt làm xao xuyến bao trái tim dễ run rẩy của các nàng trong lớp với bài hát: “Cuối cùng cho một tình yêu” của Trịnh Công Sơn. Chưa hẳn các cô bé mê người hát. Chỉ tại bài hát hay quá mà giọng hát thì ấm quá, sao khỏi nao lòng? Thúy nhắc lại kỉ niệm đó, cả bọn bồi hồi. Tiếng hát củaViệt bỗng vượt qua chiều dài vời vợi thời gian và không gian, rõ mồn một “Ừ thôi em về , chiều mưa giông tới…”

Việt trầm ngâm nhìn từng người. Hẳn chàng cũng đang cố gắng tìm bóng dáng các nàng thiếu nữ ban C lãng mạn của thuở cách đây khoảng ba mươi năm.

_ Nè, còn nhớ  bổn cô nương không?

_ Bộ quên bạn cũ rồi hả? Chời chời, người đâu bạc bẽo!

Việt cẩn trọng lấy kính xuống, rút khăn tay ra lau lau rồi nhẹ nhàng đặt lại lên mũi, cau mày nhíu mắt nhìn kĩ từng người đàn bà đang hăng hái dồn mình vào chân tường trí nhớ. Thụy lần lượt kích hoạt trí nhớ của Việt: Cái đứa ngồi góc ngoài bàn đầu…Nó đóng vai Trưng Nhị…Con nầy đọc tiếng Pháp hay nhất lớp, vẫn được thầy Tiên khen…Con kia …Việt bỏ kính xuống, mặt giãn ra.

Nhan lém lỉnh trêu Việt, bắt chàng thư sinh nhút nhát trả lời câu hỏi hóc búa:

_ Ê Việt! Hồi đó mầy yêu ai, có yêu đứa nào đang ngồi đây không, tao có may mắn lọt vào cặp mắt  đen của mầy không? Nói thiệt nghe coi!

Việt cười mím chi, đầy bí ẩn. Thu nhéo tai Nhan:

_ Sao Nhan cứ mầy tao với Việt thế?

Nhan cười:

_ Tao khoái kêu mầy tao lắm, sướng cái miệng vô cùng!

Việt gật gù:

_ Ừ, đồng ý với Nhan, được bạn cũ gọi mầy , mình cảm thấy trẻ lại, thích thật!

Hai chiếc xe máy dừng trước nhà, cả bọn nhốn nháo nhìn ra.

        Chẳng dễ dàng để Thằng Xuân thoát khỏi cái vỏ của một quý ông mập mạp trắng trẻo, tóc hoa râm, mặt nhiều nếp nhăn, đeo kính hai tròng gọng vàng. A! Đúng Thằng Xuân đây rồi, mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ,  vui vẻ chan hòa, nhanh nhẹn tháo vát, sốt sắng mọi việc của lớp! Kìa, chính xác là thằng Võ, đang hồn nhiên tủm tỉm cười, chân chất hiền lành, ráng giấu chiếc răng cửa bị sún ! Dĩ nhiên thằng Võ cũng khó khăn lắm mới xuất hiện được bên cạnh người đàn ông tầm thước, da sậm, nở rộng nụ cười tươi roi rói, khoe hai hàm răng trắng đều tăm tắp!

An tọa rồi mà hai anh chàng vẫn còn bỡ ngỡ, lớ nga lớ ngớ, cứ lom lom dòm các bạn. Mọi người phải huy động khá nhiều chi tiết liên quan, hoặc vài nét lí lịch trích ngang đặc biệt nào đó để giúp Xuân và Võ … Cũng hay, chính nhờ trò chơi nầy, năm cô bé học trò xuất hiện khá nguyên vẹn hình hài: Thụy yểu điệu với dáng người mảnh mai bé nhỏ và cái răng khểnh có duyên mê hồn. Thúy cái nhìn sâu sắc, dịu dàng với chiếc khăn quàng cổ màu trắng thả dài tận eo, mái tóc mượt mà ngang vai buông rèm hai bên má, yêu kiều quyến rũ. Thu đôi mắt thật to, lông mi dày rợp nhìn nghiêng trông như đôi cánh bướm, khuôn mặt thanh tú, giỏi Anh văn nhất lớp. Giọng ca ngọt  lịm mật ong của Nhan làm mùa hạ mát dạ và mùa đông ấm lòng. Kim chiều cao thiếu, bề ngang lại thừa, hay mặc áo len màu đỏ, ngồi ở bàn đầu góc ngoài cùng, thuờng bị thầy cô la vì cái tội ưa chống cằm ngắm mây bay ngoài cửa sổ.

Bọn con gái xuống bếp bưng thức ăn lên, nhưng xem ra ăn không nhiệt tình bằng nói. Cánh thiếu nữ ra sức tranh giành nhau nói, ra sức hành hạ sáu cái lỗ tai tội nghiệp của ba gã thư sinh đáng thương. 

Xuân nhỏ nhẹ đề nghị:

_ Mấy bà muốn  tụi tui ra chợ mua thêm con vịt không ?

Các nàng đồng loạt giơ nắm đấm dứ dứ trước mặt Xuân. Xuân sợ quá chui tọt xuống gầm bàn, cầm theo chén bánh bèo, lóng ngóng va vào ghế, ngã sóng soài, kiếng rơi khỏi mắt nhưng hai tay vẫn khư khư ôm chặt chén bánh bèo! Trận cười nổ ra, trời nghiêng đất lỡ.

Câu hỏi hóc búa hồi nãy Việt chưa chịu trả lời, lại được đặt ra cho Xuân và Võ. Hai chàng cũng khôn ngoan chả kém. Không hẹn mà gặp, lại nụ cười mím chi đầy bí ẩn.

Nhan cao giọng:

_ Võ! Nói gì đi chứ! Từ lúc vô nhà tới giờ mầy không nói tiếng nào là làm sao hử?

Võ nở rộng nụ cười, trông hiền queo, giản dị thật thà:

_ Nghe các bạn nói mình thấy vui quá rồi.

_ Võ được mấy cháu?

_ Hai cháu: Một gái một nữ!

Lại cười rần rần:

Xuân trầm tư: “Các bạn còn nhớ giờ học cuối cùng với thầy Huỳnh? Thầy bảo mỗi người viết ước mơ của mình vào giấy, nộp cho thầy? Thầy nhờ mình mở hộ. Nghề giáo hình như nhiều nhất.” Kim ngẩn ngơ, hình ảnh lớp học thoắt ẩn thoắt hiện, mờ nhạt như  khói như sương: “ Ủa, sao Xuân nhớ nhiều quá vậy, mình phục lăn, vậy bữa đó mình mơ gì?” “Tếu thiệt,  chuyện của bà mà bà không nhớ, lại đi hỏi tui! Nè, bà nói bà thích làm cô giáo ở hải đảo xa.” Kim lắc đầu chịu thua, mơ làm cô giáo thì có, Kim đã đi đúng con đường mình đã hình dung từ bé, nhưng cái dzụ hải đảo xa nghe ngộ đời quá. Xuân tiếp: “Nhan thích làm phát thanh viên. Thu muốn trở thành dịch giả…”

Những người già ngồi im, ngẫm lại con đường mình đã đi và đang đi. Thời tuổi trẻ, ai lại không ấp ủ những ước mơ trong trẻo, những hoài bão ngát xanh. Nhưng giờ đây, qua  mỗi ngã rẽ số phận, mấy ai bằng lòng toại nguyện? Ngày đó Xuân làm sao tưởng tượng nổi ngày nay mình là một ông chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quí trong cái thành phố chật chội nhưng bao dung nầy, tối ngày mê mải tính toán tiền nong, theo dõi sát sao giá vàng và ngoại tệ. Những vần thơ tưởng sẽ chấp cánh bay khắp thế gian đành rơi rụng, lãng quên theo từng khúc đường rong ruổi kiếm sống, lo toan làm giàu. May ra còn sót lại dăm câu thì lại nằm im dưới đáy két sắt.

Tập nhạc tình yêu mà Việt  đã thức trắng bao đêm liền, nắn nót sáng tác cho cô bạn cùng trường bằng trọn vẹn trái tim thơ trẻ ấm nồng, giờ chỉ còn là một chút hoài niệm dễ thương. Thuở đó, khát khao của Việt là sẽ trở thành nhạc sĩ. Và trong chặng đường qua, những lúc thảnh thơi hiếm hoi, Việt cũng đã từng hăm hở sáng tác. Bao lời ca, nốt nhạc nhảy múa trong đầu nhưng khi ngồi vào bàn thì chúng lại muốn trêu ngươi anh, cứ rối tinh rối mù lên. Lực bất tòng tâm. Riết rồi Việt nản. Thêm vào đó, công việc cứ dồn dập, cứ cuốn đi. Đến giờ phút nầy xem ra anh đã hoàn toàn từ bỏ giấc mộng đẹp ngày xưa. Thỉnh thoảng Việt man mác buồn khi nhớ việc vua Phổ trước khi chết, cầm tay Mozart nói: “Ta tiêu biểu cho trật tự, người tiêu biểu cho cái đẹp. Biết đâu hậu thế sẽ quên ta và nhắc nhở đến người.” Ôi! Biết làm sao được! Thôi thì có lẽ mỗi người chỉ có thể đi trên một con đường để tới đích an toàn, Việt tự an ủi mình.

Thu lên tiếng:

_ Chẳng biết những người vắng mặt hôm nay, giờ họ như thế nào?

Võ lúc nầy mới góp chuyện:

_ Huy mất hồi năm ngoái vì tai biến mạch máu não, các bạn biết không?

Thụy thốt lên:

_ Dạ Thảo cũng không còn nữa, bị ung thư bao tử!

Việt trầm giọng:

_ Năm ngoái về quê, mình có đi thăm mộ Hồng Hạc…

Khoảng lặng như  đặc quánh lại. Cái chết dễ làm ngậm ngùi lứa tuổi chênh vênh bóng xế. Nhất là cái chết của bạn bè đồng trang lứa. Kim nói nhỏ, giọng rưng rưng xúc động: “Các bạn ơi, mình nhớ quê nhà, nhớ trường lớp quá, nhớ tất cả…”

Việt nâng ly, phá tan bầu không khí u hoài:

_ Nào! Nào! Chúc mừng cuộc tao ngộ, chúc mừng mỗi chúng ta còn khỏe mạnh!

Thoắt cái đã năm giờ chiều. Đã đến lúc những người cất giữ những hình ảnh tuổi thơ của nhau phải chia tay. Các cô cậu học trò vẫy tay chào những người đàn ông đàn bà rồi lùi lại, khuất dần sau cánh cửa lớp học nằm đầu dãy trái của một ngôi trường mờ xa trong kí ức ở một tỉnh lẻ miền trung.

Kim vội vàng dắt xe. Nhà cô ở ngoại thành, vùng đất liền. Cô chưa bao giờ biết đến cái hải đảo xa gần nào. Ngày mai cô  lại tiếp tục lên lớp. Công việc đều đặn đến đơn điệu của một giáo viên. Công việc mà cô đã làm đến mòn vẹt đời mình. Nghĩ tới cuộc sống sôi động của Thu, Kim càng nhận ra đời mình bé nhỏ chật hẹp, tẻ nhạt mỏi mòn. Quãng đường qua, cô cũng từng háo hức mê say nghề dạy trẻ, nhưng mấy năm gần đây, nhiều lúc cô chán chường mỏi mệt. Mỗi khi rơi vào trạng thái đó, cô lại hình dung tới dáng vẻ, lời nói của thầy Huỳnh khi  diễn giải từ  monotone… Cô còn nhớ như in lúc ấy, cô nghe rất rõ âm thanh những giọt mưa chiều rơi đều đều trên mái lá. Cô thấy được điệu vũ duy nhất của những bóng nắng trưa rung rinh chập chờn dưới gốc phượng già… Phải chăng lúc ấy cô đã dự cảm đời mình? Có lần cô tâm sự điều nầy với chồng. Anh bảo, tại cô không chịu làm mới công việc của mình, tỉ như đồ gỗ, đồ kim loại…thỉnh thoảng phải đem ra lau chùi, đánh bóng thì chúng mới đẹp. Con dao dù sắc đến cỡ nào, dùng mãi cũng phải cùn. Cùng là thịt heo, nhưng ngày nào cũng luộc thì chán chết, người làm bếp khéo léo phải biết kho, xào, chiên, nướng…Kho thì có nhiều cách kho, nướng có nhiều cách ướp…  Thôi, giờ cô chẳng còn sức để mà rẽ lối. Muốn khỏi héo hon, cô chỉ còn cách là phải năng đánh bóng, mài giũa, phải biết làm sáng lên công việc của mình.

Võ cũng nhanh chóng đứng dậy, anh phải lái xe khoảng năm mươi cây số mới về tới nhà. Một nữ, một gái ngoan ngoãn và người vợ hiền thục chắc đang ngóng trông anh. Tối nay Võ có lớp dạy kèm nên không thể nấn ná chần chừ được dù anh rất muốn.

Nhan thong thả bắt tay tạm biệt từng người, cẩn thận nhét chiếc ví căng phồng tiền vào cốp xe. Nghĩ đến lát nữa sẽ tung tăng mua sắm, cô thú vị lắm. Cuộc sống gia đình cô bình yên, không có gì phải bận lòng lo lắng. Cô lướt xe đi nhẹ nhàng, nhoẻn cười vô tư sung sướng.

Thúy nghĩ đến truyện ngắn cô sẽ viết đêm nay, lòng bỗng nôn nao hạnh phúc. Cuộc  họp mặt nầy cho cô nhiều vấn đề để suy gẫm. Thúy đã in được mấy cuốn truyện. Giấc mơ thầm kín của cô đã trở thành sự thật. Cô vẫn đang viết, bút lực dồi dào. Thúy tưởng tượng nếu cô không viết, đời cô sẽ nhạt nhẽo buồn tẻ biết bao, như cà phê thiếu nhạc, như phở thiếu rau quế, ngò gai. Cô đã trót mắc nợ văn chương, món nợ tự nguyện, món nợ yêu thương. Món nợ  không bao giờ trả hết được. Và  trả càng nhiều  thì càng thêm vui. Thúy đã từng vừa cho con bú, vừa cầm bút viết văn, có lúc sữa chảy ướt đẫm áo, con cô ngoẹo đầu ngủ đến tội nghiệp mà cô không hay. Thêm vào đó, cuộc vật lộn mưu sinh không kém phần gay gắt cũng chẳng bao giờ dập tắt được ngọn lửa ước mơ cháy bỏng bất tận trong cô. Cả phần đời qua, cô đã thầm lặng, kiên nhẫn, nỗ lực với công việc đầy ắp sức đam mê mãnh liệt  mà cũng lắm nổi vất vả gian truân nầy. Những đêm khuya khi chồng con đã ngon giấc, cô nhẹ nhàng bò dậy cặm cụi viết, say sưa trong nhọc nhằn và hạnh phúc… 

Phải chăng khi có niềm vui sáng tạo, cuộc sống tăng bội phần hương sắc?  Quả thật đây là phần thưởng, là sự đền bù xứng đáng mà hơn ai hết cô hiểu rằng không có tiền bạc nào có thể mua được.

Buổi chiều hơi lạnh và ẩm ướt gợi Xuân, Việt thèm nhâm nhi giọt cà phê. Đặc biệt, dư âm cuộc gặp gỡ thú vị còn đang ấm nóng mà dở dang cũng uổng. Chuyện của mấy mươi năm chỉ trong vài tiếng đồng hồ khiến người ta vẫn còn thòm thèm.

Thu ra về sau cùng. Rồ ga lên, Thu chưa biết mình nên đi đâu. Bạn bè đứa nào cũng phải lo cho gia đình. Lúc nầy là giờ cơm nước, đoàn tụ sau một ngày làm việc. Thật quái gở nếu tới quấy rầy họ. Hình ảnh Thụy bé nhỏ dịu dàng đứng nép bên chồng tiễn bạn gợi Thu hình dung căn phòng lạnh lẽo của mình mà nghe lòng buồn như trấu cắn. Nghĩ đến những ngày tới, những chuyến đi trong nước và ngoài nước, cô thấy hứng thú đã giảm nhiều.

Khép cổng lại, Thụy vào nhà dọn dẹp, chuẩn bị làm cơm tối. Công việc một ngày như mọi ngày. Công việc đã kéo dài suốt cả cuộc đời người nội trợ quẩn quanh bất tận của cô. Tay cô thoăn thoắt. Những động tác cô đã thuộc nằm lòng. Thậm chí nhắm mắt cô cũng làm được. Ngày nao ngọn lửa ước mơ nghiên cứu văn học đã từng thắp sáng trái tim cô nhưng rồi tất cả lụi tàn dần theo bao tháng năm cô làm vợ làm mẹ. Có chăng đó là ánh lửa đỏ hồng trong lò than cô đã từng quạt lên để hơ háp cho bốn đứa con.  Giờ đây cô đã có một gia đình mà nhiều người phụ nữ mơ ước: Nhà cửa bề thế, sinh kế ổn định, chồng cô hiền hậu thủy chung, các con cô hiếu thuận thành đạt. Vậy sao chiều nay lòng cô bỗng chơi vơi buồn mênh mang? Phải chăng trong cuộc gặp gỡ hôm nay, Thụy mới nhận ra mình đã bị bào mòn đến trơn tru nhẵn bóng, chẳng thể tìm đâu ra một chút xíu sù sì sần nhám nào. Có sợi khói nào vừa vương vào mắt cô, nong nóng cay cay. Cô cúi mặt, nhè nhẹ thở dài.


 


VVM.24.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .